Bẫy-22 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Hungry Joe
ungry Joe đã bay đủ năm mươi nhiệm vụ, nhưng như vậy cũng chẳng ích gì. Gã đã gói hành lý nhưng vẫn tiếp tục phải chờ để được về nhà. Đêm đêm gã có những ác mộng kỳ quái, chói tai khiến cho tất cả mọi người trong phi đoàn tỉnh giấc, trừ Huple, một phi công mười lăm tuổi, cu cậu đã nói dối tuổi để được nhập ngũ và sống chung với con mèo của mình ở cùng lều với Hungry Joe. Huple là người thính ngủ, nhưng cậu ta cứ khăng khăng là chưa từng nghe tiếng thét nào của Hungry Joe. Hungry Joe đang bị ốm.
“Vậy thì đã làm sao?” bác sĩ Daneeka bực bội làu nhàu. “Tôi nói anh hay, tôi đây đã từng thành đạt đấy. Tôi đang đút túi ngon ơ năm mươi nghìn đô một năm, gần như tất cả số đó đều không phải trả thuế, bởi vì khách hàng phải trả cho tôi tiền mặt. Tôi có hiệp hội thương mại mạnh nhất thế giới làm chỗ dựa. Thế rồi hãy xem chuyện gì đã xảy ra. Ngay khi tôi có thể bắt đầu đem tiền đi giấu thì họ sản xuất ra chủ nghĩa phát xít và làm nổ ra cuộc chiến đủ lớn tới mức ảnh hưởng tới cả tôi. Tôi thấy thật nực cười khi nghe chuyện một kẻ nào đó như Hungry Joe gào hét như điên vào mỗi tối. Thực sự nực cười. Anh ta bị ốm ư? Anh ta có biết tôi cảm thấy gì không?”
Hungry Joe thì đã tự chìm quá sâu vào trong những tai ương của bản thân nên không thể quan tâm xem bác sĩ Daneeka cảm thấy gì. Tiếng ồn chẳng hạn. Tiếng ồn nhỏ làm gã phát điên và gã lại khàn khàn rống lên với Aarfy vì tiếng rít ẩm ướt khi gã này hút tẩu, với Orr vì tiếng hàn, với McWatt vì tiếng lật đánh choách mỗi lần gã chia bài poker hay blackjack, với Dobbs vì tội cứ để răng va vào nhau lập cập trong lúc hậu đậu đi loanh quanh và va quệt vào đủ thứ. Hungry Joe là một khối cáu kỉnh di động luôn sục sôi và xơ xác. Tiếng đồng hồ đeo tay tích tắc trong phòng vắng cũng là một sự tra tấn kinh khủng đối với bộ não mong manh của gã.
“Nghe này, nhóc,” gã cộc cằn giải thích cho Huple vào một buổi tối muộn, “nếu cậu muốn sống trong căn lều này thì cậu cần phải làm như tôi. Cứ đêm đến cậu phải lấy một đôi tất len bao kín đồng hồ đeo tay lại rồi cất nó vào đáy hòm đặt ở phía bên kia phòng.”
Huple vênh mặt thách thức, tỏ ý cho Hungry Joe biết là cậu ta không dễ bị bắt nạt và rồi làm chính xác như những gì Hungry Joe bảo cậu ta lúc trước.
Hungry Joe là một gã khốn khổ hay hốt hoảng, hốc hác với khuôn mặt không thịt chỉ có xương và da xám xịt và những mạch máu nổi lên rần rật ngoằn ngoèo dưới da trong những hố thâm đen dưới mắt như những phần bị cắt lìa của một con rắn. Đó là một gương mặt tan hoang lồi lõm, ám đầy muội lo âu như một cái mỏ bị bỏ hoang. Hungry Joe ăn ngấu nghiến, liên tục gặm đầu ngón tay, nói lắp bắp, hay bị nghẹn thở, hay ngứa, hay đổ mồ hôi, hay chảy dớt dãi, và hay nhảy từ chỗ này qua chỗ khác như điên với một chiếc máy ảnh phức tạp màu đen mà gã luôn mang theo để cố chụp hình các cô gái khỏa thân. Không bao giờ có ảnh. Gã luôn quên bỏ phim vào máy, hoặc quên bật đèn, hoặc quên bỏ nắp ống kính ra. Cũng không dễ để thuyết phục các cô gái khỏa thân đứng chụp ảnh, nhưng Hungry Joe có mánh lới của riêng gã.
“Tôi nhân vật lớn,” gã thường hét to lên. “Tôi nhiếp ảnh gia lớn của tạp chí Life. Có ảnh lớn trên trang bìa lớn. Si(17), si, si! Minh tinh Hollywood. Nhiều dinero(18). Nhiều ly dị. Nhiều phang và phịch suốt cả ngày.”
Hiếm phụ nữ nào cưỡng lại được lời phỉnh nịnh xảo trá đến vậy, và các cô gái điếm sẽ nhảy cẫng lên háo hức và sẵn lòng thể hiện bất cứ tư thế tuyệt vời nào mà gã yêu cầu. Hungry Joe chết vì phụ nữ. Phản ứng của gã đối với họ với tư cách các sinh vật mang tính dục là một kiểu thờ phụng và sùng bái điên cuồng. Họ là biểu hiện đáng yêu, khiến người ta thỏa mãn, khiến người ta phát điên của điều huyền diệu, là nguồn đem lại khoái lạc quá mạnh mẽ không sao đong đếm, quá mãnh liệt không sao chịu đựng, và quá thanh tao không thể để cho bị lợi dụng bởi một gã đàn ông đê tiện và không xứng đáng. Gã chỉ có thể hiểu sự hiện diện khỏa thân của họ trong tay gã là một sơ suất của vũ trụ và nó nhất định sẽ được điều chỉnh lại nhanh chóng, nên gã luôn bị dồn vào thế phải tận dụng xác thịt của họ bằng bất cứ cách nào có thể trong một hoặc hai khoảnh khắc mà gã nghĩ là mình có trước khi Ai Đó phát hiện ra và xua chúng đi. Gã không bao giờ quyết được nên nện họ hay là chụp ảnh họ, bởi vì gã đã nhận ra không thể làm được cả hai việc đó cùng một lúc. Thực ra, gã còn nhận ra rằng làm được một trong hai việc đó thôi cũng gần như là không thể, bởi vì năng lực thể hiện của gã lúc nào cũng bị cạnh tranh bởi nhu cầu cưỡng bách trăm lần như một thúc gã phải nhanh lên. Những bức ảnh chẳng bao giờ xuất hiện và Hungry Joe cũng chẳng bao giờ được “cho vào”. Điều kỳ cục là trước khi nhập ngũ Hungry Joe thực sự từng là một nhiếp ảnh gia của tạp chí Life.
Giờ thì gã là một người hùng, người hùng vĩ đại nhất mà Không lực có, Yossarian nghĩ vậy, bởi vì gã đã có nhiều nhiệm kỳ bay chiến đấu hơn bất cứ người hùng nào mà Không lực có. Gã đã bay tới sáu nhiệm kỳ. Hungry Joe hoàn thành nhiệm kỳ bay chiến đấu đầu tiên từ thời chỉ cần hoàn thành hai mươi lăm nhiệm vụ là đủ để cho gã gói đồ, viết thư báo tin vui về nhà và bắt đầu hài hước giục giã trung sĩ Towser đòi lệnh điều động gã về lại nước Mỹ. Trong khi chờ đợi, ngày nào gã cũng nhịp chân diễu loanh quanh chỗ cửa lều chỉ huy, ồn ào buông lời khiếm nhã với bất cứ ai đi qua và bỡn cợt gọi trung sĩ Towser là đồ chó đẻ bần tiện mỗi khi trung sĩ Towser thò đầu ra khỏi phòng trực.
Hungry Joe hoàn thành hai mươi lăm nhiệm vụ bay đầu tiên ngay trong tuần diễn ra trận Salerno(19), lúc đó Yossarian đang nằm viện vì cú bùng phát bệnh lậu mà y đã dính phải trong một nhiệm vụ ở tầm thấp trên người một nữ quân nhân trong bụi rậm trên đường tiếp tế cho Marrakech. Yossarian đã cố gắng hết sức để bắt kịp với Hungry Joe và suýt đã đạt được, bay sáu nhiệm vụ trong sáu ngày, nhưng nhiệm vụ thứ hai mươi ba lại là bay tới Arezzo, tại đó đại tá Nevers đã tử trận đúng vào lúc y đã ở gần cơ hội được trở về nhà hơn bao giờ hết. Ngay hôm sau đại tá Cathcart đã xuất hiện, tràn đầy kiêu hãnh trong bộ quân phục mới và kỷ niệm sự kiện mình được đảm nhiệm chức chỉ huy bằng cách nâng số nhiệm vụ cần thiết từ hai mươi lăm lên tới ba mươi. Hungry Joe dỡ hành lý ra, viết lại thư báo tin mừng về nhà. Gã không còn hài hước giục trung sĩ Towser nữa. Gã bắt đầu ghét trung sĩ Towser, cay nghiệt đổ mọi thứ lên đầu tay này, mặc dù gã biết rằng trung sĩ Towser chả dính dáng gì tới việc đại tá Cathcart xuất hiện và cũng chả dính dáng gì tới sự chậm trễ của các lệnh điều động đã có thể đã cứu gã từ bảy ngày trước và thêm năm lần kể từ đó.
Hungry Joe không thể chịu đựng nỗi căng thẳng của việc phải chờ đợi lệnh điều động thêm nữa và sụm xuống suy nhược ngay sau mỗi khi hoàn thành thêm một nhiệm kỳ bay. Mỗi lần được nghỉ ra trận, gã lại tổ chức một bữa tiệc lớn cho số ít bạn bè gã có. Gã đập vỡ những chai rượu bourbon gã đã xoay xở mua được trong các chuyến bay tuần tra kéo dài bốn ngày hằng tuần bằng máy bay đưa thư, rồi phá lên cười, hát hò, nhịp chân nhảy nhót và hò hét trong một bữa liên hoan cuồng khích say xỉn cho đến khi gã không thể giữ cho mình tỉnh táo mà yên bình chìm vào giấc ngủ. Ngay khi Yossarian, Nately và Dunbar đặt gã xuống giường thì gã bắt đầu gào thét. Đến sáng, gã bước ra khỏi lều với bộ dạng hốc hác phờ phạc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, chỉ còn cái vỏ của một tòa người đã mục ruỗng đang run rẩy ngấp nghé bờ vực sụp đổ hoàn toàn.
Đêm nào ở phi đoàn Hungry Joe cũng gặp ác mộng vào đúng một giờ chính xác tuyệt trần, trong suốt khoảng thời gian thử thách thống khổ khi gã không phải bay ra trận và lại thêm một lần nữa chờ đợi cái lệnh không bao giờ tới cho phép gã về nhà. Những chàng trai nhạy cảm ở phi đoàn như Dobbs và đại úy Flume đã bị những cơn ác mộng rú rít của Hungry Joe quấy rầy sâu sắc tới mức họ cũng bắt đầu có những cơn ác mộng rú rít riêng, và những lời tục tĩu chói tai mà họ ném vào không trung hằng đêm từ chỗ ở của mỗi người trong phi đoàn vang lên dội vào nhau trong bóng đêm đầy lãng mạn như tiếng kêu tìm bạn của bầy chim hót với đầu óc bẩn thỉu. Trung tá Korn đã hành động dứt khoát để ngăn chặn cái mà với gã có vẻ như là khởi đầu của cả một xu hướng không lành mạnh ở phi đoàn của thiếu tá Major. Giải pháp gã đưa ra là cho Hungry Joe lái máy bay đưa thư mỗi tuần một lần, loại tay này ra khỏi phi đoàn bốn đêm, và phương thuốc này, giống như tất cả các phương thuốc khác của trung tá Korn, đều thành công.
Mỗi lần đại tá Cathcart tăng số nhiệm vụ lên và đưa Hungry Joe quay lại chiến trường thì các cơn ác mộng biến mất và Hungry Joe ổn định trong tình trạng kinh hoàng bình thường với một nụ cười khuây khỏa. Yossarian đọc gương mặt teo tóp của Hungry Joe như đọc tít báo. Sẽ là ổn nếu như trông Hungry Joe rất tệ và sẽ là tệ nếu như trông Hungry rất ổn. Tập hợp các phản ứng ngược của Hungry Joe là một hiện tượng thú vị đối với tất cả mọi người, ngoại trừ Hungry Joe, gã cứng cổ chối bỏ toàn bộ điều đó.
“Ai mơ?” gã trả lời như vậy khi Yossarian hỏi gã mơ thấy gì.
“Joe, tại sao anh không tới gặp bác sĩ Daneeka?” Yossarian khuyên.
“Tại sao tôi lại phải gặp bác sĩ Daneeka? Tôi đâu có ốm.”
“Thế còn các cơn ác mộng của anh thì sao?”
“Tôi đâu có gặp ác mộng,” Hungry Joe bốc phét.
“Có thể ông ấy sẽ giúp được anh.”
“Ác mộng thì có làm sao,” Hungry Joe trả lời. “Ai chả gặp ác mộng.”
Yossarian nghĩ thế là đã bắt thóp được gã. “Hằng đêm ư?” y hỏi.
“Tại sao hằng đêm lại không được?” Hungry Joe gay gắt.
Và đột nhiên mọi sự trở nên hợp lý. Thực sự thì tại sao lại không thể hằng đêm kia chứ? Gào thét đau đớn hằng đêm thì cũng hợp lý thôi. Như thế còn hợp lý hơn Appleby, kẻ nhiệt thành ủng hộ các loại quy định, kẻ sau khi giận không còn nói chuyện với Yossarian nữa vẫn nhất định yêu cầu Kraft yêu cầu Yossarian phải uống mấy viên Atabrine(20) ấy ngay trên chuyến bay đầu tiên của bọn họ ra nước ngoài. Hungry Joe có lý hơn cả Kraft nữa, cậu này đã chết, đường đột bị đẩy tới diệt vong trên bầu trời Ferrara do một động cơ phát nổ sau khi Yossarian đưa đội bay gồm sáu máy bay quay lại mục tiêu một lần nữa. Đội bay đã đánh trượt cây cầu ở Ferrara bảy ngày liên tiếp với máy ngắm có thể giúp thả bom trúng một thùng dưa từ độ cao hơn mười hai nghìn mét, và cả một tuần tròn đã trôi qua kể từ khi đại tá Cathcart xung phong rằng quân của gã sẽ phá hủy được cây cầu ấy trong vòng hai mươi bốn giờ. Kraft là một cậu bé gầy gò, vô hại từ Pennsylvania đến, cậu chỉ mong được mọi người yêu quý nhưng lại buộc phải thất vọng ngay cả với một ước vọng khiêm nhường và nhỏ mọn nhường ấy. Thay vì được yêu quý, cậu bé lại bị chết, một mẩu cháy sém rỉ máu trên một giàn thiêu man rợ chưa ai từng biết tới vào những khoảnh khắc khủng khiếp cuối cùng khi chiếc máy bay chỉ còn một bên cánh lao thẳng xuống đất. Cậu đã sống vô tội trong một khoảng thời gian ngắn và rồi rơi xuống bốc cháy trên bầu trời Ferrara vào ngày thứ bảy, trong lúc Chúa đang nghỉ ngơi, khi McWatt quay lại và Yossarian hướng dẫn gã hướng về mục tiêu để ném bom lần thứ hai bởi vì Aarfy đang bối rối còn Yossarian thì đã không thể cắt bom ngay từ lần đầu.
“Tôi e rằng chúng ta sẽ phải quay lại đó thêm một lần nữa, phải không?” McWatt ủ rũ nói qua hệ thống điện đàm nội bộ.
“Tôi e là vậy,” Yossarian nói.
“Thật sao?” McWatt nói.
“Thật.”
“Ồ, hay đấy,” McWatt véo von, “chết tiệt.”
Vậy là họ đã quay trở lại trong khi các máy bay thuộc các đội bay khác đã lượn vòng ra xa an toàn và tất cả các súng phòng không thuộc sư đoàn Hermann Goering ở dưới chỉ còn bận xả đạn vào mỗi mình họ.
Đại tá Cathcart có lòng dũng cảm và gã chưa bao giờ chần chừ khi xung phong đưa quân của mình tới bất cứ mục tiêu nào. Không có mục tiêu nào là quá nguy hiểm đối với liên đoàn của gã, cũng như không có cú đánh nào là khó đối với Appleby ở trên bàn bóng bàn. Appleby là một phi công giỏi và là một tay vợt bóng bàn siêu phàm có ruồi ở trong mắt không bao giờ bị thua một điểm nào. Hai mươi mốt lần giao bóng là tất cả những gì Appleby cần để làm cho đối thủ phải hổ thẹn. Trình độ chơi bóng bàn của gã đã trở thành huyền thoại, và Appleby thắng tất cả các ván mà gã chơi cho tới cái đêm Orr, đã ngà ngà say vì gin pha nước ép, quăng vợt vỡ trán Appleby sau khi Appleby giáng trả lại tất cả năm lần giao bóng đầu tiên của Orr. Orr nhảy lên bàn sau cú quăng vợt và lao tới bờ bên kia bằng một cú bật tổng lực với cả hai chân phi thẳng vào mặt Appleby. Mọi thứ trở nên hỗn loạn. Phải mất gần một phút Appleby mới kéo được mình ra khỏi tay và chân Orr, chới với cố đưa chân chạm đất tìm đường thoát, trong khi Orr một tay túm lấy ngực áo gã nhấc bổng lên còn tay kia nắm lại thành quả đấm sẵn sàng đập chết gã, đúng lúc đó thì Yossarian bước tới và tách Orr ra khỏi Appleby. Đó là một buổi tối đầy bất ngờ đối với Appleby, bởi vì gã cũng to khỏe như Yossarian, và gã đã lấy hết sức mà nhảy xổ vào Yossarian với cái nắm đấm đã khiến thượng sĩ White Halfoat thấy kích thích tới mức quay lại đấm luôn một phát vào mũi đại tá Moodus, việc này lại khiến cho tướng Dreedle cảm kích tới mức phải bảo đại tá Cathcart ném cha tuyên úy ra khỏi câu lạc bộ sĩ quan và ra lệnh cho thượng sĩ White Halfoat chuyển vào sống trong lều của bác sĩ Daneeka để được bác sĩ chăm sóc 24/24 và giữ được sức khỏe tốt để có thể lại đập vỡ mũi đại tá Moodus mỗi khi tướng Dreedle có yêu cầu. Thỉnh thoảng tướng Dreedle có những chuyến công tác đặc biệt từ trụ sở không đoàn cùng với đại tá Moodus và y tá của ông ta chỉ để cho thượng sĩ White Halfoat đập vỡ mũi thằng con rể.
Thượng sĩ White Halfoat thích ở lại sống trong toa xe với đại úy Flume hơn, đó là một sĩ quan phụ trách tuyên truyền kín tiếng và hay sợ bóng sợ gió của phi đoàn, hôm nào gã cũng dành gần như cả buổi tối để tráng rửa những tấm hình được chụp vào ban ngày để gửi kèm các thông cáo báo chí. Đại úy Flume dành hết thời gian có thể mỗi buổi tối để làm việc trong phòng tối, và rồi sau đó sẽ nằm xuống giường xếp, ngón tay ngoắc lại cầu may và một cái chân thỏ đeo vòng quanh cổ(21) và cố hết sức để thức. Gã sống trong nỗi sợ hãi cực độ trước thượng sĩ White Halfoat. Đại úy Flume luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng thượng sĩ White Halfoat sẽ rón rén bước tới giường xếp của gã một đêm nào đó khi gã đang ngủ say và sẽ cắt toang cổ họng gã suốt từ tai này sang tới tai kia. Đại úy Flume có được ý nghĩ này từ chính thượng sĩ White Halfoat, bởi vì gã này thực sự đã rón rén bước tới giường xếp của Flume vào một đêm khi gã đang ngủ lơ mơ mà trang trọng thì thào rằng sẽ có đêm, khi gã, đại úy Flume, ngủ say thì gã kia, thượng sĩ White Halfoat, sẽ cắt toang cổ họng gã đại úy suốt từ tai bên này sang tới tận tai bên kia. Đại úy Flume tê cứng cả người, cặp mắt gã bừng mở trợn lên nhìn thẳng vào mắt thượng sĩ White Halfoat, đang lấp lánh say xỉn chỉ cách mắt gã vài phân.
“Tại sao?” cuối cùng thì đại úy Flume cũng gom đủ sức rền rĩ hỏi.
“Tại sao lại không?” đó là câu trả lời của thượng sĩ White Halfoat.
Sau lần đó, đêm nào đại úy Flume cũng cố ép mình thức được càng lâu càng tốt. Gã nhận được sự trợ giúp tuyệt vời từ các cơn ác mộng của Hungry Joe. Sau khi chăm chú lắng nghe những tiếng hú hét điên dại của Hungry Joe hết đêm này qua đêm khác, đại úy Flume trở nên căm ghét gã và bắt đầu ước ao giá mà một đêm nào đó thượng sĩ White Halfoat sẽ rón rén tới giường xếp của Hungry Joe mà cắt toang cổ họng gã suốt từ tai này sang tận tai bên kia. Thực ra thì đại úy Flume ngủ say như chết hầu hết các đêm và chỉ đơn giản mơ rằng gã đang thức. Những giấc mơ là mình đang thức đó thuyết phục đến nỗi mỗi buổi sáng tỉnh dậy gã đều kiệt sức toàn tập, phải lập tức lăn ra ngủ lại.
Thượng sĩ White Halfoat đã trở nên gần như say đắm đại úy Flume kể từ sau cú biến hình ngoạn mục ấy. Đại úy Flume bước vào giường đêm hôm đó với tư cách là một người hướng ngoại sôi nổi và sáng hôm sau tỉnh dậy đã trở thành một kẻ hướng nội trầm tư, và thượng sĩ White Halfoat hãnh diện coi đại úy Flume mới này là sáng tạo riêng của gã. Gã chưa từng có ý định cắt toang cổ họng đại úy Flume từ tai bên này sang tận tai bên kia. Đe dọa như vậy chỉ đơn giản là một trò đùa, giống như bị chết vì viêm phổi, như đập vỡ mũi đại tá Moodus hay thách bác sĩ Daneeka đấu vật kiểu thổ dân da đỏ. Tất cả những gì thượng sĩ White Halfoat muốn làm khi gã ngật ngưỡng say bước về lều mỗi đêm là được ngủ ngay lập tức, nhưng Hungry Joe đã khiến cho điều đó trở nên không thể. Những cơn ác mộng của Hungry Joe đã đem lại cho thượng sĩ White Halfoat cảm giác bất an, và gã thường ước sao có ai đó lẻn vào lều của Hungry Joe, nhấc con mèo của Huple ra khỏi mặt gã mà cắt toang cổ họng gã từ tai này tới tận tai bên kia, để cho tất cả mọi người ở phi đoàn ngoại trừ đại úy Flume có được giấc ngủ ngon.
Mặc dù thượng sĩ White Halfoat vẫn đập vỡ mũi đại tá Moodus để chiều lòng tướng Dreedle, gã vẫn bị hắt hủi. Cũng bị hắt hủi là thiếu tá Major, phi đoàn trưởng, kẻ đã phát hiện ra điều đó cùng lúc với khi phát hiện ra rằng mình đã thành phi đoàn trưởng từ miệng đại tá Cathcart, người đã ầm ầm lao đến phi đoàn trên chiếc xe Jeep như bị phê thuốc một ngày sau khi thiếu tá Duluth bị giết trên bầu trời Perugia. Đại tá Cathcart rầm rầm dừng kít chiếc xe lại chỉ vài phân trước hào đường tàu ngăn mũi xe của gã với sân bóng rổ méo mó, nơi mà cuối cùng thiếu tá Major đã bị đẩy ra bởi những cú đá, cú xô, những hòn đá và những quả đấm từ những người suýt nữa thì đã trở thành bạn mình.
“Anh là chỉ huy mới của phi đoàn này,” đại tá Cathcart rống lên qua hào hướng về phía gã. “Nhưng đừng có nghĩ rằng điều này có ý nghĩa gì, bởi vì nó chẳng có nghĩa lý gì cả. Tất cả chỉ có nghĩa rằng anh là phi đoàn trưởng mới.”
Rồi đại tá Cathcart rồ máy phóng xe đi cũng đột ngột như khi gã đến, quay ngoắt đầu chiếc xe Jeep, bánh xe quay tít dữ dội gửi tới thiếu tá Major một chùm đá dăm tạt thẳng vào mặt. Thiếu tá Major bất động trước tin đó. Gã đứng đó không nói nên lời, cao lênh khênh và trông ngây ngốc, với quả bóng rổ trầy xước nằm trong bàn tay dài trong lúc những hạt giống của sự oán giận mà đại tá Cathcart vừa chớp nhoáng gieo xuống bén rễ vào những người lính quanh gã, những người đã chơi bóng rổ với gã và đã cho gã tiến tới mức gần như trở thành bạn bè với họ, trước đây chưa từng có ai đối xử với gã được tới mức đó. Lòng trắng trong cặp mắt tròn của gã lớn dần và đục lại khi gã chật vật mở miệng đầy tha thiết mà thất bại trước nỗi cô đơn quen thuộc không gì lay chuyển nổi đang trôi tới vây quanh gã như một màn sương mù ngột ngạt.
Cũng giống như tất cả các sĩ quan khác ở trụ sở liên đoàn, trừ thiếu tá Danby, đại tá Cathcart cũng thấm nhuần tinh thần dân chủ: gã tin rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, và do đó gã dành cho tất cả mọi người bên ngoài trụ sở liên đoàn một mối khinh bỉ hăng hái ngang nhau. Tuy vậy, gã vẫn tin tưởng quân của gã. Như vẫn thường bảo họ trong phòng tác chiến, gã tin rằng họ bay được nhiều hơn bất cứ đơn vị nào khác ít nhất mười nhiệm vụ và rằng bất cứ ai không chia sẻ sự tín nhiệm mà gã đã đặt vào họ đều có thể biến đi cho khuất mắt. Mặc dù vậy, cách duy nhất để họ có thể biến đi cho khuất mắt, như Yossarian biết được khi y bay tới thăm cựu binh nhất Wintergreen, là bay thêm mười nhiệm vụ so với tiêu chuẩn.
“Tôi vẫn không hiểu,” Yossarian phản đối. “Bác sĩ Daneeka đúng hay sai?”
“Ông ấy nói bao nhiêu?”
“Bốn mươi.”
“Daneeka nói đúng sự thật đấy,” cựu binh nhất Wintergreen thừa nhận. “Bốn mươi là toàn bộ số lượng nhiệm vụ anh cần hoàn thành theo tiêu chuẩn của Không lực Hai mươi bảy.”
Yossarian vui sướng hẳn lên. “Sau đó thì tôi có thể về nhà, phải không? Tôi đã bay được bốn mươi tám nhiệm vụ rồi.”
“Không, anh không thể về nhà,” cựu binh nhất Wintergreen chỉnh lại. “Anh điên rồi hay sao?”
“Tại sao lại không?”
“Bẫy-22.”
“Bẫy-22 ư?” Yossarian sững sờ. “Bẫy-22 thì có liên quan quái gì ở đây?”
“Bẫy-22,” bác sĩ Daneeka kiên nhẫn trả lời, khi Hungry Joe chở Yossarian quay lại Pianosa, “nói rằng anh luôn phải làm theo lệnh của sĩ quan chỉ huy.”
“Nhưng Không lực Hai mươi bảy nói rằng tôi có thể về nhà sau bốn mươi nhiệm vụ.”
“Nhưng họ không nói rằng anh phải về nhà. Và có quy định rằng anh phải tuân theo mọi mệnh lệnh. Đó chính là cái bẫy. Ngay cả nếu đại tá bất tuân lệnh của quân đoàn Không lực Hai mươi bảy mà bắt anh bay thêm thì anh vẫn phải bay, nếu không thì anh sẽ bị kết tội bất tuân lệnh ông ta. Khi đó quân đoàn Không lực Hai mươi bảy sẽ nhảy vào xử lý anh.”
Yossarian sụp xuống vì thất vọng. “Vậy thì tôi thực sự phải bay tới năm mươi nhiệm vụ, phải không?” y buồn bã nói.
“Năm mươi lăm,” bác sĩ Daneeka sửa lại.
“Sao lại năm mươi lăm?”
“Giờ thì đại tá muốn tất cả các anh bay năm mươi lăm nhiệm vụ.”
Hungry Joe thở phào nhẹ nhõm khi nghe bác sĩ Daneeka nói ra điều này và gã toét miệng cười. Yossarian túm lấy cổ Hungry Joe bắt gã chở cả hai người bọn họ trở lại chỗ cựu binh nhất Wintergreen lập tức.
“Họ có thể làm gì tôi,” y thấp giọng hỏi nhỏ, “nếu tôi từ chối bay?”
“Có lẽ chúng tôi sẽ xử bắn anh,” cựu binh nhất Wintergreen trả lời.
“Chúng tôi ư?” Yossarian thét lên kinh ngạc. “Ý của anh là sao cơ, tại sao lại chúng tôi? Anh ở phía bọn họ từ khi nào vậy?”
“Nếu anh bị xử bắn, anh muốn tôi ở bên nào đây?” cựu binh nhất Wintergreen vặn lại.
Yossarian nhăn mặt. Đại tá Cathcart đã lại nâng số lượng nhiệm vụ cho y thêm một lần nữa.
17. Phải đấy.
18. Tiền.
19. Trận đánh thuộc Chiến dịch Ý, chiến dịch tấn công dài và đẫm máu nhất do khối Đồng minh thực hiện trong Thế chiến II, kéo dài từ tháng Bảy năm 1943 tới tận tháng Năm năm 1945. Lính Mỹ đổ bộ lên Salerno vào tháng Chín năm 1943.
20. Một loại thuốc chống sốt rét được cấp phát. Appleby cho rằng thuốc đã được phát là phải uống.
21. Trong một số nền văn hóa, người ta tin rằng mang chân thỏ bên mình có thể trừ tà và mang lại may mắn.
Bẫy-22 Bẫy-22 - Joseph Heller Bẫy-22