Xin Cha-À-O! epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Tại Sao Nước Ta Chậm Phát Triển?
uỹ từ thiện Mỹ - Đzatơ tài trợ cho một nhóm các nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng đi các nước chậm phát triển để điều tra xem tại sao các nước này lại chậm phát triển. Lúc đầu người ta gọi chuyến đi của họ là "Cuộc đi nghiên cứu các nước lạc hậu". Nhưng sau nhận thấy rằng, từ "lạc hậu" có thể bị hiểu theo nghĩa xúc phạm, nên để phù hợp với thông lệ quốc tế, và tranh thủ sự cảm tình của dân chúng các nước này, người ta thay từ đó bằng cụm từ "chậm phát triển".
Theo sự phân công của Quỹ, giáo sư kinh tế Traclơ Uity được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ. Để giúp cho công việc được thuận lợi, nhẹ nhàng hơn, người ta đã bố trí sẵn cho ông một quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là ông Xưtcư, một trong những nhân vật có uy tín nhất trong lĩnh vực này. Ông ta sẽ cung cấp mọi thông tin cần thiết cho ông Traclơ Uity.
Độ hai, ba tháng sau khi hoàn thành công việc của Quỹ Đazatơ tại các nước chậm phát triển, tất cả các chuyên gia và giáo sư đều đã trở về Mỹ. Riêng chỉ có giáo sư Traclơ Uity đi khảo sát nước Thổ Nhĩ Kỳ là vẫn chưa trở về nhà, hơn nữa lại không có một chút tin tức gì.
Lo lắng tới tình trạng sức khoẻ của giáo sư, Quỹ Đazatơ nhờ Chính phủ cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ xác định địa chỉ của ông, và ngày 26-4 đã gửi cho ông một bức thư. Không lâu sau, Quỹ đã nhận được thư phúc đáp của giáo sư cũng trả lời ngay. Vậy là một cuộc trao đổi thư từ giữa Quỹ và giáo sư đã được thiết lập. Không lâu nữa những bức thư này sẽ được in thành một bộ sách ba tập. Theo như dự đoán, những tập sách này sẽ trở thành tác phẩm bán chạy nhất, không chỉ ở Mỹ mà ở khắp thế giới.
Một người Mỹ, vốn là bạn cũ của tôi, chịu trách nhiệm xuất bản những tập sách này, muốn biết ý kiến của tôi về cuốn sách, nên đã gửi cho tôi xem bản thảo. Về phía mình, tôi thấy một vài bức thư trong số đó, nếu được công bố thì cũng là điều bổ ích. Xin được giới thiệu để độc giả cùng đọc.
Ngày 24 tháng 4 năm 1958
Ông Traclơ Uity thân mến!
Tất cả các thành viên thuộc Uỷ ban nghiên cứu các nước chậm phát triển, trừ ông, đều đã được trở về nước. Chúng tôi rất lo lắng vì đã bốn tháng nay không có tin tức gì của ông.
Chờ thư trả lời của Ông.
Kính thư.
Ngày 28 tháng 4 năm 1958
Thưa các ngài.
Xin cám ơn các ngài về thư ngày 24 tháng Tư năm 1958. Tôi rất buồn vì cho đến bây giờ vẫn chưa thể thông báo cho các ngài tin tức gì. Vì mắc phải lễ hội liên miên, mà bốn tháng nay tôi không thể nào tiếp xúc với những nhân vật có thể cung cấp những tin tức cần thiết.
Vì tự thấy chưa được phép trở về nước khi chưa hoàn thành nhiệm vụ của Quỹ Đazatơ trao cho, nên tôi quyết định ở lại đây cho đến bây giờ. Tô hy vọng có thể gặp được ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta trong một ngày gần nhất.
Gửi các ngài lời chào chân thành.
Traclơ Uity
Ngày 1 tháng 5 năm 1958
Gửi ông Traclơ Uity.
Chúng tôi hy vọng rằng đã hiểu đúng ông. Ai cũng đoán rằng ông nói đùa, vì không có một nước nào mà hội hè lại kéo dài triền miên suốt bốn tháng trời được. Vậy nên chúng tôi hy vọng, chậm nhất là sang tháng Năm ông sẽ gặp được ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta để có thể hoàn tất công việc nghiên cứu, và trong thời gian ngắn nhất có thể trở về nước với bản báo cáo giải thích rõ: tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn là một nước chậm phát triển.
Gửi ông lời chào chân thành.
Ngày 5 tháng 5 năm 1958
Thưa các ngài,
Vào ngày 1 tháng Năm, tức là ngày các ngài viết thư, tôi vẫn còn tiếp tục đi tìm ông Xưtcư. Nhưng vì ngày 1 tháng Năm là ngày Hội mùa xuân của Thổ Nhĩ Kỳ, nên tôi không tài nào tìm được ông ta. Tuy nhiên tôi sẽ tìm ông ta bằng được. Tôi hy vọng sẽ tìm được ông ta vào một ngày nào đó không phải ngày hội.
Trong thư trước tôi không viết rằng hội hè ở đây kéo dài suốt bốn tháng. Tôi chỉ muốn báo tin rằng suốt bốn tháng trời tôi không thể gặp được ngài Xưtcư vì có những ngày lễ hội. Xin các ngài lưu ý cho sự khác nhau giữa hai cách nói đó. Tôi vẫn còn hy vọng và cho rằng, có thể gặp được ngài Xưtcư cùng các cộng sự của ông vào ngày 6 tháng 5 này.
Đồng sự trung thành của các ngài
Traclơ Uity
Ngày 18 tháng 5 năm 1958
Ông Traclơ Uity thân mến!
Tin ông báo về cho biết ngày 6 tháng 5 chắc chắn ông sẽ gặp được ngài Xưtcư làm chúng tôi hết sức vui mừng. Nhưng từ đó đến nay không có thêm tin tức gì của ông, chúng tôi lại bắt đầu thất vọng. Chúng tôi nóng lòng chờ tin phúc đáp của ông.
Quỹ Đazatơ
Ngày 2 tháng 6 năm 1958
Các ngài kính mến!
Quả thực tôi có báo về rằng tôi hy vọng gặp được ngài Xưtcư vào ngày 6 tháng Năm. Nhưng hôm tôi đến thì mới biết ông ta không có mặt ở nhà, vì ngày 6 tháng Năm ở Thổ Nhĩ Kỳ là ngày Khưdưa Iliat. Vào ngày này không thể gặp ai ở nhà hay ở sở cả. Tôi có để lại danh thiếp và báo cho ông ấy biết rằng, ngày 15 tháng Năm tôi sẽ lại đến gặp ông ta. Nhưng ông Xưtcư lại gọi điện cho tôi hoãn sang ngày khác vì ngày 15 tháng Năm là "Ngày tưởng nhớ các anh hùng phi công tử trận" và vào ngày đó ông phải đọc một bài diễn văn quan trọng. Sáng ngày 19 tháng Năm tôi lại gọi điện cho Xưtcư để thống nhất thời gian cho cuộc gặp, nhưng vì 19 tháng Năm là ngày "Hội thể thao và thanh niên" nên cuộc gặp của chúng tôi lại phải hoãn sang ngày khác. Các ngài hãy tin rằng tôi không dám coi thường trách nhiệm được giao phó và luôn luôn bám sát từng bước ngài Xưtcư. Tôi vẫn hy vọng gặp được ông ta vào một ngày không phải ngày hội trong tháng 6 này.
Đồng sự trung thành của các ngài.
Traclơ Uity
Ngày 27 tháng 6 năm 1958
Ông Traclơ Uity thân mến!
Chúng tôi đã nhận được tin mừng ông cho biết chắc chắn ông sẽ gặp được ngài Xưtcư trong tháng 6 này. Nhưng vì tháng Sáu đã sắp hết mà vẫn không có tin gì mới của ông, nên tất cả chúng tôi, những đồng nghiệp của ông lại hết sức thất vọng. Chúng tôi khẩn khoản đề nghị ông, nếu thấy không thể gặp được ngài Xưtcư thì hãy tìm gặp những chuyên viên khác để lấy các tin tức cần thiết. Chờ thư ông.
Kính thư.
Ngày 18 tháng 7 năm 1958
Thưa các ngài!
Sở dĩ tôi chậm trả lời là muốn chờ một tin vui để báo về cho các ngài. Tôi xin đoán chắc rằng tôi sẽ không từ bỏ quyết tâm gặp bằng được ngài Xưtcư và các đồng sự của ông ta, cho dù trong vòng vài ngày sắp tới có thể tôi vẫn chưa thực hiện được điều đó. Hôm qua tôi lại đến chỗ ông Xưtcư, nhưng rất tiếc vẫn không gặp được, vì từ ngày 14 tháng Bảy là bắt đầu "Hội đất", còn từ ngày hôm kia là ngày hội "Cuôcban Bairam"(1) Ngày hội này kéo dài 4 ngày, tức là đến ngày 20 tháng 7, và trong thời gian này tìm gặp ông Xưtcư thật là bất tiện. Ngày 1 tháng Bảy, tức là ngày tôi nhận được thư của các ngài, suýt nữa chúng tôi đã gặp được nhau, nhưng rất tiếc hôm ấy lại là ngày hội "Cabôta"(2), nên cuối cùng lại không gặp được.
Xin các ngài đừng nghĩ rằng tôi không gắng hết sức tìm gặp bằng được ngài Xưtcư. Mới hôm qua tôi lại đến nhà ông ta. Nhưng khi biết rằng ngày 17 tháng Bảy là ngày lễ tôn giáo Asura nên tôi lại không dám làm phiền.
Các ngài khuyên tôi nếu thấy không thể gặp được ngài Xưtcư và các đồng sự của ông ta, thì tìm gặp các chuyên viên khác để thu thập tài liệu. Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Thế nhưng cho đến nay tôi đã bỏ ra tám tháng trời theo đuổi ngài Xưtcư và bây giờ nếu tôi từ chối không gặp ông ấy nữa, trong khi hầu như các lễ hội đã vãn, thì nghĩa là toàn bộ công sức của tôi bị uổng phí. Hơn nữa, xin các ngài chớ quên rằng: tìm một chuyên viên mới để làm quen cũng phải mất ít nhất tám tháng. Vì thế tôi quyết định bằng mọi giá sẽ gặp bằng được ngài Xưtcư vào một ngày nào đó không phải ngày hội. Hy vọng rằng từ nay đến cuối tháng có thể báo cho các con ngài biết tin vui.
Traclơ Uity
Ngày 2 tháng 9 năm 1958
Gửi ngài Traclơ Uity
Đã hết cả tháng Bảy lẫn tháng 8, vẫn như cũ chúng tôi không có tin tức gì của ông cả. Chờ thư phúc đáp của ông.
Ngày 10 tháng 9 năm 1958
Thưa các ngài.
Tôi xin thông báo ngắn gọn những việc tôi đã làm trong hai tháng qua. Như trong thư trước tôi đã nói, ngày 23 tháng Bảy tôi có đến nhà ông Xưtcư. Nhưng vì ngày 23 tháng Bảy là ngày kỷ niệm công bố bản hiến pháp đầu tiên, nên cho đến tận trưa tôi vẫn không gặp được ông Xưtcư ở công sở. Để khỏi mất thời gian vô ích, đầu giờ chiều tôi đã gọi điện cho ông ta. Ngày 24 tháng Bảy là ngày ký hiệp ước Lôdana(3), tôi được báo tin qua điện thoại là ông Xưtcư mắc bận đi dự lễ kỷ niệm. Không mất hy vọng tôi quyết định tốt nhất là tìm gặp ông ta tại nhà. Thế là tuần đầu tháng Tám tôi có đến nhà ông Xưtcư vào một buổi tối. Nhưng người ta cho biết rằng ông đi dự dạ hội "Hồ trăn trở". Ở nước ông Xưtcư cây Hồ trăn trở được trồng rất nhiều, nên mỗi năm một lần người ta tổ chức dạ hội Hồ trăn trở. Ngày hôm sau chúng tôi cũng không gặp nhau được vì hôm đó là ngày sinh nhật của bà Xưtcư. Không ngã lòng, ba ngày sau tôi lại đến tìm ông ta. Nhưng hôm đó chúng tôi cũng không kịp trao đổi gì cả, vì ông Xưtcư vội đến nhà thờ, nơi ông đã đặt lễ cầu siêu cho thân phụ quá cố của ông. Ngày 30 tháng Tám(4) lại là ngày hội chiến thắng nên tất nhiên không thể gặp ông ở công sở. Ngày hôm qua tôi lại đến chỗ ông ta, thì được báo là ông đã đi dự lễ kỷ niệm ngày giải phóng Izơmia, tổ chức vào ngày 9 tháng 9. Đợi khi nào ngài Xưtcư ở Izơmia về, tôi sẽ tìm gặp bằng được ông ta. Xin các ông hãy tin rằng không ngày nào tôi rời mắt khỏi ông ta.
Kính thư.
Traclơ Uity
Ngày 8 tháng 10 năm 1958
Gửi ông Uity
Quỹ Đazatơ quyết định ngừng việc khảo sát nguyên nhân chậm phát triển của đất nước mà ông đang có mặt. Xin được cảm ơn vì ông đã có nhiều cố gắng trong công việc. Yêu cầu ông trở về nước để tiếp tục làm những công việc bình thường.
Quỹ Đazatơ
Ngày 16 tháng 10 năm 1958
Thưa các ngài.
Qua bức thư cuối cùng của các ngài, tôi hiểu rằng Quỹ Đazatơ quyết định ngừng cấp kinh phí cho việc khảo sát ở nước này. Nhưng xét thấy để công sức mà tôi đã bỏ ra trong vòng một năm nay không bị uổng phí, tôi quyết định sẽ sử dụng nguồn tài chính của riêng cá nhân tôi để tiếp tục công việc. Tôi sẽ mang hết khả năng sức lực, kể cả giọt máu cuối cùng để gặp cho được ngài Xưtcư và các đồng sự của ông ta. Vấn đề là ở chỗ, chính bản thân tôi cho đến lúc này cũng rất muốn tìm được lời giải đáp cho câu hỏi, tại sao nước này chậm phát triển. Dù cho thế nào đi nữa, tôi cũng giải đáp bằng được câu hỏi đó.
Mặc dù các ngài đã nói rõ yêu cầu trong bức thư cuối cùng, tôi vẫn xin phép được trình bày vắn tắt với các ngài về những công việc tôi đã làm vừa qua, vì mấy tháng vừa rồi tôi đâu có chịu ngồi khoanh tay bó gối. Tuy ngày 15 tháng 9 tôi không gặp được ngài Xưtcư vì rơi vào ngày kỷ niệm Bacbarốt(5).
Nhưng tôi được biết rằng đến ngày 27 tháng 9 thế nào tôi cũng được gặp ngài Xưtcư tại công sở? Nhưng hoá ra ngày 27 tháng Chín là ngày Hội tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Bao nhiêu hy vọng phấp phỏng đành lại phải chuyển sang tháng Mười. Ngày 6 tháng Mười chúng tôi đã xuýt gặp được nhau nếu hôm đó không trùng với ngày kỷ niệm giải phóng Stambun. Ba ngày sau khi đến sở của ông Xưtcư, tôi mới biết ông bận tổ chức kỷ niệm ngày cưới nên không đến sở.
Từ ngày 28 tháng 10, bắt đầu 3 ngày hội Cộng hoà. Vào những ngày lễ hội dân tộc lớn như thế mà lại đến gây phiền toái cho người khác, thì tất nhiên đó là điều không nên. Vậy muốn hay không muốn vẫn phải chờ đến tháng Mười một. Trong những ngày tới tôi hy vọng sẽ tóm được ông Xưtcư vào giữa hai ngày hội và sẽ nói chuyện với ông ta về đề tài tại sao nước ta lại không phát triển như vậy.
Kính thư...
Ngày 2 tháng 12 năm 1958
Ông Uity thân mến.
Từ lâu Quỹ Đazatơ đã ngừng cung cấp tài chính cho chương trình khảo sát các nước chậm phát triển. Tuy nhiên chúng tôi vẫn rất quan tâm đến vấn đề tại sao đất nước mà ông đang có mặt lại là nước chậm phát triển. Chúng tôi sẽ rất biết ơn ông, nếu ông tiếp tục cho chúng tôi biết kết quả những cuộc khảo sát của ông.
Kính thư...
Ngày 18 tháng 12 năm 1958
Thưa các ngài.
Tôi xin viết vắn tắt về những cố gắng của tôi trong thời gian qua. Ngày 10 tháng Mười một là ngày Quốc tang(6) của Thổ Nhĩ Kỳ. Chờ đúng 3 ngày không khí đau buồn dịu bớt, ngày 13 tháng Mười một tôi có đến chỗ ông Xưtcư. Nhưng người ta cho biết rằng ông đã đi Ancara dự lễ kỷ niệm ngày rời thủ đô về thành phố này. Sau một tuần thì ông ấy về, nhưng tôi vẫn không gặp được vì ông đi xem đá bóng. Ngày hôm sau lại là ngày hội Tuyên ngôn nhân quyền thế giới. Ngày hội này kết thúc lại bắt đầu tháng diệt ruồi. Chương trình hoạt động của năm 1958 coi như kết thúc ở đây. Tôi đón Năm mới với những hy vọng tràn đầy. Dù thế nào đi nữa tôi cũng quyết gặp bằng được ngài Xưtcư vào một ngày nào đó không có hội hè, mít tinh trọng thể, hay bóng đá gì cả. Khi ấy, cuối cùng tôi cũng sẽ xác định được nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng kinh tế nước ông ta chậm phát triển.
Traclơ Uity
trung thành của các ngài.
Ngày 28 tháng 2 năm 1959
Kính gửi ông Traclơ Uity,
Sau bức thư cuối cùng của ông với những lời đầy hy vọng và hứa hẹn, chúng tôi không nhận được tin tức gì thêm nữa. Chúng tôi rất lo lắng trước sự im lặng của ông.
Quỹ Đazatơ
Ngày 10 tháng 3 năm 1959.
Thưa các ngài!
Năm 1959 là một năm chứa chan hy vọng đối với tôi.
Nếu đức thánh Ala phù hộ thì trong năm này tôi có cơ hội gặp được ngài Xưtcư. Tôi muốn được truyền đến các ngài niềm hy vọng này. Ngày 1 tháng Giêng tôi không thể đến chỗ ngài Xưtcư được vì là năm mới.
Hôm sau tôi cũng không dám làm phiền ông vì vướng phải lễ Đêm Thánh sinh.
Tiếp sau đó là ngày kỷ niệm chiến thắng Inêniu.
Tôi cho rằng quấy quả ông ta trong những ngày này e bất tiện, nên đành nuôi hy vọng vào tháng Hai. Ngày 4 tháng Hai là lễ Dâng thánh và ngài Xưtcư phải đi dự lễ. Sau khi xem kỹ các loại lịch và biết rằng ngày 16 tháng 2 không có hội hè. Nhưng đúng hôm đó ngài Xưtcư lại được mời đi dự tiệc tại trường học mà trước đây ông ta đã từng học. Ngày 22 tháng 2 là ngày Thần Khải của nhà tiên tri Muhamét. Tôi đã có ý định đến ngài Xưtcư chơi vào ngày mai, nhưng lại sực nhớ ra mai bắt đầu tháng ăn chay nên lại thôi. Nếu có tin tức gì mới tôi sẽ thông báo cho các ngài biết sau.
Traclơ Uity
Ngày 24 tháng 4 năm 1959
Thưa các ngài,
Trong suốt hai năm qua tôi không thể tìm được ngày nào không có lễ hội để trao đổi với ngài Xưtcư và các đồng sự của ông. Ngày 12 tháng 4 kết thúc Tháng ăn chay thì lại bắt đầu ngày ăn thịt. Đợi vài ngày cho ngài Xưtcư hồi người sau tháng ăn chay, tôi đến gặp ông ta, nhưng người ta cho biết rằng hôm ấy, ngày 23 tháng 4 là ngày Hội trẻ con.
Ngày mai tôi sẽ rời khỏi xứ sở này.
Traclơ Uity
o O o
Giáo sư kinh tế Traclơ Uity đã về Mỹ, Quỹ Đazatơ yêu cầu ông đọc một bài giảng về những khảo nghiệm thực tế của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghe xong lời đề nghị này, giáo sư nói:
- Thưa các ngài, mặc dù đã bỏ ra bao nhiêu là thời gian và cố gắng, nhưng tôi không thể tiếp xúc được với một nhân vật nào ở đất nước này cả vì hội hè, đình đám quá nhiều. Vì thế tôi không thể tìm hiểu được nguyên nhân tại sao nước này chậm phát triển. Tôi không có những tư liệu cần thiết về vấn đề này. Tôi chỉ có thể nói rằng chính bản thân tôi cũng khát khao muốn biết tại sao nước này chậm phát triển.
Phụ chú: Tôi đã viết thư gửi người bạn nhà in Mỹ, người đã có nhã ý giao cho tôi đọc bản thảo tập thư, mà các bạn vừa đọc xong mấy bức. Tôi khuyên ông bạn hãy in ngay những tập thư đó. Chúng ta hãy đợi xem ông bạn nhà in đáng kính có thực hiện lời khuyên của tôi hay không?
Xin Cha-À-O! Xin Cha-À-O! - Azit Nêxin Xin Cha-À-O!