Đời Phi Công epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6: Tuyết Trắng
... Tuyết vẫn rơi, từng bông tuyết lả tả,
triền miên như vô tận...
Phượng,
Trái với những lần trước, lần nay anh viết thư cho em ở một nơi xa tất cả thị thành. Cuộc sống của những người phi công như các anh đã là cả một cuộc hợp tấu trái ngược đến nặng nề... Hằng ngày định mệnh quẳng các anh lên không trung, lao vào một cuộc sống bềnh bồng, cô độc, để đợi lúc đèn đô thị vừa lấp lánh, ánh sao hôm chỉ đường cho toán người phiêu bạt tìm về tổ. Trên những chuyến xe từ phi trường trở về lữ quán các anh có cảm tưởng như một đoàn người man rợ lạc vào giữa một vùng bừng lên vạn ánh đèn nê ông xanh đỏ, ầm ĩ những tiếng động hỗn loạn, những điệu nhạc quay cuồng.
Những thay đổi đột ngột tiếp diễn mau lẹ quá làm nhiều khi các anh muốn níu lấy giòng thời gian đang mau chạy. Đôi khi anh ước ao có được một phút trầm mặc để nghĩ đến những thân tình, để cho tư tưỏng vượt một chút qua những biên giới chật hẹp của cuộc sống quá tầm thường giữa đô thị. Những phút ấy chỉ đến với anh khi một ngày đã qua trọn vẹn, nằm dài trong phòng trọ, chiếc rèm cửa buông nặng nề che bớt hơi lạnh bên ngoài. Lúc đó người phi công quên hẳn mình đang nằm giữa lòng đô thị và cảm đâu rằng mình còn đang lạc lõng trong hư vô.
Có khác chăng thì trên cao xa vời lạnh lẽo lắm và nơi đây tuy có than hồng sưỏi ấm nhưng lại thiếu một chút tình.
Chính những lúc ấy mà các anh đã để cho hồn vợi cảm và em mới nhận được những bức thư tâm sự ngắn dài kể lại em nghe cuộc đời của những kẻ nặng nghiệp bay.
Những bức thư gửi đến tay em từ tám hướng trời nhưng những bức thư đều viết giữa lòng đô thị, những đêm mà trong lòng người không biết đang mưa gió hay thanh thản, những đêm mà qua bức màn buông nặng trĩu anh không hiểu rằng ngoài trời đang dải trăng non hay phố đèn đang rực ánh nê ông hỗn loạn sắc màu.
Vì vậy những bức thư trên gò bó, gượng gạo, tuy nói chuyện không trung mà hình như bị đóng khung trong bốn bức tường, tuy tả đến những tâm tưởng thanh thoát, mà lời nói, qua câu viết hình như bị ngưng đọng trên môi, tầm mắt nhìn không xa quá làn mi chật hẹp. Và thành ra qua những bức thư, em có cảm tưởng như anh của em đang đau khổ, đang bị tràn ngập bởi những ý nghĩ u buồn. Cái tâm trạng của con người là khó tả. Nếu ai cũng có thể bộc lộ một cách minh bạch tâm sự của mình thì trên đời đã không có những hằn thù, những tầm thường làm tê tái những kẻ có lòng, vì anh tin rằng ai định làm gì cũng làm với đầy thiện chí. Cũng như anh nếu có thể làm cho em hiểu rõ lòng anh thì em đã chả có những lần phải cau đôi hàng mi hờn giận, hay phụng phịu đế bắt đền. Và làm anh thêm một lần đau khổ, cái đau khổ bừa bãi của một con người nghèo hết tất cả nếu em muốn kể cả những mối tình.
Khác với những lần trước, lần này anh viết thư cho em không phải là giữa lòng đô thị mà ở một nơi hẻo lánh có thể gọi là thâm sơn cùng cốc. Anh đang ở Château d'Ancelles.
Nếu em có giỏi địa lý, nếu em có đi khắp cả sông hồ chắc em cũng không có thể biết được Ancelles nằm ở chỗ nào. Như thế có nghĩa là nó nhỏ lắm, nhỏ đến nỗi trên tấm bản đồ phi hành của anh cũng không thấy chua tên.
Vậy thì anh có thể bắt chước như Alphonse Daudet mà tả cái lúc anh đến Château d'Ancelles và làm chủ một căn nhà hay một cái cối xay nào đó... của anh. Nhưng anh của em nghèo lắm, có gì đâu mà có thể chiếm một sở hữu, và anh cũng nhắc lại cùng em, người ta có đến vạn mối tình mà anh thì riêng mình không có. Nếu anh có đặt chân đến Ancelles thì cũng là trọ nhờ thêm một quán lạnh. Tả cho em thêm một cung đường làm gì! Nói lên một cách say đắm như của riêng mình có, rồi lại tung hê trả cho tám hướng trời thì cũng khổ tâm cho nhau biết là chừng nào.
Anh chỉ có thể tóm tắt là Ancelles xa tất cả thị thành. Đây là một miền hẻo lánh nằm trong dẫy núi Alpes, suốt một mùa đông tuyết trắng như lòng người trinh nữ. Anh mới từ Marseille lên đây hôm qua, xuống xe lửa ở Gap, một thành phố sát chân núi.
Đợi đến chiều mới có một chuyến xe ca lên Ancelles, ở cách đó hai mươi cây số. Trên chuyến xe chỉ có anh và mấy người đàn bà. Họ xuống Gap để mua vài cặp thỏ và mấy chai rượu mùi. Thấy chiếc áo cổ lông của anh họ nhìn nhau như thầm bảo: "những phi công năm nay trở lại".
Theọ thường lệ, sau ngày Tết thì trường anh lại tổ chức đi trượt tuyết ở Ancelles nữa tháng vì nhà trường có ba căn nhà trên đó. Dân cư vùng này như đã quen thuộc với những chàng trai nghịch ngợm của phố phường, tóc lộng thco gió bốn phương trời và những cô sơn nữ đương thì, mỗi lần đông về phủ từng lớp tuyết dầy trên sườn núi lại nhìn về phía thị thành hồi hộp đợi chờ. Những chàng trai từ đô thị đến như những cơn gió lốc, ào ạt, cười nói vô tư, ít ai để ý đến những nhịp u hoài khắc khoải của những lòng thôn nữ. Mỗi năm một lớp người trai khác, chỉ riêng những người ở lại là vẫn mòn mỏi từng ấy khuôn mặt đợi chờ.
Và anh đã bước xuống xe ở Ancelles với tất cả bỡ ngỡ của một kẻ ban đầu. Gian nhà đầu tiên anh nhìn thấy là một gian nhà thấp có một mái hiên nhô ra ngoài. Một chiếc biển treo ngang lủng lẳng đưa theo gió, trên kẻ sơn lở lói chữ Café một cách quê mùa. Trong nhà vài bộ bàn ghế lỏng chỏng; một hai cụ già ngồi khề khà trước một chai rượu vang đỏ, mũ cát két đội chùm hụp trên đầu. Một đứa bé đạp xe qua đường, ngoảnh cổ lại nhìn người khách lạ rồi vội vã phóng nhanh vào ngõ hẹp.
Đấy là tất cả Ancelles đối với anh buổi ban đầu.
Và hiện giờ anh đã đến chiếm gian nhà anh được ở. Đó là gian nhà xây bằng đá, mái lợp gỗ. Tầng dưới dùng làm bếp và nhà kho đựng đầy những giày, áo len, kính, mũ... nghĩa là những dụng cụ để trượt tuyết. Tầng trên là những giãy giường hai từng kê sát nhau. Giữa nhà là một lò than hồng cháy rừng rực như để bớt phần trống trải của gian nhà.
Người gác là một ông cụ già, trường đã thuê để trông coi suốt năm. Ông cụ hơi ngạc nhiên khi thấy anh tới sớm hơn những ngưòỉ khác ba ngày. Hiện giờ đang dịp Tết. Những bạn anh còn đang mãi hưởng những ngày nghỉ đầm ấm trong gia đình.
Đáp lại câu hỏi của cụ già anh chỉ tủm tỉm cười. Chả lẽ với người lạ mà mình đem tâm sự ra kể. Nơi đây nước người anh có được nghỉ Tết chăng cũng chỉ là nằm trong quán trọ nhìn thiên hạ đón xuân. Quê hương xa cách muôn trùng có vọng hướng chăng cũng còn nửa trái địa cầu tròn thương nhớ.
Vậy thì đêm nay anh đã cùng ông cụ ngồi đối ẩm nói chuyện bâng quơ. Ấm cà phê đã mấy lần sôi, ly rượu vang đã bao lần cạn anh cũng không nhớ nữa. Chỉ biết lui về phòng, chúc nhau ngủ ngon giấc thì trời đã khuya, tuyết sương đã phủ trắng hiên ngoài. Lửa trong lò vẫn rực hồng, mấy tấm cửa kính bị tuyết phủ trắng xoá. Anh mở vội cửa xoa lớp tuyết bên ngoài để nhìn xuống hàng hiên. Một cơn gió lạnh lùa vào làm anh rùng mình.
Tuyết vẫn rơi. Từng bông tuyết lả tả, triền miên như vô tận. Không còn cảnh gì buồn hơn là cảnh nhìn tuyết rơi giữa đêm khuya. Ánh đèn phố yếu ớt hoe vàng in màu bàng bạc lên những lớp tuyết dày. Cách đây mấy hôm, giữa đêm Noel anh cũng ngồi ở trong môt quán cà phê ở Marseille giữa một đêm tuyết rơi lạnh.
Suốt từ tối, anh đã đi lang thang qua các hè phố, dán mũi vào từng cửa kính để nhìn những cây Noel lấp lánh mấy ngôi sao kim nhủ. Giá anh bé bỏng một chút có lẽ anh đã được sung sưóng nhìn những đồ chơi đắt tiền bày trong cửa hàng. Hay giá anh lớn hơn một chút nữa anh đã có thể tần ngần cho tay vào túi đếm mấy cắc bạc trước khi mua một món quà lạ cho em bé. Mà dù có mua thì anh cũng mua cho ai nhỉ!? Anh có mẹ già nhưng không có em dại. Và em thì cũng không còn bé bỏng như năm xưa nữa để đòi quà.
Nghĩ như vậy làm anh thấy se lòng vì những món quà mà hiện gtờ em đang ao ước chắc anh không sao có thể chìu nổi.
Đừng buồn em nhé! Em thử đòi xem, có lẽ anh cũng chìu ngay đấy dù rằng bằng một giá rất đắt. Có ai đem tiền bạc ra đo lường tình cảm bao giờ. Nghĩ đến đây anh lại nhớ đến chuyện Cô Bé Bán Diêm của Anderson, nhà văn Bắc Âu mà năm nay ở đây người ta đang linh đình làm lễ ký niệm bách niên. "Có một cô bé đi lang thang để bán diêm giữa một đêm Noel lạnh, cũng như cũng đã có một người phi công đi trên tuyết trắng để đợi phút ngày đêm giao tế, chuông nhà thờ đổ hồi để báo hiệu Thiên Chúa giáng sinh. Cô bé đi lang thang, cầu mong có được một gia đình, một lò lửa ấm. Nhưng đêm giáng sinh, cửa nhà ai cũng đóng chặt, và trong nhà những ngọn bạch lạp sáng trưng tưng bừng nhẩy múa. Có ai còn cần đến một bao diêm bây giờ.
Cô bé ngồi dựa vào một thềm cửa. Tếng cười nói trong nhà vọng ra ngoài. Qua khe cửa cô bé bán diêm nhìn thấy môt cây Noel sáng trưng, lộng lẫy. Cả một khung cảnh ấm cúng hiện ra. Giá ai cho cô bé góp vui nhỉ! Giá tuyết đừng rơi nữa, và giá có một tấm chăn ấm phủ lên đôi vai gầy thì sung sướng biết bao. Nhưng tội nghiệp cả gia tài của cô bé chỉ là mấy bao diêm ế và cả tấm chăn ấm chỉ là mấy bông tuyết trắng bám trên đôi vai gầy đã bắt đầu tan.
Hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, cô bé bán diêm liều lĩnh xòe một que diêm đế lấy một chút lửa ấm. Que diêm bùng lên rực rỡ hơn muôn ngàn ngọn bạch lạp làm đôi môi non khô héo se cười. Lứa tắt ngấm trả lại đen tối cho tuyết sương. Rồi bên thềm cửa người ta lại thấy xoè lên một ánh lửa thứ hai, rồi một ánh lửa thứ ba...
Sáng hôm sau người ta thấy cô bé bán diêm nằm trên tuyết mịn, bên đống diêm cháy lụi. Đôi môi non còn mỉm cười trong trắng, và nhìn em, người ta nghĩ rằng em đã qua một giấc mơ rất đẹp trước khi từ giã cõi đời..." Câu chuyện của Anderson đưa lại cho anh một chút vui lòe lên như ánh sáng một que diêm xòe giữa Noel, và anh thấy anh có quyền hy vọng một ngày mai thanh bình, cái hy vọng trở về những mái nhà ấm cúng giữa những thân tình.
Thân phi công như các anh, nếu có thể mua được những tươi đẹp ấy bằng một giá rất đắt các anh cũng sẵn sàng trả vì các anh tin rằng qua khói súng các anh sẽ lao đi và mang theo một hình ảnh rất đẹp đẽ của cuộc đời
Em Phượng! Đêm Noel đã qua rồi và giờ đây anh viết lại cho em những tâm tưởng đã qua tại một nơi xa tất cả thị thành. Trong này là một lò than ấm và ngoài kia là mưa tuyết, là núi rừng Ancelles.
Vài hôm nữa, đợi các bạn đến, anh sẽ vui vẻ trượt tuyết trên sườn núi. Và thời gian sẽ qua, anh mong đợi đến ngày hồi hương để có thể sát cánh nhau bay trên không phận Việt Nam gìn giử cõi bờ.
Ancelles cũng chỉ là một cung đường, nơi đây anh đã gửi cho em một giòng lá thắm. Trong thư nếu có điểm mộc mạc vài nụ cười sơn nữ, vài mái tóc hải hồ, đôi câu chuyện vui buồn anh cũng mong rằng sẽ không làm em cau đôi mày liễu.
Em nên nghĩ rằng cũng như những bức thư trước trong cuộc đời phi công của anh, đây chỉ là một lưu bút đánh dấu lại một cung đường.
Đời Phi Công Đời Phi Công - Nguyễn Xuân Vinh Đời Phi Công