Thoáng Mây Bay epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5
ầu óc choáng váng, toàn thân mệt mỏi, rã rời, Thảo thấy như mình sắp chết. Ừ, giá mà được chết ngay bây giờ nhỉ, Thảo sẽ biến ra khói ra mây bay vật vờ khắp chốn cho quên đi bao nhiêu là đau khổ, phiền toái của cuộc đời. Là mây, Thảo sẽ phiêu du từ đỉnh núi này qua trùng dương khác, bay qua những cánh đồng, những làng mạc và thành phố, Thảo sẽ là bóng mát che cho những đôi lứa yêu nhau. Chuyện tình của Thảo đã chẳng ra gì thì Thảo nguyện sẽ hoài phù hộ cho những đôi uyên ương tìm về hạnh phúc. Là khói, những buổi sương sớm chưa tan Thảo sẽ quấn quít trên những cành cây còn lóng lánh những hạt kim cương trong suốt, để nhắc cho người con trai, người con gái cái mong manh của cuộc sống, mong manh như sương khói trên cành; người ta hãy thương yêu nhau để tìm cho cuộc sống mong manh đó một ý nghĩa; buổi tối, trong khung bếp hồng, Thảo sẽ toả bay, ôm bọc để sưởi ấm cho hai mái tóc ngắn, dài đang chụm đầu thủ thỉ. Như vậy có lẽ cuộc đời sẽ thi vị hơn những ngày chán chường nằm trên giường bệnh. Hôm ở nhà Tâm về, Thảo phóng xe ngơ ngác giữa thành phố nhộn nhịp. Mọi người đều hối hả nói cười với công việc và niềm vui của họ, không một ai biết rằng tâm hồn Thảo đang tan nát. Đã không ai biết đến mình thì mình cũng chẳng cần gì phải biết đến ai, và Thảo cũng coi những người, những xe đang ngược xuôi trên đường như không có. Ý nghĩ của Thảo mạnh đến độ Thảo tưởng mình đang phóng xe trên một đại lộ thênh thang không người, chính ý nghĩ này đã làm mấy lấn Thảo suýt đụng vào những chiếc xe khác, nếu người ta không nhanh tay lái hoặc thắng lại. Những tiếng trách móc, chửi rủa đối với Thảo bây giờ chẳng có một tác dụng gì. Trời đang nắng nhẹ bỗng nhiên tối dần rồi đổ mưa tầm tã, đó là một trong những đặc điểm của Sài Gòn. Thiên hạ đua nhau chạy vội vào những hiên nhà bên đường mong tìm một chút khô ráo. Nhưng Thảo thấy không cần phải như vậy. Cái ướt át, lạnh lẽo bên ngoài thấm gì với cái đau khổ hiện thời trong lòng Thảo. Bởi vậy cứ để đầu trần, Thảo đi xe giữa đường phố rộng thênh thang, lần này thênh thang thật sự. Có thể lúc đó Thảo lại khóc cũng nên, khóc thương cho mình "phận bạc", bởi Thảo thấy trên đôi má mình hai dòng nong nóng. Về đến nhà Thảo cũng không thèm gọi cửa, mãi đến khi mẹ trong nhà trông thấy, kêu ầm lên chạy ra mở cửa, quên cả đội nón, Thảo mới lầm lì dắt xe vào, chẳng nói chẳng rằng. Nhìn mẹ và em Thanh tíu tít lấy khăn lau và quần áo khô cho mình thay, Thảo cũng không có một cảm xúc gì, hai người lung linh trước mắt Thảo như hai cái bóng mờ mờ ảo ảo. Thảo mơ hồ cảm thấy đầu mình nóng dữ dội trong khi chân tay lại lạnh giá. Mắt Thảo hoa đi, người, vật trong phòng bỗng quay tròn như cơn lốc, bóng mẹ và Thanh bay chập chờn trước mắt Thảo. Cũng mơ hồ Thảo nghe tiếng mẹ gọi mình rối rít, Thảo thấy người mình nhẹ lâng lâng như có ai nâng lên, rồi thân Thảo bềnh bồng trôi giữa một dòng sông nước chạy xiết, Thảo nghe tiếng ào ào hai bên tai. Đôi tay Thảo giơ lên, chới với giữa khoảng không, định với lấy một nhánh cỏ xanh non bên bờ sông ngập nước...
Nhìn tấm drap trắng tinh, những ý nghĩ chết chóc lại quay về với Thảo. Đúng rồi, nếu bây giờ Thảo chết, người ta cũng sẽ gói thân xác Thảo vào một vuông vải trắng như thế này. Thảo sẽ nằm im không động đậy, hai tay chắp để trên ngực một cách thánh thiện. Đôi mắt Thảo nhắm nghiền và trên môi Thảo còn dấu vết một nụ cuời tha thứ, hiền hoà, đẹp như nụ cười của một thiên thần. Thảo cười tha thứ cho ai đó đã làm Thảo phải đau khổ và phải chết. Người ta sẽ đặt hoa hồng trên thân xác Thảo và mọi người đứng chung quanh thương khóc. Lúc đó, nếu nói được Thảo sẽ ra hiệu cho mọi người yên lặng và khẽ bảo: "Không việc gì phải khóc, hãy giữ thinh lặng để tôi bình thản sang yên nghỉ ở thế giới bên kia". Nhưng nếu làm như thế mọi người sẽ sợ, họ ù té chạy đi hết, không còn ai chiêm ngắm vẻ thánh thiện của Thảo nữa. Tốt hơn hết là cứ nằm yên lặng. Trong đám người vây quanh ấy, sẽ có một người khóc nhiều nhất, và phải đấm ngực ăn năn tội lỗi, người ấy sẽ hối hận tột cùng, sẽ bị lương tâm cắn rứt để rồi thầm thì kêu: "Thảo, tha lỗi cho Tâm, Tâm thương Thảo. Hãy yên nghỉ, và ở thế giới bên kia Thảo hãy chờ, Tâm cũng sẽ đến". Dù người ấy có khóc lóc, kêu xin thế nào, Thảo cũng vẫn nhắm nghiền đôi mắt và nằm yên bất động. Người ta sẽ cho Thảo vào hòm đóng kín và nâng lên xe song mã đưa đến nhà thờ. Chiếc xe chở Thảo qua những con đường im vắng, đầy bóng mát của hai hàng cây sao cao vút như những hàng nến cháy sáng mà ngọn lửa là chút nắng nhẹ vương trên mỗi cây. Tuy nằm trong bóng tối, Thảo cũng nhận được con đường quen thuộc dẫn đến ngôi trường yêu dấu có mái giáo đường hiền từ bên cạnh, những nguời đi sau xe tang khóc một cách lặng lẽ và khi tiếng chuông giáo đường u buồn buông từ tiếng một, Thảo sẽ được đưa vào nằm một cách êm ái giữa lòng nhà thờ. Ban hợp ca của giáo đường sẽ cất lên lời hát nguyện cầu cho linh hồn Thảo, tiếng hát lúc trầm buồn, khi cao vút như quấn quít lấy từng vòm cửa, những cái cột tròn, ùa lên tràn đầy cung thánh và làm cho ánh nến chao động lung linh. Khi bài thánh ca vừa cất lên, người ấy chắc chắn sẽ nức lên, gục đầu xuống thành ghế.
Có tiếng chào hỏi xôn xao bên ngoài, Thảo choàng tỉnh, thoát ra khỏi cơn mê chập chờn đầy thương đau nhưng êm đềm khôn kể. Giọng mẹ nhỏ nhẹ:
- Em nó mới chợp mắt cháu ạ. Khổ, hôm ấy không biết đi đâu về mà ướt hết. Thế là người cứ lạnh cóng đi, trán lại nóng hừng hực. Nó đứng không vững, bác với em Thanh phải đỡ vào giường đấy chứ...
Rồi bà chép miệng:
- Đã bảo mà không nghe, dạo này, trời mưa nắng thất thường lắm, đi đâu cũng phải đem sẵn cái áo mưa. Mà lỡ mưa thì cứ đứng trú vào đâu cho tạnh hãy về. Thật, cái thằng to đầu mà dại, thế là phải nghỉ học mấy ngày rồi, mất hết cả bài vở, chả biết hôm nào mới ngồi dậy được. Mới có mấy ngày thôi mà người cứ xanh mướt đi như tàu lá ấy cháu ạ, hôm nào khỏi lại phải tẩm bổ cho mới lấy lại sức được.
Nghe mẹ nói, Thảo cười buồn, đâu phải con ốm vì đi mưa, sức khoẻ con đâu có tệ như thế. Bệnh của con làm sao mẹ biết được, mà chả ai biết được hết. Con sẽ giữ kín mãi để chết trong nỗi khổ. Nghĩ đến đây nước mắt Thảo lại ứa ra ở khoé mắt, Thảo vội vàng quẹt đi thật nhanh.
Bên ngoài có tiếng Tuấn, lần này Thảo nghe rõ:
- Cháu vào thăm Thảo một chút được không ạ?
- Được, cháu cứ vào. Nếu em thức thì ở chơi với em một chút. Chắc nó cũng nhớ lắm đấy.
Mẹ nói đúng, phải nằm lỳ trên giường mấy ngày, ngoài những cơn nhớ thương khắc khoải "người ấy", Thảo cũng nhớ Tuấn lắm. Lúc còn khoẻ, ngày nào hai đứa không gặp nhau, trống vắng tình cảm là đìều khiến cho người ta cảm thấy thiếu thốn nhất. Thảo đã định gượng tung chăn ngồi dậy nói chuyện với Tuấn một lúc cho đỡ buồn, nhưng suy đi nghĩ lại làm sao, Thảo lại nằm yên. Thế nào lát nữa về Tuấn chả nói với chị Tâm là Thảo đau, phải tạo ra một dáng điệu thật thiểu não mới được, để cho "người ấy" biết là lỗi của "người ấy" nặng lắm, không thể bỏ qua được. Nghĩ thế, Thảo vội lấy tay vò cho tóc bù xù lên rồi nhắm nghiền hai mắt lại. Môi Thảo ngậm chặt, hai mép hơi trễ xuống. Thảo vẫn nghe người ta nói hai mép trễ xuống tức là biểu hiện cho một khuôn mặt đau khổ. Thảo cố cau mày lại cho có vài nếp nhăn, như vậy càng tăng thêm vẻ thiểu não của khuôn mặt. Tiếng chân Tuần nghe rõ dần, Thảo nằm cứng mình trong dáng điệu đau khổ thảm não vừa tạo ra.
Tuấn đặt tay lên trán Thảo, tay nó man mát. Giá lúc khác Thảo sẽ "hù" một cái rõ to làm nó giật mình. Nhưng bây giờ thì không thể được. Hình như Tuấn có ngần ngừ một giây, sau đó nó nhẹ lật gối Thảo lên và đặt một vật gì xuống đó rồi nhẹ nhàng đi ra. Thảo mở choàng mắt, nghe ngóng. Tiếng mẹ nói với Tuấn:
- Tuần sau rảnh cháu lại chơi nhé.
Có tiếng Tuấn dạ và sau đó một lúc là tiếng máy xe nổ dòn. Tuấn đã về rồi. Hồi hộp, Thảo cho tay xuống gối định xem Tuấn để cái gì ở đó, nhưng tiếng dép mẹ đã lẹp kẹp ngoài cửa phòng, Thảo lại nằm im, vờ ngủ.
Sửa cái chăn cho Thảo, mẹ lại đi ra. Bây giờ căn phòng thật yên vắng, Thảo nghe rõ tiếng tích tắc của cái đồng hồ báo thức đặt ở đầu chiếc tủ búp-phê kê sát tường. Thảo lại thò tay xuống dưới gối. À, một bức thư. Tay Thảo run run khi nhìn nét chữ của Tâm đề ngoài phong bì. Hồi hộp, Thảo muốn mở ra xem ngay. Nhưng bỗng đâu hình ảnh ngày hôm ấy, cái hình ảnh Tâm cười đùa vui vẻ với anh chàng Khôi dễ ghét lại hiện rõ trong óc Thảo. Cơn giận lại đùng đùng kéo đến, Thảo mím môi, xé mạnh phong thư làm bốn, thẳng tay vất vào sọt rác để ở chân giường. Làm xong cử chỉ ấy, Thảo thấy mình mệt mỏi, rời rã, Thảo thở dài một tiếng, nằm im. Cơn giận dần dần lắng dịu, Thảo lại thắc mắc: không biết cô nàng viết cái gì trong ấy? Hay là xem một tí có sao đâu. Gượng ngồi dậy, Thảo thò tay trong giỏ rác tìm lại những mảnh thư và phong bì. May quá, múc nãy Thảo chỉ xé có làm bốn thôi. Chắp lại vẫn đọc đuợc. Những hàng chữ nhỏ xinh xinh như nhảy múa trước mắt Thảo:
"Thảo,
Chị đã hiểu em, lỗi ở chị một phần. Lại chị chơi đi. Hy vọng tình chị em mình không vì thế mà bị chối bỏ hay bị phai lạt. Mong em lắm, vì tuần tới là đám hỏi chị, anh Khôi đó.
Chị."
Tuy đã biết rõ câu chuyện sẽ xảy ra trước đi được Tâm báo tin, vậy mà đọc xong mấy dòng ngắn ngủi Tâm viết, mắt Thảo cũng hoa lên. Thảo thấy mình mệt mỏi quá sức, buông rơi mấy mảnh thư xuống giường. Thảo cũng cảm tưởng như mình vừa rơi xuống một lòng vực sâu hun hút. Thảo cứ rơi mãi rơi hoài mà không thấy đáy.
Mơ hồ Thảo nghe thấy tiếng hát bên hàng xóm, băng nhạc bên đó phát ra bài "Bambino", khúc nhạc kể lể câu chuyện một thằng bé người Ý, thằng bé đó cũng như Thảo, nó dại dột để lòng rung động trước sắc đẹp của một thiếu nữ lớn hơn nó, để rồi trong sầu tủi, nó phải nghe những lời người lớn khuyên bảo:
"L'amour et la jalousi ne sont pas des jeux d'enfants. Et tu as toute la vie pour souffrir comme des grands".
(Tình yêu và ghen tuông không phải là những trò đùa của trẻ con. Và chú còn cả một cuộc đời để đau khổ như người lớn.)
Trong âu sầu, tiếng hát vẫn văng vẳng bên tai Thảo:
"Tu peux chanter tant que tu veux,
Elle ne le prend pas au sérieux.
Avec tes cheveux si blonds tu as l'air d'un chérubin
Va plutôt jouer au ballon comme font tous les gamins."
(Chú có thể hát tuỳ thích, nhưng cô ta không buốn để ý tới. Với mái tóc vàng hoe, chú có vẻ là một tiên đồng. Tốt hơn hết, chú hãy ra ngoài chơi banh như tất cả những đứa bé khác.)
Hình như là Thảo lại mê đi, hình ảnh lại nhạt nhoà sau màng sương mù bóng. Thằng bé Bambino Thảo ôm cây đàn Mandoline gảy khẽ, tiếng tơ đồng quyện lấy giọng hát trẻ thơ trong trẻo nhưng u sầu muôn kiếp bay mãi lên cao, lên cao. Và bên khung cửa sổ trên từng lầu chót vót, chị Tâm thả tóc dài trong gió, ánh mắt long lanh, cánh môi hé mở, nhìn thằng bé ôm đàn dựa gốc cột đèn, cười chế giễu.
° ° °
Như là một tiếng gọi xa xăm, Thảo thấy có ai nhắc đến tên mình, thật trầm ấm và tràn đầy thiết tha thương mến. Thảo không nhớ được mình đang trong mộng ảo xa vời hay thực tại đầy nỗi sầu chồng chất. Thân thể Thảo chao động cùng với tiếng gọi mỗi lúc một rõ, tiếng gọi to hơn, mạnh hơn, nhưng vẫn chất chứa đầy nhẫn nại.
- Thảo, dậy đi Thảo...
Thôi, tôi còn dậy làm gì, xin cho suốt đời tôi dật dờ trong cõi hư vô, ôm chặt nỗi u buồn và vướng vít trong nhạc sầu thê thiết. Hỡi tôi, xin hãy là cây cỏ, là gió, là mây, chớ là người kẻo rồi chỉ được uống toàn chén đắng. Ngủ đi, ngủ đi, ngủ ngàn đời trong cô đơn. Thân xác tôi hãy bềnh bồng trong suối nguồn nước mắt. Nụ hoa đầu đời vừa chớm nụ chợt héo úa vì không được một giọt nước yêu thương...
- Thảo ơi, dậy đi, dậy nói chuyện với ba...
Và bàn tay dạn đầy sương gió đặt nhẹ lên trán Thảo, vuốt ve khuôn mặt xanh xao, lay nhẹ bờ vai còm cõi. Ba về. Thảo giật mình, thoát khỏi giấc mơ màng hư hư ảo ảo. Ba về thực, chỉ cần hé mắt một chút, Thảo cũng đủ nhận rõ hình ảnh ba trong ánh sáng loé vào chói mắt. Lòng Thảo rộn lên một chút vui. Trong thoáng chốc, Thảo như quên đi những buồn đau chất ngất.
Ba đi công tác liên miên, một năm may ra về được vài lần. Ba đi, để lại ba mẹ con cô đơn trong căn nhà rộng - rộng vì thiếu bóng dáng người đàn ông. Những lần về nhà, ba dẫn mẹ con đi chơi khắp chỗ. Hai đứa khoái chí, còn mẹ như trẻ hẳn lại, tươi tắn như bông hoa mới nở, ba thì cười nói luôn. Ba thương mẹ và hai con lắm, Thảo và Thanh tha hồ vòi vĩnh, thế nào ba cũng chiều được, xin gì ba cũng cho. Ba chỉ dặn có mấy điều: phải nghe lời mẹ, không được cãi nhau, cố gắng học thật giỏi và thỉnh thoảng viết thư cho ba. Hai anh em thương ba nên cố gắng làm theo lời ba dặn. Ba nói riêng với Thảo: "Con phải nghe lời mẹ, kẻo rồi mẹ tủi, cho rằng con chỉ biết sợ ba, còn ba vắng nhà thì coi thường mẹ. Đàn bà dễ xúc động và hay có mặc cảm, con ạ". Ba còn nói nhiều lắm, trong những lúc chỉ có riêng hai ba con, ba bảo chỉ nói riêng cho con trai của ba nghe thôi, vì con lớn rồi, bắt đầu biết suy nghĩ, phải tập làm người lớn, suy nghĩ và hành động như người lớn. Thảo nghe lời ba, vâng lời mẹ và cố gắng hoà thuận với em, tuy hai đứa tính tình như chó với mèo. Thảo phục ba lắm, ba vừa dịu ngọt, vừa cương quyết. Thảo ước mong ba được ở nhà mãi, và đã có lần Thảo nói ý nghĩ đó cho ba nghe, ba cười, bảo: "Ba còn phải đi làm chứ!". Lúc nào ba cũng vui được, kể cả khi ba cầm tay mẹ, vuốt tóc hai con giã từ.
Bây giờ ba ngồi đây, Thảo tin chắc là mình không mơ, bởi Thảo còn cảm thấy vai mình nặng nặng dưới bàn tay ba. Thảo mở bừng mắt, đưa tay nắm chặt lấy tay ba, gọi khẽ: "Ba". Ba nhìn Thảo cười trìu mến. Tự nhiên, nhìn nụ cười, Thảo thấy tủi thân. Ba của con, ba đâu biết con trai của ba đang khổ như chưa bao giờ khổ, nỗi khổ con đang chịu có lẽ tất cả đất trời cũng không đong hết được. Và vì tủi thân, nên nước mắt Thảo lại ứa ra thấm ướt cả gối. Ba không dỗ Thảo, cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên. Lặng lẽ, ba lùa những ngón tay cứng cỏi vào mớ tóc đen nhánh của Thảo và để mặc Thảo khóc. Một lúc, hình như lâu lắm, ba mới khẽ cất tiếng:
- Thôi, đủ rồi, đủ rồi con. Không sợ em Thanh nó cười cho à? Con trai lớn thế này sao mau nước mắt thế!
Nhưng ba đâu biết tại sao con khóc, nỗi khổ của con nào ai cảm thông cho hết. Ba mà khổ như con, chắc ba cũng phải... khóc. Thảo nghĩ thế mà không nói ra. Chợt ba hỏi:
- Con trai ba định tập làm người lớn, phải không?
Thảo giật mình, ngước nhìn ba, ba vẫn cười thật hiền hậu. Nụ cười và câu hỏi làm Thảo chột dạ, Thảo chợt nhớ đến mảnh giấy chị Tâm gửi bỏ trên giường, bức thư "không niêm" và thiếu may mắn không đến được tay người nhận còn để quên trên bàn. Thôi chết, ba biết hết "bí mật" rồi còn gì! Thảo chờ ba mắng. Ba chưa mắng bao giờ, nhưng nếu đã mắng, chắc phải là "sấm sét" lắm. Thảo nhắm mắt, nhẫn nhục chờ cơn giông tố.
Nhưng chờ hoài, không thấy ba cất tiếng, Thảo đánh bạo mở choàng mắt. Ba vẫn ngồi đấy, vẫn nhìn Thảo đăm đăm, miệng cười. Ba đưa bàn tay chai cứng sờ chiếc cằm lún phún râu của Thảo và chợt nói:
- Con ba bắt đầu lớn phải không, và đang tập yêu!.
Thảo nghe, ngượng chín cả người. Nỗi u uẩn tưởng đâu không ai biết, những tưởng là:
"Ngổn ngang cảnh nọ tình kia,
Nỗi riêng riêng biết, dã dề với ai?"
Ngờ đâu, cái "nỗi riêng" ấy giờ đây tỏ lộ dưới ánh sáng mặt trời. Càng nhìn ba, càng xấu hổ, Thảo thấy cả người nóng rần rật như lên cơn sốt. Giá cửa phòng không đóng, Thảo đã phóng ra ngoài, chui vào nhà tắm trốn biệt. Nhưng cửa thì đóng, và ba vẫn ngồi đấy. Không còn trốn vào đâu được nữa, anh chàng quay vào vách, giấu bộ mặt đỏ như gấc chín.
Nhưng ba đã quàng tay qua người Thảo, cúi mặt nhìn sâu vào đôi mắt Thảo, thì thầm:
- Có gì mà ngượng. Ngồi dậy nói chuyện với ba. Hôm nay, ba con mình tâm sự một ngày.
Và ba đỡ Thảo ngồi lên. Bị "đi guốc trong bụng", anh chàng vẫn chưa hết ngượng, đầu cúi gằm như tử tội nghe tuyên án. Giọng ba thì thào bên tai:
- Con còn thấy khổ không?
Hình như nước mắt đã làm vơi bớt "cơn đau" của Thảo nhiều. Cậu chỉ thấy lòng nao nao, nghẹn ngào không nói nên lời chứ không đến nỗi "lệ đổ như mưa" nữa. Thảo gật đầu nhè nhẹ để trả lời câu hỏi của ba.
Ba lấy giọng trầm ấm, giọng nói như mơn man Thảo:
- Đàn ông con trai chúng mình rồi cũng có lúc khổ vì đàn bà, con gái, con ạ. Lạ một cái, nó là cái khổ êm đềm. Cô ta là ai đó, Thảo?
Thảo khe khẽ:
- Chị của Tuấn, ba à!
Ba đập nhẹ lên trán:
- Ừ nhỉ, quên mất. Con có viết trong thư.
- Thôi ba đừng nói đến bức thư nữa. Con ngượng lắm.
Ba lại cười:
- Ừ, cái chuyện đó dễ làm cho mình ngượng lắm, nên chẳng bao giờ nói với ai.
Ba ngần ngừ một lúc:
- Nhưng mà mẹ biết rồi con ạ. Bức thư con vứt bừa trên bàn, ai vào mà không thấy.
Thảo im lặng. Ba lại hỏi khẽ:
- Con hối hận vì để mẹ biết?
- Không, nhưng con lạ tại sao mẹ không nói gì với con.
Ba nhìn Thảo, âu yếm:
- Con nên thầm cảm ơn mẹ. Người đàn bà tế nhị lắm con ạ. Mẹ biết có những vấn đề riêng, đứa con trai không thể tâm sự với bà mẹ của nó; nhiều khi còn không thể cả với ba...
Ba ôm lấy vai Thảo:
- Nhưng ba con mình thân nhau, phải không con?
Tự nhiên giọng ba trở nên mơ màng:
- Để ba kể chuyện ngày xưa cho con nghe. Ngày xưa...có chàng học sinh xa nhà, trọ học tại cố đô Huế, chàng mơ mộng và lười học y như Đinh Hùng đã viết:
"Là học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ."
Chàng ít nói nhưng sớm yêu. Và người chàng tôn thờ như thần tượng là một nữ sinh Đồng Khánh với màu áo nhu mì. Chàng yêu trong câm nín, sung sướng với cơn khổ đau thê thiết. Những ngày chớm đông mây xám giăng giăng kín cả góc trời và ngọn gió heo may kéo về len vào từng chân tơ kẽ tóc. Chàng co ro đứng cả giờ trước nhà người chàng yêu. Quên cả lạnh vì tim chàng đang nóng. Chờ cho đến khi nàng khép cửa ra đường, tay xách chiếc cặp và vành nón nghiêng nghiêng. Chàng lững thững theo sau cách cả hai chục thước, lòng chàng cảm động và bồi hồi ghê gớm. Bóng nàng khuất sau cổng trường, chàng vẫn còn nhìn theo nuối tiếc, một hồi lâu mới lặng lẽ quay về.
Ba im lặng, mơ màng. Thảo hỏi:
- Rồi sao nữa ba?
- Thế rồi năm sau nàng rời bỏ học đường, nàng lấy chồng.Một ngày đầu xuân, pháo hồng nổ ròn rã, xác pháo lót làm thảm đón nàng lên xe hoa. Mặt nàng ửng hồng sung sướng, không hề biết trong đám người đứng xem đám cưới, chờ nhìn mặt cô dâu, có một anh chàng, mặt mũi âu sầu và trái tim héo hắt.
Ba ngừng một lúc rối tiếp:
- Từ đó ba yêu bài "Trương Chi - Mỵ Nương"...
Thảo nhắc:
- Ba lầm rồi, anh chàng si tình kia chứ đâu phải ba.
Ba cười cởi mở:
- Thế con không đoán ra ba là chàng si tình đó à?
Tự nhiên Thảo thấy cảm động, không ngờ ba lại tâm sự cho mình nghe. Đánh bạo, Thảo hỏi:
- Thế người con gái ấy là ai hở ba?
- Nàng không là ai cả. Nàng chỉ là một nụ cười đúng lúc. Ba yêu nàng chỉ vì một lần nàng đi đường làm rơi quyển sách. Ba đi sau, cúi xuống nhặt hộ. Và khi ngẩng lên nhìn nàng thì... trong đôi mắt nàng, ba thấy như cả một vũ trụ đầy trăng sao mở rộng. Nàng mỉm cười và e lệ cảm ơn. Nụ cười như sống lại cả một trời xuân.
Ba gật gù:
- Đúng thế! Nàng không là ai cả. Ba cũng chẳng yêu nàng...
Thảo bật cười:
- Thế ba vừa kể ai cứ đứng trước nhà người ta cả giờ?
Ba cũng cười:
- Ngày xưa ba cũng tưởng ba yêu nàng thật, nhưng bây giờ ba biết, ba chỉ thương đôi mắt và nụ cười lúc ấy.
Rồi quay nhìn Thảo với đôi mắt thật sâu, ba bảo:
- Thảo ạ, con cũng không yêu cô Tâm, mặc dù con vẫn tưởng thế.
Thảo định cãi lại. Không, con yêu Tâm lắm ba ạ, con khổ, con ốm cũng vì Tâm. Nhưng chưa kịp mở lời, ba đã hỏi:
- Con nghĩ đó là mối tình đầu của con?
Thảo im lặng gật đầu. Ba lại chậm rãi tiếp:
- Mối tình đầu của người thật ra thường chỉ là những tình cảm đơn sơ, chân thành, đẹp thật, nhưng nó không hẳn là tình yêu. Ba nói con không yêu cô Tâm, vì ba nghĩ con đã yêu một cái gì đó, đến đúng lúc, như đôi mắt và nụ cười ba đã yêu.
Thảo cúi đầu, hình ảnh Tâm trong ngày sinh nhật Tuấn hiện ra rõ rệt. Cái áo lụa vàng, đôi bàn tay khéo léo và lối nói chuyện lôi cuốn. Thảo gặp tất cả những nét đáng yêu ấy trong khi lòng bực tức vì Thúy, cô bạn học cùng lớp đang nói cười với anh chàng đang chờ kết quả kỳ thi. Rồi những săn sóc, âu yếm dịu dàng lần lần hiện rõ, và cuối cùng là khuôn mặt dễ ghét của Khôi.
Thảo ôm đầu, cảm thấy mình lại sắp sửa khóc đến nơi. Tiếng ba vẫn trầm trầm như ở một cõi xa xôi nào vọng lại:
- Bọn đàn ông chúng mình mang tiếng là phái khoẻ, nhưng nhiều khi lại vô cùng yếu ớt, và người đàn bà khôn ngoan chinh phục người đàn ông bằng những săn sóc dịu dàng kín đáo; họ sẽ thắng bằng những âu yếm đó con ạ. Ở đây, ba đoán cô Tâm chỉ vô tình.
Và ba kết luận:
- Thực ra con và cô ấy, chẳng ai yêu ai cả. Con tưởng mình yêu, vì con thấy mình cảm động, nhung nhớ trước những săn sóc của cô ấy. Phần cô ấy, bản tính người phụ nữ khiến cô săn sóc con, như săn sóc một đứa em trai nhỏ dại, còn cần bàn tay nâng đỡ của người chị.
Giọng ba đanh lại, không còn dịu dàng như lúc nãy. Thảo cảm thấy chới với, sặc sụa như vừa bị ai tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Nhưng sau gáo nước ấy, Thảo thấy tỉnh táo hẳn. Như một người vừa đi từ cõi u minh ra vùng mặt trời chói sáng. Đôi môi Thảo mím lại, im bặt.
Ba hỏi:
- Thảo nghe ba nói gì không?
- Có ba ạ, con nghe rất rõ.
Và ngừng một lúc, Thảo tiếp:
- Ba ơi, đưa con ra vườn chơi, con muốn nhìn mây bay.
Ba không nói gì, nhẹ đưa tay đỡ Thảo dậy. Thảo thấy buớc chân mình xiêu xiêu và bềnh bồng như không đụng đất.
- Dựa vào mình ba mà đi, con.
Thảo thấy mình như nhỏ bé hẳn bên cạnh ba. Mơ hồ Thảo nhớ lại những kỷ niệm ngày còn nhỏ. Những lần hai ba con đi chơi, lúc về trời mưa tầm tã, ba mặc chiếc áo mưa rộng thùng thình và Thảo chui tọt vào trong, thật gọn gàng và ấm áp. Ba nói đùa: "Con nhắm mắt lại cũng được, cứ để yên ba dẫn về nhà". Và Thảo nhắm mắt thật. Đi bên cạnh ba Thảo thấy yên tâm vô cùng, không có gì phải lo sợ cả. Thảo nói trong âm thầm: "Ba ạ, với ba lúc nào con cũng nhỏ bé, cần sự dìu dắt. Cánh tay ba dang rộng phủ kín lấy con, như đôi cánh phượng hoàng chở che cho con nhỏ. Ba yêu thương muôn đời của con, đi bên con hoài như ngày xưa và hôm nay nghe ba".
Thấp thoáng có bóng mẹ trong nhà, nhưng hình như mẹ tránh khi thấy hai ba con bước ra. Khu vườn nhỏ bé của căn nhà thân yêu hôm nay có nhiều ánh nắng và lảnh lót tiếng chim. Ba đỡ Thảo ngồi xuống chiếc ghế mây kê sát cửa và khoanh tay đứng yên bên cạnh; còn Thảo, đôi mắt mở rộng nhìn vào cõi xa xăm. Lâu lắm ba mới lên tiếng:
- Con thấy gì, Thảo?
Giọng Thảo mơ màng:
- Con thấy một đám mây trắng nõn.
- Sao ba không thấy gì cả?
- Đám mây vừa bay ngang mắt con. Và chỉ một thoáng nó đã tan biến vào màu xanh bao la của bầu trời cao thẳm.
Bỗng nhiên, Thảo đứng dậy, vươn vai:
- Mai ba cho con đi ăn đám hỏi chị Tâm.
Hình như ba nhận ra giọng Thảo có gằn mạnh trong tiếng "chị". Ba cười:
- Khoẻ hẳn chưa nào?
“ Con khoẻ chứ, cả thể xác lẫn tâm hồn ba ạ”. Thảo định nói thế, nhưng chỉ nhìn ba cười đáp lại.
Một luồng gió thổi mạnh làm cánh cổng quên cài chốt đập ra đập vào. Thảo dợm bước ra cài lại. Ba nói với theo:
- Cẩn thận, coi chừng ngã nghe con.
Quyên Di.
Thoáng Mây Bay Thoáng Mây Bay - Quyên Di Thoáng Mây Bay