Việt Nam Máu Lửa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3: Cố Gắng Lực Của Chính Phủ Hồ Chí Minh
ĐỐI NỘI
Sau việc thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại, chính quyền đã hoàn toàn về tay chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa. Gia tài của chính phủ mới là một Việt Nam đầy chết chóc đau thương, nạn đói khủng khiếp vừa qua lại chập chờn xuất hiện, mùa màng nói chung hết sức xấu, tính đến vụ gặt tới, thiếu đến 50 phần trăm vì nạn lụt, sau lụt lại hạn hán, tiền nong không bảo đảm, quỹ hầu như rỗng, nhiều nhà cửa bị bom tàn phá, cầu cống chưa sửa chữa, đường giao thông vẫn hoàn toàn đứt quãng…Thêm vào đó, biết bao việc ngoại lai, rối ren với Pháp ở Nam Việt, cư xử với quân đội Trung Hoa, nạn quan kim…
Trước cảnh tượng như vậy, sự cố gắng của chính phủ phải vượt mức:
Về cai trị các ủy ban nhân dân được thành lập (5.9.45) thay thế những Hội Đồng Kỳ Mục, bãi bỏ chế độ quan lại.
Ngày 12.9.45, bộ trưởng bộ nội vụ Võ nguyên Giáp ký nghị định thủ tiêu chế độ quan lại và quyền quản lý tài phán, tất cả các công chức, quan lại đang tại chức phải ngừng ngay công việc để những con người mới làm việc với chính thể mới. Những nguyên tắc mới được nêu lên:
– Nam nữ được bình đẳng, bình quyền trong hoạt động chính trị trước pháp luật.
– Đối với Thái, Nùng, Thổ, Mán, Mường…những người dân tộc sinh hoạt trên lãnh thổ Việt Nam đều được coi ngang hàng với dân tộc Việt.
– Các nghiệp đoàn, đoàn thể được thành lập. Những lớp xung phong tuyên truyền để đào tạo cán bộ tuyên truyền cho dân làm quen với chính thể mới.
– Về xã hội, luật làm việc 8 giờ được áp dụng.
Để đối phó với nạn đói có thể xẩy ra lần thứ hai, chính phủ đề ra nhiều biện pháp. Thành lập một ủy ban trung ương khuyến khích tăng gia sản xuất ‘’không một tấc đất bỏ hoang’’. Thành lập ủy ban ngũ cốc để tiếp tế. Ngoài những ủy ban đó, những cơ quan chính quyền quân sự, các đoàn thể…mỗi tuần nhịn ăn một bữa để dư khẩu phần gạo cho dân nghèo. Từ bỏ chế độ ăn uống đình đám ở thôn quê trong các ngày hội hè.
Tất cả các biện pháp để chống giặc đói được nghiên cứu và cố gắng áp dụng.
Về kinh tài, chính phủ phải lo hai vấn đề:
– Giải quyết cho bần dân.
– Lấp lỗ hổng quỹ chính phủ.
Chính sách thuế má cũ đã xóa bỏ. Thuế thân, tượng trưng sự ‘’nô lệ’’ phải bỏ hẳn. Ngày 14.9.45. Nghị định bỏ thuế công, thương nghiệp. Hợp tác xã bắt đầu xây dựng. Những nông dân, ai có dưới năm mẫu ruộng đều được miễn thuế điền thổ.
Quỹ quốc gia, trước đã chẳng còn gì, nay lại xóa bỏ mọi thứ thuế, nên chính phủ phải kêu gọi dân chúng đóng thuế mới: Đảm phụ quốc phòng. Công chức và bộ đội lĩnh dư khẩu gạo (Bộ đội mỗi tháng được 20 cân gạo và 5 đồng để tiêu vặt). Những tổ chức quyên tiền cho ngân sách được nghiên cứu và cấp tốc thi hành: Việc bán ‘’ảnh cụ Hồ’’ và tuần lễ vàng thu được hàng triệu.
Do các biện pháp kể trên, một quỹ độc lập được thành hình. Thêm vào đó, tài sản tịch thu của những người mang tiếng là ‘’Việt Gian-Phản Động’’. Các địa phương phả tự giải quyết việc chi tiêu. Quỹ độc lập tương đối cũng giải quyết nhỏ nhẹ được sự chi tiêu cần thiết trong chính phủ.
Cuộc Tổng khởi nghĩa thành công ngày 19 tháng 8 năm 1945 nói chúng không phải áp dụng phương tiện quân sự, nhưng nay lại đứng trước tình thế rất có thể phải đổ máu. Quân Pháp muốn quay trở lại nước Việt Nam, hoạt động của Đô Đốc d’Argenlieu ở Trung Hoa của Tướng Blaizet ở Ấn Độ, tình hình rối ren ở Nam Bộ, là những sự thực đã và đang xẩy ra.
Song song với vấn đề xã hội bắt buộc phải giải quyết cấp tốc, chính phủ Hồ chí Minh đã phải triệt để chú trọng đến mặt quân sự, tăng cường quốc phòng ở mọi mặt, dưới mọi hình thức.
Các đội tự vệ, dân quân, du kích thi nhau xuất hiện. Thanh niên nam nữ, kể cả các dân tộc tiểu số, từ 16 tuổi trở lên là đã được luyện tập sử dụng vũ khí thô sơ (súng trường, súng lục) Thậm chí đến những đào thể nhi đồng cũng được khuyến khích tập tành quân sự.
Các trường quân chính được mở liên tục (quân chính ở Việt Nam Học Xá, Đấu Xảo, Bãi Đua Ngựa Hà Nội, trường võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây, trường Phan Đình Phùng ở Huế…) Những cán bộ quân sự, chính trị đã từng hoạt động đều được qua các lớp bổ túc mới.
Những xưởng làm vũ khí trung ương và địa phương ra sức tăng gia năng xuất và hiệu xuất.
Để đủ tiến mau và sản xuất vũ khí, thành lập các đơn vị bộ đội chính quy, chính phủ đã thu thập vàng (tuần lễ vàng), quyên đồng (tuần lể đồng) trong toàn thể nhân dân. Dân ta đã được mục kích những cụ già kệ nệ khuân cả những đỉnh đồng, hạc thờ, lọ đồng cổ, mâm, nồi để ủng hộ chính phủ, thật là vô cùng cảm động và kích thích xứng đáng vai con cháu các bô lão trong Hội Nghị Diên Hồng trên 700 năm về trước.
Miền Thượng Du Bắc Việt được đặc biệt chú trọng gây cơ sở của trung tâm kháng chiến toàn quốc. Trên bản đồ quân sự, lãnh thổ Việt Nam phân ra thành những chiến khu vĩ đại, mục đích chuẩn bị một cuốc kháng chiến trường kỳ.
Trong khi mải miết về ‘’kế hoạch no dân’’ và ‘’chống xâm lăng’’, chính phủ tận tâm để ý đến công cuộc chống nạn mù chữ.
Một sắc lệnh cưỡng bách học tập, từ 8 tuổi trở lên trai hay gái đều phải biết đọc, biết viết trong thời hạn một năm.
Ba cơ quan được thiếp lập tức khắc để đôn đốc và kiểm soát việc học tập:
– Một ủy ban nghiên cứu phương pháp học tập cho thích hợp với hoàn cảnh điều kiện từng địa phương, từng hạng tuổi.
– Một ủy ban tuyên truyền cốt gây không khí phấn khởi cho việc học tập.
– Một ủy ban đào tạo cán bộ đi huấn luyện và chuyên việc làm sách vở sao cho vừa dễ học vừa rẻ tiền.
Trung Học và Đại Học được khuyến khích và giải quyết học bổng cho một số học sinh sinh viên. Ngoài ra chi hội văn hóa cứu quốc ra đời để thu thập và nghiên cứu tài liệu ngõ hầu hướng dẫn, phát triển Văn, Nhạc, Kịch Việt Nam theo con đường mới.
Qua những cố gắng của Việt Minh chúng ta nhận thấy ngoài những ưu điểm, có những khuyết điểm sau đây:
Những cán bộ, hạ cấp lãnh đạo hành chính địa phương, đại đa số, hoặc là các thanh niên mới nhóm, hung hăng, không kinh nghiệm, không kể gì đến lễ độ, hoặc những người thô lỗ, ít học, không chuyên môn, đầy tư tưởng bảo thủ, vị kỷ. Các cán bộ địa phương là tay sai trung kiên nhất, dữ dội nhất…Dân chúng được mục kích luôn luôn cái cảnh bắt bớ, giam hãm đem đi ‘’Khu’’. Hễ ai trốn ‘’trách nhiệm’’ hội họp, ủng hộ…sẽ được gán ngay tiếng Việt Gian-Phản Động. Hai danh từ ấy là Lưỡi Hái của Thần Chết, chẳng nể nang ai, dù cha mẹ họ hàng thân thích, dù những người chuyên làm điều thiện, có đạo đức. Hơn thế nữa, cả những người yêu nước chân chính nhưng không cùng lý tưởng quốc tế và nguy hiểm nhất là những người chót có xu hướng thân mến, quyến luyến Nguyễn Triều. Óc sùng ‘’vương’’, cần phải ‘’thủ tiêu’’!! Những người đó đều bị bí mật theo dõi, điều tra, lên án và có khi bị chết oan. Thành thực mà xét ủy ban nhân dân cấp Huyện hoặc Xã có tính cách ‘’đồ tể’’ hơn là một chuyên nghiệp chính trị hành chánh.
Ai bảo cách mạng ‘’thành công’’ không đẫm máu?
Suốt một giải đất chữ S những cảnh ‘’biến mạng’’ trong gia đình tiếp diễn kinh khủng khiến co ai không ưa chế độ mới cũng phải cố ưa, ai không thích chế độ mới, cũng phải cố thích, bởi vì, có làm ra bộ ‘’ưa’’, ‘’thích’’, ‘’nhiệt thành’’ thì các ông cán bộ mới để cho yên lành mà làm ăn đóng góp.
Mục đích bình quyền, bình đẳng giữa nam và nữ, giữa dân Thiểu Số và người Kinh, chưa mang lại điều lợi ích gì cho những kẻ được hưởng quyền, trái lại, những người được ‘’hưởng’’ nguyên tắc ấy, phải đóng góp triệt để, người ta thấy xuất hiện những đội nữ binh, bỏ gia đình con cái đi họp, đi hát, đi ‘’gác đêm’’, người ta thấy xuất hiện binh lính ‘’Việt Nam Mới’’ Thổ, Mán, Mèo, lìa bỏ nhà sàn rừng núi, ruộng nương để theo các ‘’đồng chí’’.
Nghiệp đoàn, đoàn thể, thi nhau thành lập, quyền lợi chưa thấy, thấy ngay ở đấy bóc lột được để tổ chức, kiểm soát tư tưởng có nghệ thuật, ai thiếu đóng góp nguyệt liễm, ai vắng mặt ở những cuộc ‘’khai hội’’, ai ít phát biểu ý kiến là nhất định chịu đựng nhiễu phiền, có khi nguy hại. Vì đó là những phần tử ‘’lừng chừng’’!!
Luật làm việc 8 giờ một ngày nêu ra tưởng chừng sẽ áp dụng để bảo vệ quyền lợi cho giới công nhân, nào ngờ, song song với sắc lệnh này, Việt Minh thi hành khẩu hiệu ‘’Tăng năng xuất cứu quốc’’ nghĩa là ngoài 8 giờ làm việc hết sức, công nhân còn phải nai lưng làm thêm vài tiếng đồng hồ ‘’ủng hộ’’. Hơn nữa, ngày chủ nhật còn là ngày ‘’xung phong’’ làm việc thêm của anh em thợ thuyền để xứng đáng là giai cấp gương mẫu.
Những lớp xung phong tuyên truyền liên tiếp huấn luyện đào tạo thanh niên nam nữ, nhồi sọ dân chúng chất phác bỏ Đình, bỏ Chùa, bỏ lễ nghi thờ phụng tổ tiên, dè bỉu đạo giáo, chỉ xuy tôn có một chủ nghĩa Cộng Sản, lý tưởng Mã Khắc Tư…
Tư tưởng duy vật tuy chập chững nhưng mạnh mẽ như nước vỡ bờ, cha, anh, chú, bác ngang nhau cả. Sự hỗn loạn thê thảm ấy là do hành động của đám cán bộ hạ tầng, vô chính trị, kém cõi, cứng nhắc, chỉ biết nạt nộ dân chúng, cúi đầu trước thượng cấp, thi hành mệnh lệnh máy móc, cực đoan.
Về thuế má, bỏ thuế nọ lại đóng thuế kia, danh từ có khác, nhưng nột dung chẳng khác. Đồng tiền vẫn từ túi dân bỏ ra ‘’hợp pháp’’.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng, dưới chế độ xưa, theo truyền thống tự nhiên của xã hội Việt Nam, một người chủ gia đình, đi làm nuôi cả, bỗng nay chỉ còn dư gạo cho riêng mình từng tháng, tương lai gia đình sẽ ra sao?
Nước sôi, muốn thành lạnh, cũng phải để nguội dần, đằng này, các cán bộ hạ cấp Việt Minh, thi hành càng, chẳng suy tính đến nỗi đau khổ bên trong của gia đình.
Và đây mới chỉ là màn đền ơn báo hiệu một thống khổ trường kỳ cho dân Việt.
Ngoài kiểu lương theo ‘’khẩu phần gạo’’ và nhịn một bữa ăn, nhân dân còn phải ‘’xung phong’’ mua ảnh cụ Hổ, đóng góp tuần lễ vang, tuần lễ đồng và đủ thứ tuần lễ khác.
Trong khi dân chúng, do lòng ái quốc chân chính bị kích thích, cố công cố sức đóng góp thì các cán bộ Việt Minh, các ‘’quan cách mạng’’ tiêu pha phung phí, tiện ăn, tiện uống, chỉ thấy toàn cán bộ.
ĐỐI NGOẠI
(Chính Phủ Dân Chủ Cộng Hòa Với Pháp)
Từ khi cướp được chính quyền, tuy Việt Minh hoàn toàn tự chủ trong công việc, nhưng ai cũng rõ là chủ quyền còn mong manh như trứng để đầu đằng, còn phải tận lực tranh đấu mới may mắn đứng vững được.
Những việc lôi thôi với Pháp liên tiếp xẩy ra.
Trong Nam, ngay sau khi thành lập chính quyền nhân dân, cuộc xung đột với Pháp thực sự xẩy ra bắt đầu ngày 2.9.1945.
Ngày ấy, ủy ban Nam Bộ triệu tập một cuộc mít tinh vĩ đại, hàng chục vạn người, làm lễ độc lập. Trước Nhà Thờ Lớn Thành Phố, cuộc hội họp bắt đầu từ 2 giờ chiều. Các đoàn thể đã tề tựu đủ mặt: Thanh Niên Tiền Phong, Cao Đài, Hòa Hảo, Đệ Tứ, Phục Quốc, Bình Xuyên, mang theo khí giới phần nhiều là gậy tầm vông đầu bịt sắt. Thêm vào những tổ chức đó, còn có đoàn cảnh sát súng ống tề chỉnh, đoàn dân miền Hậu Giang mặc toàn đồ đen, dắt dao găm và súng lục, dân chúng chật ních…
Sau khi đại biểu ủy ban Nam Việt đọc tuyên ngôn, bỗng nhiên người ta nghe thấy vài tiếng súng nổ phát ra tại một hãng ô-tô Pháp gần đấy, thế rồi, giữa đám đông nhôn nhao, thét lên những câu ‘’Pháp bắn, Pháp bắn’’. Chẳng ai bảo ai, đoàn thanh niên nam nữ, thậm chí đến cả bà già và con trẻ đều xông cả vào hãng ô-tô, người ta nhẩy cả vào Nhà Thờ Thành Phố gần như biến loạn. Tại các ngã đường, các thanh niên có võ khí, tự động bắt người Pháp, từng xâu, từng xâu, đem giam lại một chỗ, có phố bị bắt cả già trẻ chẳng sót một mống.
Chiều dần, tiếng súng thưa thớt, cuộc mít-tinh giải tán hung hăng trong không khí hằn học. Cả Pháp và Việt đều thiệt hại.
Tình hình Nam Việt căng thẳng và điểm máu hồng liên tiếp, cho đến ngày 12.9.45, một Đại Đội Pháp được thả dù cùng với Tiểu Đoàn Ấn Độ của Anh. Tinh thần Pháp biến đột lên cao khi thấy có quân lính của họ tới và nhất là được Đồng Minh đồng ý (Tướng Anh Graccy), quân đội Pháp đã chia nhau đóng giữ mấy yếu điểm: Bến Tầu, xưởng đóng tầu Nhà Bè, Kho thuốc đạn…
Tình thế mỗi ngày mỗi khẩn trương, Việt nhìn Pháp uất ức. Pháp nhìn Việt khiêu khích, hận thù.
Ngày 19.5.45, Cédile tuyên bố trong cuộc họp báo chí: ‘’Việt Minh không phải đại diện cho đa số dân chúng Việt Nam đã bất lực trong việc gìn giữ trật tự an ninh’’.
Đối lại, lực lượng của các Đảng phái kết hợp, tổ chức phá hoại sân bay, các bến tầu. Ủy ban Nam Bộ kêu gọi dân chúng Tổng Đình Công. Việc bắt cóc các người thân Pháp xẩy ra liên tục.
Ngày 22.9.45, những quân nhân Pháp tung tăng ra phố. Trước hành vi khiêu khích vài cuộc xung đột lại tái diễn.
Sài Gòn uất ức dưới sức tiến của người Pháp.
Rạng ngày 23.9.45, quân đội Pháp bất thình lình chiếm đóng Sở Cảnh Sát Trung Ương, Kho Bạc, Sở Mật Thám, Tòa Đốc Lý, ủy ban Nam Bộ không kịp trở tay.
Thế là xong!
Toàn thành đã đổi hẳn bộ mặt, ầm ỹ, hoan hỷ vài hôm trước, hôm nay nhường cho nặng nề, căm hờn, thù oán.
Hành động trả thù: Dân chúng Việt Nam bị đánh đập, ngược đãi, bắt bớ, bắn giết tàn nhẫn…
Để trả miếng, ngày 24.9.45, một số Pháp kiều bị bắt cóc, ám sát, Nhà Máy Điện bị phá. Ngày 25, nhiệt độ càng tăng, hàng trăm thanh niên Việt bao vây Khu Pháp Kiều. Cuộc hạ sát bắt đầu: Hàng trăm kiều dân Pháp và Pháp lai bị hành hạ, nhiều người bị giết…
Cédile dùng biện pháp quân sự, khí giới được trao cho quân lính.
Trần văn Giầu ra lệnh tổng đình công, tản cư, cấm chợ. triệt lương thực và tuyên bố: ‘’Sài Gòn sẽ thành tro bụi’’.
Sau bao lần điều đình vô hiệu quả, ngày 5.10.45 Tướng Leclerc đến Sài Gòn. Từ ngày đó trở đi, chiến hạm Pháp luôn luôn nhả quân lên bộ. Nam Việt mất dần dưới sự hành động của quân đội Pháp.
Căn bản chính trị chưa có gì, nền móng hành chính, không võ khí, không chỉ huy, không lương thực, tan rã từng mảnh lớn, biết thành những đơn vị nhỏ, tự động tìm cơ sở, du kích, đột kích, phục kích.
Chiến tranh du kích bắt đầu. Từ dân chúng, những anh hùng dân tộc xuất hiện, nào ôm bom liều mình, nào xung phong gài mìn, nào cảm tử thông tin liên lạc, chết tan xác dưới làn mưa đạn, nào tẩm ép-săng vào mình làm ‘’đuốc sống’’ đốt kho…
Câu nói: ‘’Dân Việt là đồ hèn nhát, nếu mình cứng, họ sẽ rút lui và chạy như chuột’’ của người Pháp nào đó, đã bị những tấm gương hy sinh oanh liệt, trong một thời gian ngắn, quân đội Pháp cũng chiếm đóng tất cả các yếu điểm tại Việt Nam và miền Nam Trung Việt.
Việc ly dị Việt-Pháp không phải là một chuyện dễ dàng, người ta không thể, chỉ bằng lời tuyên bố hay gạch ngay một nét bút mà giật phức được sợi giây giàng buộc đã 80 năm ròng.
Những ‘’lộn xộn’’ xẩy ra trong hồi Đại Chiến Thứ II trên lãnh thổ Việt Nam chỉ là một hình thái chuyển biến, di dịch dĩ nhiên trong thời chiến, mỗi quyết định hoặc thi hành chỉ có nghĩa tạm bợ. Sau chiến tranh, ai khỏe, ai khôn, ai giỏi, người đó sẽ giữ ưu thế trong việc duy trì trật tự mới do hoàn cảnh khách và chủ quan cấu tạo.
Bởi vậy, ngoài những công việc cách mạng nhân dân, chính phủ Hồ chí Minh tập trung ý chí để chuẩn bị, đối phó với Pháp trên mọi mặt chính trị, quân sự, ngoại giao.
Có đối phó được với Pháp mới nói được đến chuyện dân sinh, dân chính, dân quyền.
Khẩu hiệu ‘’Độc lập trước đã’’ là phương châm chính của chính phủ.
Quân đội Pháp nhòm ngó Bắc Việt.
Trước tình trạng khẩn trương nguy hại của Nam Việt và tình trạng báo động của Bắc Việt, Việt Minh một mặt gởi cán bộ và bộ đội vào tiếp lực cho miền Nam, một mặt điều đình hòa hoãn với đại diện Pháp tại Thủ Đô Hà Nội. Vì chỉ có thương lượng hòa bình với Pháp, chính phủ mới mong tồn tại. Chiến tranh với Pháp là vạn bất đắc dĩ trong lúc quốc dân đang bị nạn đói, nạn lụt, hạn hán, đe dọa và nhất là đang lúc uy quyền và thực lực của Việt Minh chưa chuẩn bị hoàn hảo.
Từ tháng 8.1945, Sainteny, một Thiếu Tá Pháp đã có mặt tại Hà Nội.
Cuộc ‘’tiếp xúc’’ giữa cụ Hồ chí Minh và Sainteny khởi đầu còn bí mật. Người Pháp tích cực dùng ngoại giao với Trung Hoa để vớt vát quyền hành tại Việt Nam. Người Việt cũng tích cực dùng áp lực của hiện diện quân đội Trung Hoa để bắt bí Pháp.
Cả hai bên đều có ‘’thể’’
Hàng tuần lại hàng tuần, người ta thảo luận cân nhắc từng chữ để có thể đi đến một thỏa hiệp. Một đôi khi câu chuyện trở nên tắc nghẽn vì lập trường trái ngược và quyền lợi xung khắc. Nhưng trên tấm thảm xanh, giữa bầu không khí biến động ở Thủ Đô Hà Nội, vận mệnh Việt Nam non trẻ vẫn được tiếp tục bàn luận.
Ngày 16.2.1946, nguyên tắc sơ lược được hai bên đồng thuận cụ Hồ chí Minh bằng lòng đàm phán với đại diện Sainteny trên nguyên tắc Việt Nam Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp. Thế nào là là Độc Lập và thế nào lại là Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp? Người ta chỉ còn cố gắng tìm cách giải quyết sao cho êm sự Độc Lập ‘’nằm’’ trong Liên Hiệp Pháp.
Vấn đề điều đình giữa Việt Minh và Pháp vấp phải dư luận phản đối của quốc dân. Ngay trong tổng bộ Việt Minh cũng bất đồng ý kiến, nhất là các nhóm quốc gia càng phản đối dữ dội và gán danh từ ‘’phản quốc’’ cho Việt Minh đã cõng rắn cắn gà nhà. Mạnh hơn nữa, họ đã cố gắng tổ chức biểu tình đả đảo chính phủ và đòi trao chính quyền cho Cựu Hoàng Bảo Đại.
Cụ Hồ chí Minh cần phải thuyết phục tổng bộ Việt Minh, thuyết phục các đảng phái quốc gia, thắng được tất cả mới mong có cơ thành tựu cuộc điều đình.
Sau một thời gian ngắn ngủi nhưng hết sức gay go, Việt Minh thỏa thuận với các đảng phái nguyên tắc thành lập một chính phủ liên hiệp kháng chiến, trong đó là 10 vị bộ trưởng. Việt Minh và dân chủ đảng giữ bộ tài chính, giáo dục, giao thông công chánh và tư pháp. Việt Nam Quốc Dân Đảng và Cách Mạng Đồng Minh Hội giữ ngoại giao, kinh tế, canh nông và xã hội, còn lại bộ quốc phòng và nội vụ dành cho hai người không đảng phái. Thành lập một quân sự ủy viên hội trong đó có 9 người mục đích chuẩn bị về phương diện quân sự.
Mọi phản ứng, mọi bất mãn đều được dẹp sau khi thỏa thuận nguyên tắc thành lập những tổ chức trên. Việt Minh và Pháp đàng hoàng công khai đánh nước cờ thỏa hiệp. Đang từ tư tưởng phản đối hoàn toàn các đảng phái đối lập bỗng nhiên chia nửa phần trách nhiệm về việc ký kết với người Pháp. Thủ đoạn chính trị khôn khéo của Việt Minh thật là vô bờ bến khiến cho đang phản đối hóa ra đồng tình. Đám dân chúng chất phác có hiểu đâu những ngoắt nghéo bên trong cho nên chỉ một vài ‘’điệu’’ tuyên truyền của Trần huy Liệu, lòng dân lại hoan hỷ và ủng hộ chí mạng…Nhưng thực ra các đảng phái quốc gia có phải đã mắc mưu lừa bịp không? Không! Các lãnh tụ phe quốc gia đều thấy rõ sự quay quắt của Việt Minh nên đã cố hết sức tập hợp dân chúng để thúc đẩy phản đối, đòi quyền kiểm soát chính phủ và quân sự ủy viên hội.
Lo sợ không khí phản đối lại bùng nổ mạnh mẽ, Việt Minh tức tốc triệu tập quốc hội và mở rộng theo những nguyên tắc đã thỏa thuận với các đảng phái. Quân sự ủy viên hội gấp rút thành lập để chuẩn bị kháng chiến có Võ nguyên Giáp làm chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm phó. Một ủy ban kiểm soát hoàn toàn trong tay các lãnh tụ Đỏ. Ngoài chủ tịch của ủy ban, cụ Nguyễn Văn Tố mang tiếng là ‘’dân chúng’’ không đảng phái, nhưng xu hướng thân Việt Minh, còn ủy viên toàn là những Phạm văn Đồng, Hoàng minh Giám, Dương đức Hiền…
Nhìn qua chính phủ cải tổ, hình thức hoàn toàn đoàn kết, nhưng bên trong khác hẳn. Cụ Nguyễn Hải Thần, già yếu, nhu nhược, giữ ghế phó chủ tịch làm vì. Địa vị bộ trưởng của Nguyễn Tường Tam, nào có ngoại giao gì đâu, ngoại giao với Pháp thì đường lối chính, Việt Minh đã vạch sẵn mất rồi, chỉ còn có ngoại giao Trung Hoa thì cái thế ‘’anh em nhà’’ của Nguyễn ngoại trưởng với Lữ Hán, Tiêu Văn lại là một điều lợi cho Việt Minh quá. Về nội vụ, cụ già Huỳnh Thúc Kháng, chỉ còn dư gân sức ký những ‘’sắc lệnh’’ đã được thảo sẵn. Riêng bộ quốc phòng của ông Phan Anh thì làm cái nhiệm vụ tức cười nhất là: Kiếm quân, dưỡng quân và huấn quân, còn việc dụng quân lại hoàn toàn thuộc về Võ nguyên Giáp.
Việc ký kết còn đang giang dở tại Hà Nội thì…
Tinh sương ngày 6.3.1946, chiến hạm của quân đội Leclerc đã rập rình qua Lục Đầu Giang tiến vào bến Hải Phòng.
Đại Tá Vũ Hiền, tham mưu trưởng Đệ tam chiến khu ra lệnh Hải Phòng tản cư, bộ đội và hành chính rút lui về Bắc Nội thuộc địa phận Hải Dương chỉ để lại một chi đội đóng tại Hải An.
Đất Cảng đột nhiên có bộ mặt chiến tranh rờn rợn, các đội tự vệ nai nịt chỉnh tề, quần áo, mũ sắt, lựu đạn, súng trường, súng lục, kiếm dài, cây cối chặt để ngổn ngang trong đường phố, tủ chè, sập gụ, bàn, ghế được sắp thành chướng ngại vật. Dân chúng ùn ùn kéo qua Cầu Niệm sang Kiến An. Tại Sáu Kho, quân đội Trung Hoa hoàn toàn chiếm đóng, thiết quân luật.
Ngoài khơi, năm chiếc tàu đổ bộ màu xanh nhạt từ từ tiến vào bến, nghển nghện. Một loạt đại bác, liên thanh reo ầm, tiếng đạn bay rít gió, trọng pháo của Trung Hoa rót trúng chiến hạm Pháp. Liền ngay, đại bác từ tàu chiến khạc đạn trả miếng. Hải Phòng trong khói lửa, nhà đổ, cây gẫy, bật lên những tiếng rầm rầm kinh khủng.
Cuộc bắn nhau xẩy ra ngắn ngủi, rồi im hẳn. Tàu đổ bộ của Pháp thoái lui ra khơi. Hải Phòng lại chìm đắm trong yên tĩnh nhưng ấp ủ một không khí nặng nề chết chóc.
Hiệp Định Sơ Bộ ra đời!!
– Pháp công nhận Cộng Hòa Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, quân đội riêng, tài chính riêng trong Liên Bang Trung-Ấn và trong Liên Hiệp Pháp.
– Về sự thống nhất Trung-Nam-Bắc, chính phủ Pháp sẽ thừa nhận sau khi tổ chức Trưng Cầu Dân Ý.
– Về phía Việt Nam, chính phủ Cộng Hòa phải sẵn sàng thân mật tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế cho quân đội Trung Hoa theo như Hiệp Ước quốc tế đã ký kết.
Hiệp Định Sơ Bộ thỏa thuận cho quân đội Pháp đóng quân tại các địa điểm. Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Kay, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Huế, Tourane.
– Quân đội Pháp sẽ ở lại trên đất Việt Nam 5 năm, hết kỳ hạn, sẽ có quân đội tiếp phòng Việt Nam thay thế.
Sau khi ký Hiệp Định, hai bên chính phủ phải tìm phương pháp để ngưng các cuộc xung đột hiện tại, quân đội mỗi bên ở yên vị trí nhất định ngõ hầu tạo nên không khí hòa hảo chuẩn bị cho một cuộc thương thuyết sẽ tổ chức tại Hà Nội, Sài Gòn hay Ba Lê.
Qua nội dung của Hiệp Định Sơ Bộ 6.3.1946, người ta thấy người Pháp muốn lợi dụng thời gian để âm mưu thôn tính. Còn Việt Nam cũng cốt lợi dụng thời gian để tổ chức kháng chiến. Trên thực tế, Việt Minh phải đối phó với cả Pháp lẫn Trung Hoa. Lực lượng Pháp đang lan tràn trên lãnh thổ. Quân đội Trung Hoa cũng gây rắc rối không kém, nào nạn tiền tệ, nào sinh hoạt đất đỏ. Việt Minh muốn hoãn xung với Pháp để thanh toán sự hiện diện của Trung Hoa đồng thời lại dựa vào uy thế của quân đội Lữ Hán để bắt chẹt Pháp.
Hiệp Định Sơ Bộ là kết quả tình thế thực trạng của cả hai bên Pháp và Việt.
Thái độ và ý muốn của Việt và Pháp tương phản nhau như mặt trăng và mặt trời. Nhưng cả hai bên đều có nhược điểm bản thân khiến chưa bên nào có thể đánh quỵ ngay được đối phương. Nếu Hiệp Định Sơ Bộ đã giúp Pháp bước đầu để lấn Việt Nam thì Hiệp Định cũng đã giúp Việt Nam tạm ngăn bước tiến của Pháp để chỉnh bị tổ chức.
Hiệp Định đã ký! Phản ứng rầm rĩ nổi lên trong dân chúng. Thanh niên hục hặc, nghiến răng uất ức, những người yếm thế nhắm mắt, thở dài.
Tại Hà Nội, sôi sục bất mãn với việc ký kết giữa cụ Hồ và Sainteny. Để dẹp yên bầu không khí đang căng của Thủ Đô, Việt Minh vội vàng tổ chức một cuộc mít tinh chiều ngày 7.3.1946 để ‘’giải thích’’.
Trước dân chúng, Võ nguyên Giáp trổ tài hùng biện:
‘’Nước Pháp đã công nhận nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam là một nước Tự Do. Tự do không phải là Tự Trị, tự do hơn tự trị, nhưng chưa phải là Độc Lập. Nếu một khi tự do giữ được, dân ta sẽ tiến tới Độc Lập, độc lập hoàn toàn’’.
Tiếp theo, cụ Hồ chí Minh khuyên dân chúng nên bình tĩnh, giữ kỷ luật nhưng lúc nào cũng phải hăng hái và chuẩn bị. Cụ giơ tay thề với quốc dân không bao giờ bán nước.
Việc trần tình giải thích để dẹp lòng công phẫn bất mãn của dân chúng tạm xong.
Sau khi xẩy ra xung đột ở Hải Phòng, Võ nguyên Giáp xuống Cảng dự cuộc điều đình với hai Bộ Tham Mưu Pháp-Hoa mục đích để Pháp dễ dàng đem quân lên bộ.
Quân đội Pháp lục tục lên bến Hải Phòng nào xe 10 bánh nào thiết giáp, chiến xa, súng ống đen sì dưới nắt lạnh nhạt của người dân.
Riêng về phía quân đội Trung Hoa, mấy ông Tướng Tá ‘’con Trời’’ còn ‘’huých’’ thêm cho Pháp một đòn nữa: Để yên cho quân đội Pháp đóng xong đâu đấy, quân đội Trung Hoa liền bố trí, xây lô cốt pháo đài khắp các ngã đường, đặt súng ống nhắm vào các vị trí Pháp, bắt chẹt Pháp phải ‘’bồi thường sự thiệt hại’’ cho quân đội Trung Hoa.
Đến ngày 18.3.46 Tướng Leclerc mới đem được quân lên Hà Nội.
Binh sĩ và đoàn cơ giới Pháp tiến đến Hà Nội giữa hân hoan của Pháp kiều và lãnh đạm thờ ơ của dân chúng Việt.
Sau Hiệp Định Sơ Bộ, Hà Nội như một cái ung thư trong đó các loại vi trùng ra sức ngấm ngầm bành trướng: Việt Minh tăng cường tổ chức phòng ngự, vũ khí, dụng cụ tuôn lên các kho bí mật trên chiến khu, bộ đội, tự vệ ra công luyện tập, những lớp võ bị, quân chính mở liên tiếp để đào tạo cán bộ chỉ huy. Quân đội Trung Hoa ngấm ngầm phá quấy, những vụ xung đột nho nhỏ giữa Pháp và Hoa, giữa Hoa và Việt xẩy ra bằng một nhịp đều đều. Các đảng phái quốc gia cũng không kém. cũng mở võ bị lục quân, cũng gửi cán bộ, võ khí lên chiến khu Vĩnh Yên, Nghĩa Lộ. Còn Pháp thì làm ra mặt, cũng chiếm đóng bừa bãi một vài địa điểm.
Nói chung, tình hình Nam Việt không thay đổi, Bắc Việt càng ngày càng thêm nhiều mâu thuẫn. Việt và Pháp đều cố gắng tiến nhanh đến cuộc thương thuyết mới. Để tiến đến một Hội Nghị chính thức, hai bên thỏa thuận chọn Đà Lạt để trao đổi lập trường.
Ngày 17.4.1946, trong khung cảnh mát mẻ nên thơ ở Cao Nguyên LangBian, hai đoàn đại biểu Pháp-Việt gặp gỡ.
Đoàn đại biểu Pháp gồm có:
Max André: Trưởng Đoàn.
Pierre Messmer: Đổng Lý Văn Phòng Pháp Quốc Hải Ngoại
Bousquet: Quan cai trị
D’Arcy: Chánh Văn Phòng Bộ Quân Đội
Pierre Courou: Chuyên môn về tình hình Việt Nam
Léon Pignon: Quan cai trị
Torel: Cố vấn pháp luật
Clarec: Cố vấn ngoại giao
Conon: Cố vấn tài chính
Ner: Cố vấn giáo dục
Guillanton: Cố vấn kinh tế
Salan: Tư Lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương
Bên Việt Nam gồm có:
Nguyễn Tường Tam: Trưởng đoàn bộ trưởng bộ ngoại giao
Võ nguyên Giáp: Chủ tịch quân sự ủy viên hội
Vũ trọng Khánh: Chưởng lý tòa án
Hoàng Xuân Hãn: Thạc Sĩ Toán, Kỹ Sư cầu cống, tốt nghiệp Trường Bách Khoa.
Vũ văn Hiền: Luật Sư, Chuyên môn kinh tế học
Trịnh văn Bình: Giám đốc nhà Đoan
Nguyễn Mạnh Tường: Tiến Sĩ Văn Khoa và Luật Khoa
Cù huy Cận: Kỹ sư canh nông
Nguyễn văn Huyên: Y sĩ
Dương bạch Mai: Viết báo
Cuộc hội họp thoạt đầu đã muôn vàn khó khăn mâu thuẫn. Từ khi ký Hiệp Định Sơ Bộ chưa một việc gì giải quyết nên hồn, kinh tế, chính trị, quân sự, mỗi phương diện, mỗi khó khăn. Nhất là vấn đề nam giải: Chế độ Nam Việt.
Phái đoàn Pháp tuyên bố không đủ thẩm quyền để thảo luận về vấn đề Nam Việt đã được ổn định. Trái lại phái đoàn Việt cực lực phản đối cho rằng luận điệu nói Nam Việt đã dứt chiến tranh là một dối trá không thể tha thứ được.
Trong khi Hội Nghị Đà Lạt ‘’khởi đầu nan’’ thì ở Sài Gòn, một chính phủ địa phương thành lập, đồng thời cử phái đoàn sang Ba Lê để giao thiệp trực tiếp với chính phủ Pháp.
Tin phái đoàn địa phương Sài Gòn đi Ba Lê đến giữa Hội Nghị Đà Lạt làm tăng thêm bầu không khí khó thở.
Tóm lại, lập trường của phái đoàn Việt Nam:
Theo Hiệp Định Sơ Bộ 6.3.46, Việt Nam sẽ thành lập chính phủ riêng, có nghị viện riêng, hiến pháp riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, tổ chức cai trị riêng…
Còn lập trường của phái đoàn Pháp:
Các quốc gia tự do phải đặt dưới quyền một Cao Ủy Phủ có Cao Ủy người Pháp. Vị Cao Ủy sẽ điều hòa các hoạt động chính trị quân sự kinh tế văn hóa v.v…Sẽ có một hội đồng các quốc gia liên kết gồm 60 đại biểu (Pháp 10. Cao Mên 10, Ai Lao 10, Nam Việt 10, Trung Việt 10 và Bắc Việt 10).
Về vấn đề Nam Việt, phái đoàn Pháp có vẻ ‘’lơ lửng’’ thiếu thực tế, thiếu thành thực.
Kết quả, Hội Nghị Đà Lạt chấm dứt trong hoài nghi ngờ vực, bi quan. Mỗi bên phái đoàn trở về với nhận định riêng, thâm ý riêng.
Hội Nghị Đà Lạt đã tiên báo ‘’Bất khả hợp tác’’ vì lập trường trái ngược của hai bên. Tuy vậy, sau khi Hội Nghị giải tán, chính phủ Việt Nam cũng hết sức thúc đẩy tiến tới một Hội Nghị chính thức.
Về phía Pháp, thật sự muốn trì hoãn hội nghị chính thức, phần vì tình trạng Nội Các còn lủng củng, phần thì muốn gây một vài ‘’việc đã rồi’’ trên lãnh thổ Việt Nam để nắm ưu thế khi thương thuyết, thí dụ như chiếm đóng Xứ Mọi Bamêthuột…
Chính phủ Việt Nam, bên trong chuẩn bị kháng chiến, bên ngoài thành lập phái đoàn đi Pháp.
Để tận thu khả năng, tiềm lực nhân dân, Việt Minh thành lập Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt. Liên Việt gồm đủ mọi giai tầng trong xã hội. Mặt trận Việt Minh với các đoàn thể cứu quốc, dân chủ đảng, Đồng Minh Hội, Quốc Dân Đảng, đảng xã hội (mới thành lập), các thân hào, thân sĩ, các giới nam, phụ, lão, ấu, Công Giáo, Phật Giáo…
Số người lãnh đạo Liên Việt, ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng (thân Việt Minh) làm chủ tịch, còn toàn Cộng Sản: Tôn đức Thắng phó chủ tịch, Cù huy Cận bí thư, Trần huy Liệu, Phạm ngọc Thạch…
Việt Minh cố hòa hoãn, thân thiện với Pháp để đối phó với quân đội Trung Hoa. Loại trừ được quân đội Trung Hoa, có nghĩa là đánh đòn quyết liệt các đảng phái đối lập.
Ngày 28 tháng 5.1946, phái đoàn chính thức khởi hành. Ngoài phái đoàn, Chủ Tịch Hồ chí Minh cũng sang Ba Lê với tính cách riêng. Tháng 7.1946, Hội Nghị họp tại Fontaiebleau gần Thủ Đô của Pháp.
Danh sách các nhân viên hai bên gồm có:
VIỆT NAM
Trưởng đoàn: Phạm văn Đồng, phó chủ tịch thường trực quốc hội.
Phan Anh: Bộ trưởng quốc phòng
Trịnh văn Bình: Thứ trưởng tài chính
Tạ quang Bửu: Thứ trưởng quốc phòng
Hoàng minh Giám: Thứ trưởng ngoại giao
Nguyễn mạnh Hà: Đại biểu quốc hội
Bửu Hội: Giáo Sư Trường Bách Nghệ Đại Học Pháp
Nguyễn văn Huyên: Bộ trưởng bộ giáo dục.
Huỳnh thiện Lộc: Bộ trưởng canh nông
Dương bạch Mai: Đại biểu quốc hội
Chu bá Phượng: Bộ trưởng bộ kinh tế
Đặng phúc Thông: Thứ trưởng giao thông
PHÁP
Trưởng đoàn: Max André Nghị sĩ cố vấn Hạt Scine. Nguyên Giám Đốc Pháp Hoa ngân hàng Hà Nội.
D’Arcy: Nhân viên văn phòng bộ quân đội.
Bayot: Đô Đốc, Tổng Tham Mưu Phó bộ quốc phòng
Baudet: Công chức chuyên môn về Á Châu Vụ và bộ ngoại giao
Bayen: Cố vấn học chính, Cao Ủy Phủ Đông Dương
Bourgoin: Nhân viên văn phòng bộ quốc gia kinh tế tài chính
Bousquet: Nhân viên bộ Pháp quốc hải ngoại
Gayet: Tổng thanh tra thuộc địa
Gouin: Nhân viên Cao Ủy Phủ Đông Dương
Juglas: Nghị sĩ Cộng Hòa Bình Dân
Lezeray: Nghị sĩ Cộng Sản
Messmer: Chánh văn phòng bộ Pháp quốc hải ngoại
Pignon: Cố vấn chính trị của Đô Đốc D’Argenlien
Rivet: Nghị sĩ Xã Hội (không dự)
Raoul Salan: Thiếu Tướng, Tư Lệnh quân đội Pháp miền Bắc Đông Dương.
Torel: Cố vấn pháp luật, nhân viên Cao Ủy Phủ Đông Dương
Nội dung chương trình nghị sự.
– Giải quyết địa vị Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp
– Liên lạc ngoại giao giữa Việt Nam và ngoại quốc
– Vấn đề Liên Bang Đông Dương
– Vấn đề Thống Nhất Việt Nam
Hội Nghị khởi đầu ngay trong mâu thuẫn. Bầu không khí nặng nề chưa chi đã bao trùm cả hai phái đoàn bằng những bài diễn văn nẩy lửa.
Thông Điệp rồi lại Thông Điệp, nhưng không một cuộc thảo luận nào đạt được kết quả. Người ta chỉ nhận thấy những ‘’đình chỉ’’ và ‘’Phá liệt’’
– Về chính trị: Phái đoàn Pháp không giải quyết nổi đề nghị của phái đoàn Việt Nam, viện cớ không đủ thẩm quyền, cần phải chuyển Nghị Án của Việt Nam lên chính phủ Pháp.
– Về ngoại giao: Việt Nam căn cứ vào quyền tự do và bình đẳng trong Liên Hiệp Pháp, muốn có chính sách riêng, tổ chức riêng. Trái lại phái đoàn Pháp sẽ điều khiển ngoại giao của toàn thể Liên Hiệp Pháp, Việt Nam chỉ đóng vai phụ.
– Ủy ban quân sự họp hai buổi, buổi thứ nhất, Pháp nêu 6 điểm mà Việt Nam gọi là ‘’Tối Hậu Thơ’’, hôm sau, Việt Nam đưa ra 9 khoản ước mà Pháp gọi là ‘’Không thể chấp nhận được’’. Về quân sự đình chỉ thảo luận.
– Về văn hóa: Cũng chẳng có kết quả gì sau khi trao đổi thông điệp.
– Về kinh tế, tài chính: Pháp muốn lồng Việt Nam vào hai tròng: Pháp và Liên Bang Đông Dương, ngược lại, Việt Nam chỉ muốn có quan hệ kinh tế tài chính giữa đôi bên mà không chịu phụ thuộc.
– Về vần đề Liên Bang Đông Dương, hai phái đoàn cũng chẳng thu được kết quả nào, bên thì muốn Liên Bang là một ‘’Hợp Chúng Quốc’’, bên thì muốn Liên Bang trong phạm vi kinh tế và tài chính.
Trong khi Hội Nghị đang vấp phải những mâu thuẫn khó hòa giải, bao chí xuất bản tại Ba Lê (23.7.46) đột nhiên tung tin có một ‘’Hội Nghị Liên Bang’’ sắp sửa họp tại Đà Lạt gồm Đại Biểu Nam Việt, Cao Mên, Lào, miền Nam Trung Việt và miền Cao Nguyên Mọi.
Một quả nổ giữa Hội Nghị Fontainebleau!
Người ta thấy mỉa mai ‘’Hội Nghị Liên Bang’’ tại miền Nam nước Việt khai mạc giữa lúc Hội Nghị của hai phái đoàn chính phủ trên đất Pháp bàn về hợp nhất 3 Kỳ.
Hội Nghị đầu tiên Việt-Pháp có tính cách quốc tế đã bị phá liệt hồi 10 giờ ngày 1.8.1946 sau khi hai trưởng phái đoàn đã tặng nhau những ‘’lâm ly, thắm thiết’’.
Trong khi người ta tưởng sợi giây liên lạc Việt-Pháp đã đứt rồi thì bên trong hai bên phái đoàn vẫn cố gắng tiếp tục cuộc thương thuyết.
Ngày 10.8.46, hai phái đoàn thỏa thuận dự định việc ký kết một Tạm Ước (Modus Viverd). Qua một vài ngày gay go tưởng chừng tan vỡ lần thứ hai. Tạm Ước đã được đột nhiên ký kết giữa Bộ Trưởng Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet với chính phủ Chủ Tịch Hồ chí Minh.
Nội dung Bản Tạm Ước quy định:
– Pháp và Việt phải tín nhiệm lẫn nhau ngõ hầu theo đuổi một chính sách hợp tác ôn hòa, thiết lập bầu không khí êm dịu mở đường cho cuộc thương thuyết sẽ họp chậm lắm là đầu năm 1947.
– Việt Nam phải công nhận chính sách quan thuế tiền tệ ở Trung-Ấn, đồng bạc Đông Dương đứng trong khu vực đồng Phật Lăng.
– Trong khi chờ đợi kết quả một Thỏa Hiệp, việc liên lạc ngoại giao với ngoại quốc tạm thời có một ủy ban chung làm việc để bảo đảm sự hiện diện của Việt Nam ở những nước lân bang.
– Nếu Việt Nam cần đến các nhà chuyên môn thì sẽ nhờ nước Pháp trước tiên, nếu Pháp thiếu số người chuyên môn để thỏa mãn cho sự đòi hỏi của Việt Nam, Việt Nam sẽ nhờ ngoại quốc khác.
– Những người có quốc tịch Pháp ở Việt Nam sẽ được hưởng quyền dân chủ như người Việt và ngược lại những người có quốc tịch Việt Nam trên đất Pháp cũng được hưởng như vậy.
– Mọi hoạt động về khoa học, văn hóa của Pháp sẽ được tự do mở mang trên lãnh thổ Việt Nam, ngược lại cũng vậy.
– Mỗi bên chính phủ đều phải tìm cách chấm dứt sự xung đột hiện tại ở Nam Việt và miền Nam Trung Việt. Tù binh chính trị hay quân sự đều phải được giải phóng.
Sau khi ký kết (14.9.46) cụ Hồ chí Minh đáp tầu Dumont d’Urville về nước (19.9.46)
Tại Hà Nội, giữa hoan hô nhiệt liệt của quốc dân, Chủ Tịch loan báo ‘’tin mừng’’.
Đồng thời với cuộc bắt tay thân thiện với Pháp, Việt Minh quay mang ngay chính sách loại trừ các phần tử quốc gia trong chính phủ: Sự cải tổ quốc hội và chính phủ bắt đầu.
Ngày 26.10.46, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, quốc hội nhóm họp, người ta thấy khiến diện ngót 50 nghị sĩ của phe đối lập. Trong chính phủ, một số bộ trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội tự ý thoái lui: Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Trương Đình Tri.
Ngày 13 tháng 11 năm 1946, chính phủ ‘’Liên hiệp quốc gia’’ thay đổi:
Hồ chí Minh: Chủ Tịch kiêm bộ trưởng ngoại giao
Nguyễn Vĩnh Thụy: Cố Vấn Tối Cao (Cựu Hoàng đã đi Trung Hoa từ tháng 3.1946)
Huỳnh Thúc Kháng: Bộ trưởng nội vụ
Võ nguyên Giáp: Bộ trưởng quốc phòng
Vũ đình Hòe: Bộ trưởng tư pháp
Lê văn Hiến: Bộ trưởng tài chính
Nguyễn văn Huyên: Bộ trưởng giáo dục
Ngô tấn Nhơn: Bộ trưởng canh nông
Trần đăng Khoa: Bộ trưởng giao thông công chính
Nguyễn văn Tạo: Bộ trưởng lao động
Hoàng tích Tri: Bộ trưởng y tế
Chu bá Phượng: Bộ trưởng xã hội
Hoàng minh Giám: Thứ trưởng ngoại giao
Hoàng hữu Nam: Thứ trưởng nội vụ
Tạ quang Bửu: Thứ trưởng quốc phòng
Trần công Trường: Thứ trưởng tư pháp
Phạm văn Đồng: Thứ trưởng kinh tế
Trịnh văn Bình: Thứ trưởng tài chính
Nguyễn khánh Toàn: Thứ trưởng giáo dục
Cù huy Cận: Thứ trưởng canh nông
Đặng phúc Thông: Thứ trưởng giao thông công chính
Nguyễn văn Tố: Quốc vụ khanh
Bồ xuân Luật: Quốc vụ khanh
Bên trong chính phủ, còn có Hoàng quốc Việt tức Hạ bá Cang, Nguyễn lương Bằng, Trường Chinh tức Đặng xuân Khu toàn là những lãnh tụ Việt Minh cốt cán cả.
Trong lúc toàn quyền về tay Việt Minh, đáng lẽ theo Tạm Ước, tình hình phải dần dần được yên ổn, trái lại, mỗi ngày mỗi biến cố.
Việc lôi thôi quan thuế tại Hải Phòng. Tự Vệ và các lính gác Pháp tại bến bắn nhau về chuyện bắt bớ chiếc thuyền chở muối. Ngày 8.11.46, Hải Phòng báo động. Ngày 20.11.46 súng ở Cảng nổ ran. Đồ đạc bàn ghế, cây cối lại được một lần nữa chặt vứt tung vãi làm chướng ngại vật, các đội tự vệ áo nâu, mũ trận, đặt súng máy lủng củng khắp các ngã đường, dân chúng lếch thếch kéo nhau tản cư qua Cầu Niệm, qua Bến Dá. Trên đường phố, xe tăng, xe phá ụ hục hặc, ình ình, xe 10 bánh tràn đầy binh lính.
Mặc dầu Herckel vả Hoàng hữu Nam cố gắng ký kết ngưng bắn ngày hôm sau (21.11.46) Hải Phòng vẫn phải tiếp nhận Tối Hậu Thư của Đại Tá Pierre Louis Dèbes Chỉ Huy Trưởng Pháp quân miền Duyên Hải. Ngày 23.11.46, Hải Phòng lại chìm đắm trong khói lửa. Chiến hạm Suffren nhả đạn bừa bãi lên đầu người Việt Nam, những mái tranh bùng cháy, những cột khói đen cuồn cuộn ngất trời, sặc mùi máu và thuốc đạn.
Bộ chỉ huy Khu III của Đại Tá Hoàng minh Thảo hạ lệnh đại phá trường bay Cát Bi, những mục tiêu quân sự Pháp. Trong tình thế ấy, người dân Việt chỉ còn một cách bồng bế nhau tản cư, để không biết bao giờ trở lại…
Cơn sốt rét run rẩy Hải Phòng lan dần khắp mọi nơi khó bề qua khỏi. Tại Lạng Sơn, cuộc tranh chấp giữa Việt Minh và quân đội của Đại Tá Sizcire cũng chẳng kém. Lạng Sơn, một Thành Phố nhỏ ở sát biên thùy đã phải tản cư.
Quân đội Pháp chiếm đóng gần hết Tỉnh. Bên kia bờ sông Kỳ Cùng, bộ đội Việt Nam cũng không ngừng nhả đạn vào Thành Phố.
Thêm vào Lạng Sơn, Hải Phòng, những việc ‘’đối đáp’’ bằng lửa đạn liên tiếp xảy ra ở trên đường Quốc Lộ 1, Bắc Ninh-Nam Định. Trong Nam, Tướng Nguyễn Bình chỉ huy trưởng tăng cường hành binh.
Hà Nội có lệnh tản cư. Dân chúng phân vân, lo ngại, dùng dằng. Kẻ ở lại người ra đi tản cư. Từng nhà, người ta chôn bát đĩa, mâm thau, đồ cổ, lọ sành, lọ sứ, người ta chôn vàng bạc của cải, thôi thì từ giầu đến nghèo, dân chúng ai có cái gì có thể chôn thì chôn, có thể cất thì cất, trừ bàn ghế đồ đạc lủng củng nặng nề không thể mang, thể dấu mới chịu.
Đối với chính phủ Hà Nội chẩn bị chiến tranh là chuyển súng chuyển đạn, chuyển cơ quan, chuyển giấy má, tài liệu, vật liệu lên chiến khu, chuyển bộ đội chính quy ra đóng bao vây Thành Phố, thành lập An Toàn Khu tại vùng Hà Đông để sửa soạn đường thoái đã dự tính trước.
Bộ mặt nội thành, chuẩn bị chiến tranh là ụ đất mọc lên như nấm, là xẻ đường đào hố, là cây cối chặt gẫy tứ tung cành lá xùm xòe hòng cản đường chặn lối cơ giới địch.
Đối với dân chúng, chiến tranh trong trạng thái tâm lý, từng đoàn, từng đoàn tiến ra các cửa Ô, từng nhóm, từng nhóm bàn tán xôn sao, sợ sệt nhưng khoan khoái. Bà già trẻ con đã đi nhiều, thanh niên trai tráng, kiểm lại súng lại đạn, lau lại dao găm, dao phay, mã tấu, soát lại lựu đạn ‘’nội hóa’’, lựu đạn chầy, điềm tĩnh, quả quyết.
Hà Nội chuẩn bị gấp rút mọi phương diện, mọi vấn đề, chẳng ai bảo ai, chờ ngày chờ giờ, từng phút từng giây.
Những việc khiêu khích, khủng bố, xung đột, ăn miếng trả miếng giữa binh gia pháp và Tự Vệ xẩy ra như cơm bữa.
Bầu không khí ngày càng nặng nề, càng căng thẳng, càng hằn học, càng bực bội.
Để tiếp vào việc ăn miếng trả miếng, ngày 18.12.1946, quân đội Pháp bao vây, khủng bố khu phố Yên Ninh, xả súng vào hàng trăm gia đình vô tội, bắn lính Việt Nam cùng gác tại Nhà Máy Điện, đối lại Tự Vệ nhả đạn vào lính mũ đỏ Pháp.
Cả Pháp cả Việt, ai chả có thiện chí hòa bình, nhưng hành động đôi bên vô tình đều hướng đến chiến tranh.
Biết rằng trước sau rồi cũng phải xẩy ra, ngày 19.12.46. Võ nguyên Giáp ra lệnh tấn công. Hà Nội Thủ Đô Việt Nam bùng trong khói lửa. Toàn quốc bắt đầu chuyển theo bước luôn vào chính chiến.
Đến đây chấm dứt công cuộc đối ngoại với Pháp của chính phủ Việt Minh. Những cuộc thương thuyết hòa bình trên tấm thảm xanh được thay thế bằng hội nghị sắt và máu lửa.
Máu người dân Việt tô điểm thêm non sông, bao thanh niên ưu tú Pháp gục ngã: Vì Lý Tưởng?? Vì Quyền Lợi??
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa