Định Mệnh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6
HÚY KHÔNG LÀM SAO KHỎI BUỒN TỦI trước thái độ lạnh lùng và dè dặt của Tấn từ khi Thúy tiếp ông Châm. Thúy cũng thấy rõ Tấn vô cùng đau khổ, gầy sút hẳn đi. Bé Lộc không còn dám chạy lại mừng Tấn mỗi khi Tấn đi làm về.
Rồi Tấn bắt đầu đi chơi, nhiều đêm không về nhà. Đã ba tuần nay Tấn vừa ăn cơm tối xong là đi đến khuya mới về. Tấn không còn đưa Thúy đi dùng cơm tối hay đi xem hát. Tấn cũng không còn đưa tiền cho Thúy để lo việc nhà, việc chợ búa. Thúy hết tiền cũng không dám hỏi. Lúc ấy Thúy đã nghĩ đến Ngọc, đến Sơn, một người bạn, một người em, Thúy phải tâm sự với Ngọc, phải viết thư hỏi ý kiến Sơn. Thúy không thể chịu đựng cái cảnh này được nữa.
Vì vậy, chiều hôm ấy, Thúy đi tìm Ngọc, nhưng không gặp, Thúy đã để thư lại cho Ngọc, mời Ngọc đến gấp:
« Chị Ngọc, em khổ lắm, chị hãy đến gấp. »
Một lời kêu cứu bi đát! Rồi Thúy về nhà lúc ấy đã sáu giờ chiều. Thúy ngạc nhiên thấy Tấn về từ hồi nào. Vì không thấy Thúy và bé Lộc, Tấn lo ngại ngồi chờ. Vừa thấy Thúy, Tấn hỏi:
- Em đi đâu mà dẫn cả bé Lộc?
- Mấy lúc này em có đi thăm chị ấy không?
- Không
- Thế bây giờ tại sao em đi thăm.
- Tại em đang có chuyện buồn. Trước khi gặp anh, đời em chỉ có hai người thân là chị Ngọc và em Sơn. Em Sơn thì bây giờ đang ở xa. Nhưng em không gặp chị Ngọc.Em không ngờ em về sớm.
Tấn như nhớ ra:
- Anh thật có lỗi với em. Tháng này anh chưa gửi tiền cho cậu Sơn.
Thúy chua xót nói:
- Nhưng Sơn có đủ tiền để xài.
Lúc ấy, Thúy bỗng nghĩ đến chuyện phải viết thư kể hết cho Sơn biết và chờ ý kiến của Sơn.
Tấn nói:
- Lúc nãy khi về đây anh nghe chị bếp nói mấy hôm nay chị không đi chợ.
- Vì ở nhà còn thức ăn... Lại nữa, anh không ăn cơm nhà thì chợ búa làm gì?
- Nhưng còn bé Lộc, phải lo cho bé Lộc.
Thúy nói giọng buồn bã:
- Bây giờ thì em cũng không còn thiết gì đến bé Lộc. Tội nghiệp nó, nó đâu có tội tình gì? Nhưng em không thể xa nó. Các bác sĩ đều nói rằng em không còn hy vọng sanh đẻ nữa. Vì lẽ đó mà em bám víu lấy nó. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng mà bất cứ người đàn bà nào cũng không thể làm khác được.
Tấn kéo cái cặp và mở lấy xấp bạc đưa Thúy:
- Tháng này anh quên đưa tiền cho em. Nhưng anh nghĩ em còn tiền.
- Em không còn đồng nào vì phải trả tiền cho chị vú, lại nữa khi về quê em còn lén anh cho mấy người bà con kẻ năm trăm, người một nghìn.
Tấn ái ngại:
- Vậy mà em không hỏi anh.
Thúy cười đau xót:
- Hỏi anh? Khi anh không còn thèm hỏi đến bé Lộc, chớ đừng nói là hỏi đến em. Anh cho em tiền đấy à? Thì để em trả tiền lương cho chị bếp và số tiền em mượn của chị để trả tiền đèn, nước tháng này.
Tấn không ngờ Tấn lại vô ý như vậy. Mọi khi đến đầu tháng thì Tấn đưa cho Thúy một trăm nghìn, gởi cho bé Lộc ba chục nghìn ở ngân hàng, còn thì để chi tiêu trong nhà. Hôm nay đã ngày thứ ba mươi, Tấn chưa đưa.
Thúy không nhận xấp bạcvà nói:
- Nếu anh chưa có tiền hãy cất mà xài...
- Thế em lấy tiền đâu để xài và trả chị bếp? Hay là em nghĩ rằng từ nay em không cần đến anh nữa?
Thúy khóc nức nở khi nghe Tấn hỏi vậy. Thấy Thúy khóc, Tấn có vẻ ăn năn:
- Anh không hiểu tại sao dạo này anh như người mất trí, đến giờ này mà anh chưa tỉnh để hiểu nổi khổ tâm của anh như thế nào.
Nói xong Tấn đứng lên đi lại mở tủ, lấy thêm tiền đưa Thúy và dặn:
- Em nhớ gởi tiền vào ngân hàng cho bé Lộc.
- Có cần gởi nữa không? Bé Lộc...
Tấn trợn mắt nhìn Thúy:
- Em muốn nói gì? Em đừng nghĩ xấu cho anh. Anh đang đau khổ nhiều lắm, đến mức không muốn sống nữa.
- Em hiểu, em không dám phiền gì anh hết. Em đang cố tìm giải pháp để tránh cho anh sự đau khổ.
Tấn thở dài:
- Em không bao giờ tìm được. Em càng cựa quậy thì anh càng khổ.
- Như vậy em phải làm sao?
Tấn chợt nhớ ra, hỏi Thúy:
- Em đi tìm chị Ngọc mà đã gặp chỉ chưa.
- Chưa em đến không gặp chị, em có để giấy lại để khi chị về, chị sẽ đến thăm em.
- Chị Ngọc có thể giúp gì em được không?
- Được lắm chớ …chị ấy hiểu chuyện của em, của anh. Chị ấy có thể giúp ý kiến cho em.
Tấn đi lại ngồi sát bên Thúy:
- Đâu, em thử nói ý định của em cho anh nghe đi.
Thúy cười lạt:
- Em không có ý định gì hết. Nhưng anh chỉ cần biết em không thể nào xa bé Lộc. Bằng giá nào em cũng giữ nó.
Tấn đang ngồi gần bên Thúy, bỗng dang xa và hỏi:
- Bằng mọi giá... Nghĩa là em có thể về sống với chú Tư để khỏi xa bé Lộc?
Thúy nhìn Tấn và ứa nước mắt:
- Anh có thể nghĩ vậy sao anh Tấn?
Tấn ăn năn trước nét mặt đau khổ của Thúy:
- Thật khổ quá, anh quẩn trí rồi.
Một lát sau Tấn vào nhà tắm thay áo quần khác rồi ra đi. Tấn dặn chị bếp:
- Tối nay tôi ăn cơm nhà, chị nhớ làm cơm tử tế nghe.
Chị bếp hỏi:
- Sao dạo này cậu ít ăn cơm nhà quá? Trông cậu gầy sút hẳn đi.
Thúy nghe vậy thở dài và nghĩ:
- Tấn dặn chị bếp mà không dặn ta.
Khi Tấn đi rồi, Thúy lên lầu và ẵm bé Lộc lên, Thúy hôn lên đầu lên trán nó, thằng bé đang chơi với con gấu bằng nỉ bị mẹ bồng xốc lên liền kêu:
- Mẹ cứ phá con hoài. Cha đâu rồi?
Thúy hôn lên tóc nó:
- Cha đi rồi...
Bé Lộc cau mày:
- Cha đi hoài... Tại sao cha không thương con nữa?
- Tại con không hôn cha, không chạy lại lấy giày của cha đem đi cất…
Bé Lộc nói:
- Cha không muốn mà...
Thúy siết chặt nó trong đôi vòng tay như là sợ mất nó, khiến bé Lộc kêu lên:
- Mẹ làm con đau quá à...
Rồi nó nhìn lên mặt Thúy. Thấy Thúy khóc, nó ôm ghì mẹ:
- Tại sao mẹ khóc?
Thúy cười qua hai dòng lệ:
- Vì mẹ thương con quá. Con có thương mẹ không?
- Con thương mẹ lắm.
Hai mẹ con cứ ngồi nói những câu vớ vẩn ấy cho đến khi có tiếng chuông reo ngoài cửa. Thúy vội vàng dắt bé Lộc xuống lầu và mở cửa, mừng rỡ khi thấy Ngọc đứng chờ.
Chưa bước hẳn vào phòng khách, Ngọc đã hỏi:
- Việc gì thế? Sao trông ủ dột dường kia? Anh ấy chưa về à?
Thúy để bé Lộc xuống và nói:
- Chào dì Ngọc đi con.
Ngọc bồng bé Lộc lên và hỏi:
- Cháu của dì mau lớn như thế nầy sao?
Thúy hỏi:
- Có phải anh Tấn vừa đến tìm chị?
- Phải. Tấn đưa chị ra chợ Sài Gòn, đi góp tiền hàng xong chị lại đây. Nếu Tấn không đến thì hôm nay chị cũng đến vì mấy dòng chữ của em để lại.
Thúy ẵm bé Lộc xuống bếp để nó chơi với chị bếp, đoạn lên nhà trên nói chuyện với Ngọc.
Ngọc hỏi lại câu khi nảy:
- Việc gì vậy Thúy? Em về quê của Tấn có gì vui không? Lúc nảy thấy Tấn buồn, chị có hỏi. Tấn không chịu nói. Cô cậu lại cơm không lành canh không ngọt rồi phải không?
Thúy thở dài:
- Em đi tìm chị vì em khổ lắm chị ạ...
Nói xong Thúy sà vào lòng Ngọc và khóc lặng lẽ. Ngọc để yên cho Thúy khóc một lúc lâu mới hỏi:
- Việc gì thì Thúy nói cho chị nghe đi. Mau lên kẻo Tấn sắp về.
Thúy nói:
- Anh ấy chưa về đâu. Để em kể cho chị nghe chỉ có chị mới khuyên nhủ, an ủi em.
Thúy kể hết cho Ngọc nghe từ chuyện về quê thăm họ hàng của Tấn đến chuyện gặp ông Châm, ông ấy lại là chú Tư của Tấn.
Vừa nghe đến đây, Ngọc kêu lên:
- Tại sao lại có chuyện rủi thế này hả em? Tội nghiệp em quá! Chị thấy hạnh phúc của em đang bị lung lay rồi đó.
Nghe vậy Thúy thương cảm quá, khóc lớn:
- Đó. Chị cũng nhận thấy như vậy, bảo sao em và Tấn không đau khổ.?
Và Thúy kể tiếp cho Ngọc nghe chuyện ông Châm đến gặp Thúy, hăm dọa này nọ, nhưng Thúy đã khôn ngoan làm ông Châm sợ Tấn và không dám gặp.
Ngọc nói:
- Với hạng người ấy mình quá thật thà không được, phải khôn lanh mới qua mặt được họ. Nhưng còn Tấn, Tấn có thái độ gì về việc này?
Thúy kể Ngọc nghe về thái độ lạnh nhạt của Tấn và sự đối xử của Tấn mấy tuần nay.
- Thậm chí anh ấy quên đưa tiền cho Thúy lo việc chi tiêu trong nhà. Thúy không còn tiền đi chợ, để trả tiền đèn, nước …
Ngọc nói:
- Chắc Tấn khổ tâm lắm, Tấn sợ mất Thúy nhưng chưa giải quyết xong việc này, Tấn làm sao dám gần Thúy. Biết rồi đây Tấn và Thúy sẽ còn sum họp được không? Còn đứa bé, Thúy có thể dối với ông Châm bảo rằng nó không phải là con của ông ấy, nhưng Thúy không thể dối Tấn, dối Thúy. Bây giờ Tấn đã biết cha nó là ai, người cha ấy lại là chú ruột của Tấn thì ôi thôi, chua cay lắm.
Nói xong, Ngọc ngồi chống tay lên thành ghế và suy nghĩ vẩn vơ. Trong khi ấy Thúy đi làm nước chanh đãi Ngọc. Một lát sau, Ngọc nói:
- Nhưng rồi đây ông Châm sẽ biết sự thật. Thúy không thể giấu ông ấy.
- Tuy vậy, em nhất định không bao giờ giao bé Lộc cho ông ta.
- Tại sao?
- Chị mà cũng hỏi tại sao à? Em không còn hy vọng gì có con khác, lại nữa em không muốn nó có một người cha như ông Châm. Đứa bé ấy sanh ra ngoài ý muốn của ông ta. Vì ông ấy không có con trai nên ông ấy mới đòi bắt nó, chớ nếu em sanh con gái thì thử hỏi ông Châm có cần tìm gặp làm gì?
- Nếu phải chọn giữa Tấn và bé Lộc, thì em chọn ai.
Thúy nhìn Ngọc, rồi cắn môi nói:
- Em sẽ chọn bé Lộc, nhưng mất Tấn em sẽ khổ lắm.
- Không có em, anh Tấn vẫn có thể sống, vẫn có thể làm việc và anh Tấn có quyền cưới vợ khác. Chớ còn bé Lộc mất em thì đời nó còn gì? Bà Châm không có con trai, bà ấy ghen tuông như vậy bộ ông Châm dám đem bé Lộc về cho bà nuôi sao? Nếu bà Châm chịu nuôi bé Lộc thì thằng bé cũng không được thương yêu. Ông Châm càng tỏ ra yêu thương nó thì người ta càng ghét bỏ nó, chị hiểu tâm lý loài người chứ?
- Em nói cũng có lý... Theo chị nghĩ thì ông Châm không bao giờ dám đem bé Lộc về cho bà Châm nuôi, bà ấy phải lo bảo vệ quyền lợi của các con bà trước đã. Còn như ông Châm nhờ ai nuôi thì thằng bé lại phải sống xa cha và xa mẹ. Tội nghiệp thật!
- Đó, chính chị cũng thấy em không thể nào giao bé Lộc cho ông Châm. Huống chi em không còn sanh đẻ gì được nữa. Em nghĩ kỹ rồi chị ạ. Em không thể để anh Tấn khổ vì em, em sẽ trả tự do lại cho anh.
- Nhưng nếu em không giao bé Lộc cho ông Châm thì em cũng không khỏi mất Tấn.
- Em đã thấy cái điềm ấy rồi chị ạ.
- Nhưng em phải nghĩ đến nỗi đau khổ của Tấn. Không có em, Tấn sẽ như thế nào?
- Em hiểu nỗi khổ tâm của Tấn và em cũng hiểu Tấn muốn gì. Em đâu đến nỗi ngu dại... Nhưng Tấn muốn em xử sự như vậy là Tấn quá ích kỷ.
- Theo em nghĩ thì Tấn muốn như thế nào?
- Tấn muốn giao trả bé Lộc cho ông Châm.
- Nếu Tấn muốn vậy thì cũng là chuyện thường tình. Người đàn ông nào mà không vậy.
- Chị chưa có con, chị chưa làm mẹ nên chị chưa hiểu cảnh ngộ của em hiện giờ. Thật ra khi biết em đã có thai vì cái đêm khốn nạn ấy, chị biết em nghĩ gì không?
Hủy hoại giọt máu tội lỗi kia để đừng thấy hình hài đứa bé do cha nó gây ra. Nhưng em không đủ can đảm làm vậy vì em đã kịp nghĩ lại. Em đâu có quyền hủy hoại giọt máu vô tội ấy. Rồi dần dần mỗi ngày cái bào thai mỗi lớn. Ban đầu nó như một cái trứng vịt, lăn qua lăn lại, rồi nó cử động... Rồi nó lớn lên và em sờ nó, sờ được cánh tay hay bàn chân hiện dưới làn da bụng của em... Cái ý nghĩ nó lớn lên trong người em, nhờ máu huyết của em em cảm thấy thương yêu nó lạ. Nó là một phần thể xác của em.
Thúy nói một cách say sưa, nét mặt nóng hẳn lên, đôi mắt lấp lánh khiến Ngọc không khỏi cảm động...
- Và chị biết không, khi nó chào đời, người ta đặt nó nằm bên em, em sung sướng vô cùng. Em được làm mẹ, đứa bé kia là con của em. Trên cõi đời này, em có một lẽ sống nữa. Vũ trụ không phải là của mọi người, vũ trụ thu hẹp chung quanh em, trong ấy có em và con của em. Em yêu bé Lộc lắm, em có thể mất tất cả nhưng không thể mất bé Lộc. Người nào muốn cướp bé Lộc của em phải bước qua xác chết của em. Ai âm mưu muốn em phải xa bé Lộc, người ấy là kẻ thù của em...
Nghe Thúy nói quả quyết như vậy. Ngọc nghĩ:
- Thúy không muốn xa bé Lộc, như vậy Thúy phải mất Tấn.
Ngọc gật đầu:
- Chị hiểu ý em rồi. Nhưng chị nói giả tỷ như vậy nhé...
- Chị hãy nói đi.
Ngọc ngập ngừng một chút đoạn nói:
- Giả sử ông Châm cho người bắt cóc bé Lộc thì Thúy làm sao?
Thúy kêu lên như là bé Lộc đã bị bắt cóc thật sự rồi:
- Trời ơi! Bé Lộc bị bắt cóc? Người ta nỡ tàn nhẫn như vậy sao? Không, không thể được...
Ngọc nói tiếp:
- Và ông Châm lấy tình mẫu tử để ép Thúy.
- Nghĩa là?
- Một khi ông ta bắt cóc được bé Lộc, ông ta yêu cầu Thúy muốn khỏi mất con thì về ở với ông, lúc ấy Thúy tính sao?
Thúy run lên như cơn sốt:
- Làm gì có chuyện ghê tởm đó! Có thể như vậy sao?
Ngọc trấn an Thúy:
- Tôi chỉ nói giả tỷ như vậy thôi.
Thúy lo sợ:
- Nhưng chị đã nghĩ ra thì trong thiên hạ cũng có người nghĩ ra. Từ nay em phải đề phòng, em sẽ luôn luôn có mặt bên bé Lộc.
Ngọc nhìn Thúy và không khỏi ái ngại cho Thúy.
Câu chuyện đến đây thì Tấn về đến. Tấn hỏi Ngọc.
­- Chị đến đây lâu chưa?
- Cũng lâu rồi... Thế cậu đi đâu bây giờ mới về?
- Tôi về đến góc đường thì gặp chú Tư. Thấy tôi, chú ấy ngừng xe và rủ tôi vào tiệm nước nói chuyện. Nếu không gặp tôi, chắc chú ấy đã đến đây.
- Chú Tư là ông Châm phải không? uổng chưa! Phải chi ông ấy đến đây thì gặp tôi rồi. Tôi sẽ cho ông ấy một bài học.
Tấn nói, giọng buồn rầu:
- Chú Tư bảo ông đang nhờ người điều tra về bé Lộc. Chú không tin bé Lộc là con tôi. Chú than chú già rồi, vợ chú không còn sanh đẻ nữa, chú chưa có con trai. Chú nói tôi còn trẻ, muốn có con lúc nào không được.
Thúy la lên:
- Vô lý, chú không có con trai thì mặc chú!
- Chú còn nói rằng chú sẵn sàng xin ly dị với vợ, giao hết của cải cho vợ để sống với bé Lộc. Chú nói bé Lộc là con của chú. Chú không dám nghỉ bậy bạ về em nữa.
Thúy hỏi, giọng căm tức:
- Và anh đã nói cho ông Châm biết bé Lộc là con của ông ta?
- Chưa có sự đồng ý của em, anh đâu dám nói.
Thúy lớn tiếng:
- Nhưng em biết lắm cái giọng chống đối yếu ớt của anh đủ cho ông ấy thấy bé Lộc không phải là con anh... Em biết lắm, đàn ông các anh bao giờ cũng hẹp hòi ích kỷ. Vì yêu em, anh mới cưng bé Lộc chớ thật ra anh không yêu thương gì nó. Bây giờ biết nó là con ông Châm, anh muốn giao trả nó cho ông ta.
Ngọc thấy Thúy la lối liền nói:
- Không được... Thúy đừng làm như vậy, việc gì cũng phải từ từ giải quyết. Thúy đừng nói vậy mà cậu Tấn buồn. Tấn yêu em thế nào chắc em đã rõ.
Thúy ôm mặt khóc:
- Chắc tôi điên mất...
Ngọc nói với Tấn:
- Thúy nói cũng có lý lắm. Thúy không thể giao bé Lộc cho ông Châm. Thúy không còn sanh đẻ được nữa. Vả lại khi ông Châm làm cái chuyện đê hèn và tội lỗi kia, ông ta chỉ nghĩ đến chuyện thỏa mãn thú tánh chớ đâu bao giờ nghĩ đến chuyện một đứa con thừa tự, muốn tính chuyện lâu dài. Người ta để yên cho ông ta là may cho ông ta lắm rồi, ông ta còn muốn gì nữa.
Thúy nói:
- Thì ông ấy cứ xin ly dị với vợ đi và cưới người khác để kiếm con, việc gì đến đây phá hạnh phúc người khác?
Tấn kêu lên ra vẻ mệt mỏi:
- Thật là khó xử. Rắc rối ơi là rắc rối!
Nói xong Tấn đứng lên, toan ra đi. Ngọc hỏi:
- Cậu định đi đâu vậy?
Thúy nói:
- Anh dặn tối nay ở nhà dùng cơm với em mà?
Tấn như nhớ ra:
- Ừ, thì ở nhà dùng cơm.
Và Tấn đi lên lầu để thay quần áo. Chàng vừa đi vừa nghĩ:
- Khổ quá, ta phải giải quyết sao đây? Thúy đã quyết định như vậy rồi là không ai thuyết phục Thúy được nữa.
Tấn vừa đi khỏi, Ngọc đã nói với Thúy:
- Tấn đang đau khổ, Thúy phải khôn khéo đừng làm cho Tấn tuyệt vọng.
Thúy phân trần:
- Chị thấy đó, anh Tấn thay đổi ghê chưa? Anh ấy xem em như người xa lạ, em còn ở đây làm gì kia chứ?
Ngọc khuyên:
- Em đừng nghĩ bậy. Đừng tính chuyện đi đâu làm
- Em đã suy nghĩ kỹ rồi, em chỉ còn chờ thư của Sơn.
- Mấy lúc này Sơn vẫn viết thường chứ?
- Sơn vẫn viết thư về đều đều. Sơn vừa học vừa làm, dành dụm tiền để khi về nước sẽ lập gia đình, khỏi nhờ đến anh Tấn.
- Bộ qua bên ấy gặp ai rồi hay sao mà tính chuyện lập gia đình? Thế còn cô gì ái nữ của bác sĩ Tâm, em gái cậu Hữu thì sao?
- Chuyện ấy không ăn thua gì. Mình nghèo, người ta giàu. Cô Tuyết tính toán chớ không yêu thương... Bây giờ qua bên ấy cậu Sơn gặp một cô bạn gái cùng một cảnh ngộ, cô Ngọc Hoa.
Thúy nói xong đi tìm bé Lộc ẵm vào ngồi bên Ngọc. Ngọc nhìn thằng bé cũng thấy lòng dịu lại. Đôi mắt ngây thơ của nó nhìn lại Ngọc và nở một nụ cười rât hồn nhiên. Thúy hỏi:
- Con thương dì Ngọc không?
- Thương.
- Để đâu?
- Trên lưng.
Ngọc ngạc nhiên:
- Thế còn thương mẹ để đâu?
- Để trên đầu.
- Tại sao không để dì trên đầu?
- Để dì trên đầu dì lấn mẹ té sao?
Câu nói này làm Ngọc cười thích thú. Thúy giải thích:
- Mấy đêm nay anh Tấn đi chơi không về, Thúy buồn mới đem nó lên lầu ngủ với Thúy. Thúy để nó nằm ở trong để khỏi té và Thúy ép nó nằm sát vào vách, nó bảo là Thúy lấn nó.
Ngọc ôm lấy bé Lộc hôn. Thúy nhìn con và nói:
- Thằng bé ra đời dưới một ngôi sao xấu, tội nghiệp.
Ngọc thấy mình đến đã lâu nên đứng dậy cáo từ ra về:
- Chị sẽ đến mỗi ngày. Chị biết em đang đau khổ nhiều, chị sẽ cố gắng khuyên Tấn.
Ngọc đã khuyên Tấn nhiều lần, nhưng Tấn vẫn buồn:
- Chị thấy đó, Thúy không chịu giao trả bé Lộc cho chú Tư.
- Giao trả thế nào được?
Và Ngọc đem những lời Thúy nói với Ngọc kể cho Tấn nghe. Tấn lo lắng:
- Vậy mình phải làm sao bây giờ hả chị?
- Phải chống lại ông Châm, giữ vững lập trường, nhất định bé Lộc là con của anh.
- Rồi tình gia tộc?
- Chuyện này do bàn tay định mệnh sắp đặt, đâu phải anh muốn. Anh không biết gì khi gặp Thúy và cái ông Châm kia, và Thúy cũng đâu yêu thương gì ông ấy. Tấn cũng biết Thúy bị cưỡng hiếp.
- Chính tôi cũng không sao hiểu được lòng tôi.
- Thúy đang khổ lắm.
Ba hôm sau, Thúy nhận được thư của Sơn. Thật là một nguồn an ủi lớn cho Thúy.
Chị Thúy
Được thư chị, em cảm động và thương chị quá. Nhất là em thương cho bé Lộc, thằng bé đâu có tội tình gì. Chị quyết định như vậy rất phải, chị không thể giao trả bé Lộc cho ông Châm. Trên tinh thần thương yêu thì nó không phải là con của ông ta.
Em thật không khỏi ngạc nhiên khi nghe anh Tấn đối xử với chị như vậy. Anh Tấn vốn là người rộng rãi, độ lượng, tại sao bây giờ có thế phiền trách chị? Nếu quả thật anh Tấn muốn chị giao trả bé Lộc cho ông Châm thì chị không thể ở với anh ấy được nữa.
Nếu anh Tấn thật sự yêu chị và thông cảm cho hoàn cảnh của chị thì mọi việc êm đẹp, anh Tấn chỉ cần đuổi ông Châm ra khỏi nhà, trả lời dứt khoát bé Lộc là con của anh là ông Châm không còn nuôi hy vọng gì nữa. Nhưng anh Tấn đã không làm vậy thì chị phải tự giải quyết. Chị phải ra đi đem theo bé Lộc.
Nhận thư chị và đọc xong, em liền gặp Ngọc Hoa và bàn kỹ về chuyện này.
Ngọc Hoa cho em biết là có một người cô góa chồng ở một cái biệt thự rộng. Bà này đang cần quản gia, Ngọc Hoa đã viết thư cho bà để giới thiệu chị và theo địa chỉ em ghi trong thư này, chị cứ đến đó gặp bà Hà và bà sẽ cho chị ở. Nếu chị ở đó, dù cho anh Tấn có muốn tìm chị cũng không tìm ra.
Chị hãy yên tâm, mỗi tháng em sẽ gởi tiền về cho chị nuôi bé Lộc. Nếu theo lời Ngọc Hoa, bà Hà có thể nuôi cơm chị và còn cho chị một số tiền là khác. Bà Hà giàu lắm, bà sợ sự cô độc và cần người lo việc gia đình và cơm nước cho bà. Nếu chị đến đó mà bà nhận chị thì chị sẽ yên thân suốt đời, còn không nữa cũng đến ngày em học xong trở về. Ở đây mỗi năm sinh viên du học có thể về quê thăm nhà một lần, vài tuần hay một tháng. Nếu em thu xếp được sẽ về thăm chị.
Chị nhận được thư này thì nên đến gặp bà Hà ngay. Kết quả ra sao chị nhớ viết thư cho em. Nếu được, chị cũng phải giấu kín đừng cho ai biết, dù là chị Ngọc, người mà chị tin cậy.
Em gởi đến chị những lời chia sẻ thật tình nhất của em.
Thúy đọc đi đọc lại hai, ba lần bức thư của Sơn và ngay chiều hôm ấy, Thúy ẵm bé Lộc đi tìm nhà bà Hà. Thúy nói dối với chị bếp bé Lộc bị bệnh và Thúy đưa nó đi bác sĩ.
Bà Hà ở đường Phan Thanh Giản, gần trường Nữ trung học Gia Long. Một khu phố yên tĩnh, toàn những nhà giàu có riêng biệt. Có khi hai nhà ở gần nhau mà chủ nhà cũng không biết nhau. Ngôi nhà bà Hà ở là một biệt thự xung quanh có vườn cây mát mẻ.
Thúy phải bấm chuông ba lần mới có người ra hỏi:
- Cô là ai?
Người ấy là một phụ nữ độ sáu mươi tuổi, tóc đã bạc, nhưng nét mặt hãy còn trẻ và có một vẻ đẹp thật cao quí.
Khi bà thấy Thúy ẵm bé Lộc thì hỏi:
- Có phải cô là cô Thúy, chị cậu Sơn du học ở Úc không?
Thúy mừng rở:
- Dạ phải. Bà đã nhận được thư của cô Ngọc Hoa rồi.
Người đàn bà ra mở cửa chính là bà Hà. Bà nói:
- Cô hãy vào đây.
Thúy theo bà vào phòng khách. Một căn phòng bày biện thật sang trọng. Bà Hà chỉ chiếc ghế và mời Thúy ngồi và hỏi:
- Cô đã suy nghĩ kỹ chưa khi đến đây? Tôi là một người già cô độc, không có người giúp việc nào ngoài một người đàn bà làm giờ. Họ không ở đây, đi ở, buổi sáng đến đi chợ giùm, buổi trưa và buổi tối đến dọn dẹp và rửa chén… những người này là cháu họ của tôi, vợ một công chức, không phải dân đi ở, cuộc sống tôi buồn lắm. Bây giờ tôi cần một người sống với tôi như bạn, như người thân, đọc sách cho tôi nghe, dọn dẹp nhà cửa, ban đêm ở gần tôi, rủi khi tôi đau yếu. Ban ngày làm bếp, giặt ủi. Như vậy mỗi tháng tôi trả cô sáu nghìn đồng và để cho cô một căn phòng rộng mà ở. Cô có con, bé Lộc cũng đã lớn, chắc không có gì trở ngại cho công việc gì của cô. Cô chấp thuận ở đây với tôi không? À quên, còn điều kiện này mới là cần thiết, cô không được phép tiếp một người đàn ông nào.
Thúy nhận lời ngay:
- Nhưng cháu không thể ra khỏi nhà, không muốn ra khỏi nhà và tiếp ai hết.
- Việc chợ búa tôi sẽ nhờ con Phượng cháu tôi, nó ở gần đây. Như vậy là cô bằng lòng?
- Dạ, cháu nhận lời.
- Bao giờ cô đến?
- Ba hôm nữa.
- Được.
- Xin bà cứ gọi cháu bằng cháu, đừng gọi bằng cô. Và bà cứ gọi thằng bé này là bé Tâm, cháu thì bà gọi chị Hai.
- Được tùy cháu.
Sáu nghìn đồng, theo Thúy nghĩ, đủ cho mẹ con tiêu xài. Mà xài vào việc gì? Áo quần thì Thúy có nhiều lắm, mặc ba bốn năm nữa cũng chưa hết. Tiền ấy Thúy sẽ trích ra bốn nghìn đồng để gởi ở ngân hàng cho bé Lộc.
Thúy ẵm con về nhà và bắt đầu thu dẹp đồ đạc. Thúy để lại tất cả nữ trang cho Tấn, không đem theo món nào hết.
Thúy cũng để cả quyển sổ ngân hàng để tên Thúy lại cho Tấn, tỏ cho Tấn biết Thúy không cần đến cả thứ ấy mới có thể sống được.
Vừa dọn áo quần vào va-li Thúy vừa khóc. Khi dọn dẹp xong, Thúy ngồi lại bàn, viết cho Tấn:
Anh Tấn,
Trong tình thế này, em không thể nào ở đây với anh được nữa. Khi anh đã hiểu lầm hay ngờ vực em thì làm sao còn được tình yêu hả anh? Đời em bây giờ thu hẹp bên bé Lộc. Em không thể nào sống được nếu không có bé Lộc.
Em xin nhận nơi đây tấm lòng biết ơn suốt đời của em, vì dù sao anh cũng là ân nhân của chị em em, của bé Lộc. Nếu không có anh, không biết cuộc đời của chị em em ra sao nữa.
Nhưng Trời Phật chỉ cho em hưởng chừng ấy thôi. Em không dám phiền trách ai cả, số em chỉ có may mắn trong bấy nhiêu ngày thôi, biết sao.
Chúc anh tìm thấy tình yêu và hạnh phúc trong một ngày gần đây. Em sẵn sàng trả tự do cho anh.
Đứa em gái, kẻ chịu ơn của anh.
Em,
Thúy.
Khi viết thư xong, Thúy bỏ vào phong bì và để sẵn trên đầu tủ. Thúy còn phải thu xếp nhiều việc. Hai hôm nữa Thúy mới đụng hẹn với bà Hà. Thúy đợi gặp Ngọc, nói vài lời và cũng cần nói vài câu chuyện với Tấn trước khi đi.
Cùng chiều hôm đó, Ngọc lại đến. Ngọc cho Thúy biết Ngọc đã khuyên Tấn nhiều lắm nhưng coi bộ Tấn không nghe.
- Anh Tấn đến tìm Ngọc hai, ba lần, Ngọc và anh Mật khuyên anh nhưng anh vẫn buồn. Ngọc không thể chịu nổi Tấn. Tấn rất rộng rãi nhưng lại rất hẹp hòi, ích kỷ.
Thúy nói giọng cố làm ra vẻ bình tĩnh nhưng nước mắt chảy quanh tròng:
- Bây giờ thì không cần thuyết phục anh Tấn nữa chị ạ! Em đã nghĩ kỹ rồi.
Ngọc nhìn Thúy và như nghi ngờ điều gì, hỏi:
- Tại sao Thúy lại nói vậy?
- Việc không được thì thôi, biết sao...
- Dường như Thúy đang tính toán việc gì?
Thúy vội vàng cãi:
- Đâu có... Em đâu dám ra khỏi nơi này... Ở đây an ninh hơn hết. Lão Châm có muốn bắt bé Lộc cũng không thể bắt đuợc.
Ngọc như nhớ ra:
- Thế Thúy nhận được thư của Sơn chưa?
- Chưa chị ạ. Em còn phải ở đây cho đến khi nào nhận được thư của Sơn. Em cần Sơn giúp ý kiến. Theo em nghĩ Sơn không bao giờ khuyên em rời khỏi nơi này.
- Tấn và tôi cũng nghĩ vậy. Tôi cũng muốn khuyên Thúy ở lại đây, đừng buồn nếu Tấn thay đổi thái độ. Thì cứ xem nhau như lúc đầu Thúy về đây. Thúy cứ xem Tấn như một người anh, một vị ân nhân. Thúy lo việc cơm nước cho Tấn.
Thúy thở dài:
- Em cũng muốn vậy lắm, nhưng cái buổi ban đầu ấy và ngày nay nó khác xa rồi, một khi yêu thương đã chen vào sự ích kỷ thì tâm trạng con người thay đổi nhiều, làm sao giữ được sự bình thản vô tư ngày trước.
- Thúy nói cũng có lý. Nhưng hãy cố gắng xem sao.
Ngọc ở lại dùng cơm tối với Thúy. Ăn cơm xong, chị em ngồi ở phòng khách nói chuyện thì ông Châm đến. Khi chị bếp ra mở cửa thì ông Châm nói dối ông là người của Tấn sai đến nói chuyện với Thúy, vì vậy chị đã để ông vào.
Vừa thấy ông, Thúy hốt hoảng, nhưng nhớ ra có Ngọc ở đây, Thúy hoàn hồn, nói với Ngọc:
- Lão ấy đến giờ này, thật đáng lo.
Ngọc nói lớn:
- Không sao, đã có tôi.
Thúy rầy chị bếp:
- Tại sao chị cho ông này vào?
Chị bếp nói:
- Tại ông ta nói cậu Tấn sai về dặn mợ việc gì đó. Thúy kêu lên:
- Dám nói dối như vậy à?
Ông Châm nói:
- Cô đừng quên tôi là chú ruột của Tấn.
Ngọc dằn từng tiếng:
- Ông cũng đừng quên ông là người gieo rắc rối, đau khổ cho gia đình này. Mời ông ngồi.
Ông Châm thật không ngờ có Ngọc ở đây nên có vẻ bối rối. Ông chậm rãi ngồi xuống ghế:
- Thúy, có Tấn ở nhà không?
Thúy chưa kịp trả lời thì Ngọc nói:
- Ông đừng giả vờ. Ông biết chắc không có Tấn ở nhà nên ông mới đến đây, có phải như vậy không?
Ông Châm rất bực mình:
- Tôi đến đây không phải để nói chuyện với cô.
- Ông định ép buộc hay tống tiền cô bạn của tôi đây? Cô ta đã là nạn nhân của ông rồi. Sau một thời gian đau khổ, tôi đã khuyên lơn Thúy và sau đó Thúy mới chịu lấy chồng. Cũng may Tấn là người biết điều, thông cảm.
- Nhưng lúc ấy Thúy đã có thai. Lúc nãy cô nói một câu thật vô nghĩa. Cô nói Thúy là nạn nhân của tôi? Cô không biết tôi yêu Thúy như thế nào à?
Ngọc hỏi lại:
- Yêu thì phải thuyết phục, phải van lơn, phải cầu khẩn, chứ tại sao lại dùng thủ đoạn cưỡng ép? Không ai có thể yêu ông khi ông trong trường hợp dã man và vô nhân đạo ấy. Tôi nói cho ông biết. Thúy không hề thụ thai sau cái đêm đó. Cưỡng ép làm sao có thai được.
Ông Châm cười:
- Các cô thì biết gì... Tôi là người có kinh nghiệm sống, tôi biết rõ...
Thúy tức giận nói:
- Chị hơi đâu cãi lại ông ta. Hãy mời ông ta ra khỏi nhà.
- Vô lể! Cô đừng quên thằng Tấn là cháu tôi.
- Anh Tấn không nể gì ông. Ông đến đây mà gặp lúc anh ấy ở nhà, ông sẽ thấy sự thật đáng buồn.
- Tôi đã nhờ người điều tra rồi... Bé Lộc không phải là con của Tấn.
Ngọc liền nói:
- Không… Bé Lộc không phải là con ông. Ông không có quyền gì nói đến bé Lộc. Ông nên quay về nói với vợ ông đi. Bà Châm đang đợi ông bên Tân Tây Lan. Nếu ông còn đến đây nói lôi thôi, tôi sẽ đánh điện mời bà ấy về đây gấp. Xem thử ông có đủ can đảm để nhận bé Lộc làm con không…
Ông Châm nhìn Ngọc trừng trùng:
- Ai bảo cô can thiệp vào việc riêng của tôi?
- Không có việc riêng gì hết! Ông đừng tưởng tôi không biết địa chỉ của bà Châm. Tôi đã hỏi ông Tập về chỗ ở của bà. Tôi chưa thấy người đàn ông nào vô lý, hèn nhát như ông...
- Tại sao cô mắng nhiếc tôi? Tại sao tôi vô lý và hèn nhát?
- Nếu tôi ở địa vị ông, khi biết Thúy bây giờ là vợ của Tấn, cháu ông, thì tôi đã lánh mặt rồi.
- Tại sao?
- Vì hai lẽ.
- Hai lẽ gì?
- Lẽ thứ nhứt, Tấn là cháu của ông. Ông không nên làm khổ Tấn, đừng cho Tấn biết chuyện hèn hạ của ông. Lẽ thứ hai, ông đã làm khổ Thúy, bây giờ Thúy đang hạnh phúc, ông hãy để yên cho Thúy, như vậy là ông đã chuộc được cái tội ngày xưa.
Ông Châm cúi đầu làm thinh thì Ngọc nói tiếp:
- Huống chi bé Lộc đâu phải là con ông.
Ông Châm cãi lại:
- Con của ai cô làm sao biết được?
- Tôi là bạn thân của Thúy, tại sao tôi không biết? Khi Thúy bị ông làm hại cuộc đời, chính tôi đi lãnh lương cho Thúy, chính tôi đã tìm nhà khác cho Thúy ở để ông không còn tìm đến vì Thúy không còn muốn thấy cái bản mặt ghê tởm của ông. Một thời gian sau Thúy mới gặp Tấn trong một chuyện tình cờ…
- Chuyện tình cờ như thế nào?
- Cậu Tấn gây tai nạn cho Sơn, em trai của Thúy, làm cậu này gãy chân. Tấn chở Sơn vào bệnh viện và sau đó đến nhà báo tin cho Thúy hay …
Ông Châm nghe ra đầu đuôi nói:
- À ra thế. Họ quen nhau như vậy.
- Chị Ngọc, chuyện gì mà chị phải kể lể dong dài lôi thôi như vậy.
Ông Châm nói:
- Có cô Ngọc kể thì tôi mới hiểu…
Ngọc nhăn nhó nói tiếp:
- Ông muốn có con nữa cũng đâu có khó, ông có quyền cưới vợ khác và cứ thẳng thắn nói cho vợ ông biết việc này. Nếu cho rằng bé Lộc là con của ông thì thử hỏi với “đức” sợ vợ của ông, ông có dám nhìn nhận thằng bé không? Vợ ông mà hay biết việc này thì ông sẽ ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Ở cái tuổi của ông, làm lại không phải dễ đâu. Huống chi, ông đâu có thể bỏ năm đứa con của ông. Dù là gái cũng là máu mủ của ông. Các cô còn học rất giói, có cô đã đậu kỹ sư...
- Tại sao cô biết kỹ quá vậy? Cũng ông Tập cho cô biết phải không?
- Tôi đâu cần nhờ thám tử tư như ông. Tụi nó ăn tiền của ông rồi nói bậy lấy tiền.
Ông Châm cúi đầu suy nghĩ và nhận thấy những lời của Ngọc có phần đúng nên nói với Thúy:
- Thôi chuyện cũ cô hãy bỏ qua, tôi không làm phiền cô nữa. Tôi sẽ đi xa trong vài ngày tới.
Ngọc đi pha trà mời ông Châm:
- Ông không đợi anh Tấn về à?
Ông Châm lắc đầu:
- Tôi sẽ viết thư cho Tấn. Tôi sẽ can Tấn và cho Tấn biết tôi đã hiểu lầm…
Thúy thở dài:
- Vô ích! Ta đã quyết định ra đi rồi. Mà dù ta có ở lại đây thì giữa Tấn và ta không còn gì nữa. Tấn vẫn đối xử lạnh nhạt với ta vì Tấn biết bé Lộc là con của ông Châm.
Ngọc nói:
- Chuyện ấy không can gì đến ông. Ông chỉ cần rút lui khỏi nơi đây là mọi việc sẽ êm thấm. Thúy chỉ xin ông có chừng ấy.
- Nhưng giữa tôi và Tấn là chỗ bà con ruột thịt. Tôi phải nói cho Tấn biết sự lầm lẫn của tôi... Bây giờ thì cô cho phép tôi gọi cô bằng cháu nhé? Cô đừng giận tôi nữa. Thật là mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên. Thôi chú về. Chào cô Ngọc.
Ông Châm ra về, đầu cúi xuống như kẻ đang ăn năn.
Thúy ôm chầm lấy Ngọc:
- Em thoát được một tai nạn rồi! Nhưng giờ đây em còn phải đối phó với Tấn. Với ông Châm vậy mà còn dễ, chớ với Tấn em e rằng chị không thuyết phục nổi đâu.
Ngọc nói:
- Thì cứ để chị gỡ lần lần.
Đêm hôm ấy, mãi đến mười hai giờ Tấn mới về. Thấy Thúy chong đèn ngồi may đợi cửa, Tấn hỏi:
- Sao em không đi ngủ? Tại sao em biết hôm nay anh về mà đợi?
Thúy nói:
- Linh tính cho em biết hôm nay anh về. Trong ngày nay xảy ra nhiều chuyện quá khiến em không sao ngủ được.
Tấn ngồi xuống chiếc ghế đối diện:
- Những chuyện gì đã xảy ra?
Thúy chậm rãi nói:
- Em vừa nhận được thư của Sơn.
- Chuyện ấy là bình thường.
- Nhưng lần này có điều mới. Em Sơn cho biết nghỉ hè năm nay em sẽ về nước chơi vài tuần.
- Như vậy thì cũng vui. Còn chuyện gì nữa?
- Chị Ngọc đến thăm em và ở lại dùng cơm với em.
Tấn nhún vai:
- Chị Ngọc cũng thường đến đây lắm. Đâu có gì lạ.
- Nhưng lần này chị Ngọc đã giúp em thoát khỏi một tai nạn lớn.
- Tai nạn gì vậy?
- Ông Châm đến đây và đòi bắt bé Lộc, cũng may lúc ấy có chị Ngọc ở đây.
Tấn ngồi thẳng người lên:
- Sự việc xảy ra như thế nào, kết thúc ra sao?
Thúy liền kể hết cho Tấn nghe. Tấn ngồi cúi đầu nghe không ngắt lời của Thúy, nhưng Thúy kể xong, Tấn cười lạt và nói:
- Thì ra chị Ngọc đã đánh trúng tâm lý những ông sợ vợ. Dù nó có yêu thương bé Lộc đến đâu, dù biết chắc bé Lộc là con của nó, nhưng nếu vợ nó hay biết thì nó cũng không có đủ can đảm chống lại vợ nó, nó cũng không đủ nghị lực để làm lại tất cả. Chị Ngọc giỏi đấy. Như vậy chú Tư không còn dám đến đây nữa.
- Chú Tư đã xin lỗi em và chú nói sẽ viết thư cho anh để nói về lỗi lầm của chú. Chú sẽ đi ngoại quốc và rồi đây chưa chắc về SàiGòn nữa.
- Ai đày chú mà chú phải làm kẻ vong quốc?
- Thì chú tự đày mình còn gì nữa...
Thúy nhìn Tấn thấy Tấn có vẻ suy nghĩ thì nói để cố phá tan không khí yên lặng của căn phòng:
- Khi chiều anh bảo làm cơm rồi anh không về.
- Anh có bảo làm cơm sao? Anh quên bẵng đi mất. Thế em chờ cơm có lâu không?
- Đến giờ này em cũng chưa ăn.
- Vậy thì anh có lỗi quá. Nhưng anh đã ăn với bạn bè rồi, em đi ăn đi kẻo đói.
Thúy nói đầy nhẫn nhục:
- Giờ này thì còn ăn gì nữa?
- Vậy em đi nghỉ đi. Bé Lộc ngủ rồi phải không?
- À quên, bé Lộc hôm nay hơi ấm đầu. Em đã ẵm nó đi bác sĩ.
- Nó đỡ chưa?
- Đở rồi. Nhưng không ăn cơm. Anh cần gì thì nói em lấy. Anh đi tắm hay thay áo quần.
- Được, em cứ để anh. Khuya rồi em hãy đi nghỉ. Anh ngồi đây hút thêm vài điếu thuốc rồi đi ngủ sau. Anh cần sự yên lặng để lấy lại bình tỉnh.
Thúy vội vã đi lên lầu để mặc Tấn ngồi trầm ngâm bên tách nước trà nóng mà Thúy vừa đem đến theo lời yêu cầu của chàng.
Khi Thúy đi rồi. Tấn nằm trên chiếc ghế dài, hai chân để trên thành ghế ngáp mấy cái, hai mắt lim dim rồi chàng ngủ đi lúc nào không hay.
Một giờ sau, Thúy không thấy Tấn lên liền nhè nhẹ đi xuống phòng khách. Thúy vô cùng buồn bả khi thấy Tấn nằm ngủ để y cả giày và cả quần áo. Đèn ở phòng khách sáng choang, ly trà vẫn còn đầy, chứng tỏ Tấn rất mệt mỏi.
Thúy đi lại cởi giày cho Tấn và tắt đèn chỉ để ngọn đèn nhỏ ở trên cái mom mốt. Thúy muốn đánh thức Tấn dậy nhưng rồi ngần ngại không làm.
Nhưng cũng vừa lúc ấy Tấn cựa mình, chiếc ghế quá chật. Tấn không thể trở mình nên Tấn ngồi ngay dậy. Tấn nhìn ngơ ngác khắp phòng.
- Lạ thật, ta ngủ ở đây tự bao giờ...
Lúc này, Tấn đã nhận ra Thúy đứng gần đó liền hỏi:
- Em chưa đi ngủ sao?
- Thấy anh nằm ngủ ở đây, em xuống cởi giày cho anh.
- Thật anh làm phiền em quá. Em đi ngủ đi.
- Tại sao anh không lên lầu ngủ?
- Anh nằm suy nghĩ và ngủ quên.
- Ly trà vẫn còn đầy...
- Em pha trà cho anh rồi à?
Tấn bưng trà uống cạn ly. Lúc ấy Thúy chán chường nghĩ:
- Ra đi là vừa!
Thúy năn nỉ Tấn hãy đi thay đồ và lên lầu ngủ. Tấn không làm theo lời Thúy, ngủ ở phòng đọc sách như mọi khi …
Tấn còn bảo Thúy:
- Đưa cho anh một viên thuốc an thần. Ngày mai nếu anh còn ngủ thì đừng đánh thức anh dậy. Mấy hôm nay anh mệt không ngủ được.
Thúy đưa cho Tấn một viên Mogadon, loại thuốc an thần nhẹ nhưng rất công hiệu. Rồi Thúy khép cửa phòng cho Tấn, trở về phòng mình.
- Ngày mai ta đi sớm, một dịp may để ta đi.
Thế là đêm ấy Thúy không ngủ. Áo quần đồ đạc Thúy thu xếp đâu vào đó. Hộp nữ trang Thúy để vào cái tủ của Tấn và xâu chìa khóa Thúy sẽ để cùng bức thư trên bàn giấy của Tấn.
Thúy sẽ sai chị bếp đi chợ sớm và trong lúc ấy Thúy ẵm bé Lộc ra đi.
Mọi việc Thúy xếp đặt thật chu đáo. Tấn không thể nào biết để ngăn cản. Thúy và Tấn mỗi người đều có chìa khóa riêng của các cửa trong nhà, khi Tấn thức dậy thì Thúy đã đi rồi.
Chị bếp đi chợ về thấy cửa đóng thì bấm chuông, nhưng đợi mãi không thấy ai ra mở cửa. Chị qua nhà hàng xóm hỏi:
- Bà có thấy cậu hay cô tôi đi đâu không?
Bà Năm đáp:
- Hôm nay sao chị đi chợ sớm quá vậy? Chị không biết mợ Tấn ẵm bé Lộc đi nghỉ mát sao? Tôi thấy mợ đi thì đón lại hỏi. Mợ nói đi nghỉ mát gì đó. Và mợ có vẻ vội vàng.
Chị bếp sửng sốt:
- Thảo nào mợ sai tôi đi chợ sớm. Cậu ấy còn ngủ ở trên lầu.
- Tôi thấy vài tháng nay bên ấy dường như có chuyện gì lộn xộn. Mợ ấy ít khi ẵm bé Lộc qua đây chơi như trước. Và cậu Tấn thì ít về nhà lắm phải không chị?
- Hai ông bà dường như có chuyện gì xích mích hay sao ấy. Bà thấy mợ tôi đi bao lâu rồi? Tôi phải đánh thức cậu dậy may ra cậu đi tìm kịp... Có phải mợ tôi đi Đà Lạt không?
- Tôi nghe dường như vậy...
Chị bếp về nhấn chuông ở cửa thêm hai lần nữa rồi đập cửa ầm ầm. Lúc bấy giờ Tấn đang ngủ, giật mình thức dậy hốt hoảng không hiểu việc gì, dụi mắt ngồi ngay lên và lấy tay đập trán. Tấn đã nhớ những gì đã xảy ra đêm qua. Tấn xỏ chân vào giày và đi qua phòng Thúy. Cửa phòng đóng kín, xâu chìa khóa ở cánh cửa phía bên ngoài. Tấn mở cửa, không thấy Thúy và bé Lộc đâu cả trên bàn có một xâu chìa khóa khác và một phong thư. Tấn chưa kịp cầm phong thư lên thì ở dưới nhà tiếng chuông lại kêu inh ỏi.
Tấn đi xuống lầu, tay cầm phong thư, thấy nét chữ của Thúy. Tấn ngạc nhiên nhưng chưa mở ra đọc vì còn phải mở cửa để xem ai gọi. Khi Tấn thấy chị bếp thì không khỏi kinh ngạc:
- Chị đi đâu giờ này mà kêu cửa ầm vậy?
Tấn nhìn thấy cái giỏ chợ thì hỏi tiếp:
- Giờ này đã đi chợ về rồi à?
Chị bếp nói:
- Mợ đi rồi!
Tấn nạt lớn:
- Chị biết sao chị không đánh thức tôi dậy?
- Tôi đâu có biết. Mợ dậy sớm và bảo tôi đi chợ mua lòng heo về nấu cháo cho cậu ăn. Khi tôi về bấm chuông mấy lần không thấy mở cửa, tôi qua hỏi bà Năm. Bà nói sáng nay bà dậy sớm quét sân thì thấy mợ ẵm bé Lộc xách va-li đi. Bà Năm hỏi mợ đi đâu thì mợ nói đi Đà Lạt hay về quê gì đó.
Tấn vừa nghe đến đây thì la lên:
- Thôi đừng nói nữa!
Rồi Tấn quay vào lấy thư ra đọc, Tấn như điên như dại khi đọc xong thư của Thúy. Tấn ngồi sững sờ cả buổi và sau đó mới trở lên lầu, lấy xâu chìa khóa mở tủ và lấy hộp nữ trang ra xem. Thúy đã giao trả hết những món nữ trang Tấn sắm cho Thúy, kể cả chiếc nhẩn cưới. Tấn đậy cái hộp lại để vào tủ, khóa kín lại quay ra phòng khách, cầm lá thư đọc lại.
Chị bếp thấy Tấn đọc thư thì lại gần hỏi:
- Có phải thư của mợ không cậu? Mợ viết thư cho cậu? Mợ có nói mợ đi Đà Lạt không?
Tấn từ từ bỏ thư xuống và nhìn chị đọan nói:
- Không, mợ không nói đi đâu hết, nhưng chắc chắn không phải đi Đà Lạt. Tiền đâu mà đi? Mợ không lấy tiền cũng không lấy nữ trang.
Chị bếp kêu lên:
- Vậy thì lấy tiền đâu mà nuôi bé Lộc? Cậu đi tìm mợ gấp đi! Để tôi pha cà phê cho cậu uống và đi tìm mợ.
Nói xong chị bếp đi pha cà phê, Tấn đi rửa mặt thay áo quần, không còn biết phải làm gì. Tấn không hề đề phòng chuyện Thúy có thể ra đi. Ngọc cũng không cho Tấn biết là có thể Thúy rời khỏi nhà Tấn và ẳm theo bé Lộc.
Tấn vào phòng Thúy, ngồi lên giường và thở dài:
- Mấy tuần nay ta không ngồi lên cái giường này! Đầu đuôi tại ta tất cả. Ta làm cho Thúy buồn và tuyệt vọng...
Tấn đi lại mở tủ của Thúy. Thúy chỉ đem theo một ít áo quần, những chiếc áo dài đắt tiền vẫn còn trong tủ.
Khi chị bếp đem cà phê lên, Tấn uống từ ngụm và thấy đầu óc trở nên sáng suốt hơn…
Tấn nói:
- Chị ở nhà coi nhà nhé. Tôi tin cậy ở chị. Trong khi tôi đi khỏi, nếu mợ Thúy về thì đừng nói gì hết... Nhưng chắc chắn mợ ấy không về. Tôi vô lý lắm. Làm sao về được, tôi phải đi tìm cô Ngọc.
Chị bếp nói:
- Cậu nên lên phi trường. Nếu mợ đi Đà Lạt thì giờ này chắc còn đợi máy bay.
- Không, mợ không đi ĐàLạt.
- Thì cậu cứ đi hỏi thử.
Tấn ra đi, nghe lời chị bếp đến Hàng không Việt Nam ở đường Phạm Ngũ Lão hỏi xem có tên Thúy trong danh sách đi ĐàLạt trong ngày ấy không, nhưng tại đây sau khi xem qua các bản danh sách, người ta cho Tấn biết không có ai tên Thúy.
Tấn liền đi thẳng tói nhà Ngọc. Ngọc vừa thức dậy, thấy Tấn mặt mày bơ phờ, hai mắt mệt mỏi thì không khỏi ngạc nhiên:
- Việc gì vậy anh Tấn?
Tấn nói:
- Thúy ẳm bé Lộc đi rồi!
- Đi lúc nào?
- Đi lúc sáng sớm, sau khi sai chị bếp đi chợ.
- Ngày hôm qua tôi đã thuyết phục được ông Châm rồi. Tôi không hề nghe Thúy nói gì về chuyện ra đi.
- Cũng tại tôi cả. Tôi vẫn không thể vui vẻ và tin yêu như trước, mặc dù tôi biết Thúy không làm gì nên tội cả. Thúy yêu tôi và bé Lộc vô tội.
Ngọc thở dài:
- Đêm qua chắc Tấn vẫn lạnh nhạt với Thúy chớ gì?
- Vẫn lạnh nhạt. Không vui vẻ được như mọi khi. Tôi biết tôi đã làm Thúy khổ, nhưng tôi không thể làm khác hơn được.
Ngọc giậm chân kêu:
- Nếu vậy thì hỏng tất cả rồi, Thúy nhiều tự ái. Anh bảo Thúy không lấy tiền bạc nữ trang?
- Không lấy gì hết, kể cả cặp nhẫn cưới. Như vậy là Thúy không còn thương yêu tôi nữa.
Bỗng Tấn hốt hoảng nói:
- Hay là Thúy đã...
Ngọc cười lạt:
- Tôi biết anh đang nghĩ gì rồi. Anh cho rằng Thúy có thể đi tìm ông Châm phải không? Không bao giờ, thà chết chớ Thúy không làm như vậy. Tôi đang điên đầu không biết Thúy đi đâu, làm sao Thúy sống...
Ngọc lấy tay đập mạnh lên trán và nói:
- Cả tuần nay tôi thường nghe Thúy nói Thúy đang đợi thư của em Sơn. May ra em Sơn sẽ giúp cho Thúy một lối thoát. Thôi phải rồi...
- Chị nói gì? Thúy chờ thư của Sơn? Vậy bức thư ấy đã đến với Thúy chưa?
- Dường như Thúy đã nhận được thư cách đây vài hôm.
- Thế Sơn nói gì trong thư?
- Thúy không cho tôi biết. Vả khi đến đây tôi chưa kịp nói gì với Thúy thì ông Châm đến. Ông ấy cứ đòi bắt bé Lộc vì cho rằng bé Lộclà con của ông. Tôi phải hăm dọa, phải thuyết phục cả buổi, ông ấy mới chịu tin. Rồi ông Châm vừa ra thì anh về tới đâu có kịp nói gì ….
Tấn nói:
- Cậu Sơn ở bên Úc thì làm sao tìm cho Thúy được một giải pháp? Hay là Thúy ẵm con về sống ở cái xóm cũ ngày nọ?
Ngọc lắc đầu:
- Không, Thúy không trở về đó vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất, Thúy không dại gì đến đó để anh biết chỗ mà đi tìm. Lẽ thứ hai, anh không hiểu tâm lý đàn bà mới nói như vậy. Thúy từ khi gặp anh sống trong nhung lụa, ai cũng thấy Thúy có phúc, Thúy may mắn, thì bây giờ không khi nào Thúy trở về đó để người ta tò mò thương hại Thúy một lần nữa. Có nghèo đói Thúy cũng đi nơi khác mà sống, mặc dù những người ở đó, nếu Thúy trở lại cũng có thể giúp đỡ Thúy và thương hại Thúy.
Tấn gắt:
- Vậy thì biết kiếm Thúy ở đâu?
Ngọc cười lạt:
- Kiếm làm gì? Tình nghĩa gì mà kiếm? Tôi tưởng anh cao thượng, chớ tôi đâu ngờ anh cũng hẹp hòi và tầm thường như bao người đàn ông khác. Anh đã làm khổ Thúy vô lý lắm. Tôi hiểu anh muốn Thúy giao trả bé Lộc cho ông Châm, nhưng nếu Thúy bằng lòng làm điều đó thì cũng không chắc gì anh có thể yêu thương Thúy như cũ được, và như vậy không ích gì. Để Thúy ra đi là phải.
- Chị cũng chủ trương như vậy sao? Vậy thì tôi sống ra sao đây, sống với ai đây?
Ngọc tức giận:
- Sống với cái tánh hẹp hòi và ích kỷ của anh, chớ còn sống với ai nữa!
Tấn than:
- Chị nỡ lòng nào nói như vậy sao chị Ngọc?
Ngọc ngồi làm thinh không nói gì. Lúc ấy Ngọc giận Tấn và muốn đuổi Tấn về cho khuất mắt:
- Tôi thấy mặt anh giống ông Châm thật đấy. Chú cháu mà...
Tấn đứng lên:
- Chị đuổi khéo thì tôi về. Tôi sẽ viết thư cho cậu Sơn để năn nỉ cậu ấy cho tôi biết chỗ ở của Thúy.
- Vô ích. Thì anh cứ tập sống không có Thúy một thời gian xem sao. Nếu cam chịu không được, anh có thể cưói vợ khác. Còn Thúy thì cứ để cho Thúy lo làm nuôi con... Một mình bé Lộc, Thúy dư sức nuôi, huống chi nay mai Sơn học thành tài về thì chị em sẽ sống trong đoàn tụ với nhau. Sơn là một kỹ sư …
- Tôi biết, người ta không cần tôi nữa. Tình đời mà chị.
Ngọc tức giận:
- Tôi cấm anh không được nói như vậy. Thúy đâu có phụ anh và Sơn đâu có ăn ở bạc với anh. Bé Lộc cũng yêu thương anh hết sức, anh mới xứng đáng làm cha của nó. Tội nghiệp thằng bé nó đâu đã hiểu cái gì! Thôi anh về nghỉ đi, tôi thấy anh cần nghỉ ngơi nhiều để tìm lại sự bình tĩnh cho tâm hồn.
Tấn ra về, lòng buồn khó tả.
Định Mệnh Định Mệnh - Bà Tùng Long Định Mệnh