Mù Lòa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6
úc đầu, khi số người mù bị nhốt trong phòng này vẫn còn đếm trên mười đầu ngón tay, khi trao đổi hai, ba câu là đủ để biến người lạ thành bạn đồng hành trong nỗi bất hạnh, và ba, bốn câu nữa họ có thể tha thứ mọi lỗi lầm của nhau, một số lỗi thật nghiêm trọng, và nếu không lập tức tha thứ hết thì chỉ là vấn đề kiên nhẫn đợi vài ngày, rồi sự việc trở nên quá rõ là những kẻ khốn khố tội nghiệp này phải chịu bao nhiêu hoạn nạn vô lý, mỗi lần như vậy có thể họ lại đòi hỏi được an ủi lập tức, hay như ta nói, đòi được thỏa mãn nhu cầu của nó. Dù vậy, tuy biết là ít có cách cư xử hoàn hảo và ngay cả bản tính thận trọng và khiêm tốn nhất cũng có điểm yếu, phải công nhận rằng những người mù đầu tiên bị đưa vào đây để cách ly đều có ý thức ít nhiều, có thể chịu đựng với lòng tự trọng nỗi gian nan do bản tính tục tằn kinh khủng của con người gây ra. Giờ đây tất cả giường đã có người chiếm, tất cả hai trăm bốn chục giường, chưa tính người mù phải ngủ trên sàn nhà, không sức tưởng tượng nào, dù có khả năng so sánh, hình dung và ẩn dụ phong phú và sáng tạo đến mấy, có thể diễn tả đúng sự dơ bẩn ở đây. Không những tình trạng phòng vệ sinh chẳng bao lâu trở thành cái hang hôi hám như cống rãnh dưới địa ngục đầy các linh hồn bị đọa đày, mà cả vì một số bệnh nhân thiếu tôn trọng hay bỗng dưng quá mót đã biến hành lang và lối đi thành hố xí, thoạt đầu chỉ thỉnh thoảng nhưng bây giờ trở thành thói quen. Kẻ bất cần và thiếu nhẫn nại nghĩ, Chả sao, chả ai thấy được mình, rồi họ làm tại chỗ. Khi không còn cách nào tới phòng vệ sinh, người mù bị nhốt bắt đầu dùng sân làm chỗ xả và bài tiết. Những kẻ bản tính tế nhị hay có giáo dục sẽ nhịn cả ngày, họ cố sức chịu đựng tới tối, họ đoán chừng là tới khi hầu hết mọi người đều ngủ trong phòng, rồi họ đi, bóp bụng hay khép chân lại, tìm một, hai tấc đất sạch nếu có giữa thảm phân nhoe nhoét bất tận, và tệ hơn nữa, chịu bị lạc trong không gian vô tận của mảnh sân, nơi chả có điểm hướng dẫn nào ngoài vài cái cây còn sống sót sau cơn tìm kiếm điên cuồng của người trước, và cả giữa mấy gò thấp lúc này gần phẳng vừa đủ lấp người chết. Mỗi ngày một lần, luôn luôn vào lúc chiều tối, như đồng hồ báo thức reo đúng giờ, giọng nói trên loa phóng thanh nhắc lại các lời chỉ dẫn và cấm đoán quen thuộc, nhấn mạnh tới lợi ích khi dùng thường xuyên sản phẩm lau chùi, nhắc người bị nhốt là có một máy điện thoại trong mỗi phòng để yêu cầu cung cấp các thứ cần thiết mỗi khi hết, nhưng cái thật cần là một vòi nước mạnh để rửa hết cứt, rồi một đạo quân thợ ống nước tới sửa các bể chứa để có thể dùng lại, rồi nước, rất nhiều nước, để giội những chất thải xuống cống, và, chúng tôi xin con mắt, một cặp mắt, một bàn tay có thể dẫn dắt chúng tôi, một tiếng nói bảo tôi, Lối này. Những người mù bị nhốt này, nếu chúng ta không tới giúp họ, chẳng bao lâu họ sẽ biến thành loài thú, tệ hơn nữa, thành loài thú mù. Câu này không phát ra từ giọng nói vô danh đã kể về các bức tranh và hình ảnh của thế giới này, người đang nói, mặc dù dùng những chữ khác trong đêm khuya, là vợ bác sĩ nam bên cạnh chồng, đầu họ chui dưới một tấm chăn, Phải tìm ra giải pháp cho tình trạng bẩn thỉu khủng khiếp này, em hết chịu nổi và em không thể tiếp tục giả vờ là không thấy, Cứ nghĩ tới hậu quả mà xem, gần như chắc chắn họ sẽ cố biến em thành nô lệ của họ, một thứ đầy tớ chung, em sẽ bị mọi người sai khiến, họ sẽ đợi em đút ăn cho họ, tắm rửa họ, giúp họ đi ngủ và đánh thức họ dậy lúc trời sáng, và bắt em đưa họ đi đây đi đó, xì mũi cho họ và lau nước mắt họ, họ sẽ gọi em lúc em ngủ, sỉ vả em nếu em bắt họ đợi, Làm sao chính anh lại có thể đòi em tiếp tục nhìn cảnh khốn khổ này, thường trực trước mắt em, mà không nhấc một ngón tay lên giúp, Em đã làm quá đủ rồi, Em ích lợi gì, nếu mối lo chính của em chỉ là đừng để ai biết em có thể thấy, Có kẻ sẽ ghét em vì em thấy, đừng nghĩ mù lòa làm chúng ta thành người tốt hơn, Nó cũng chẳng làm chúng ta xấu hơn, rồi chúng ta sẽ xấu hơn, cứ nhìn chuyện xảy ra khi tới giờ chia thức ăn, Đúng vậy, người còn thấy có thể kiểm soát việc phát thực phẩm cho mọi người trong này, chia không thiên vị, theo lẽ phải, rồi sẽ hết than phiền, sẽ dứt tiếng cãi nhau không ngớt khiến em phát điên, anh không biết nhìn hai người mù đánh nhau là như thế nào, Không nhiều thì ít đánh nhau luôn luôn là một hình thức mù lòa, Chuyện này khác, Em cứ làm điều em nghĩ là tốt nhất, nhưng đừng quên chúng ta là gì ở đây, mù, chỉ mù, những kẻ mù không có lời nói tử tế hay lòng thương xót, thế giới nhân đức và sinh động của trẻ mồ côi mù đã kết thúc, bây giờ mình đang ở trong vương quốc khắc nghiệt, tàn nhẫn, bất khoan dung của người mù, Phải chỉ anh có thể thấy điều em phải thấy, anh sẽ muốn mù, Anh tin em, nhưng không cần, vì anh đã mù, Tha lỗi cho em, anh yêu, phải chỉ anh biết, Anh biết, anh biết, cả đời anh nhìn vào mắt người, nó là bộ phận duy nhất trên cơ thể mà linh hồn có thể còn hiện diện, và nếu những con mắt đó mất đi, Ngày mai em sẽ nói với họ là em có thể thấy, Hy vọng em sẽ không hối tiếc, Ngày mai em sẽ bảo họ, bà ngập ngừng rồi nói thêm, Trừ phi lúc đó em rốt cuộc cũng gia nhập vào thế giới của họ.
Nhưng việc đó chưa chịu xảy ra. Sáng hôm sau, khi bà thức giấc, rất sớm như thường lệ, hai mắt bà vẫn thấy rõ như trước. Tất cả người mù trong phòng còn ngủ. Bà tự hỏi nên bảo họ thế nào, bà có nên gom hết cả lại rồi báo tin, có lẽ nên làm một cách thận trọng, đừng phô trương, chẳng hạn nói như không muốn làm vấn để quá trầm trọng, Tưởng tượng coi, ai mà nghĩ tôi vẫn sáng mắt giữa bao nhiêu người bị mù, hay có lẽ khôn ngoan hơn, giả vờ bà đã mù thật rồi bỗng nhiên thấy lại, nó có thể là cách cho mọi người một hy vọng nào đó. Nếu bà ta có thể thấy lại, họ sẽ bảo nhau, có lẽ mình cũng sẽ thấy lại, mặt khác, họ có thể bảo bà, Nếu như vậy thì đi ra, cút đi, khi ấy bà sẽ đáp rằng bà không thể bỏ đi mà không có chồng bà, và quân đội sẽ không thả bất kỳ người mù nào khỏi khu cách ly, vì vậy không có cách nào khác hơn là cho phép bà ở lại. Một số người mù đang cựa quậy trên giường, và như thông lệ mỗi sáng, họ xì hơi, nhưng điều này không làm bầu khí quyển buôn nôn hơn, chắc nó đã tới mức bão hòa. Mùi xú uế không chỉ từ các phòng vệ sinh lan ra nồng nặc làm ta muốn ói, mà cả mùi hôi lưu cữu của hai trăm năm chục người thân thể đẫm mồ hôi, họ không thể hoặc không biết cách tự tắm rửa, họ mặc quần áo ngày càng bẩn hơn, họ ngủ trên những cái giường họ thường xuyên phóng uế. Xà phòng, thuốc tẩy trắng, chất tẩy ích lợi gì, bỏ phí khắp nơi, nếu vòi hoa sen nghẹt hay bị rơi khỏi ống nước, nếu cống ngập nước bẩn chảy lan ra ngoài phòng tắm, ướt đẫm ván sàn hành lang, rỉ qua khe nứt của các phiến đá lát. Nghĩ tới chuyện can thiệp vào là điên, vợ bác sĩ bắt đầu suy ngẫm, ngay cả nếu họ không đòi hỏi mình phải hầu họ, hoàn toàn không chắc, chính mình sẽ không chịu nổi rồi bắt đầu chùi rửa cho tới khi kiệt sức, đây không phải là việc cho một người. Lòng can đảm của bà trước đó hình như vững chắc, bắt đầu đổ vỡ, dần dần bỏ rơi bà khi đối diện với thực tế phũ phàng xông vào mũi và chướng mắt, bây giờ là lúc biến lời nói thành hành động. Mình là đứa hèn, bà cáu kỉnh lẩm bẩm, thà mù còn hơn đi loanh quanh như một tên truyền giáo nhút nhát. Ba người mù đã thức dậy, một người là anh dược tá, họ sắp ra tiền sảnh để nhận phần thực phẩm phân phối cho phòng đầu. Vì thiếu thị lực, không thể nói là phân chia bằng mắt, thêm một thùng, bớt một thùng, ngược lại, thật tội nghiệp khi thấy họ loay hoay đếm rồi phải bắt đầu lại từ đầu, một số kẻ có tính nghi ngờ muốn biết chính xác người khác mang cái gì, cuối cùng luôn nổ ra cãi nhau, một cái đầy thô bạo, một cái tát đối với phụ nữ mù, là điều không thể tránh. Trong phòng, mọi người bây giờ đã thức, sẵn sàng nhận khẩu phần của mình, nhờ kinh nghiệm họ đã nghĩ ra một cách phân phối khá dễ, họ bắt đầu bằng cách mang tất cả thực phẩm tới cuối phòng, chỗ có giường của bác sĩ và vợ ông cũng như cô gái đeo kính đen và đứa bé đang đòi mẹ, rồi những người bị nhốt chung tới đó để lấy thức ăn của họ, mỗi lần hai người, bắt đầu từ giường gần lối vào nhất, số một bên phải, số một bên trái, số hai bên phải, số hai bên trái, vân vân và vân vân, mà không một lời hằn học hay chen lấn, đúng là lâu hơn, nhưng giữ được thanh bình cũng đáng công đợi. Người đầu tiên nghĩa là người có thực phẩm ngay trong tầm tay lại là người cuối cùng được phát, ngoại trừ đứa bé mắt lác, dĩ nhiên, nó luôn ăn xong trước khi cô gái đeo kính đen nhận phần mình, vì thế một phần thức ăn đáng lẽ là của cô luôn luôn vào bụng đứa bé. Tất cả người mù đã ngước đầu về phía cửa, hy vọng nghe tiếng chân của bạn cùng phòng, tiếng loạng choạng không thể lầm của người đang khiêng một vật gì, nhưng đây không phải là tiếng ồn ào bỗng dưng nghe thấy mà là tiếng người đang chạy nhanh, nếu một kỳ công như vậy có thể xảy ra đối với kẻ không thể thấy chỗ đặt chân của mình. Nhưng làm sao có thể tả khác khi họ xuất hiện thở hổn hển ở cửa. Ngoài đó xảy ra chuyện gì làm họ chạy vào trong này, và cả ba người đang cố chen qua cửa cùng lúc để báo một tin bất ngờ, Tụi nó không cho phép chúng tôi lấy thực phẩm, một người nói, và hai người kia nhắc lại lời anh ta, Tụi nó không cho phép mình, Ai, bọn lính à, một giọng nào đó hỏi, Không, người mù, Người mù nào, chúng ta ở đây đều mù cả, Chúng tôi không biết tụi nó là ai, anh dược tá nói, nhưng tôi nghĩ họ chắc thuộc nhóm người tới cùng một lúc, nhóm tới cuối cùng, Còn chuyện không cho phép anh lấy thực phẩm là sao, bác sĩ hỏi, cho tới nay chưa hề có vấn đề, Tụi nó nói bây giờ không như vậy nữa, từ nay ai muốn ăn phải mua. Khắp phòng nổi lên tiếng phản đối, Đâu có được, Tụi nó lấy thức ăn của mình, Đồ ăn cắp, Ô nhục, người mù hại người mù, Tôi chưa bao giờ nghĩ đời mình sẽ thấy chuyện như thế này, Mình đi kiện với trung sĩ. Một người cương quyết hơn đề nghị cả bọn họ cùng đi đòi phần chính đáng của mình, Không dễ, anh dược tá nói, tụi nó đông lắm, tôi có cảm tưởng rất rõ là chúng lập một nhóm lớn, và tệ nhất là tụi nó có vũ khí, Anh nói có vũ khí là làm sao, ít nhất tụi nó có dùi cui, tay tôi vẫn còn đau vì bị quất một cú, một người trong bọn nói, Chúng ta thử giải quyết việc này một cách hòa bình, bác sĩ nói, tôi sẽ đi với anh để nói với mấy người này, chắc có hiểu lầm, Tất nhiên, thưa bác sĩ, tôi ủng hộ ông, anh dược tá nói, nhưng theo cách cư xử của chúng, tôi không nghĩ ông thuyết phục được chúng, Dù vậy, mình phải ra đó, mình không thể để như vậy, Em đi với anh, vợ bác sĩ nói. Nhóm nhỏ rời phòng, ngoại trừ người kêu đau cánh tay, ông ta cảm thấy đã làm xong bổn phận của mình và ở lại để kể cho người khác về chuyến đi hiểm nghèo của ông, phần thực phẩm của họ cách hai bước, và một hàng người bảo vệ chúng, Bằng dùi cui, ông nhấn mạnh.
Cùng tiến tới như một tiểu đội, họ chen qua đám bệnh nhân mù của mấy phòng kia. Khi họ tới tiền sảnh, vợ bác sĩ lập tức biết không thể đối thoại ngoại giao được, và có lẽ chả bao giờ được. Ở giữa tiền sảnh, một nhóm bệnh nhân mù đứng vòng quanh các thùng thực phẩm, chúng trang bị gậy và thanh sắt giường, chĩa ra phía trước như lưỡi lê hay cây giáo, đương đầu với sự tuyệt vọng của những người mù vây quanh đang vụng về cố phá vỡ hàng phòng ngự, có người hy vọng tìm được một lỗ hổng, một khe hở mà có đứa đã bất cẩn không khép lại, họ đưa tay lên đỡ gạt các cú đánh, người khác bò lổm ngổm cho tới khi đụng vào chân đối phương, bị đầy lùi vì cú quất lên lưng hay một cái đá mạnh. Đánh một cách mù quáng, như tục ngữ đã nói. Cảnh này còn kèm thêm những lời phản đối căm phẫn, tiếng thét giận dữ, Chúng tôi đòi phần thức ăn của chúng tôi, Chúng tôi có quyền ăn, Đồ vô lại, Thật là thái quá, Không thể tưởng tượng nổi, có một anh chàng ngây thơ hay lơ đãng nói, Gọi cảnh sát, có lẽ trong số họ có vài anh cảnh sát, như mọi người đều biết, chứng mù không chừa một nghề nào hay giới nào, nhưng một cảnh sát bị hóa mù không giống như một cảnh sát mù, còn hai anh cảnh sát chúng ta biết, họ đã chết và được chôn sau nhiều cố gắng. Thôi thúc vì hy vọng ngu xuẩn rằng nhà chức trách sẽ phục hồi lại sự yên bình cũ cho nhà thương điên, áp đặt công lý, mang lại bình an cho tâm hồn, một bà mù cố sức đi tới lối vào chính và gọi lớn cho mọi người nghe, Giúp chúng tôi, tụi côn đồ này định ăn cắp thức ăn của chúng tôi. Bọn lính giả điếc, lệnh trung sĩ đã nhận của ông đại úy mới tạt ngang trong một chuyến đi thăm chính thức không thể rõ ràng hơn, Nếu họ rốt cuộc giết lẫn nhau thì càng tốt, họ càng ít. Bà mù chửi rủa té tát như mụ điên hồi xửa hồi xưa, chính bà gần như loạn trí, nhưng loạn trí vì hoàn toàn tuyệt vọng. Cuối cùng, biết lời kêu gọi của bà là vô ích, bà lặng im, vào trong khóc nức nở, và mù tịt mình đang đi đâu, bà nhận một cú lên đầu làm bà ngã xuống sàn. Vợ bác sĩ muốn chạy tới giúp bà đứng lên, nhưng tình thế hỗn loạn tới nỗi không nhích được hơn hai bước. Người mù đến đòi thực phẩm đã bắt đầu rút lui trong xáo trộn, khả năng định hướng của họ mất hoàn toàn, họ vấp lên nhau, ngã xuống, đứng lên, rồi lại ngã, một số thậm chí chẳng buồn cố đứng lên, bỏ cuộc, nằm sấp trên đất, kiệt sức, khốn khổ, đau nhừ, mặt họ gí chặt xuống sàn gạch. Khi ấy vợ bác sĩ kinh hoảng thấy một trong mấy tên mù côn đồ rút súng trong túi ra rồi sống sượng giơ lên trời. Tiếng nổ làm miếng vữa lớn trên trần rớt xuống mấy cái đầu không được bảo vệ của họ càng làm tăng hoảng loạn. Gã du côn quát, Mọi người im lặng, câm họng lại, đứa nào dám lên tiếng là tao bắn thẳng, bất kể trúng ai, rồi lúc đó hết kêu ca. Người mù không nhúc nhích. Gã có súng tiếp tục, Nghe đây và đừng cãi cọ, từ nay về sau bọn tao sẽ lo vụ thực phẩm, tất cả tụi mày coi chừng, đừng đứa nào dấm dớ nghĩ chuyện ra đó kiếm, bọn tao sẽ đặt người gác ở lối vào, bất cứ ai định trái lệnh này sẽ nhận lãnh hậu quả, từ nay sẽ bán thức ăn, ai muốn ăn phải mua. Chúng tôi phải trả thế nào, vợ bác sĩ hỏi, Tao đã bảo không đứa nào được nói, gã côn đồ có súng gầm lên, quơ vũ khí trước mặt. Phải có người nói, chúng tôi cần biết chúng tôi phải làm thế nào, tìm thức ăn ở đâu, tất cả chúng tôi sẽ đi một lúc, hay từng người một, Con mụ này định bày trò gì đây, một đứa trong nhóm bình phẩm, nếu mày bắn nó thì bớt được một miệng phải nuôi, Nếu tao thấy được nó thì nó đã ăn một viên đạn vào bụng. Rồi hắn nói với mọi người, Quay về phòng tụi mày tức khắc, ngay phút này, khi nào bọn tao khiêng xong thức ăn vào thì bọn tao sẽ quyết định làm gì, Còn mua làm sao, vợ bác sĩ lại nói, chúng tôi phải trả bao nhiêu cho một phần cà phê sữa và bánh quy, Nó muốn chết thật mà, con mụ này, cũng giọng đó nói, Để nó cho tao, gã kia nói, rồi đổi giọng, Mỗi phòng sẽ chỉ định hai đứa chịu trách nhiệm gom góp đồ đạc quý giá của mọi người, tất cả đồ quý giá đủ loại, tiền, đổ trang sức, nhẫn, vòng đeo tay, khuyên tai, đồng hồ, mọi thứ tụi bay có, rồi đem đống đồ qua phòng thứ ba bên trái, chỗ bọn tao ở, nếu tụi bay muốn nghe lời khuyên thân mật thì đừng tính lừa bọn tao, bọn tao biết trong đám tụi mày có đứa sẽ giấu đồ quý giá, nhưng tao cảnh cáo tụi mày nên nghĩ lại, nếu bọn tao cảm thấy tụi mày không nộp đủ thì tụi mày khỏi có đồ ăn mà cứ nhai tiền và gặm kim cương của tụi mày. Một ông mù ờ phòng thứ hai bên phải hỏi, Chúng tôi phải làm gì, chúng tôi nộp mọi thứ một lượt, hay chúng tôi trả theo món chúng tôi ăn, Hình như tao giải thích không đủ rõ, gã có súng nói, rồi cười, trước tiên tụi mày nộp, rồi tụi mày ăn, còn chuyện trả theo món tụi mày ăn thì sẽ phải giữ sổ sách cực kỳ phức tạp, tốt nhất là nộp hết mọi thứ một lần rồi bọn tao sẽ coi tụi mày đáng được ăn bao nhiêu, nhưng tao cảnh cáo một lần nữa, đừng tính giấu bất kỳ cái gì vì tụi mày sẽ phải trả giá đắt, và để khỏi ai trách bọn tao là làm ăn không lương thiện, hãy nhớ là sau khi nộp hết mọi thứ tụi mày có thì bọn tao sẽ đi kiểm tra, tụi mày sẽ gặp rắc rối nếu bọn tao kiếm thấy chỉ một xu thôi, bây giờ tao muốn tất cả ra khỏi chỗ này càng nhanh càng tốt. Hắn giơ tay lên bắn một phát nữa. Vữa lại rơi xuống đất. Còn mày, gã côn đồ có súng nói, tao sẽ không quên giọng của mày, Còn tôi cũng không quên bộ mặt của anh, vợ bác sĩ đáp.
Chẳng ai có vẻ chú ý tới sự vô lý của một bà mù nói bà ta sẽ không quên một khuôn mặt mà bà ta không thấy. Người mù đã rút nhanh, tìm các khung cửa, và những người trong phòng đầu báo ngay tình hình cho các bạn cùng phòng, Theo những gì chúng tôi nghe được, tôi không tin là lúc này chúng ta có thể làm gì khác hơn là tuân theo, bác sĩ nói, bọn chúng chắc khá đông, và tệ nhất là chúng có vũ khí. Chúng ta cũng có thể tự vũ trang, anh dược tá nói, Phải, bằng mấy cành cây nếu còn cành nào để bẻ trong tầm tay, bằng mấy thanh sắt giường mà chúng ta chẳng có sức dùng, trong khi chúng có ít nhất một khẩu súng trong tay, Tôi không nộp của cải của tôi cho bọn chó đẻ mù đó, một người tỏ ý, Tôi cũng vậy, một người khác hùa theo. Đúng vậy, hoặc là tất cả chúng ta nộp hết mọi thứ, hoặc là không ai nộp gì, bác sĩ nói, Chúng ta không có cách nào khác, vợ ông nói, vả lại, chế độ trong này chắc giống như họ đã áp đặt ngoài kia, ai không muốn mua thì cứ việc, quyền của họ, nhưng sẽ không có gì ăn và đừng mong sống trên lưng chúng tôi, Chúng ta sẽ bỏ hết những gì mình có và nộp hết mọi thứ, bác sĩ nói, Còn những người không có gì để nộp thì sao, anh dược tá hỏi, Họ sẽ ăn cái gì người khác cho họ, như câu châm ngôn là, góp theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Một thoáng ngập ngừng, rồi ông già đeo miếng vải đen che mắt hỏi, Vậy thì chúng ta sẽ yêu cầu ai đảm nhiệm, Tôi đề nghị bác sĩ, cô gái đeo kính đen nói. Không cần phải bầu, cả phòng nhất trí. Mình phải có hai người, bác sĩ nhắc họ, có ai muốn tình nguyện không, ông hỏi, Tôi muốn, nếu không ai tình nguyện, người đàn ông mù đầu tiên nói, Tốt lắm, chúng ta bắt đầu thu góp, chúng tôi cần một cái túi, hay một cái giỏ, một cái va li nhỏ, thứ nào cũng được, Tôi có thể bỏ cái này, vợ bác sĩ nói, rồi bắt đầu đổ một cái túi ra ngay, trong đó bà cất đồ trang sức và các món linh tinh khác từ hồi bà không bao giờ tưởng tượng nổi hoàn cảnh bà phải sống như bây giờ. Giữa đám chai lọ, hộp và ống tuýp từ một thế giới khác, có một cây kéo dài khá nhọn. Bà không nhớ đã cất nó ở đó, nhưng nó ở đó. Vợ bác sĩ ngẩng đầu lên. Những người mù đang đợi, chồng bà đã đi tới giường của người đàn ông mù đầu tiên, họ đang nói chuyện với nhau, cô gái đeo kính đen đang nói với đứa bé mắt lác rằng thức ăn sẽ tới ngay, trên sàn nhà, nhét sau bàn ngủ, là miếng băng vệ sinh vấy máu, như thể cô gái đeo kính đen lo âu, với tính thùy mị trong trắng và vô nghĩa, giấu nó khỏi con mắt của những người không thể thấy. Vợ bác sĩ nhìn cây kéo, bà cố nghĩ tại sao bà lại nhìn nó đăm đăm như thế này, như thế nào, như thế này, nhưng bà không nghĩ được lý do, thành thật mà nói, bà hy vọng tìm thấy lý do gì ở cây kéo dài đang nằm trong bàn tay xòe ra của bà, hai lưỡi kéo mạ kền, mũi nhọn lấp lánh, Em có cái túi chưa, chồng bà hỏi bà, Vâng, nó đây, bà đáp, rồi đưa tay đang cầm cái túi rỗng ra trong khi tay kia giấu sau lưng để che cây kéo, Chuyện gì vậy, bác sĩ hỏi, Không, vợ ông đáp, bà cũng có thể dễ dàng trả lời, Anh có thấy gì đâu, giọng em chắc lạ, thế thôi, chả có gì khác. Cùng đi với người đàn ông mù đầu tiên, bác sĩ tiến tới bà, tay ông ngập ngừng nhận cái túi, rồi nói, Bắt đầu chuẩn bị đồ đạc của các ông bà, chúng tôi sẽ khởi sự thu góp. Vợ ông tháo đồng hồ, làm luôn cho chồng, gỡ khuyên tai, một bộ vòng nhỏ đính hồng ngọc, sợi dây chuyền vàng bà đeo quanh cổ, nhẫn cưới của bà, nhẫn của ông, cả hai đều dễ tháo, Ngón tay mình đã gầy hơn, bà nghĩ, bà bắt đầu cho mọi thứ vào túi, rồi tiền họ mang theo từ nhà, nhiều tờ bạc khác mệnh giá, vài đồng xu, Hết rồi, bà nói, Em chắc chứ, bác sĩ nói, nhìn cho kỹ, Đó là tất cả mọi thứ đáng giá mình có. Cô gái đeo kính đen đã gom xong của cải, cũng chả khác gì mấy, cô có hai vòng đeo tay thay vì một, nhưng không có nhẫn cưới. Vợ bác sĩ đợi tới khi chồng bà và người đàn ông mù đầu tiên đã quay lưng đi và cô gái đeo kính đen cúi xuống đứa bé mắt lác, Cứ nghĩ cô như mẹ cháu, cô nói, cô sẽ mua cho cả hai, rồi bà lùi về bức tường ở cuối phòng. Ở đó, như trên các bức tường khác, có mấy cây đinh lớn thòi ra chắc đã được người điên dùng làm chỗ treo của cải và đồ trang sức rẻ tiền. Bà chọn cái đinh cao nhất mà bà có thể với tới, và treo cây kéo ở đó. Rồi bà ngồi xuống giường mình. Chồng bà và người đàn ông mù đầu tiên đang chậm chạp tiến vế phía cửa, họ ngừng lại thu góp tài sản từ người có của để góp ở cả hai bên lối đi, một số phản đối rằng họ bị cướp một cách trơ tráo, và đó là sự thật hoàn toàn, kẻ khác tự lột bỏ của cải với vẻ lãnh đạm, như đang nghĩ là suy cho cùng thì trên thế gian này chẳng có gì thuộc về chúng ta theo nghĩa tuyệt đối, lại một sự thật quá hiển nhiên khác nữa. Lúc họ tới cửa phòng, sau khi thu góp xong, bác sĩ hỏi, Chúng ta đã nộp hết rồi chứ, vài giọng cam chịu đáp ừ, một số không nói gì, và sẽ có ngày chúng ta biết phải chăng họ im lặng để tránh nói dối. Vợ bác sĩ nhìn lên cây kéo. Bà ngạc nhiên thấy nó cao tít, treo trên một cây đinh, như không phải chính bà đã cất nó ở đó, rồi bà ngẫm nghĩ mang nó theo thật hay, bây giờ bà có thể tỉa râu cho chồng, làm ông nom bảnh bao hơn, vì như chúng ta biết, sống trong hoàn cảnh này đàn ông không thể cạo râu như bình thường. Khi bà nhìn lại phía cửa, hai người đàn ông đã biến mất trong bóng tối hành lang và đang đi tới phòng thứ ba bên trái, nơi họ đã được bảo phải tới trả tiền cho thức ăn của họ. Thức ăn hôm nay, cũng như ngày mai, và có lẽ cho cả tuần, rồi sau đó, câu hỏi không có câu trả lời, mọi thứ chúng ta có để trả sẽ hết.
Khá ngạc nhiên, hành lang không đông nghẹt như thông lệ, vì bình thường, khi người bị nhốt rời phòng, họ không tránh khỏi bị vấp, va nhau và ngã, người bị đụng nguyền rủa, chửi bới tục tĩu, kẻ đụng người khác trả đũa bằng những lời sỉ vả ghê gớm hơn, nhưng chả ai chú ý, người ta phải trút cảm nghĩ của mình, nhất là nếu họ mù. Phía trước có tiếng chân và người nói, họ chắc là phái viên từ các phòng kia đang làm theo lệnh, Hoàn cảnh của mình thật tệ, thưa bác sĩ, người đàn ông mù đầu tiên nói, như thể bị mù chưa đủ, mình còn mắc phải nanh vuốt của tụi mù ăn cắp, hình như đó là số phận của tôi, đầu tiên là tên ăn cắp xe, bây giờ là bọn đê tiện này gí súng cướp thức ăn của mình, Khác là ở chỗ đó, bọn nó có súng, Nhưng đạn không còn mãi, Chả có gì còn mãi, nhưng trong hoàn cảnh này đạn còn mãi vẫn hơn, Sao thế, Nếu hết đạn, nghĩa là có kẻ bắn hết đạn, và chúng ta đã có quá nhiều xác chết, Mình ở vào hoàn cảnh quá quắt, Nó đã quá quắt từ khi chúng ta tới đây, nhưng chúng ta vẫn kiên nhẫn chịu đựng, Ông là người lạc quan, thưa bác sĩ, Không, tôi không lạc quan, nhưng tôi không thể tưởng tượng được điều gì tệ hơn hoàn cảnh hiện thời của chúng ta, Ôi dào, tôi hoàn toàn không tin bất hạnh và xấu xa là có giới hạn, Anh có thể đúng, bác sĩ nói, rồi như ông tự nói với mình, Phải có gì xảy ra, một kết luận chứa đựng mâu thuẫn, hoặc là cuối cùng phải có gì tệ hơn thế này, hoặc là từ nay sự việc sẽ khá hơn, mặc dù mọi dấu hiệu đều cho thấy ngược lại. Đi đều bước và quẹo ở vài góc, họ tiến tới phòng thứ ba. Bác sĩ lẫn người đàn ông mù đầu tiên chưa bao giờ mạo hiểm tới đây, nhưng hai cánh được xây theo mô hình đối xứng triệt để, khá hợp lý, ai quen với cánh bên phải sẽ định hướng không khó khăn bên cánh trái, và ngược lại, một bên ta chỉ phải rẽ bên trái trong khi bên kia ta phải quẹo bên phải. Họ nghe tiếng nói, chắc là tiếng người tới trước họ, Mình phải đợi, bác sĩ thấp giọng, Sao thế, Bọn bên trong muốn biết chính xác mấy người này mang gì, đối với chúng chẳng quan trọng, vì chúng ăn xong rồi chúng chả cần vội, Chắc gần đến giờ ăn trưa, Ngay cả nếu có thể thấy, nhóm này cũng chẳng biết, họ không còn đồng hồ. Mười lăm phút sau, hơn kém một phút, việc trao đổi đã xong. Hai ông đi qua mặt bác sĩ và người đàn ông mù đầu tiên, nghe chuyện họ nói rõ ràng là họ đang khiêng thức ăn, Cẩn thận, đừng làm rơi cái gì, một người nói, và người kia lẩm bẩm, Tôi không biết có đủ cho mọi người không. Chúng ta phải thắt lưng buộc bụng. Lướt tay dọc theo tường, người đàn ông mù đầu tiên theo sau, bác sĩ tiến tới cho đến khi tay ông đụng khung cửa, Chúng tôi từ phòng đầu tiên bên phải, ông gọi lớn. Ông định tiến tới một bước, nhưng chân ông đụng chướng ngại vật. Ông nhận ra đó là cái giường dựng chéo, đặt ở đó làm quầy trao đổi. Bọn chúng có tổ chức, ông nghĩ thầm, việc này không bỗng dưng xảy ra tùy hứng, ông nghe tiếng nói, tiếng chân, Bọn chúng có bao nhiêu đứa, vợ ông nói là mười, nhưng chưa hẳn là không thể có nhiều hơn, chắc chắn không phải tất cả bọn chúng đã ở ngoài đó lúc họ đi lấy thực phẩm. Gã có súng là trùm bọn chúng, giọng giễu cợt của gã đang nói, Nào, xem phòng thứ nhất bên phải mang giàu sang gì tới cho bọn mình, rồi bằng giọng thấp hơn nhiều, gã nói với đứa chắc đang đứng gần đó, Ghi lại. Bác sĩ sửng sốt, chuyện gì thế này, gã nói, Ghi lại, vậy thì phải có kẻ viết được, một kẻ không mù, vậy là có hai người mắt sáng, Mình phải cẩn thận, ông nghĩ, ngày mai thằng khốn này có thể đứng ngay bên cạnh bọn mình mà mình thậm chí không biết, ý nghĩ này của bác sĩ không khác với ý người đàn ông mù đầu tiên đang nghĩ, Một cây súng và một tên do thám, mình nguy rồi, mình sẽ không bao giờ ngóc đầu lên nổi. Gã mù bên trong, tên trùm bọn cướp, đã mở túi, hắn cầm lên với đôi tay thành thạo, vừa sờ mó vừa nhận diện đồ vật và tiền bạc, rõ ràng hắn sờ cũng biết cái gì là vàng và cái gì không, sờ mó hắn cũng biết giá trị tờ bạc và đồng xu, dễ dàng đối với kẻ có kinh nghiệm, phải vài phút sau bác sĩ mới bắt đầu nghe rõ tiếng đâm giấy, ông lập tức nhận ra cạnh đó có người đang viết bằng chữ braille, còn gọi là chữ nổi, tiếng que nhọn nghe vừa lặng lẽ vừa rõ, đục thủng tờ giấy dày và đụng miếng kim loại bên dưới. Vậy là có một người mù bình thường trong bọn mù tội phạm này, một người mù như những người đã có thời được gọi là người mù, anh chàng đáng thương hẳn nhiên đã bị bố ráp chung với kẻ khác, nhưng đây không phải là lúc tò mò và hỏi, anh là người mới mù hay anh đã mù nhiều năm rồi, kể cho chúng tôi làm sao anh bị mất thị lực. Bọn chúng quá may mắn, không những rút xổ số trúng một gã thư ký, chúng còn dùng hắn làm kẻ hướng dẫn, một người mù có kinh nghiệm mù là một chuyện khác, hắn đáng giá ngàn vàng. Việc kiểm kê tiếp tục, thỉnh thoảng tên côn đồ có súng hội ý với gã kế toán, Mày nghĩ cái này thì sao, gã ngưng việc sổ sách lại để cho ý kiến, Đồ giả rẻ tiền, gã nói, trong trường hợp đó tên cầm súng bình phẩm, Nếu nhiều thứ này thì tụi nó sẽ khỏi có thức ăn, hay Đồ tốt, khi ấy lời phê bình sẽ là, Không có gì hơn là làm ăn với người thành thật. Cuối cùng, ba thùng thực phẩm được khiêng lên giường. Đem đi, tên trùm cầm súng nói. Bác sĩ đếm, Ba thùng không đủ, chúng tôi thường nhận được bốn thùng hồi thực phẩm chỉ dành cho chúng tôi, đúng lúc đó ông cảm thấy nòng súng lạnh gí vào cổ ông, đối với một kẻ mù hắn nhắm không tệ, Tao sẽ cho lấy bớt một thùng mỗi khi mày than phiền, bây giờ cút đi, đem đi rồi cảm ơn Chúa là mày còn có cái để ăn. Bác sĩ lẩm bẩm, Tốt, tốt, ông vồ lấy hai thùng trong khi người đàn ông mù đầu tiên lo thùng thứ ba, và bây giờ chậm hơn nhiều vì khiêng nặng, họ lần về đường cũ đã đưa họ tới đây. Khi họ tới tiền sảnh, ở đó hình như không có ai, bác sĩ nói, Tôi sẽ không bao giờ có cơ hội như vậy nữa, Ông nói gì, người đàn ông mù đầu tiên hỏi, Hắn gí súng vào cổ tôi, lẽ ra tôi có thể giật lấy, Như vậy rủi ro lắm, Không rủi ro như mình tưởng, tôi biết khẩu súng ở đâu, hắn không có cách nào biết tay tôi ở đâu, hơn nữa, lúc đó tôi tin là hắn mù hơn tôi, tiếc là tôi đã không nghĩ ra, hay đã nghĩ tới nhưng thiếu can đảm, Rồi sao, người đàn ông mù đầu tiên hỏi, Anh nói gì, Giả thử ông nắm được vũ khí của hắn, tôi không tin ông có thể dùng nó, Nếu tôi biết chắc chắn sẽ giải quyết được tình thế, ừ, tôi sẽ dùng, Nhưng ông không chắc, ừ, thật ra tôi không chắc, Vậy thì tốt hơn chúng nên giữ lấy vũ khí của chúng, miễn là chúng đừng dùng để tấn công chúng ta. Dùng súng đe dọa một người cũng giống như tấn công người ta, Nếu ông lấy được súng của hắn thì chiến tranh sẽ bắt đầu, và rất có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ sống sót ra khỏi chỗ đó, Anh nói đúng, bác sĩ nói, tôi sẽ coi như tôi đã suy nghĩ kỹ, Bác sĩ, ông đừng quên điều ông vừa nói với tôi lúc nãy, Tôi nói gì, Phải có gì xảy ra, Nó đã xảy ra và tôi đã không tận dụng nó, Phải là chuyện gì khác, không phải chuyện đó.
Khi họ vào phòng và phải trình số thực phẩm ít ỏi họ đã khiêng để đặt lên bàn, một số người nghĩ họ đáng trách vì đã không phản đối và đòi nhiều hơn, họ được đề cử làm đại diện cho nhóm vì lý do đó. Khi ấy bác sĩ giải thích việc đã xảy ra, ông kể về tên thư ký mù, về thái độ lăng mạ của gã mù có súng, và cả về cây súng. Những kẻ bất mãn thấp giọng xuống, rốt cuộc họ đồng ý rằng hiển nhiên lợi ích của phòng đã được đặt vào đúng người. Cuối cùng thực phẩm được phân phát, có người không thể không nhắc những kẻ thiếu kiên nhẫn rằng ít còn hơn không, vả lại, lúc này chắc sắp tới giờ ăn trưa, Tệ nhất là nếu chúng ta phải giống như con ngựa nổi tiếng đó, nó chết khi nó hết muốn ăn, một người bình phẩm. Những kẻ khác mỉm cười uể oải và một người nói, Cũng không tới nỗi tệ nếu đúng là khi con ngựa chết, nó không biết nó sắp chết.
Ông già đeo miếng vải đen che mắt hiểu rằng cái radio xách tay, vỏ ngoài mong manh như tuổi thọ hữu ích của nó, phải được loại khỏi danh sách các món quý giá họ phải giao nộp để mua thực phẩm, vì lợi ích của cái máy tùy thuộc trước tiên vào việc có pin bên trong hay không, và thứ nữa, vào việc pin sẽ dùng được bao lâu. Xét theo giọng hơi khàn vẫn phát ra từ cái hộp nhỏ, rõ ràng nó chỉ còn dùng được một thời gian ngắn nữa. Vì thế ông già đeo miếng vải đen che mắt quyết định không cho phát thanh nghe chung nữa, ngoài ra vì bọn mù trong phòng thứ ba bên trái có thể kéo tới rồi nghĩ khác, không vì giá trị vật chất của cái máy hầu như sắp sửa vô dụng như chúng ta đã thấy, mà vì lợi ích trước mắt của nó, hẳn nhiên rất lớn, chưa kể tới giả thuyết khả thi là đã giấu cái này thì cũng có thể giấu cái khác. Vì thế ông già đeo miếng vải đen che mắt nói từ nay ông sẽ trùm chăn nghe tin tức, chui hẳn đầu vào, và nếu có mẩu tin đáng lưu ý nào, ông sẽ báo ngay cho mọi người. Cô gái đeo kính đen xin ông cho cô thỉnh thoảng nghe nhạc, Để khỏi quên, cô biện luận, nhưng ông không lay chuyển, nhấn mạnh điều quan trọng là biết bên ngoài ra sao, ai muốn nhạc thì cứ nghe trong đầu họ, xét cho cùng trí nhớ của chúng ta nên được dùng cho một mục đích hữu ích nào đó. Ông già đeo miếng vải đen che mắt nói đúng, nhạc trên radio đã chói tai như một ký ức đau buồn, thế là vì lý do này ông vặn hết sức nhỏ, đợi tin tức. Khi ấy ông vặn tiếng hơi lớn hơn và chăm chú lắng nghe để khỏi mất chữ nào. Rồi ông tóm tắt bản tin bằng lời của mình, và truyền nó qua các láng giềng gần nhất. Và như thế từ giường này sang giường kia, tin tức lan dần khắp phòng, càng lúc càng sai lạc sau khi truyền từ người này sang người khác, giảm bớt hay phóng đại các chỉ tiết, tùy theo tính lạc quan hay bi quan của kẻ đang truyền tin tức. Cho tới lúc lời đã cạn và ông già đeo miếng vải đen che mắt thấy mình chả còn gì để nói thêm. Và điều đó không phải vì cái radio đã hỏng hay hết pin, kinh nghiệm của cuộc đời và cuộc sống cho thấy rõ không ai có thể quản lý thời gian, cái máy nhỏ này có vẻ không tồn tại lâu, nhưng cuối cùng người ta im tiếng trước khi nó im tiếng. Suốt ngày đầu tiên sống dưới sự kìm kẹp của bọn mù ác ôn, ông già đeo miếng vải đen che mắt đã lắng nghe radio và truyền đi tin tức, gạt bỏ sự giả dối khéo léo của những lời tiên tri lạc quan được chính thức loan đi, và giờ đây trong đêm khuya, rốt cuộc ông thò đầu ra khỏi chăn, chăm chú nghe tiếng khò khè của cái radio sắp hết điện truyền giọng của phát thanh viên, thình lình ông nghe hắn hét, Tôi mù, rồi tiếng vật gì đập vào micro, một loạt âm thanh hỗn loạn vội vã, tiếng kêu than, rồi bỗng lặng yên. Đài phát thanh duy nhất ông có thể bắt được trên máy đã im tiếng. Ông già đeo miếng vải đen che mắt vẫn dán tai một lúc vào cái hộp bây giờ đã trơ trơ, như đợi giọng phát thanh viên trở lại và tin tức tiếp tục. Tuy nhiên, ông cảm thấy, hay đúng hơn đã biết, nó sẽ không trở lại nữa. Chứng bệnh trắng không chỉ làm phát thanh viên mù. Như một vệt thuốc súng, nó đã lan nhanh và lần lượt tới mọi người tình cờ có mặt trong phòng thu. Khi ấy ông già đeo miếng vải đen che mắt buông radio xuống sàn. Bọn ác ôn mù nếu đến để đánh hơi của cải quý giá còn giấu sẽ thấy lý do, nếu ý đó thoáng qua đầu chúng, để loại cái radio xách tay ra khỏi danh sách các món có giá trị. Ông già đeo miếng vải đen che mắt kéo chăn trùm lên đầu để có thể tự do khóc.
Dần dần, dưới ánh vàng vọt u ám của ngọn đèn mờ, căn phòng chìm vào giấc ngủ say, cơ thể được an ủi nhờ ba bữa ăn hôm đó, một điều trước kia ít khi xảy ra. Nếu sự việc tiếp tục như thế, rốt cuộc chúng ta sẽ một lần nữa đi tới kết luận rằng ngay cả trong nỗi bất hạnh tệ nhất cũng có thể tìm thấy điều tốt đủ để chịu đựng nỗi bất hạnh nói trên với lòng kiên nhẫn, mà trong hoàn cảnh này, trái với lời tiên đoán đáng ngại ban đầu, xét cho cùng, tập trung nguồn thực phẩm vào một mối độc nhất để chia và phân phát cũng có khía cạnh tích cực của nó, dù những người lý tưởng rất có thể phản đối là họ thích tiếp tục đấu tranh cho cuộc sống bằng chính sức mình, ngay cả nếu sự ngoan cường của họ sẽ dẫn tới đói. Vô tư lự tới ngày mai, quên rằng kẻ nào trả tiền trước sẽ bị phục vụ kém, đa số người mù trong các phòng đều ngủ say. Những kẻ mệt mỏi tìm kiếm vô vọng một lối thoát danh dự cho những bực dọc đang phải chịu, cũng đã ngủ hết, mơ tới những ngày tốt đẹp hơn, những ngày tự do hơn nếu không nói là thừa thãi. Trong phòng đầu tiên bên phải, chỉ có vợ bác sĩ còn thức. Nằm trên giường, bà nghĩ về điều chồng bà đã kể cho bà, khi ông thoáng ngờ trong số bọn cướp mù có đứa có thể thấy, một kẻ chúng có thể dùng làm mật thám. Lạ lùng là họ không nhắc tới việc đó nữa, như thể nó đã không xảy ra cho bác sĩ, ông đã quen với việc vợ ông còn thấy. Thoáng qua đầu bà, nhưng bà không nói, bà không muốn thốt lên những lời hiển nhiên, Điều hắn không làm được nhưng em làm được. Điều gì vậy, bác sĩ sẽ hỏi, giả vờ không hiểu. Lúc này mắt bà dán lên cây kéo treo trên tường, vợ bác sĩ tự hỏi, Mắt nhìn của mình để làm gì, nó đã vạch trần cho bà xem nỗi kinh hoàng lớn hơn bà có thể tưởng tượng, nó đã thuyết phục bà rằng thà mù còn hơn, thế thôi. Cử động dè dặt, bà ngồi dậy trên giường. Đối diện bà, cô gái đeo kính đen và đứa bé mắt lác đang ngủ. Bà nhận thấy hai cái giường rất gần nhau, cô gái đã đầy giường cô qua, chắc hẳn để gần đứa bé hơn nếu nó cần dỗ dành hay cần người lau nước mắt khi mẹ nó vắng mặt. Tại sao trước kia mình không nghĩ tới, mình có thể đầy giường lại gần và ngủ chung, để khỏi lo lắng thường xuyên là anh ấy có thể ngã khỏi giường. Bà nhìn chồng đang ngủ say, trong giấc ngủ sâu vì mệt mỏi. Bà chưa tìm được dịp để kể cho ông là bà có mang theo kéo, một ngày nào đó bà sẽ phải tỉa râu cho ông, một việc mà ngay cả người mù cũng có thể làm miễn là đừng đưa lưỡi kéo sát da quá. Bà tìm được một cớ để khỏi kể về cây kéo, Sau đó tất cả các ông ở đây sẽ quấy rầy em và em sẽ không làm được gì khác ngoài việc tỉa râu. Bà xoay người ra, đặt chân lên sàn tìm giày. Khi sắp sửa xỏ giày, bà ngừng lại, nhìn nó đăm đăm, lắc đầu, rồi cất nó lại không gây một tiếng động. Bà đi dọc theo lối đi giữa các giường và từ từ tiến ra cửa phòng. Bàn chân trần của bà đụng phân nhầy nhụa trên sàn, nhưng bà biết ngoài hành lang còn tệ hơn rất nhiều. Bà liên tục nhìn dáo dác, để xem có người mù nào còn thức không, dù cho vài người hay cả phòng có thế thức canh chừng vẫn không quan trọng miễn là bà đừng gây tiếng động, và ngay cả nếu bà làm ồn, chúng ta biết nhu cầu của cơ thể chúng ta thúc bách dường nào, chúng chả cần giờ giấc, nói tóm lại, bà không muốn chồng thức giấc và cảm thấy vắng bà đúng lúc để hỏi bà, Em đi đâu đấy, có lẽ đó là câu hỏi các ông chồng thường đặt ra nhất cho vợ mình, cũng như câu, Em ở đâu về đấy. Một bà mù đang ngồi trên giường, vai bà ta dựa lên cái gối thấp, cái nhìn đăm đăm trống rỗng của bà dán lên bức tường đối diện, nhưng bà không thể thấy. Vợ bác sĩ hơi ngập ngừng, như sợ đụng sợi chỉ vô hình lơ lửng trên không trung, như sợ cái chạm nhẹ nhất cũng sẽ chắc chắn làm đứt nó. Người đàn bà mù giơ cao cánh tay, chắc bà cảm thấy không khí rung động nhẹ, rồi bà buông tay xuống, chẳng còn thiết tha, mất ngủ vì tiếng ngáy của người bên cạnh là đủ rồi. Vợ bác sĩ tiếp tục bước vội hơn khi bà tới gần cửa. Trước khi tiến ra tiền sảnh, bà nhìn xuống hành lang dẫn đến các phòng bên khu này, xa hơn nữa, tới phòng vệ sinh, và cuối cùng tới bếp và nhà ăn. Có nhiều người mù nằm sát tường, lúc đến họ không tìm được giường, vì họ chậm chân trong lúc chen lấn, hay vì họ thiếu sức để giành giật và chiếm được một cái giường. Mười mét phía trước, một anh mù đang nằm trên một cô mù, người đàn ông kẹt giữa hai chân cô ta, họ cố hết sức kín đáo, họ thuộc loại kín đáo, nhưng ta không cần thính tai lắm cũng biết họ đang làm gì, nhất là khi người này rồi tới người kia không còn có thể ngăn tiếng thở dài và rên rỉ của họ, vài tiếng ú ở, dấu hiệu mọi việc sắp chấm dứt. Vợ bác sĩ dừng lại nhìn họ, không vì ghen tị, bà có chồng và sự thỏa mãn chồng bà cho bà, mà vì một thứ cảm giác bà không tìm được tên, có lẽ một sự đồng cảm, như thể bà đang định nói với họ, Đừng để ý tới tôi, tôi cũng biết, cứ tiếp tục, có lẽ một cảm giác trắc ẩn, Ngay cả nếu khoái lạc tột đỉnh chốc lát này kéo dài suốt đời, anh chị sẽ không bao giờ hợp nhất thành một. Người đàn ông mù và người đàn bà mù lúc này đang nghỉ, tách rời, người này nằm cạnh người kia, nhưng họ vẫn nắm tay nhau, họ trẻ, có lẽ họ là đôi tình nhân tới rạp xi-nê rồi bị mù trong đó, hay có lẽ một tình cờ huyền diệu nào đó mang họ lại với nhau trong chốn này. và nếu đúng vậy, làm sao họ nhận ra nhau, trời ơi, bằng giọng nói của nhau, tất nhiên, tiếng của huyết quản không cần mắt, tình yêu như người ta nói không chỉ mù lòa, mà còn có tiếng nói của chính nó. Rất có thể họ đã bị bắt cùng lúc, nếu như thế đôi tay siết chặt ấy không phải mới đây, chúng đã siết chặt từ buổi ban đầu.
Vợ bác sĩ thở dài, bà phải đưa tay lên mắt vì bà thấy lờ mờ, nhưng bà không hốt hoảng, bà biết chỉ là nước mắt. Rồi bà tiếp tục đi. Tới tiền sảnh, bà tiến lại cánh cửa dẫn ra sân. Bà nhìn ra ngoài. Phía sau cổng có một ngọn đèn viền bóng đen của một người lính. Bên kia đường, các tòa nhà chìm trong bóng đêm. Bà ra đầu bậc thang. Không có gì nguy hiểm. Ngay cả nếu người lính nhận ra bóng của bà, hắn chỉ bắn sau khi đã cảnh cáo nếu bà đã bước xuống thang, tới gần hơn lằn mức vô hình đối với hắn là ranh giới an toàn. Giờ đây đã quen với sự ồn ào liên tục trong phòng, vợ bác sĩ thấy yên tĩnh lạ lùng, một sự yên tĩnh hình như chiếm ngự khoảng không gian phi thực, như thể nhân loại, toàn nhân loại, đã biến mất, chỉ để lại một ngọn đèn và một người lính gác. Bà ngồi xuống, dựa lưng vào khung cửa, trong cùng tư thế bà đã thấy người phụ nữ mù trong phòng, và nhìn đăm đăm phía trước như bà ta. Đêm lạnh, gió thổi dọc mặt tiền tòa nhà, dường như thế gian này không thể nào còn có gió nữa, dường như đêm phải đen, bà không nghĩ cho mình, bà đang nghĩ tới những người mù đối với họ ngày dài vô tận. Bên trên ngọn đèn, một cái bóng khác xuất hiện, có lẽ thay phiên gác, Không có gì để báo cáo, người lính sẽ nói trước khi về lều ngủ, cả hai đều không biết chuyện gì đang xảy ra phía sau khung cửa đó, có thể ngoài này không nghe tiếng súng, một khẩu súng nhỏ không làm ồn lắm. Một cây kéo còn ít ồn hơn, vợ bác sĩ nghĩ. Bà không phí thời giờ tự hỏi suy nghĩ đó ở đâu ra, bà chỉ ngạc nhiên là nó đến chậm, lời đầu tiên xuất hiện chậm làm sao, rồi những lời kế tiếp chậm chạp, và bà thấy ý nghĩ đã tới trước, tới đâu đó, chỉ còn thiếu lời nói, như cơ thể tìm kiếm trên giường một chỗ trũng đã dọn sẵn cho nó bởi ý nghĩ nằm xuống. Người lính tiến tới cổng, dù hắn đứng ngược ngọn đèn, rõ ràng hắn đang nhìn về phía này, hắn phải nhận ra cái bóng bất động, dù lúc ấy không đủ ánh sáng để thấy đó chỉ là một phụ nữ ngồi trên mặt đất, cánh tay bà ôm lấy chân và cằm bà dựa trên đầu gối, người lính rọi đèn pin vào bà, bây giờ không nghi ngờ gì nữa, đó là người đàn bà sắp đứng lên với cử động chậm như suy nghĩ trước đó của bà, nhưng người lính không biết điều này, hắn chỉ biết hắn sợ một bóng dáng phụ nữ, hình như bà ta lâu lắm mới đứng lên nổi, trong thoáng chốc hắn tự hỏi có nên báo động, hắn quyết định ngay là không, vả lại chỉ là một phụ nữ và bà ta ở khá xa, bất luận thế nào, để phòng ngừa hắn nhắm súng về phía bà, nhưng phải cất đèn pin qua một bên, và cử động đó rọi thẳng tia sáng chói lòa vào mắt hắn, như bùng cháy, một cảm giác bàng hoàng đọng nơi con ngươi hắn. Khi hắn hồi phục lại thị lực, người phụ nữ đã biến mất, bây giờ tên lính gác này sẽ không thể nói với người đến đổi gác cho hắn, Không có gì để báo cáo.
Vợ bác sĩ đã vào cánh bên trái, trong hành lang đưa bà tới phòng thứ ba. Ở đây cũng có người mù ngủ trên sàn, họ đông hơn cánh bên phải. Bà bước yên ắng, chậm chạp, bà có thể cảm thấy chất nhầy nhụa trên sàn dính vào chân. Bà nhìn vào hai phòng đầu, và thấy điều bà đã biết, những thân người đắp chăn, có một ông mù cũng mất ngủ và tuyệt vọng than thở, bà nghe tiếng ngáy đứt quãng của hầu hết mọi người. Còn mùi bốc ra không làm bà ngạc nhiên, toàn thể tòa nhà không có mùi nào khác, mùi của chính thân thể bà, của áo quần bà đang mặc. Khi rẽ vào hành lang dẫn tới phòng thứ ba, bà khựng lại. Một người đàn ông ở cửa, một tên lính gác khác. Hắn cầm gậy trên tay, hắn đang quơ gậy chầm chậm, từ bên này sang bên kia, như cản lối bất kỳ ai định tiến tới. Ở đây không có người mù nào ngủ trên sàn và hành lang thông thoáng. Gã mù ở cửa tiếp tục động tác tới lui đều đều, hình như hắn không hề mệt, nhưng không hẳn, vài phút sau hắn đổi tay cầm gậy và bắt đầu quơ lại. Vợ bác sĩ tiến tới, nép sát vách tường bên kia, cẩn thận không cọ vào tường. Vòng gậy không quơ tới giữa hành lang rộng, ta muốn nói tên gác này đang làm phận sự với một cây súng không nạp đạn. Bây giờ vợ bác sĩ đối diện gã mù, bà có thế thấy căn phòng phía sau hắn. Nhiều giường không có người. Bao nhiêu đứa trong ấy, bà tự hỏi. Bà tiến hơi xa thêm, gần tới đầu gậy của gã, rồi bà dừng lại đó, gã mù quay đầu về phía bà đang đứng, như thể hắn đã cảm thấy điều gì bất thường, một tiếng thở dài, một tiếng rung nhẹ trong không khí. Hắn cao lớn, có bàn tay to. Thoạt tiên hắn vươn cánh tay cầm gậy ra phía trước và quét nhanh khoảng không trước mặt, rồi tiến tới một bước ngắn, trong thoáng chốc, vợ bác sĩ sợ hắn có thể thấy bà, sợ hắn đang tìm thế tốt nhất để tấn công bà, Cặp mắt đó không mù, bà hốt hoảng nghĩ. Mù, dĩ nhiên nó mù, mù như cặp mắt của mọi người sống dưới mái nhà này, giữa các bức tường này, tất cả, tất cả trừ đôi mắt của bà. Hầu như thì thào, hắn thấp giọng hỏi, Ai đó, hắn không quát như một lính gác thật, Ai đi đó, bạn hay thù, câu trả lời thích đáng sẽ là, Bạn, khi đó hắn sẽ nói, Đi, nhưng giữ khoảng cách, tuy nhiên sự việc không xảy ra như vậy, hắn chỉ lắc đầu như tự nhủ, Vớ vẩn, làm sao có ai ở đó, giờ này mọi người đều ngủ. Bàn tay không cầm gậy sờ soạng, hắn lui lại cửa, an tâm vì câu nói của chính mình, hắn buông thõng tay. Hắn cảm thấy buồn ngủ, hắn đợi một đồng chí của hắn tới thay đã lâu lắm rồi, nhưng muốn vậy gã kia phải tự thức giấc, nghe theo tiếng gọi của nhiệm vụ, vì ở đây không có đồng hồ báo thức và cũng chẳng có cách nào dùng nó. Thận trọng, vợ bác sĩ tiến tới bên kia cửa nhìn vào. Căn phòng không đầy người. Bà đếm vội, nhẩm phải có chừng mười chín hay hai mươi đứa. Ở cuối phòng bà thấy nhiều thùng thực phẩm chất đống, một số thùng khác nằm trên các giường trống. Như đã đoán, chúng không phát hết số thực phẩm đã nhận, bà nghĩ. Gã mù hình như lại lo lắng, nhưng không cố tìm hiểu. Nhiều phút trôi qua. Bên trong có tiếng người ho lớn, hiển nhiên là một kẻ nghiện thuốc nặng. Gã mù bứt rứt quay đầu, rốt cuộc hắn sẽ được ngủ. Bọn nằm trên giường không ai ngồi dậy. Khi ấy gã mù chầm chậm như sợ chúng có thể bắt quả tang hắn đang bỏ vị trí hay vi phạm luật chung mà bọn gác phải tuân theo, hắn ngồi xuống mép giường đặt chắn lối vào. Vài giây sau, hắn gà gật, rồi không cưỡng nổi cơn buồn ngủ, và chắc chắn trong giấc ngủ hắn đã nghĩ, Chả sao, chẳng ai thấy được mình. Một lần nữa vợ bác sĩ đếm bọn đang ngủ bên trong, Kể cả hắn có hai mươi đứa, ít nhất bà đã thu được một số tin tức đúng, chuyến đi đêm của bà không vô ích, Nhưng phải chăng đây là lý do duy nhất để mình tới đây, bà tự hỏi, và bà thà không tìm kiếm câu trả lời. Gã mù đang ngủ, đầu hắn dựa lên khung cửa, cây gậy của hắn đã lặng lẽ trượt xuống sàn, một gã mù vô phương tự vệ và không có hàng cột nào để xô đổ xuống chung quanh hắn. Vợ bác sĩ muốn tỉnh táo nghĩ rằng người đàn ông này đã cướp thức ăn, đã cướp những thứ đúng ra phải thuộc về người khác, hắn đã cướp thức ăn trong miệng trẻ con, nhưng dù nghĩ như thế bà không cảm thấy khinh bỉ, thậm chí không một chút bực tức nào, không gì khác hơn nỗi trắc ẩn lạ lùng đối với thân hình rũ xuống trước mặt bà, đầu ngửa ra sau, cổ dài đầy gân căng phình. Lần đầu tiên từ khi rời phòng bà cảm thấy lạnh run khắp người, như thể đá lát sàn đã biến chân bà thành băng, như thể nó bị cháy sém. Hy vọng không phải là sốt, bà nghĩ. Không thể, có vẻ là sự mệt mỏi vô hạn, niềm khát khao cuộn tròn trong chính mình, mắt bà, nhất là đôi mắt, quay vào trong, vào sâu, vào sâu, vào sâu, cho tới khi chúng có thể đến quan sát bên trong óc bà, nơi đó sự khác biệt giữa thấy và không thấy trở thành vô hình đối với mắt trần. Chầm chậm, thậm chí chậm hơn, kéo lê thân mình, bà lần bước theo lối cũ về chỗ của bà, bà đi qua những người mù, dường như họ giống kẻ mộng du, chắc giống như họ nghĩ về bà, thậm chí bà không phải giả vờ là bà mù. Cặp tình nhân mù không còn nắm tay, họ đã ngủ và nằm rúc bên nhau, cô ta cuộn trong thân thể của anh ta để giữ ấm, và nhìn kỹ hơn, họ đang nắm tay, rốt cuộc, cánh tay anh ta gác trên thân cô, ngón tay họ đan lại. Bên trong phòng, người đàn bà mù mất ngủ vẫn ngồi trên giường, đợi đến khi cơ thể mệt mỏi của bà ta chiến thắng sự kháng cự ngoan cố của tâm hồn. Mọi người khác có vẻ đang ngủ, vài người trùm đầu, như thể họ vẫn đang tìm một bóng tối bất khả nào đó. Trên bàn ngủ của cô gái đeo kính đen có chai thuốc nhỏ mắt. Mắt cô đã đỡ hơn, nhưng cô không biết.
Mù Lòa Mù Lòa - José Saramago Mù Lòa