Chương 6
.
Hôm sau, Denise xuống gian hàng được ngót nửa tiếng đồng hồ thì bà Aurélie nói gọn bảo cô:
- Này cô, trên ban giám đốc gọi cô.
Cô gái thấy Mouret ngồi một mình, trong phòng làm việc lớn căng lên màu xanh ve. Anh vừa nhớ ra “cái cô luộm thuộm” như Bourdoncle gọi cô; và anh, bình thường ghét cái vai trò sen đầm, anh có ý triệu cô tới để quở trách cô một chút, nếu cô vẫn cứ ăn mặc vụng về như dân tỉnh nhỏ. Hôm trước, mặc dù lời vui đùa của anh, trước mặt bà Desforges, anh vẫn cảm thấy bực mình vì tự ái, khi thấy người ta bàn tán về cung cách lịch sự của một nhân viên bán hàng của anh. Trong anh là một tình cảm mơ hồ, vừa ái ngại và vừa giận.
- Thưa cô, - Anh bắt đầu nói - chúng tôi lấy cô vào làm là vì nể ông chú cô, vậy cô đừng để chúng tôi phiền lòng mà phải...
Nhưng anh ngừng lại. Trước mặt anh, bên kia bàn giấy, Denise đứng thẳng, nghiêm trang và tái nhợt. Chiếc áo dài lụa của cô, không còn rộng quá, bó sát thân hình tròn trặn của cô, uốn theo những đường nét thanh khiết đôi vai trinh nữ của cô, và nếu tóc cô tết thành bím to, vẫn còn hoang dại, thì ít ra cô cũng đã cố gắng sửa lại. Sau khi nằm ngủ nguyên cả quần áo, mắt khô lệ, cô gái, tỉnh dậy vào khoảng bốn giờ, đã thẹn vì cơn xúc động tâm thần. Và cô lập tức sửa áo cho hẹp lại, cô ngồi mất một tiếng đồng hồ trước chiếc gương nhỏ, lấy lược chải tóc mà không sao bện nhỏ nó lại như ý muốn.
- Chà! Nhờ trời! - Mouret khẽ nói - Sáng nay cô khá hơn rồi đấy... Nhưng mà, vẫn còn những món tóc quái quỷ kia!
Anh đứng dậy, anh đến sửa tóc cho cô, cũng cái cử chỉ quen thuộc mà hôm trước bà Aurélie đã có với cô.
- Đây này! Vén cái này ra sau tai đi. Cái búi tóc cao quá.
Cô không hé miệng, cố để cho người ta sửa. Mặc dầu cô tự nguyện phải cứng rắn lên, cô đã lạnh cả người khi tới phòng giám đốc, với lòng tin chắc rằng người ta gọi cô lên để tuyên bố đuổi cô. Và sự ân cần rõ rệt của Mouret không làm cô yên tâm, cô vẫn sợ anh, vẫn cảm thấy khi gần anh cái nỗi khó chịu mà cô cho rằng đó là sự bối rối rất tự nhiên trước người có quyền, mà vận mệnh cô lệ thuộc vào họ. Khi anh thấy cô quá run rẩy vì bàn tay anh chạm vào gáy cô, anh hối hận về cử chỉ ân cần đó, nhất là vì anh sợ mất uy tín.
- Thôi, cô ạ - Anh lại nói khi trở về đứng cách cô cái bàn giấy - cố gắng giữ gìn cách ăn mặc. Cô không còn ở Valognes nữa, hãy xem các cô ở Paris này... Nếu tên ông chú cô là đủ để chúng tôi tiếp nhận cô vào đây, thì tôi mong rằng cô sẽ giữ trọn điều mà tôi tưởng như bản thân cô đã hứa hẹn. Điều bất hạnh là mọi người ở đây chẳng đồng ý với tôi... Thế là cô được báo trước rồi đấy, phải không? Đừng để tôi hóa ra người nói dối...
Anh đối xử với cô như với trẻ con, thương hại nhiều hơn hảo tâm, sự tọc mạch về phụ nữa chỉ mới thức dậy ở anh qua tâm trạng bối rối của người đàn bà mà anh cảm thấy nảy sinh ở cô bé nghèo khổ, vụng về đó. Còn cô thì, trong lúc anh quở trách, cô chợt nhìn thấy chân dung bà Hédouin với bộ mặt đẹp đều đặn, nghiêm trang mỉm cười trong cái khung vàng, cô bỗng lại rợn mình, mặc dầu những lời khích lệ anh nói với cô. Đó là cái bà quá cố, mà khu phố đổ tội cho anh đã giết bà để dựng cửa hàng trên máu tay chân bà rỏ xuống. Mouret vẫn nói.
- Thôi cô về. - Cuối cùng anh nói khi ngồi xuống tiếp tục viết.
Cô đi ra, ở ngoài hành lang cô thở phào vì lòng vơi hẳn.
Từ hôm đó, Denise biểu lộ lòng can đảm lớn của cô. Trong những cơn xúc động, có một lý do luôn luôn tác động, cả một lòng dũng cảm của kẻ yếu và cô đơn, vui vẻ ngoan cường trong nhiệm vụ mà cô tự buộc mình. Cô ít làm ồn ào, cô đi tới trước, thẳng tới đích, vượt mọi trở ngại, và như thế một cách giản dị, tự nhiên, vì chính bản chất cô mang cái dịu hiền ngoan cường ấy.
Trước hết, cô phải khắc phục những mệt mỏi ghê gớm ở gian hàng. Những bó quần áo làm tay cô rã rời đến mức trong sáu tuần lễ đầu, đêm về tới buồng cô la rên quằn quại, mình mẩy đau dần, hai vai nhức nhối. Nhưng cô đau hơn cả là vì đôi giầy, thứ giầy gộc cô mang từ Valognes tới, mà vì thiếu tiền chưa thay được bằng giầy nhẹ. Suốt ngày phải đứng giẫm chân từ sáng đến chiều, vừa tựa mình vào khung gỗ là bị mắng liền, hai bàn chân rộp lên, những bàn chân nhỏ của thiếu nữ lúc nào cũng hình như bị nghiến trong đôi giầy nhục hình; gót chân tấy lên, gan bàn chân đầy nốt phồng, da bị rách dính bết vào bít tất. Rồi cả thân mình suy nhược, chân tay và cơ thể rã rời vì chân mỏi, những rối loạn đột ngột ở người đàn bà, tất cả lộ ra trên nước da tái xanh. Song, mảnh khảnh như thế, vẻ yếu đuối như thế, cô vẫn cưỡng lại được, trong khi nhiều cô khác phải bỏ nghề bán tân phẩm, vì mắc những chứng bệnh đặc biệt. Niềm vui chịu đựng, lòng dũng cảm ngang ngạnh giữ cô tươi cười và đứng thẳng, những lúc cô suy nhược, kiệt sức, mòn mỏi vì một công việc mà đàn ông cũng phải quỵ.
Rồi đến, điều đau khổ của Denise là bị cả gian hàng chống lại. Thêm vào nỗi hành hạ về thể chất là sự ngược đãi thầm lặng của các bạn.. Sau hai tháng kiên nhẫn và ngọt ngào, cô vẫn chưa thu phục được họ. Những lời lẽ châm chọc, những bày đặt ác tâm, một thái độ cách biệt làm cô đau lòng, vì cô cần đến sự thân thương. Họ đùa giỡn dai dẳng về buổi đầu không may của cô, những tiếng “quê mùa”, “khù khờ” được lan truyền, cô nào bị lỡ một lượt bán thì người ta bảo bị tống về Valognes, chung quy cô bị xem như cái bướu của quầy hàng. Rồi sau đó, đến khi cô tỏ ra là một người bán hàng xuất sắc, đã nắm được cơ chế của cửa hàng, thì là một sự kinh ngạc giận dữ; và từ lúc đó, các cô hùa nhau để chặn không cho cô lấy một khách hàng ra trò. Marguerite và Clara riết róng với cô vì một mối thù hằn tự nhiên, họ siết chật hàng ngũ để khỏi bị cái con mới đến nuốt mất, họ gờm cô nhưng lại làm bộ coi khinh. Còn bà Aurélie thì mếch lòng vì sự khiêm nhường tự trọng của cô gái, cô không xun xoe thán phục và mơn trớn quanh cái váy của bà ta, cho nên bà mặc kệ, thả cô cho sự thù hằn của những con cưng, những sủng thần trong triều đình của bà. Họ luôn luôn quỳ gối, chăm lo nuôi dưỡng bà bằng nịnh bợ thường xuyên là cái mà con người uy quyền hống hách của bà cần đến để nở nang mày mặt. Có một lúc, gian hàng phó, bà Frédéric, dường như không nhập bọn với họ; nhưng có lẽ vì không để ý, là vì bà ta cũng tỏ ra khắc nghiệt ngay khi bà thấy sự đối đãi tử tế của bà có thể gây phiền hà cho bà. Bây giờ thì cô hoàn toàn bị cô lập, hết thảy mọi người nhè vào “cô ả luộm thuộm”, cô sống trong một cuộc vật lộn từng giờ, với tất cả lòng dũng cảm mới chật vật đứng lại được ở gian hàng.
Bây giờ cuộc sống của cô là thế. Cô phải tươi cươi, làm vai dũng cảm và nhã nhặn, trong chiếc áo lụa không phải của cô; và cô ngắc ngoải vì mệt nhọc, thiếu ăn, bị đối xử tệ hại, nơm nớp vì mối đe dọa bị đuổi một cách tàn bạo. Buồng của cô là nơi ẩn náu duy nhất, nơi duy nhất ở đó cô còn buông thả lòng với những cơn xúc động trào nước mắt, khi cô quá đau đớn lúc ban ngay. Nhưng ở đấy, giá lạnh ghê gớm lọt vào từ mái kẽm phủ tuyết tháng Chạp; cô phải nằm co quắp trên giường, trùm hết quần áo lên người, trùm chăn mà khóc, để mặt khỏi nứt nẻ vì giá cóng. Mouret không nói gì với cô nữa. Khi bắt gặp con mắt nhìn nghiêm khắc của Bourdoncle vào giờ làm việc, cô run lên, vì cô cảm thấy ở anh ta một kẻ thù tự nhiên, hắn không tha thứ cho cô lỗi nhỏ nhất. Và, giữa sự thù địch chung như vậy, sự niềm nở lạ lùng của viên thanh tra Jouve làm cô ngạc nhiên, khi lão thấy cô đứng riêng thì lão mỉm cười với cô, tìm lời hòa nhã; hai lần lão đã tránh đỡ cho cô khỏi bị mắng, mà cô không tỏ ra biết ơn, cô bối rối hơn là cảm động về sự che chở của lão.
Một buổi chiều, sau bữa ăn, khi các cô kia đang xếp dọn tủ thì Joseph tới báo Denise có một chàng trai đến hỏi cô, ở bên dưới. Cô rất lo lắng đi xuống.
- Này! - Clara nói - Thế ra, cô ả luộm thuộm có người tình?
- Đói mà lại. - Marguerite nói.
Ở bên dưới trước cửa, Denise gặp cậu em là Jean. Cô đã hẳn hoi cấm hắn đến cửa hàng như vậy, để sinh ra ảnh hưởng không tốt. Nhưng cô không nỡ mắng vì trông hắn có vẻ hớt hải, đầu không mũ, thở dốc vì chạy từ phố ngoại ô Temple đến.
- Chị có mười phrăng không? - Hắn ấp úng nói -Cho em mười phrăng không có em chết mất.
Cái thằng nhãi lớn tướng, tóc hung phất phơ này, trông đến ngộ, khuôn mặt đẹp như con gái, văng ra lời lẽ hí kịch, cô có thể mỉm cười nếu không lo lắng vì chuyện hỏi tiền.
- Thế nào! Mười phrăng à? - Cô khẽ nói - Có chuyện gì vậy?
Hắn đỏ mặt lên, phân bua rằng: hắn gặp em gái một thằng bạn. Denise, bối rối lây, bảo hắn im đi vì không cần biết hơn nữa. Đã hai lần hắn đến để hỏi mượn như vậy; nhưng lần thứ nhất chỉ là hăm nhăm xu, và lần thứ hai ba mươi xu. Bao giờ thì hắn cũng lại rơi vào chuyện trai gái.
- Chị không thể cho em mười phrăng được - Cô lại nói - Tiền tháng cho Pépé chưa trả, mà chị có vừa vặn đủ. Chỉ họa may còn mua được đôi giầy mà chị rất cần... Rốt cuộc em không biết điều, Jean ạ, thật là không tốt.
- Thế thì em chết mất - Hắn nhắc lại với cử chỉ bi đát - Chị hãy nghe, chị yêu quý ạ: cái cô ấy tóc nâu, cao lớn, chúng em đi uống cà-phê, cả với thằng anh, nhưng em không ngờ uống...
Cô lại phải ngắt lời hắn, và vì cái thằng bé khờ dại thương yêu đó lại chảy nước mắt, nên cô rút ví, lấy ra một đồng mười phrăng, và dùi vào tay nó. Lập tức, hắn ngả ra cười.
- Chị biết mà... Nhưng, lời danh dự! Từ nay không bao giờ nữa đâu! Phải là thằng vô lại cực kỳ.
Và hắn lại chạy, sau khi hôn vào hai má chị như một thằng điên. Trong cửa hàng, nhân viên lấy làm lạ.
Đêm hôm đó, Denise ngủ không yên. Từ ngày vào hiệu Hạnh phúc các bà, tiền là mối lo lắng ác liệt của cô. Cô vẫn làm công ăn cơm không, không có lương cố định, mà vì những cô kia trong gian hàng cản trở cô bán, cô chỉ vừa vận kiếm đủ tiền trọ của Pépé, nhờ mấy bà khách hàng không đáng kể mà họ thả cho cô. Cô sống trong một cảnh nghèo cơ cực, cảnh nghèo khoác áo lụa. Thường khi cô phải thức đêm, cô giữ gìn ít quần áo mong manh, mạng quần áo lót, và áo sơ-mi thủng như đăng-ten, chưa kể là cô phải lót đệm vào đôi giầy, khéo y như thợ giầy. Cô liều dùng bột giặt quần áo cho vào chậu. Nhưng cô lo ngại nhất là về chiếc áo dài len, cô không có áo nào khác, đành tối nào cũng phải mặc nó khi cởi áo lụa đồng phục, thành ra nó chóng hư ghê gớm; một vết bẩn cùng làm cô phát sốt, móc vào đâu là thành tai họa. Thế mà không còn lấy một đồng xu cho cô, không có gì để mua những thứ lặt vặt mà một phụ nữ cần đến; cô phải đợi nửa tháng mới mua thêm được kim chỉ dự trữ. Vì vậy, thật là tai họa mỗi lần Jean, vì chuyện trai gái, đột nhiên xổ đến vét sạch tiền nong. Một đồng hai mươi xu cướp đi là đào một vực thẳm. Đến như mong hôm sau kiếm ra được mười phrăng, đừng có hòng trong chốc lát mà lo được. Cho đến sớm tinh mơ cô luôn luôn mê sảng: Pépé bị ném ra phố, còn cô thì lật từng hòn đá lót đường, tay tím bầm, để xem có tiền bên dưới.
Thì đúng ngày hôm sau cô phải mỉm cười đóng cái vai cô gái ăn mặc lịch sự. Các bà khách đến gian hàng, bà Aurélie gọi cô nhiều lần, ném những chiếc măng-tô lên vai cô để trưng bầy những kiểu cắt mới. Và, trong khi cô phải cong lưng làm dáng y như trong tranh vẽ mốt áo, cô nghĩ tới bốn mươi phrăng tiền trọ của Pépé mà cô đã hứa chiều hôm đó sẽ trả. Cô có thể bỏ khoản mua giầy tháng đó, nhưng dù thêm vào số ba mươi phrăng còn lại khoản bốn phrăng mà cô đã chắt bóp để dành từng xu, cũng mới chỉ được ba mươi tư phrăng; thế thì đào đâu ra sáu phrăng để cho đủ số? Đó là mối lo lắng làm cô quặn ruột.
- Bà xem, hai vai thoải mái - Bà Aurélie nói - Rất lịch sự, mà rất thuận tiện... Cô thử khoanh tay lại.
- Chà! Cực kỳ, - Denise vẫn giữ vẻ hòa nhã, nhắc lại - không cảm thấy áo nữa... Bà chắc vừa lòng.
Bây giờ cô tự trách mình, Chủ nhật trước, đã đi kiếm Pépé ở nhà bà Gras để cho nó đi dạo dường Champs-Élysées. Thằng bé tội nghiệp rất ít được đi chơi với cô. Nhưng, phải mua cho nó bánh ngọt và một cái xẻng, rồi dẫn nó đi xem múa rối, và thế mà tiêu mất hai mươi chín xu. Cái thắng Jean làm trò ngu dại thật sự chẳng nghĩ đến em nó. Rồi bao nhiêu lại đổ lên đầu cô.
- Nếu bà không ưng... - Bà gian hàng trưởng lại nói - Này, cô, ướm cái măng-tô tròn, để cho bà xem.
Thế là Denise lại khoác cái măng-tô tròn, vừa đi dẫn rượu vừa nói:
- Cái này ấm hơn... Mốt năm nay đây.
Cho đến chiều, đàng sau cái tươi tỉnh để hành nghề, cô cứ day dứt như vậy để nghĩ cách xoay tiền. Các cô kia, vì làm không xuể, để cho cô bán một món quan trọng, nhưng hôm đó là thứ ba, phải đợi bốn ngày nữa mới được lĩnh tiền hàng tuần. Ăn cơm xong cô quyết định hoãn hôm sau, mới đến thăm bà Gras. Cô sẽ xin lỗi, nói vì bận có khách, và từ nay đến đó, có lẽ kiếm ra sáu phrăng.
Vì Denise tránh cả những chi tiêu nhỏ nhất nên cô lên ngủ sớm. Cô còn có thể làm gì được ở ngoài bờ hè, một xu không dính túi, vẻ người man rợ, và lúc nào cũng lo sợ vì cái thành phố lớn mà cô chỉ biết những phố xung quanh cửa hiệu? Sau khi liều đi đến tận Palais Royal để hóng mát, cô vội về ngay, đóng cửa, ngồi khâu hay giặt quần áo. Dọc hành lang các buồng, cả một sự hỗn tạp kiểu trại lính, những cô gái thường là ăn mặc nhếch nhác, những chuyện eo sèo vì nước rửa và quần áo bẩn, cả một nỗi bực bội dẫn tới hết giận nhau lại làm lành liên tục. Vả chăng, vì cấm không được lên buồng ban ngày, họ không sống ở đó mà chỉ ngủ ban đêm, chiều tối đến giờ chót mới lên, sáng ra, thoát khỏi từ lúc cơn ngái ngủ, chưa tỉnh hẳn, vì rửa ráy thật mau và luồng gió lúc nào cũng hun hút nơi hành lang, nỗi mệt nhọc sau mươi ba giờ làm việc ném họ vào giường lúc đã hết hơi, những cái đó biến tầng sát nóc này hoàn toàn thành một quán trọ cho một đám lữ khách ly tán đến ở, trong cảnh phiền não cực nhọc. Denise không có bạn thân. Trong tất cả các cô đó chỉ duy có Pauline Cugnot tỏ ra đôi chút thân tình; mà rồi hai gian hàng may sẵn và quần áo lót ở liền nhau, công khai đấu giá nhau, cho nên nỗi cảm thông giữa hai cô bán hàng cho tới lúc đó cũng chỉ giới hạn ở vài lời hiếm hoi, vừa trao đổi vừa chạy. Pauline chiếm một buồng bên cạnh, phía tay phải buồng Denise; nhưng vì ra khỏi bàn ăn là cô ta biến mất và chỉ trở về lúc trước mười một giờ đêm, cho nên chỉ nghe tiếng cô ta vào giường mà không bao giờ gặp ngoài giờ làm việc.
Đêm hôm đó, Denise lại đành phải đóng vai thợ giầy. Cô cầm đôi giầy lên, ngắm nghía, xem xét làm cách nào có thể đi cho tới hết tháng. Cuối cùng, cô lấy một chiếc kim to quyết định khâu lại để có cơ rời khỏi mũi giầy. Trong khi đó, chiếc cổ áo và những tay áo giấu trong một chiếc chậu đầy nước xà phòng.
Tối nào cô cũng nghe từng ấy tiếng động, các cô về từng người một, những lời xì xào nói chuyện, những tiếng cười, đôi khi tiếng cãi nhau, cố bóp nghẹt. Rồi tiếng giường kêu răng rắc, tiếng ngáp, và các buồng im lìm trong giấc ngủ nặng nề. Cô hàng xóm bên trái của Denise hay nói mê, khiến lúc đầu cô hoảng. Có lẽ có những cô khác, theo gương cô cũng thức để khâu vá, mặc điều quy định; nhưng phải rất thận trọng như cô, cử chỉ nhẹ nhàng, tránh từng va chạm nhỏ, vì từ những cửa đóng kín chỉ lọt ra một sự im lặng rợn mình.
Mười một giờ đã điểm được mười phút thì một tiếng chân đi làm Denise ngẩng đầu lên. Lại một cô nào đó về muộn. Và cô nhận ra là Pauline, khi nghe tiếng cô này mở cửa bên cạnh, nhưng cô ngạc nhiên: cô ta trở lại khe khẽ và gõ cửa buồng cô.
- Nhanh lên, mình đây.
Người ta cấm các cô bán hàng tiếp nhau trong buồng. Vì vậy Denise quay nhanh chìa khóa để cô hàng xóm khỏi bị bà Cabin bắt chợt, bà này rất nghiêm khắc trong việc thi hành nội quy.
- Bà ấy đấy à? - Cô vừa hỏi vừa đóng cửa lại.
- Ai? Bà Cabin ấy à? - Pauline hỏi - Ô; chẳng phải mình sợ bà ấy... có trăm xu là xong!
Rồi cô ta nói thêm:
- Mình muốn nói chuyện với cậu từ lâu. Ở dưới kia thì chẳng thể được... mà rồi, chiều nay, ngồi ăn, mình thấy cậu rầu rĩ thế nào đó.
Denise cảm ơn, mời cô ta ngồi, lòng cảm động vì thấy vẻ thật thà của cô ta. Nhưng, trong cơn bối rối vì cuộc thăm bất ngờ, cô vẫn không rời tay chiếc giầy đang khâu lại; và mắt Pauline bắt gặp chiếc giầy đó. Cô ta lắc đầu, nhìn xung quanh, trông thấy chiếc cổ áo và tay áo trong chậu.
- Tội nghiệp cô em, mình cũng đã đoán ra - Cô ta lại nói - Thế đấy. Mình biết rõ cái này. Hồi đầu, khi mới từ Chartres đến, mà ông già Cugnot thì chẳng gửi cho xu nào, mình đã phải giặt sơ-mi như thế này đây. Phải, phải, giặt cả sơ-mi. Mình chỉ có hai chiếc, mà lúc nào chẳng có một chiếc ngâm nước.
Cô ta ngồi xuống, thở dốc vì đã chạy. Khuôn mặt rộng, với cặp mắt tinh nhanh, cái miệng rộng đằm thắm, có một vẻ duyên dáng, dưới những nét thô. Và, chẳng kể đầu đuôi, đột nhiên cô ta nói chuyện của mình: tuổi thiếu niên ở cối xay, ông bố Cugnot vỡ nợ vì một vụ kiện cáo, ông cho cô đi Paris kiếm ăn, với hai mươi frăng trong túi; rồi, những buổi đầu bán hàng, trước hết trong xó một cửa hiệu khu Batignolles, rồi hiệu Hạnh phúc các bà, những buổi đầu cơ cực, mọi thứ xỉ nhục và mọi thứ thiếu thốn; cuối cùng là cuộc sống hiện thời, kiếm hai trăm phrăng mỗi tháng, chuyện vui chơi, để trôi ngày tháng một cách vô lo. Những đồ trang sức, một chiếc trâm, một sợi dây đồng hồ, lấp lánh trên chiếc áo dài dạ thô màu lơ, bó lấy thân một cách đỏm đáng, và cô ta mỉm cười dưới chiếc mũ nhung, cài một lông chim to màu xám.
Denise đỏ nhừ mặt, vì chiếc giầy. Cô ấp úng định phân bua.
- Thì mình cũng đã trải qua cái đó! - Pauline nhắc lại - Nào mình lớn hơn cậu, mình hăm sáu tuổi rưỡi, tuy trông không ra vẻ... Hãy kể chuyện cậu đi.
Thế là, Denise nhượng bộ, trước mối tình bạn bộc lộ thật thà như vậy. Cô mặc váy ngắn, một chiếc khăn san cũ buộc trên vai, ngồi bên cạnh Pauline bận quần áo diện; và họ nói chuyện thân mật với nhau. Trong gian buồng giá lạnh, cái rét như toát ra từ những bức tường sát mái, trần trụi như trại giam; nhưng họ không cảm thấy đầu ngón tay cóng buốt vì họ mải tâm sự. Dần dần Denise bộc lộ, nói tới Jean và Pépé, kể nỗi tiền nong day dút: rốt cuộc cả hai nói đến mấy cô gian hàng may sẵn. Pauline ngỏ hết tâm can.
- Ố! Lũ bướm rạc! Nếu chúng ăn ở như bạn tốt, thì cậu có thể kiếm hơn trăm frăng.
- Tất cả mọi người đều thù mình, mà chẳng biết tại sao - Denise chảy nước mắt nói - Như ông Bourdoncle ấy thì luôn luôn rình mò để bắt lỗi, cứ như mình làm phiền ông ấy... Chỉ có cái bố Jouve.
Cô kia ngắt lời.
- Cái lão khỉ thanh tra ấy! Chà, cậu ơi, đừng có tin ở hắn... Cậu biết không, những bố mũi to đến thế! Mặc dầu hắn phô huy chương, người ta kể một chuyện của hắn ở gian hàng mình, gian quần áo lót... Nhưng sao cậu trẻ con đến thế, buồn với rầu! Đa cảm lắm thì khổ nhiều! Mặc xác! Cậu làm sao thì thì mọi người cũng vậy: họ bắt cậu nộp tiền mất đất thôi.
Cô ta nắm lấy bàn tay Denise, ôm hôn cô, trong cơn nhiệt tình vì lòng tốt. Câu chuyện tiền nong nghiêm trọng hơn. Chắc chắn, một cô gái khốn khổ không thể cấp dưỡng cho hai em, trả tiền trọ cho thằng bé và chiêu đãi tình nhân của thằng lớn, khi chỉ bòn nhặt mấy đồng xu bấp bênh mà kẻ khác không thèm; là vì còn sợ rằng người ta không trả lương cho cô trước khi công việc lại chạy, vào tháng Ba.
- Cậu nghe đây, cậu không tài nào chịu được hơn nữa - Pauline nói - Mình mà như cậu thì...
Nhưng có tiếng động ngoài hành lang làm họ im bặt. Có lẽ là Marguerite, mà người ta tố cáo là ban đêm mặc áo sơ-mi đi dạo để dò xét giấc ngủ của người khác. Pauline, vẫn nắm tay bạn, lặng im nhìn cô một lúc, vểnh tai nghe. Rồi, cô ta lại nói rất nhỏ, với vẻ thân ái tin tưởng:
- Mình như cậu, thì mình kiếm một anh chàng.
- Sao, một anh chàng? - Denise lẩm bẩm, lúc đầu không hiểu.
Đến khi cô hiểu thì cô rút tay ra, cô đần cả người. Lời khuyên đó khiến cô ngượng, vì ý nghĩ đó cô chưa bao giờ có, mà cô cũng không thấy có lợi.
- Ồ! Không. - Cô đơn giản trả lời.
- Thế thì, - Pauline nói tiếp - cậu chẳng thoát ra được đâu, mình bảo thật!... Cứ tính mà xem: bốn mươi phrăng cho thằng nhỏ, thỉnh thoảng lại trăm xu cho thằng lớn; và cậu nữa, cậu không thể cứ ăn mặc như một con mẹ mướp mãi, lê đôi giầy mà lũ chúng nó giễu cợt; thật thế đấy, đôi giầy nó làm tội cậu... Hãy kiếm một anh chàng, như thế sẽ đỡ hơn nhiều.
- Không. - Denise nhắc lại.
- Thế thì, cậu chẳng biết điều... Bất đắc dĩ, cậu ơi, mà cũng rất tự nhiên thôi! Bọn mình đều qua cầu đó cả. Mình, cậu xem! Mình cũng đã làm công ăn cơm không, như cậu. Chẳng một đồng kẽm trong túi. Đã đành là được ăn được ngủ; nhưng còn trang điểm, mà rồi, không lẽ cứ không xu, đóng chặt cửa buồng mà nhìn ruồi bay. Thế là, trời ạ! Phải chiều đời thôi...
Và cô ta nói đến anh nhân ngãi đầu tiền của cô, một viên thư ký luật sư mà cô làm quen trong một cuộc vui chơi, ở Meudon. Cuối cùng, từ mùa thu, cô ta đi lại với một tay bán hàng hiệu Bon Marché, một anh chàng cao lớn rất kháu, mà hễ rảnh là cô đến nhà. Vả chăng, bao giờ cũng chỉ với một người thôi. Cô là người lương thiện, cô bất bình khi nói đến những cô gái bạ ai cũng vập.
- Mình chẳng khuyên cậu ăn ở không ra gì, ít ra là thế! - Cô ta lại hăng hái nói - Cho nên mình không muốn người ta bắt gặp mình cùng đi với con Clara, sợ người ta cho là mình đàng điếm như nó. Nhưng, một khi người ta yên tâm với một ai, và người ta không có gì để trách móc nhau... Thế mà cậu bảo là xấu ư?
- Không, - Denise - nhưng cái đó không hợp với mình, thế thôi.
Hai người lại im lặng. Trong gian buồng giá lạnh, hai cô mỉm cười với nhau, câu chuyện thì thầm làm họ xúc động.
- Mà rồi, trước hết phải thân với một anh chàng đã chứ. - Cô lại nói, hai má đỏ lên.
Pauline rất ngạc nhiên. Cuối cùng cô ta cười, và lại ôm hôn cô một lần nữa, và nói:
- Thì, cậu ơi, khi mà người ta gặp nhau và người ta ưng nhau. Cậu cũng ngộ. Ai bắt cậu... Này, cậu có muốn Chủ nhật này Baugé dẫn bọn mình đi đâu về nông thôn không? Hắn sẽ dẫn theo một anh bạn của hắn.
- Không. - Denise nhắc lại, dịu dàng mà bướng bỉnh.
Bấy giờ Pauline không hài nữa. Mỗi người tự chủ hành động theo ý thích của mình. Điều mà cô ta nói là vì lòng tốt, vì cô ta thật sự buồn khi thấy một người bạn khổ sở quá. Và, sắp nửa đêm nên cô ta đứng dậy để về. Nhưng trước đó, cô ta bắt ép Denise phải nhận sáu phrăng mà cô đang cần, nằn nì cho cô đừng ngại, và bao giờ kiếm được hơn hãy trả.
- Bây giờ, - Cô ta nói thêm - cậu hãy tắt nến đi, để cho họ không biết cửa buồng nào mở... Cậu sẽ thắp lại sau.
Cây nến tắt, cả hai lại bắt tay nhau, và Pauline chuồn đi nhẹ nhàng, không để một tiếng động ngoài tiếng váy sột soạt, giữa giấc ngủ mê mệt ở các buồng nhỏ khác.
Trước khi đi ngủ, Denise muốn khâu cho xong chiếc giầy và xát xà phòng quần áo. Càng về đêm trời càng lạnh dữ. Nhưng cô không cảm thấy rét, vì cuộc chuyện trò vừa rồi khiến cô hết sức cảm động. Cô chẳng lấy làm bực mình, vì cô nghĩ ai cũng có quyền thu xếp cuộc đời mình theo ý muốn, khi người ta cô đơn và tự do trên trái đất này. Chưa bao giờ cô nghe theo ý kiến ai, lý trí ngay thẳng và bản chất lành mạnh của cô giữ cô một cách giản dị trong cuộc sống lương thiện của cô. Cuối cùng, khoảng một giờ, cô đi ngủ. Không, cô chẳng yêu ai. Vậy thì việc gì mà xáo lộn cuộc đời, làm hư tấm lòng hy sinh như mẹ con của cô cho hai đứa em? Thế nhưng, cô không ngủ được, cô cảm thấy rờn rợn hơi lạnh ở gáy, trong thao thức, trước đôi mắt nhắm, diễu qua những hình bóng mơ hồ biến vào đêm tối.
Từ bữa đó, Denise chú ý những chuyện yêu đương trong gian hàng. Ngoài những giờ lao động khẩn trương, ở đó mọi người quan tâm thường xuyên đến anh đàn ông. Những chuyện thóc mách xì xào, những chuyện bất kỳ mua vui các cô trong tám ngày. Clara gây tai tiếng, người ta đồn cô ta có ba người bao, không kể một chuỗi nhân tình hú họa kéo đàng sau; Và, nếu cô ta hông bỏ cửa hàng, ở đây cô làm việc chiếu lệ, coi khinh đồng tiền mà cô có thể kiếm thoải mái hơn ở nơi khác, thì là để cô che mắt gia đình? Vì cô luôn luôn nơm nớp lo sợ ông bố Prunaire, bất đồ đến Paris lấy guốc nện cô nhừ chân nhừ tay. Trái lại, Marguerite thì ăn ở đúng đắn, không ai thấy cô ta có nhân tình, điều đó khiến mọi người lấy làm lạ, ai nấy đều kể chuyện éo le của cô đến nằm đẻ giấu ở Paris, thế thì làm thế nào mà cô đẻ đứa con đó, nếu cô ta có đức hạnh? Một số người cho đó là chuyện tình cờ và họ nói thêm rằng hiện giờ cô giữ gìn để đợi người anh họ ở Grenoble. Các cô đó còn bông đùa cả về bà Frédéric, cho rằng bà dan díu bí mật với những nhân vật quan trọng; sự thật là chẳng ai biết gì về chuyện tâm tình của bà ta; chiều đến bà biến mất, cứng nhắc trong nỗi sầu muộn của bà góa, vẻ hấp tấp, không ai có thể nói bà đi đâu mà chạy vội đến thế. Còn chuyện tình của bà Aurélie, những đồn đại về niềm khao khát của các chàng trai ngoan ngoãn của bà, thì chắc chắn là bậy: Giữa dân bán hàng không bằng lòng nhau, họ bịa chuyện đó, cho vui. Có lẽ xưa kia bà gian hàng trưởng đã tỏ tình mẫu tử quá mặn mà với một anh bạn của con trai bà, nhưng bây giờ bà chiếm trong ngành tân phẩm địa vị một phụ nữ nghiêm chỉnh, không còn giỡn với những trò trẻ con như thế nữa. Rồi đến bầy đàn em, cuộc tán loạn buổi chiều, mười cô thì đến chín cô nhân ngãi đợi ở cửa; Trên quảng trường Gaillon, dọc phố La Michodière và phố Neuve Saint Augustin, cả một đám đàn ông im ắng chờ đón, rình đợi trong khóe mắt; và, khi bắt đầu cuộc diễu hành, anh nào anh nấy dang tay dẫn người của mình đi, vừa nói chuyện trò vừa biến mất với vẻ ung dung của một đức lang quân.
Nhưng điều làm Denise bối rối nhất là cô tóm được cái bí mật của Colomban. Bất cứ giờ nào, cô cũng thấy anh ta ở bên kia đường phố, trên ngưỡng cửa hiệu Vieil Elbeuf, mắt ngước lên nhìn không lúc nào rời mấy cô ở gian hàng may sẵn. Khi anh ta cảm thấy bị cô dòm, thì anh ta đỏ mặt lên, quay đầu đi, như sợ cô mách với cô em họ Geneviève, tuy rằng không còn quan hệ gì nữa giữa gia đình Baudu và cô cháu gái, từ khi cô này vào làm ở hiệu Hạnh phúc các bà. Thoạt đầu, cô tưởng hắn phải lòng Marguerite, khi thấy ở anh ta cái vẻ tê tái của chàng nhân ngãi thất tình, bởi vì Marguerite, khôn ngoan và ngủ ở cửa hàng, thì chẳng dễ gần được. Rồi, cô ngỡ ngàng khi biết đích xác là con mắt nồng nàn của anh chàng thư ký nhằm vào Clara. Có đến hàng bao nhiêu tháng anh ta âm thầm nung nấu như vậy, bên hè phía trước, không đủ can đảm ngỏ tình; mà như thế, với một cô gái chưa chồng, ở phố Louis le Grand, lẽ ra anh ta có thể đến gần trước khi cô ta ra đi mỗi buổi chiều, trong tay một chàng trai mới! Chính bản thân Clara cũng có vẻ không ngờ mình chinh phục được anh chàng. Sự phát hiện của Denise khiến cô xúc động đau đớn. Tình yêu có thể ngu xuẩn đến thế chăng? Sao! Chàng trai kia có cả một niềm hạnh phúc dưới tầm tay, mà lại làm hỏng cuộc đời mình, đi yêu một con đê tiện xem như một bà thánh! Từ hôm đó, cô cảm thấy thắt ruột, mỗi khi cô bắt gặp phía sau những khung kính xanh nhờ của hiệu Vieil Elbeuf, bóng dáng mờ nhạt và đau khổ của Geneviève.
Chiều tối, Denise nghĩ như vậy khi cô nhìn các cô kia ra đi với nhân tình. Những cô nào không ngủ ở hiệu Hạnh phúc các bà thì biến cho đến hôm sau, mang vào gian hàng hơi hướng bên ngoài trong xống váy, cả một cái gì xa lạ xao xuyến. Và cô gái đôi khi phải mỉm cười trả lời cái chào gật đầu thân mật của Pauline, mà Baugé đứng chờ đều đặn ngay lúc tám giờ rưỡi, ở góc bể nước Gaillon. Rồi đến cô ra đi cuối cùng, lên nhanh, làm tua dạo mát, bao giờ cũng đi một mình, và cô về trước nhất, làm việc hay đi ngủ, đầu óc bận một giấc mơ, lạ lẫm vì cuộc sống ở Paris mà cô không hay biết. Sự thật, cô không ghen tị với các cô kia, cô vui sướng với sự cô đơn của cô, với cảnh sống kín bưng hoang dại của cô, như trong sâu một nơi ẩn náu; nhưng trí tưởng tượng cuốn cô đi, cố đoán hiểu sự vật, gọi nhớ những thú vui luôn luôn được kể trước mặt cô, những hiệu cà-phê, những quán ăn, những rạp hát, những Chủ nhật dạo trên mặt nước và trong những quán rượu ngoại thành, cả một sự mệt mỏi rớt lại trong trí óc, một ước muốn xen lẫn ngao ngán; và cô dường như đã chán ngấy những thú vui mà cô chưa thưởng thức bao giờ.
Tuy nhiên, có ít chỗ cho những vọng tưởng nguy hiểm, giữa cuộc sống lao động của cô. Trong cửa hàng mười ba giờ lao lực vất vả, không ai nghĩ đến chuyện tình ái, giữa nhân viên bán hàng gái và trai. Nếu cuộc vật lộn liên tục vì tiền không xóa bỏ giới tính, thì nó cũng đủ để giết hết thèm muốn, với sự xô đẩy từng phút, làm bận đầu óc và rã rời chân tay. Thảng hoặc có thể kể vài chuyện gắn bó hiếm hoi, trong quan hệ thù hằn và bè bạn giữa nam và nữ, trong đụng chạm không cùng từ gian hàng này đến gian hàng khác. Mọi người chỉ còn là những bộ phận bị lôi cuốn bởi cơn lay động của cỗ máy, trút bỏ tư cách cá nhân, đơn giản cộng sức lại, trong cái tổng số buồn tẻ và mãnh liệt của đơn vị cộng đồng [1]. Chỉ ở bên ngoài mới sống lại cuộc sống cá nhân, với những dục vọng thức dậy, đột ngột bùng cháy.
Thế mà, một hôm Denise trông thấy Albert Lhomme con trai bà gian hàng trưởng, giúi một mảnh giấy vào tay một cô bán hàng đồ lót, sau khi đi qua đi lại gian hàng nhiều lần, làm ra vẻ dửng dưng. Bây giờ là bước vào mùa đông chết cứng, từ tháng Chạp đến tháng Hai; và cô có những lúc rảnh, những giờ đứng không chờ khách, mắt nhìn hút vào chiều sâu cửa hàng. Các cô bán hàng may sẵn ở liền nhất là với các cô bán hàng đăng-ten, mà sự thân mật trước hết bắt buộc không đi xa hơn những chuyện bông đùa thì thầm trao đổi. Ở gian đăng-ten có một anh chàng cợt nhả thứ hai đeo đuổi Clara bằng những lời tâm sự khả ố, chỉ để cười, về căn bản chẳng có định ý gì, cho nên hắn ra bên ngoài cũng chẳng tìm đến cô ta; và cứ như thế, từ quầy này sang quầy khác, giữa các cậu và các cô ấy, những cái đưa mắt tình ý, những lời nói mà chỉ họ hiểu với nhau, đôi khi những chuyện trò ám muội, cái lưng quay nửa chừng, vẻ mơ mộng, để đánh lừa tay Bourdoncle ghê gớm. Còn Deloche thì, từ lâu, hắn chỉ dành mỉm cười khi nhìn Denise; rồi hắn bạo lên, khẽ nói một lời thân mật khi đến sát bên cô. Cái bữa mà cô bắt gặp con trai bà Aurélie đưa cô bán đồ lót mảnh giấy, thì cũng là lúc Deloche hỏi thăm cô ăn sáng có được không, do nhu cầu quan tâm đến cô, và chẳng thấy có gì hòa nhã hơn. Hắn ta cũng bắt gặp cái vệt trắng của bức thư, hắn nhìn cô gái, cả hai đỏ mặt lên vì cái tình tiết diễn ra trước mặt họ...
Nhưng, trong những hơi thở nồng nàn làm thức dậy dần dần con người đàn bà ở cô, Denise vẫn giữ niềm bình thản ngây thơ của mình. Duy việc gặp gỡ Hutin làm xúc động trái tim cô. Song, cô chỉ nhìn thấy ở đó lòng biết ơn, cô tưởng mình chỉ là cảm động vì thái độ lịch sự của anh chàng. Chẳng có lần nào hắn dẫn một bà khách đến gian hàng mà cô không bẽn lẽn. Nhiều lần, khi ở một két về, cô bất chợt mình đi quặt một vòng qua quầy tơ lụa mà chẳng có công việc gì, ngực hồi hộp xúc động. Một bữa quá trưa, cô thấy Mouret ở đó, anh dường như mỉm cười nhìn theo cô. Anh không quan tâm đến cô nữa, chỉ thỉnh thoảng lắm mới nói một lời để khuyên cô cách ăn mặc và bông đùa, xem như một cô gái lỡ làng, một con người hoang dã, y như con trai, và anh chẳng bao giờ xem thấy một cô gái đỏm dáng, mặc dầu anh có cái sành sỏi của chàng trai may mắn; thậm chí anh cười về chuyện đó, anh hạ mình đến độ chọc ghẹo, mà không muốn tự nhận nỗi bối rối gây ra cho anh bởi cô bán hàng nhỏ xíu đó, với những làn tóc thật là ngộ. Trước cái mỉm cười câm lặng đó, Denise rùng mình, như là cô mắc lỗi. Vậy thì anh biết thế nào được tại sao cô gái lại đi qua gian hàng tơ lụa, khi mà chính cô cũng chẳng giải thích được cái gì thúc đẩy cô đi quặt lại đó?
Vả lại, Hutin tỏ ra tuyệt nhiên không nhận thấy con mắt nhìn biết ơn của cô gái. Các cô ấy không thuộc loại hắn ưa, hắn làm bộ khinh họ, bằng cách khoe hơn lúc nào hết những chuyện ly kỳ với các bà khách hàng: ở quầy hắn, một nam tước phu nhân đã mê tít hắn, và bà vợ một kiến trúc sư đã ngã vào tay hắn, một hôm khi hắn đến nhà bà vì chuyện đo lầm vải. Dưới cái vẻ nói phách của dân Normandie ấy, hắn chỉ là che giấu những cô gái nhặt ở đáy những quán rượu và những hiệu cà-phê ca nhạc. Cũng như mọi ngài thanh niên tân phẩm, hắn có cái điên rồ tiêu xài, cả tuần vật lộn ở gian hàng, tham lam keo kiệt, với duy nhất một ý muốn vãi tiền ra ở trường đua, ở quán nhậu nhẹt và khiêu vũ; không bao giờ dành dụm, không ứng trước khoản gì, tiền kiếm ra lĩnh cái là ngốn luôn, tuyệt đối vô lo về ngày mai. Favier không thuộc cánh đó. Hutin và hắn, gắn bó với nhau trong cửa hàng đến thế, nhưng ra đến cửa là chào nhau và không nói với nhau nữa; như vậy, nhiều anh bán hàng luôn luôn tiếp xúc với nhau, trở thành những kẻ xa lạ, không biết gì về cuộc sống của nhau, một khi đặt chân ra ngoài phố. Nhưng Hutin có bạn thân là Liénard. Cả hai đều ở cùng một khách sạn, khách sạn Smyrne, phố Sainte Anne, một ngôi nhà màu tối toàn là nhân viên thương nghiệp ở. Buổi sáng họ tới nơi làm việc; rồi buổi chiều, anh nào về trước, khi quầy quầy hàng đã kiểm xong, thì ra đợi anh kia ở hiệu cà-phê nhỏ ở đó thường thường tụ hợp những thư ký hiệu Hạnh phúc các bà, hát hỏng và nhậu nhẹt, đánh bài trong khói thuốc. Thường khi, họ ở đó, cho đến khoảng một giờ mới đi, khi ông chủ hiệu đã mệt tống họ ra ngoài. Vả lại, từ một tháng nay, cứ ba lần mỗi tuần, họ qua buổi tối ở trong xó một “tiệm mạt hạng” [2] phố Montmartre; và họ kéo bạn đến, họ tổ chức hoan nghênh cô Laure, ca sĩ hát khỏe, mà Hutin vừa chinh phục được, và hắn ủng hộ tài năng bằng những tiếng can nện mạnh ra trò và những tiếng la hò ầm ĩ đến mức cảnh sát phải can thiệp.
Mùa đông qua đi như vậy, cuối cùng Denise được ba trăm phrăng lương cố định. Đã đến lúc đôi giầy thô của cô không chịu được nữa. Tháng cuối cùng, thậm chí cô tránh cả đi ra khỏi nhà để nó khỏi bực đột ngột.
- Trời! Cô ơi, đôi giầy cô ầm ĩ quá! - Bà Aurélie luôn luôn nhắc, với vẻ bị chói tai - Thật khó chịu. Thì ở chân cô có cái gì thế?
Hôm Denise xuống với đôi giầy vải, mà cô đã mua năm phrăng, Marguerite và Clara ngạc nhiên nói nhỏ, để cô nghe thấy.
- Này! Cô luộm thuộm đã quăng đôi giầy guốc đi rồi. - Một cô nói.
- Chà, hay! - Cô kia tiếp - Cô ta hẳn đã phải khóc nó... Chả là giầy guốc của mẹ cô ấy mà.
Vả chăng, Denise đã bị mọi người phản đối. Cuối cùng quầy hàng đã phát hiện tình bạn của cô với Pauline; và họ xem như cô thách thức họ khi làm thân với một nhân viên bán hàng ở một quầy thù địch. Các cô kia nói đến sự phản bội, đổ tội cho cô đi lặp lại ở gian bên cạnh bất cứ lời nào của họ. Cuộc tranh chấp giữa gian đồ lót và gian may sẵn vì đó càng thêm dữ dội, chưa bao giờ căng đến thế; lời qua tiếng lại, ác như đạn bắn, và thậm chí một buổi chiều, người nọ tát người kia đằng sau những hộp sơ-mi. Có lẽ cuộc cãi lộn đã xảy ra từ lâu vì các cô bán đồ lót thì mặc áo len, mà các cô bán hàng may sẵn lại mặc áo lụa, dù sao, bên bán đồ lót nói về các cô hàng xóm với những cái bĩu môi phản kháng của các cô gái lương thiện; và sự việc chứng minh họ có lý, người ta đã nhận thấy cái áo lụa hình như dẫn đến những chuyện bừa bãi của các cô may sẵn. Clara thì bị sĩ nhục vì có cả bầy nhân tình, ngay Marguerite cũng đã phải nhận đứa con rơi vào đầu, còn bà Frédéric thì người ta đổ cho những chuyện tình thầm lén. Tất cả chuyện đó chỉ vì một con Denise.
- Các cô ơi, đừng ăn nói xàm xỡ, hãy giữ mình! - Bà Aurélie nghiêm trang nói, giữa những cơn giận dữ nổ ra trong đám thần dân nhỏ của bà - Hãy tỏ ra mình là thế nào.
Bà ưng lờ đi. Như có bữa, khi Mouret hỏi, bà đã thú nhận các cô ấy thì chẳng cô nào hơn cô nào. Nhưng đột nhiên, bà chăm chú, khi bà được chính Bourdoncle nói cho biết vừa bắt gặp, ở dưới hầm sâu, con trai bà đang ôm hôn một cô bán đồ lót, cái cô mà anh chàng đã giúi cho bức thư. Thật là ghê tởm, và bà thẳng thừng tố cáo là gian hàng đồ lót đã âm muu làm hại Albert; Thật vậy, cái đòn đó nhằm chống bà, người ta tìm cách bôi nhọ bà, làm hại một đứa trẻ không có kinh nghiệm, sau khi bà tự chứng minh rằng gian hàng của bà là bất khả xâm phạm. Bà kêu tướng lên như thế chỉ là để làm rối thêm chuyện, vì bà chẳng lạ gì về thằng con trai bà, bà biết rõ nó có thể làm đủ thứ mọi chuyện ngu dại. Có một lúc, câu chuyện có cơ trở nên nghiêm trọng, gã bán găng Mignot có dính líu vào đó! Hắn là bạn thân của Albert, hắn ưu đãi những cô tình nhân mà gã này giới thiệu đến, những cô gái tóc trần lục lọi hàng giờ những hộp các-tông; và lại thêm câu chuyện găng Thụy Điển biếu cô bán đồ lót, mà chẳng ai biết nó kết thúc ra sao. Cuối cùng, chuyện bị ỉm đi, vì giữ kẽ với bà gian hàng trưởng hàng may sẵn, mà bản thân Mouret cũng kiêng nể. Tám ngày hôm sau, Bourdoncle đành chỉ kiếm cớ đuổi cô bán hàng phạm tội để người ta hôn. Nếu họ nhắm mắt làm ngơ trước những cuộc ăn chơi kinh khủng ở bên ngoài thì mấy ngài ấy không dung tha bất cứ lời đùa thô lỗ nhỏ nào trong cửa hàng.
Và chính Denise chịu đòn về câu chuyện. Bà Aurélie, được mách đầy đủ, âm thầm căm ghét cô; bà thấy cô cười với Pauline thì bà cho là cô thách thức, bàn tán về chuyện trai gái của con bà. Thế là, trong gian hàng, bà càng cô lập cô gái hơn nữa. Đã từ lâu, bà có dự kiến một ngày Chủ nhật kéo các cô bán hàng về chơi gần Rambouillet ở Rigolles, tại đó bà đã tậu một cơ sở bằng mấy chục vạn phrăng tiết kiệm đầu tiên của bà; và đột nhiên bà quyết định trừng phạt Denise bằng cách công khai gạt cô ta. Duy có cô là không được mời. Mười lăm ngày trước, trong gian hàng chỉ chuyện trò về cuộc vui đó người ta nhìn trời nóng ấm dưới mặt trời tháng Năm, người ta đã nghĩ chuyện làm gì trong từng giờ ngay hôm đó, người ta hẹn với nhau đủ mọi thú vui, mọi trò đùa, sữa, bánh hẩm... Và chỉ có phụ nữ với nhau, như thế càng vui! Theo thói quen, bà Aurélie giết thì giờ như vậy trong những ngày nghỉ, bà đi dạo với các bà; là vì bà rất ít quen sống trong gia đình, bà rất khó chịu, rất lạc lõng vào những buổi tối hiếm có mà bà có thể ăn ở nhà, giữa chồng và con trai, đến nỗi, ngay những tối đó, bà cũng ưng bỏ việc nhà và đi ăn ở khách sạn. Về phía mình, Lhomme cũng chuồn, hớn hở vì được trở lại cuộc sống trai tơ; còn Albert, được nhẹ thân, chạy theo các cô ả của hắn; đến mức mất thói quen sống ở nhà, ngày Chủ nhật thì làm rầy nhau và ngán ngẩm, cả ba người chỉ tạt qua nhà chung, như qua một khách sạn buồn tẻ, nơi người ta về ngủ đêm. Về cuộc vui chơi Rambouillet thì bà Aurélie tuyên bố một cách đơn giản rằng vì phép lịch sự Albert không nên đến, còn bản thân ông bố cần giữ ý cũng chẳng đến làm gì; thế là cả hai người đều hoan nghênh. Trong khi đó, cái ngày tốt đẹp đến gần, các cô không còn thiếu chuyện gì, họ kể việc chuẩn bị hành trang cứ như họ đi lâu đến sáu tháng; còn Denise thì đứng mà nghe họ, tái mặt và im lặng trong cảnh bị bỏ rơi.
- Họ làm cậu phát điên, hả? - Một buổi sáng Pauline bảo cô - Mình như cậu thì mình chẳng chịu kém! Họ vui chơi, mình cũng vui chơi, lép gì!... Chủ nhật này cậu đi với bọn mình đi, Baugé dẫn mình đi Joinville.
- Thôi, cám ơn! - Cô gái đáp với vẻ bình thản ngang ngạnh.
- Thì tại sao?... Cậu vẫn còn sợ người ta bắt cóc cậu à?
Và Pauline cười ngay thẳng. Denise cũng mỉm cười theo. Cô biết rõ sự việc xảy ra như thế nào: chính trong những cuộc vui chơi như thế, mỗi người trong các cô đó đã lần đầu tiên có nhân tình, một anh bạn dẫn đến như chuyện tình cờ; vì thế cô không muốn.
- Này, - Pauline lại nói - mình cam đoan rằng Baugé sẽ không dẫn ai đi theo. Chỉ có ba người chúng mình... Cậu đã không ưng, thì mình chẳng đi gả chồng cho cậu đâu, thật đấy.
Denise do dự, trong lòng xao xuyến vì ý muốn, làm máu dồn lên đôi má. Từ khi các bạn cô kháo những thú vui thôn dã, cô ngốt cả người vì một nhu cầu sống giữa trời, mơ ước những bụi cỏ cao đi vào lút vai, những cây to lớn giội bóng lên mình như làn nước mát. Tuổi thơ của cô, sống dưới bóng cây xanh rườm rà vùng Cotentin, thức dậy, với niềm nhớ ánh mặt trời.
- Ừ thì đi. - Cuối cùng cô nói.
Mọi việc đều được sắp đặt, Baugé phải đến đón hai cô vào tám giờ, trên quảng trường Gaillon, từ đó họ đi xe ngựa hàng ra ga Vincennes. Denise, với hai nhăm phrăng lương cố định mỗi tháng bị lũ trẻ ngốn hết, chỉ có thể sửa chiếc áo dài len đen cũ bằng cách đính vào những mảnh chéo popeline carô nhỏ; và cô tự chế cho mình một chiếc mũ, với một cái khuôn capote bọc lụa và điểm băng màu lơ. Ăn mặc giản dị như thế, trông cô có vẻ rất trẻ, vẻ một cô bé chóng lớn, thanh bạch, có phần ngượng và lúng túng vì làn tóc quá dày, làm lộ rõ cái mũ sơ sài, trái lại Pauline chưng một áo dài lụa mùa xuân, sọc tím và trắng, một mũ vải tô điểm, cắm lông chim, cổ và tay đeo đồ nữ trang, cả một vẻ giàu có của người buôn bán sụ. Cứ như đòn trả miếng cho cả tuần, cô ta thì áo lụa bận ngày Chủ nhật, bõ lúc phải mặc áo len trong gian hàng; còn Denise thì lai rai áo lụa đồng phục từ thứ Hai đến thứ Bảy, để ngày Chủ nhật khoác lại chiếc áo len mỏng của cảnh nghèo.
- Baugé kia rồi. - Pauline vừa nói vừa chỉ một chàng trai lớn, đứng gần bể nước.
Cô ta giới thiệu nhân tình, và lập tức Denise thấy thoải mái, vì trông anh chàng người trung hậu. Baugé, to lớn, khỏe mà chậm như bò kéo xe cày, có khuôn mặt dài của dân xứ Flamande, với đôi mắt rỗng cười cười ngây thơ như trẻ con. Sinh ở Dunkerque, con út một người bán hương liệu, anh ta đến Paris gần như bị bố và anh đuổi đi vì thấy anh ta xuẩn. Thế nhưng, ở hiệu Bon Marché, anh kiếm ba nghìn năm trăm phrăng. Anh ta đần, nhưng lại rất tinh về vải vóc. Phụ nữ thấy anh dễ thương.
- Thế xe ngựa đâu? - Pauline hỏi.
Phải đi ra tới đại lộ. Mặt trời đã chiếu nóng, buổi sáng tháng Năm đẹp phơi phới trên đường phố, và trời không gợn mây, cả một niềm vui phảng phất trong không trung xanh biếc, trong như thủy tinh. Denise bất giác hé môi mỉm cười; cô thở mạnh dường như lồng ngực cô thoát khỏi một cơn ngột ngạt sáu tháng trời. Cuối cùng, thế là cô không còn cảm thấy trên mình cái không khí kín bưng, những hòn đá nặng của hiệu Hạnh phúc các bà! Vậy là cô có trước mắt cả một ngày dã ngoại tự do! Và cứ như cô mang một sức khỏe mới, một niềm vui vô tận, với những cảm giác mới của con nít. Thế nhưng, trong xe ngựa, cô quay mặt đi, sượng sùng, khi Pauline hôn trụt một cái lên môi nhân tình.
- Này, - Cô nói, đầu vẫn sát cửa xe - ông Lhomme kia kìa. Ông ấy đi mới nhanh chứ!
- Ông ấy mang kèn. - Pauline nghiêng người nói thêm - Đúng là một lão gàn! Cứ như là lão ta chạy đến một cuộc hẹn hò.
Quả thật, Lhomme, ống kèn cắp ở nách, bước thoăn thoắt dọc theo trường thể dục, mũi hếch lên, cười khoái trá một mình, nghĩ tới cuộc vui sắp dự. Ông ta sẽ qua ngày ở nhà một người bạn, tay sáo của một rạp hát nhỏ, ở đó các tài tử chơi nhạc nhẹ ngày Chủ nhật, ngay sau chầu cà-phê sữa.
- Mới tám giờ! Lão cuồng! - Pauline lại nói - Thế mà cậu biết bà Aurélie và cả đám bâu xậu của bà ta phải lên tầu Rambouillet chạy vào sáu giờ hai nhăm... Chắc chắn, hai vợ chồng sẽ không gặp nhau.
Cả hai chuyện trò về cuộc vui ở Rambouillet. Họ không mong cho bọn kia bị mưa, vì họ cũng sẽ phải dầm nước; nhưng ví thử đổ mưa phía đó mà không ướt đến Joinville thì kể cũng ngộ. Rồi họ nhè vào Clara, một ả hư hỏng không biết cách nào tiêu của bọn người bao hắn: chẳng đã, có lần hắn mua ba đôi giầy một lúc, những đôi giầy mà hôm sau hắn quăng đi sau khi lấy kéo cắt, vì bàn chân ả đầy những bướu? Vả chăng, mấy cô bán tân phẩm đó cũng chẳng biết điều hơn mấy cậu: họ ngốn tất, chẳng bao giờ để dành lấy một xu, hai ba trăm phrăng hàng tháng tiêu vào xống áo quà bánh.
- Mà lão ta chỉ có một tay! - Baugé đột nhiên nói -Làm thế nào mà lão chơi kèn được?
Anh ta vẫn không rời mắt Lhomme. Thế là Pauline, đôi khi giỡn với tính ngây thơ của anh, kể với anh ta rằng lão tì kèn vào tường; thế mà anh ta tin là thật và cho rằng thế thì khéo lắm. Rồi khi cô ta hối hận giảng giải bằng cách nào Lhomme gắn vào cánh tay cụt một hệ thống kẹp mà sau đó lão ta vận dụng như một bàn tay, thì anh ta lắc đầu, không tin, tuyên bố rằng nói như thế anh ta không xực được.
- Anh xuẩn lắm. - Cuối cùng cô ta vừa cười vừa nói - Song, chẳng hề gì, em vẫn yêu anh.
Chiếc xe ngựa chạy, người ta tới ga Vincennes vừa lúc có một chuyến tàu. Baugé trả tiền vé; nhưng Denise đòi góp phần tiêu pha của mình; để đến tối sẽ tính toán. Họ lên toa hạng hai, cả một không khí vui râm ran từ những toa xe tỏa ra. Đến Nogent có một đám cưới, xuống tàu giữa những tiếng cười. Cuối cùng, họ tới Joinville, sang ngay đảo, để đặt cơm sáng; và ở đó, họ đi dọc theo bờ, dưới những cây bạch dương mọc ven sông Marne. Bóng cây mát lạnh, dưới ánh nắng, một làn gió thổi mạnh, mở rộng phía xa, bên kia bờ sông, bầu trời trong vắt của một cánh đồng, trải ra những đất trồng trọt. Denise thủng thẳng phía sau Pauline và nhân tình, họ khoác tay ngang lưng cùng đi; cô đã hái nắm nụ vàng, cô nhìn nước chảy, thảnh thơi, lòng dịu mềm, cúi đầu, vừa lúc đó Baugé ngả người hôn vào gáy người yêu. Cô rưng rưng nước mắt. Nhưng cô không đau đớn. Có cái gì làm cô nghẹn ngào như vậy, và tại sao đồng ruộng mênh mông kia, nơi cô đến tìm sự thanh thản, lại khiến lòng cô xao xuyến một niềm mong nhớ mơ hồ mà không tìm ra duyên cớ? Rồi đến bữa ăn, Pauline cười ầm ĩ khiến cô choáng váng. Cô này yêu ngoại ô với cái say đắm của một đào hát sống dưới ánh đèn hơi, trong không khí đặc sệt của đám đông, cô đã muốn ngồi ăn dưới một vòm lá mặc dầu gió mát lạnh. Cô ta hí hửng vì cơn gió đột ngột lật chiếc khăn trải bàn, cô thấy ngồ ngộ dàn cây còn chưa có lá, lưới mới sơn lại, hắt bóng những hình quả trám xuống bàn ăn. Mặt khác, cô ta ăn nghiến ngấu với cái háu ăn vì đói của cô gái phải ăn tối ở cửa hàng, ra ngoài thì ăn đến bội thực mọi thứ cô ưa: đó là cái tật của cô ta, bao nhiêu tiền ném vào đó: gatô, rau sống trái xanh, từng dĩa thức ăn nhỏ thưởng thức chóng vánh vào những lúc rảnh. Vì thấy Denise có vẻ ngán cả trứng, cá rán và gà chiên, cô ta tự kìm mình, cô không dám gọi dâu tây, món quả dầu mùa còn đắt, sợ số tiền cộng sẽ tăng lên nhiều quá.
- Bây giờ, ta làm gì đây? - Baugé hỏi, khi uống cà phê xong.
Thường thì, quá trưa, Pauline và anh ta về ăn chiều ở Paris, rồi kết thúc ngày trong một rạp hát. Nhưng theo ý muốn của Denise, họ quyết định ở lại Joinville; thế cũng ngộ, sẽ được ngập đầu ở nông thôn. Và, cả buổi chiều, họ sục sạo đồng ruộng. Có một lúc họ bàn hay là đi dạo canô; rồi họ bỏ ý kiến, vì Baugé cheo thuyền rất dở. Nhưng đi tha thẩn, ngẫu nhiên theo những đường nhỏ, rốt cuộc vẫn trở lại dọc sông Marne, họ chú ý đến đời sống trên sông, đến những đoàn xuồng và thuyền Norvégienne [3], đến những đội chèo xuồng trên sông. Mặt trời đã chếch bóng, họ đang quay lại Joinville thì thấy hai chiếc xuồng, xuôi dòng và ganh nhau bơi nhanh, hai bèn chửi nhau om sòm, nghe rõ những tiếng thét lặp đi lặp lại “caboulot” và “calicot” [4].
- Này! - Pauline nói - Ông Hutin kia kìa.
- Phải rồi, - Baugé tiếp, tay giơ lên che nắng - tôi nhận ra chiếc xuồng gỗ đào hoa tâm... Xuồng kia chắc là của một đội sinh viên. - Và anh ta giải thích mối hằn thù cũ dẫn đến những cuộc xung đột giữa thanh niên các trường và đám nhân viên thương nghiệp. Denise nghe nói gọi tên Hutin thì dừng lại; mắt đăm đăm, cô nhìn theo chiếc thuyền mỏng, cô tìm chàng trai giữa đám người chèo mà chẳng thấy gì ngoài hai vệt trắng của hai phụ nữ, một người ngồi ở phía tay lái, đội mũ đỏ. Những tiếng nói lạc đi giữa tiếng nước chảy xiết.
- Trôi sông, bọn caboulot!
- Bọn calicot, trôi sông! Trôi sông!
Buổi chiều họ quay về khách sạn của đảo... Nhưng trời trở lạnh, phải ăn ở một trong hai buồng đóng kín cửa, ở đó khí ấm mùa đông còn thấm những khăn trải bàn một hơi lạnh sặc mùi xà phòng. Ngay lúc sáu giờ bàn đã thiếu, khách đi dạo vội vã tìm một góc; và người phục dịch mang đến liên tiếp những ghế tựa, ghế dài, xích gần những đĩa, nêm chặt khách ăn. Bây giờ đâm ra ngột ngạt, người ta sai mở cửa sổ. Bên ngoài, ánh ngày nhạt dần, một ánh hoàng hôn xanh nhạt từ những ngọn bạch dương lọt xuống, nhanh quá, đến mức khách sạn, thiếu trang bị cho những bữa ăn trong nhà như thế, không có đèn, phải thấp mỗi bàn một cây nến. Thật là ồn ào, tiếng cười, tiếng gọi nhau, bát dĩa va chạm; trước gió lọt qua các cửa sổ những cây nến, bạt lửa và chảy ra; trong khi đó bươm bướm đêm đập cánh, trong không khí nồng mùi thịt, và những đợt hơi giá lạnh ngắn tạt qua.
- Họ vui nhộn ra trò, hả? - Pauline vừa nói vừa vục vào một món cá nấu rượu mà cô khen tuyệt vời.
Cô nghiêng đầu nói thêm:
- Cậu có nhận ra ông Albert ở đằng kia không?
Quả thật, đó là anh chàng Lhomme, giữa ba phụ nữ khả nghi, một mụ già đội mũ vàng, vẻ mặt hèn hạ của kẻ dẫn gái, và hai cô vị thành niên, hai thiếu nữ mười ba mười bốn tuổi, õng ẹo, trơ trẽn đến chướng. Thằng cha thì đã say mèm, đập cốc xuống bàn, dọa nện người phục dịch nếu không lấy ngay rượu mùi.
- Hay đấy! - Pauline lại nói - Một gia đình như thế đó! Bà mẹ thì ở Rambouillet, ông bố ở Paris và cậu con trai ở Joinville. Họ không giẫm lên chân nhau.
Denise, vốn ghét ầm ĩ, tuy nhiên mỉm cười, lấy làm khoan khoái và không còn phải suy nghĩ, giữa đám ồn ào như vậy. Nhưng, bỗng chốc, ở buồng bên cạnh, có tiếng thét át cả những tiếng khóc. Đó là những tiếng la, mà theo sau chắc là những cái tát, vì nghe có tiếng xô đẩy, ghế đổ, cả một cuộc ẩu đả, và lại nghe thấy những tiếng thét ngoài sông lúc nãy:
- Trôi sông, bọn calicot!
- Bọn caboulot, trôi sông! Trôi sông!
Và, khi tiếng hét của chủ quán dẹp yên đám đánh nhau, thì Hutin đột nhiên xuất hiện. Bận áo vareuse đỏ, mũ vải lật sau gáy, hắn khoác tay cô gái lớn mặc áo trắng, cô lái xuồng, cài một chùm hoa mào gà bên tai để chưng màu của chiếc xuồng. Những tiếng hò reo, vỗ tay đón tiếp họ vào; và hắn phởn phơ, ưỡn ngực, õng ẹo lắc lư kiểu lính thủy, hắn dang tay đấm vào má mình cho tím lên, lòng đầy hoan hỉ vì được chú ý. Đằng sau họ là cả đội đi theo. Một chiếc bàn bị đột kích và chiếm lĩnh, tiếng ồn ào càng dữ dội.
- Hình như, - Baugé giải thích, sau khi nghe những lời chuyện trò phía sau lưng - bọn sinh viên đã nhận ra cô gái của Hutin, một người cũ của khu phố, bây giờ hát ở một tiệm cà-phê mạt hạng, phố Montmartre. Thế là họ choảng nhau vì cô ta... Cái bọn sinh viên ấy, chúng đời nào chịu mất phụ nữ!
- Dù sao, - Pauline với điệu làm kiêu nói - cái cô ấy, xấu ơi là xấu, bộ tóc càrốt... Thật thế, không biết cái ông Hutin nhặt đâu được họ, cô nào cũng ma lem như cô nào.
Denise đã tái mặt. Cô cảm thấy người giá lạnh, cứ như từng giọt máu vợi đi ở trái tim cô. Ngay từ lúc ở bờ sông, trước chiếc xuồng trôi mau, cô đã cảm thấy cái rợn mình đầu tiên, và bây giờ cô không còn nghi ngờ gì nữa, cô gái ấy đích thực là của Hutin. Cổ thắt lại, hai bàn tay run run, cô thôi không ăn nữa.
- Cậu làm sao thế? - Cô bạn hỏi.
- Không sao cả, - Cô ấp úng - trời hơi bức.
Nhưng bàn của Hutin ở ngay bên cạnh, và khi hắn bắt gặp Baugé mà hắn quen, hắn liền the thé bắt chuyện để cả buồng chú ý.
- Nào ông, - Hắn la lên - ở Bon Marché, các ông bao giờ cũng đạo đức lắm à?
- Chẳng đến thế. - Anh này đỏ nhừ mặt, trả lời.
- Đếch gì! Ở đấy họ chỉ muốn gái tân, họ có phòng rửa tội thường trực cho những anh bán hàng dám ngỏ lời với các cô... Một nơi cưới xin, thôi đi!
Có tiếng cười, Liénard, cùng đội, nói thêm:
- Đâu phải như ở Louvre [5]. Ở quầy hàng may sẵn có một bà đỡ thường trực. Thề danh dự!
Càng thêm vui nhộn, cả Pauline cũng phá ra cười, vì cô ta thấy cái ý bà đỡ thật ngộ. Nhưng Baugé bất bình vì những lời giễu cợt đối với sự trong sạch của cửa hàng anh. Đột nhiên anh ta thét lên:
- Thế thì ở hiệu Hạnh phúc các bà, các anh hay lắm đấy! Chỉ một lời là bị tống cổ ra khỏi cửa! Và một ông chủ có vẻ xoắn xuýt với khách hàng!
Hutin không nghe anh ta nữa, bắt đầu khen hiệu Quảng trường Clichy. Hắn quen một cô gái ở đó đứng đắn quá đến nỗi khách mua không dám hỏi đến cô ta, sợ xúc phạm cô. Rồi hắn kéo gần bát đĩa của hắn lại, hắn khoe trong tuần hắn kiếm một trăm mười lăm phrăng; cha! Một tuần cực kỳ, bỏ Favier ở mức năm mươi hai phrăng, cả bảng ghi lượt quay trọn; xem đây thì rõ, phải không? Hắn ngốn tiền, hắn chưa tiêu hết món trăm mười lăm phrăng thì hắn chưa đi ngủ. Rồi vì hắn say, hắn nhè vào Robineau, cái thằng phó đoảng làm bộ chơi riêng, đến mức ra phố không chịu đi cùng với một nhân viên bán hàng.
- Thôi im đi, - Liénard nói - ông nói nhiều đấy ông bạn ạ.
Trời càng nóng, nến chảy xuống khăn trải bàn hoen vết rượu; và qua cửa sổ mở, khi tiếng người ăn ồn ào đột nhiên lắng xuống, một tiếng xa xôi lọt vào, ngân dài, tiếng của dòng sông và của những cây bạch dương cao, thiếp đi trong đêm yên lặng. Baugé vừa hỏi tính tiền, khi thấy Denise không đỡ, mặt cô bệch ra, cằm giật giật vì nén khóc; nhưng người phục dịch không trở lại, và cô còn phải chịu đựng những tiếng nói choang choáng của Hutin. Bây giờ hắn khoe hắn oai hơn Liénard, vì Liénard chỉ là ngốn tiền của bố cho, chứ như hắn ngốn tiền hắn kiếm ra, kết quả trí thông minh của hắn. Cuối cùng, Baugé trả tiền, hai cô đi ra.
- Cái cô kia là ở Louvre, - Pauline nói khẽ, khi qua phòng thứ nhất, trông thấy một cô gái lớn mảnh người đang mặc áo măng-tô.
- Cô không quen hắn, cô chẳng biết gì cả. - Chàng trai nói.
- Ngữ ấy! Và cách ăn bận!... Gian bà đỡ, phải rồi! Hắn mà nghe thấy, chắc hắn vừa lòng!
Họ ra bên ngoài. Denise thở dài khoan, khoái. Cô đã tưởng chết mất, trong cái nóng ngột ngạt đó, giữa những tiếng la thét đó, và cô vẫn giải thích mình khó chịu vì thiếu không khí. Bây giờ cô hít thở. Một hơi mát lạnh từ trên nền trời đầy sao tỏa xuống. Khi hai cô rời khu vườn của khách sạn thì có tiếng rụt rè khẽ nói trong bóng tối.
- Chào hai cô.
Đó là Deloche. Hai cô đã không nhìn thấy anh ta ngồi ở cuối phòng thứ nhất, anh ta ngồi ăn một mình ở đó, sau khi vì thích thú đi bộ từ Paris đến. Khi nhận ra tiếng nói thân quen đó, Denise, đau khổ, bất giác ngả theo nhu cầu được có người nâng đỡ...
- Ông Deloche đấy à, về cùng với chúng tôi đi - Cô nói - Ông đưa tay đây.
Pauline và Baugé đã đi lên trước. Họ ngạc nhiên. Họ không nghĩ rằng chuyện lại ra như thế, mà với anh chàng ấy. Tuy nhiên, vì còn một tiếng đồng hồ nữa mới lên tầu, họ ra tận đầu hòn đảo, đi theo bờ sông, dưới những cây to, và chốc chốc, họ lại ngoảnh lại, thì thầm:
- Bọn họ đâu rồi nhỉ? À! Đây rồi. Kể cũng lạ.
Lúc đầu, Denise và Deloche còn im lặng. Dần dần, tiếng ồn của khách sạn lắng xuống, trở thành êm dịu như nhạc trong bóng đêm sâu; và họ càng tiến thêm vào hơi lạnh dưới cây cối, người vẫn còn ran nóng vì cái lò lửa, ở đó nến đã tắt dần, đằng sau lá cây. Trước mặt họ, như một bức tương tối mịt, một khối bóng đen dày đặc, đến mức không nhận ra cả vệt mờ của con đường nhỏ. Nhưng họ đi êm ả, không sợ hãi. Rồi mắt họ quen dần, họ nhìn thấy bên tay phải các thân cây bạch dương, như những cột đen tối mang vòm cành lá, chi chít những sao, trong khi đó, phía bên phải, nước sông trong bóng tối thỉnh thoảng loang loáng như tấm gương bằng thiếc. Gió đã đứng, họ chỉ còn nghe tiếng sông reo.
- Tôi rất mừng được gặp cô - Cuối cùng Deloche ấp úng, quyết định nói trước - Cô không biết cô làm cho tôi vui lòng đến thế nào, khi cô ưng để tôi đi dạo với cô.
Và nhờ đêm tối hỗ trợ, sau bao nhiêu lời lúng ta lúng túng, hắn dám nói rằng hắn yêu cô. Từ lâu, hắn định viết thư; và có lẽ không bao giờ cô biết điều đó, nếu không có cái đêm đẹp này thông đồng nếu không có dòng sông kia reo và những cây này dăng bóng bao trùm. Nhưng, cô chẳng trả lời, cô vẫn đi trong tay khoác của hắn, vẫn bước đi đau khổ. Hắn tìm cách nhìn mặt cô, thì bỗng nghe tiếng thút thít nhẹ nhàng.
- Ôi trời! - Hắn tiếp - Cô khóc, thưa cô, cô khóc... Có phải tôi đã làm phiền cô.
- Không, không. - Cô khẽ nói.
Cô cố cầm nước mắt mà không được. Ngay từ lúc ở bàn ăn, cô đã tưởng trái tim vỡ ra. Và, giờ đây, cô thả lòng trong bóng tối này, cô vừa mới nghẹn ngào nức nở khi nghĩ rằng, ví thử không phải Deloche mà là Hutin đứng bên cô và nói với cô những lời âu yếm, thì cô sẽ mềm yếu. Điều tự thú cuối cùng đến với cô đó khiến cô đâm bẽ bàng. Một nỗi hổ thẹn làm cô nóng mặt tưởng như dưới những bóng cây này cô ngả trong tay chàng trai kia, hắn đang nằm với các cô gái.
- Tôi không định xúc phạm đến cô. - Deloche nhắc lại, hắn đâm lây nước mắt.
- Không, anh hãy nghe tôi, - Cô nói giọng còn run run - tôi không giận gì anh cả. Nhưng tôi xin anh đừng nói với tôi như vừa rồi nữa... Điều anh hỏi là không thể được. Chà! Anh là một chàng trai tốt, tôi rất muốn là bạn của anh, nhưng không hơn thế... Anh nghe rõ đấy: bạn của anh!
Hắn rợn mình. Sau vài bước đi im lặng, hắn ấp úng:
- Nghĩa là, cô không yêu tôi?
Và, vì cô tránh cho hắn nỗi phiền vì một tiếng không tàn nhẫn, hắn lại nói tiếp bằng một giọng dịu dàng mà não ruột:
- Vả lại, tôi cũng dự đoán được... Tôi chưa bao giờ được may mắn, tôi biết rằng tôi không thể sung sướng được. Ở nhà, người ta đánh đập tôi. Ở Paris tôi luôn luôn là kẻ bị hành hạ. Cô xem đấy khi người ta không biết chiếm nhân tình của kẻ khác, và người ta khá vụng về để không kiếm tiền được bằng họ, thế thì, người ta chỉ có chết khô ở một xó. Ồ! Xin cô cứ an tâm, tôi sẽ không quấy rầy cô nữa. Còn như yêu cô thì cô không thể ngăn tôi được, phải không? Tôi sẽ yêu cô chẳng vì cái gì hết, như một con vật... Thế là hết! Cuốn xéo đi, đó là số phận dành cho tôi.
Đến lượt hắn khóc. Cô an ủi hắn, trong cơn bộc lộ thân tình, họ được biết họ cùng quê với nhau, cô ở Valognes, hắn ở Bricquebec, cách nhau mười ba cây số. Đó là một mối liên hệ mới. Bố hắn là một viên mõ tòa nhỏ túng thiếu, tính hay ghen một cách bệnh hoạn, đánh đập hắn vì cho hắn là đứa con hoang, tức giận vì khuôn mặt dài tái nhợt và bộ tóc rễ tre [6] của hắn mà ông ta cho là không thuộc máu ông. Họ đi tới chuyện trò về những đồng cỏ lớn rào cây, những con đường nhỏ rợp bóng, mất hút dưới những cây du, những con đường lớn trồng cỏ xanh như lối đi ở công viên. Chung quanh họ, trời càng tối thêm, họ nhận ra những cây cối ở bờ sông, bóng cây như làn ren đen lấp lánh sao; và họ nguôi dần, họ quên mọi nỗi đau khổ, vận rủi xích gần họ với nhau, trong tình thân giữa những người bạn tốt.
- Thế nào? - Pauline kéo Denise ra một chỗ, sốt sắng hỏi trong lúc đợi tàu.
Cô gái hiểu ý qua cách mỉm cười và giọng nói tò mò âu yếm của bạn. Cô đỏ dừ mặt, trả lời:
- Không bao giờ, cậu ạ! Mình đã bảo cậu là mình không muốn kia mà!... Hắn là đồng hương của mình. Bọn mình nói chuyện Valognes.
Pauline và Baugé ngẩn người, đầu óc bối rối không còn hiểu ra sao nữa. Deloche từ biệt họ ở quảng trường La Bastille; cũng như mọi chàng trai làm công ăn cơm không, hắn ngủ ở cửa hàng, phải có mặt vào mười một giờ. Không muốn về cùng với hắn, Denise, vì đã xin được phép đi xem hát, nhận theo Pauline về nhà Baugé. Anh này muốn gần người yêu nên đã đến ở phố Saint Roch. Họ đi xe ngựa hàng, và Denise đâm sững sờ, khi giữa đường, được biết cô bạn về ngủ với chàng trai. Chẳng có gì khó, cứ cho bà Cabin năm frăng là được, tất cả các cô đều dùng cách đó. Baugé mời khách vào buồng của anh ta, buồng kê những đồ cũ thời đế chế, mà bố anh gửi đến. Anh ta tỏ ý giận khi Denise nói chuyện thanh toán tiền, rồi cuối cùng đành nhận mười lăm frăng sáu mươi xu mà cô để trên chiếc tủ ngắn; Bây giờ, anh muốn đãi một chén trà, thế là anh vật lộn với chiếc ấm nấu rượi, rồi phải ra phố mua đường. Mười hai giờ đêm, anh mới rót nước ra chén.
- Thôi, tôi phải về. - Denise nhắc.
Pauline liền đáp:
- Chốc nữa đã... Rạp hát tan đâu mà sớm thế.
Denise lúng túng ở trong gian buồng con trai. Cô đã thấy bạn cởi váy ngắn và nịt ngực, cô nhìn cô ta dọn giường, mở đệm, dập gối bằng cánh tay để trần, và cảnh chuẩn bị cho một đêm ân ái của tổ ấm diễn ra trước mắt cô khiến cô xao xuyến, gây cho cô một nỗi thẹn thùng, và nó gợi trong trái tim bị tổn thương của cô nhớ tới Hutin. Những ngày như thế chẳng tốt lành gì. Cuối cùng, lúc mười hai giờ mười lăm, cô từ biệt họ. Nhưng cô ra về mắc cỡ, vì, khi cô ngây thơ chúc họ một đêm tốt lành, Pauline kêu toáng lên, trả lời:
- Cám ơn, đêm sẽ tốt!
Cổng riêng dẫn vào căn nhà của Mouret và các buồng của nhân viên, ở bên phố Neuve Saint Augustin. Bà Cabin kéo sợi dây buộc cửa, rồi để ý nhìn, chấm người về. Một chiếc đèn thắp đêm soi lờ mờ phòng trước. Denise đứng trong ánh lờ mờ đó, ngập ngừng, sinh lo, vì vừa ngoặt chỗ đầu phố, cô đã thấy cổng khép lại sau một bóng đàn ông nào đó. Có thể là ông chủ, đi dự dạ hội về; và ý nghĩ rằng anh đứng đó, trong bóng tối, có thể để chờ đợi cô, khiến cô thấy sợ sợ thế nào, nỗi sợ mà anh vẫn làm cô bàng hoàng không duyên cớ chính đáng. Có ai động đậy ở tầng trên, tiếng bốt lẹp kẹp. Thế là cô hết hồn, cô đẩy một cửa vào cửa hàng, mà người ta để ngỏ, để đi tuần tra. Cô ở trong gian hàng vải màu.
- Trời, làm thế nào bây giờ? - Cô lẩm bẩm trong cơn xúc động.
Cô nghĩ ra ở tầng trên, có một cửa khác thông sang các buồng ở. Nhưng như thế phải đi qua suốt cửa hàng. Cô ưng đi theo lối đó, mặc dù các hành lang tối om. Không có ngọn đèn hơi nào thắp, chỉ có những đèn dầu từng quãng móc ở những ngáng đèn treo, và ánh sáng rải rác đó, như những vệt sáng, trong bóng tối ngập các gian hàng, chẳng khác gì đèn ló treo trong hầm mỏ. Những bóng đèn lớn chập chờn, khó phân biệt hàng hóa chất đống mang những hình thù hãi hùng, cây cột đổ, con vật ngồi chồm chỗm, kẻ trộm rình mò. Im lặng âm thầm, xen những tiếng thở xa xa, càng làm cho bóng tối lan tỏa. Thế mà, cô phải định hướng: hàng trắng bên tay trái, làm thành một dải nhợt nhạt, như dãy nhà ngoài phố mờ biếc dưới bầu trời mùa hạ; thế là, cô muốn vượt ngang lập tức gian hàng lớn, nhưng cô vấp ngay vào những chồng vải hoa, và cô thấy chắc chắn hơn là đi theo gian áo mũ đan, rồi gian hàng len. Ở đây một tiếng ngáy như sấm làm cô sợ hãi, đó là Joseph, anh chàng phục dịch ngủ sau đồ hàng tang ma. Cô lao nhanh vào gian lớn, sáng lờ mờ như ánh chiều tà vì trần lợp kính; buồng này như rộng ra, đẩy nỗi hãi hùng ban đêm như ở nhà thờ, với những tủ ô im lìm, và hình những chiếc thước lớn vẽ thành những cây thập tự ngược. Bây giờ cô chạy trốn. Ở gian tạp hóa, gian bán găng, cô lại xuýt giẫm phải những anh phục dịch, và cô chỉ thấy thoát khi cuối cùng cô tìm thấy cầu thang. Nhưng, bên trên, trước gian hàng may sẵn, cô phát hoảng khi thấy một chiếc đèn ló, mắt nhấp nhánh di chuyển, đó là một phiên đi tuần, hai thợ cứu hỏa đang ghi lượt đi trên mặt bảng chỉ dẫn. Cô đứng một phút mà không hiểu, cô nhìn họ chuyển từ gian khăn san sang gian đồ bài trí, rồi gian đồ lót, hoảng hồn vì việc làm kỳ quặc, vì tiếng chìa khóa rít, những cửa bằng tôn đập kinh khủng. Khi họ tới gần, cô trốn vào cuối phòng đăng-ten, nhưng một tiếng gọi đột ngột khiến cô trở ra lập tức, để chạy về phía cửa thông. Cô đã nhận ra tiếng Deloche, hắn ngủ trong gian hàng của hắn, trên một giường sắt nhỏ mà buổi tối nào hắn cũng tự tay kê lấy; lúc đó hắn chưa ngủ mà đang mở giương mắt sống lại những giờ êm đềm buổi ban ngày.
- Sao! Cô đấy a? - Mouret nói, Denise thấy anh ngay trước mặt, trong cầu thang, tay cầm một ngọn nến bỏ túi.
Cô ấp úng, định phân bua vừa đi tìm cái gì đó ở gian hàng! Nhưng anh chẳng giận, anh nhìn cô ra vẻ vừa che chở vừa tò mò.
- Vậy ra cô có giấy đi xem hát à?
- Thưa, vâng.
- Thế có vui không?... Cô đi rạp nào?
- Thưa ông, tôi đi nông thôn.
Điều đó khiến anh cười. Rồi anh lại hỏi, dằn từng tiếng:
- Một mình?
- Thưa ông, không, cùng với một cô bạn. - Cô đáp, má đỏ ửng, xấu hổ vì đoán ra ý nghĩ của anh.
Bấy giờ anh im lặng. Nhưng anh vẫn nhìn theo cô, bận chiếc áo len mỏng, đội chiếc mũ chỉ cài một dải băng xanh lơ. Có lẽ cái cô gái hoang dại này rốt cuộc trở thành một cô gái xinh chăng? Cô thật ngon lành sau cuộc đua ngoài trời, cô thật dễ thương với làn tóc đẹp lòa xòa trên trán. Thế mà anh, từ sáu tháng nay, anh vẫn xem cô như đứa trẻ, đôi khi anh khuyên răn cô, chỉ nghĩ chuyện thử nghiệm, ý muốn độc ác thử xem một phụ nữ mọc lên và sa ngã như thế nào ở Paris; Anh không cười nữa, anh cảm thấy một nỗi ngỡ ngàng và sợ hãi khôn tả, xen lẫn thương yêu. Chắc hẳn một tình nhân đã làm cô đẹp ra như thế... Với ý nghĩ đó, anh thấy hình như một con chim cưng, mà anh đùa giỡn, vừa mổ anh đến rớm máu.
- Xin chào ông. - Denise vừa nói khẽ vừa đi lên, không đợi.
Anh không trả lời, nhìn cô biến mất. Rồi anh về buồng.
--------------------------------------------
[1] Nguyên văn, phalanstèra, là đơn vị sống cộng đồng xã hội trong học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng của Fourier.
[2] Nguyên văn beuglant; tiếng tục để chỉ một hiệu cà phê ca nhạc tồi.
[3] Norvégienne thuyền nhỏ đáy tròn.
[4] Caboulot và calicot, những tiếng lóng để chỉ dân học trò và dân buôn bán.
[5] Louvre: viện bảo tàng lớn của Pháp. Ở đây nói đến một cửa hiệu mang cùng tên ở phố có viện bảo tàng.
[6] Nguyên văn cheveux de chanvre. Tóc cứng như sợi gai.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà