Chương 6
ột bữa, sau giờ tan phèn tôi đi tìm ván để thuê đóng nắp hầm bí mật. Bây giờ dân toàn ở chòi, cột cau cột dừa, vách lá, khó tìm ra miếng gỗ tốt. Nhà lớn thì giờ xuống xếp lại ngâm kèo cột dưới ao, ở chòi. Mà cũng không dám ở trong vườn, phải ra ngoài đồng trống. Đó là một cách nói với trực thăng:
- Chúng tôi phơi lưng giữa trời như thế này không dính dáng tới mấy ông Việt Cộng, xin mấy ông Quốc Gia đừng bắn!
Tuy vậy đám Cộng vẫn tùng dấu lẫn trong chòi. Có nhiều tên bị “bù nốc” phát hiện đuổi tận ổ, đáp xuống ném lựu đạn vô hầm.
Tôi đi vào nền nhà bà cụ ngoại, tức là nhà của mẹ ruột ông ngoại tôi ngay giáp ranh với nhà bà cụ nội tức cô ruột của ông nội tôi. Dân hai làng Minh Đức thường làm suôi với nhau lâu đời cho nên đó cũng là miếng đất vừa là quê ngoại vừa là quê nội của tôi. Đã hơn hai mươi năm tôi không đến ngôi nhà này.
Theo má tôi vừa nói, bộ cột kèo của nhà bà cụ ngoại tôi bằng gỗ căm xe, ở đời đời không có mối mọt nào dám kê răng vào. Nhà ngói năm gian nền cao một thước. Nhưng bây giờ tôi không tìm được vài mảnh gỗ để làm nắp hầm bí mật. Ngay cả nhà của ông chánh trị viên cũng không còn. Cậu cũng tập kết và về nhà như tôi. Bận trở lên R cậu còn dắt một thằng con trai. Đến Tháp Mười thì bị bom. Cậu chết, không biết con cậu ra sao. Tôi nghe tin đồn như vậy nhưng chẳng biết ai để hỏi thêm tin.
Vùng này xưa là một trong những cái nôi của những lực lượng võ trang tỉnh trên Cù Lao Minh đối diện với Thạnh Phú Đông bên Cù Lao Bảo. Mỗi lần bộ đội về đóng ở đây, dân hai làng Minh Đức và Hương Mỹ đều cử đại biểu đến ủy lạo chiến sĩ, chớ không phải ai muốn đến là đến.
Cũng từ nơi đây bộ đội anh Hai Phải xuất phát đánh đồn Cầu Mống, một trận kinh thiên động địa mở màn cho toàn quốc kháng chiến năm 1946. Tôi sẽ xin kể sau, trong trận đó có tên nhóc con này tham gia.
Tôi nhớ trước cửa nhà có một cội me vĩ đại, tàng cây che mát cả một góc sân. Vào mùa trái chín, cả xóm đều đến làm quen với nó. Nhà nào cần nấu canh chua chỉ cần cho con nít đến gốc lượm trái rụng là đủ. Năm nào cũng vậy, bà tôi hái phơi khô cất cả hũ ăn suốt năm. Bây giờ gốc me còn trơ ra đó, không biết ai đốn hồi nào. Một nỗi buồn xâm chiếm mảnh tâm hồn vốn đã xám xịt của tôi.
Tôi đi tay không về nhà bà cụ. Thằng em tôi bảo:
- Bên chị Tư mời anh sang chơi.
- Chuyện gì vậy?
- Chắc anh của chỉ đến, ở trong Cầu Mống ra.
- Lại vượt sông nữa hả?
Nhớ chuyện “hạnh ngộ “ bất ngờ lần trước, tôi thối thoát. Nó cũng tinh ý. Sau đó nó tìm biết má cô thợ may là bạn học trường làng của tôi, nên nói ngay:
- Kỳ này người Sài Gòn về anh ạ.
- Ai rước mà người ta về?
Tôi biết ai đã âm thầm cho người đi rước dì Sáu cô thợ may nhưng vẫn hỏi.
- Chắc cô Hai.
- Ừ, đi thì đi!
Nói thế nhưng tôi vẫn ngần ngại. Người ta là dân Sài Gòn, mình như “anh nhà quê chính hiệu” đứng gần nhau chắc coi không được.
- Để chờ lệnh bác Hai hả em?
- Thì bác Hai đã bàn với ba chỉ, nếu không, ai móc chỉ về đây cho được? Hơn nữa bà cụ và bà Tư (ngoại tôi) đã đồng ý cả rồi mà.
Khi rước được người đẹp Sài Gòn về khu giải phóng cả hai bên nội ngoại tôi đều mừng. Coi như đường đi đã đến nửa đoạn rồi. Ai cũng sẵn sàng đóng góp, khuyến khích. Vì tôi là cháu đầu lòng của cả bên nội lẫn bên ngoại nên sự ủng hộ càng lớn. Mấy đứa em tôi thì chuẩn bị ăn đám cưới anh Hai. Tôi cũng nôn lắm, phen này có vợ, thiệt vui.
Cũng may sáng hôm đó trời đất yên lành không có pháo mà trực thăng cũng êm rơ.
(Bạn đọc thân mến. Đã mấy chục trang sách rồi tôi nói nhiều về tôi, thực tình là tôi không muốn, nhưng tôi phải làm là vì tôi đưa cái tôi và dòng họ, gia đình tôi ra là để làm ví dụ cho những gia đình khác, hoặc có thể, toàn thể dân tộc: Cách mạng đã phá hoại đất nước và dân tộc Việt Nam như thế đó. Bàn tay ác hại của đảng mó tới đâu, máu đổ tới đó. Nếu không có trò giải phóng thì giờ này dân tộc ta đâu có khốn khổ điêu linh, nát tan thể xác lẫn luân lý và tinh thần).
Lần này tôi không lội sông như lần trước mà phải đi vòng ra phía vàm để nhờ cây cầu khỉ lung lơ như răng rụng nhưng cũng ráng đi. Chiến thắng không gian khổ thì thành công chẳng vẻ vang mà! Thằng em tôi hết dạ thương anh nên cũng đi ết-coọc như lần trước.
- Ở ngoài Bắc chắc đi xe hơi, lộ đá, cầu sắt chớ đâu có lội sình và leo cầu khỉ hả anh Hai!
- Xã hội chủ nghĩa mà đâu có tệ vầy em!
Mười năm không đi cầu khỉ, bây giờ tôi nhìn dòng nước chảy mà run chân: Nếu lội sông sang nhà người ta thì mất tư thế cách mạng quá đi. Sang tới bên đó quần áo bèo nhèo, mặt mày lem luốc như chạy chụp dù. Ai đi coi vợ kiểu đó. Ngày xưa Lưu Bị giang tả cầu hôn oai phong hơn nhiều. Vừa run run bước thì nhịp cầu giữa gãy cụp. Hai anh em nhào lộn xuống sông. Thằng em hốt hoảng kêu om sòm:
- Anh Hai! Anh Hai, có sao không?
Tôi trồi lên vuốt mặt cười khì khì:
- Để anh lội sải nước ngược một khúc để thử sức coi!
Tôi cởi súng ngắn đưa cho thằng em đang ôm chân cầu lo lắng cho tôi, rồi bơi.
Nó cười hắc hắc.
- Anh cũng biết lội ha!
Tôi sải nước ngược một quãng rồi thả ngửa trở lại chân cầu. Hai anh em leo lên, mình mẩy ướt mèm. Tôi bảo.
- Thôi trở về. Cái điềm này xui lắm.
Thằng em tôi cương quyết tiến tới. Nó bảo tôi trở về, còn nó sẽ đến nhà cô thợ may lấy xuồng bơi qua bến nhà rước tôi. Tôi đành phải thi hành kế hoạch của nó.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau tôi đã đối diện “Dì Sáu” nó.
Đó là một người con gái gần ba mươi tuổi, nước da trắng, tóc thật đen, không son phấn có cặp mắt rất sắc. Cô đã từng học nữ công bên bà Bảy đảng ủy viên của tôi, nên vừa gặp tôi thì hỏi thăm gia đình cụ tôi liền.
- Lâu quá em không có dịp về đây để thăm bà và cô Bảy, thiệt là có lỗi.
Nàng xưng “em” còn tôi thì cứ giữ lễ bình thường trong mấy câu đầu xã giao.
- Tôi đi hai mươi năm mới về được, nhưng ông bà đâu có bắt lỗi gì cô. Chiến tranh đã làm cho bà con xa cách chứ đâu có ai muốn.
Chị Tư đem một dĩa cam đã lột và tách ra từng múi và một dĩa bánh kẹo chắc của dì Sáu mua ở Sài Gòn về chớ ở khu giải phóng không thể có thứ này. Ý chừng chị muốn bảo “hai em” ăn cho thông cổ và nói những tiếng ngọt ngào với nhau.
Nhưng câu chuyện kết thúc nhanh hơn sự mong ước của mọi người. Tôi đứng dậy chào nàng. Hai bên không tỏ chút gì lưu luyến nhau. Chị Tư nét mặt buồn rời rợi, tiễn tôi ra ngõ. Tôi không nói gì ngoài tiếng “cám ơn”. Còn chị thì lẳng lặng quay vô.
Trên đường về, thằng em tôi sốt ruột hỏi thẳng:
- Anh thấy chỉ thế nào?
- Đẹp lắm?
- Học trò ruột của bà Bảy, đó anh ạ! Bà Bảy cho người đi móc chỉ về đó.
Thấy tôi không nói gì thêm về cô “học trò ruột”, thằng em lại hỏi tới:
- Anh có nói gì không?
- Thì hỏi thăm công việc làm ăn, ở Sài Gòn có vui không, chừng nào cổ về thăm chị Tư nữa?
- Vậy thôi à?
- Chỉ vậy thôi.
- Anh thiệt à!
- Mới quen người ta thì bấy nhiêu là đủ rồi. Em muốn anh nói gì nữa?
- Hổng lẽ chỉ về đây để nghe có bấy nhiêu?
Bây giờ tôi mới thấy cái khó của sự cưới vợ. Một người làm vừa lòng mọi người và mọi người làm vừa lòng một người.
Vấn đề đặt ra khá cấp bách. Đám em của tôi, lúc tôi đi theo Cách Mạng thì còn bồng trên tay bây giờ đã có con, còn tôi thì vô sản hoàn toàn. Em gái tôi đã không lập gia đình ở vậy nuôi cha mẹ già, bây giờ tôi về đây rồi thì tôi phải cho cha mẹ tôi một đứa cháu để vui tuổi già. Đạo lý Khổng Tử có dạy rằng một trong bốn điều đại bất hiếu là không có con trai để nối dòng. Bây giờ tôi thấy đó là điều có lý và tôi sợ nó nhất.
Nhưng đứng trước hoàn cảnh này ông cán Mùa Thu làm sao xoay sở. Có thể nào người ta bỏ công ăn chuyện làm và gia đình trên đó để “dọn” về dưới này chăng? Nếu nàng ưng ý thì tôi lấy gì nuôi? Cha mẹ tôi tôi còn không nuôi được bây giờ bắt cha mẹ phải nuôi vợ mình hay sao?
Khi chưa đụng thực tế thì cứ nghĩ là “một túp lều tranh một quả tim vàng” đẹp lắm. Nhưng thực tế hơn ai hết là Sơn Nam. Năm 1949 ở miền Tây Nam Bộ anh đã bảo tôi:
- Một túp lều tranh với một bó bạc xanh thì trái tim kia mới là trái tim vàng được.
Có lẽ người đẹp Sài Gòn cũng nghĩ như thế. Nàng đâu còn là học sinh áo xanh áo tím mà mơ chuyện ép bướm ép hoa tặng cho bạn tình.
Khuya hôm đó tôi nằm nghe tiếng tù-và rúc từ chiếc đò máy quen thuộc trên Rạch Tân Hương. Nó đưa nàng đi rồi rước nàng trở lại Sài Gòn. Tiếng tù-và vui buồn là tự nó chứ không phải do tôi hoặc nàng.
Sống trong gia đình bà cụ tôi, với một huyện ủy viên là cô Hai tôi, một đảng ủy viên là bà Bảy tôi, tôi không phải lo mất lập trường, nên thừa thời giờ để đi sưu tầm tài liệu Tôi tiếp xúc với mọi người.
Một nhận xét của tôi: “Người dân tôi hết còn tà người” như Gorki từng nhận xét dân tộc của ông dưới thời nào đó: “Người nông dân hết còn là người”.
Con người lúc nào cũng sợ hãi, mắt láo liên. Nghe một tiếng vỗ nia đánh bập, một tiếng chài nhịp vào tai cối cũng giật mình ngỡ đó là đạn pháo “đề-pa”!
Không dám đi quơ củi ngoài vườn vì sợ lựu đạn của du kích. Không dám ra đồng trống vì sợ trực thăng, không dám ngủ trên giường vì sợ cà-nông lăn xuống đất không kịp, không dám đi xa miệng hầm vì sợ máy bay ném bom chạy về không kịp.
Nhận xét của tôi về Đồng Khởi: Đó là một ván bài ăn may, còn Giải Phóng, một sòng bạc ăn lận bởi một tay chơi tiêu lòn bên trong nội bộ.
Sau Đồng Khởi, QLVNCH đã đóng lại ngay những đồn bót đã mất, hơn thế còn mở rộng thêm vùng kiểm soát khiếncho vùng giải phóng teo lại như mảnh da lừa. Thời đánh Pháp vùng giải phóng thênh thang bên Cù Lao Minh lẫn Cù Lao Bảo. Bên Minh chỉ có quận lỵ Mỏ Cày là do Pháp kiểm soát, vùng đất còn lại, gồm có mười mấy xã của quận này và toàn bộ quận Thành Phú không có đồn bót. Cơ quan bộ đội tha hồ đi bộ đi ghe. Một nửa kia của Cù Lao Bảo từ Mỏ Cày lên tận đầu Cù Lao cũng giải phóng. Bây giờ vùng Việt Cộng chui rút nằm trong gọng kềm Mỏ Cày Thạnh Phú. Ở Mỏ Cày chỉ có mấy xã Bình Khánh, Phước Hiệp, An Thai, Thành Thới, Minh Đức, Tân Trung là đất cắm dùi của lão Thọ, nhưng cán bộ và bộ đội không dám ăn no ngủ kỹ vì sợ biệt kích, chụp dù, giang thuyền tới viếng không biết lúc nào, ngay cả nửa đêm cũng xảy ra những trận chụp dù kinh tâm tán đỡm.
Đồng bằng Bến Tre quả là một thứ Đồng Bằng Gai Góc chứ không phải một thứ đồng bằng mà Việt Cộng có thể dùng làm nơi ăn hút và làm bàn đạp tấn công như xưa. Mỹ không phải là Pháp. Bởi vậy nên quân Giải Phóng Miền Nam không thể có Tầm Vu, Sóc Xoài, Giồng Đinh, Giồng Dứa, La Ngà, Bàu Cá. Còn riêng Bến Tre thì đốt đuốc tìm cũng không ra Phú Lễ, Tân Xuân, Định Thủy, Giồng Chùa… mà chỉ có con ngựa trời khạc không ra lửa. Còn toàn Miền Nam thì không có gì hơn là bãi xương trắng Bình Giã Đồng Xoài Phước Long. Đó là những trận so cựa giữa Mỹ và Quân Đội Nhân Dân Miền Bắc chứ không phải giữa Mỹ và Giải Phóng Quân. Giải Phóng Quân vào lúc tôi về chỉ là những thanh niên ô hợp chưa có đủ súng, không có chỉ huy hiểu khoa học quân sự, mà đó là những thanh niên bốc tếu. Chỉ được vài năm đầu sau Đồng Khởi. Còn bây giờ là lúc Giải Phóng Quân đang tự giải phóng ra khỏi những cái đơn vị Giải Phóng của mình để về nhà, giống y như thoái trào hồi 1950-52 của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Một bữa tôi đang tìm vị trí ngoài vườn để làm hầm mới trốn máy bay. Vì trước đây trong nhà cụ tôi chỉ có hầm trốn pháo. Ban đêm ngủ trong đó, ban ngày thì trốn máy bay cũng chui vô đó. Nếu nhà bị ăn bom thì cả gia đình chết cháy. Đắp một cái hầm tính ra không kém một cái nhà bao nhiêu. Phần lớn người ta giỡ nhà đem ra đồng cất chòi, còn cột kèo dư thì xây hầm. Cuộc sống của người dân đang bình thường bỗng trở thành cuộc sống ở chòi và ở hang.
Đang mệt thì có tiếng kêu:
- Anh Hai!
Tôi quay lại thấy một thanh niên cao lớn, cổ quàng vải dù, đầu đội nón tai bèo, lưng đeo “Cun” có vẻ oai phong lẫm liệt. Tôi không biết đó là ai, thì cậu ta tự giới thiệu:
- Em là thằng Bình nè.
- Bình nào?
Bà Bảy tôi đi đến đứng bên cạnh và vò đầu nó:
- Thằng Bình con chú Năm Vị con không nhớ à?
Tôi gật đầu mơ màng. Mãi lúc sau mới nhớ ra. Bà Bảy thích lắm. Vì chồng bà là trí thức tham gia Cách Mạng từ 45, tập kết ra Bắc được đi học Liên Xô về nước dạy Đại Học Tổng Hợp. Cứ vài tháng bà được một lá thư dài tám tờ pơ-luya từ Hà Nội gởi vào.
Bà luôn luôn tin tưởng ở Bác Hồ. Cho nên bà rất vui mừng. Bà nói:
- Họ Bùi bây giờ được hai thằng đực rựa thật là quý. Bỏ cuốc đó đi, rồi bắt con gà mái, bà làm thịt đãi tụi bây.
Mỗi lần nói chuyện với bà, tôi thấy tội nghiệp bà hết sức. Gần bốn mươi tuổi rồi, bà hứa hôn hồi đầu kháng chiến.
Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.
Tết sau là Tết nào? Bây giờ là cái Tết thứ hai mươi rồi! Bà rất tự hào. Bà tự ví đời mình như các nhân vật Cung Oán Ngâm Khúc, Khuê Phụ Thán lẫn Hòn Vọng Phu. Rất tích cực công tác, luôn luôn đi vắng nhà lúc ban ngày. Còn ban đêm tuyệt đối không ra khỏi nhà. Đảng ủy coi bà như một người gương mẫu, đồng thời là linh hồn của họ vì tính khí cương trực, đức tính thủy chung cùng trình độ chính trị văn hóa của bà. Bà là một người đẹp, dáng dấp mảnh mai, học chữ nho tại nhà, làm thơ Đường luật và đi theo chí hướng của vị hôn phu một cách triệt để.
Bây giờ có thêm mấy thằng đực rựa này nữa thì bà càng thấy chí hướng của bà là đúng. Tôi quăng cuốc đi vào. Thì thấy một ông ngồi chong ngóc trong nhà. Đó lại là một thằng đực rựa họ Bùi khác. Tôi kêu lên.
- Chú Khanh!
Chú là bà con chung đầu ông cụ với tôi, tức là bà nội của chú là em gái của ông cụ tôi, cùng họ Bùi. Má của chú là con gái của ông Chánh Đầu, một người rất có uy tín trong làng đặc biệt hơn nữa, lúc về già ông cất nguyên một cái thánh thất Cao Đài, tu tại đó và mấy năm cuối cùng của đời ông, ông không ăn cơm chay nữa mà chỉ ăn toàn bông và uống nước mưa hứng giữa trời. Dân trong vùng mến phục ông, nhiều người đem bông tới tặng ông dùng bữa. Ông ăn bất cứ bông gì. Ông bảo:
- Bông là tinh chất của vũ trụ.
Khi ông viên tịch, mộ ông ngày nào cũng có bông tươi rắc lên. Chú có người anh thứ Tư học trường Le Myre de Vilers cùng khóa với anh của Ngô Quang Trưởng, con dược sư Ngô Quang Thọ ở Mỏ Cày. Chú đi kháng chiến. Lúc Léon de Roy chiếm đóng tỉnh Bến Tre thì chú chạy xuống miền Tây ở vùng Đầm Cùn. Không biết lý do gì chú bị Sở Công An Nam Bộ bắt. Sau đó ít lâu, được thả ra, chú về nhà cưới vợ làm ăn luôn, mặt trận mặt gì mời chú cũng “Không!”. Một tiếng “không” dứt khoát.
Ở Hà Nội tôi có gặp chú Khanh một lần ở vùng đầu đường Hoàng Hoa Thám. Lúc đó chú bảo chú sắp về quê. Chẳng ngờ bây giờ lại gặp nhau ở quê, mà tại nhà bà cụ họ Bùi. Bà cụ mừng rỡ vô cùng. Cụ nói:
- Hồi xưa Địch Thiên Kim chỉ có một đứa cháu là Địch Thanh, bây giờ tao có tới ba Địch Thanh, tao hơn bà Địch Thiên Kim rồi.
Bà con tới lai rai, vì đến đông không đủ hầm chui, khen:
- Một nhà “Cun” (Colt – tức K54).
Thằng Bình làm đại đội trưởng Giải Phóng Quân. Chú Khanh, thiếu tá. Chú về Nam giữa lúc rau muống tràn ngập R, không có việc gì làm nên lãnh chức xã đội trưởng Kà-Tum. Vinh quang thay một ông thiếu tá! Bà cụ tôi nói:
- Quan võ có thằng Khanh, quan văn có thằng Triết.
Tôi hỏi tình hình trên R thì chú lắc đầu không nói. Tôi hỏi về thăm nhà chừng nào chú đi. Chú bảo:
- Công tác đây chớ thăm nhà gì. Tao tách đoàn ghé lại đây.
Cơm nước xong, trong lúc chú kể chuyện cho cả nhà nghe thì tôi và thằng Bình đi ra vườn. Bình cao lớn như chú tôi. Lúc tôi là “Tổng Tư Lệnh Thiếu Nhi Cứu Quốc” xóm Cổ Cò chỉ huy đám con nít thì Bình còn ẵm trên tay. Bây giờ nó là đại đội trưởng. Hai anh em hỏi thăm nhau qua loa rồi bước sang lãnh vực Cách Mạng.
- Em đóng quân bên Bảo à?
Tôi hỏi vậy vì nếu nó đóng quân bên Minh thì ắt nó đã nghe tôi về và chạy đến lâu rồi. Nó nói:
- Em ở trên Mỹ Tho.
- Ủa sao lên tới đó?
- Dạ, hồi sau Đồng Khởi tụi em bị đưa lên Khu để thành lập bộ đội Khu.
- Rồi sao?
- Dạ, thì em ở luôn trên đó tới bây giờ.
Hồi ở Hà Nội, tôi được thư nhà báo tin hai em con của chú tôi đi giải phóng quân, lại nhằm lúc tôi gặp nữ anh hùng Tạ Thị Kiều nên ngòi bút tôi hứng khởi vô cùng. Sau khi viết truyện “Lửa Quê Hương” tôi bèn lia thêm một bài “Gởi Cho Em Là Giải Phóng Quân”. Hai bài đăng liên tiếp trên báo Văn Nghệ, là một điều hi hữu. Trong bài Gởi Cho Em tôi có viết một câu, tới bây giờ hãy còn nhớ, mà mắc cỡ rùng mình…
- “Em hãy làm cội tùng, đừng sống cuộc đời của ngọn cỏ trong chậu úp... “
Bây giờ ngồi đối diện với cội tùng non hay ngọn cỏ già tôi cũng không biết.
- Em có dự trận Ấp Bắc không?
- Dạ có.
- Trận đó vang dội khắp thế giới, chớ chẳng phải vừa nghen em!
Thấy thằng nhỏ làm thinh, tôi nói tiếp:
- Đến nỗi ở ngoài Trung ương gởi một nhà văn về viết về trận đó để gởi ra thế giới.
Đó là nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn ở Phòng Văn Nghệ Quân Đội, cấp bậc trung úy được gởi về Nam cho giải phóng quân, trước cả Bùi Đức Ái và Nguyễn Văn Bỗng. Tấn đã đến tận Ấp Bắc viết một bài bút ký gởi ra Bắc đăng báo, ký tên là Nguyễn Thi (không phải là Nguyễn Đình Thi). Sau này Tấn qua Trà Vinh viết về Út Tịch là người “Nữ anh hùng giải phóng” được Trung ương tuyên dương, được Bác Hồ tặng áo lụa!
Tấn khởi đầu làm văn nghệ bằng thơ. Thơ kháng chiến của Tấn hay lắm, nhất là tả bộ.đội.
Quét những lá vàng,
Vun sau thành đống
…Chờ một hôm nào hơ hóng áo anh.
…Trời ơi gai móc thịt da
Ở nhà còn lạnh huống ra chiến trường
(Thơ Đồng Nội)
Tuy không sắc sảo và điêu luyện bằng Nguyễn Bính nhưng hơn xa Bảo Định Giang, Bảo Việt. Đời của Tấn là một bi kịch. Khi ở chiến khu D, Tấn có yêu một nữ nhạc sĩ dương cầm. Hình như đã làm lễ cưới. Không hiểu sao khi tập kết, Tấn không đem theo, trong lúc Tấn có thừa tiêu chuẩn. Hơn nữa, Tấn là bạn cột chèo với Võ Huy Xứng là Trưởng Phòng Chánh Trị khu lúc bấy giờ.
Ra Bắc ở một mình. Tấn đau khổ. Đâu khoảng 62-63 gì đó không hiểu bằng cách nào mà bà nữ sĩ ra được Hà Nội trong lúc chàng thi sĩ lại đã lên bệ phóng Trưởng Sơn. Hai bên gặp nhau chẳng biết được mấy ngày. Chàng không thể ở lại còn nàng thì không lẽ mang ba lô vượt Trường Sơn? Để cho chàng thêm thi hứng Trung ương bèn cho chàng đi nhanh vào Trường Sơn, không để dây dưa sợ e cái lập trường mềm đi mất. Riêng nàng thì được anh Sáu Thọ cho đi Bu Đa Pét học dương cầm. Từ xa, tới xa. Vì Cách Mạng xa nhau. Rồi vì Cách Mạng lại xa nhau lần nữa. Lần trước mười năm lần này vĩnh viễn: Tấn bị bom pháo đâu ở vùng Bời Lời, trong ba lô ắt hẳn có một bài thơ tình không vần và không câu cuối.
Sẵn tài liệu sống trước mặt, tôi dại gì lại bỏ qua. Thử khai thác xem có đủ chất viết một bài về Ấp Bắc không. Tôi hỏi thằng em:
- Em có thể kể cho anh nghe về trận Ấp Bắc không?
Cậu bé ngồi lặng thinh, hồi lâu mới đáp nhỏ rí:
- Dạ được.
Nó kể cho tôi nghe, xong, tôi hỏi đó là sự thực à?
- Dạ theo em biết thì nó như thế đó.
Theo lời của Bình thì trận Ấp Bắc là một chuyện không biết nên nói là may hay rủi. May là vì đoàn tải vũ khí từ Trà Vinh về ngang Mỹ Tho thì bị quân Sài Gòn bao vây. Vũ khí này được đưa về để thành lập một đơn vị chủ lực Khu II do Lê Quốc Sản ở ngoài Bắc về làm Tư Lệnh. Sản là Trung Tá được phong Đại Tá để tương xứng với các Tư Lệnh Vùng. Sản về, vừa đến Tháp Mười chưa giở trò gì được thì chết. Tôi có nói đến cái chết của y trong hồi ký Củ Chi. Cùng lúc với Nguyễn Văn Bảo chánh ủy Sư Đoàn 330 về làm chánh ủy Khu IV, Nguyễn Hoài Pho Tư Lệnh Khu III, cả ba mạng đều bỏ mạng. Bị bao vây, đoàn vận tải phải phân phát một số vũ khí ra cho bộ đội Mỹ Tho-Bến Tre vừa mới tập trung để hình thành chủ lực khu, nhưng có một số vũ khí mới chưa ai biết xử dụng được nên phải chôn giấu và bị quân Sài Gòn móc lấy hết.
- Kết quả trận đánh ra sao. Em cứ nói thật rồi anh liệu mà đề cao.
Thằng bé ngẫm nghĩ một hồi, rồi nói:
- Tiểu đoàn em chết gần hết. Ban chỉ huy tiểu đoàn không còn ai. Các ban chỉ huy đại đội hi sinh hoàn toàn. Em lúc đó là tiểu đội phó được cho làm đại đội phó. Nhưng đại đội em chỉ được hai tiểu đội. Cả tiểu đoàn quân số trên hai tràm còn lại chừng năm mươi.
- Rồi sao?
- Dạ rồi ở trên xuống ủy lạo, tuyên đương phong chức và đặt tên là đơn vị anh hùng Tiểu Đoàn Ấp Bắc. Nếu không có số vũ khí này thì tiểu đoàn em đâu có chết dữ vậy.
- Tại sao?
- Dạ vì tụi em chỉ có trường bá đỏ mà không đủ đạn. Bắn một chập là hết trơn. Tụi nó chỉ cần nhảy giò xuống bắt sống chớ đâu cần bắn mà chết.
Tôi xem mòi cậu đại đội trưởng này không hồ hởi thừa thắng xông lên cho lắm nên hỏi qua chuyện gìa đình. Nó nói thẳng không sợ tôi buồn:
- Em về thãm gia đình vô thời hạn anh ạ.
- Sao vậy?
Tôi hiểu là thằng nhỏ mất ý chí chỉến đấu nên chỉ hỏi lơ là. Nhưng nó cứ nói thẳng:
- Đơn vị em đâu còn mà trở lại. Tình thế này mình không làm gì được. Ở Mỹ Tho không một giờ nào yên. Buổi sáng thức dậy thật sớm, nấu cơm ăn rồi ra đổng phân tán vào các chòi dân, tổi mớì về vườn, lại bị pháo. Toàn ở hầm. Một lần đơn vị em bị chụp gìữa đồng. Chắc có điệp báo. Hoặc là nhân dân không muốn cho mình chen vô hầm, ở trong chòi với họ nữa nên báo cho lính. Em sống sót là nhờ cái gì em cũng không biết nữa.
Sau này nó ở nhà luôn. Thím tôi cưới vợ cho nó. Họ hàng không ai xúi nó đi trở lại đơn vị nữa. Mà có xúi chắc nó cũng không đi. Năm nay (1993) nó đã có cháu nội.
Dịp may hiếm có, tôi đề nghị với chú Khanh tổ chức một buổi về thăm nhà. Nhà tôi, nhà Bình và nhà chú ở gần nhau. Sẵn có mặt ba chú cháu về thăm một chuyến.
Trước nhất bà Bảy và cô Hai tôi bàn với đảng ủy và chi ủy tổ đảng địa phương. Tụi này thấy tôi về không có đeo K54 thì lạnh nhạt, không giúp cả việc làm hầm. Tôi không đeo K54 như các nhà quân sự lại nhét trong ba lô. K54 là vật chuẩn đánh giá cán bộ. Bây giờ thấy chú Khanh và em Bình mang “Kun” thì họ tích cực giúp đỡ. Họ cho du kích đi dọ đường trước, gỡ chướng ngại. Rồi một tổ đi nằm quá nhà tôi hễ có lính quận ra thì báo liền.
Vậy là ba ông quan văn quan võ họ Bùi yên chí lớn hồi hương với chiếc áo bà ba đen, chân đất và súng ngắn giắt lưng. Má tôi căn dặn không cho tôi về nhà, vì sợ gián điệp báo cho lính. Lính vô nhà tôi nằm sẵn. Về là đụng.
Tôi về tới nhà ngoại tôi, hôm trước hôm sau cả chợ Cầu Mống đã hay: “ông Trung Tá”. Không biết ai phong quân hàm cho tôi ngon vậy! Đi kháng chiến làm phóng viên chiến trường đã đời, ra Bắc lãnh chức, vợ mấy thằng trưởng phòng trưởng ban chuyên làm kẻ đấm bóp cho chúng, lại lãnh chuẩn úy. Tôi thèm cái “lon” sữa bò đó à? Tôi cởi áo lính ra làm báo luôn. Sau này Tổng Cục Chính Trị gọi lại, tôi cũng không luôn. Trở lại cao lắm cũng là đại úy như bọn Nguyễn Khải, Nguyễn Ngọc Tấn là cùng. Mà tôi cũng đâu có ham làm “quan võ” nhất là dưới quyền của ông đại úy răng bạc lập trường cao muôn trượng Thanh Tịnh.
Cuộc hồi hương của ba tên đực rựa họ Bùi được bố trí vào lúc đêm và giờ xuẩt phát rất bí mật: chín giờ tối. Với sự bố trí kể trên, nguy hiểm thứ nhất được loại trừ: biệt kích chụp dù. Chỉ còn nguy hiểm thứ ba là pháo. Cầu Mống có pháo 105. Ở nhà thì pháo bắn cũng chết. Vậy là coi như an toàn đển tám mươi phần trăm. Đèn pin không được dùng đến vì đó là phương tiện hiện đại, có thể lẫn lộn với địch. Cái gì lạc hậu nhất là của đảng ta: đuốc lá dừa.
Tôi về đến nhà, má tôi hồn vía lên mây. Bà dậm chân:
– Mày về làm gì? Nhà cửa tan tành như vậy đó. Coi mau mau rồi đi!
Tôi vô cửa hông ra cửa sau và trên đường trở ra “căn cứ” tôi tạt vào thăm nhà ông nội bà nội, nhà ông Mười bà Mười, nhà ông cụ, tửc ông nội của bố tôi, rồi đi một vòng kim tỉnh, vạch cỏ tìm mộ ông nội rồi trở ra ngay.
Ở ngoài này bà cụ, bà Bảy, và cô Hai đâu có ngủ. Cả nhà thức chờ tôi về và nghe ngóng coi có pháo bắn không. Tôi không dám cho ngoại tôi hay vì má tôi dặn ngoại tôi đừng có cho tôi về. Hễ vài bữa thì má tôi ra thăm chừng tôi một lần, coi tôi có còn ở đó không, và tiếp tế thực phẩm, tiền bạc.
Cuộc hồi hương coi như thắng lợi hoàn toàn. Chú Khanh và thằng Bình cũng đạt được mục đích như tôi, nghĩa là rảo quanh nhà được một vòng.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc