Chương 6 - Đủ Loại Đủ Kiểu Đàn Ông... Và Cả Phụ Nữ Nữa
ột ngày tháng Chín trên những ngọn đồi của đảo Hoàng Tử Edward; một cơn gió trong trẻo từ biển rộng thổi tung những đụn cát; một con đường dài màu đỏ quanh co băng qua đồng ruộng và rừng cây, lúc thì uốn quanh một khoảnh vân sam um tùm, lúc lại len lỏi qua vườn cây phong non với lớp dương xỉ mượt mà non tơ bên dưới, lúc thì hạ xuống một thung lũng nơi một con suối chảy trào rồi lại nép mình vào rừng cây, lúc lại tắm mình trong ánh mặt trời chói lọi giữa dải cúc tây thân vàng hoa xanh biếc; bầu không khí vang động tiếng râm ran của vô số côn trùng, những kẻ nghỉ dưỡng vô tư lự của ngọn đồi ngày hè; một chú ngựa non màu nâu mập mạp tung nước kiệu trên đường; hai cô gái đầy ắp niềm vui giản đơn mà vô giá của tuổi thanh xuân và cuộc đời ngồi ở xe ngựa phía sau.
“Ôi. ngày hôm nay là môt ngày sót lại từ vườn Địa Đàng, phải không Diana?”... và Anne thở dài một cách vô cùng thỏa mãn. “Bầu không khí tràn đầy ma thuật. Nhìn ánh tím trên vành thung lũng đang được thu hoạch kìa, Diana. Và ôi chao, hãy ngửi mùi nhựa cây linh sam đi! Nó tỏa lên từ thung lũng ngập nắng đằng kia, nơi ông Eben Wright đang chặt cây làm cột hàng rào. Được tận hưởng ngày hôm nay là hạnh phúc lắm rồi, nhưng ngửi mùi nhựa linh sam thì tuyệt vời như ở thiên đường vậy. Hai phần ba trong số đó là của nhà thơ Worthworth và Anne Shirley chỉ chiếm một phần ba còn lại. Trên thiên đường không thể nào có những cây linh sam bị chặt ngang, phải không? Nhưng dường như đối với tớ, thiên đường chưa thế hoàn hảo được nếu chúng mình không ngửi được mùi nhựa linh sam phảng phất khi đi dạo quanh rừng cây. Có lẽ chúng ta sẽ vẫn ngửi được mùi hương đó mà chẳng cần phải hy sinh cây linh sam nào. Đúng, tớ tin là sẽ có cách nào đó. Mùi hương ngọt ngào ấy nhất định là linh hồn của cây linh sam... và đương nhiên chỉ có những linh hồn tồn tại trên thiên đường.”
“Cây không có linh hồn đâu,” Diana là một người thực tế, “nhưng mùi nhựa linh sam thì quả thật rất tuyệt vời. Tớ sẽ làm một cái vỏ gối nhồi đầy lá linh sam. Anne, cậu cũng nên làm đi.”
“Tớ cũng nghĩ vậy... và tớ sẽ dùng nó để nghỉ trưa. Tớ chắc chắn sẽ mơ thấy mình là nữ thần rừng hay nữ thân cây lúc ngủ. Nhưng vào đúng giây phút này, tớ hoàn toàn hài lòng khi chỉ là Anne Shirley, cô giáo của Avonlea, đánh xe trên một con đường như thế này vào một ngày ngọt ngào đáng yêu đến thế.”
“Hôm nay là một ngày tuyệt vời nhưng nhiệm vụ phía trước của chúng mình thì chẳng hề tuyệt vời chút nào,” Diana thở dài. “Vì lý do quái quỷ gì mà cậu lại đề nghị đi quyên tiền dọc theo con đường này hả Anne? Hầu hết số người lập dị của Avonlea sống ở đây, và chúng mình sẽ bị đối xử như những kẻ ăn mày lòng thương vậy. Đây là con đường tệ hại nhất.”
“Đó là lý do tại sao tớ chọn nó. Tất nhiên Gilbert và Fred sẽ đi con đường này nếu chúng ta yêu cầu. Nhưng cậu thấy đấy, Diana, tớ cảm thấy mình có trách nhiệm với Hội cải tạo Làng Avonlea, vì tớ là người đầu tiên đề nghị thành lập nó, do vậy tớ nên lãnh những công tác khó xơi nhất mới phải. Tớ xin lỗi vì đã phiền cậu, nhưng cậu không cần phải nói một lời khi gặp những người lập dị ấy đâu. Tớ sẽ nói hết cho... Bà Lynde sẽ thấy tớ dư sức đảm nhận trách nhiệm này. Bà ấy vẫn chưa biết có nên ủng hộ sự nghiệp của chúng mình hay không. Bà ấy nghiêng về phe ủng hộ khi nhớ ra là ông bà Allan cũng ưa thích Hội cải tạo Làng Avonlea, nhưng nguồn gốc Mỹ của các hội cải tạo làng quê là một điểm trừ to đùng. Vi vậy, bà ấy bị giằng xé giữa hai luồng ý kiến, và chỉ có thành công thì chúng mình mới chứng tỏ được bản thân trong mắt bà Lynde mà thôi. Priscilla sẽ viết một bản tham luận để đọc trong cuộc họp Hội cải tạo lần tới của chúng mình, và tớ hy vọng bài viết ấy sẽ hay, dù sao thì dì của cậu ấy cũng là nhà văn nổi tiếng nên chắc chắn cậu ấy sẽ được di truyền chút ít. Tớ sẽ không bao giờ quên được cảm giác phấn khích khi biết bà Charlotte E. Morgan là dì của Priscilla. Thật tuyệt vời khi tớ là bạn của người có bà dì từng viết nên quyển 'Những ngày ở Edgewood' và 'Vườn nụ hồng'.”
“Bà Morgan sống ở đâu thế nhỉ?”
“Ở Toronto. Và Priscilla nói rằng bà ấy sẽ đến thăm đảo vào mùa hè tới, và nếu có thể Priscilla sẽ thu xếp để chúng mình có dịp gặp bà ấy. Dường như điều đó quá sức tuyệt vời để trở thành hiện thực, nhưng dù sao chỉ cần mơ mộng tới nó khi đi ngủ cũng hay lắm rồi.”
Hội Cải tạo Làng Avonlea đã chính thức được thành lập. Gilbert Blythe là chủ tịch, Fred Wright phó chủ tịch, Anne Shirley là thư ký, Diana Barry là thủ quỹ. Bọn họ lập tức được mệnh danh là các “Cải tiến viên” và sẽ họp mặt hai tuần một lần tại nhà các thành viên. Cũng phải thừa nhận rằng họ chẳng thể kỳ vọng sẽ cải tiến được mấy khi đã sắp hết mùa thế này, nhưng họ đã quyết định sẽ lập kế hoạch chu đáo cho chiến dịch mùa hè sắp tới, thu thập và thảo luận các ý tưởng, viết và đọc tham luận, và, như Anne nói, thu phục nhân tâm.
Đương nhiên là có một vài ý kiến phản đối, và... không ít lời nhạo báng, điều khiến các cải tiến viên ấm ức nhất. Nghe đồn ông Elisha Wright đã nói rằng Hội nên đặt tên là Câu lạc bộ Tán tỉnh mới đúng. Bà Hiram Sloane tuyên bố bà ta nghe nói các cải tiến viên định sẽ xới tung toàn bộ lề đường mà trồng hoa phong lữ. Ông Levi Boulter cảnh báo láng giêng của mình rằng các Cải tiến viên sẽ yêu cầu mọi người giật sập nhà rồi xây lại với bản vẽ được Hội phê duyệt. Ông James Spencer nhắn với Hội ông hy vọng họ sẽ ủi sập ngọn đồi nhà thờ. Eben Wright nói với Anne ông muốn các Cải tiến viên khuyên lão Josiah Sloane chịu khó tỉa râu. Ông Lawrence Bell cho biết ông sẽ sơn trắng kho thóc nếu bọn họ nằng nặc yêu cầu, nhưng sẽ không đời nào treo rèm đăng ten nơi cửa sổ chuồng bò. Ông Major Spencer hỏi Clifton Sloane, một cải tiến viên hay chở sữa đến Nhà máy Pho mát Carmody, rằng có phải mọi người phải tự sơn và đặt miếng lót thêu trên giá vắt sữa vào mùa hè tới hay không.
Mặc dù, hoặc có lẽ là chính vì điều này... bản chất con người vốn là vậy mà... cả Hội quyết định đánh cược vào cải tiến duy nhất mà bọn họ hy vọng có thể hoàn thành vào mùa thu năm nay. Vào cuộc họp thứ hai, trong phòng khách nhà Barry, Oliver Sloane đề ra ý quyên góp tiền để lợp mái và sơn lại tòa thị chính; Julia Bell giơ tay ủng hộ ngay với cảm giác khó chịu rằng mình đang hành động chẳng giống một quý cô. Gilbert đưa ý kiến đó ra biểu quyết, nó được tất cả mọi người ủng hộ, và Anne nghiêm túc ghi chép vào biên bản. Việc tiếp theo là chỉ định ủy ban điều hành, và Gertie Pye, quyết tâm không để Julia Bell một mình hưởng hết vinh quang, mạnh dạn đề nghị cô Andrews Jane lên làm chủ tịch của ủy ban nói trên. Đề nghị này dĩ nhiên được ủng hộ và lập tức tiến hành, Jane đáp lại sự tín nhiệm bằng cách bổ nhiệm Gertie vào ủy ban, cùng với Gilbert, Anne, Diana và Fred Wright. Ủy ban phân chia khu vực quyên góp trong một buổi họp riêng. Anne và Diana xung phong nhận đường Newbridge, Gilbert và Fred đường White Sands, và Jane và Gertie đảm trách đường Carmody.
“Bởi vì,” Gilbert giải thích với Anne khi họ cùng đi bộ về nhà xuyên qua rừng Ma Ám, “tất cả người nhà Pye đều sống dọc theo con đường đó và họ sẽ không đời nào nhả ra một xu trừ phi được một người nhà Pye khác yêu cầu quyên góp.”
Ngày thứ Bảy kế tiếp, Anne và Diana bắt đầu hành động. Họ đánh xe đến cuối đường và đi quyên góp ngược lại, viếng thăm “các cô gái nhà Andrews” đầu tiên.
“Nếu Catherine ở nhà một mình thì chúng mình có thể quyên được chút ít,” Diana nói, “nhưng nếu là Eliza thì chúng mình sẽ trắng tay.”
Eliza có mặt ở nhà... thật đáng tiếc... và nom còn ủ rũ hơn bình thường. Cô Eliza này là kiểu người gây cho ta ấn tượng rằng cuộc đời quả thật là bể khổ, và rằng một cái nhếch mép, chứ chưa nói gì đến nụ cười, là một sự phí phạm năng lượng thần kinh không thể chấp nhận được. Các cô gái nhà Andrews đã là các “quý cô” hơn năm mươi năm có lẻ và dường như nhiều khả năng vẫn là “quý cô” cho đến tận cuối cuộc hành hương ở cõi trần gian. Nghe đồn rằng Catherine vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hy vọng, nhưng Eliza, bi quan từ trong trứng, chưa bao giờ biết chữ hy vọng viết thế nào. Họ sống trong một căn nhà nhỏ màu nâu xây ở một góc ngập nắng của khu rừng sồi nhà Mark Andrews. Eliza phàn nàn rằng căn nhà nóng khủng khiếp trong mùa hè, nhưng Catherine thường ca ngợi rằng mùa đông nơi đây thật dễ chịu và ấm áp.
Eliza đang khâu chăn làm từ những mảnh vải vụn ghép lại với nhau, không phải vì cô cần chăn mà chỉ nhằm phản đối tấm đăng ten phù phiếm mà Catherine đang móc. Khi hai cô gái giải thích lý do chuyến viếng thăm, Eliza lắng nghe với vẻ cau có còn Catherine thì mỉm cười. Đương nhiên, mỗi khi nhìn vào mắt Eliza thì Catherine lập tức thu lại nụ cười với vẻ áy náy, nhưng nét cười của cô quay lại ngay sau đó.
“Nếu tôi có tiền để mà phung phí,” Eliza buồn bã thốt, “có lẽ tôi sẽ đốt nó lên vì thích nhìn ánh lửa lấp lánh; nhưng tôi không đời nào góp một xu cho cái tòa thị chính đó. Nó chẳng có lợi gì cho cộng đồng... chỉ là nơi cho đám trẻ tụ tập và làm những chuyện vô bổ thay vì về nhà đi ngủ.”
“Ôi, Eliza, tuổi trẻ phải vui chơi một chút chứ,” Catherine phản đối.
“Tôi không thấy cần thiết chút nào. Chúng ta không lang thang la cà ở tòa thị chính và những chỗ tương tự khi chúng ta còn trẻ, Catherine Andrews ạ. Thế giới này mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn.”
“Em nghĩ rằng nó đang trở nên tốt hơn đấy chứ,” Catherine kiên định.
“Em nghĩ vậy thôi!” Giọng cô Eliza khinh miệt hết chỗ nói. “Em nghĩ thôi thì chẳng có giá trị gì, Catherine Andrews ạ. Sự thật là sự thật.”
“Vâng, em luôn thích nhìn về mặt tươi sáng của vấn đê, Eliza ạ.”
“Không có bất kỳ mặt tươi sáng nào.”
“Ồ, thực sự là có mà,” Anne kêu lên, không thể im lặng chịu đựng những lời trái tai như vậy được nữa. “Chứ sao nữa, có vô số những mặt tươi sáng, thưa cô Andrews. Đây thực sự là một thế giới tươi đẹp mà.”
“Nếu cháu sống lâu như tôi thì cháu sẽ chẳng đánh giá cao thế giới này đến thế đâu,” cô Eliza chua chát, “và cũng sẽ chẳng có hứng thú cải tiến nó làm quái gì. Mẹ của cháu sao rồi, Diana? Than ôi, bà ấy dạo này xuống sắc quá. Xuống sắc kinh khủng. Và chừng nào thì bà Marilla mới mù hoàn toàn vậy, Anne?”
“Bác sĩ bảo rằng mắt bác ấy sẽ không tệ hơn nếu chịu giữ gìn cẩn thận,” Anne chùn giọng.
Eliza lắc đầu.
“Các bác sĩ luôn luôn nói như thế để ta đỡ buồn. Tôi sẽ chẳng mấy hy vọng nếu tôi là cô ấy. Phải luôn sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất.”
“Nhưng chẳng phải chúng ta cũng nên sẵn sàng cho những điều tốt đẹp nhất hay sao?” Anne như van vỉ. “Khả năng điều tốt đẹp xảy ra cũng tương đương như điều tồi tệ nhất thôi mà.”
“Không tương đương đâu theo kinh nghiệm của tôi, mà tôi đã sống năm mươi bảy năm ròng chứ không phải ở tuổi mười sáu như cháu đâu nhé,” Eliza bắt bẻ. “Muốn về rồi à? Vâng, tôi chúc hội mới của cháu sẽ giúp cho Avonlea không tiếp tục xuống cấp, nhưng tôi chẳng mấy hy vọng đâu.”
Anne và Diana may mắn thoát khỏi cô Eliza và đánh xe với tốc độ nhanh nhất mà con ngựa non béo mập có thể chịu nổi. Khi họ rẽ cua ở cuối cánh rừng sồi, một bóng người mập mạp chạy ra khỏi đồng cỏ của ông Andrews, vẫy tay gọi họ rối rít. Đó là Catherine Andrews, cô thở hổn hển không nói được nên lời nhưng vẫn dúi một nắm xu vào tay Anne.
“Đây là phần đóng góp của tôi để sơn tòa thị chính,” cô thở gấp. “Tôi muốn đưa cho cháu một đô la nhưng không dám lấy nhiều hơn từ số tiền dành dụm vì sợ Eliza phát hiện. Tôi thực sự hứng thú với hội của các cháu và tôi tin rằng các cháu sẽ làm được rất nhiều việc có ý nghĩa. Tôi là một người lạc quan. Tôi phải như vậy, nếu sống chung với Eliza. Tôi phải nhanh nhanh mà quay trở lại trước khi chị ấy phát hiện đây... chị ấy nghĩ tôi đang cho gà ăn. Tôi chúc các cháu quyên góp thành công và đừng mất tinh thần vì những gì Eliza nói. Thế giới đang trở nên tốt hơn... chắc chắn là như vậy.”
Căn nhà tiếp theo là của Daniel Blair.
“Bây giờ, tất cả phụ thuộc vào việc vợ ông ấy có nhà hay không,” Diana nói, xe ngựa của bọn họ đang đinước kiệu trên con đường mòn hằn vết bánh xe. “Nếu bà ta ở nhà, chúng mình sẽ không kiếm được một xu. Mọi người đều nói Dan Blair thậm chí không dám cắt tóc khi chưa xin phép vợ; và chắc chắn là bà ta hết sức keo kiệt, thế là đã nói giảm nói tránh rồi đấy. Bà ta bảo mình phải tiết kiệm trước khi rộng rãi. Nhưng bà Lynde nói sự tiết kiệm của bà ta đã đi ở đằng 'trước' quá xa đến mức sự hào phóng chẳng bao giờ theo kịp.”
Anne kể lại chuyện đã xảy ra ở nhà Blair cho bà Marilla nghe vào tối hôm đó.
“Chúng cháu buộc ngựa rồi gõ cửa nhà bếp. Không có ai ra nhưng cửa để ngỏ và chúng cháu nghe thấy tiếng ai đó làu bàu trong phòng lương thực. Chúng cháu không nghe được nội dung nhưng Diana bảo nghe sơ sơ đã biết là tiếng chửi thề rồi. Cháu không thể tin nổi ông Blair làm vậy, bởi ông ấy luôn lặng lẽ hiền lành; nhưng ít nhất thì ông ấy rất tức tối, bác Marilla ạ, vì khi người đàn ông đáng thương ấy ra đến cửa, mặt đỏ như củ cải, mồ hôi mồ kê ròng ròng, thì hóa ra ông ấy đang đeo chiếc tạp dề kẻ ô của vợ. ‘Tôi không thể cởi được thứ quỷ này ra,’ ông ấy nói, ‘nút thắt chặt quá, tôi không gỡ ra được, xin quý cô thứ lỗi.’ Chúng cháu vội rối rít nói không sao rồi vào nhà ngồi, ông Blair cũng ngồi xuống; ông ấy xoay cái tạp dề ra đằng sau rồi cuộn nó lại, nhưng ông ấy trông hết sức xấu hổ và lo lắng đến mức cháu thấy tội nghiệp và Diana bèn nói xin lỗi vì đã không đến đúng lúc. “Ồ, không sao đâu,” ông Blair cố gắng mỉm cười... bác biết đấy, ông luôn luôn cư xử rất lịch sự... “Tôi chỉ bận rộn chút thôi... đang làm bánh ấy mà. Hôm nay vợ tôi nhận được bức điện nói rằng tối nay cô em của bà ấy ở Montreal sẽ đến đây, bà ấy đi ra ga đón em và lệnh cho tôi ở nhà làm bánh uống trà. Bà ấy viết công thức rồi hướng dẫn cách làm nhưng tôi quên sạch hơn phân nửa rồi. Mà trên giấy còn ghi là, 'nêm sao cho vừa miệng.' Như vậy nghĩa là gì? Làm sao biết được phải nêm bao nhiêu? Lỡ miệng của tôi không hợp vị với người khác thì sao? Một muỗng canh va ni có đủ cho một lớp bánh nhỏ hay không?”
“Cháu cảm thấy tội nghiệp cái ông đáng thương này hơn bao giờ hết. Ông ấy nhìn cứ như là cá bị vớt khỏi nước vậy. Cháu từng nghe nói về những người chồng bị vợ dắt mũi và bây giờ cháu nghĩ mình đã tận mắt nhìn thấy. Cháu đã suýt buột miệng, 'ông Blair, nếu ông chịu quyên tiền cho tòa thị chính thì cháu sẽ pha bột cho.’ Nhưng cháu chợt nghĩ thật chẳng có tí tình nghĩa hàng xóm láng giềng nào nếu lại đi mặc cả sát sao với một người gặp nạn. Vi vậy, cháu đề nghị pha bột cho ông ấy vô điều kiện, ông ấy đồng ý ngay tắp lự. Ông ấy kể rằng đã từng tự nấu ăn trước khi kết hôn, nhưng làm bánh thì thật là nằm ngoài tầm tay ông, nhưng ông không muốn làm vợ thất vọng, ông ấy kiếm cho cháu một cái tạp dề khác, rồi Diana đánh trứng còn cháu nhồi bột. Ông Blair chạy quanh đưa những thứ cần thiết cho chúng cháu, ông ấy quên phứt cái tạp dề còn đeo trên người, và khi ông chạy cái tạp dề cứ phấp phới sau lưng, Diana nói cậu ấybuồn cười đến chết đi được, ông ấy nói mình biết nướng bánh... ông ấy đã làm quen rồi... sau đó ông ấy bèn đề nghị đóng góp và đưa cho chúng cháu bốn đô. Vậy là như bác thấy đấy, chúng cháu đã được tưởng thưởng xứng đáng. Nhưng dẫu ông ấy không góp một xu cháu vẫn cảm thấy mình đã làm đúng với tinh thần Chúa khi giúp đỡ ông ấy.”
Nhà của Theodore White là điểm đến tiếp theo, cả Anne lẫn Diana chưa đến đây lần nào, họ chỉ quen sơ sơ với bà Theodore, một người chẳng mấy hiếu khách. Họ nên vào bằng cửa trước hay cửa sau? Trong khi họ đang thì thào bàn bạc thì bà Theodore xuất hiện tại cửa trước với một chồng báo cao ngất trong tay. Bà cẩn thận đặt từng tờ báo xuống hiên nhà, bậc thềm và dọc theo lối đi tới tận chân những người viếng thăm bí ẩn.
“Các cô có thể vui lòng chà sạch chân trên cỏ rồi sau đó đi trên những tờ báo này không?” bà lo lắng hỏi. “Tôi vừa mới quét xong một lượt căn nhà và tôi không chấp nhận có thêm bụi bám vào nữa. Hôm qua trời mưa, đường lầy lội quá.”
“Cấm cậu cười đấy,” Anne thì thầm cảnh báo khi họ rón rén đi trên hàng giấy báo. “Và tớ xin cậu, Diana ạ, đừng có nhìn tớ dẫu bà ấy có nói gì, nếu không thì tớ sẽ không làm mặt tỉnh được nữa.”
Con đường giấy báo băng qua hành lang, dẫn tới một phòng khách ngăn nắp sạch choang. Anne và Diana rón rén ngồi xuống chiếc ghế gần nhất và giải thích lý do chuyến viếng thăm. Bà White lắng nghe họ một cách lịch sự, chỉ ngắt lời hai lần, một lần để đuổi một con ruồi phiêu lưu quá đà và một lần để cúi nhặt một cọng cỏ rơi từ váy của Anne xuống thảm. Anne thấy áy náy hết sức; nhưng bà White góp hai đô la và đưa tiền ngay...
“Để cho chúng mình khỏi phải quay lại nữa,” Diana nói khi họ đã rời khỏi nhà. Bà White đã thu gọn những tờ báo trước khi bọn họ kịp tháo dây buộc ngựa, và khi đánh xe ra khỏi sân, họ nhìn thấy bà đang bận rộn vung chổi quét hành lang.
Tớ luôn nghe nói bà Theodore White là người phụ nữ sạch sẽ nhất trên đời, giờ thì tớ tin rồi,” Diana nói rồi phá lên cười ngặt nghẽo ngay khi đã đi được một khoảng cách an toàn.
“Tớ mừng vì bà ấy không có con,” Anne nghiêm túc. “Nếu bà ấy có con thì bọn chúng sẽ chịu khổ không sao tả được.”
Ở nhà Spencer, bà Isabella Spencer tra tấn bọn họ với đủ lời nói xấu về tất cả mọi người sống ở Avonlea. Ông Thomas Boulter từ chối đóng góp vì hai mươi năm trước người ta không chịu xây tòa thị chính ở vị trí ông đề nghị. Bà Esther Bell, bề ngoài khỏe như vâm, mất nửa giờ để miêu tả chi tiết mọi cơn đau nhức và bệnh tật của mình rồi buồn bã góp năm mươi xu bởi vì chắc năm tới bà sẽ không có dịp đóng góp nữa... không, lúc ấy hẳn bà đã nằm trong mộ rồi.
Tuy nhiên, lần tiếp đón tồi tệ nhất lại là ở nhà Simon Fletcher. Khi đánh xe vào sân, họ nhìn thấy hai khuôn mặt dòm lén họ qua cửa sổ đằng trước. Nhưng dẫu họ kiên nhẫn gõ cửa và kiên trì chờ đợi, chẳng ai ra mở cửa cả. Hai cô bực đến xù cả lông nhím đánh xe đi khỏi nhà của Simon Fletcher. Ngay cả Anne cũng phải thú nhận rằng cô đã bắt đầu thấy nản. Nhưng sau đó gió đã đổi chiều. Kế tiếp là mấy căn nhà của họ Sloane, họ nhận được kha khá tiền đóng góp, và từ đó đến cuối cùng họ thu hoạch khá tốt, chỉ bị hắt hủi một lần. Điểm của họ là nhà Robert Dickson kế cây cầu băng qua hồ. Họ ở lại dùng trà dẫu đã về rất gần nhà, không dám làm bà Dickson phiền lòng, bà này vốn có tiếng là một phụ nữ rất “nhạy cảm.”
Khi họ đang ở đó thì bà James White ghé chơi.
“Tôi vừa xuống nhà Lorenzo,” bà thông báo. “Ngay giây phút này, anh ta là người đàn ông tự hào nhất Avonlea. Bà biết chuyện gì không? Có một đứa bé trai mới sinh... sau bảy đứa con gái thì đó đúng là một sự kiện long trọng, tôi dám chắc với bà đấy.” Anne dỏng tai lên nghe và khi đánh xe đi, cô nói,
“Tớ sẽ đi thẳng đến nhà Lorenzo White.”
“Nhưng ông ta sống trên đường White Sandsvà cách khá xa khu vực của chúng mình,” Diana phản đối. “Gilbert và Fred sẽ đến quyên tiền chỗ ông ta.”
“Phải đến thứ Bảy tuần sau họ mới đi được, mà khi đó thì đã quá trễ,” Anne cương quyết. “Khi đó thì ông ta chẳng còn hào hứng gì nữa. Lorenzo White là đồ vắt cổ chày ra nước, nhưng ông ta sẵn sàng quyên tiền cho bất cứ việc gì ngay bây giờ. Chúng ta không thể bỏ qua cơ hội ngàn vàng này, Diana ạ.” Kết quả đúng như Anne dự đoán, ông White đón họ ngoài sân, mặt rạng ngời như mặt trời vào lễ Phục sinh. Khi Anne xin quyên tiền, ông hưởng ứng nồng nhiệt.
“Đương nhiên rồi, đương nhiên rồi. Cứ ghi cho tôi góp hơn người đóng cao nhất một đô la.”
“Vậy là năm đô... ông Daniel Blair góp bốn đô,”Anne đáp có chút lo lắng. Nhưng Lorenzo chẳng hề dao động.
“Vậy thì năm đô... giao tiền ngay luôn. Bây giờ cháu vào nhà với tôi nhé. Có một thứ rất đáng xem đấy... chẳng mấy người kịp thấy đâu. Cứ vào đi rồi cho tôi biết nhận xét của cháu.”
“Chúng ta biết nói gì đây nếu đứa bé không xinh đẹp?” Diana lo lắng thì thầm khi họ đi vào trong nhà theo ông Lorenzon đang mừng như điên.
“Ồ, sẽ có điểm nào đó dễ thương để khen thôi mà,” Anne không hề lo lắng. “Đứa bé sơ sinh nào cũng có điểm đáng yêu cả.”
Cũng may là đứa bé xinh trai thật sự, và ông White cảm thấy năm đô bỏ ra là xứng đáng khi thấy hai cô gái thật lòng mê tít cậu bé trai mới chào đời. Nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Lorenzo White bỏ tiền quyên góp.
Anne dẫu hết sức mệt mỏi vẫn cố gắng đi thêm một lần nữa vào chiều hôm đó, băng qua cánh đồng tới gặp ông Harrison, ông đang ngồi hút thuốc ngoài hiên như thường lệ với Gừng đậu bên cạnh. Tính đúng ra thì ông ở trên đường Carmody, nhưng bởi vì bao lời đồn đại đáng nghi, Jane và Gertie vốn chẳng quen biết gì với ông đã năn nỉ Anne giúp giùm.
Thế nhưng ông Harrison cương quyết không đóng một xu, mọi lời thuyết phục của Anne đều vô ích.
“Vậy mà cháu tưởng ông ủng hộ Hội của chúng cháu, ông Harrison ạ,” cô than thở.
“Đúng thế... đúng thế... nhưng sự ủng hộ của tôi không đi sâu đến tận túi tiền, Anne ạ.”
“Nếu thêm vài trải nghiệm như ngày hôm nay nữa thì mình sẽ trở nên bi quan giống như cô Eliza Andrews mất thôi,” Anne nói với bóng mình trong gương ở căn phòng chái Đông vào giờ đi ngủ.
Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea - Lucy Maud Montgomery Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea