Chương 5
hà ăn của bệnh viện Three Counties lâu nay vẫn là nơi gặp gỡ của hầu hết mọi nhánh mọi cành của một dây nho tỏa lan chằng chịt đến từng khu, từng khoa trong khuôn viên bệnh viện. Ít có biến cố nào xảy ra trong Bệnh viện mà không được thông báo và bàn tán trong nhà ăn trước khi có lời tuyên bố chính thức.
Các bác sĩ thường dùng nhà ăn để hội ý với đồng nghiệp vì họ chỉ gặp được nhau trong giờ ăn hay khi uống cà phê giải lao. Quả thật, nhiều vấn đề y học quan trọng đã được trao đổi trên bàn ăn. Ý kiến của các chuyên gia nặng ký những lúc khác rất đắt tiền, lại thường được tung ra một cách thoải mái vào lúc này. Đôi khi những ý kiến ấy cứu được bệnh nhân thoát khỏi cơn bệnh trầm kha, nhưng bệnh nhân chẳng hề biết rằng phương án điều trị cho mình đã được đề xuất một cách rất ư là vô tình tại nhà ăn.
Cũng có những trường hợp ngoại lệ. Thảng hoặc một vài bác sĩ không chịu để cho người khác sử dụng vô tội vạ những tài năng mà họ đã phải dày công khổ luyện. Khi thấy bạn đồng nghiệp muốn lôi kéo họ cùng thảo luận về những ca bệnh, họ bèn từ chối khéo: “Chúng ta nên hội ý tại phòng khám của tôi. Khi ấy tôi mới suy nghĩ được”.
Gil Bartlet là một trọng những người như thế, và lắm lúc anh có kiểu từ chối rất thô lỗ. Một câu chuyện minh họa cho chiến thuật từ chối của anh đã xảy ra không phải trong quán ăn nhưng tại một buổi tiệc rượu tại nhà riêng.
Nữ chủ nhân, một mệnh phụ tai to mặt lớn của thành phố Burlington, cứ bám sát Bartlett và ném ra tới tấp những câu hỏi về các chứng bệnh thật và bệnh tưởng của bà ta. Bartlett lắng nghe một lúc rồi tuyên bố bằng cái giọng bô bô khiến gian phòng ních chặt người phải im bặt: “Thưa quí bà, cứ như quí bà nói thì tôi tin chắc rằng quí bà bị rối loạn kinh nguyệt. Nếu quí bà cởi quần áo, tôi xin khám ngay tại đây”.
Tuy cũng có lúc từ chối, nhưng bầu hết các bác sĩ đều chấp nhận trao đổi ý kiến tại nhà ăn vì thấy mình có thu lợi và có mất mát đồng đều. Khi không muốn trao đổi, nhiều bác sĩ dùng câu nói nước đôi cũ rích: “Nếu ông muốn, tôi sẽ tiếp tại phòng khám phụ”. Bình thường, chỉ như thế là đủ. Không cần phải nói gì thêm và cũng không ai thắc mắc gì nữa.
Nhìn chung, nhà ăn là chỗ dân chủ. Cấp bậc trên dưới nếu không bị quên đi thì ít ra cũng bị tạm phớt lờ. Nét phân biệt duy nhất là một dãy bàn dành riêng cho hội đồng thày thuốc. Bà Straughan, trưởng ban cấp dưỡng, thỉnh thoảng đi lại gần dãy bàn này vì biết rằng ngay cả những khuyết điểm nhỏ nhặt nhất về mặt vệ sinh và phục vụ có thể gây nên những lời phàn nàn tại một phiên họp nào đó của hội đồng bệnh viện. Hầu hết các bác sĩ hợp đồng thâm niên đều ngồi vào bàn dành riêng cho họ. Cánh bác sĩ thực tập và sinh viên nội trú ngồi tản mạn hơn, và đôi khi để khẳng định sự độc lập của mình, họ đến ngồi chung với các cô y tá hoặc các nhóm khác. Bởi thế không có gì khác thường khi Mike Seddons kéo ghế ngồi đối diện với Vivian Laburton. Hôm nay nàng xong việc sớm hơn các bạn nên ăn trưa một mình.
Từ khi gập gỡ nhau trong phòng mổ xét nghiệm tử thi cách đây mười hôm, Vivian nhiều lần gặp lại Mike Seddons trong bệnh viện và mỗi lần trông thấy mớ tóc đỏ bờm xờm và nụ cười hết cỡ của anh - nàng cảm thấy mến anh hơn.
Trong thâm tâm nàng mong chờ anh sớm đến bắt chuyện với nàng. Và lúc này, điều mong chờ ấy đã tới.
- Chào em, Seddons nói.
- Xin chào -Tiếng chào của Vivian nghe kỳ cục vì nàng vừa hăm hở cắn một miếng đùi gà. Nàng chỉ tay vào miệng và nói:
- Xin lỗi.
- Không sao - Seddons nói - Cứ nhẩn nha. Anh đến để gạ gẫm em đây.
Vivian nuốt xong miếng thịt gà trả lời:
- Em tưởng đâu có nhanh như thế.
Mike Seddons nhoài miệng cười:
- Em không nghe người ta nói hay sao? Thời đại phản lực mà! Thời giờ đâu để mà kiểu cách rườm rà. Anh gạ gẫm thế này này: ngày mốt đi coi hát, trước đó có ăn tối ở Cuban Grill.
Vivan ngạc nhiên hỏi:
- Đủ tiền không?
Trong giới thực tập và y tá học nghề chuyện nghèo túng vẫn là một trò đùa muôn thuở.
Seddons thấp giọng thì thào:
- Đừng nói lại với ai nhé. Anh mới kiếm được một tí ngoại tài. Mấy cái xác chết đem mổ xét nghiệm ấy mà, nhiều người có răng vàng. Chỉ cần...
- Ồ, anh đừng nói nữa kẻo em ăn mất ngon.
Nàng lại cắn đùi gà. Seddons đưa tay nhón hai miếng khoai tây rán trên đĩa của nàng.
Ừm, khá đấy chứ. Anh phải năng ăn món này mới được. Câu chuyện thế này... Anh mở túi lấy ra hai tấm vé và một tờ giấy in -Thấy chưa, bệnh nhân hậu tạ đấy.
Hai tấm vé cho buổi hòa nhạc. Tờ giấy in là phiếu ăn hai khẩu phần tại nhà hàng Cuban Grill.
- Anh chữa bệnh gì cho người ta?- Vivian không che giấu sự tò mò – Mổ tim hả?
- Không. Tuần trước anh mất nửa giờ cấp cứu cho Frank Worth. Khâu vết đứt dài trên bàn tay. Sau đó bưu điện chuyển đến mấy thứ này - Anh tắc lưỡi: tất nhiên ông Worth này rất bực mình, bảo rằng sẽ không bao giờ rời bỏ nhiệm sở nữa. Sao, em nhận lời chứ?
- Em thích lắm - Vivian nói thật lòng.
- Tuyệt! Bảy giờ anh sẽ đón em ở khu nhà y tá. Ôkê chứ? Trong khi nói Seddons càng cảm thấy thích cô gái hơn. Anh chợt nhận thấy nàng còn nhiều cái khác hơn là khuôn mặt xinh đẹp và một thân hình quyến rũ. Ánh mắt và nụ cười của nàng truyền đến anh một cái gì đó nồng ấm, ngát thơm. Anh nghĩ thầm: “uớc gì buổi gặp gỡ là hôm nay thay vì ngày mốt, phải chờ đợi lâu quá!”. Và rồi trong lòng anh vang lên lời nhắc nhở: “Hãy coi chừng những cuộc dan díu! Đừng quên chủ trương của Seddons: yêu rồi bỏ!”
Đành rằng kỷ niệm chan chứa niềm vui và chia tay là nỗi đau ngọt ngào, nhưng ở vậy vẫn thực tế hơn cả.
- Ôkê - Vivian đáp. Có thể em sẽ hơi trễ một chút, nhưng không lâu lắm đâu.
Một tuần rưỡi trôi qua kể từ khi Harry Tomaselli báo cho O’Donnell biết rằng việc xây dựng mở rộng bệnh viện dự trù sẽ được khởi công vào mùa xuân. Lúc này trong văn phòng ban quản trị, Harry Tomaselli, Kent O’Donnell và Orden Brown,chủ tịch hội đồng quản trị, đang thảo luận những việc cần làm ngay.
Mấy tháng trước, với một kiến trúc sư làm việc sát sườn, ba người đã vạch ra những kế hoạch chi tiết cho từng khu vực thuộc cánh nhà sắp xây. Nguyện vọng của các vị trưởng khoa phải được cân nhắc cho vừa với số tiền sẽ kiếm được. Orden Brown là người quyết định tất cả với các ý kiến cố vấn về mặt y khoa của O’Donnell. Bao giờ cũng thế, ông chủ tịch luôn luôn sắc bén và quyết liệt nhưng vẫn có đôi chút hài hước làm giảm nhẹ tính cứng rắn cố hữu. Có lúc họ đáp ứng được hết mọi yêu cầu, lại có lúc rà sát rất kỹ.
Ông dược sĩ trưởng nằng nặc đòi cho bằng được một nhà vệ sinh riêng trong phòng làm việc của ông ta. Kiến trúc sư cho biết đã có nhà vệ sinh chung dưới hành lang chỉ cách đó mười lăm thước. Ông dược sĩ bèn đi xa tới mức bảo rằng mười lăm thước là cả một đường dài dằng dặc đối với người hay bị tháo dạ như ông. Orden Brown liền lạnh lùng chuyển ông ta sang khoa dược nội.
Đành phải phủ quyết một vài dự án tuyệt vời chỉ vì thiếu kinh phí. Bác sĩ X-quang Ben Kinh Coong đề nghị mở khu xạ trị nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và chữa bệnh tim. Nhưng khi tìm hiểu ra thì chỉ nguyên phần thiết bị đã ngốn mất năm mươi ngàn đô la, kế hoạch này đành bị huỷ bỏ một cách đáng tiếc.
Nay dự án đã tạm xong, mọi sự chú ý phải đổ dồn vào việc thực tế là kiếm cho ra tiền. Xét kỹ ra đây là trách nhiệm của ban quản trị, nhưng rất cần đến sự tiếp tay của hội đồng thầy thuốc.
Orden Brown nói:
- Tôi đề nghị đặt chỉ tiêu cho các bác sĩ “hợp đồng” lo giùm sáu nghìn đô la, “đương nhiệm” bốn nghìn và “phụ tá” hai nghìn. O’Donell huyt sáo nho nhỏ:
- Tôi e rằng sẽ có người phàn nàn.
Brown mỉm cười:
- Ta phải ráng hết sức để chịu đựng.
Harry Tomaselli chen vào:
- Số tiền đóng góp có thể trao dần trong vòng bốn năm. Nếu có được các bản cam đoan, ta có thể dùng để vay tiền ngân hàng.
- Còn điều này nữa - Brown nói - Khi cả thành phố biết các bác sĩ đang đóng góp, ngân quỹ của chúng ta có cơ may tăng lên rất nhiều.
- Liệu thành phố có biết được chuyện đó hay không?
- Tất nhiên - Brown mỉm cười.
O’Donnell thầm nghĩ rồi đây anh sẽ phải thông báo điều này cho hội đồng thầy thuốc. Anh hình dung được những bộ mặt nhăn nhó khi họ nghe anh nói. Hầu hết các bác sĩ cũng như phần đông dân chúng ngày nay, sống bằng lợi tức lao động. Dĩ nhiên các chỉ tiêu không có tính cách bắt buộc, nhưng mấy ai dám chống đối, nhất là từ khi các bác sĩ có thu nhập khá hơn nhờ sự đi lên của bệnh viện. Chắc chắn sẽ có nhiều người đóng góp đầy đủ số tiền yêu cầu và rồi đòi buộc kẻ khác phải chịu khổ sở đồng đều, bản tính con người từ trước đến nay vẫn thế. Bệnh viện vốn là nơi so tài đấu trí, chắc chắn có những mặt nào đó mà đám người bất phục tùng có thể làm cho anh điêu đứng.
Harry Tomaselli vẫn quen phát biểu theo trực giác:
- Đừng lo Kent ạ. Tôi sẽ mách nước cho anh thật tỉ mỉ trước khi họp hội đồng thầy thuốc. Ta sẽ liên kết các điểm quan trọng lại với nhau. Nói thật, anh mà trình bày cho ngon lành thì dám có người xin nâng chỉ tiêu lên nữa là khác.
- Nại vào đó không được đâu - O’Donnell mỉm cười. Ta sắp chạm vào dây thần kinh nhạy cảm nhất của các bác sĩ là túi tiền của họ.
Tomaselli cũng cười. Ông biết khi bác sĩ trưởng kêu gọi hội đồng thầy thuốc, anh sẽ biết cách trình bày thật sắc sảo và ngon lành như mọi công việc khác. Đã nhiều lần ông cảm thấy sung sướng được làm việc với một người có cá tính như O’Donnell. Tại bệnh viện cũ của ông, bác sĩ trưởng là kẻ mị dân, gió chiều nào theo chiều ấy. Hậu quả là lãnh đạo không ra lãnh đạo, dẫn đến sự xuống cấp của bệnh viện.
Harry Tomaselli yêu chuộng sự bộc trực và những quyết định chớp nhoáng, chủ yếu là vì đó là những phương pháp mà chính ông cũng áp dụng trong công tác quản trị bệnh viên Three Counties. Quyết định nhanh đôi khi có sai lầm, nhưng nhìn chung rất được việc, và theo thời gian, mức độ đánh trúng mục tiêu tăng đần. Nhặm lẹ trong lời nói, suy nghĩ và hành động là thói quen mà Harry Tomaselli đã học được tại tòa án trước khi ông nghĩ đến việc tìm vận mệnh tại bàn giấy bệnh viện.
Học xong bậc cao đẳng, ông vào trường luật và bắt đầu đặt nền tảng cho nghề nghiệp đầy triển vọng sau này thì bỗng đâu chiến tranh can thiệp vào. Có lệnh gọi nhập ngũ, ông đầu quân vào binh chủng hải quân và được đặc cách vào chức vụ quản trị quân y. Sau này, khi các bệnh viện hải quân đầy ứ thương binh, đại úy Tomaselli đã tỏ ra là một nhà quản trị tài ba có nhận thức hết sức nhạy bén đâu là ranh giới giữa y học và việc quản trị bệnh viện.
Khi chiến tranh kết thúc, đứng trước hai ngả đường: trở về tòa án hay ở lại với bệnh viện, ông đã chọn ngả đường thứ hai và xin vào học khoa quản trị bệnh viện thuộc Viện đại học Columbia. Ông tốt nghiệp đại học Columbia giữa lúc nghề nghiệp quản trị bệnh viện ngày càng được coi như một chuyên ngành trong đó bằng cấp bác sĩ vừa không cần thiết vừa vô dụng. Điều này đã mở ra một con đường thênh thang chào đón những nhà quản trị tài ba. Sau hai năm làm phụ tá, ông nhận lời mời của Orden Brown đến giữ chức vụ thượng đỉnh tại bệnh viện Three Counties.
Hiện nay Harry Tomaselli rất say mê công việc của mình. Ông cùng quan điểm với Kent O’Donnell về những tiêu chuẩn cần đạt được của bệnh viện và rất kính nể sự khôn ngoan nhạy bén của ông chủ tịch hội đồng quản trị Orden Brown. Trong chức vụ quản trị, Tomaselli phải quan tâm lo lắng sao cho mọi công việc trong bệnh viện cũng như điều dưỡng, cấp dưỡng, cơ khí, xây dựng, kế toán... đạt được các tiêu chuẩn mà hai vị kia đòi hỏi.
Để thành công, ông dùng phương pháp bổ nhiệm (ông có tài chỉ định các vị trưởng khoa rất xứng đáng), đồng thời quan tâm sâu sắc đến tất cả mọi sự việc diễn ra trong bệnh viện. Hầu như không một sự việc quan trọng nào mà ông không hay biết. Ngày ngày người ta không trông thấy bóng dáng thấp bé mà chắc nịch của ông đi lăng xăng qua các hành lang nhưng thường xuyên dừng lại chuyện trò với các y tá, bệnh nhân, gác dan, thư ký, đầu bếp - bất cứ ai xem chừng có thể kể cho ông nghe chuyện này chuyện kia trong bệnh viện hoặc góp ý với ông điều hành bệnh viện cho tốt hơn. Bất cứ một sáng kiến nào cũng khiến ông xúc động sâu sắc. Sự năng nổ nhiệt tình của ông lan đến cả những người chung quanh. Đầu vươn về phía trước, đôi mắt long lanh sau tròng kính gọng đen, ông nói năng lưu loát, dòng suy nghĩ trôi nhanh, hai bàn tay vung lên nhấn mạnh từng điểm một.
Suốt những cuộc đi rảo quanh ấy ông ít khi ghi chép. Những năm học làm luật sư đã giúp ông biết sắp sẵn các sự kiện trong đầu. Nhưng sau mỗi chuyến kinh lý, ông ghi vào sổ tay một cách vắn tắt đủ mọi chuyện to, chuyện nhỏ có liên quan đến việc nâng cao công tác quản trị bệnh viện Three Counties.
Ông biết cách ăn nói xã giao ít khi gây mếch lòng ai. Sau khi quở trách một cách ngắn gọn, ông liền đổi giọng vui vẻ nói sang chuyện khác. Tuy ghi chép vắn tắt, những lời trong sổ tay của ông bao giờ cũng độ lượng khoan dung.
Ông rất ghét việc sa thải nhân viên, trừ khi lỗi của họ quá nặng. Ông thường nói với các vị trưởng khoa: “Bất cứ ai làm việc ở đây được hơn một tháng là đã có kinh nghiệm làm vốn đầu tư cho chúng ta. Nếu có thể được, ta ra sức uốn nắn họ thì có lợi hơn là tìm người khác thay thế, biết đâu những người mới lại có những khuyết điểm khác mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến”. Tất cả các nhân viên đều biết và tôn trọng chủ trương này, nhờ vậy tinh thần họ luôn luôn phấn khởi.
Về mặt tổ chức vẫn còn những vấn đề khiến ông ưu tư. Ông biết một vài khoa còn có thể làm việc tốt hơn hiện nay, một vài mặt phục vụ bệnh nhân còn có thể cải tiến thêm nữa, nhiều thiết bị cần phải thay thế. Để đạt đến mức lý tưởng, bệnh viện không thể thiếu máy móc hiện đại như máy xạ trị chẳng hạn. Chương trình xây dựng sắp tới sẽ bổ sung một số những thiếu sót ấy. Nhưng không phải tất cả.
Cũng như O’Donnell, ông biết trước mặt còn mấy năm trời khổ nhọc nữa: Và có lẽ thột vài mục tiêu còn xa tầm tay với. Nhưng xét cho cùng, đó là còn đường dẫn đến thành tựu. Con người luôn luôn gắng sức để đạt được thành tựu cao hơn một chút so với mức độ dự kiến tối đa khá năng của mình.
Ý nghĩ của ông chợt quay về với thực tại vì những lời của Orden Brown đang nói với O’Donllell:
- Một khi chiến dịch bắt đầu, tất nhiên ta sẽ phải lo rất nhiều công tác xã giao. À, còn điều này nữa, tôi thấy cũng hay, Kent à, ấy là cử anh đi làm phát ngôn viên ở hội từ thiện ([13]). Anh có thể trình bày với họ những kế hoạch tương lai của bệnh viện mới.
O’Donnell vốn rất ghét các buổi gặp gỡ đông người, nhất là lòng tốt được tập hợp lại của các hội từ thiện. Anh toan nhăn mặt nhưng kềm lại được và nói:
-Nếu ông thấy việc đó có ích lợi, tôi xin nhận.
- Ban chấp hành Hội từ thiện có người của tôi - Orden Brown nói - Tôi sẽ nhờ anh ta chuẩn bị trước. Tuần lễ đầu tiên của chiến dịch anh làm việc tại đó. Tuần kế tiếp cũng vẫn công việc ấy bên Hội Kiwaris ([14]). O’Donnell toan đề nghị ông chủ tịch dành cho anh chút ít thời giờ lo công tác phẫu thuật chuyên môn kẻo không bảo đảm đúng chỉ tiêu. Nhưng anh nghĩ lại và không nói ra.
- À - Orden Brown nói - ngày mốt anh có rảnh để đến dùng bữa tối với chúng tôi được không?
- Thưa được – O’Donnell trả lời ngay. Anh rất thích bữa ăn tối êm đềm và trang trọng tại dinh thự trên sườn đồi.
- Tôi mong có anh cùng đi đến nhà Eustace Swayne - Thấy O’Donneil tỏ vẻ không ngạc nhiên, ông nói thêm:
- Anh yên tâm, ông ta nhờ tôi mời anh đó.
- Vâng, tôi rất hân hạnh.
Dù sao cũng là điều bất ngờ khi được mời đến nhà của vi ủy viên hắc ám nhất trong ban quản trị. O’Donnell từng mấy lần gặp gỡ Eustace Swayne nhưng không quen ông ta lám.
- Thật ra cũng do tôi đề nghị - Brown nói -Tôi muốn anh trao đổi với ông ta về công việc của bệnh viện. Nếu có thể được, anh cố gắng làm cho ông ta thông cảm được một vài điều suy nghĩ của anh. Nhiều khi ông ta là cả một vấn đề cho ban quản trị, chẳng nói thì anh cũng biết, tất nhiên rồi.
- Tôi sẽ cố gắng.
Đã biết rõ công việc liên quan đến bữa ăn sắp tới, O’Donnell cảm thấy khổ tâm vì phải dây vào chuyện “chính trị” trong ban quản trị. Cho đến nay anh vẫn cố tránh điều ấy nhưng không thể từ chối lời đề nghị của Orden Brown được.
Ông Chủ tịch nhấc cặp chuẩn bị ra về. Tomaselli và O’Donnell cùng đứng lên theo. Bữa tiệc nho nhỏ thôi - Orden Brown nói - Có lẽ chỉ vào khoảng năm, sáu người. Chúng tôi sẽ tạt vào đón anh. Lúc nào đi sẽ gọi điện cho anh.
O’Donnell buông khẽ mấy lời cảm ơn. Ông chủ tịch gật đầu lịch sự rồi bước ra.
Cánh cửa chưa kịp khép lại thì cô Kathy Cohen, thư ký của Tomaselli bước vào.
- Xin lỗi phải làm phiền các ông - Cô nói.
- Gì thế, Kathy?
Cô nói với Tomaselli:
- Một ông Bryan nào đó gọi điện thoại nằng nặc đòi nói chuyện với ông.
- Tôi đang bận công việc với bác sĩ O’Donnell. Tôi sẽ gọi lại cho ông ta sau - Giọng nói của Tomaselli lộ vẻ ngạc nhiên. Bình thường ông không cần phải nhắc nhở Kathy một điều sơ đẳng như thế.
- Tôi có bảo ông ta như thế, thưa ông Tomaselli, nhưng ông ta khẩn khoản quá. Ông ta xưng là chồng của một bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng ông cần biết chuyện này.
- Có lẽ anh nên nói chuyện với ông ta đi Harry - O’Donnell mỉm cười với cô gái - Để Kathy khỏi bận tâm nghĩ ngợi. Tôi chờ một chút không sao.
- Thôi được - ông quản trị nhấc một trong hai chiếc máy điện thoại trên bàn.
- Đường dây số bốn - Cô thư ký chờ nối máy xong mới lui ra. Quản trị viên đang nghe đây – Giọng Tomaselli thân mật. Bỗng nhiên ông hơi nhíu mày lắng nghe.
O’Donnell bắt được loáng thoáng mấy lời: “Hoàn cảnh khó khăn...gánh nặng quá mức cho gia đình...xin hỏi dùm...” Tomaselli lấy tay che ống điện thoại và nói với O’Donnell:
- Ông ta bực tức về bà vợ. Tôi chưa hiểu ra chuyện gì.
Ông lắng nghe một lúc nữa rồi nói:
- Thưa ông Bryan, xin ông vui lòng kể lại từ đầu - ông nhấc bút - Vâng, vâng... Xin cho biết bà nhà nhập viện ngày nào? - Tiếng trả lời vang lên trong ống nghe: Tomaselli ghi chép nhanh. - Y sĩ điều trị là ai? Vâng ông cho biết luôn ngày bà xuất viện?... Vâng, tôi hiểu rồi.
O’Donnell nghe được mấy lời: “Không bằng lòng một chút nào...” rồi tiếng nói của Tomaselli:
- Không, thưa ông Bryan, tôi không nhớ ca bệnh nào, nhưng xin hứa sẽ hỏi lại xem sao... Vâng, tôi hiểu tiền viện phí là cả một vấn đề cho gia đình, nhưng bệnh viện không có lợi lộc gì, xin ông hiểu cho.
O’Donnell vẫn nghe tiếng người từ đầu dây bên kia, nhưng lúc này có vẻ bình tĩnh hơn trước cách nói chuyên hòa nhã của Tomaselli.
Nhà quản trị nói:
- Vâng, thưa ông, y sĩ điều trị quyết định thời gian nằm viện. Thiết nghĩ ông nên hỏi lại ông ta xem sao. Phần tôi sẽ yêu cầu bên tài vụ xem kỹ phần quyết toán cho ông, từng khoản một... Cảm ơn ông, vâng, xin chào.
Ông gác máy, tách trang giấy ghi chép đặt vào chiếc khay có khắc chữ “Công lệnh”.
- Chuyện rắc rối gì thế? O’Donnell hỏi giọng ỡm ờ. Tại một bệnh viện tất bật trăm công nghìn chuyện như thế này không thiếu những lời phàn nàn về việc phục vụ và phí tổn.
- Ông ta than phiền vì bà vợ nằm quá lâu đến nỗi ông ta phải mang công nợ để trang trải viện phí.
O’Donnell nói rắn rỏi:
- Làm sao ông ta biết được như thế là quá lâu?
- Ông ta bảo đã kiểm tra rồi, chằng hiểu là thế nào - Tomaselli tư lự - Có thể bà ta cần nằm lâu như thế, nhưng đã ba tuần rồi còn gì.
- Thế cơ à?
- Trước đây tôi không quan tâm đến điều này cho lắm. Nhưng rồi người ta bắt đầu phàn nàn nhiều, không phải tất cả đều gay gắt như lần này, nhưng đại loại cùng một vấn đề.
Trong đầu óc O’Donnell chợt lóe lên dòng chữ “Khoa Xét nghiệm” Anh nói to:
- Ai điều trị?
Tomaselli liếc nhìn trang giấy:
- Bác sĩ Reubens.
- Thử hỏi anh ta xem.
Tomaselli nhấc máy bộ đàm nội bộ:
- Kathy, nhờ cô gọi dùm bác sĩ Reubens.
Hai người lặng lẽ chờ đợi. Ngoài hành lang vang lên giọng nói êm ái truyền đi hệ thống loa gọi: “Bác sĩ Reubens! Bác sĩ Reubens!”. Một lúc sau chuông điện thoại reo lên. Tomaselli nhấc máy, lắng nghe rồi trao cho O’Donnell.
- Reubens đó hả? Kent O’Donnell đây.
- Có chuyện gì thế? O’Donnell nghe rõ giọng nói chính xác và trong trẻo của Reubens ở đầu dây.
- Anh có một nữ bệnh nhân - Anh nhìn xuống tờ giấy vừa được Tomaselli đẩy đến - tên là Bryan phải không?
- Phải rồi, sao? Ông chồng phàn nàn chứ gì?
- Anh biết rồi à?
- Tất nhiên - Reubens tỏ ra bực tức - Tôi cho rằng ông ta có lý do để phàn nàn.
- Đầu đuôi thế nào hở Reubens?
- Tôi nhận bà Bryan. Nghi ung thư biểu bì vú. Tôi cắt bỏ một khối u. Xét nghiệm cho biết đó là khối u lành.
- Thế thì giữ bà ta lại ba tuần lễ để làm gì? O’Donnell biết phải luôn luôn chơi trò hỏi đáp với Reubens. Chẳng mấy khi anh ta thực hiện thông tin.
- Anh hỏi Joe Pearson thì hơn.
- Cần gì phải rắc rối thế, anh cho tôi biết được mà - O,Donnell bình tĩnh yêu cầu - Dù sao bà ta cũng là bệnh nhân của anh.
Im lặng. Một lúc sau, giọng nói trong trẻo lại vang lên:
- Thôi được. Khối u lành. Nhưng phải mất hai tuần rưỡi mới biết được điều ấy. Pearson rề rà mãi mới đưa nó vào kính hiển vi.
- Sao anh không nhắc ông ta?
- Nhắc cả năm, sáu lần rồi đấy chứ. Tôi mà không thúc thì ông ta còn ngâm lâu hơn nữa.
- Chính vì thế mà anh giữ bà Bryan lại... ba tuần?
- Chứ sao? - Reubens đổi sang giọng mỉa mai - Chẳng lẽ anh bảo tôi phải cho bà ta xuất viện ngay?
Reubens chua chát về chuyện này là có lý do. O’Donnell nghĩ thầm. Rõ ràng là anh ta bị đẩy vào chỗ khó xử. Cho bệnh nhân xuất viện thì có thể sẽ phải gọi lại để mổ tiếp, như trường hợp của Bill Rufus. Trái lại, bệnh nhân còn nằm viện ngày nào là còn thêm gánh nặng tiền bạc cho gia đình.
O’Donnell nói:
- Tôi có bảo anh gì đâu. Chỉ hỏi cho biết thế thôi.
Reubens vẫn chưa hết ấm ức:
- Vậy anh nên hỏi thêm mấy người nữa. Chuyện xảy ra không phải với riêng tôi đâu. Anh biết trường hợp của Bill Rufus rồi phải không.
- Tôi có biết, nhưng cứ tưởng từ đó đến nay sự thể khá hơn rồi.
- Nếu có khá hơn thì không phải như anh thấy đâu. Anh nghĩ sao về chuyện tiền bạc với bà Bryan?
- Có lẽ phải bó tay thôi. Dù sao bà ta cùng nằm ở đây những ba tuần lễ. Tài chính bệnh viện eo hẹp lắm: anh biết đấy.
O’Donnell nghĩ bụng không biết anh chàng Reubens này sẽ phản ứng ra sao khi được yêu cầu đóng góp sáu nghìn đô la vào ngân quỹ bênh viện.
- Tệ quá! Chồng bà ta chẳng khá giả gì, thợ mộc thì phải. Tiền bảo hiểm cũng chẳng có. Sau vụ này họ sẽ khốn đốn không biết đến bao giờ.
O’Donnell không đáp. Anh đang mải suy nghĩ đến công việc tiếp theo. Giọng nói trong trẻo lại mang lên trong máy:
- Này, xong chưa?
- Xong. Thế thôi. Cảm ơn – O’Donnell trao máy lại cho Harry Tomaselli.
- Harry, tôi muốn chiều nay họp – O’Donnell đã quyết định việc cần làm ngay - Cần có mặt năm, sáu vị chủ chốt của hội đồng thầy thuốc. Nếu anh thấy tiện, chúng ta sẽ gặp nhau ở đây. Tôi muốn có anh cùng tham dự luôn.
Tomaselli gật đầu:
- Được.
O’Donnell rà lại các khuôn mặt:
- Tất nhiên phải có Harvey Chandler, trưởng Khoa Dược. Nên mời Bill Rufus, cả Reubens nữa... à, phải rồi, Charlie Dornberger có thể giúp chúng ta một tay. Mấy người rồi nhỉ? Tomaselli xem lại mấy cái tên ông vừa ghi vào sổ tay:
- Sáu, kể cả anh và tôi. Còn Lucy Grainger?
O’Donnell do dự một hai giây rồi nói:
- Được. Cả thảy là bảy người.
- Chương trình nghị sự? - Tomaselli hòm sẵn bút trên trang giấy.
O’Donnell lắc đầu:
- Không cần. Chỉ có một vấn đề: cải tổ khoa Xét nghiệm.
o O o
Khi viên quản trị nhắc đến tên Lucy Grainger, O’Donnell do dự vì chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ tối hôm trước.
Anh và Lucy đi ăn với nhau theo lời mời của anh trong phòng họp kiểm điểm tử vong. Tại khu Palmcourt của khách sạn Roosevelt, hai người uống cốc tai rồi thong thả dùng bữa. Trong bầu không khí êm ả, thanh thản họ trao đổi dăm ba câu chuyện nhẹ nhàng về bản thân. nhưng người quen biết và ít nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp.
Sau đó O’Donnell lái xe đưa Lucy về nhà. Cô mới dọn về Benvenuto Granga, một khu chung cư khang trang và rộng lớn ở mạn bắc thành phố.
- Mời anh vào dùng chút rượu tối. - Cô nói.
Anh giao xe cho người gác dan mặc đồng phục rồi bước theo cô. Họ vào thang máy yên tĩnh chan hòa ánh sáng lên tầng năm rồi rẽ vào thột hành lang lát gỗ, bước chân êm ái trên thảm lót dày. Anh nhướng mày lên và Lucy mỉm cười:
- Anh ngạc nhiên phải không? Chính em cũng chưa hết lạ lùng.
Cô lấy chìa khóa rồi mở cửa bật đèn. Ánh sáng dịu mát tỏa lan khắp gian phòng ngoài xinh đẹp. Anh trông thấy cánh cửa hé mớ của phong ngủ ngay trước mặt.
- Em pha rượu nhé - Cô nói.
Lưng cô xoay về phía anh. Đá cục kêu lanh canh trong ly thủy tinh.
- Lucy, em chưa lập gia đình bao giờ ư? - O Donnell nói.
- Chưa - Lucy đáp, không xoay người lại.
Anh nói dịu dàng:
- Đôi lúc anh tự hỏi vì sao.
- Đơn giản thôi. Đã lâu lắm không có ai hỏi đến em.
Lucy quay lại với hai ly rượu mới pha. Cô trao chiếc ly cho anh rồi bước đến một chiếc ghế.
Giọng cô trầm ngâm:
- Em nhớ trước kia có một lần, ít ra có một lần đáng nói. Lúc ấy em còn trẻ lắm.
O’Donnell nhắp rượu:
- Nhưng em từ chối phải không?
- Em muốn theo nghề y, mà hồi đó chuyện này hết sức quan trọng.
Nghề y và việc lấy chồng dường như không song hành được với nhau.
- Có ân hận không? - Anh hỏi ỡm ờ.
- Không. Em đã đạt thành ước nguyện va hưởng biết bao niềm vui về nhiều mặt. Ôi, có lúc em nghĩ rằng chỉ cần quyết định khác đi là cuộc sống biến đổi biết là chừng nào. Nhưng ngẫm cho kỹ, con người là thế, phải không anh?
- Đúng vậy – O’Donnell thấy xúc động mạnh. Anh thấy nơi Lucy có sự sâu sắc, dịu dàng, bình an và thanh thản. Lẽ ra cô phải có con, anh thầm nghĩ.
- Về hôn nhân và nghề y hiện nay em vẫn nghĩ như xưa hay sao? - Anh hỏi.
- Em không còn giữ đầu óc giáo điều về bất cứ sự gì trên đời - Cô mỉm cười - ít nhất em đã sáng mắt ra về điểm ấy
O’Donnell tự hỏi, theo mắt nhìn của anh, nếu anh cưới Lucy làm vợ thì cuộc sống sẽ thế nào. Liệu sẽ có được tình yêu chất ngất men say hay không? Phải chăng hai người hành nghề song song quá lâu rồi nên lúc này không thể thay đổi và thích ứng được nữa. Giả sử cưới nhau rồi, hai người sẽ sử dụng thời giờ nhàn rỗi như thế nào? Trò chuyện với nhau có được thân mật thoải mái không, hay chỉ toàn là chuyện bệnh viện với những biểu đồ bệnh án làm bữa ăn tối và những vấn đề chẩn trị làm món tráng miệng. Biết đâu mái ấm gia đình là nơi ẩn náu lại trở thành một chi nhánh của bệnh viện với những công việc thuốc men hàng ngày.
Anh nói to:
- Em biết không, anh luôn luôn nghĩ rằng chúng ta có rất nhiều điểm chung.
- Phải, Kent ạ, em cũng như anh.
O’Donnell uống cạn ly rượu và đứng lên chuẩn bị ra về. Anh nhận thấy cả hai người đã nói với nhau nhiều hơn lời nói. Lúc này anh muốn có thời giờ suy nghĩ và cân nhắc mọi điều. Sự việc rất phức tạp không nên quyết định vội vàng.
- Không cần phải đi, Kent ạ. Nếu muốn anh cứ ở lại đây. Lucy nói một cách đơn giản. Anh biết nếu ở lại thì những gì xảy ra tiếp theo đó hoàn toàn tùy ở nơi anh.
Một phần lý trí bảo anh ở lại, nhưng thói quen và sự thận trọng đã thắng.
Anh nắm tay cô:
- Tạm biệt Lucy. Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ về chuyện này. Thang máy khép lại ra, Lucy còn đứng tần ngần trước cửa phòng rộng mở.
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng