Giấc Mơ Về Đẳo Vắng
"Ta đã già rồi, mà vẫn chưa trèo lên đỉnh Phú Sĩ". Singo lẩm bẩm một mình trong phòng làm việc. Những lời ấy nảy ra trong đầu óc ông hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng đầy ấn tượng, khiến ông phải nói ra miệng. Có lẽ nguyên do là vì đêm qua ông thấy vịnh Matsusima.
Kể cũng lạ là Singo đã nằm mơ thấy Matsusima, vì chưa bao giờ ông tới đó cả. Ông chỉ còn nhớ từng đoạn của giấc mơ, riêng màu xanh của biển và những rặng thông trên những hòn đảo ở đó thì đã in sâu vào ký ức ông, khiến ông hoàn toàn tin chắc rằng mình đã nằm mơ tư Matsusima.
Ông đã ôm trong tay một người đàn bà. Họ lẩn trốn những người cùng đi dưới bóng một cây thông. Người đàn bà còn rất trẻ, gần như một cô gái vậy. Riêng bản thân khi đó ông không xác định được là mình bao nhiêu tuổi. Có lẽ là vẫn còn trẻ, vì ông còn cùng cô gái chạy nhảy nhanh nhẹn giữa những cây thông. Ông đã ôm cô gái theo cách của một người trẻ tuổi. Ở cái tuổi sáu mươi hai mà lại mơ thấy mình đang tuổi hai mươi - chính đó là điều lạ nhất của giấc mơ.
Chiếc xuồng máy chở hai người đến đảo chạy xa dần. Một người đàn bà nào đó trên xuồng cứ vẫy họ mãi bằng một chiếc khăn tay trắng. Chỉ có Singo cùng cô gái trẻ còn lại trên hòn đảo nhỏ, nhưng họ không hề thấy sợ.
Ông đã thức giấc với hình ảnh chiếc khăn tay trắng vẫy vẫy trên mặt biển xanh rờn. Nhân dạng của cô gái cùng cảm giác về sự va chạm đã phai mờ. Trong ký ức Singo chỉ còn lại phong cảnh đầy màu sắc của hòn đảo vắng. Ông cũng không hiểu vì sao mình lại tin chắc vùng đó là vịnh Matsusima.
Sáng hôm sau Singo định hỏi vợ con xem những giấc mơ đầy màu sắc có phải là triệu chứng suy nhược thần kinh hay không, nhưng rồi lại thôi, ông thấy khó chịu vì đã mơ ôm đàn bà.
Ngồi trong văn phòng, Singo bỗng cảm thấy rằng, nếu ông hiểu ra người đàn bà trong giấc mơ là ai thì toàn bộ mọi chuyện sẽ được sáng tỏ. Ông hút thuốc và cố suy nghĩ, nhưng vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa. Đó là ông Sutzumoto.
- Xin chào. Tôi cứ nghĩ rằng anh chưa tới cơ đây. - Sutzumoto nói và bỏ mũ treo lên móc.
Singo nhìn cái đầu hói của ông ta và thấy buồn cười.
- Có việc gì mà anh chịu khó đến sớm vậy? - Ông hỏi và cố nhịn cười.
- Thì chuyện anh chàng Mitzuta mới bị chết một cách điên dở ấy.
- À - à. Người nhà ông ấy có gửi biếu trà cho tôi sau tang lễ và tôi đâm ra nghiện cái thứ trà ấy.
- Tôi ghen với hắn ta về cái chết đây.
- Hừm... Anh cũng béo và hói, chắc cũng có cơ được như thế!
- Chỉ có điều tôi không bị huyết áp cao. Còn Mitzuta dám ngủ một mình...
Mitzuta đã chết ở khách sạn trong khi an dưỡng - một cái chết "điện" như bạn bè của ông ta bình phẩm. Đối với Singo, việc các ông bạn ngoài sáu mươi tuổi của mình nói lóng kiểu sinh viên như hồi họ học chung ở trường đại học là một bằng chứng về sự quá quẫn của tuổi già. Giờ đây họ vẫn còn gọi nhau bằng những biệt hiệu thân mật nhảm nhí. Mitzuta đã từng đùa cợt về cái chết của Toriama, còn bây giờ thì chính ông ta đã phải chia sẻ cái số phận.
- Hôm nọ chị vợ anh có đến chỗ tôi, - Sutzumoto bắt đầu nói vào việc, - và đề nghị tôi về chuyện này đây...
Ông ta đặt lên bàn hai bọc vải và nói tiếp:
- Mặt nạ đấy. Mặt nạ để diễn Noh. Chị đề nghị tôi mua. Và tôi đem đến cho anh xem.
- Tôi chẳng hiểu gì về mặt nạ. Cũng như về ba kỳ quan của Nhật Bản ấy. Tôi chỉ biết là chúng có ở Nhật. Nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy cả.
Sutzumoto mở lớp vải bọc rồi lấy từ trong hộp đựng ra những chiếc mặt nạ.
- Đây là một chiếc "Djido", còn đây là chiếc "Casiki". Cả hai đều là mặt nạ trẻ con.
Singo cầm chiếc "Casiki" lên và ngắm nghía.
- Hình chiếc lá cây gbinco, anh có thấy không? - Sutzumoto nói. - Nghĩa là để diễn tả một cậu bé chưa đến tuổi thành niên. Còn có cả lúm đồng tiền ở má nữa đây.
- Trông sống động quá nhỉ...
Sutzumoto giảng giải cho Singo rằng nếu chiếc mặt nạ Noh hơi nghiêng xuống dưới, sắc thái của nó sẽ có vẻ buồn rầu, còn nếu nó ngước lên trên thì sẽ có một sắc diện vui sướng.
- Việc quay sang phải hay sang trái, - ông ta nói tiếp, - thì sẽ thể hiện "chấp nhận" hoặc "chấm dứt".
- Tôi thấy nó giống ai nhỉ? - Singo lẩm bẩm. - Thật khó mà tin rằng đấy là bộ mặt của trẻ con.
- Thời xưa trẻ con phát triển sớm hơn bây giờ. Anh cứ xem kỹ và sẽ thấy đó là mặt nạ trẻ con. Đặc biệt chiếc "Djido" thể hiện một tư tưởng đẹp đẽ nào đó, dường như là tuổi thơ vĩnh viễn thì phải.
Singo lật qua lật lại chiếc "Djido" để kiểm nghiệm lời nói của Sutzumoto.
- Thế nào, anh sẽ lấy chứ? - Sutzumoto hỏi.
Singo đặt chiếc mặt nạ lên bàn và bảo:
- Họ đã mời anh mua kia mà?
- Đúng vậy, nhưng tôi đã mua hai chiếc rồi. Cả thảy có năm chiếc. Tôi lấy hai cái mặt nạ phụ nữ. Unno lấy một chiếc và hai cái còn lại này để dành cho anh đấy.
- Anh khôn lỏi lắm. Có mấy cái mặt nạ phụ nữ thì anh lấy trước, còn thừa mới dành cho người khác hả?
- Thế anh định lấy cái mặt nạ phụ nữ à?
- Có ý nghĩ quái gì nữa một khi đã không còn nữa rồi.
- Nếu anh muốn tôi sẽ để cho anh. Như vậy tôi khỏi phải tốn tiền. Anh biết Mitzuta chết trong hoàn cảnh nào rồi đấy...Tôi lấy tội nghiệp bà vợ hắn ta nên không nỡ từ chối. Bà ta giải thích cho tôi là hai chiếc trẻ con này có giá trị hơn mấy chiếc phụ nữ kia. Anh không thấy bị mơn trớn bởi cái ý tưởng về tuổi thơ vĩnh cửu hay sao?
- Mitzuta đã khuất núi, Toriaman, người vẫn ngồi ngắm lũ mặt nạ cả ngày cũng đã đi trước cả Mitzuta. Như vậy là, nói tóm lại, mấy cái mặt nạ của anh cũng không làm tôi thấy dễ chịu lắm đâu.
- Thôi được! - Sutzumoto nói và đứng dậy. - Tôi đi đây. Tôi để lại mấy cái mặt nạ cho anh xem chán đi và nếu không thích thì đưa cho người khác.
- Vấn đề không phải ở chỗ tôi có thích hay không. Tôi vốn chẳng hiểu gì về mặt nạ cả, và nếu như tôi đi giữ rịt lấy mấy chiếc trứ danh như thế này thì chẳng hóa ra là tôi tước mất cuộc sống của chúng trong thế giới Noh hay sao?
- Về việc đó anh không phải lo.
- Còn giá cả thì thế nào nhỉ?
- À, đây tôi đã sợ quên nên bảo bà ta viết giá tiền vào đây này...
Sutzumoto đi khỏi và Ayco liền lại bên bàn Singo.
- Rất đẹp, phải không? - Singo hỏi.
Cô gái im lặng gật đầu.
- Cô thử đeo vào một cái xem sao. Đây cái này này...
- Ô, thế thì kỳ quá... mà tôi lại không mặc kimono nữa. - Ayco chống chế, nhưng Singo đã đưa mặt nạ cho cô.
Ayco đeo mặt nạ vào và quay đi quay lại.
- Hoan hô, tuyệt lắm! - Singo bất giác kêu lên.
Chiếc mặt nạ sống động hẳn lên với mỗi cử động. Nhìn Ayco trong bộ váy nhung dài với mái tóc bồng xõa xuống hai bên chiếc mặt nạ, Singo bỗng thấy cô hấp dẫn một cách kỳ lạ và ông ngồi sững người như bị thôi miên.
Sau đó, ngay lập tức Singo bảo Ayco đi mua cho ông cuốn sách về mặt nạ Noh.
2
Trên cả hai chiếc mặt nạ đều có viết tên nghệ nhân chế tạo ra nó. Theo tài liệu tra cứu thì chúng thuộc đời Muromachi 1. Ngay một người không chuyên như Singo cũng có thể xác định được đây là những tác phẩm nghệ thuật chính cống.
- Gớm, trông khiếp quá! - Yasuco kêu lên khi Singo chìa mấy chiếc mặt nạ cho bà xem lúc ông về tới nhà.
Kikuco chỉ cười và khuyên bà nên đeo kính để ngắm. Sau khi ngắm nghía hồi lâu, bà lại quả quyết tuyên bố:
- Trông ghê quá, ông ạ! Tôi thấy nó giống như đầu người bị chặt.
Singo vừa giảng giải cho Yasuco vừa ngắm nghía lại chiếc Djido. Nó không hẳn ra mặt con gái mà cũng không ra mặt con trai, tuy vậy đôi lông mày vắt cong gợi cho Singo nghĩ đến một cô gái nhỏ. Khuôn mặt rạng rỡ của cô bé bỗng trở nên mềm mại trong đôi mắt già nua của ông. Đưa sát chiếc mặt nạ vào tận mắt, giờ đây ông thấy nó đang sống và mỉm cười tươi tắn.
Thiếu chút nữa Singo đã hét lên. Trước mặt ông, một cô bé con đang mỉm cười - một nụ cười duyên dáng thuần khiết. Trong hai lỗ mắt rỗng bỗng hiện lên đôi con ngươi đen nhánh. Đôi môi đỏ thắm động đậy. Cặp mắt đen đang nhìn thẳng vào ông, còn đôi môi chúm lại. Singo suýt nữa thì hôn lên gương mặt, nhưng ông quay đi và thở dài. Ông tránh xa khỏi chiếc mặt nạ và cảm thấy mọi cái đều giả dối. Một lúc lâu sau ông còn ngồi thở nặng nhọc, gấp gáp.
Singo có cảm tưởng rằng ông đã chui sâu vào trong chiếc mặt nạ, ở đâu đó gần chỗ cái miệng, nơi đôi môi cô hé mở giống như một nụ hoa để lộ hàm răng trắng như tuyết. Nhìn mặt nạ Noh gần sát tận mắt hẳn là một điều kỳ lạ. Vị tất nghệ nhân sáng tạo ra nó đã nhằm mục đích như vậy. Nhìn gần mặt nạ có vẻ sống động hơn là nhìn từ khoảng cách giữa khán giả và sân khấu. Singo có cảm giác rằng ông đã giải đoán được tình cảm bí ẩn của nghệ nhân cổ. Ông sẵn sàng thề rằng, trong một khoảnh khắc của đời mình, ông đã cảm nhận được thứ tình yêu bị cấm đoán của trời đất.
Singo tự hỏi phải chăng những cơn bộc phát tình cảm khó hiểu xảy ra nối tiếp ở trong ông - đầu tiên là việc ôm người đàn bà ở trong mơ, sau đó là phút xuất thần khi nhìn Ayco biểu diễn mặt nạ và cuối cùng là việc suýt hôn cái mặt nạ - chẳng là dấu hiệu của một cái gì đó đang trên đường lay chuyển toàn bộ nền móng của nhà ông?
3
Sáng 29 tháng 12, lúc đang rửa mặt, Singo nhìn thấy con chó Teru cùng lũ con mới đẻ. Trước đây mấy tháng, con chó không biết từ đâu đến tá túc dưới tầng hầm của căn buồng dành cho người ở.
Kikuco quả quyết là nó đẻ bốn con, nhưng Singo lại thấy những năm con chó con đang nằm phơi nắng.
Hẳn là con chó muốn đưa lũ con ra khỏi nhà trước khi con người ngủ dậy và giờ đây nó cho con bú thanh thản dưới ánh nắng mặt trời. Lũ chó con có vẻ cố tận hưởng cái hạnh phúc được chơi đùa thoải mái, không bị làm phiền bởi con người. Singo mỉm cười trước cảnh tượng dễ thương. Đã là cuối tháng mười hai, nhưng mặt trời Kamakura 2 vẫn ấm áp như trong tiết thu sớm vậy.
Một con chó con màu đen - con bú dai nhất - đã bị văng ra khỏi mình con mẹ, khi mẹ nó đứng dậy và chạy dọc xuống bãi bên chân đồi. Singo lặng đi vì sợ, nhưng con chó đã bò dậy như không có chuyện gì và vừa đi vừa hít hít đất xung quanh. "Vậy là sao nhỉ?" Singo ngạc nhiên nghĩ bụng: ông có cảm giác là đã nhìn thấy con chó ở đâu rồi. Suy nghĩ một lúc ông chợt nhớ ra: "À, phải, ở trong tranh của Sotatsu." 3 Hồi đó, khi thấy bức tranh con chó vẽ bằng mực tàu của Sotatsu, Singo đã cho rằng con vật được cách điệu quá. Còn giờ đây, khi nhìn hình ảnh sống thì ông mới thấy khâm phục bức vẽ. Bất chợt Singo lại nhớ đến mấy chiếc mặt nạ. Tác giả của chiếc Casiki là người cùng thời với Sotatsu.
Singo bỗng tự hỏi phải chăng là con chó con của Teru đã hóa thành con chó trong tranh Sotatsu và chiếc mặt nạ Djido thì biến thành một cô gái nhỏ, hay là trước mắt ông đang diễn ra một phép màu làm cô bé hóa thành mặt nạ, còn con chó hiện hình trên bức tranh của Sotatsu?
Khi bà Yasuco và Kikuco từ chỗ rửa mặt đi ra thì Singo gọi lại để chỉ cho xem đàn chó con.
- Thế còn con mẹ đâu rồi? - Bà Yasuco hỏi.
- Không biết nó chui vào chỗ nào? - Singo ngạc nhiên hỏi lại. - Vừa thấy nó rứt lũ con ra và biến đâu mất!
- Chắc Teru phải đi kiếm thức ăn. - Kikuco nói. - Hàng xóm chung quanh rất ngạc nhiên vì sự khôn ngoan của nó. Hóa ra là chị chàng biết rõ nhà nào ăn cơm vào lúc mấy giờ và đến quanh quẩn ở đấy.
- Vậy ư? - Singo ngạc nhiên thốt lên. Ông những tưởng một khi nhà ông cho chó ăn hai lần mỗi ngày thì nó không còn phải đi kiếm ăn ở ngoài nữa.
- Cứ gặp con là mọi người lại hỏi thăm về đặc tính của Teru. Còn khi ba đi làm rồi, trẻ con kéo đến xin con cho xem lũ chó con.
- Ồ phải rồi! - Bà Yasuco kêu lên. - Có một bà hàng xóm bảo tôi là, một khi có súc vật đến làm tổ trong nhà, thì nhà sắp có trẻ con.
- Vậy nhà ta sắp có thêm trẻ con rồi phải không?
- Kìa, mẹ nói gì vậy? - Kikuco đỏ mặt và kéo tay áo bà.
- Nghĩa là người ta xét người và chó chung hết à? - Singo nói đùa để gỡ bí cho tình thế. Những lời của vợ ông nói ra hết sức vụng về.
Kikuco ngước nhìn lên và bảo:
- Ông Amamia rất quan tâm đến Teru. Ông cụ đã hỏi xin nó về nuôi đấy, làm con không biết trả lời ra sao cả...
- Thì chúng ta có thể cho ông ấy lắm chứ! - Singo nói. - Teru cũng như là vật nuôi của nhà ta rồi cho nên Amamia mới đến hỏi.
- Vậy để con chạy đi bảo ông cụ nhé - Kikuco kêu lên và biến mất.
Thực ra cô chỉ kiếm cớ để đi khỏi. Singo không nhìn theo Kikuco. Ông đứng lặng nhìn con chó nhỏ. Bất đồ ánh mắt ông bắt gặp một bông hoa cúc gai rụng dưới cửa sổ. Cánh hoa đã rụng hết, nhưng cuống vẫn còn tươi.
- Cúc gai là một giống hoa giỏi chịu đựng đến đáng khâm phục. - Singo thốt lên.
--------------------------------
1 Từ năm 1338 - 1573.
2 Kamakura: Thành phố không xa Tokyo, đã từng là thủ đô nước Nhật (từ 1192 - 1333) nơi gia đình Singo Ogata cư trú.
3 Danh họa Nhật đầu thế kỷ XVII, nổi tiếng với những tranh vẽ trên quạt.
Tiếng Rền Của Núi Tiếng Rền Của Núi - Yasunari Kawabata Tiếng Rền Của Núi