4 - Người Đực Không Đẻ, Sao Dê Đực Đẻ Được ?
ăm ấy là năm đầu niên hiệu Bảo Thái đời vua Lê Dụ Tôn, các quan Thiên giám (coi về việc thiên văn) thấy ở vùng Đông Nam có văn tinh xuất hiện, liền làm sớ khải vào vương phủ (phủ chúa Trịnh), nhưng không biết văn tinh giáng sinh vào nhà ai, ở xã nào, huyện nào.
Chúa An-đô-vương là Trịnh-Cương sau khi vào chầu vua Lê liền trở về phủ họp các văn võ triều thần để tìm cách tra xét.
Một vị quan hiến kế, xin nhà Chúa đi tuần du các tỉnh miền này và sức mỗi xã phải hiến một con dê đực có chửa bằng không cả làng sẽ bị làm cỏ hết.
Nhà Chúa nghe lời, liền ban chiếu xuống và định ngày xa giá đi tuần.
Thân phụ Quỳnh là Nguyễn Kỉnh lúc ấy đang làm cai tổng, kiêm chức tiên chỉ làng được lệnh trên về, cả mấy ngày đêm, ăn không ngon, ngủ không yên. Dê đực có chửa, thuở xưa thuở nay làm gì có, thôi thì đành chờ cho đầu rơi khỏi cổ, chớ đâu mà đem ra để hiến. Ngày xưa vua Hung-Nô bắt sứ nhà Hán là Tô Vũ giam lại, bảo hễ chừng nào dê đực có chửa thì tha cho về nước, ấy thế mà nhà Hán tìm cả nước Tàu rộng lớn mông mênh còn không thể kiếm được, huống đây một tổng một xã bé con này!…
Quỳnh thấy cha mất ăn mất ngủ, hỏi lý do. Nguyễn-Kỉnh gạt đi, bảo: « Việc nhà vua nhà chúa, trẻ con biết làm gì? »
Quỳnh đáp: « Thế cha không nghe, ngày xưa đức thánh Khổng-Tử còn phải chịu thua anh Hạng-Thác hay sao? Không có trẻ con hiến kế thì hỏi làm sao tướng nước Tề xưa là Điền Đan biết dùng hỏa ngưu mà đuổi quân nước Yên? »
Nguyễn-Kỉnh nghe con nói, giựt mình, cho là có lý rồi đem việc dê đực kể lại. Quỳnh đáp: « Việc ấy khó khăn gì, cha khỏi lo, con đã có kế trong bụng rồi ».
Cha hỏi kế gì, Quỳnh không đáp nên cho là trẻ con nói láo hay gặp đâu nói đó.
Ngày qua ngày lại, một hôm Chúa ngự giá vào Thanh-hóa tuần du. Chúa đi đến đâu, tiền hô hậu ủng đến đó, và người đi đường đều phải sắp hàng đứng ra hai bên để làm lễ đón chào. Xe Chúa do bốn con ngựa kéo lúc qua cầu làng Yên-vực, bỗng ngựa ngừng lại và hí lên, vì có tiếng một đứa trẻ đang khóc thét lên ở dưới cống gầm cầu.
Chúa sai thị vệ lùng bắt được đứa trẻ lên. Mọi người lúc đó mới hay đó là Quỳnh. Cha Quỳnh thấy con như vậy, mặt sợ xanh lại, chẳng còn một hột máu. Còn Chúa thì thấy là một đứa trẻ, nên sai đem đến trước mặt hỏi lý do. Quỳnh vừa khóc vừa nói: « Khải Chúa, mẹ con chết đã lâu rồi, mà bố con không đẻ em cho con bồng, nay thấy Chúa đi, con tủi quá mà khóc, lạy Chúa, Chúa làm phép gì cho bố con đẻ được? »
Chúa lấy làm lạ, phì cười bảo: « Thằng bé này kỳ quá, cha mày là người đực, là đàn ông, làm sao đẻ em cho mày được? »
Quỳnh gạt nước mắt: « Lạy Chúa, Chúa nói người đực không đẻ, vậy sao dê đực đẻ được, mà Chúa xuống chiếu bắt mỗi xã phải hiến một dê đực có chửa, bằng không, cả làng bị làm cỏ. Lạy Chúa, nếu dê đực có chửa thì người đực cũng phải có chửa mới được chứ? »
Chúa nghe nói ngạc nhiên, nhận ngay ra Quỳnh chính là văn tinh đã giáng sinh nếu không thì một đứa bé đâu có thông minh như vậy, nên an ủi và bảo: « Thôi mày về đi, đừng khóc nữa, ta sẽ bãi bỏ lệnh hiến dê đực cho ».
Nói đoạn, Chúa hỏi họ tên, sai quan ghi sổ, và sai thị vệ dắt Quỳnh ra trả vào đám đông dân chúng. Rồi cho quan truyền lô tuyên bố bãi bỏ lệnh dê đực. Mọi người được chứng kiến, không ai không tỏ vẻ vui mừng và phục Quỳnh như thánh.
Chúa quay xa giá về và dặn quan huyện Hoằng Hóa phải hàng tháng làm tờ khải về vương phủ cho biết tin tức của Quỳnh. Danh tiếng Quỳnh từ đó vang lừng khắp nơi, và mọi người đều tin tưởng thế nào đi thi Quỳnh cũng phải đỗ Trạng nguyên để làm cho thêm rạng vẻ gia đình và đất nước sau này.
Trạng Quỳnh Toàn Tập Trạng Quỳnh Toàn Tập - Ngô Lăng Vân Trạng Quỳnh Toàn Tập