Chương 5 - Chuyện Bất Ngờ
ế chiều bà thái ngồi bóc vỏ đậu phộng trên bộ ván kê sơ sài bên gốc xoài. Sơn vừa ở bến sông về đã chạy đến bên mẹ.
- Má ơi. Tối nay có chị kia đến nhà mình.
- Chị nào vậy?
- Chị quen với con. Chị tên Phượng. Chị làm sinh viên đi nghiên cứu vụ xây đập.
Sơn đùa một mớ đậu về phía mình, vừa bóc vỏ vừa nói:
- Chị thân với con lắm má. Hôm trước con đưa đò cho chỉ qua sông. Chỉ thương con lắm, má. Chỉ nói tối nay lại dẫn con đi coi chiếu phim. Má cho con đi nghe má?
Bà Thái nhìn cậu con trai, thấy tóc dài quá bà lấy tay tém tém tóc con lại cho gọn rồi vuốt xuống ót thành cái đuôi rùa. Bà nói:
- Ờ, đi thì đi.
Sơn móc túi lấy mớ bạc cắc để ra tấm ván, xếp chúng lại thành từng chồng mười đồng. Ðược hai cọc còn thừa lại hai đồng, em búng cho nó quay tít trên tấm ván:
- Con xin mấy đồng lẻ nghe má.
Bà Thái vừa bóc vỏ đậu vừa nhìn đồng bạc cắc quay, bảo con:
- Cho năm đồng đó. Tối đi chơi uống nước.
Sơn cất tiền vào túi.
- Ba đâu?
- Trong nhà. Con vô dọn cơm đi.
Nhưng ông Thái đã dọn cơm rồi, chỉ chờ nồi canh chua sôi là ăn thôi.
Thấy con về ông Thái gọi lại:
- Nếm thử canh coi. Sao cái miệng ba nó lạt quá, nếm không thấy ngon.
Sơn cúi xuống cái vá bằng nhôm thổi phù phù cho nước canh nguội bớt rồi húp chụt một cái.
- Ðược đó ba. Số một đó ba. Lươn ba câu hồi nào vậy?
- Ông bảy cho. Hồi trưa ông bảy ghé lại đây. Thôi đi ra mời má đi.
Nhưng bà Thái đã vô nhà từ hồi nãy. Bữa ăn ngon thường ngày. Sơn ngạc nhiên về những cử chỉ dịu dàng của ba. Em thấy lòng sung sướng và tràn trề hạnh phúc.
Ăn cơm xong Sơn tự nhiên thấy muốn giúp má rửa chén bát, mặc dù phần việc mọi ngày của em chỉ là lau bàn ăn. Em thu dọn mọi thứ tươm tất rồi đem chén đũa dơ ra giếng. Lau bàn xong thấy má lui cui xách nước Sơn chạy ra đứng bên:
- Con rửa với má.
Má nói:
- Thôi, con trai đừng có rửa chén. Vô nhà pha trà cho ba đi.
Nhưng Sơn vẫn muốn gần gũi với má trong lúc này. Em vô bếp pha trà xong trở ra giếng coi má rửa chén. Em nói:
- Má rửa xong, con tắm.
Sơn nhìn lên phía mặt trời lặn. Ở đó chỉ còn những vệt sáng đỏ ối và mấy đám mây đen viền vàng rực rỡ. Những cây sao, cây dầu cao vút đã biến thành màu đen và đứng uy nghi thẳng tắp trên nền trời nám bạc. Sắc đỏ của ráng chiều nhạt nhòa rất nhanh và khi bóng tối lan đến thì tiếng thác đổ nghe rõ hơn.
Bà Thái bưng chén đũa vào nhà nhưng Sơn vẫn đứng ở thềm giếng. Vườn cây của em đã đầy bóng tối nhưng em vẫn còn mường tượng được từng gốc cây, từng chùm quả lủng lẳng.
Chợt có tiếng chó sủa. Sơn mừng rỡ chạy ra. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều hiện ra dáng một người thiếu nữ. Sơn định lên tiếng gọi nhưng cái bóng đen đó đã hỏi:
- Ba em có nhà không?
Ðó là giọng của chị Tư Lụa bán cà phê trước mặt trường. Sơn tiu nghỉu, đáp:
- Có.
Ngay lúc ấy nó nghe tiếng loa phóng thanh kêu: Một… Hai… Ba vang lại từ phía sân trường. Sơn vội vàng chạy vô nhà lấy bộ quần áo mới rồi đem ra giếng mắc trên nhánh cây ổi xá lị. Em múc nước tắm trong bóng tối.
Ngoài đường đã có tiếng trẻ con kéo nhau đi coi chiếu phim. Chúng vừa đi vừa nói chuyện líu lo, cười giỡn vang cả xóm. Những thứ ấy làm lòng Sơn nôn nao kỳ lạ, giống hệt như sắp sửa tới Tết. Chiều ba mươi Tết nó cũng thường tắm rửa sạch sẽ như thể để đón giao thừa. Có khi thì ba dẫn ra sông, ba khám kỹ từ cái móng tay. Ba bẻ cái gai tre dài khều cho sạch hết đất bám trong kẽ móng tay của Sơn mới thôi. Ba nói: năm mới thì mọi thứ đều phải sạch sẽ mới được. Tắm xong về, đã nghe khắp nơi rộn ràng. Sự rộn ràng ấy cũng giống hệt chiều hôm nay. Không phải chỉ có trẻ nhỏ mà cả các cô thiếu nữ, các anh thanh niên và người già nữa. Họ kéo nhau đi từng đoàn, từng tốp năm bảy người. Vòng vòng trong xóm đâu đâu cũng nghe tiếng cười nói vui vẻ. Tiếng loa lại vang lên như thúc giục. Rồi tiếp nhạc nổi lên nghe vui vô cùng. Ðáng lẽ tắm xong là Sơn "vọt" đi liền, nhảy qua hàng rào xương rồng chạy như bay ra chỗ chiếu phim liền nhưng lần này thì không. Em đang chờ đợi Phượng. Và sự chờ đợi ấy còn vui hơn là nhảy qua hàng rào, vui hơn là đùa giỡn với tụi nhỏ trên bãi cỏ nhiều.
Sơn thấy dễ chịu, vui sướng. Chân trời phía Tây không còn một chút ráng đỏ nào nữa, tuy vậy trời vẫn chưa tối hẳn. Sơn không vào nhà mà đi ra ngoài ngõ đứng thơ thẩn đợi. Có ai phía nhà bác Bảy đi lại. Sơn nhận ra ngay anh Hùng, du kích xã, Sơn hỏi:
- Chiếu chưa, anh Hùng?
- Chưa đâu. Còn sớm mà, chỉ có mấy đứa con nít.
- Hồi nãy vô đây anh có thấy ai đi sau không?
- Không. Mày đợi ai vậy?
- Ðâu có đợi ai.
Anh du kích cũng chẳng cần thắc mắc, đi khuất vào trong bóng tối của hàng rào dâm bụt. Sơn nghĩ hay là mình cứ ra ngoài đó, đi giữa đường thế nào cũng gặp chị Phượng. Nhưng mới đi được mấy bước Sơn đã quay lại. Rủi chị Phượng đi đường khác đến thì sao, lại tưởng mình bỏ đi trước.
Sơn lại đứng tần ngần nơi ngõ tối nhà mình. Lúc sau em bỏ vô nhà. Em vừa nhớ ra là chưa lấy năm đồng bạc bỏ túi. Má Sơn hỏi:
- Chị đó hẹn mấy giờ?
- Không nói giờ. Nhưng chắc gần tới rồi đó má. Chưa chiếu mà.
Sơn ngó ra cổng nhưng vẫn không thấy bóng ai cả. Nó lại gần bên ánh đèn dầu, lấy một đồng bạc cắc ra búng quay vòng trên bàn và nói thầm trong miệng:
- Số một là tới, ngôi sao là không tới.
Ðồng bạc quay một hồi, hết đà ngã xuống. Ngôi sao. Thế là chỉ không tới rồi. Chẳng lẽ không tới thiệt sao?
Lúc ấy có tiếng chân đi ngoài ngõ. Sơn lấy vội đồng bạc cắc rồi chạy vụt ra. Nhưng bóng người ấy đi thẳng trên con đường mòn. Ðồng hồ nhà bác Bảy điểm bảy tiếng. Từ phía bãi chiếu bóng tiếng loa phóng thanh lại vang lên:
- Các em nhỏ ở phía trước gần màn bạc hãy ngồi xuống. Buổi chiếu bóng sắp bắt đầu.
Tiếng vỗ tay vang lên rất rõ. Một phút im lặng rồi tiếng vỗ tay rộn rã hơn. Sơn biết rằng buổi chiếu đã bắt đầu. Nó có thể nhảy một cái qua hàng rào xương rồng và chạy thẳng ra bãi chiếu để xem nhưng tự nhiên nó không còn hứng thú gì nữa.
Sơn bỏ vô nhà. Người mẹ nói:
- Cổ không lại thì con đi đi. Ðợi làm chi. Chắc cổ bận chuyện gì đó. Hơi đâu mà đợi.
Nhưng Sơn chẳng muốn đi đâu nữa cả. Nó đi lại phía ngọn đèn, đứng im một lúc rồi lôi trong túi ra đồng bạc cắc. Nó nghĩ. Lần này mà ngôi sao nữa thì chắc chắn một trăm phần trăm chị không tới rồi.
Và nó bung đồng bạc quay tít trên bàn.
°
Trong lúc ấy tại nhà trọ của các sinh viên địa chất, Phượng đang lo lắng vì cơn đau bất thình lình của Thành. Thầy Văn và mấy người bạn năm thứ năm cũng quây quần bên giường người bệnh. Phượng đi ra quán cà phê mua nước đá về chườm cho Thành nhưng anh vẫn quằn quại vì cơn đau dạ dày cố hữu của mình. Ðến nửa đêm cơn đau hạ xuống và Thành mệt lả người, ngủ thiếp đi. Lúc ấy Phượng mới nhớ ra là mình có hẹn với thằng bé đến nhà dẫn đi xem chiếu bóng. Nhưng buổi chiếu đã xong từ lúc nào, mọi người trở về và ngủ yên. Giờ đây ở vùng rừng rú này có lẽ chỉ mình Phượng còn thức, còn ngồi đăm đăm nhìn ngọn đèn dầu leo lét mà nghe tiếng dòng sông réo gọi, nghe tiếng gió rừng rì rào không dứt. Thành nằm im lìm trên chiếc giường tre nhỏ, đôi kính cận đã được tháo ra nên trông mặt anh khác lạ hơn ngày thường, chỉ có vầng trán và cái miệng là còn giữ nguyên cái vẻ thông minh lẫn chút gì bướng bỉnh đáng yêu. Phượng coi đồng hồ. Ðã hơn hai giờ sáng nhưng chị không thấy buồn ngủ. Chị tựa lưng vào ghế dựa và chợt thấy mình như đang sống trong một gia đình nhỏ ở ven sông, với một đôi vợ chồng nghèo mới cưới nhau chưa đầy năm. Chị ngạc nhiên không hiểu sao điều tưởng tượng ấy lại đem đến cho mình một cảm giác buồn mênh mông, hòa lẫn trong một thứ tình yêu đằm thắm, lễ giáo. Cái gì đã làm chị bâng khuâng không ngủ được. Chị thấy mình đang nhớ nhung một cái gì không rõ rệt, một cái gì đó như thể đang bị dòng sông ngoài kia mang đi dần, mang đi dần, hoặc là cơn gió rì rào ấy làm cho tan loãng ra, mất dần đi trong rừng mênh mông.
Chưa bao giờ Phượng sống trong một tâm trạng lạ lùng như thế. Có lẽ tại mình thức một mình với đêm ở chốn núi rừng heo hút này chăng? Ở thành phố, có nhiều đêm chị cũng thức khuya như thế nhưng không hề có cảm giác như vậy.
Phượng vẫn ngồi im nhìn ngọn đèn leo lét. Có lẽ cũng do ngọn đèn có thứ ánh sáng vàng yếu ớt này chăng? Chị đứng dậy và ra đứng ngoài hiên nhà. Sương xuống mênh mông trắng bạc cả rừng núi, cả trời đất. Làng xóm ngủ yên những mái tranh co ro những con thỏ con nằm tựa vào nhau quanh bếp tro đã tàn. Phượng ngạc nhiên không hiểu sao người dân quê ViệtNamlại có thể sống mãi một cuộc đời thầm lặng như thế. Có lẽ họ cũng tìm thấy được niềm hạnh phúc dưới mái tranh nghèo này, trong ánh đèn leo lét này, nhưng giá như nếu có thêm ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn nê-ông, những công viên tươi xanh, những khu giải trí, những ngôi nhà gạch tiện nghi sạch sẽ, giá như trẻ con được học trong những ngôi trường khang trang… thì hạnh phúc sẽ lớn hơn, đời sống sẽ phong phú hơn.
Ðàng kia, thấp thoáng bóng một người sinh viên đang ngồi gác cho đồng đội mình ngủ. Hình ảnh ấy đêm nay đối với chị đẹp như hình ảnh người chiến sĩ ngoài mặt trận. Phượng đứng âm thầm trong bóng tối của chái nhà nhìn anh đăm đăm, nhưng chị vẫn không nhận ra người ấy là ai mặc dù ánh thuốc lá cứ mỗi lúc lại ửng hồng lên trên khuôn mặt trẻ. Suốt dãy lớp học trống trãi xiêu vẹo kia, những tiếng thở đều đặn của các bạn nghe rất rõ, thỉnh thoảng có tiếng trở mình, tiếng nói mê của vài người và tiếng ho húng hắng của giáo sư Văn. Tất cả những tiếng động quen thuộc ấy làm lòng chị ấm áp dễ chịu. Phượng nhẹ nhàng bước vào nhà. Thành vẫn đang ngủ say, chị muốn đặt một bàn tay lên trán của bạn nhưng sợ Thành giật mình tỉnh giấc nên chị lẳng lặng bước về phía giường mình. Chị chui vào mùng, nằm xuống và bỗng nhiên nghĩ đến Sơn:
- Tội nghiệp thằng bé.
Vùng Biển Mất Tích Vùng Biển Mất Tích - Đạo Hiếu Vùng Biển Mất Tích