Chương 6
ột bóng người thấp thoáng làm cho Khải ngóc đầu trông ra cửa. Đó là Phương, em con chú của chàng.
- Ông anh nằm khàn thế thôi à?
- Kìa, chú!... - Khải vừa nói vừa ngồi dậy - Vào đây.
Chàng lấy tay che miệng ngáp rồi nói:
- Hôm nay, cảnh trời buồn quá!
- Buồn thật! Hay là ta đi chén vậy?...
Khải chợt nhớ lời dặn đi dặn lại của ông cụ lang, vội từ chối:
- Đánh chén vào lúc này thì khoái thật; tiếc rằng tôi, từ hôm lên, trong người vẫn chưa được khỏe hẳn.
- Cần gì; cứ mặc áo đi với em một lúc.
- Để khi khác vậy. - Khải rót một chén trà và đẩy trước mặt Phương - Chú uống nước...
- Bác để mặc em! Hãy làm một điếu thuốc lào đã...
Khải hỏi, trong khi Phương nạp thuốc vào nõ điếu và châm đóm:
- Thế nào, dạo này săn bắn có được gì không?
- Em ấy à? - Phương vừa nhả khói vừa lắc đầu lia lịa - Còn làm gì... ra thời... giờ mà đi bắn! Phương uống một ngụm nước: - Bác tính, từ tết đến nay, em chẳng đêm nào là đêm không mắc cái nạn tổ tôm. Hết bà nghị Nhân gọi thì lại đến quan Phủ sai lính ra mời; em cứ phải lẩn hơn trạch mà không thoát. Nghĩ cũng rầy lắm kia: Mình nhất định cứ từ chối, người ta lại cho mình là coóc, là đá; mà chơi thì ha... ao lă... ắm! Mỗi bận nướng vài ba chục là thường... Cũng may, dù có đét, em vẫn chưa đến nỗi phải bỏ vốn nhà. Cứ nguyên chỗ tiền em bán nai và hổ, bắn được dạo trong năm, cũng thừa đủ cho em đóng góp với họ...
Khải bất giác mỉm cười: Chàng nhớ mang máng đã nghe ở đâu rằng, tuy gặp ai hắn cũng khoe ầm ĩ những cuộc săn nguy hiểm của hắn, anh chàng Tartarin này, thực ra chỉ vác súng vào rừng nằm bẹp gí ở một nhà Mán nào đó, chờ một tay thủ hạ bắn được về thì ăn sẵn, thế thôi!
- Bác không biết chứ... - Phương có ý mích lòng vì cái cười của Khải - Hồi tháng Chạp vừa rồi, em đã làm được những bốn nai, một gấu và một hổ, ấy là chưa kể gà với cày vòi lặt vặt... Vẫn chưa thấy Khải thực tin mình, Phương tiếp theo, chưng ra nhiều chi tiết để làm chứng: - Cái da hổ, em bán được tám chục. Còn là ít đấy, mọi khi là cứ gọi là trăm rưởi bạc. Bộ xương nó, lão khách Cám Hếnh vật nài mãi, em phết cho ba chục. Thịt hổ và thịt nai đem ra chợ, mấy cũng ít! Nhưng, mỗi lần bắn được em không ăn cả; em biếu mỗi nhà một ít... Ấy cũng là một cách gây cảm tình để khi nào mình cần đến họ. Ở đời, người ta lắm lúc không thể không giả nhân giả nghĩa được! Mà cái trò đời, nghĩ thật là khỉ! - Phương chống hai khuỷu tay xuống gối, vẻ mặt làm ra như đã chán ngán và mệt mỏi đến cực điểm. - Như con mẹ nghị Nhân chả hạn; trước kia, hồi mình còn phải thuê nhà của nó, mình thử cứ chịu tiền lại độ một nửa ngày thôi, xem nó có làm cho đến sủi bong bóng bọng tim ngay lên không! Bây giờ thì sớm mời tối mời, một điều ông phán hai điều ông ký... Phán ký cái con lườu! Mình giá không vớ được mấy món thầu phất hơn vạn bạc, thì có mà đợi đấy...
Khải đưa đà, trong khi óc chàng nghĩ về việc khác:
- Nghề đời vẫn vậy chốc!
- Lão nghị còn tán tỉnh dè em chung vốn với lão cho xe chạy con đường Tuyên Quang - Chiêm Hóa. Nhưng đệ thèm vào! Cái nghề ô tô cà rỉ ấy, đây ngọng gì mà phải dựa lưng anh nào mới làm nổi!...
Chẳng những chỉ một cái nghề chạy ô tô hàng, bất cứ nghề nào Phương cũng tỏ ra thành thạo. Chàng thanh niên này thuộc vào một hạng mà ta gặp nhan nhản trong xã hội, cái hạng người không điều nào là không biết. Phương có thể nói vanh vách những chuyện trong quan lại giới, đọc cả tên họ và chỉ rõ nơi đương trọng nhậm của ông Tuần này hoặc ông án nọ; có thể giảng một hơi luôn mấy tiếng đồng hồ cho một nhà buôn, một tay doanh nghiệp, một nhà văn, một chủ gà nghe về các mánh khóe họ cần phải hiểu thấu để trở nên lành nghề. Thấy ai cơ nhỡ, Phương sẵn sàng phung phí không tiếc nhưng câu ngọt ngào an ủi, lại vui vẻ hứa giúp tiền để khi người ấy có đến tìm thì, mươi lần như trăm lần, "Ông ký tôi vừa chạy đâu ấy!" Phương rất hay làm mặt hào phóng, coi đồng tiền như rác, nhưng nếu, nhỡ ra, chàng phải mời một người bạn vào hàng rượu ông Tư phở, hay xuống trọ hát chị Tham Hoàn, chàng sẽ chi ly từng xu nhỏ, và khéo cắt nghĩa sự bủn xỉn ấy bằng một câu róc mấu: "Tội gì mang tiếng quých! Thời buổi này, đồng tiền kiếm ra khó lắm; mình rộng rãi không phải lối, thiên hạ nó cũng chửi cho!". Phương nhất định cứ có lý, trong bất kì trường hợp nào, và đe sẽ "đạp vỡ mặt thằng nào dám nói ngang, cho mà xem!" Phương dọa thế thôi, chứ cũng chưa "thằng nào" bị "vỡ mặt" hết. Dù sao, nhiều anh vẫn rợn. Là bởi chàng có một thân thể vạm vỡ, cao lớn, một bộ ngực "vuông góc bánh chưng", mặt màu da ngăm ngăm của người lực sĩ.
Chừng nhận thấy nói về mình như vậy là quá nhiều, Phương xoay sang Khải:
- Thế nào?... Em chưa được hỏi kỹ bác: mấy năm trời ở Hà Nội có dễ chịu không?
- Thường vậy.
- Thế mới biết, con người ta chung quy tự số cả. Như bác chẳng hạn; kể về tài học, em chỉ đáng là học trò của bác. Lại còn nhiều đứa kém hơn nữa. Vậy mà, tất cả đều sống phong lưu, trong khi bác quanh năm chịu túng bấn.
- Giàu nghèo thì cũng đến ngày ăn hai bữa, và chờ khi nhắm mắt buông tay cả, chứ gì!
- Đành rằng thế, nhưng bị kém cạnh thiên hạ, lắm lúc cũng cáu!
- Đấy là một điều chẳng bao giờ tôi nghĩ tới. - Khải hối ngay rằng mình vừa nói sai sự thực - Hay hoặc có nghĩ tới thì cũng nghĩ theo lối khác kia. Nhân tiện, tôi hỏi chú: người ta cớ sao cứ phải dòm giỏ kẻ khác? Tôi giàu, sự giàu của tôi liệu đã ích lợi gì cho ai; ấy là chưa nói đến những tai hại mà kẻ khác đã è cổ ra chịu đựng do chính ngay sự giàu ấy. Và, nghèo kiết, tôi có bắt ai chia với tôi sự cực khổ bao giờ?
- Theo ý em, sự dòm giỏ của người ta chỉ là một thói quen...
- À, nếu nó chỉ là một thói quen, người ta nên mau mau tự chữa khỏi ngay cái thói quen ấy đi, vì nó có thể chữa được. Nó khốn nạn lắm; nó hạ giá người ta không biết chừng nào! Hai nữa, nó khiến người ta càng ngày càng hèn nhát, đến nỗi suốt đời không dám một phút giây nào sống cho mình, và giả dối bằng cách chỉ sống dựa theo ý muốn của anh hàng xóm.
Khải ngả mình xuống chiếu, tỏ ý chấm hết câu chuyện đã bắt đầu gay go. Phương đứng dậy:
- Thôi bác nằm nghỉ nhé? Em vào chơi trong quan Phủ một lát vậy...
- Chú năng lui tới các nơi ấy là phải!
Phương vừa bước xuống thềm, ông cụ lang Xuân Hòa đã từ gian bên tiến sang. Khải lại phải ngồi dậy.
- Nhất định là không chơi bời, chè rượu gì với thằng ấy. Làm người, anh phải tri sỉ mới được. Nó, quân xỏ lá đấy chứ tử tế nhân nghĩa gì! Ai dòm giỏ, ai nói nọ nói kia đâu không biết, chính nó dòm thì có, và chính nó, trong kỳ tiệc Mẫu vừa rồi, đã ngồi ngay giữa đình mà bỉ thử bằng cái ngữ anh thì làm gì được, chẳng qua chỉ dăm ba chữ dính mép, thế thôi!...
- Mặc kệ cho nó nói xấu mình, rồi người khác lại nói nó.
- Nếu nó kể tình nghĩa họ mạc, nó đã chẳng làm đơn cho con mẹ nó kiện tôi, và xui bẩy ông bác ép tôi nhường nó ngôi tiên chỉ...
- Thì ông nhường quách cho nó làm! Chẳng qua quyền rơm vạ đá đấy chứ báu gì.
Ông cụ lang trợn mắt nhìn Khải:
- Hừ, anh thế thì ra một thằng liều thật! Chẳng trách được... Vừa nói, ông cụ vừa dằn dỗi ngồi xuống chiếu. Cụ mở hộp thuốc lào, vê vê một mồi và đặt vào nõ điếu, và cầm đóm châm lửa... Cụ buồn ra nét mặt, trong khi chính Khải cũng hết sức khó chịu. Chàng tự hỏi cớ sao tất cả đều nhất định cứ phiền nhiễu chàng bằng cái tủn mủn, vô nghĩa, nực cười như vậy?
- Họ mạc thì gươm trăm giáo mớ, - Cụ lang tiếp theo, để than vãn một mình hơn là để nói với con - nghĩ đến gia đình mới lại càng chán hơn cơm nếp nát!... Sáu bảy mươi tuổi đầu, ăn không dám ăn, chơi không dám chơi, ả đào con hát chỗ nào không rõ, điếu thuốc phiện là cái gì không hay, chỉ cần cù gây dựng lo cho con cho cháu. Ấy thế mà động thò công cuộc nào là hỏng; cuối cùng nó còn đâm đuôi cho cái việc ruộng đất ở Linh Sơn, đến nỗi vốn liếng hết sạch!... Bây giờ, gần kề miệng lỗ, trông mong vào độc có một mình anh, thì trống đánh xuôi, kèn thổi ngược! Tôi cũng chẳng hiểu tại mồ mả đến ngày đổ đốn hay làm sao mà tâm tính anh lại quái gở như vậy? Cái gì anh cũng coi thường, cái gì anh cũng tựa hồ như không thèm để ý. Gần bốn mươi tuổi đầu rồi, anh còn định cứ bông lông đến bao giờ?
Trong cái giọng đều đều rầu rĩ, mỗi câu nói của ông cụ lang là một viên đá chất thêm vào cái vác nặng đè lên tâm hồn Khải.
- Anh thử xem, ai người ta không lo sinh cơ lập nghiệp, để trước là vẻ vang no ấm cái thân, sau là cho cha mẹ, vợ con được nhờ cậy. Tiên tề gia, hậu trị quốc. Cái thân không tu, cái nhà không tề, văn chương dù hay mấy cũng là để bỏ Quân tử ngôn cố hành, hành cố ngôn; tiểu nhân bán đỗ nhi phế!...
Khải cúi đầu, nín lặng, ông già tiếp theo:
- Bố con với nhau, tôi không tiện nói hết lời, vả anh cũng chẳng ngu dại hoặc bé bỏng gì. Anh nên tự nghĩ lấy. Mẹ anh đã đau đớn, tuyệt vọng mà chết rồi; còn tôi, nhờ Tổ tiên, nhờ Trời Phật, tôi còn tự tay kiếm được miếng nuôi thân, ừ thì tôi không kể. Nhưng vợ anh, con anh? Một đàn một lũ đấy, anh phải lo mà kiếm cái ăn cái mặc cho chúng nó. Ngoài ra, còn đồng bút đồng giấy cho chúng nó học hành theo đòi người ta, chẳng nhẽ để cho chúng nó dốt nát, sau này làm con ở, con đòi thiên hạ hay sao?
- Con chính đương nát óc bởi những cái ấy! - Khải thở dài - Thực là khó quá! Làm thế nào khiến gia đình và bản thân được no ấm, được sung sướng mà đồng thời, vẫn không để thiệt đến ai, không phải dối trá, lừa đảo và tàn ác... Chàng ngừng lại; lòng mênh mông buồn, vì chàng tự nhận thấy chàng vừa nói một điều không thể sao có được.
- Ngoài ra, anh còn phải nghĩ đến cái danh vị của anh, ở chỗ dân làng nữa. Nhà mình kém phúc đức, anh đã không thể trở nên một quan chức của triều đình, cùng nữa, một ông thông, ông ký, anh ít ra cũng có một chân nhiêu xã chi gian, mới khả dĩ coi được. Thằng con nhà lái Thu, thằng con nhà bòi Vạn, chúng nó đều ông Cửu, ông Bát cả rồi đấy...
- Con lấy làm lạ sao người Việt Nam lại có thể xấu hổ được, khi ai gọi mình bằng cái tên do cha mẹ đặt cho, tự ngày mình còn bé. Và, đã thế, tất cả đàn ông Việt Nam sao không cứ lấy tên là Nguyễn Văn Cửu, Lê Văn Bát, Trịnh Văn Tòng Thất, có phải tiện hơn biết bao nhiêu không?
- Anh đừng có giở cái giọng tiếu lâm ra với tôi! Hay tám vạn nghìn tư mà, khi về làng không có lấy một chỗ ngồi nơi hương ẩm thì cũng chẳng ra cái con chó gì. Huống hồ, mình lại là mô gốc ở đất này! Tổ phụ nhà mình nào phải mỗi lúc gây dựng được cái làng Xuân Hòa. Tôi cũng chỉ vì nghĩ thế nên tôi chẳng quản khó nhọc mà đứng ra sửa sang cảnh Mẫu... Đình Vũ đổ nát, trông tiêu điều quá!... - Cụ thở dài - Ấy thế mà thằng Phương, không những nó không giúp đỡ tôi, nó còn vận động người này người khác, còn xúc xiểm thợ thuyền cố tình cho tôi phải thất bại mới nghe. Lúc bấy giờ nó mới tha hồ múa mép! Ngay bây giờ, mẹ nó đã huênh hoang những nào: "Việc làm lại đình, trừ phi con tôi, dám chắc không ai làm nổi. Thứ mấy thằng già chỉ có ngồi tốt uống rượu rồi vuốt râu!". May sao, mình lòng thành Mẫu cũng âm phù mặc trợ cho, công việc mười phần đã năm phần tốt hảo rồi...
- Cha chung không ai khóc, cả dân dã không một ai ngó ngàng tới nơi thờ tự, ông hơi đâu hứng lấy cả phần khó nhọc về mình? Đã chẳng ăn thưởng ăn phạt gì, mà rồi thiên hạ nó còn cao chê ngỏng, thấp chê lùn là khác. Với lại, theo ý con, cái đình nó đã chắn ngang bước tiến thủ của người Việt Nam ta từ bao lâu nay, bây giờ đã là lúc đáng phải dỡ bỏ xuống rồi...
- Các anh bây giờ toàn một lũ văn minh rởm! Tôi thử hỏi anh: làm người, ai không có gia đình, quê hương và quốc gia? Thực may mà còn có tôi đây, chứ một ngày kia khi tôi đã nhắm mắt đi rồi, cứ cái ngữ anh, chúng nó gọi là khinh như mẻ!
- Chúng nó phải đâu là những ông phù thủy, có thể làm cho con khả khinh khả trọng! Chỗ làng mạc, chẳng qua họp mặt làm vui, dân hậu thì mình ở, dân bạc thì mình đi. Đâu cũng lãnh thổ Việt Nam cả...
Ông già đứng phắt dậy; sắc mặt bừng đỏ; bộ râu dài điểm bạc rung rung, chứng tỏ một cơn thịnh nộ ghê gớm:
- À, thế ra mày đã tính đến cái nước bỏ làng đấy! Hừ, thực tao không ngờ!... Tao không ngờ mày quả là đứa vô quân vô phụ!... Nhưng mày muốn giở trò gì, mặc. Kỳ tiệc này, tao hãy cứ mua cho mày một ngôi hương mục đã, xem mày có dám trái tao không nào.
Khải suýt bật cười về cái danh "ông Hương Khải" mà, rồi đây, người ta sẽ dùng mỗi khi gọi đến chàng. Khải nhìn theo cha đi sang gian bên và lẩm bẩm một cách tinh nghịch:
"Ông Hương Khải... ông Lý Toét... ông Xã Xệ... trời, danh giá quá!".
Sự cười cợt của chàng, tuy thế không lâu. Chàng liên tưởng đến dân quê các vùng Ỷ La, Trung Môn, và ở khắp trong nước, bọn dân quê hàng ngày vẫn bị khuynh gia bại sản với những quân cho vay lãi, chỉ vì họ cứ coi chỗ ngồi chốn đình trung, miếng phần biếu, và những cái danh hiệu hão huyền làm tất cả lẽ sống của họ. Những người đáng thương ấy càng ít suy nghĩ chừng nào, sự giảng thuyết cho họ vỡ vạc về quyền lợi của họ càng nhiều khó khăn chừng nấy.
Khải chép miệng:
- Cứ gì bọn dân quê! Ngay cha ta cũng nhất định ôm mãi lấy cái cổ tục, các thành kiến, các điều sai lầm và ngu xuẩn, nó là dấu vết của thời xưa... Khải ngừng lại giây lâu; đoạn chàng kết luận: "Thế mới biết, ở địa hạt này, cũng như ở hết thảy mọi địa hạt khác, muốn làm điều tốt đẹp, tất nhiên phải động chạm đến, chẳng những các quyền lợi, mà nguy hiểm hơn, các tín ngưỡng nó đã suy đồi biến hóa thành mê tín, cái hình thức khó phá hoại nhất của tư tưởng loài người".
Khải hơi buồn, nhưng chàng không ngã lòng: chàng đã được nâng đỡ bởi một sức mạnh nó là tình thương rất bồng bột trong tim chàng lúc ấy. Chàng thương bố già của chàng, và do đấy, thương rộng tới cả nhân loại cần lao kia, mà sự sống, đáng lý ra, phải được sáng sủa, tươi đẹp, và sung sướng hơn nhiều. Cùng một lúc, Khải thoáng trông một cái gì đương hiện đến cho chàng, một cái gì như cái bổn phận thiêng liêng trên cả các bổn phận của kẻ sĩ: đem cuộc đời, từ ba cái chân vạc: ngu xuẩn, ghét ghen, tham tàn, rời sang cái nền tảng mới của lẽ phải, của sự công bình và của thiện mỹ. "Không, ở thế gian này, không cái gì lại mênh mông quá và bền bỉ quá như ta đã lầm tưởng! Và, cái không thể chỉ có trong tiếng nói của kẻ ươn hèn".
Mực Mài Nước Mắt Mực Mài Nước Mắt - Lan Khai Mực Mài Nước Mắt