Võ Sĩ Lên Đài epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 4
ái ngõ Tầu đối diện nườm nượp người vào ra ăn sáng ở cửa hàng mì vằn thắn. Bên này, bà hùy bún ốc đang thổi lửa nồi riêu. Mùi xôi dừa thơm bùi ở đầu phố bay lại. Hè phố lẹt xẹt tiếng lê dép.
Sớm bừng ông Nhự đánh xe về.
Người trong ngõ đã đi làm, đi chợ. Ông Thân cũng đã đi, buồng he hé cửa mở. Dừng xe ở sân, ông Nhự nhận ra đứa con gái đầu lòng của ông đang từ cái vòi nước ở trước cửa nhà ông Thân, chạy về. Nó vừa chạy vừa cười nắc nẻ.
— Gì thế? Nguyệt, mày không đi chợ với bu mày à?
— Bố! Bố ơi, bố lại mà xem, anh Nhân...
Con bé lúc lắc cái đuôi tóc xòe như đuôi chim câu, mắt nở tròn xoe, vui thích.
— Xem cái gì?
— Các anh ấy làm cái gì mà cứ huỳnh huỵch, huỳnh huỵch...
Ông Nhự ngây người. Huỵch! Bịch! Huỵch! Bịch! Những tiếng động từ nhà ông Thân vọng ra nghe thật rõ. Rón rén, ông bước lại cửa nhà ông hàng xóm.
Trong căn buồng hẹp, đồ đạc đã được thu gọn, hở một khoảng trống bằng hai chiếc chiếu ở giữa nhà. Cường đang hí húi lục cái ngăn kéo tủ, lôi ra lúc một quả bóng tennít, lúc một chiếc vợt bóng bàn. Trên cái bàn nhỏ la liệt sách báo. Ở đó, Tùng đang ngồi chăm chú đọc một cuốn sách, chẳng để ý tới ai. Nhân đứng ở giữa nhà, đang tới tấp thoi vào một cái bao cát buộc dây thả từ xà nhà xuống, cách đất chừng một thước.
Xùy! Bịch! Xùy! Bịch! Xùy! Xùy! Đôi chân Nhân nhún nhẩy chuyển quanh cái bao cát. Mắt Nhân gườm gườm. Hai nắm đấm dứ dứ rồi phóng ra bất ngờ, liên tiếp như mưa một hồi, rồi lại co về thế thủ. Cái bao cát quay tròn, bung bênh. Sau cùng, bị một cú đấm quá mạnh nó văng ra gần tới mặt Tùng, lúc hết đà quay lại, rơi phịch xuống đất.
— Úi chà chà! Thật là một quả trái phá!
Tùng ngẩng lên, reo. Rồi chợt phất tờ báo.
— Nhân ơi, có một bài báo rất hay.
Nhân ghé lại gần bạn, thở hổn hển, ngực mặt đầm đìa mồ hôi. Tùng cúi xuống trang sách:
— Một khía cạnh của quyền anh: Trò bịp. Ví như võ sĩ người Italia Primô Cácnêra.. Cao 2m05, nặng 130 kg. Thực ra chỉ là võ sĩ hạng xoàng. Nhưng các ông bầu và ban tổ chức đã bố trí cho Primô gặp những võ sĩ dễ bảo - những vó sĩ này ăn tiền, vờ ngã lăn ra, vờ bị nốc ao, để Primô chiến thắng và nổi tiếng. Nhưng chỉ một năm sau, Primô gặp Mắc Beơ, Mắc không dễ bảo, nên đấm Primô liên tiếp, và hạ đo ván Primô...
Nhân đứng dậy, nhấc cái bao cát, buộc lại:
— Tớ sẽ thành võ sĩ để phụng sự sự thật.
— Nhất định phải thế!
Chân Nhân lại bắt đầu nhún nhẩy. Hai nắm đấm lại như hai cái chầy máy. Cái bao cát lại quay quay.
Ông Nhự ngó vào, cười:
— Nhân! Làm gì mà như choi choi thế. Định nối nghiệp ba cháu chắc?
Nhân ngừng tập, quay ra:
— Bác Nhự, bác vào uống nước ạ.
— Nước nôi gì. Hôm nay các cháu nghỉ học à?
— Chúng cháu sửa soạn đi cắm trại.
Ông Nhự ngồi ghé xuống phản, đỡ chén nước Tùng đem lại:
— Trông cháu tập, bác lại nhớ hồi ba cháu còn trẻ. Đúng là con dòng cháu giống thật. Anh cả Dư của cháu cũng là một tay cừ khôi trong làng bốc, nhưng nổi danh nhất là môn đua xe. Chà! Ba cháu dành dụm tiền mua cho anh được chiếc xe nhãn Supe Gơlốp cà rịch cà tàng, thế mà cũng dám đua với các danh thủ như Mạc Đình Trường, Giang Long Phúc và cả những cuarơ nhà nghề trong quân đội Pháp như Bêđiô, Perô toàn xe thượng thặng. Nhiều hôm cậu cả ngã, xây sát hết cả người, tôi phải sang lấy thuốc đỏ bôi cho đấy!
— Cháu nhất định noi gương anh cả cháu!
Cường nói. Ông Nhự chẹp miệng:
— Còn các cháu có biết không? Sau trận ba cháu đấu với tây Đờ Gátxơ, Thống sứ Bắc Kỳ là thằng Tôlăngxơ và lão chánh mật thám ácnu căm lắm, Trong khi đó báo chí bắc Trung Nam nhất loạt tung hô ba cháu thật hả hê, coi ba cháu như thần tượng của làng bốc nhé!
— Thằng culít Tây Đờ Gátxơ chắc bây giờ vẫn còn uất ba cháu lắm!!
— Chắc chắn là thế rồi!
— Chỉ tiếc là từ sau trận đấu với Đờ Gátxơ, nghe đâu là bọn chủ hãng Avia nó thông đồng với bọn culít, trù dập ba cháu ghê lắm. Thậm chí nó còn dọa đuổi việc nếu còn đấu với Tây. Do vậy, có lẽ là phẫn chí, nên ông gần như không lên đài nữa, chỉ huấn luyện anh em tập tài tử thôi.
Đang lúi húi lục lọi cái ngăn tủ, Cường bỗng quay lại, vứt pạch xuống đất một chồng ba bốn cuốn sách:
— Đây rồi!
Nhân, Tùng ngoảnh lại. Chà! “Thuật đấu quyền anh”, “cách tập tạ”, “Thuật sống lâu”, “Quyền anh, môn thể thao khỏe, đẹp”. Và một cuốn an bom toàn ảnh chụp thời võ sĩ huy hoàng của ông Thân và bạn bè.
Vồ lấy từng cuốn sách, Tâm trí Nhân lập tức như mê man. Tuổi thiếu niên đã đến thời kỳ bột phát từ thể chất tới ý chí và nghị lực? Hay niềm tự hào về người cha và tinh thần tự cường đã bừng dậy trở thành một nguồn lực mạnh mẽ trong Nhân, sau những ngày sống với cuộc kháng chiến của dân tộc trở về?
Nhân không còn là cò hương, không e lệ, sợ sệt nữa. Nhân không thích vẻ mềm mại, ẻo lả. Nhân ưa vẻ đẹp khỏe mạnh. Hấp dẫn Nhân lúc này là những thân hình lực sĩ nở nang cường tráng. Những làn da nâu bóng đồng hun. Những bắp tay, bắp chân cuồn cuộn. Những sinh lực tràn trề ở một thể trạng khỏe khoắn, dẻo dai, với một tâm hồn nghĩa hiệp, cao quý. Tràn vào trong Nhân cả cái không khí hào hùng thượng võ, cùng không khí sôi động pha sắc màu huyền thoại của đấu trường cùng các bóng hình võ sĩ oai hùng uy vũ như các siêu nhân.
Ông Nhự nhấc cuốn an-bum, giở xem từng tấm ảnh võ sĩ, chốc chốc lại chậc chậc, xuýt xoa!
Tùng nhìn ông xích-lô:
— Bác Nhự ơi, có bao giờ bác bị bọn culít, bọn Tây say nó ăn quịt, nó đánh không?
Ông Nhự gập cuốn sách ảnh:
— Cơm bữa! Cái hồi còn kéo xe tay mới cực. Vô tình, đặt cái càng xe lên bờ hè là ăn phạt, ăn đá liền. Còn Tây ấy à? Nó lên xe, bắt mình kéo ngang cái càng xe ra cho nó ngồi thật bảnh chọe. Chạy nhanh mấy nó cũng dộng giầy đinh xuống sàn xe: “A lê! Vít vít!” Nhanh lên! Nhanh nữa lên! Không nhanh là nó chồm lên túm cổ mình, đấm tát liên chi hồ điệp.
— Thế mình chịu ạ?
— Thì... Nói chung mình ở thế yếu thì cũng đành chịu vậy chứ biết làm thế nào. Tuy vậy, cũng có lần, kéo chú mày ra một bãi vắng.”Xuống xe đi, ông”. Bảo nó thế. Nó còn ngơ ngác. Thì hự... Một cái độn gối.
— Ha ha... - Cường bật tiếng cười.
— Bác có võ à? - Tùng hỏi.
— Có chứ. Võ Việt Nam. Vật, gồng đứng, gồng ngồi...
— Cháu có thấy bác tập bao giờ đâu?
— Ấy thế - Ông Nhự cười - có những miếng võ nhỏ, có những miếng võ lớn. Có cuộc đấu trên võ đài, lại có cuộc đấu chẳng lên võ đài. Có cuộc đấu đầy người xem. Lại có cuộc đấu không có khán giả, cứ âm thầm nện nhau thôi...
o O o
Nhân cắp cái cặp da, sải những bước dài trên hè phố Quan Thánh. Trời ngả chiều. Gió ẩm mang hơi nước hồ Trúc Bạch thổi nhè nhẹ. Vòm trời lăn tăn những đám bụi than từ lò nhà máy điện Yên Phụ bay lên.
Bỗng, Nhân đứng sững.
Ba cái bóng trắng vừa nhẩy ra chặn lối, cách Nhân chỉ độ ba bước chân.
— A! Thằng Nhân mang xác đến đây rồi!
Nhân đưa mắt. Một thằng Tây con: thằng Đờ Lanay, cao lêu đêu, tay chân lợp một lớp lông lá hung hung đỏ. Hai thằng khác thấp hơn, một thằng béo lùn, một thằng to con, da vàng mũi tẹt, điệu bộ ngổ ngáo. Chúng đều là học sinh trường Tây Anbe Sarô. Tuần trước, chúng xô ra chặn đường một tốp nữ sinh. Nhân đang đạp xe từ trường về, gặp cảnh nọ, liền nhẩy xuống cùng với các bạn quần nhau với chúng một trận. Ngón tay cái trật khớp sau được bà Nhự chữa kiểu dân gian khỏi là từ trận ấy. Giờ, chúng đón đường, trả thù Nhân đây!
Nhân rút tay ra khỏi túi quần, đặt cái cặp xuống đất, khuôn mặt tròn vẫn tỉnh không:
— Các cậu định làm gì thế? Đón đường à? Không quân tử!
Thằng to con nhếch mũi:
— A! Định giảng đạo đức, hả?
Một thằng khác phẩy tay:
— Không phải nhiều lời.
Nhân rút đôi găng mỏng trong túi, xỏ vào tay:
— Vậy phải có điều kiện.
— Điều kiện gì?
— Một chọi một.
— Được!
— Thua, không được gọi culít.
Thằng Tây con nhổ nước bọt, tay đang chống nạnh, xô lại sừng sộ:
— Bố mày mà lại chịu thua mày à?
Tên béo lùn kéo thằng Tây con:
— Khoan đã. Bốc hay Duyđô?
— Món gì cũng cân! - Nhân đáp.
Thằng Tây con xấn lên:
— Bốc! Tấng, lấy tao đôi găng!
Thằng béo lùn tên Tấng rút từ trong cái túi dết ra một đôi găng nhỏ. Nhân không biết nó. Nhưng nó biết Nhân. Nó là em thằng Tấc học cùng lớp với Nhân. Anh cả nó là gã cai Bảo Chính bữa nọ bị ông Thân dậy cho biết phép lịch sự ở trên toa tầu điện. Nó biết chuyện nọ. Nó định trả thù cho anh nó chăng?
Vậy là cuộc đấu trả thù bắt đầu rồi. Không phải là đấu trên võ đài. Không có trọng tài. Không khán giả. Đây là cuộc đấu nhỏ ngoài vòng dây võ đài. Phải đấu. Phải thắng! Để cho chúng nó một bài học, để chúng cạch hẳn thói bắt nạt, móc túi học trò Việt Nam lấy năm xu quà sáng! Để chúng bỏ hẳn cái thái độ khinh mạn người Việt Nam. Khốn nạn! Tao đã từ ngoài vùng kháng chiến trở về, ở lại trong thành phố này không phải là đã thua bọn lõ và bọn mũi tẹt bán nước chúng mày đâu!
Đờ Lanay xông ngay tới, vung hai nắm đấm. Nhân lui vào bờ tường, lại lạng ra vỉa hè. Thằng Tây con cậy sức, đấm mạnh, nhưng không có bài bản. Còn Nhân, Nhân chưa hề ra một trái đấm nào. Nhân chỉ lui, chỉ né tránh. Hai thằng mũi tẹt hí hửng kêu: “cho nó đo ván đi, Đờ Lanay”. Trông như Nhân ở thế thua. Nhân chỉ đỡ, chỉ giật lùi. Nhưng Nhân thấy rất rõ là thằng Tây con phí sức. Một cú đấm trượt là một lần nó mất đi một ít gân cốt, sức lực. Quả là thế! Sau mười cú đấm không trúng mặt Nhân, nó đã thở. Nó thở hồng hộc như trâu cầy ruộng tháng năm.
Đã vậy nó lại quen thói lấn tới, thấy Nhân chỉ lui, nên càng không chú ý phòng thủ. Cái nắm đấm che mặt như đã lơi lơi. Và, kìa, nó đã sơ hở. Cái bản mặt dài như mặt ngựa với cái chóp mũi nhọn lồ lộ như chọc vào mặt Nhân. Không lỡ một giây, Nhân hơi nhoai lên, quả đấm dồn tất cả sức lực, lao thẳng. Bốp! Chưa có quả đấm nào lại bất ngờ như thế trong đời thằng Tây con. Mũi nó đau ê. Mặt nó tối sầm. Nó lật ngửa, lưng đập vào bức tường, choại chân, ệch đít xuống đất. Rồi từ hai lỗ mũi nó, ộc ra hai dòng máu đỏ thẫm.
Thằng Tấng vội nhẩy ra giang hai tay trước mặt Nhân:
— Khoan! Khoan! Nó đã ngã rồi. Đúng luật...
Nhân thu nắm tay lại:
— Biết tay nhau rồi chứ?
Thằng Tây con tháo găng, quệt máu mũi, lảu bảu:
— Đ. M. Mày! Còn gặp nhau mà!
Nhân nhấc cái cặp sách.
Thằng Tấng cúi xuống nâng thằng Tây con:
— Nó là con võ sĩ Thân đấy, mày ạ!
Thằng mũi tẹt đứng ở xa, giờ mới mon men lại, xách đôi găng lên, nhợt nhạt:
— Xem nó đánh đúng điệu con nhà nòi, chúng mày ạ. Có lẽ nó học ở lò võ sĩ Vĩnh Nguyên cũng nên. Hứ! Cú đấm ác thật. Phải công nhận là đẹp.
— Đẹp cái tiên sư mày!
Thằng Tây con đứng dậy, chửi, tay gài lại vạt áo, hai mắt đỏ sặc.
Võ Sĩ Lên Đài Võ Sĩ Lên Đài - Ma Văn Kháng Võ Sĩ Lên Đài