Bóng Đêm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6
hiều ấy, gió mùa về đem theo hơi lạnh và mưa bụi phủ mờ phố xá. Hình như có việc động chạm đến số phận mình, ông Tầm tiếp tục đi họp ở trên Sở. Trừng đi Hưng Yên chưa về. Gia đình Bội có lời mời tha thiết. Đang lúc phân tâm, nhưng Nhâm không thể không nhận lời. Và anh tự nhủ: Sẽ nhớ mãi buổi lễ rước vong hồn Bội lên chùa này, nhớ từng chi tiết có quan hệ đến từng khâu công việc cùng những cảm giác lạ lùng lần đầu tiên được biết; kể từ khi anh xuống xe, bước vào cổng ngôi chùa làng nọ đúng lúc một ngọn gió quẫy lộng khiến những tàu chuối ướt đằm rung soàn soạt và dựng đứng hết cả dậy, như một linh hồn sống động nào đó vừa thức tỉnh, trở về.
Chung quy. Nhâm vẫn chưa ra khỏi cơn ám ảnh ghê rợn. Cũng như mọi người, như người phụ nữ tên Thư bới rác nọ, Nhâm vẫn không thể dừng dưng trước tội ác và cái chết, nhất là cái chết bất đắc kỳ tử, thảm khốc, phi tự nhiên này. Nhâm nhớ rất rõ rằng khi Nhâm đi qua cái sân gạch ướt đẫm xanh rêu, bước lên bậc thềm ngôi thượng điện thì nhận được bàn tay chìa ra đón của một người đàn ông:
- Cám ơn chú công an. Chú đến, thật là an ủi gia đình chúng tôi lắm đấy ạ.
Người đàn ông đón Nhâm nói. Bàn tay ông xương xẩu, lạnh giá. Nhâm nhớ lúc đó Nhâm đã khe khẽ rùng mình. Không phải vì hơi lạnh giá từ bàn tay ông truyền sang và không khí hiu hắt từ trong ngôi điện thờ hắt ra. Mà chủ yếu là bởi vì gương mặt ông. Ông là anh trai của Bội, kẻ bị sát hại. Một gương mặt lành lặn hoàn toàn. Một hàm răng xin xỉn. Nhưng vừa nhìn thấy mặt ông, Nhâm đã lập tức quay đi. Hiện lên trong óc Nhâm là cái đầu cắt rời của Bội, ngoài hàm răng còn nguyên vẹn, những bộ phận khác đều bị cắt xẻo, rạch xẻ nham nhở và đã biến thành dị hình.
- Dạ, mời chú ngồi xơi nước ạ.
- Chú ngồi đây, chú công an.
- Chú Nhâm ơi. Biết là các chú bận trăm công nghìn việc mà còn bớt thời giờ tới với em, gia đình chúng tôi thật là cảm kích lắm đấy ạ.
Quanh Nhâm là tiếng mời chào của các ông các bà họ tộc nạn nhân Bội. Nhâm ngồi xuống một chiếc ghế cạnh cái bàn nhỏ, nhận chén trà và đưa mắt nhìn quanh, khe khẽ cúi đầu đáp lễ lại mọi người. Buổi lễ rước vong hồn Bội lên chùa đã bắt đầu từ lâu rồi. Lúc này, trước ngôi điện thờ ba tầng đèn nến sáng trưng, mờ mờ hương khói, lung linh tượng các chư Phật sơn son thiếp vàng, hơn hai chục các ông các bà đã khăn áo tề chỉnh, ngồi sau lưng một người phụ nữ đội một chiếc mâm phủ vải đỏ, trên hai cái chiếu rải liền nhau đang như chập chờn trong ảo giác hoang mê. Và sau đó, trong tiếng mõ đều đều buồn tẻ, tiếng kinh tụng những mật ngữ bí hiểm, giữa tiếng chuông đồng như một dao động nguyên thủy phản hồi lần lần nới rộng không gian, chính Nhâm cũng rơi vào trạng thái mê mị mịt mù.
Na mô đại bi hội thương Phật bồ tát
Na mô hắt ra, đát ra đà ra dạ dạ
Na mô a di gà bà bò kiết đế thiết bát ra.
Ngồi cạnh Nhâm là ông anh trai Bội và một ông già râu cằm lõng thõng tự giới thiệu là bác ruột Bội. Ông anh trai Bội vóc người trung bình. Đầu to, vai hẹp, bắp thịt nở nang, chân tay dầy nặng. Ông làm nghề thợ mộc. Ghé tai Nhâm, ông nói cho Nhâm biết, hằng đêm ông vẫn mê thấy Bội về đòi đầu.
- Tôi sợ quá, anh ạ - Ông nói - Tôi và Bội em tôi rất giống nhau. Nên thấy em Bội kêu khóc, tôi phải giải thích rằng: Đây là đầu anh, còn đầu em các anh công an đã tìm thấy rồi, đã an táng tiếp cho em rồi.
Nhâm sởn da gà khắp hai bắp tay. Ông anh Bội tiếp:
- Tôi còn mê thấy em Bội tôi nó kêu đau, anh ạ. Chú ấy bảo chú ấy bị một cái xẻng đánh vào đầu. Ngã xuống rồi, chú ấy van xin nó mà nó cứ cầm dao nhất quyết cắt đầu chú ấy.
- Khổ! Ông bác Bội từ nãy theo dõi câu chuyện, lúc này liền lắc lắc đầu, nhìn Nhâm chặc chặc lưỡi: Nghĩ mà xót xa quá. Một đời người ta đấy chứ. Nhưng mà anh công an ạ, xét theo số mệnh thì nó là cái điềm xung trong vòng luân hồi của cháu nó. Ấy thế, nhưng vì cháu nó vắn thân thiệt phận quá, nên mọi sự càng phải chu đáo, anh ạ.
Nhâm đang nghĩ, đời sống tâm linh con người là một vùng bí ẩn, thì ông lại dịch lại bên anh, nhấc chén nước mời anh. Ông bảo, cái sự tang ma mồ mả vốn dĩ không thể sơ suất. Ông kể, năm ngoái sang tiểu cho ông thân sinh, tức ông nội của Bội xong, đêm nào cũng mê thấy ông cụ về đòi hai cái răng cửa. Thế là lại phải ra mộ huyệt đào bới. Tìm được hai chiếc răng của của cụ rồi thuốn xuống, bỏ vào tiểu cho cụ, lúc ấy mới yên. Hài cốt người chết có ấm cúng thì thân quyến mới yên ổn được. Ông bảo, do vậy, nghĩa là do việc thi thể Bội phải thu nhặt rải rác mỗi nơi một ít, chưa hẳn đã đầy đủ nên thủ tục lễ nghi càng phải làm cho đúng bài bản. Từ lễ chiêu tích điện tức cúng cơm sớm chiều, tới ngu tế ba ngày đều phải hết mực trọn vẹn. Người chết, xương thịt chôn dưới đất rồi, nhưng hồn phách chưa yên ổn đâu, nên đưa vong hồn lên chùa làm chay, tụng kinh ba ngày ba đêm cũng là để vong hồn được siêu sinh tịnh độ,
Người anh trai Bội lúc này đã đứng dậy, đi lên phía trên, nhấc chiếc mâm đồng phù vải đỏ từ nãy vẫn đạt lên đầu một người phụ nữ chùm khăn ngồi cạnh nhà sư đang tay gõ mõ, miệng tụng kinh đều đều. Một lớp lễ đã qua. Giờ đây, theo lời mời của ông bác Bội. Nhâm cũng cởi giầy ngồi khoanh tròn trên chiếc chiếu rải, sau lưng đám các bà các ông vừa từ ngoài hàng hiên kéo vào. Và người phụ nữ chùm khăn ngồi cạnh sư thầy giờ đã ôm trong tay một cành tre non do ông anh trai Bội vừa đưa tới.
Na mô đại bi hội thương Phật bồ tát
Na mô hất ra đát ra đà ra da da.
Điều gì đã xảy ra và Nhâm đã cảm nhận được trong khoảng khắc không gian ngào ngạt và mờ ảo khói hương, trong tiếng đọc kinh mịt mùng những thần chú, bí hiệu như từ cõi xa xăm vọng lại? Trong giây phút, Nhâm nhận ra mình như đang từ những suy tư triết học thường nhật cụ thể trở về những vùng miền còn nguyên sơ hoang hoải trong kinh nghiệm mang hình sắc siêu hình.
Lớp lề triệu cành phan đã bắt đầu. Trong tiếng đọc kinh như chuyển giọng, kỳ lạ sao căn buồng bỗng như có hơi gió thổi. Gió thổi nhè nhẹ, những phẩy lá trên ngọn tre non bay bay. Nhưng hình như đã có cái khởi đầu thì sẽ có cái tiếp theo. Nhâm nhận ra, ngọn gió vô hình phát sinh từ đâu đó bỗng chốc mỗi lúc một mạnh lên. Lát sau, không chỉ là những phiến lá bay, cả ngọn tre non trong tay người phụ nữ cũng đã rung rinh. Và sau đó, như cuốn trong một xoáy lốc nhỏ, cả người phụ nữ và ngọn tre cùng rung đảo ào ào. Quả thật, lúc này người phụ nữ ôm ngọn tre non dường như đã thông hội với một mãnh lực vô hình từ thiên đình giáng xuống, đã xoay tròn lắc đảo như trong một vũ điệu thật ma mị, hư huyền.
Ôi! Nhâm đã rùng mình kinh sợ vì bầu không khí u linh, thâm viễn, cổ xưa của màn lễ gọi vong, nhất là khi người phụ nữ ôm cành phan bỗng dưng bật khóc, kéo theo cùng lúc tiếng khóc than nghe thật âm u của mọi người dự lễ. Lúc này, Nhâm có cảm giác trong chốc lát đã tiêu tan hết những giới hạn của cái tiểu ngã cá biệt tại mỗi con người, và cùng với biến thái nọ, cái đại đồng lớn lao, tới đời sống miên viễn của đại ngã tâm linh trong vũ trụ mênh mang vô bờ đã được lập tức xác lập trong mỗi con người hiện diện. Và như vậy, Nhâm đã hiểu ra điều sở nguyện của mọi người: Thể xác Bội, phần vật chất được an táng dưới đất sẽ tiêu tan, nhưng hồn phách, linh thể Bội thì không thể mất. Chúng còn tồn tại, chúng có quyền tồn tại. Và giờ đây, chúng đang trở về. Trở về và nhập vào ngọn tre non, dẫn truyền qua thân thể, tinh thần của người phụ nữ, chị gái Bội.
- Giời ạ! Tay em làm sao lại giá như đồng thế này?
Ngồi bên cạnh người chị một Bội, một bà cụ vấn khăn nhung chợt kêu to hốt hoảng. Cũng là lúc, như đã ngắt đoạn một công việc, ngọn tre non sau khi xoay nhè nhẹ mấy vòng đã lặng lẽ dừng lại, phảng phất buông rủ mỗi nhánh cành, từng nét lá mét xanh.
- Ôi, em Bội ơi! Ách vận đến thì khó tránh khỏi lắm. Em đừng thở dài thế, em ơi.
- Hức hức...
- Khổ thân em! Em đau đớn quá, tủi thân quá. không nói được nên lời đây mà.
- Hức hức...
Chỉ thấy từ trong chiếc khăn đỏ chùm qua đầu người chị một Bội những tiếng nấc khan, bà cụ vấn khăn nhung liền đưa khăn tay lên chùi mắt, nghẹn ngào:
- Em ơi, em đừng tủi phận nữa. Em đừng đòi đầu nữa. Đầu em cùng với thân thể em, nhờ các anh công an tìm thấy, đều đã chôn cả hôm an táng em rồi. Ôi, em ơi, sao em lại khốn khổ đến nông nỗi này! Cả họ hàng ta. các ông bà, cô dì, chú bác, anh chị thương em lắm, Bội ơi.
Từ phía sau, ngồi cạnh Nhâm, ông bác Bội đứng dậy, thấy mọi người cùng cất tiếng khóc, liền vỗ nhẹ hai tay:
- Hỏi cháu ấy xem còn nợ nần ai những gì? Và còn ai nợ nần gì cháu nữa không?
Không có tiếng đáp. Gió đã ngừng thổi. Khói hương tỏa u mờ. Tiếng mõ gõ nghe xa lắc. Bà cụ vấn khăn nhung đưa tay nhấc tấm khăn đỏ chùm trên đầu người phụ nữ. Hiện ra một gương mặt đàn bà trẻ trắng bệch, bơ thờ, ngơ ngác. Tôi đang ở đâu thế này? Chị như muốn hỏi mọi người. Rồi bất thình lình chị ôm mặt ngửa lên trời, gào: “Ôi, em Bội ơi! Em chết oan, chết khổ chết sở, em ơi”.
Nhâm đứng dậy, theo mọi người từ gian cúng lễ trong ngôi thượng điện, ra sân, đi đến chỗ đài hỏa. Ở đó, hai người đàn bà bắt đầu đốt vàng mã cho Bội. Quần áo, giầy dép. Tiền bạc. Một con ngựa. Một con chó, cả một chú thiếu niên và một thiếu nữ mặt mũi rất khôi ngô, gọi là thằng Quỵt, con Nhài, để chúng xuống dưới âm phủ hầu hạ Bội. Cả một chiếc xe đạp nữa. Sao lại cả chiếc xe đạp? Nhâm cúi xuống, nhận ra chiếc xe đạp hàng mã dán nhãn hiệu Favorit.
o O o
Cái chết! Cái chết của một con người chưa bao giờ là một sự kiện bình thường cả. Vì cái chết là sự kết thúc tuyệt đối một sự sống, một sinh mệnh, một cái gì đó tích cực. Xưa nay, đã có lý thuyết nhân sinh nào dám tỏ ra là coi thường con người và sự sống của nó? Lão Tử nói: Nhân thân tiêu vũ trụ. Nho học nói - Bốn cái lớn là Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn, Người lớn. Kitô giáo nói: Con người là con của đức Chúa trời. Các Mác nói: Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Con người là vậy, vì thế việc nó ra đi về nơi vĩnh hằng, hiển nhiên là một sự kiện động trời rồi.
Cha Nhâm là Thượng tá Công an về hưu tên Lê Tông. Ông mất hồi chín giờ ba mươi phút ngày 13-4-1990. Cái chết của người cán bộ cao cấp công an, vị Bí thư Đảng ủy phường Cốc Lếu, thành phố Lao Cai, con người đức độ, mẫu mực, gây bàng hoàng cho bạn bè, thân quyến.
- Đêm qua, ông ấy còn đến tôi, ngồi uống cà phê với tôi, dặn dò tôi tì mỉ chương trình nghị sự Đại hội Mặt trận Tổ quốc phường, cứ như ông ấy sắp phải đi xa cơ mà.
- Cách đây ba hôm, ông ấy hỏi tôi: Có cần thì lấy xe đạp cũ của tớ mà đi, tớ từ nay có đi lại đâu nữa mà cần.
- Không hiểu thế nào mà Chủ nhật trước bỗng dưng ông ấy đi bộ đến thăm tôi. Ngồi một lúc, ông bảo luộc sắn cho ông ăn. Rồi ông cho con cháu tôi mười ngàn đồng. Cháu nó bảo: Đã đến Tết đâu mà ông mừng tuổi? Ông không đáp, chỉ cười.
Mọi người thì thào với nhau như vậy. Và Nhâm đã thấy đúng như mọi người sau này nhớ, kể lại: Lúc chuyển cữu cha, trời đang trong sáng, bỗng mây đen kéo đến và đổ mưa sầm sập. Nhưng lát sau, ở ngoài mộ, khi đang vái linh cữu cha trước hai hàng tiêu binh, Nhâm thấy bát hương trên nắp áo quan cha bỗng đùng đùng bốc cháy. Cuộc sống thiêng liêng bao hàm cả phần hữu hình và những gì không nhìn thấy là thế!
Trở lại bàn nước rồi sau đó ngồi vào mâm cỗ sau buổi cúng theo lời mời của ông anh trai Bội khi việc hóa vàng mã cho người chết đã xong, Nhâm nhận ra, không khoác áo nhà chùa, hóa ra sư thầy lại là một trang nam nhi tuấn tú, tóc đen nhánh, mặt trái xoan, môi đỏ chót, gọn ghẽ trong cái áo sơ mi xanh trứng sáo và cái quần len tím bồ quân. Đã thế lại còn bút Pilot cài túi, đồng hồ Seikô một cục lủng lẳng cổ tay trái. Tính tướng khác lạ tí chút chỉ là cái miếng vá đen loăn xoăn mấy sợi lông ở bên trái cằm.
Vỗ bộp vai sư thầy, ông thợ mộc anh trai Bội, đã rũ ra khỏi vẻ ủ dột sầu thương khi nãy, nhe hàm răng xỉn cười hà hà:
- Trẻ, đẹp trai hết ý. Ba mươi chứ mấy. Sư thầy về chùa làng này đã lâu chưa?
Nhâm quay mặt đi. Hàm răng ông anh trai Bội lại khiến anh nhớ tới cái đau bị cắt của Bội. Sư thầy gãi cổ, nhỏ nhẻ:
- Dạ, em người làng này. Chẵn ba chục ạ.
- Thật à?
- Vâng.
Ông anh trai Bội trợn trừng, vỗ ngực bồm bộp:
-Ở làng này sao không biết tớ? Tớ là Hành. Hành thợ mộc. Con cụ Hai Lược thợ cắt tóc. Tớ và Bội là con trai. Trên tớ còn ba bà chị gái.
Chị gái Bội, người cầm cành phan đã trở lại vai người điều hành, từ phía sau đã đi tới, đứng đằng sau ông anh trai Bội, xoa xoa hai tay:
- Dạ, cũng đã chiều rồi. Để mời chú Nhâm công an và sư thầy dùng bữa với gia đình chúng tôi.
- Dạ, cám ơn bác Na. Mời anh công an. Mời các bác...
Sư thầy nhấc đũa, ngẩng lên, nhìn ông anh trai Bội, mau mắn:
- Em đi bộ đội về, bố em là ông giáo Nhị bảo: Bây giờ ở chùa làng, khuyết sư. Mày nên đi học rồi về chùa làng đi. Lúc đầu em chối. Sau thì...
- Cậu đi học là phải.
- Là bởi vì em thấy đạo Phật nó có cái lý của nó, bác và anh công an ạ.
Sư thầy như dạo một hồi chuông mở đầu. Khung cảnh hàng hiên tuy trống trải mà tỏa ra vẻ trầm ẩn và ấm cúng. Nhâm nhận ra vậy. vì lúc này từ đây nhìn ra mới thấy mái chùa vẽ một đường cong uốn lượn, bên những ngọn tháp nhọn uy nghi, giữa một vùng cây cối đang mờ mờ trong ánh hoàng hôn thật yên bình. Thêm nữa, đưa cái nhìn sâu hơn vào phía trong, hai con mắt anh liền ngập trong một vùng sáng lung linh như hào quang tỏa rạng, phát ra từ ngôi tượng Phật bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, cùng các pho Tuyết sơn, Văn thù, Phổ hiến, các Kim đồng Ngọc nữ và các câu đầu, kẻ bảy chạm khắc hình rồng bay, mây xoắn, sơn son thiếp vàng, an hiện trong một tổng thể hữu cơ, thấp thoáng một tín niệm sâu xa.
- Anh công an, các bác ạ - Sư thầy tiếp - Đạo Phật nói: Con người phải nhìn sâu vào thực tại và hiện hữu của chính nó. Vâng! Quán sâu vào thực tại của con người, Phật giáo thấy rõ thể tính chân thật của con người, thấy rõ cái kho vật lý và tâm lý của con người. Cái khổ tâm lý, đó là nỗi sợ hãi, niềm lo âu, tuyệt vọng, mối hận thù, niềm giận dữ, buồn rầu, sự chán nản. Lấy hiện hữu đau khổ của con người làm điểm xuất phát, Phật giáo triển khai giáo thuyết của nó,.,
Tai vẫn nghe sư thầy trẻ tuổi nói tiếp về nguyên nhân của nỗi khổ con người là vô minh, tham ái, chấp thú, Nhâm ghé sang bên ông anh trai Bội, khe khẽ:
- Anh Hành này. Anh nói là anh mê thấy Bội về kêu bị cái xẻng đánh vào đầu ngã xuống.
- Vâng, hai lần đều như thế.
- Thế còn cái xe đạp Favorit? Hiện nay là mất tích?
- Dạ! Thế thì để tôi nói anh nghe nhé!
Bóng Đêm Bóng Đêm - Ma Văn Kháng Bóng Đêm