Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Tan Tành Ô Cửa Kính
ôi vừa mới mô tả một tấm ảnh Oskar lấy cả người cùng với trống và dùi trống, và đồng thời tiết lộ những gì mà trong khi được chụp hình tại bữa tiệc sinh nhật, bên cạnh chiếc bánh gatô có cắm ba ngọn nến, Oskar đã dứt khoát quyết định sau ba năm nghiền ngẫm thật chín. Nhưng giờ đây, cuốn album đang nằm im bên cạnh tôi và tôi phải nói về một số sự kiện chẳng liên quan gì với nó. Những sự kiện này không giải thích tại sao tôi cứ tiếp tục ba tuổi mãi, nhưng đó là những điều đã xảy ra thật và, hơn thế nữa, lại do chính tôi gây ra.
Ngay từ đầu tôi đã thấy rõ và tự bảo: đám người lớn sẽ không hiểu mày đâu. Nếu mày thôi lớn một cách rõ rệt, họ sẽ bảo là mày chậm phát triển; họ sẽ mang tiền theo, lôi mày tới hàng tá bác sĩ và, nếu không phải tìm cách điều trị, thì cũng là một lời giải thích, cho khiếm tật của mày. Do vậy, để giới hạn các cuộc khám bệnh trong phạm vi có thể chịu đựng được, tôi cảm thấy mình buộc phải cung cấp một nguyên cớ khả dĩ nghe lọt tai để cắt nghĩa tại sao tôi thôi lớn, trước khi một ông bác sĩ nào đó kịp đưa ra lời giải thích của mình.
Một ngày nắng đẹp tháng Chín, sinh nhật lần thứ ba của tôi. Một không khí mơ mộng cuối hè; ngay cả Gretchen Scheffler cũng giảm âm lượng tiếng cười của mình. Mẹ tôi dạo trên dương cầm vài giai điệu trong vở Nam tước Digan. Jan đứng đằng sau, tay chạm nhẹ lên vai mẹ, làm bộ như đang lắng nghe nhạc. Trong bếp, Matzerath đã bắt tay vào làm bữa tối. Bà ngoại Anna cùng với Hedwig và Alexander kéo nhau đến ngồi với Greff vì tay chủ hiệu ở rau quả này biết nhiều chuyện, những chuyện về hướng đạo sinh đầy lòng dũng cảm và trung thành; và ở cuối phòng, chiếc đồng hồ chuông không bỏ qua một khắc nào của cái ngày tháng Chín như dệt bằng lụa mỏng này. Và vì tất cả bọn họ đều bận bịu chẳng kém gì cái đồng hồ chuông, tôi bèn rời nước Hunggari của ông Nam tước Digan, tạm biệt các hướng đạo sinh của Greff (họ đang thám hiểm dãy núi Vosges), bỏ qua căn bếp của Matzerath ở đó nấm Kashubes và trứng đánh với dạ dày bò đang xèo xèo trên chảo, theo hành lang ra cửa hàng, vừa đi vừa dạo khẽ trên trống một nét ngẫu hứng. Này đây tôi đã đứng ở quầy trong cửa hàng, bỏ lại xa đằng sau lưng tất cả: dương cầm, nấm và núi Vosges. Tôi nhận thấy cánh cửa xập dẫn xuống hầm kho vẫn để mở; chắc là Matzerath lúc xuống lấy một hộp mứt quả để tráng miệng, đã quên không đóng lại.
Phải mất một lúc tôi mới hiểu ra cái cửa xập ấy xui tôi làm gì. Không phải là tự sát, nhất định rồi. Như thế thì quá đơn giản. Tuy nhiên, phương án kia thì khó và đau đấy, nó đòi hỏi phải hy sinh và ngay từ buổi ấy, điều này đã làm tôi đổ mồ hôi trán như mỗi lần sau này khi người ta đòi hỏi tôi phải hy sinh. Quan trọng hơn cả là làm sao cho cái trống của tôi không bị hư hại gì; vậy phải mang nó thật cẩn thận xuống mười sáu bậc cầu thang mòn vẹt rồi đặt vào giữa những bao bột, tạo nên lý do tại sao nó vẫn nguyên vẹn. Rồi trở lên tới bậc thứ tám, không, thứ bảy, không, kể ra bậc thứ năm cũng được. Nhưng từ độ cao này thì không thể dung hòa hai kết quả: an toàn và vết thương hợp lý được. Thế là lại ngược lên đến bậc thứ mười - không, cao quá - cuối cùng, từ bậc thứ chín, tôi nhào đầu xuống, kéo theo cả một cái giá đầy những chai xirô phúc bồn tử và ngã sóng xoài trên sàn xi-măng của căn hầm kho.
Ngay trước khi bất tỉnh, tôi còn kịp nhận thấy thành công mỹ mãn của cuộc thử nghiệm: những chai xirô phúc bồn tử (quả framboise & raspberry) mà tôi cố tình kéo theo trong cú ngã va nhau loảng xoảng, đủ ầm ĩ để rứt Matzerath ra khỏi bếp, mẹ tôi ra khỏi dương cầm và số khách còn lại của bữa tiệc sinh nhật ra khỏi dãy núi Vosges và tất cả ùa ra cửa hàng, tới chỗ cánh cửa xập mở toang và lao xuống các bậc thang.
Trước khi họ tới, tôi còn kịp hít một hơi xirô phúc bồn tử, quan sát thấy đầu mình đang chảy máu và tự hỏi (trong khi bọn họ đang xuống cầu thang) cái mùi dìu dịu và buồn ngủ kia là từ đâu, từ máu của Oskar hay từ những trái phúc bồn tử? Dù thế nào đi nữa, tôi cũng hài lòng vì mọi sự đã thông đồng bén giọt và nhờ sự lo xa của tôi, cái trống không hề sứt mẻ tí nào.
Tôi đồ rằng Greff đã bế tôi lên khỏi hầm. Mãi đến lúc vào phòng khách rồi, Oskar mới ngoi ra khỏi cái đám mây tạo nên bởi hai thành tố - một nửa là xirô và nửa kia là dòng máu trẻ của nó. Thầy thuốc chưa đến, mẹ tôi tru tréo và vung tay đánh tới tấp vào mặt Matzerath bằng cả lòng và mu bàn tay, gọi ông là đồ sát nhân trong khi ông cố trấn an mẹ.
Vậy là bằng mỗi một cú ngã đành rằng cũng khá mạnh nhưng được tính toán kỹ từ trước, không những tôi đã cung cấp cho những người lớn lời giải thích quan trọng (được các thầy thuốc xác nhận năm lần bảy lượt) cho việc tôi thôi lớn, mà ngoài ra, còn biến ông Matzerath hồn hậu, vô hại thành một ông Matzerath phạm tội (thực tình tôi đâu có dụng ý làm thế), ông đã quên không đóng cánh cửa xập. Mẹ tôi đổ hết tội lên đầu ông và trong nhiều năm sau, thi thoảng ông vẫn phải hứng chịu những lời trách mắng không thương tiếc của mẹ tôi.
Cú ngã làm tôi phải nằm nhà thương bốn tuần lễ và sau đó, ngoại trừ những buổi khám bệnh hàng tuần tại nhà bác sĩ Hollatz, tôi được tương đối yên thân về phía ngành y. Ngay từ ngày đầu tiên trong vai trò người đánh trống, tôi đã phát thành công một tín hiệu cho thế giới; “ca” của tôi đã được làm sáng tỏ ngay cả trước khi những người lớn kịp nghĩ đến bản chất thật sự của tình trạng mà chính tôi đã gây ra. Từ nay về sau, cách giải thích chính thức sẽ là: vào dịp sinh nhật lần thứ ba, bé Oskar của chúng tôi bị ngã xuống cầu thang hầm kho, xương cốt tuy nguyên vẹn, nhưng không lớn được nữa.
Và tôi bắt đầu chơi trống. Nhà chúng tôi có bốn tầng. Từ tầng trệt đến tầng áp mái, tôi cứ lên lên xuống xuống, vừa đi vừa đánh trống. Từ Labesweg, tôi ra Quảng trường Max-Halbe, đến Neuschottland, đường Anton-Mưller, phố Nữ thánh Marie, công viên Kleinhammer, nhà máy bia cổ phần, hồ Aktien, bãi cỏ xanh Frobel, trường Pestalozzi, Chợ Mới, rồi quay trở về Labeweg. Cái trống của tôi chịu đựng tốt sự căng thẳng ấy, nhưng những người lớn quanh tôi thì không, họ luôn luôn muốn cắt đứt nhịp trống của tôi, ngáng trở nó; nhưng tạo hoá đã phù trợ cho tôi.
Cái khả năng sử dụng trống để thiết lập một khoảng cách cần thiết giữa tôi và những người lớn đã phát triển nơi tôi ít lâu sau cú ngã, gần như đồng thời với sự xuất hiện của một chất giọng khiến tôi có thể hát và ngân rung ở một cao độ ghê gớm, có nghĩa tôi có thể hát - thét chói tai đến nỗi không ai dám tước đi cái trống làm đinh tai họ, bởi vì hễ nó bị giật khỏi tay tôi là tôi thét liền và khi tôi thét là nhiều thứ đồ quý giá vỡ tan tành. Tôi có cái khiếu hủy hoại thủy tinh bằng tiếng hát. Tôi thét vỡ bình hoa. Tôi hát nổ ô kính cửa sổ cho gió lùa mặc sức. Như một đóa kim cương tinh khiết - và bởi thế càng khắc nghiệt - giọng tôi bổ toác các tủ kính và, không hề mất đi chất hồn nhiên ngây thơ, xâm nhập vào tận bên trong phá phách bộ ly uống rượu thanh mảnh, hài hòa, phủ một lớp bụi mỏng - quà tặng của một người thân.
Chẳng bao lâu, những năng khiếu của tôi trở nên khét tiếng khắp phố, từ đường Brösener đến khu cư xá cạnh sân bay. Hễ bọn trẻ con hàng xóm trông thấy tôi - những trò chơi của chúng như “Một, hai, ba, cá trích ngâm giấm” hay “Đâu rồi, mụ phù thủy đen như hắc ín?”... chẳng hấp dẫn tôi chút nào - là cả dàn đồng ca mặt mày nhem nhuốc của chúng lại cất tiếng nheo nhéo:
Tan tành ô cửa kính
Uống bia tươi với đường
Cô Hai Mít má phính
Thổi kèn dưới hàng dương
Một bài vè ngớ ngẩn, vô nghĩa. Tôi chẳng lấy gì làm phiền, mà còn lấy luôn cái tiết tấu đơn giản nhưng không phải là không có duyên ấy hòa nhập vào điệu trống suốt từ đầu đến cuối, này bia tươi, này cô Hai Mít. Cứ thế khua vang trống, tôi diễu hành dọc phố và mặc dù tôi không phải là chàng Thổi Sáo dụ chuột thành Hameln, bọn trẻ vẫn lũ lượt đi theo tôi.
Ngay cả đến giờ, mỗi khi Bruno cọ cửa kính phòng tôi chẳng hạn, tôi vẫn dành một khoảnh khắc để dạo lại trên trống tiết tấu của bài vè đó.
Đáng bực hơn cái trò trêu chọc mang tính trữ tình ấy của bọn trẻ con và rầy rà hơn, nhất là đối với cha mẹ tôi, là cái thực tế tốn kém này: trong cả khu phố tôi, bất kỳ ô kính của sổ nào bị bọn du côn lớn hoặc nhỏ đập vỡ, người ta cũng nhất nhất đổ diệt cho tôi và giọng của tôi. Thoạt đầu mẹ tôi ngay thẳng và sòng phẳng đền những ô kính vỡ mà phần lớn là do súng cao-su, rồi cuối cùng mẹ hiểu ra vấn đề và, lấy vẻ mặt lạnh lùng trong giao dịch doanh thương, mẹ yêu cầu - ai đòi bồi thường phải đưa ra bằng chứng cụ thể. Và quả thật tôi bị kết tội oan. Vào thời kỳ ấy, không gì sai lầm hơn là gán cho tôi cái thói con nít mê đập phá, cái tật vô cớ thù ghét thủy tinh và đồ thủy tinh. Chỉ có những đứa trẻ chơi đùa mới phá hoại vì tinh nghịch. Tôi đây không bao giờ chơi cả. Tôi làm việc trên cái trống của tôi, còn về giọng tôi, những khả năng kỳ diệu của nó chỉ nhằm thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chí ít là vào thời kỳ đầu. Chỉ đến khi quyền được đánh trống của tôi bị đe dọa, tôi mới dùng thanh đới của mình làm vũ khí. Nếu cũng bằng âm độ ấy và kỹ thuật ấy, tôi có thể xé nát những khăn bàn gớm ghiếc thêu rối tinh rối mù của Gretchen Scheffler hoặc xóa bỏ lớp vẹc-ni sẫm trên chiếc dương cầm, thì chắc tôi đã vui vẻ để yên cho các đồ thủy tinh. Nhưng giọng tôi hoàn toàn vô hiệu đối với khăn bàn và vẹc-ni. Tôi không tài nào xóa được những họa tiết trên giấy phủ tường bằng những tiếng thét, cũng không thể, bằng cách xát mạnh hai âm hú kéo dài theo cách tổ tiên ta ở thời kỳ đồ đá xát hai mảnh đá vào nhau, tạo nên nhiệt lượng đủ là xoè tia lửa cần thiết để đốt những tấm rèm nỏ như bùi nhùi, ám khói thuốc lá ở hai cửa sổ phòng khách nhà chúng tôi cháy bùng lên thành những hoa văn trang trí. Tôi chưa bao giờ hát đến gẫy chân một chiếc ghế nào có Matzerath hay Alexanderr Scheffler đang ngồi bên trên. Tôi những muốn tự vệ bằng những phương cách vô hại hơn, đỡ huyền hoặc hơn, song tôi không có vũ khí nào khác; chỉ có thủy tinh chịu khuất phục uy lực của tôi và do đó phải trả giá.
Cuộc trình diễn thành công đầu tiên của tôi trong lĩnh vực này xẩy ra ít lâu sau bữa sinh nhật lần thứ ba của tôi. Tôi sở hữu cái trống đã được bốn tuần và đã cật lực dùng nó đến tơi tả. Tang trống sơn đỏ và trắng theo vạch răng cưa vẫn còn nối hai mặt trống với nhau, nhưng cái lỗ ở mặt trên đã lồ lộ; vì tôi không đụng đến mặt kia nên mỗi ngày nó một rộng thêm, tướp ra mọi phía thành những cạnh răng cưa lởm chởm. Những mảnh thiếc vụn, do dùi trống gõ bong ra, rơi vào bên trong và cứ mỗi nhát dùi nện xuống, lại ấm ức va nhau kêu loẻng xoẻng. Những vẩy men trắng, không kham nổi nỗi truân chuyên của đời trống, rơi lả tả xuống thảm trải phòng khách và sàn gỗ nâu đỏ của phòng ngủ.
Mọi người sợ tôi bị những cạnh sắc của lỗ thủng trên mặt trống làm đứt tay. Đặc biệt Matzerath, ông trở nên quan tâm quá đáng đến việc bảo đảm an toàn, lúc nào cũng nhắc tôi phải cẩn thận. Vì mỗi khi đánh trống, những cổ tay vung mạnh của tôi bao giờ cũng gần kề những cạnh sắc ấy, nên tôi phải công nhận rằng nỗi lo ngại của Matzerath không phải là vô căn cứ tuy có phần hơi thái quá. Dĩ nhiên họ có thể chặn trước mọi nguy hiểm bằng cách cho tôi một cái trống mới, nhưng đó không phải là ý định của họ, họ chỉ muốn tước đi của tôi cái trống cũ thân thương đã từng ngã cùng tôi, đi bệnh viện cùng tôi và trở về nhà cùng tôi, cái trống đã theo tôi lên gác xuống gác, diễu hành trên hè phố, qua các trò “Một, hai, ba, cá trích ngâm giấm” và “Đâu rồi mụ phù thủy” và “Cô Hạt Mít” - phải, họ muốn cướp nó đi mà chẳng đền bù gì cho tôi. Họ định mua chuộc tôi bằng một thỏi sô-cô-la ngu xuẩn. Mẹ tôi dẩu môi chìa nó cho tôi. Chính Matzerath, với vẻ mặt làm ra nghiêm nghị, là người giơ tay nắm lấy cái trống tiều tụy của tôi. Tôi lấy hết sức níu lại. Ông kéo mạnh. Sức tôi, vốn chỉ đủ để đánh trống, bắt đầu núng thế. Lần lượt từng lưỡi lửa trên tang trống từ từ tuột khỏi tay tôi. Đến lúc này Oskar, vốn xưa nay được xem là đứa bé lặng lẽ, hầu như quá ngoan là đằng khác, mới bật lên tiếng thét công phá đầu tiên của mình: miếng thủy tinh tròn nhẵn bóng che cho cái mặt màu mật ong của chiếc đồng hồ treo khỏi bụi và xác ruồi, bỗng nổ tung, mảnh rơi lả tả xuống sàn gỗ (vì thảm không đủ để trải tới tận dưới chân đồng hồ), nơi công cuộc phá hoại được hoàn tất. Tuy nhiên, phần bên trong của đồ vật cơ khí quý giá này không hề bị hư hại; cái quả lắc vẫn bình thản tiếp tục hành trình của mình và hai chiếc kim cũng vậy. Bộ chuông ngân mọi khi rất nhạy cảm, chỉ một chấn động nhỏ - chẳng hạn một chiếc xe tải chở bia chạy qua - cũng đủ khiến nó ré lên như con mụ bị thần kinh, thế mà nó không mảy may phản ứng với tiếng thét của tôi, chỉ có thủy tinh là vỡ, vỡ tan tành, vỡ triệt để.
“Vỡ đồng hồ rồi!” Matzerath kêu lên và buông cái trống ra. Chỉ thoáng nhìn, tôi đã xác định được là đích thị cái đồng hồ thì không sao, chỉ có mặt kính là đi tong. Nhưng đối với Matzerath cũng như với mẹ tôi và Jan Bronski (theo thường lệ vẫn đến chơi mỗi chiều chủ nhật) thì tổn thất có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Mặt tái mét, họ lấm lét nhìn nhau, nhớn nhác, và vươn tay tới vật rắn gần nhất có thể bấu víu vào được - cái bếp lò, cây dương cầm, tủ buýp- phê... Họ đứng ngây ra, không dám động đậy. Jan Bronski mấp máy cặp môi khô, mắt đầy vẻ van lơn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn tin rằng bác đang khấn thầm trong bụng một lời nguyện đại loại như: "Ôi con chiên của Chúa, Người cất bỏ những tội lỗi của thế gian này, miserere nobis" [1]. Ba lần như thế rồi tiếp theo là: "Lạy Chúa, con không xứng đáng được đón Người dưới mái nhà này, chỉ xin Người nói một lời..."
Dĩ nhiên là Chúa chẳng nói gì. Vả lại, đồng hồ không đi đứt mà chỉ vỡ mặt kính thôi. Tuy nhiên, có một cái gì thật kỳ khu và con nít trong tình cảm của đám người lớn đối với những cái đồng hồ của họ (về mặt này, tôi không bao giờ là con nít cả). Tôi sẵn sàng đồng ý rằng đồng hồ có thể là vật đáng kể nhất mà người lớn đã tạo ra. Người lớn vốn nuôi chí sáng tạo và đôi khi, với tham vọng, tính cần cù và tí chút may mắn, họ thực sự trở thành sáng tạo, nhưng bởi là người lớn, nên vừa mới tạo ra được một phát minh vĩ đại, họ đã tức thì biến mình thành nô lệ của nó.
Nói cho cùng, đồng hồ là cái gì mới được chứ? Không có người lớn thì nó chẳng là cái gì sất. Người lớn lên dây cho nó, chỉnh giờ nhanh lên hay chậm lại, mang nó đến ông thợ đồng hồ để kiểm tra, lau dầu và nếu cần thì sửa chữa. Cũng như trong các trường hợp chim cu ngừng hót quá sớm, lọ muối trên bàn ăn bị đổ, sáng sớm đã nhìn thấy nhện, gặp mèo đen đến từ bên tay trái, hoặc bức chân dung sơn dầu của ông bác treo trên tường bỗng rơi xuống vì chiếc đinh bị long, người lớn thường nhìn thấy trong gương và đằng sau một chiếc đồng hồ nhiều điều hơn là nó có thể báo hiệu.
Mẹ tôi tiếng là bồng bột song lại có cái đầu khá tỉnh và chính cái tính phù phiếm ấy thường khiến mẹ đi đến những diễn giải lạc quan về các tín hiệu hoặc điềm báo, cuối cùng mẹ tìm ra lời để cứu vãn tình thế.
"Mảnh vỡ là điềm may!" mẹ nói lớn, bật ngón tay đánh tách rồi đi lấy xẻng và chổi hốt lấy may mắn đó.
Nếu hiểu theo lời mẹ thì tôi đã mang đến cho cha mẹ, họ hàng bạn bè và cả nhiều người hoàn toàn xa lạ khá nhiều may mắn bằng cách hát hoặc hét vỡ tan những đồ thủy tinh thuộc về, hoặc đang được sử dụng bởi, những người toan cướp đi cái trống của tôi, nào ô kính cửa sổ, nào bát pha lê đựng đầy hoa quả giả, nào những cốc bia đầy, những chai bia rồng hoặc những cái lọ nhỏ chứa hương mùa xuân mà người phàm tục gọi là nước hoa, tóm lại, bất cứ sản phẩm nào của nghệ thuật làm thủy tinh.
Để hạn chế thiệt hại (bởi tôi xưa nay vẫn là người yêu đồ thủy tinh mỹ nghệ), khi đêm đến, người ta định cất cái trống đi, không để tôi mang theo vào giường ngủ, tôi tập trung vào công phá một hoặc hai - ba bóng trong chùm đèn bốn bóng ở phòng khách của chúng tôi. Trong bữa sinh nhật lần thứ tư của tôi vào đầu tháng 9 năm 1928, tôi giáng một chưởng vào cả đám đông tụ tập đông đủ - cha mẹ tôi, vợ chồng bác Bronski, bà ngoại Koljaiczek, vợ chồng nhà Scheffler và vợ chồng nhà Greff, những người đã tặng tôi - mọi thứ quà họ có thể nghĩ ra, nào lính chì, nào thuyền buồm, nào xe cứu hoả nhưng không có cái trống nào, những người muốn tôi phí thì giờ với đám lính chì, với cái xe cứu hoả ngu xuẩn, những người mưu toan tước đoạt của tôi cái trống cũ tả tơi nhưng thân tín, muốn cướp nó khỏi tay tôi, thay vào đó cái thuyền buồm vô dụng, trang bị lại không chuẩn - phải, tôi đã giáng một chưởng vào cả cái đám người chỉ nhằm một mục đích duy nhất là lờ tôi đi, không thèm đếm xỉa đến những ước muốn của tôi, ném họ vào bóng đêm tiền sử bằng một tiếng thét lia một vòng đập tan cả bốn chiếc bóng của chùm đèn.
Ôi, người lớn, người lớn! Sau những tiếng la khiếp hãi đầu tiên, sau những lời gần như tuyệt vọng cầu xin ánh sáng trở lại, họ quen dần với bóng tối và khi bà ngoại Koljaiczek của tôi, người duy nhất cùng với cu tí Stephan không kiếm chác được gì nhờ bóng tối, ra ngoài cửa hàng kiếm nến (Stephan khóc nhè vẫn bám riết váy bà) và mang ánh sáng trở lại, thì đám còn lại đã say la đà và cặp với nhau theo dạng thức râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Như có thể dự đoán, mẹ tôi, coóc-xê xộc xệch, đang ngồi trên lòng bác Jan Bronski. Thật phát ớn khi nhìn thấy lão chủ hiệu bánh mì chân ngắn tũn, Alexander Scheffler, gần như lút giữa những lớp thịt ngồn ngộn của Greff nương nương. Matzerath thì đang mút những chiếc răng ngựa bịt vàng của Gretchen Scheffler. Chỉ có Hedwig Bronski là ngồi một mình chắp tay trên đầu gối, cặp mắt bò cái đầy vẻ thành kính trong ánh nến, bên cạnh nhưng không quá kề sát Greff - Rau - Quả, tay này tuy không uống gì mà vẫn hát với một giọng buồn man mác và đắm đuối. Quay về phía Hedwig Bronski, giả làm hiệu mời nàng hòa giọng song ca với mình và cả hai cùng hát một bài ca ngợi một huynh trưởng hướng đạo sinh tên là Riibezahl chết rồi mà hồn vần lẩn quất trên những ngọn núi Bohemia.
Người ta đã bỏ quên tôi. Dưới gầm bàn, Oskar ngồi với cái trống xác xơ, cố chắt nốt dăm ba nhịp thoi thóp cuối cùng. Điệu trống yếu ớt nhưng đều đặn của tôi xem ra lại rất phù hợp với trạng thái phiêu diêu ngây ngất của những người đang nằm, ngồi ngả ngốn khắp phòng. Bởi lẽ, như một lớp vẹc-ni, tiếng trống của tôi phủ lên mọi tiếng hôn hít, mút mát cuồng khấu.
Tôi vẫn ở dưới gầm bàn khi bà ngoại bước vào với cây nến như một thiên thần phẩn nộ, nhìn cái cảnh Sodom và Gomorrah [2] trong ánh nến, giận sôi lên đến nỗi những cây nến cầm trong tay run lên, gọi cả đám là lũ lợn bẩn thỉu và chấm dứt cả cảnh huê tình lẫn cuộc du ngoạn trên núi của Riibenzahl bằng cách cắm chặt nến lên đĩa, lấy bộ bài xì-cạt trong tủ buyp-phê ra ném lên bàn, đồng thời không quên dỗ cu tí Stephan vẫn khóc nhèo nhẽo. Lát sau, Matzerath lắp những bóng mới vào đui cũ của chùm đèn, ghế được kê lại, bia lại mở bôm bốp; trên đầu tôi, bắt đầu một hội xì-cạt tính mỗi điểm ăn một phần mười fennich. Ngay từ đầu, mẹ tôi đã đề nghị nâng tiền cược lên một phần tư fennich, nhưng bác Jan cho là quá mạo hiểm và cuộc chơi tiếp tục ở mức cò con đó.
Tôi cảm thấy dễ chịu dưới gầm bàn, trong sự che chở của tấm khăn bàn. Khẽ dạo trên mặt trống, tôi hòa nhịp với những tiếng động trên đầu, theo dõi những diễn biến của cuộc chơi và đúng một giờ sau, thông báo: Jan Bronski đã thua. Bác lên bài rất tốt mà vẫn thua. Chẳng có gì là lạ: bác đâu có để tâm vào bài. Đầu óc bác còn mải nghĩ đến những điều hoàn toàn khác với bộ hoa vuông trên tay. Ngay từ đầu, trong khi vẫn nói chuyện với bà cổ uột, cố thuyết phục bà rằng cuộc truy hoan nho nhỏ trong bóng tối ban nãy chẳng có gì là ghê gớm cả, bác đã tụt một bàn chân đi tất ra khỏi giày, đưa qua đầu tôi, tìm (và tìm thấy) đầu gối mẹ tôi. Thế là mẹ tôi liền xích lại gần bàn hơn và Jan bỏ qua một lá bài Matzerath vừa đánh ra, dùng ngón chân nâng gấu váy mẹ lên để luồn cả bàn chân (trong chiếc tất mới thay sáng nay) vào khoa khoắng giữa hai đùi mẹ. Tôi phải bái phục mẹ tôi: bất chấp sự khiêu khích bằng len ấy dưới gầm bàn, mẹ vẫn đi được những nước bài táo bạo bên trên tấm khăn bàn hồ cứng đồng thời liến thoắng trò chuyện rất hồn nhiên và thắng cuộc trong khi bác Jan, càng lúc càng xấn xổ hơn dưới gầm bàn, thua liền mấy ván ngon ơ mà ngay đến Oskar cũng có thể thắng với độ chuẩn xác trong cơn mộng du.
Lát sau, cu tí Stephan tội nghiệp nhập bọn với tôi dưới gầm bàn và, rất đỗi hoang mang không hiểu cái ống quần của cha nó đang làm gì dưới váy mẹ tôi, nó nhanh chóng quay ra ngủ.
Trời đang quang đãng bỗng chuyển sang vẩn mây. Chiều có vài cơn mưa rào nhẹ. Ngay hôm sau, Jan Bronski tới, lấy lại cái thuyền buồm thổ tả bác đã tặng tôi để đem đổi lấy một cái trống ở cửa hàng đồ chơi của lão Sigismond Markas. Chiều muộn, bác quay về, hơi ướt mưa, với một cái trống mới toanh thuộc cái kiểu dáng đã trở nên rất quen thuộc với tôi - những ngọn lửa đỏ trên nền trắng - và chìa ra cho tôi đồng thời thu hồi cái trống cũ tả tơi của tôi giờ chỉ còn giữ lại vài mảng sơn tróc lở. Và trong khi Jan lấy đi cái cũ và tôi nhận cái mới, cả bác ấy lẫn mẹ và Matzerath đều dán mắt vào Oskar; ôi chao, tôi suýt bật cười, dễ thường họ tưởng tôi một mực níu giữ truyền thống, tuân thủ nguyên tắc sao?
Không thốt ra tiếng thét mà tất cả chờ đợi, cũng chẳng cất tiếng hát "diệt thủy tinh", tôi từ bỏ cái thánh tích và cúc cung cả hai tay phụng sự linh vật mới. Sau hai tiếng chăm chú luyện tay trống tôi đã nắm được kỷ năng sử dụng.
Nhưng không phải tất cả những người lớn quanh tôi đều tỏ ra thông cảm như Jan Bronski. Ít lâu sau lần sinh nhật thứ năm của tôi vào năm 1929 - hồi đó, người ta đang xôn xao bàn tán về một vụ vỡ nợ nhà băng ở New York và tôi tự hỏi không biết ông ngoại Koljaiczek của tôi với công cuộc kinh doanh gỗ ở vùng Buffalo xa xôi có liên đới chịu tổn thất không, lo sợ trước thực tế rành rành là tôi không lớn nữa, mẹ tôi dắt tay tôi đưa đến văn phòng ông bác sĩ Hollatz ở Brỹnsshofer-Weg và từ đó bắt đầu thành nếp khám bệnh thường kỳ vào thứ tư hằng tuần. Những cuộc khám bệnh của ông ta kéo dài đến phát cáu song tôi đành chịu đựng vì ngay ở cái tuổi ấu thơ ấy, tôi đã rất thích cái áo dài trắng của Xơ Inge phụ việc cho bác sĩ Hollatz, nó nhắc tôi nhớ đến những tấm ảnh thời chiến của mẹ tôi hồi làm nữ y tá. Nhờ tập trung cao độ vào nghiên cứu kiểu xếp nếp trên bộ đồng phục của Xơ mà tôi có thể bỏ qua hàng tràng lời dặn dò tuôn ra từ miệng ông, lúc thì nghiêm nghị hách dịch, khi lại ra dáng một ông bác đến là khó chịu.
Đôi mắt kính phản chiếu những thiết bị trong phòng - vô thiên lủng là crôm, kền, men mịn; những giá, ngăn, tủ kính chất đầy chai lọ có dán nhãn rõ ràng, ngâm rắn, cóc, kỳ nhông và phôi người, lợn và khỉ - Hollatz, cứ mỗi lần khám xong, lại đăm chiêu lắc đầu, lật giở những trang bệnh án, hỏi lại mẹ về cú ngã của tôi và trấn an mẹ khi mẹ bắt đầu nguyền rủa Matzerath phải chịu tội đời đời vì đã để ngỏ cánh cửa xuống hầm.
Sau nhiều tháng như vậy, một ngày thứ tư, có lẽ để tự thuyết phục mình và đồng thời thuyết phục luôn cả Xơ Inge rằng phương pháp điều trị của mình đã mang lại kết quả, bác sĩ Hollatz thử giật lấy cái trống của tôi, đáp lại tôi đã phá hủy phần lớn bộ sưu tập rắn, cóc và phôi các loại của ông ta.
Đây là lần đầu tiên Oskar thử nghiệm sức công phá của giọng mình đối với cả một loạt chai lọ thủy tinh đựng đầy và gắn nút cẩn thận. Thành công quả có một không hai và gây choáng cho tất cả những người có mặt, kể cả mẹ vốn đã biết quá rõ mối quan hệ riêng tư của tôi đối với đồ thủy tinh. Ngay từ tiếng thét đầu tiên còn kiềm chế, dè dặt, tôi đã phá toang cái tủ kính trong đó Hollatz lưu giữ những của lạ gớm chết của ông ta và làm văng một ô kính gần như vuông xuống sàn nhà lót vải nhựa, ở đó nó tan thành muôn mảnh mà vẫn giữ nguyên hình cũ. Rồi thả phóng cho lực thét, chẳng cần dè giữ gì nữa, tôi nhằm đám chai lọ, đập hết chai này sang lọ kia.
Chai lọ nổ bôm bốp như pháo. Chất cồn xanh xanh, đã hơi đông lại phần nào, chảy ra bắn tung tóe, cuốn theo cái mớ nhợt nhạt với những cặp mắt rầu rĩ được ngâm tẩm trong đó, trút xuống sàn vải nhựa và tỏa đầy phòng một mùi nồng nặc đậm đặc đến mức tưởng như có thể sờ thấy được khiến mẹ buồn nôn và Xơ Inge phải vội vàng mở toang các cửa sổ.
Bác sĩ Hollatz đã khéo xoay sở biến tổn thất đó thành thắng lợi. Mấy tuần sau hành động bạo lực của tôi, ông cho đăng trên tạp chí Thế giới Y học một bài về tôi, “Oskar M., đứa bé có giọng diệt thủy tinh”. Nghe nói cái lý thuyết mà ông đốc-tờ Hollatz đã bôi ra được kín hai mươi trang tạp chí đã thu hút được sự chú ý của giới y học ở cả Đức lẫn các nước ngoài và dẫn đến một loạt bài của các chuyên gia, người tán thành kẻ phản đối. Ông ta gửi biếu mẹ mấy bản của số báo có đăng bài đó và việc mẹ lấy thế làm tự hào khiến tôi suy nghĩ. Mẹ đọc đi đọc lại không biết chán một số đoạn cho vợ chồng Greff, vợ chồng Scheffler nghe, cho anh Jan của mẹ nghe và đều đặn sau mỗi bữa ăn tối, cho Matzerath nghe. Cả những khách hàng cũng phải nghe mẹ đọc và họ rất thán phục cái cách sáng tạo kỳ lạ của mẹ trong việc phát âm những từ kỹ thuật, về phần tôi, tôi hoàn toàn dửng dưng với việc thấy tên mình lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí. Tính hoài nghi đã thính nhậy trong tôi khiến tôi nhìn rõ thực chất cái tác phẩm nhỏ của bác sĩ Hollatz là gì: một bản thuyết trình dài hơi, không phải là không khéo nhưng không trúng vấn đề, của một tay thầy thuốc đang nhắm nhe một học vị giáo sư.
Hôm nay đây, nằm trong bệnh viện tâm thần này, không còn đủ âm lực để hát vỡ một cái cốc đánh răng, để cho các tay bác sĩ cùng một giuộc với Hollatz ra ra vào vào, tiến hành trên cơ thể hắn các xét nghiệm gọi là Rorschach, xét nghiệm liên hợp và đủ mọi thứ xét nghiệm mà người ta có thể tưởng tượng ra hòng tìm được một cái tên thật kêu cho cái căn bệnh đã khiến người ta phải tống hắn vào viện, Oskar thích nghĩ về thời sơ sử của giọng mình. Vào những ngày đầu tiên ấy, nó chỉ đập vỡ thủy tinh khi cần thiết mà thôi, song đã làm là làm thật triệt để, còn sau này, khi nghệ thuật của hắn đến giai đoạn cực thịnh rồi suy đồi, hắn vận dụng nó ngay cả khi không bị hoàn cảnh bên ngoài bắt buộc. Không cưỡng nổi thói kiểu cách của một thời kỳ sau này, hắn bắt đầu ra giọng đơn thuần để vui chơi, nói cách nào đó, trở thành một tín đồ của nghệ thuật vị nghệ thuật. Hắn dùng thủy tinh như một phương tiện để tự biểu hiện và già đi trong quá trình đó.
Chú thích:
[1] “miserere nobis” [Pitié de nous = xin thương xót chúng con] (Ct.Ly).
[2] Hai thành phố cổ đại điển hình và đồi trụy, bị Thượng Đế phóng lưu huỳnh và lửa hủy diệt (Kinh Thánh, Sáng thế kỷ, Ch. 19).
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc