Gỗ Mun epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Tôi, Người Da Trắng
Ở Dar es Salaam (1 – thành phố lớn nhất ở Tanzania), tôi mua một chiếc Land Rover cũ của một người Anh đã trở về châu Âu. Đó là năm 1962, vài tháng trước Tanagnyika vừa giành độc lập, nhiều người Anh thuộc chính quyền thực dân mất việc, mất chức và thậm chí mất nhà. Trong các câu lạc bộ ngày một vắng vẻ của họ, luôn luôn có ai đó thuật chuyện buổi sáng anh ta đến phòng của mình ở Bộ thì đã có một người bản xứ ngồi sau bàn làm việc của anh ta và mỉm cười: “Xin lỗi, tôi rất lấy làm tiếc!”
Màn đổi gác đặc biệt này được gọi là Phi hóa. Một số người vỗ tay chào đón quá trình này như chào đón biểu tượng của giải phóng, những người khác tức giận phản đối. Ai vui mừng và ai chống lại nó thì đã rõ. Để lôi kéo các công chức của mình đến làm việc ở thuộc địa, London và Paris đã tạo cho họ những điều kiện sống tuyệt vời. Một công chức nhỏ tầm thường trong bưu điện ở Manchester khi đến Tanagnyika được cấp biệt thự có vườn và bể bơi, xe hơi, những người phục vụ, các kỳ nghỉ ở châu Âu, v.v… Đám quan chức thực dân thực sự đã sống rất tuyệt. Thế rồi ngày qua ngày những người dân thuộc địa giành được độc lập. Họ tiếp quản nguyên xi nhà nước thuộc địa. Thậm chí họ còn giữ để không gì thay đổi hết, vì nhà nước này mang lại cho người của bộ máy hành chính những ưu đãi vô cùng to lớn mà các chủ nhân mới tất nhiên không muốn từ bỏ. Hôm qua còn nghèo hèn, hôm nay họ đã là những người có đặc quyền đặc lợi, có địa vị cao và tiền đầy túi. Các nguồn gốc thực dân này của nhà nước Phi châu – nơi công chức được trả lương vượt quá mọi mức độ và chừng mực, và hệ thống này được người bản xứ tiếp quản nguyên vẹn – khiến cho cuộc chiến giành quyền lực ở châu Phi độc lập tức thì mang tính chất vô cùng ác liệt và tàn bạo. Đột nhiên, trong chớp mắt, một tầng lớp thống trị mới xuất hiện – giai cấp tư sản quan liêu, không đem lại gì, mà chỉ cai trị xã hội và hưởng các ưu đãi. Nguyên lý của thế kỷ XX, nguyên lý của tốc độ chóng mặt, cũng đã được ứng dụng trong trường hợp này: trước đây phải cần đến hàng chục, thậm chí hàng trăm năm để hình thành một giai cấp xã hội mới, ở đây chỉ cần vài ngày là đủ. Người Pháp khi quan sát cuộc chiến giành vị trí trong tầng lớp mới này với sự châm biếm mỉa mai đã gọi hiện tượng này là la politique du ventre (nền chính trị của dạ dày), bởi vì chức vụ chính trị liên quan sát sườn như thế với các lợi ích vật chất to lớn.
Nhưng đây là châu Phi và kẻ mới phất may mắn không thể quên truyền thống cũ của thị tộc, mà một trong số các quy tắc hàng đầu của nó là: chia sẻ tất cả mọi thứ anh có cho con mình, cho các thành viên khác trong thị tộc, hay như ở đây người ta nói, cho anh em họ (ở châu Âu sự ràng buộc giữa anh em họ hàng khá yếu và xa xôi, nhưng ở châu Phi anh em họ bên ngoại còn quan trọng hơn cả chồng). Và như thế, nếu anh có hai cái áo: hãy cho anh ta một, nếu anh có bát cơm: hãy chia cho anh ta một nửa. Ai vi phạm nguyên tắc này sẽ bị tẩy chay, bị đuổi khỏi thị tộc, mang thân phận đáng ghê tởm của kẻ bị ruồng bỏ. Ở châu Âu chủ nghĩa cá nhân là giá trị được đề cao, ở Mỹ thậm chí còn được đề cao hơn nữa, nhưng ở châu Phi – chủ nghĩa cá nhân là đồng nghĩa với bất hạnh, xấu số. Truyền thống châu Phi là tập thể chủ nghĩa, và chỉ trong một nhóm đồng thuận người ta mới có thể đương đầu với các trở ngại nổi lên không ngừng của thiên nhiên. Một trong các điều kiện sinh tồn của nhóm chính là chia sẻ từng thứ nhỏ nhất mà ta có. Một lần ở đây, có đám trẻ con vây quanh tôi. Tôi có một cái kẹo, tôi đặt nó lên lòng bàn tay. Lũ trẻ đứng im, nhìn chằm chằm. Cuối cùng cô bé lớn nhất cầm lấy cái kẹo, cẩn thận cắn ra từng mẩu và chia đều cho tất cả.
Nếu ai đó trở thành bộ trưởng thế chỗ Người Da Trắng và tiếp nhận tòa biệt thự có vườn của hắn, lương bổng và xe hơi của hắn, tin này sẽ lan về quê kẻ tốt số rất nhanh. Tin tức này truyền sang các làng lân cận nhanh như chớp. Vui sương và hi vọng tràn ngập trong tim những người anh em họ của anh ta. Không bao lâu sau, cuộc hành hương đến thủ đô bắt đầu. Ở đó họ dễ dàng tìm thấy người bà con xa ưu tú. Họ xuất hiện trước cổng nhà anh ta, thăm hỏi anh ta, rưới rượu ra đất theo tục lệ để cảm ơn tổ tiên về sự xoay vần số mệnh may mắn nhường ấy, rồi họ vào ở trong biệt thự của anh ta, ngoài sân, ngoài vườn. Không lâu sau, ta sẽ thấy tòa dinh thự yên tĩnh từng có một ông già người Anh sống cùng bà vợ ít nói trở nên ồn ào đông đúc. Trước nhà, từ sáng sớm, người ta nhóm lửa, phụ nữ giã sắn trong những chiếc cối gỗ, bầy trẻ nô đùa trong các vườn hoa và các luống cây. Buổi tối cả gia đình đông đúc ngồi xuống thảm cỏ ăn tối – bởi dẫu rằng cuộc sống mới đã bắt đầu, tục lệ cũ từ thời đói khổ triền mien vẫn còn: người ta chỉ ăn một lần trong ngày, vào buổi tối.
Người có công việc bận rộn hơn và ít tôn trọng truyền thống hơn thì cố gắng xóa dấu vết. Có lần tôi gặp ở Dodoma một người bán cam rong (thu nhập của nghề này rất thấp), anh ta thường mang thứ quả này đến nhà cho tôi ở Dar es Salaam. Tôi vui mừng hỏi anh ta làm gì ở đây, nơi cách xa thủ đô năm trăm cây số. Anh giải thích mình phải trốn những người anh em họ. Anh đã nhường cơm sẻ áo với họ một thời gian dài, nhưng cuối cùng anh cảm thấy như vậy là quá đủ và chạy làng. “Tôi sẽ có vài hào – anh hoan hỉ nói – chừng nào họ còn chưa tìm ra tôi!”.
Thời ấy, những trường hợp thăng tiến sau khi giành độc lập kiểu như vậy vẫn chưa nhiều lắm. Trong khu của người da trắng, người da trắng vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Bởi Dar es Salaam, giống như các thành phố khác ở vùng này của châu Phi, bao gồm ba khu riêng rẽ (thường là được ngăn cách bới sông hồ hay một dải đất hoang)
Khu tốt nhất, gần biển nhất tất nhiên là thuộc về Người Da Trắng. Đó là Oyster Bay: những dinh thự tuyệt vời, những khu vườn ngập hoa, những thảm cỏ dày, những đại lộ dải sỏi phẳng phiu. Vâng, ở đây người ta sống thực sự xa hoa, nhất là khi không phải tự làm gì hết: những người phục vụ lặng lẽ, cẩn thận, di chuyển kín đáo sẽ chăm lo tất cả. Ở đây, con người dạo bước như anh ta hẳn sẽ làm thế trên thiên đường: chậm rãi, thoải mái, vui sướng vì anh ta đang ở chốn này, say sưa với cái đẹp của vạn vật.
Qua cây cầu, phía bên kia đầm nước, xa biển hơn rất nhiều, là những khu phố lát đá buôn bán nhộn nhịp, đông đúc. Cư dân của nó là người Ấn, người Pakistan, người Goa, những người từ Bangladesh và Sri Lanka đến, tất cả họ ở đây được gọi chung là người Á. Mặc dù trong số họ có vài đại gia giàu, nhưng số đông sống ở mức trung lưu, không dư dật. Họ kinh doanh. Họ mua, bán, môi giới, đầu cơ. Họ tính toán, suốt ngày tính toán, tính đi tính lại, lắc đầu, cãi nhau. Hàng chục, hàng trăm cửa hiệu mở toang, hàng hóa đổ tràn ra vỉa hè, ra phố. Vải vóc, đồ gỗ, đèn, nồi niêu, gương, hàng xén, đồ chơi, gạo, xiro, gia vị - tất tần tật. Một người Ấn ngồi trước cửa tiệm, co một chân lên ghế, tay không ngừng mân mê các ngón chân.
Mỗi chiều thứ Bảy, cư dân của khu phố ngột ngạt và chật chội này lại ra biển. Khi đó họ đóng be rất diện: phụ nữ mặc áo sari dát vàng, đàn ông mặc sơ mi tinh tươm. Họ đi xe hơi. Trong xe cả gia đình chen chúc, ngồi lên lòng nhau, lên đầu lên cổ nhau: mươi mười lăm người. Họ dừng xe bên bờ biển dốc. Vào giờ ấy thủy triều đánh vào bờ những con sóng lớn ầm ào. Họ mở cửa sổ xe. Họ hít thở mùi biển. Họ hóng gió. Phía bên kia vùng nước mênh mông này là đất nước họ, nơi nhiều khi thậm chí họ cũng chẳng biết đến - Ấn Độ. Họ ở đó mươi mười lăm phút, có thể nửa giờ. Sau đó đoàn xe chen chúc nhau dời bánh và bờ biển lại trở nên vắng vẻ.
Càng xa biển thì càng nóng nực, khô hạn và bụi bặm. Chính là ở đó, trên cát, trên mặt đất trơ trụi cằn cỗi là những căn nhà đất của khu người Phi. Các phần của nó mang tên những làng nô lệ của vua Zanzibar: Kariakoo, Hala, Magomeni, Kinondoni. Các cái tên khác nhau, nhưng tình trạng của những căn nhà đất này đều tồi tạn như nhau, còn cuộc sống của các chủ nhân của chúng tôi thì bần hàn, không có cơ hội khá hơn.
Với những người dân của khu này thì tự do nghĩa là họ có thể đi lại thoái mái trên các đường phố chính của thành phố khoảng một trăm nghìn dân này, thậm chí đi liều vào khu Người Da Trắng. Thực ra điều này chưa bao giờ bị cấm, vì một người châu Phi luôn luôn có thể xuất hiện ở đó, nhưng anh ta phải có mục đích cụ thể, rõ ràng: anh ta phải đi làm hoặc về nhà từ nơi làm việc. Con mắt cảnh sát dễ dàng phân biệt dáng đi của người vội vã đi công chuyện với dáng đi của một kẻ đáng ngờ đi lung tung vô định. Mỗi người ở đây, tùy theo màu da, đều có vai trò được phân sẵn và nơi chốn ấn định.
Những người viết về apartheid nhấn mạnh rằng đó là một hệ thống được phát minh và thi hành ở Nam Phi, đất nước do những kẻ phân biệt chủng tộc người da trắng cai trị. Nhưng giờ đây tôi thấy rằng apartheid là hiện tượng rộng rãi và phổ biến hơn nhiều. Những người chỉ trích nó nói rằng đây là hệ thống do những người Boer cuồng bạo lập ra để cai trị và giam giữ người da đen – mà ở đó được gọi là người Bantu – trong các ghetto. Các nhà lý luận của apartheid tự biện hộ rằng họ muốn tất cả mọi người đều có thể phát triển và có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng tùy vào màu da và chủng tộc mà phát triển riêng biệt. Đó là một tư tưởng gian lận, vì những ai am hiểu thực tế đều biết rằng đằng sau sự ủng hộ cho việc mọi người phát triển như nhau này ẩn giấu một tình trạng bất công sâu sắc: một bên là những Người Da Trắng có những mảnh đất tốt hơn, có ngành công nghiệp và các khu giàu có của thành phố, ngược lại bên kia Người Da Đen, những thảo dân chen chúc trên các rẻo đất bán sa mạc bạc màu.
Tư tưởng apartheid oái ăm đến mức theo thời gian, các nạn nhân lớn nhất của nó lại bắt đầu phát hiện ra trong đó những lợi ích nhất định: cơ hội cho sự độc lập, cái tiện lợi của việc sống ở chốn của riêng mình. Một người châu Phi có thể nói: “Không chỉ tôi, Người Da Đen, không thể bước vào địa phận của anh, mà cả anh, Người Da Trắng, nếu muốn còn được nguyên lành và không cảm thấy bị đe dọa, tốt hơn hết là đừng bước vào khu của tôi!”
Tôi đã đến một thành phố như thế với tư cách thông tín viên của hãng thông tấn Ba Lan PAP để sống vài năm. Khi đi loanh quanh trên các đường phố của nó, tôi nhanh chóng nhận ra mình đang ỏ trong mạng lưới apartheid. Trước hết là vẫn đề màu da lại trỗi dậy trong tôi. Tôi là Người Da Trắng. Ở Ba Lan hay ở châu Âu, tôi chưa bao giờ suy nghĩ về điều này. Nhưng nơi này, ở châu Phi, nó trở thành yếu tố xác định quan trọng nhất, còn với những người thông thường – là yếu tố duy nhất. Người Da Trắng. Da Trắng, nghĩa là tên thực dân, kẻ cướp, quân xâm lược. Tôi đã chinh phạt châu Phi, chinh phạt Tanganyika, đã chém giết bộ lạc của người đang đứng trước mặt tôi đây, chém giết tổ tiên anh ta. Tôi đã biến anh ta thành kẻ mồ côi. Hơn nữa lại là kẻ mồ côi nhục nhã và bất lực. Mãi mãi đói khát và ốm đau. Vâng, giờ đây khi nhìn tôi, hẳn là anh ta đang nghĩ: Người Da Trắng, kẻ đã lấy hết tất cả của tôi, quất roi lên lưng ông tôi, hãm hiếp mẹ tôi. Bây giờ hắn đang đứng trước mặt tôi đây, hãy nhìn hắn cho rõ!
Tôi không cách nào giải quyết được vấn đề tội lỗi trong lương tâm mình. Trong mắt họ, như một Người Da Trắng, tôi có lỗi. Chế độ nô lệ, chủ nghĩa thực dân, năm trăm năm bất công – xét cho cùng đó là công cuộc của Người Da Trắng. Của Người Da Trắng? Và như vậy cũng là của tôi. Của tôi ư? Tôi không thể nào gợi lên trong mình thứ tình cảm tinh khiết và cứu rỗi ấy: mặc cảm tội lỗi. Biểu lộ sự ăn năn. Xin lỗi. Ngược lại! Ngay từ đầu, tôi cố gắng phản công: Các anh đã bị chiếm làm thuộc địa? Chúng tôi, người Ba Lan, cũng vậy! Chúng tôi đã là thuộc địa của ba nước ngoại bang trong suốt một trăm ba mươi năm. Mà chúng cũng là Người Da Trắng. Họ phá lên cười, lấy ngón tay gõ lên trán, bỏ đi. Tôi làm họ nổi giận, vì họ ngờ tôi muốn lừa phỉnh họ. Tôi hiều rằng mặc dù trong tâm thức tôi biết mình vô tội, đối với họ tôi là kẻ có lỗi. Những chàng trai chân đất, đói ăn và mù chữ này có lợi thế về phẩm hạnh hơn tôi, thứ lợi thế mà lịch sử đáng nguyền rủa mang lại cho các nạn nhân của nó. Họ, Người Da Đen, chưa bao giờ từng chinh phạt ai, không xâm lược ai, không bắt ai làm nô lệ. Họ có thể coi mình cao hơn tôi. Họ thuộc chủng tộc da đen, nhưng trong sạch. Tôi đứng giữa họ yếu ớt, chẳng có gì để nói.
Ở đâu tôi cũng cảm thấy không thoải mái. Màu da trắng, tuy có đặc quyền, nhưng cũng giam tôi trong cái lồng của apartheid. Thực ra trong trường hợp này là cái lồng vàng, nhưng vẫn là cái lồng – Oyster Bay. Một khu xinh đẹp. Xinh đẹp, đầy hoa – và buồn tẻ. Quả thực là ở đây có thể đi dạo giữa những cây cọ cao, trầm trồ trước những giàn hoa giấy cuồn cuộn và những khóm huệ thanh nhã yểu điệu, những phiến đã rong rêu phủ dày. Nhưng còn gì nữa? Có gì ngoài những cái đó? Cư dân của khu này là các công chức thực dân, họ chỉ nghĩ duy nhất một điều là làm sao chờ đến hết hợp đồng, mua lấy miếng cá sấu hay sừng tê giác làm kỷ niệm rồi ra đi. Những người vợ của họ trò chuyện hoặc là về sức khỏe của đám trẻ, hoặc là một party vừa qua hay sắp đến. Mà tôi thì phải gửi tin tức hàng ngày! Về cái gì? Lấy tư liệu ở đâu? Ở đây có phát hành một tờ báo nhỏ: Tanganyika Standard. Tôi đã đến thăm tòa soạn của nó, nhưng những người tôi gặp ở đó lại chính là những người Anh ở Oyster Bay. Và họ cũng đang cuốn gói.
Tôi đến khu người Ấn. Nhưng tôi biết làm gì ở đó? Đi đâu? Nói chuyện với ai? Hơn nữa trời nóng nực khủng khiếp và không thể đi đâu được lâu: chẳng có không khí để thở, chân yếu đi, ướt đẫm cả áo. Sau một giờ đồng hồ đi loanh quanh như vậy thì người ta mệt mỏi với tất cả mọi thứ. Chỉ còn lại một khao khát duy nhất: ngồi xuống đâu đó, nhất định phải ngồi vào bóng râm, tốt nhất là dưới cái quạt máy. Những lúc như thế ta nghĩ: các cư dân miền Bắc có biết mình sở hữu một kho báu quý giá nhường nào, cái bầu trời xám xịt, buồn tẻ, lúc nào cũng đầy mây ấy, nhưng lại có một ưu điểm to lớn, tuyệt vời là không có mặt trời ở trong đó?
Mục tiêu chính của tôi tất nhiên là khu ngoại ô của người châu Phi. Tôi có ghi lại mấy cái tên. Tôi có địa chỉ của đảng cầm quyền địa phương – TANU (Tanganyika African National Union, Liên hiệp Quốc gia châu Phi Tanganyika). Tôi không thể tìm ra nó. Tất cả các đường phố đều giống nhau, cát ngập đến mắt cá chân, lũ trẻ không cho người ta đi qua, chúng thích thú vây chặt lấy anh, tò mò một cách hung hăng: Người Da Trắng trong những ngõ hẻm mà người lạ không vào được này là một chuyện giật gân, là cả một cảnh tượng. Tôi mất dần lòng tự tin theo mỗi bước chân. Tôi cảm thấy rất lâu trên mình ánh mắt chăm chú, xua đuổi của những người đàn ông vô công rồi nghề trước nhà. Phụ nữ thì không nhìn, họ ngoảnh mặt đi: đó là các phụ nữ Hồi giáo, mặc những chiếc áo dài đen xếp nếp thùng thình được gọi là bui – bui che kín toàn bộ thân hình và một phân khuôn mặt. Cái nực cười của tình huống này là ở chỗ ngày cả nếu tôi có gặp được ai đó trong số những người châu Phi bản xứ và muốn nói chuyện lâu lâu với anh ta, chúng tôi cũng sẽ không có nơi nào để đi. Quán ăn ngon là dành cho người Âu, quán tồi tàn dành cho người Phi. Người này không đến chỗ người kia, không có lệ ấy. Mỗi người đều cảm thấy khó chịu nếu thấy mình đang ở nơi không thích hợp với các quy định của apartheid.
Khi đã có một chiếc xe địa hình khỏe, tôi có thể lên đường. Lý do: vào đầu tháng Mười, quốc gia ráp gianh với Tanganyika – Uganda – giành được độc lập. Làn sóng giành độc lập tràn qua khắp châu lục: chỉ trong một năm 1960, mười bảy quốc gia châu Phi đã không còn là thuộc địa. Quá trình này vẫn tiếp tục diễn ra, dù là trong phạm vi nhỏ hơn.
Từ Dar es Salaam đến thủ đô Uganda – Kampala – nơi những buổi lễ sẽ diễn ra, là ba ngày đường, chạy cật lực từ sáng sớm đến đêm khuya với vận tốc nhanh nhất có thể. Một nửa là đường nhựa, nửa kia là đường đá ong đỏ, được gọi là bàn mài châu Phi, vì chúng có bề mặt lỗ chỗ mà ta chỉ có thể phóng qua thật nhanh, lướt qua các ổ gà, như cảnh chiếu trong phim Cái giá của sự sợ hãi.
Đi cùng với tôi là Leo, một anh chàng Hy Lạp, vừa là người môi giới, vừa là thông tín viên của nhiều tờ báo khác nhau ở Athens. Chúng tôi mang theo bốn bánh xe dự phòng, hai thùng xăng, một thùng nước, đồ ăn. Chúng tôi khởi hành lúc bình minh, tiến về hướng Bắc, bên phải là Thái Bình Dương mà từ trên đường không thể thấy, còn bên trai là dãy Nguro và suốt sau đó là thảo nguyên Masai. Dọc hai bên đường xanh mướt và xanh mướt. Những đám cỏ cao, những bụi cây rậm lù xù, những tán cây xòe ô. Rồi cứ thế đến tận ngọn núi Kilimanjaro và hai thị trấn gần đó – Moshi và Arusha. Ở Arusha chúng tôi rẽ sang trái, đi về hướng hồ Victoria. Sau hai trăm cây số thì bắt đầu có chuyện. Chúng tôi đi vào bình nguyên Serengeti mênh mông, khu tập trung động vật hoang dã nhất thế giới. Khắp nơi, nhìn đâu cũng là những đàn lớn ngựa vằn, linh dương, trâu, hươu cao cổ. Tất cả bọn chúng đang gặm cỏ, nô rỡn, chơi đùa, chạy nhảy. Ngay sát bên đường là những con sư tử bất động, xa hơn một chút là đàn voi, còn xa hơn nữa, nơi chân trời, con báo đang nhảy những bước dài. Tất cả hồ như không có thực, không thể tin được. Như thể ta đang chứng kiến sự ra đời của thế giới, cái khoảnh khắc đặc biệt ấy, khi đã có trời và đất, khi đã có nước, cây cối và thú hoang, nhưng còn chưa có Adam và Eva. Chính là thế giới khi vừa mới sinh ra ấy – thế giới chưa có con người, mà điều đó nghĩa là cũng chưa có tội lỗi – người ta có thể nhìn thấy nơi đây, ở chốn này, và đó quả thật là một trải nghiệm vĩ đại.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun