Chương 6
ình bạn của chúng tôi sau việc đó vỡ òa tựa nước lũ mùa xuân trên núi đổ về. Trước kia, tôi và đám con trai những tưởng thời gian của cậu ấy bị lấp đầy với những bài học dành cho một hoàng tử với chính trị và đao thương. Nhưng từ lâu tôi đã biết được sự thật: ngoài những bài học đàn lia và tập luyện đánh trận thì cậu ta không phải làm gì khác cả. Ngày này chúng tôi có thể đi bơi và ngày khác thì lại trèo cây. Chúng tôi tự tạo ra những trò chơi cho riêng mình, tỷ như chạy đua và tung hứng. Chúng tôi có thể nằm trên bãi cát ấm áp và bảo, ‘Đoán xem tớ đang nghĩ gì đi.’
Chú chim ưng chúng tôi vừa thấy qua cửa sổ.
Một chú bé răng thỏ.
Bữa tối.
Và một thứ cảm xúc sẽ ùa về trong khi chúng tôi bơi lội, chơi đùa hoặc trò chuyện. Cách nó dâng trào trong lồng ngực rồi nhấn chìm tôi phần nào tựa như sự sợ hãi. Sự hiện diện đột ngột của nó lại mới giống những giọt nước mắt làm sao. Nhưng bản chất của nó không giống cả hai điều ấy. Ở những nơi đáng ra phải trĩu nặng nó lại bồng bềnh, và rực rỡ ở những chỗ hai thứ kia u ám. Tôi từng biết qua mãn nguyện nghĩa là gì, những khoảnh khắc ngắn ngủi đeo đuổi niềm vui của sự cô độc: Thảy thia lia, chơi xúc xắc hoặc mộng mơ. Nhưng thực ra nó là về thiếu đi cái gì hơn là có được cái gì, vì được thoát khỏi những điều đáng sợ: Cha hoặc đám con trai đều không ở xung quanh. Chẳng phải chịu đói khát, mệt mỏi hay ốm đau.
Cảm xúc này thực sự rất khác. Tôi phát hiện bản thân cười toe toét cho đến khi nhức hết hai má, da đầu rần rật đến độ tôi tưởng chừng nó sẽ lột hẳn khỏi đầu mình. Miệng lưỡi tôi liến thoắng luôn hồi, quay cuồng với sự tự do. Cái này cái này và cái này nữa, tôi bảo với cậu ấy. Tôi không cần sợ mình đã nói quá nhiều. Tôi không phải lo mình quá yếu ớt hay chậm chạp. Cái này cái này cái này nữa! Tôi dạy cậu ấy cách thảy thia lia, và cậu ta dạy lại tôi cách tạc gỗ. Tôi có thể cảm nhận được từng cơn rùng mình, mọi luồng hơi thoảng qua da.
Cậu ấy chơi cây đàn lia của mẹ tôi, và tôi chăm chú nhìn. Khi đến lượt tôi chơi, những ngón tay của tôi cứ díu lại giữa những sợi dây đàn và giáo viên thất vọng về tôi. Tôi không quan tâm. “Chơi nữa đi,” tôi bảo cậu ta. Và cậu ấy tiếp tục gảy đàn cho đến khi tôi khó mà nhìn ra những ngón tay của cậu trong bóng tối.
Tôi có thể thấy mình đã thay đổi thế nào. Tôi đã chẳng còn quan tâm nữa khi bị thua trong những lần chúng tôi chạy đua, thi bơi, phóng thương hay thảy thia lia. Ai lại có thể xấu hổ vì thua một tạo vật đẹp đẽ nhường ấy? Được nhìn cậu chiến thắng, nhìn lòng bàn chân của cậu thấp thoáng trong khi đá tung cát, hoặc đôi bờ vai cậu nhô lên hạ xuống trong khi cậu xuyên qua làn nước mặn, đã là đủ rồi. Chỉ cần vậy là đủ rồi.
*
Vào cuối hạ, sau khi tôi chịu lưu đày chừng hơn một năm, cuối cùng tôi cũng kể cho cậu ta nghe về việc mình giết chết thằng bé kia. Chúng tôi ngồi trên cành cây sồi ở sân trong, được những tán lá che khuất. Bằng cách nào đó lơ lửng khỏi mặt đất với thân cây rắn chắc sau lưng khiến cho mọi chuyện dễ dàng hơn. Cậu ta yên lặng lắng nghe, và khi tôi đã kể xong thì hỏi:
“Sao cậu không bảo mình chỉ làm thế để tự vệ?”
Cậu ta thuộc kiểu người hay hỏi những câu như thế, về những điều trước kia tôi không hề nghĩ đến.
“Tớ không biết.”
“Hoặc cậu có thể nói dối. Bảo là lúc tìm ra thằng bé thì nó đã chết rồi.”
Tôi nhìn chằm chằm cậu ta, sững sờ vì tính đơn giản của việc đó. Tôi đã có thể nói dối. Và tiếp theo tôi bất chợt phát giác: Nếu tôi nói dối, giờ tôi vẫn là một hoàng tử. Tôi không bị trục xuất vì đã lấy mạng người, mà là vì thiếu hụt tố chất xảo quyệt. Giờ tôi đã hiểu sự kinh tởm trong mắt cha tôi. Thằng con ngu xuẩn của ông, thú nhận tất cả. Tôi nhớ lại ông đã nghiến răng kèn kẹt khi tôi thú tội. Nó không xứng để làm vua.
“Là cậu thì cậu sẽ không nói dối,” tôi bảo.
“Ừ,” cậu ta thú nhận.
Tôi hỏi, “Cậu sẽ làm gì?”
Achilles nhịp mấy ngón tay trên cành cây cậu ta ngồi. “Tớ không biết. Tớ không hình dung được chuyện đó. Cách thằng bé đó đối đáp với cậu.” Cậu ta nhún vai. “Chưa từng ai thử đoạt thứ gì từ tay tớ cả.”
“Chưa bao giờ?” Tôi không thể tin được chuyện đó. Thật không tưởng tượng được một cuộc đời chưa bao giờ biết đến điều ấy.
“Chưa hề.” Cậu ta im lặng trong phút chốc, nghĩ ngợi. “Tớ không biết nữa,” cuối cùng thì cậu ấy lặp lại. “Tớ nghĩ mình sẽ tức giận.” Cậu ta nhắm mắt lại và tựa đầu trên một nhành cây. Lá sồi xanh ngắt phủ quanh tóc cậu, tựa như một chiếc vương miện.
*
Giờ đây tôi thường xuyên gặp gỡ vua Peleus; đôi khi chúng tôi được gọi đi dự các buổi họp hội đồng, và ăn tối với những nhà vua đến làm khách. Tôi được phép ngồi trên bàn cạnh Achilles, thậm chí được phát biểu nếu muốn. Tôi không muốn thế; được im lặng và nhìn những người đàn ông vây quanh mình là tôi hạnh phúc rồi. Peleus thích gọi tôi là Skops. Cú mèo, vì đôi mắt to cộ của tôi. Ông ấy giỏi gây cảm giác được yêu mến kiểu này, không thiên vị và không ràng buộc.
Sau khi những người đàn ông đã rời đi, chúng tôi sẽ ngồi bên ánh lửa với ông và được ông nghe kể về thời trai trẻ của mình. Người đàn ông già nua, lọm khọm và tóc đã điểm bạc, kể với chúng tôi ông từng có thời chiến đấu cạnh Heracles. Khi tôi bảo mình từng gặp Philoctetes, ông mỉm cười.
“À đúng rồi, người được thừa hưởng cây cung của Heracles. Hồi đó ông ta là chiến binh dùng giáo, và có lẽ là can đảm nhất trong số chúng ta.” Ông ấy cũng thuộc kiểu người hay khen ngợi kẻ khác như thế. Giờ tôi đã hiểu làm thế nào mà kho báu của ông luôn ăm ắp quà cáp từ những mối liên minh và hiệp ước. Giữa những anh hùng thích khoe khoang kể lể của chúng tôi, Peleus là một ngoại lệ: một người đàn ông khiêm nhường. Chúng tôi nán lại lắng nghe trong khi người hầu thêm hết thanh củi này đến thanh củi khác để giữ lửa. Đến tận khi bình minh gần lên ông mới xua chúng tôi về phòng.
*
Nơi duy nhất tôi không đi theo là chỗ cậu ta gặp gỡ mẹ cậu ấy. Cậu ta đi vào giấc khuya, hoặc bình minh trước khi hoàng cung tỉnh giấc, rồi quay về đỏ ửng và đầy mùi biển. Khi tôi hỏi thì cậu thoải mái trả lời với giọng đều đều khác lạ.
“Lúc nào cũng như nhau thôi. Mẫu hậu muốn biết tớ làm gì và tớ có khỏe không. Rồi nói về danh tiếng của tớ giữa cánh đàn ông. Cuối cùng thì bà hỏi tớ có muốn đi với bà không.”
Tôi say mê nghe. “Đến đâu?”
“Hang động dưới đáy biển.” Nơi các nữ thần biển sống, sâu đến nỗi mặt trời không tài nào chiếu rọi.
“Cậu có đi không?”
Cậu ta lắc đầu. “Phụ vương bảo tớ không nên đi. Ông bảo con người đến đó rồi khi quay lại đều không còn như xưa nữa.”
Khi cậu ta quay đi, tôi làm dấu nông dân hay dùng để xua đuổi tà ma. Xin thần linh phù hộ. Tôi hơi hoảng khi nghe cậu ta nói về những điều như vậy quá sức bình thản. Trong những câu chuyện của chúng tôi thần thánh và thế nhân chưa bao giờ hòa hợp. Tôi tự trấn an mình rằng nhưng bà ta là mẹ cậu ấy, hơn nữa chẳng phải cậu ấy cũng là bán thần còn gì.
Dần dần, những lần cậu ấy đi thăm mẹ mình dần dần chỉ còn là một trong những điều lạ thường về cậu ta mà tôi đã đâm ra quen thuộc, tựa như bàn chân kỳ diệu hay những ngón tay khéo léo siêu phàm của cậu ấy. Khi tôi nghe tiếng cậu ấy về, trèo qua cửa sổ lúc bình minh, tôi thường lẩm bẩm từ giường của mình, “Mẫu hậu của cậu vẫn khỏe chứ?”
Và cậu ấy sẽ trả lời. “Ừ, bà ấy vẫn khỏe.” Và có thể cậu ta sẽ thêm vào: “Hôm nay cá đầy ăm ắp” hay “Vịnh nước ấm như trong bồn tắm vậy.” Và rồi chúng tôi sẽ ngủ tiếp.
*
Một sáng mùa xuân thứ hai của tôi, cậu ta đi thăm mẹ về muộn hơn thường lệ; mặt trời gần ló hết khỏi mặt nước và tiếng chuông dê núi kêu leng keng khắp các ngọn đồi.
“Bà vẫn khỏe. Bà ấy muốn gặp cậu.”
Sự sợ hãi dâng trào, nhưng tôi cố kiềm chế nó. “Cậu nghĩ tớ nên đi không?” Tôi không thể hình dung bà ấy muốn gì ở tôi. Tôi biết về tiếng tăm căm ghét người phàm của bà.
Cậu ta không nhìn tôi; bàn tay hết nắm vào rồi lại duỗi ra. “Không có hại gì đâu. Bà ấy bảo là vào tối mai.” Giờ tôi đã hiểu đó là một mệnh lệnh. Thần linh không bao giờ chỉ ướm hỏi. Tôi hiểu cậu ta đủ để biết cậu ấy đang xấu hổ. Cậu ấy chưa bao giờ gượng gạo với tôi đến thế.
“Ngày mai?”
Cậu ấy gật.
Tôi không muốn cậu ấy thấy sự sợ hãi của mình, dù bình thường chúng tôi chẳng dấu giếm gì nhau. “Tớ có nên…Tớ có nên mang quà cáp gì không? Rượu pha mật ong?” Chúng tôi đổ nó trên bệ thờ thần linh trong các dịp lễ hội. Đấy là một trong những món lễ vật đắt giá nhất của chúng tôi.
Cậu ta lắc đầu. “Bà ấy không thích thứ đó.”
Đêm tiếp theo, khi mọi người chìm trong giấc ngủ, tôi trèo khỏi cửa sổ phòng chúng tôi. Vầng trăng đã đầy một nửa, đủ sáng để tôi lần được đường ra chỗ những tảng đá mà không cần đuốc. Cậu ta đã nói là tôi chỉ cần đứng ở chỗ sóng vỗ và bà sẽ tới. Cậu đã trấn an tôi rằng không, tôi không cần nói gì cả. Bà ấy sẽ biết.
Những cơn sóng ấm áp, và đầy cát. Tôi cựa mình, nhìn những con cua trắng nhỏ chạy khỏi con sóng. Tôi dỏng tai lắng nghe, nghĩ rằng mình có thể bắt được tiếng chân bà ấy tóe nước khi lên bờ. Một luồng gió thổi xuống bờ biển và cảm thấy dễ chịu, tôi nhắm mắt lại. Khi tôi mở mắt, bà ta đã đứng trước mặt tôi.
Bà ta cao hơn tôi, cao hơn tất cả những người phụ nữ tôi từng biết. Mái tóc huyền buông xõa sau lưng, làn da tỏa sáng và nhợt nhạt đến lạ thường như thể đã nuốt trọn ánh trăng. Bà ta đứng gần đến nỗi tôi thể ngửi thấy mùi nước biển lẫn với mật ong đặc sệt toát ra từ bà. Tôi không thể thở. Tôi không dám.
“Ngươi là Patroclus.” Tôi nao núng trước giọng của bà ta, cộc cằn và the thé. Tôi đã mong chờ tiếng chuông ngân, không phải tiếng đá nghiến ken két giữa những ngọn sóng.
“Vâng, thưa lệnh bà.”
Vẻ chán ghét lộ rõ trên mặt bà ta. Mắt bà ấy không giống mắt người; chúng có màu đen ở ngay giữa và lốm đốm những chấm vàng óng. Tôi không dám nhìn thẳng vào chúng.
“Nó sẽ thành thần,” bà ta bảo. Tôi không biết phải nói gì, thế nên chỉ im lặng. Bà ta cúi người về phía trước và tôi suýt tưởng bà ấy sẽ chạm vào mình. Nhưng dĩ nhiên bà không làm thế.
“Ngươi có hiểu không?” Tôi có thể cảm thấy hơi thở của bà trên má mình, không ấm áp chút nào, mà lạnh lẽo như đáy đại dương. Ngươi có hiểu không? Cậu ấy đã nói với tôi là bà ta ghét phải chờ đợi.
“Dạ vâng.”
Bà ta vẫn cúi gần, lù lù che khuất lấy tôi. Miệng bà là một vết rạch đỏ quạch, như ổ bụng mở toang của vật tế, máu me và đầy bí hiểm. Đằng sau nó là răng bà trắng nhởn và nhọn hoắt như xương.
“Tốt.” Bà ta lơ đãng thêm vào, như thể tự nhủ với bản thân, “Ngươi cũng sẽ chết sớm thôi.” Bà ta quay mình nhảy xuống biển, không để lại cơn sóng nào phía sau lưng. *
Tôi đã không quay lại hoàng cung ngay. Tôi không thể. Thay vào đó tôi đến chỗ rặng ô-liu, để ngồi giữa những thân cây vặn vẹo và trái chín rụng. Nơi đó cách xa mặt biển. Giờ tôi không muốn ngửi thấy mùi muối.
Ngươi cũng sẽ chết sớm thôi. Bà ta đã nói thế một cách lạnh lùng như thể đó là sự thật. Bà không muốn tôi bầu bạn với cậu ấy, nhưng tôi không đáng để giết. Với một nữ thần, chỉ vài thập kỷ đời người khó lòng mà gọi là phiền phức.
Và bà ta muốn cậu ấy hóa thành thần. Bà ta nói về nó một cách đơn giản, như thể đó là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu. Một vị thần. Tôi không hình dung được cậu ấy thành ra như thế. Thần linh lạnh lùng và tách biệt, xa xăm tựa vầng trăng, tương phản hoàn toàn với đôi mắt sáng ngời của cậu, với những nụ cười ấm áp tinh nghịch.
Niềm khao khát của bà ta là một tham vọng lớn. Rất khó để trở nên bất tử, kể cả với bán thần. Đúng là trước kia nó đã từng xảy ra, với Heracles, Orpheus và Orion. Giờ đây họ ngồi trên trời cao, ngự trị dưới hình thức những chòm sao, thưởng thức cao lương mỹ vị với thánh thần. Nhưng những người đó đều là con trai của Zeus, cơ bắp tràn trề sinh lực chảy thứ máu thánh thuần khiết nhất. Thetis chỉ là tiểu thần trong số các tiểu thần, chỉ là một nữ thần biển. Trong truyện kể của chúng tôi những tiểu thần ấy phải ra sức phỉnh nịnh và tâng bốc, lượm lặt ơn huệ từ những vị thần mạnh hơn. Họ không làm được gì nhiều cho chính bản thân. Trừ việc sống, mãi mãi.
*
“Cậu đang nghĩ gì thế?” Là Achilles, cậu ấy đến tìm tôi. Giọng cậu ta vang to giữa những rặng cây lặng lẽ, nhưng tôi không bị giật mình. Tôi đã phần nào hi vọng cậu ấy tới đây. Tôi muốn cậu ấy làm thế.
“Không gì cả,” tôi bảo. Không phải thế. Tôi cho rằng mình luôn nghĩ ngợi cái gì đó.
Cậu ta ngồi xuống cạnh tôi, bàn chân trần bụi bặm.
“Bà ấy bảo cậu là cậu sẽ chết sớm phải không?”
Tôi bất ngờ, quay lại nhìn cậu ta.
“Ừ,” tôi bảo.
“Tớ xin lỗi,” cậu nói.
Gió thổi qua những chiếc lá xám trước chúng tôi, và từ đâu đó vọng lại tiếng thịch khẽ khàng của ô-liu rụng.
Tôi bảo cậu ta, “Bà ấy muốn cậu thành thần.”
“Tớ biết.” Cậu ta nhăn mặt xấu hổ, và bất chấp tình huống tôi nhẹ lòng hẳn đi. Đấy là kiểu phản ứng của con nít. Và cũng rất người. Các bậc cha mẹ đúng là ai cũng như ai.
Nhưng câu hỏi vẫn chờ được nêu lên; Tôi không thể làm gì cho đến khi biết được câu trả lời.
“Cậu có muốn…” Tôi dừng lại, nửa muốn nói tiếp nửa lại không, dù đã thầm hứa là sẽ không do dự. Tôi đã ngồi giữa những rặng cây, tập đi tập lại câu hỏi quan trọng này, và chờ cậu ta tìm đến tôi. “Cậu có muốn biến thành thần linh không?”
Đôi mắt cậu ta tối sầm trong ánh sáng yếu ớt. Tôi không thể nhìn ra những đốm vàng giữa sắc xanh lá. Cuối cùng thì cậu ấy bảo, “Tớ không biết. Tớ không hiểu nó có nghĩa là gì, hay xảy ra như thế nào.” Cậu ta nhìn xuống đôi bàn tay đang ôm lấy hai đầu gối. “Tớ không muốn rời khỏi chỗ này. Mà chính xác là khi nào nó sẽ diễn ra? Sắp tới đây?”
Tôi bối rối. Tôi không biết gì về cách tạo ra thần linh. Tôi chỉ là người phàm.
Giờ thì cậu ấy cau mày, và to tiếng hơn một chút. “Mà thực sự có nơi như thế không? Olympus? Bà ấy thậm chí còn không biết sẽ làm điều đó như thế nào. Bà luôn giả như mình rất rành rẽ. Bà ấy nghĩ một khi tớ đã đủ nổi tiếng…” Cậu ta bỏ lửng câu nói.
Ít nhất thì cái này tôi cũng có thể hiểu. “Thì những vị thần sẽ tự nguyện nhận lấy cậu.” Cậu ta gật đầu. Nhưng cậu ấy vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi. “Achilles.”
Cậu ta quay qua nhìn tôi, ánh mắt đầy vẻ khó chịu, với một sự hoang mang giận dữ. Cậu ấy mới xấp xỉ mười hai.
“Cậu có muốn trở thành thần không?” Lần này câu hỏi phát ra dễ dàng hơn.
“Chưa hẳn,” cậu ta bảo.
Một sự căng thẳng tôi không hề hay biết đã được xoa dịu đôi chút. Tôi vẫn chưa mất cậu ta.
Cậu ta chống cằm; đường nét cơ thể trông còn tinh tế hơn lệ thường, đẹp như tạc tượng. “Dù thế tớ cũng thích được làm anh hùng. Tớ nghĩ mình làm được. Nếu lời tiên tri là sự thật. Nếu có chiến tranh. Mẹ tớ bảo thậm chí tớ còn giỏi hơn Heracles.”
Tôi không biết phải nói gì về việc này. Tôi không biết đó là cái nhìn của một người mẹ hay sự thật mà cũng không quan tâm. Chưa hẳn.
Cậu ta im lặng trong chốc lát, rồi đột ngột quay qua tôi. “Cậu có muốn biến thành thần không?”
Ngay đó, giữa đám rêu ẩm và ô-liu, tôi đột ngột thấy nó mới khôi hài làm sao. Tôi bật cười và gần như ngay sau đó, cậu ấy cũng cười theo.
“Tớ không nghĩ việc như vậy xảy ra được đâu,” tôi bảo cậu ta.
Tôi đứng lên, chìa tay ra cho cậu ấy. Cậu ta nắm lấy nó và đứng dậy. Tunic của chúng tôi dính đầy đất cát, và bàn chân tôi ngưa ngứa với muối biển khô.
“Tớ thấy trong bếp có vả đấy,” cậu ta bảo.
Chúng tôi chỉ mới mười hai, quá trẻ để ủ ê nghiền ngẫm.
“Tớ cá là mình ăn được nhiều hơn cậu.”
“Đua đến đó đi nào!”
Tôi cười to. Chúng tôi cùng chạy.
Bài Ca Của Achilles Bài Ca Của Achilles - Madeline Miller Bài Ca Của Achilles