Những Thứ Biết Đá
ất Sal cũng giống như một danh sách dài những điều tồi tệ, và một trong những điều tồi tệ nhất là tôi phải về nhà một mình, đi ngang ông già điên nơi góc phố.
Ông ta xuất hiện vào khoảng đầu năm học, khi tôi và Sal thường đi bộ về cùng nhau. Vài đứa trẻ gọi ông ta là ông Quạc, hay “quàng quạc.” Một số khác gọi ông ta là “gà đá” vì ông ta thường đá chân vung vẩy như thể muốn đá vào những chiếc xe đang lao vun vút trên Đại lộ Amsterdam. Đôi khi ông ta giơ nắm đấm lên trời và gào lên những câu điên khùng như: “Đám cháy lớn cỡ nào? Mái vòm đâu rồi?” Sau đó ông ta ngửa đầu ra sau, bật lên những tràng cười điên dại với cái miệng há to đến mức người ta có thể thấy nguyên hàm răng của ông. Và ông ta luôn đứng ở góc đường của chúng tôi, hoặc đôi khi nằm ngủ, chui đầu phía dưới thùng thư công cộng.
“Đừng gọi ông ấy là Quạc,” mẹ bảo, “Đó là một cái tên kinh khủng dành cho một con người.”
“Ngay cả với những người hay kêu quàng quạc ư?”
“Mẹ không quan tâm. Nhưng gọi như thế vẫn rất kinh khủng.”
“Chà, thế mẹ gọi ông ta là gì?”
“Mẹ không gọi ông ta là gì cả,” mẹ nói, “Nhưng mẹ nghĩ đó là một ông-già-hay-cười.”
Những ngày thường đi học về chung với Sal, tôi dễ dàng giả vờ như ông-già-hay-cười đó không nhìn mình, bởi vì Sal cũng giả vờ như thế. Dù cố gắng không bộc lộ ra nhưng cậu ấy vẫn hoảng sợ khi ông-già-hay-cười giơ nắm đấm lên trời và đá chân ra đường. Tôi có thể thấy rõ điều đó qua nét mặt như đông cứng của Sal. Tôi biết tất cả mọi biểu hiện của cậu ấy.
Tôi thường nghĩ về Sal như một phần của mình: Sal và Miranda, Miranda và Sal. Tôi không thực sự hiểu rõ cậu ấy, nhưng đó là cảm giác của tôi.
Khi chưa đến tuổi đi học, tôi và Sal được gởi đến một cô giữ trẻ ở tầng trệt tòa nhà. Cô ấy nhặt được những mẫu thảm ở một cửa hàng bán thảm trên Đại lộ Amsterdam và ghi tên mỗi đứa trẻ lên một tấm thảm. Sau bữa ăn trưa, cô ấy trải thảm cho chúng tôi ngủ ngay phòng khách. Tôi và Sal luôn luôn xếp hai tấm thảm tạo thành một góc vuông.
Có lần, Sal bị sốt phải nghỉ học và bác Louisa phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc cậu ấy. Vào giờ ngủ trưa, cô bảo mẫu phát thảm cho tôi. Sau khi suy nghĩ một chút, cô đưa luôn tấm thảm của Sal cho tôi.
“Cô biết con cảm thấy thế nào, bé ạ!” Cô nói.
Và tôi trải hai tấm thảm thành góc vuông, nằm đó nhưng không ngủ bởi vì không có ai chơi trò cọ chân với mình cả.
o O o
Lần đầu tiên xuất hiện ở góc đường vào mùa thu năm ngoái, ông-già-hay-cười luôn lẩm bẩm trong miệng: Sách - Bao - Túi - Giày - Sách - Bao - Túi - Giày...
Ông ta lảm nhảm như đọc thần chú: “Sách - Bao - Túi - Giày - Sách - Bao - Túi - Giày...” Và đôi khi ông ta đấm thẳng vào đầu mình. Tôi và Sal thường tỏ ra say sưa nói chuyện và làm như thể chúng tôi không quan tâm đến ông ta. Thật điên khi một người cố gắng tập trung vào chuyện gì đó để giả vờ không quan tâm đến chuyện khác.
“Theo chú thì tại sao ông ta lại chui đầu xuống dưới thùng thư mà ngủ thế?” tôi hỏi chú Richard khi mới gặp ông-già-hay-cười và còn đang cố tìm hiểu về ông ta.
“Chú không biết nữa,” chú Richard rời mắt khỏi tờ báo, ngẩng lên nhìn tôi, “Có thể là để không ai đạp vào đầu ông ấy chăng?
“Buồn cười thật. Thế còn “Túi Giày” là gì hở chú?”
“Túi Giày,” chú Richard làm mặt nghiêm trọng, “Danh từ: Chiếc túi mà trong đó bạn bỏ một chiếc giày dự phòng, trong trường hợp có người ăn trộm một chiếc giày của bạn trong khi bạn đang ngủ, chui đầu bên dưới thùng thư.”
“Ha ha ha,” tôi bật cười to.
“Thôi nào, Ngài Hoàn Hảo,” mẹ xen vào, “Anh có một bộ óc tự điển đáng ngạc nhiên đấy...” Ngày hôm đó mẹ đang vui vẻ.
Chú Richard mỉm cười vỗ đầu gối phải của chú rồi quay lại với tờ báo.
Người Bạn Bí Ẩn Người Bạn Bí Ẩn - Rebecca Stead Người Bạn Bí Ẩn