Cuộc Đời Trôi Nổi Của Cái Tách Không Quai
rong khoảnh khắc này, tôi đang ở ngoài trời trên bệ cửa sổ, mình từ từ đầy tuyết; ống hút đã dinh cứng trong nước xà phòng đông đặc, chim sẻ nhảy nhót quanh tôi, lũ thô bạo đang tranh nhau từng mảnh bánh vụn người ta rải cho chúng, và cũng như bao lần trước, tôi run sợ cho mạng sống của mình; nếu bị một trong những chim sẻ béo mập ấy đụng phải, tôi sẽ rơi từ bệ cửa xuống thềm bê-tông dưới kia - nước xà phòng sẽ là cái gì đông đặc hình bầu dục nằm yên một chỗ, ống hút sẽ gãy - và người ta sẽ ném các mảnh vỡ của tôi vào thùng rác.
Tôi chỉ thấy những đốm sáng mờ mờ ở cây Nô-en, lập lòe qua cửa kính nhòa nước, chỉ nghe thoang thoảng lời ca bên trong: tiếng cãi cọ của bầy sẻ át đi mọi thứ tiếng khác.
Dĩ nhiên không ai biết rằng cách đây hai mươi năm, tôi ra đời dưới một cây Nô-en, và cái tuổi hai mươi lăm thật đáng kinh ngạc đối với một tách cà phê bình thường: những vật thuộc dòng giống chúng tôi đang mơ màng trong các tủ kính kia sống lâu hơn lũ tách cà phê chúng tôi nhiều. Chắc hẳn không ai trong gia đình tôi còn sống: cha mẹ, anh em và cả đến các con tôi cũng đã chết từ lâu, trong khi tôi ăn mừng sinh nhật thứ hai mươi lăm của mình với bầy sẻ ầm ĩ trên một bệ cửa sổ ở Hambourg.
Cha tôi là dĩa đựng bánh, còn mẹ tôi là hộp bơ; tôi có năm anh chị em: hai tách và ba dĩa để tách, nhưng gia đình chỉ sống chung với nhau vài tuần; đa số các tách đều chết yểu một cách đột ngột, như hai em trai và một chị yêu quý của tôi đã bị gạt khỏi bàn ngay ngày Nô-en thứ hai. Chẳng bao lâu, chúng tôi lại phải rời xa người cha kính mến: tôi cùng mẹ và đứa em gái là một dĩa để tách tên Josephine đi xuống miền nam; được bọc kín trong giấy báo, để giữa bộ quần áo và chiếc khăn lông, chúng tôi đi La Mã phục vụ cậu con ông chủ, một sinh viên đã hiến thân cho môn khảo cổ học.
Đoạn đời này - tôi gọi là những năm La Mã - thật thú vị đối với tôi: lúc đầu, người sinh viên tên Julius ấy luôn đem tôi tới hồ nước nóng của hoàng đế Caracalla, di tích một nhà tắm công cộng khổng lồ; nơi đó, tôi kết bạn với một bình phích cùng đi với tôi và cậu chủ tới chỗ làm việc. Bình phích tên Hulda, và chúng tôi thường nằm bên nhau hàng giờ trên bãi cỏ, trong khi Julius đào đất; về sau, tôi hứa hôn với Hulda rồi cưới nàng trong năm La Mã thứ hai, mặc dù mẹ tôi trách mắng thậm tệ, cho là một bình phích không xứng đáng làm vợ tôi. Nói chung, mẹ tôi lạ hẳn đi: bà cảm thấy nhục vì bị dùng để đựng thuốc lá, cũng như em Josephine thân yêu của tôi thấy việc phải xuống làm cái gạt tàn thuốc là một xúc phạm tột cùng.
Tôi sống những tháng hạnh phúc với Hulda; chúng tôi cùng tìm hiểu những gì Julius tìm hiểu: mộ hoàng đế Augustus, đường Via Appia, quãng trường La Mã - ở chỗ sau cùng này, tôi có một kỷ niệm buồn, vì đó là nơi người vợ yêu quý của tôi bị một thằng ranh con La Mã lấy đá ném vỡ. Nàng chết bởi một hòn cẩm thạch to bằng nắm tay, hồi trước là một phần của tượng nữ thần Tình Yêu.
Độc giả nào thích nghe tiếp những điều tôi nghĩ, sẵn lòng thừa nhận một cái tách không quai cũng biết đau khổ và cũng có triết lý sống - tôi có thể báo cho độc giả ấy biết là bây giờ, bầy sẻ đã mổ hết bánh vụn nên không còn trực tiếp đe dọa tính mạng tôi nữa. Ngoài ra, một khoảng sạch bóng lớn bằng cái dĩa xúp xuất hiện trên mặt kính nhòa, và tôi thấy rõ cái cây bên trong cũng như gương mặt của Walter bạn tôi đang dí mũi vào kính cửa sổ và cười với tôi. Cách đây ba tiếng, trước lúc tặng quà Nô-en, Walter còn thổi bọt xà phòng, bây giờ nó chỉ tôi, ba nó lắc đầu và chỉ chiếc xe lửa mới tinh của nó nhưng Walter lắc đầu - và giữa lúc mặt kính nhòa trở lại, tôi biết trễ nhất là nửa giờ sau, tôi sẽ được vào căn phòng ấm áp...
Niềm vui trong những năm La Mã không chỉ phai nhạt bởi cái chết của vợ tôi, khó chịu hơn, là cái tính kỳ cục của mẹ tôi và nỗi bất mãn của em gái tôi. Mỗi tối, khi chúng tôi họp mặt trong tủ, họ than thở rền rĩ với tôi là người ta đã hiểu sai nhiệm vụ của họ. Nhưng chính tôi cũng phải chịu nỗi nhục nhã mà một cái tách tự trọng khó có thể chịu được: Julius dùng tôi để uống rượu mạnh. Nếu nói về một cái tách: “Nó bị dùng để uống rượu mạnh” thì chẳng khác gì nói về một người: “Hắn giao du với kẻ xấu!” Và tôi bị dùng để uống quá nhiều rượu mạnh.
Đó là thời kỳ nhục nhã của đời tôi. Nó kéo dài cho tới khi người anh họ của tôi, một ly đựng trứng, được gởi từ Munich tới La Mã, cùng với một cái bánh ngọt và một chiếc áo sơ-mi: từ ngày đó, anh họ tôi bị dùng để uống rượu mạnh, còn tôi thì Julius tặng cho một chị cũng đến La Mã với mục đích như anh ta.
Nếu ba năm đầu, tôi có thể nhìn xuống mồ Augustus từ bệ cửa sổ của căn nhà La Mã, thì hai năm sau ở căn nhà mới, tôi nhìn nhà thờ thánh Maria Maggiore: trong hoàn cảnh mới, tuy phải sống xa mẹ nhưng tôi lại được sử dụng đúng mục đích đời mình: tôi được dùng để uống cà phê, được rửa mỗi ngày hai lần và ở trong một cái tủ nhỏ xinh xắn.
Nhưng tại đây, tôi cũng không khỏi bị nhục: cùng ở với tôi trong cái tủ xinh xắn là một bà tên Hurz! Cả đêm và rất nhiều giờ trong ngày - và cứ như thế suốt hai năm dài - tôi phải ở cạnh bà Hurz. Bà thuộc dòng họ Hurlewang, cái nôi của bà từng nằm trong lâu đài họ Hurlewang ở Hurzenich bên bờ sông Hiirze, nay bà đã được chín mươi tuổi. Nhưng dù đã sống chín mươi năm, bà lại là người ít từng trải.
Khi tôi hỏi sao lúc nào bà cũng ở trong tủ, bà ta kiêu hãnh trả lời:
- Vì không ai được phép dùng bà Hurz để uống!
Bà Hurz đẹp, nước da trăng trắng dìu dịu, điểm những chấm xanh nhỏ li ti, và mỗi lần tôi làm bà bực mình, mặt bà tái đi, khiến những chấm xanh ấy càng nổi bật hơn. Dù không có ý xấu, tôi hay làm bà bực mình: trước hết, vì việc cầu hôn. Lúc tôi xin được se tơ kết tóc với bà, mặt bà tái đến nỗi tội phải lo cho mạng sống của bà; phải mười phút sau, bà mới hơi bình thường trở lại và thì thào bảo:
- Xin ông đừng nói chuyện ấy nữa; hôn phu của tôi đang chờ tôi trong một tủ kính ở Erlangen.
- Bao lâu rồi?
Tôi hỏi bà ta. Bà bảo:
- Từ hai mươi năm nay. Chúng tôi hứa hôn với nhau đầu năm 1914 - nhưng rồi phải xa nhau một cách đột ngột. Thời chiến tranh, tôi ngụ tại một tủ sắt ngân hàng ở Francfort, còn anh ấy sống dưới hầm nhà chúng tôi ở Erlangen. Sau chiến tranh, vì một vụ tranh giành gia tài, tôi đến một tủ kính ở Munich, còn anh ấy cũng vì vụ tranh giành gia tài đó mà đến một tủ kính ở Erlangen. Hy vọng duy nhất của chúng tôi là Dianna (tên cô chủ của chúng tôi) cưới Wolfgang, con trai bà chủ cái tủ kính nơi hôn phu tôi ở, để chúng tôi được sum họp trong cái tủ kính đó.
Tôi im lặng vì không muốn làm bà tổn thương lần nữa, vì từ lâu rồi, tôi để ý thấy Julius và Dianna gần gũi nhau hơn. Trong cuộc tham quan thành cổ Pompée, Dianna bảo Julius:
- Anh biết không, tôi có một cái tách nhưng lại không được phép dùng nó để uống.
Julius nói:
- Vậy à, tôi có thể giúp cô khỏi tình trạng khó xử đó không?
Về sau, tôi không xin cưới bà Hurz nữa nên chúng tôi hiểu nhau hơn. Mỗi tối khi chúng tôi cùng ở trong tủ, bà luôn luôn nói:
- Này, ông kể cho tôi nghe chuyện gì đi, nhưng yêu cầu đừng quá dung tục nếu được.
Việc tôi được dùng để uống cà phê, ca cao, sữa, rượu vang và nước, bà ta đã thấy khá lạ lùng, nhưng khi tôi kể chuyện Julius dùng tôi để uống rượu mạnh, bà lại bất tỉnh lần nữa và tự cho phép phát biểu câu này mà (theo ý kiến khiêm nhường của tôi) đáng lẽ bà không nên phát biểu:
- Hy vọng Dianna không bị đứa dung tục ấy lừa.
Nhưng hình như Dianna đã bị “đứa dung tục” ấy lừa: Sách ở phòng cô ta phủ đầy bụi, một tờ giấy nằm yên hàng tuần trong máy đánh chữ với mỗi một câu viết nửa chừng: “Khi Winckelmann [1] ở La Mã...”
Tôi chỉ còn được rửa một cách vội vàng, và cả bà Hurz xa lạ cuộc đời ấy cũng bắt đầu cảm thấy ngày càng khó gập lại hôn phu hơn, vì Dianna tuy được thư từ Erlangen nhưng cứ để đó, không trả lời. Dianna bây giờ lạ thật: cô ta - tôi lưỡng lự khi thuật điều này - dùng tôi để uống rượu vang. Buổi tối tôi kể chuyện ấy cho bà Hurz nghe, bà sắp xỉu và nói khi hoàn hồn trở lại:
- Tôi không thể nào thuộc về một người đàn bà dám uống rượu vang bằng tách.
Bà Hurz quý hóa không biết ước muốn của mình sắp thành sự thật: Bà ta bị đem tới tiệm cầm đồ, và Dianna lấy tờ giấy với câu viết nửa chừng “Khi Winckelmann ở La Mã...” ra khỏi máy đánh chữ rồi viết cho Wolfgang.
Một thời gian sau, thư Wolfgang đến; trong lúc điểm tâm, Dianna vừa đọc thư vừa uống sữa đựng trong tôi, và tôi nghe cô thì thầm:
- Thì ra anh ta chẳng hề nghĩ tới tôi, chỉ nghỉ tới cái tách ngu xuẩn thôi.
Rồi tôi thấy cô lấy tờ giấy cầm đồ từ cuốn “Nhập môn khảo cổ học” bỏ vào phong bì, và có lẽ tôi không lầm khi nghĩ rằng bà Hurz quý hóa giờ đây đã sum họp với hôn phu trong tủ kính ở Erlangen, và chắc chắn Wolfgang đã tìm được một người vợ xứng đáng.
Về phần tôi, những năm sau đó thật lạ lùng: Tôi cùng Julius và Dianna về Đức. Cả hai đều nghèo nên xem tôi như một bảo vật. Họ dùng tôi để uống nước, thứ nước ngọt thường có ở giếng ga xe lửa. Chúng tôi không đi Erlangen hay Francfort mà đi Hambourg, nơi Julius nhận được việc làm ở một ngân hàng.
Dianna đẹp hơn trước, Julius thì xanh xao, còn tôi lại được đoàn tụ với mẹ và em. May thay, bây giờ họ đã hạnh phúc hơn trước. Ban tối, khi chúng tôi ở cạnh nhau trên lò nấu ăn, mẹ tôi thường nói:
- Tạm được, ít ra cũng là bơ thực vật...
Và em tôi giờ có hơi kiêu hãnh vì được dùng để đựng xúc xích. Nhưng người anh họ tôi, cái ly đựng trứng, còn đạt tới địa vị ít khi một cái ly đựng trứng có được: Anh ta được dùng làm bình hoa. Anh ta đựng cúc đầu xuân, khuy vàng, những hoa cúc nhỏ tí, và khi Dianna và Julius ăn trứng, họ để hoa lên mép dĩa để tách.
Julius giờ trầm tĩnh hơn, Dianna trở thành bà mẹ - chiến tranh xảy ra, và tôi thường nghĩ tới bà Hurz, chắc bà lại nằm trong tủ sắt ngân hàng, và dù bị bà xúc phạm, tôi vẫn mong bà được sum họp với chồng trong cái tủ sắt ấy. Thời gian chiến tranh, tôi sống chung với Dianna và đứa con đầu tên Walter ở Đồng Lunebourg, và tôi thường có dịp nhìn gương mặt suy tư của Julius khi anh về nghỉ phép và quậy cà phê trong tôi thật lâu. Khi thấy Julius hành động như vậy, Dianna hay hốt hoảng thốt lên:
- Anh sao thế? Anh quậy cà phê cả tiếng đồng hồ rồi.
Không hiểu sao cả Dianna lẫn Julius đều như không còn nhớ tôi đã ở với họ bao lâu nữa: họ để tôi lạnh cóng ngoài này, giờ lại bị một con mèo đen đe dọa tính mạng - trong khi Walter đòi đem tôi vào. Walter thương tôi, nó đặt tên cho tôi là “Nốc như người Nga”. Chẳng những là cơ sở thổi bọt xà phòng, máng thú vật, bồn tắm cho những búp bê nhỏ xíu của nó, tôi còn được dùng để pha màu, quậy keo... Và tôi biết chắc nó sẽ thử chở tôi bằng chiếc xe lửa nó mới được tặng.
Tôi nghe Walter khóc dữ mà lo ngại, vì tôi muốn gia đình hòa thuận tối hôm nay, đồng thời tôi cũng buồn lòng khi hiểu con người mau già như thế nào: vậy ra Julius không còn biết là cái tách không quai có thể đáng trọng và quý hơn chiếc xe lửa mới tinh hay sao? Anh ta đã quên điều ấy: anh ta cứ một mực từ chối, không chịu đem tôi vào cho Walter. Tôi nghe anh ta mắng, không chỉ Walter khóc mà cả Dianna cũng thế, và việc Dianna khóc làm tôi đau lòng: tôi thương Dianna.
Dù chính cô là người đã làm gãy quai của tôi; khi dọn nhà từ Đồng Lunebourg về Hambourg, cô gói tôi lại nhưng không đệm đủ nên tôi phải mất quai, vậy mà tôi vẫn được quý: hồi đó, cả cái tách không quai cũng quý. Lạ thay, khi lại có tách để mua, chính Julius muốn ném tôi đi nhưng Dianna bảo:
- Julius, anh muốn ném bỏ cái tách thật sao - cái tách đó à?
Julius đỏ mặt, nói:
- Xin lỗi em!
Và nhờ vậy, tôi còn sống, trải qua bao năm cay đắng phải làm lọ đựng xà phòng cạo râu, mà bọn tách chúng tôi ghét làm lọ đựng xà phòng lắm.
Sau một thời gian dài, tôi mới lập gia đình lần nữa với một hộp sứ đựng kẹp tóc: vợ thứ hai của tôi tên Gertrud, nàng tốt với tôi, lại khôn ngoan nữa, và chúng tôi sống bên nhau hai năm tròn trên cái kệ kính ở phòng tắm.
Trời đã sụp tối; bên trong, Walter vẫn còn sống, và tôi nghe ai nói vô ơn gì đó - tôi chỉ biết lắc đầu: con người thật rồ dại biết bao! Ngoài này lặng im: trời đổ tuyết - con mèo đã chuồn tự lúc nào, nhưng tôi lại hoảng sợ: cửa sổ mở toang, Julius chụp lấy tôi, và qua đôi tay nắm chặt, tôi cảm thấy anh ta giận dữ như thế nào. Anh ta sẽ đập vỡ tôi chăng?
Phải là cái tách, người ta mới biết kinh sợ trong những khoảnh khắc tưởng mình sắp bị ném vào tường hay xuống sàn nhà. Nhưng cuối cùng, Dianna cứu tôi, lấy tôi ra khỏi tay Julius và lắc đầu nói nhỏ:
- Cái tách này, anh lại muốn...
Đột nhiên Julius cười, bảo:
- Xin lỗi em, anh quá nóng...
Walter đã ngừng khóc từ lâu, Julius ngồi đọc báo bên lò sưỡi, và Walter ngồi trên đùi anh ta, xem đá xà phòng tan trong tôi. Nó rút ống hút ra - và giờ đây cái tách không quai cũ kỹ và đầy vết bẩn đang ở giữa bao đồ chơi mới tinh, lòng tự hào vì đã làm mọi người hòa thuận trở lại, mặc dù lẽ ra tôi phải tự trách mình là nguyên nhân của sự xích mích ấy. Nhưng phải chăng tôi có lỗi khi Walter thích tôi hơn chiếc xe lửa mới?
Tôi chỉ ước một điều là Gertrud còn sống - nàng chết cách đây một năm - để thấy vẻ mặt của Julius: hình như anh ta đã hiểu ra điều gì...
Chú thích:
[1] Johann Joachim Winckelmann sinh năm 1717 ở Stendal (Đức) là người đã cải cách khoa khảo cổ học; năm 1768, ông bị giết ở Triest (Ý).
Đêm Thánh Vô Cùng Đêm Thánh Vô Cùng - Heinrich Böll Đêm Thánh Vô Cùng