Chương 6
Ông ta ngạc nhiên:
- Tôi không nghĩ rằng ông gọi sớm như vậy.
- Tôi không thể nán lại đây được nữa. Công việc gấp quá. Đã tìm được gì chưa?
- Có vài điều đấy, tuy không nhiều lắm. Nhân viên phụ trách việc kiểm tra các tiệm cầm đồ và cửa hàng đồ cũ vẫn chưa thấy dấu vết của chiếc măng tô lông. Còn người điều tra ở Devaur Hotel chỉ mới hỏi phiên trực ban ngày, nhưng dù sao cũng đã phát hiện được một số chi tiết lý thú. Người gác cổng và nhiều trẻ chạy vặt nhớ lại rằng có thấy vợ ông mặc chiếc măng tô lúc đến đây. Nhưng không một ai nhớ được bà ta có mặc nó trong hai ba ngày cuối. Nhưng nếu như nó bị mất hay mất cắp thì bà nhà đã không hề báo gì, cả cho khách sạn, cả cho cảnh sát. Tiếp theo. Theo lời bà hầu phòng ở tầng có phòng của vợ ông thì tất cả các buổi tối, bà nhà đều ở một mình trong phòng. Không một ai trông thấy có nguời đàn ông nào xuất hiện trong phòng, cũng như không hề có dấu hiệu gì là họ đã ở đó. Nhìn chung, không có ai đến thăm bà ấy cả. Chỉ một lần có một người đàn bà, có lẽ bà Dikinson, gọi điện tới. Nhưng có một điều lạ lùng: Bà nhà thường vắng mặt tại khách sạn từ buổi trưa tới chiều. Luôn luôn yêu cầu đánh thức lúc 10 giờ 30, bữa sáng được đem lên tận phòng. Sau đó, khoảng 1 giờ kém 15 bà ấy ra khỏi khách sạn. Người gác cổng phải thường xuyên gọi taxi vào giờ đó nhưng chưa bao giờ nghe thấy bà ấy bảo tài xế chở đi đâu. Chúng tôi đã sang tấm hình của bà ta thành nhiều bản và tới 4 giờ chiều sau khi đổi ca chúng tôi sẽ đến tất cả các công ty taxi chủ yếu để có thể hỏi được tối đa các tài xế lái xe phiên ngày. Tin rằng chúng tôi sẽ gặp một người nhớ ra bà nhà và sẽ cho biết đã chở bà ấy đi đâu.
- Tốt lắm! Quả tình những tin tức thu được có vẻ quan trọng. Rất cám ơn!
- Tôi tin rằng đến sáng mai chúng tôi sẽ biết tất cả những gì cần thiết. Sau đó, do dự một lúc Norman nói thêm: - Thưa ông Warren tất nhiên đó là việc của ông và ông có thể không nói, nhưng ông sẽ giúp chúng tôi rất nhiều nếu như cứ nói thẳng. Trong thời gian bà nhà ở New Orleans ông không nhờ ai theo dõi bà ấy chứ?
- Không, xin thề là không hề nhờ! Thế nhưng sao?
- Tôi cảm thấy người ta theo dõi bà nhà rất ráo riết. Có ai đó rất quan tâm tới mọi hành động của bà ấy ở thành phố chúng tôi.
- Ông căn cứ vào đâu mà nói như vậy?
- Chắc ông biết bọn trẻ trong khách sạn, đây là tôi muốn nói về bọn chạy việc vặt ấy, là những người rất thạo tin, hầu như không có gì qua nổi mắt chúng. Một đứa trong số đó đã nói bóng gió cho Snyder hay rằng nó có biết một chuyện gì đó. Và khi người của tôi tặng thêm cho nó 5 đôla thì thằng bé đã kể như sau: Bất kỳ lúc nào hễ bà nhà rời khỏi khách sạn thì lập tức có một thám tử bám theo ngay. Lần nào cũng vẫn một tay thám tử ấy. Chú bé chạy vặt tin chắc rằng đó là một thám tử tư. Anh ta xuất hiện trong gian tiền sảnh của hotel vào giữa trưa và láng cháng ở đó, làm bộ như đang đọc báo. Và khi bà ra khỏi thang máy là anh ta điềm nhiên lên taxi và theo sau luôn.
- Thế ông có nghĩ rằng thằng bé có thể bịa tất cả chuyện đó để kiếm thêm 5 đôla không?
- Không loại trừ khả năng ấy. Nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Theo mô tả của thằng bé thì tôi biết tay kia. Đó là một thám tử nhà nghề.
- Ông có thể nói được tên của tay thám tử kia không?
- Không.
- Thế cảnh sát có bắt anh ta phải nói được không?
- Dĩ nhiên. Nhưng hiện thời ông không có gì để tìm đến cảnh sát hết. Không có điều luật nào cấm người vợ tiêu tiền riêng của mình. Và thậm chí cả tiền của ông nữa, xin nói thẳng như vậy.
- Thôi được. - Tôi hình dung Norman sẽ có bộ mặt như thế nào khi ông ta giở những tờ báo buổi chiều hôm nay. - Ông tiếp tục thu thập tin tức đi. Xin chào ông!
Bỏ máy xuống tôi lại móc ra một nắm xu và lại xin điện thoại liên tỉnh.
- Cho tôi nói chuyện với ông Mack Knight - Công ty xây dựng El Passo bang Texas.
- Được, xin ông giữ máy.
Mack là bạn cũ của tôi: Ở Pensilvania chúng tôi học với nhau trong một trường quân sự, sau đó lại gặp nhau trong trường đại học ở Texas, cùng một lớp. Năm nào chúng tôi cũng đi săn gà lôi với nhau. Tôi cầu trời đừng để cậu ta đi đâu vắng. Và tôi gặp may.
- John hả? A, cậu đấy à, thằng bợm già? Cậu rúc vào đâu thế?
- New Orleans.
- Vậy thì lấy vé đi chuyến máy bay đầu tiên đến đây với tớ, chúng ta cùng đi săn.
- Tớ rất muốn vậy nhưng xin cậu hiểu cho, tớ đang kẹt quá.
- Cậu muốn nói gì vậy?
- Tớ đang nằm trong tình trạng hết sức khó khăn, anh bạn ạ. Tớ đang cần được giúp đỡ.
- Thế thì nói đi, anh bạn già.
- Nghe đây, tớ muốn báo trước cho cậu luôn. Cậu có thể gay go nếu như có ai chứng minh được rằng...
Cậu ta ngắt lời:
- Tớ đã bảo rồi mà, nói đi, đồ đầu gỗ. Còn lại là việc của tớ.
- Cậu hãy đánh cho tớ một bức điện.
- Khỉ, chỉ có thế thôi à?
- Thế thôi. Gửi nó vào sáng mai, khoảng gần 6 giờ, từ một nơi nào đó mà không một ai biết cậu. Có bút đấy không?
- Có, đọc đi.
- Hãng môi giới mua bán bất động sản Warren, Carfaghen, Alabama. Liên lạc ngay với hãng của Lewis Norman ở New Orleans về hồ sơ có ký hiệu B-511. Chấm. Tôi sẽ gọi điện về sau. Ký. Vivers.
- Tớ hiểu rồi.
Cậu ta đọc lại bức điện.
- Tớ không thể làm gì hơn được nữa sao?
- Không. Gracias amigo! (Cám ơn anh bạn - Tiếng Tây Ban Nha).
- Por nada (Không sao - Tiếng Tây Ban Nha). Thế nào, kẹt lắm hả?
- Kẹt lắm.
- Được rồi, cậu không đơn độc đâu. Cậu luôn luôn có một người bạn tin cậy.
- Đừng bỏ tớ nhé, Mack! Tớ xin cậu đấy!
Tôi bỏ ống nghe và quay về bãi để xe. Chiếc xe cũ kỹ nhưng làm việc khá lắm. Qua cầu trên sông Mississipi, bên kia cầu, tôi mua một ít sandwich và một bình thủy đựng đầy café thật đặc. Sau đó tôi tìm một quán trọ dọc đường và ngủ cho tới nửa đêm rồi lại ra xe. Lúc 3 giờ đêm tôi mới về tới Carfaghen.
Về phía bắc con lộ, ở ngoại vi phía tây thành phố có một khu nhà ổ chuột mà trung tâm của nó là một xưởng làm gạch bông. Đến rìa thành phố tôi rẽ tay trái và chạy về hướng khu nhà và để xe cạnh một công trình cũ kỹ sụt lở. Dọc theo vỉa hè còn có đến cả chục chiếc xe già nua nữa, xe tôi có thể đứng lẫn trong đám này cả tuần lễ mà không sợ bị cảnh sát để ý, dù nó có biển đăng ký của bang khác, bang Lousiana.
Tôi chăm chú quan sát con đường chìm trong bóng đêm. Không một cửa sổ nào sáng đèn. Chui ra khỏi xe, tôi cầm vali và quay lại đi ngang đường lộ nối liền với đường Cleburn sáng rực dưới ánh đèn thủy ngân vàng. Tôi đi bộ dưới đường phố, nhìn thấy hai ba chiếc xe tắt đèn đậu trước tiệm café Fuller. Xung quanh chẳng có mống nào.
Tôi rảo bước, cắt ngang qua đường Cleburn và nép sát vào tường các ngôi nhà ở vỉa hè phía đó, tôi lần mò đi tới tận ngã tư cắt với đường Tailor. Sau đó tôi lại rẽ trái, đi về trung tâm. Có tiếng chó sủa gần đâu đây. Những ngọn đèn đường ở các ngã tư hơi chao đi trong gió, bóng cây nhảy nhót trên mặt đường.
Dĩ nhiên là tôi rất hồi hộp. Chốc chốc lại nhìn quanh, nín thở, thấp thỏm chờ đợi ánh đèn pha xe tuần đêm hiện lên bất chợt. Đôi giày của tôi gõ cồm cộp như tiếng búa nện trên mặt đường để phá vỡ cái im lặng buổi đêm như cố tình tố cáo tôi. Thế là tôi đã bỏ lại phía sau hai khối nhà, rồi ba. Khi qua đường Marson, trước mắt tôi bỗng rực lên ánh đèn néon trên tấm biển của văn phòng phục vụ mai táng. Toàn thân tôi run bắn lên. Tôi co cẳng chạy gằn.
Rốt cuộc tôi cũng đến được tiệm café Fuller. Tất nhiên ở đó vắng ngắt. Tôi chỉ còn phải qua đường, rẽ trái và đi đến cái ngõ hẻm chạy qua phía sau văn phòng của tôi. Tôi đang ở giữa lòng đường, lồ lộ, dù là nhìn từ phía nào tới. Còn khoảng ba mươi bước nữa thôi - và đây rồi, cái hẻm cứu tinh! Vào đúng lúc đó từ phía sau nghe vẳng lại tiếng xe hơi tới gần. Tôi cắm đầu chạy. Chiếc xe ngoặt gấp, ánh đèn pha cắt màn đêm xoe xóe.
Nó sẽ tóm được tôi thôi, cái ánh đèn ấy! Tôi chạy vọt vào hẻm, nép sát vào tường phía sau góc nhà. Chiếc xe phóng vọt qua, thậm chí không kịp nhận rõ có phải là xe cảnh sát không nữa.
Người đầm đìa mồ hôi, phải mất mấy phút tôi không thể cử động được. Sau đó tôi sờ soạng trong túi tìm chìa khóa. Bước qua hẻm, tôi mở cửa sau dẫn vào văn phòng và thở phào nhẹ nhõm khi cánh cửa đã đóng lại sau lưng. Không ai nghĩ phải kiếm tôi ở đây. Bây giờ thì tất cả phụ thuộc vào Barbara Ryan. Nếu cô ta tin rằng tôi đã giết France thì cô ấy sẽ gọi cảnh sát...
*
Tôi tỉnh dậy lúc vừa sáng. Đồng hồ chỉ 7 giờ hơn. Trong văn phòng vẫn tối lờ mờ. Lấy bộ đồ cạo râu trong vali ra tôi bắt đầu cạo mặt. Sau đó tôi thay một chiếc sơ mi sạch, lấy bàn chải chải lại bộ quần áo không hiểu đã bị dính cái gì đó. Cảm giác tuyệt vọng dần dần qua đi và ngược lại, tôi cảm thấy mình có đủ sức để thách thức số mệnh. Ăn miếng bánh kẹp và uống một ly café trong chiếc phích, tôi ngồi vào bàn giấy hút thuốc. Barbara phải đến đây sau 10 phút nữa - văn phòng mở cửa lúc 8 giờ. Còn Turner và Evans, những người chạy giấy của tôi sẽ đến vào lúc 9 giờ kém 15. Tôi viết lại nội dung bức điện mà Mack sẽ gửi đến vào một mảnh giấy rồi ngồi đợi.
Cửa mở. Nghe có tiếng ngăn bàn kéo ra rồi đóng lại - chắc là Barbara bỏ túi xách của mình vào vị trí quen thuộc. Hai ba phút sau đã nghe tiếng máy chữ gõ liên hồi như súng liên thanh.
Tôi đưa tay đến nút chuông nhưng rồi lại do dự. Cô ta sẽ làm gì? Hét toáng lên? Chạy ra đường kêu cứu? Hay gọi điện cho Scanlon? Thôi muốn ra sao thì ra, bắn đi rồi đưa súng cho người khác, như ông bác tôi hay nói trong những trường hợp tương tự! Tôi nhấn chuông.
Tiếng máy chữ lập tức ngừng bặt, một sự im lặng khó chịu ào đến. Trong mấy giây - mà tôi thấy như dài vô tận - hoàn toàn không có gì xảy ra. Sau đó có tiếng xô ghế và tiếng đóng cửa. Nhưng đó là cánh cửa dẫn vào hành lang. Tôi thở một hơi nhẹ nhõm và nghĩ thầm: phải là con lừa, làm việc suốt một năm trời với người đàn bà này mà không phát hiện thấy ở cô ta một thiên tài. Đối với bất kỳ người qua đường tò mò nào, từ bên ngoài thì thấy rằng đó là cô ta vào toilet chứ không phải vào phòng làm việc của sếp. Ngửa người trên ghế bành, tôi đan hai bàn tay vào nhau và chăm chú nhìn cánh cửa ngách, chờ đợi. Lát sau cánh cửa nhẹ nhàng mở ra. Trong đôi mắt xanh của Barbara không hề có lấy chút xíu nào sợ hãi hay bối rối.
- Cô vào đi!
Cô ta ngoan ngoãn khép cửa, sau đó đứng lại gần chiếc giá mà tôi bày bộ sưu tập súng săn của mình.
Chính bằng cách xử sự này Barbara đã trả lời câu hỏi vẫn nung nấu, nhưng tôi thấy cứ phải hỏi.
- Cô có tin rằng tôi giết cô ta không?
- Không - Cô đáp ngắn gọn.
- Có lẽ cô là người duy nhất có ý kiến như vậy.
Cô ta lắc đầu.
- Vụ án mạng này dĩ nhiên đã gây ra nhiều chuyện ồn ào, nhưng bây giờ, tất cả mọi người còn đang ngơ ngác, không ai còn hiểu ra làm sao nữa. Không ai tin rằng ông có tội, mặc dù có những bằng chứng có vẻ như rất hiển nhiên. Nhưng tôi là người duy nhất tin rằng ông sẽ quay trở lại.
- Tại sao vậy?
- Ngay từ lúc tôi hiểu ra ý nghĩa lời ông dặn lập danh sách các thứ trong két và giao nó cho Scanlon. Ông muốn ông ta biết rằng ông đã mang theo các phiếu chuyển tiền.
- Đúng. Lập tức ông ta sẽ suy ra rằng không có tiền thì tôi không thể đi đâu khỏi thành phố được hết, cũng như tôi sẽ không moi đâu ra tiền trong trường hợp chạy trốn. Bởi vậy tôi nghĩ rằng việc đầu tiên ông ta sẽ hỏi xem có những giấy tờ có giá trị hay tiền nong gì trong két sắt của tôi không? Ồ, cô ngồi xuống đi Barbara.
Cô ta ngồi xuống một cái ghế bành. Cuối cùng Barbara tò mò hỏi:
- Làm thế nào mà ông quay về được?
- Thực ra, tôi chẳng từ đâu quay về cả! Xe tôi vẫn nằm ở New Orleans. Cô cũng không hề gặp tôi tại đây, đúng vậy không?
- Dù thế nào tôi cũng không định báo cho ai biết là ông đã về.
- Cho rằng họ biết được và tóm cổ tôi trong văn phòng của mình. Ngay cả trong trường hợp đó cô cũng không hề biết là tôi có mặt ở nơi đây. Cô chẳng thấy có gì cần phải vào phòng làm việc của tôi hết. Tất cả những gì cần thiết cho công việc, kể cả hộp đựng thư mục, đều ở trong phòng cô cả rồi.
-Thôi được, nếu ông muốn vậy. - Barbara mỉm cười - Vậy tôi còn không biết những gì nữa?
- Rằng tôi nghe trộm tất cả các cuộc nói chuyện điện thoại, cứ cho rằng điện thoại nội bộ của tôi ngẫu nhiên chưa ngắt. Chừng một giờ nữa cô sẽ nhận được một bức điện đánh đi từ El Passo, ý nghĩa của nó cô không hiểu nổi. Nó đây.
Tôi chìa cho cô ta mảnh giấy. Barbara đọc, cắn môi, vẻ trầm ngâm.
- Thoạt tiên tôi nghĩ rằng chúng tôi không hề quen biết một ông Vivers nào hết và chúng tôi cũng chẳng có hồ sơ nào mang số hiệu B-511cả. Nhưng tôi là một người đàn bà chịu khó, hơn nữa tôi lại sắp được lên lương, tất nhiên, tôi cầm điện thoại và gọi cho hãng Norman, bởi vì ông thì không có đây, mà công việc là công việc.
- Tuyệt lắm. - Tôi tán thuởng. - Lúc ấy cô mới biết rằng đó là một hãng thám tử tư, còn bức điện là do tôi gửi về. Cô báo ngay điều đó cho Scanlon, đồng thời chuyển cho ông ta tất cả những tin tức nhận được từ chỗ Norman. Tất nhiên là nếu có.
Mặt Barbara phảng phất cười.
- Chúa ơi! Đàn bà gì cái ngữ như tôi mà tệ hại vậy! Chỉ điểm cả ông chủ của mình nữa!
- Cô là một công dân Hoa Kỳ biết tôn trọng pháp luật! Và không hề muốn che giấu cảnh sát chuyện gì! Hơn nữa, nếu điều đó giúp họ khám phá ra vụ án giết một lúc hai mạng người. Sau đó cô sẽ tiếp tục nhận được những bức điện khác nữa. Cả chính cô cũng đọc cho Scanlon nghe qua điện thoại.
- Cũng được, tôi nghĩ rằng điều đó phù hợp tính cách của tôi. Tôi là một con bé khá đoảng, rất có thể quên không ngắt điện thoại nội bộ và thậm chí ông có thể nghe thấy tôi quay số điện thoại như thế nào. Hay lắm, chúng ta đã nắm được toàn bộ những ưu điểm của tôi rồi hay còn gì nữa?
- Còn đấy. Chắc cô chưa rõ hôm nay sẽ có gì ở rạp Crown?
- DT nhiên là chưa. Nlurng tôi rất muốn biết, xem nào, hôm nay là thứ bảy, có nghĩa là một giờ quầy vé mới mở cửa.
Cô ta trầm ngâm suy nghĩ.
- Doris Bently? Thế mà tôi không nhớ ra...
- Erny nói rằng Roberts có đi lại với cô ta. Và cô có nhớ không, cô ta đã làm việc ở chỗ France. Tôi thấy hình như có một mối liên hệ nào đó.
- Có thể. - Barbara gật đầu đồng tình. - ông nghĩ rằng ông sẽ nhận ra giọng cô ta nếu ông nghe thấy?
- Phải thử xem đã.
- Ông cho rằng cô ta biết chuyện đó?
- Tôi cũng không rõ nữa.
Tôi kể lại cho Barbara nghe tất cả, không thiếu một lời những gì cô ả gọi điện giấu tên đã nói với tôi.
- Tôi tin rằng nếu có một người đàn ông nào đó dính dáng ít nhiều vào vụ này. Và nếu biết được anh ta là ai, chúng ta sẽ đạt được một cái gì đấy rõ ràng hơn.
Sau đó tôi kể lại vắn tắt cho Barbara nghe về số tiền và chiếc áo măng tô đã mất và thông báo về nghi vấn của Norman là hình như France đã trở thành đối tượng theo dõi của một thám tử nhà nghề trong thời gian ở New Orleans.
Barbara đứng dậy đi ra phía cửa.
- À, mà nhân tiện nói luôn. Điện thoại của chúng ta được mắc vào cùng một mạng, cho nên nếu ông không muốn có hai tiếng động khác nhau thì chúng ta phải nhấc máy lên cùng một lúc. Chẳng hạn như sau hồi chuông thứ ba. Ông không phản đối chứ sếp?
- Cô thật là tuyệt vời, Barbara! - Sự thán phục của tôi hết sức chân thành. - Tôi không biết cám ơn cô như thế nào cho phải?
- Điều đó không làm được đâu, sếp! - Barbara cười. - Ông có ở đây đâu? ông ở El Passo kia mà!
Vài phút sau tiếng máy chữ lại vang lên giòn giã. Tôi hài lòng đốt một điếu thuốc và sắp xếp lại ý nghĩ.
Phải có một mối liên hệ nào đó giữa chi tiêu của France và nguồn thu nhập bí ẩn của Roberts mà Erny đã ghi nhận được. Nhưng liên hệ như thế nào? 7.000 đôla hết biến trong một tuần lễ cuối cùng, còn Roberts, nếu Erny nói đúng thì đã khơi cái mạch vàng của mình không phải chỉ mới một tháng. Có thể kiểm tra một vài điều mà không phải bước chân ra khỏi văn phòng. Tất cả những chi tiêu hàng tháng của chúng tôi có thể xác minh dễ dàng theo sổ sách kế toán năm ngoái. Tôi mở ngăn bàn, lôi từ trong đó ra 12 chiếc phong bì cũ, lấy các bản kế toán và bắt đầu nghiên cứu. Bỗng có chuông điện thoại.
Sau hồi chuông thứ ba, tôi nhấc máy và dùng tay che ống nói.
- Văn phòng giao dịch bất động sản Warren đây. - Barbara nói - Xin chào.
Có tiếng đàn bà the thé rít lên:
- Ra là đúng vậy đấy! Thế mà người ta kể lại tôi không tin!!!
- Bà nói gì, thưa bà. - Barbara lịch sự hỏi lại.
- Tôi hỏi gì đấy à? - Bà kia nghẹn ngào vì tức giận - Cô còn dám ở lại làm việc cho con quái vật ấy nữa! Chẳng lẽ cô không có chút liêm sỉ nào?
- À, ra thế. - Barbara nhẹ nhàng nói: - Có nghĩa là ông ta đã bị xét xử và kết án rồi? Thế mà tôi không biết đấy!
- Ô, lạy chúa! Chưa bao giờ một chuyện đê tiện đến mức ấy lại...
Trong dây nói có tiếng động gì đó và giọng nói im bặt. Tôi đặt ống nghe xuống.
Trong phòng Barbara lại nổi lên tiếng máy chữ lóc cóc. Sau đó là một lúc im lặng, rồi có tiếng lạo xạo trong điện thoại nội bộ treo bên trái tôi.
- Mụ phù thủy già tâm thần! Barbara nói khe khẽ - Bà ta phát điên lên vì tức giận!
Tiếng động lặng đi. Không biết Barbara đã phải nghe bao nhiêu cú điện thoại tương tự trong suốt ngày hôm qua? Và rồi còn bao nhiêu nữa? Tôi áy náy vì đã để cô lại một mình chống chọi, còn mình thì chuồn mất.
Xua đuổi mối cảm hoài, tôi lại bắt tay vào so các số liệu năm ngoái. Roberts xuất hiện vào tháng 4 và mở luôn cửa hàng của mình. Nhưng trong nửa năm đầu, tức là từ tháng giêng tới tháng bảy, mỗi tháng trung bình France rút 200 đôla. Các con số dao động từ thấp nhất là 145 đôla đến cao nhất là 315 đôla. Sau đó, vào tháng tám, chi tiêu của cô ta nhảy vọt lên đến 625 đôla, cộng với hai tấm séc 200 đôla. Đến tháng chín lại trở về 200, tháng mười 350, tháng mười một 410 và tháng chạp 500.
Than ôi, những con số không làm rõ ràng thêm gì hết. Từ lúc Roberts xuất hiện tháng 4 cho đến tháng 8 không hề có biến động đáng kể nào trong chi tiêu. Sau đó, từ tháng tám đến tháng chạp, cô ta rút séc với tổng số tiền là 2 ngàn đôla, trung bình cứ mỗi tháng 400 đôla. Có lẽ ở đây có ý nghĩa nào đó nhưng không có gì có thể giải thích cho những nghi vấn của Erny. Trong công việc kinh doanh mà người ta xoay trở dễ dàng thế này thì 200 đôla chưa là cái gì cả.
Tuy vậy sự giống nhau về hoàn cảnh, thậm chí về cách xuất hiện của Roberts và France ở Carfaghen này làm ta phải suy nghĩ. Lẽ nào sự trùng hợp đó là ngẫu nhiên! Trước đây họ đã quen nhau chưa? Một người xuất hiện ở một thành phố nhỏ nơi không ai biết anh ta và mở ở đó một cửa hàng thì còn cho qua được, chứ hai người một lúc? Ở đây có cái gì không ổn...
Có tiếng kẹt cửa. Có lẽ Turner và Evans đã đến. Nhưng liếc nhìn đồng hồ - đã 10 giờ kém 5 - tôi hiểu rằng mấy tay chạy giấy của tôi đã rời bỏ con tàu đắm. Nghe thấy những tiếng nói khe khẽ, sau đó cửa lại mở ra và đóng vào.
- Nào ta bắt đầu! - Barbara nói vào điện thoại nội bộ - Bức điện đã đến.
Mack đã không bỏ rơi tôi trong cơn hoạn nạn.
Đêm Chủ Nhật Dài Đêm Chủ Nhật Dài - Charler Williams Đêm Chủ Nhật Dài