Sống Trên Đá epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Dòng Suối -
on sông dòng suối là kiến trúc của thiên nhiên, chẳng ai biết nó có tự bao giờ, khi con người sinh ra đã nhìn thấy nó. Kỷ niệm tuổi thơ thường gắn với một cái gì đó thơ mộng và theo ta đi suốt cuộc đời. Người làng quê có cây đa, giếng nước, sân đình và dòng sông êm đềm mang phù sa lở bồi theo năm tháng. Miệt vườn Nam Bộ có cầu tre lắt lẻo dòng kênh, với chiếc xuồng ba lá lướt nhẹ chở nắng sang hè, chở trăng đêm hội. Người miền núi có rừng cây và dòng suối...
Còn tôi, kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với con suối nhỏ, làn nước trong leo lẻo trơ cả hòn cuội ở giữa dòng. Con suối của tôi không rộng, không sâu, ẩn mình trong rừng cây tán thấp, chảy qua một thung lũng tuyệt đẹp. Dòng suối là nơi lũ trẻ chúng tôi bày ra các trò nghịch ngợm, hết thả thuyền, đến cùng nhau nhảy ùm xuống tắm, té nước vào nhau, rồi cả dìm nhau xuống nước. Chiều nào chúng tôi cũng ra suối, không có trò gì thì rủ nhau thả bộ dọc dòng nước chảy hoặc ngược thượng nguồn ngắm cảnh vật xung quanh...
Mỗi lần ra suối tôi lại nhớ đến câu chuyện của già Kía, già kể cho mười mấy đứa chúng tôi nghe trong một chiều mưa. Rừng núi chìm đắm trong màn mưa trắng xoá, khe núi sau nhà và thung lũng phía tây nước tuôn về ngầu đỏ, riêng dòng suối của chúng tôi nước vẫn trong xanh ngăn ngắt.
Ngày xửa ngày xưa, già Kía bắt đầu kể, trời và đất là hai người bạn tốt, họ ở rất gần nhau, chỉ cần leo lên ngọn núi ở sau nhà là có thể lên trời ngoạn cảnh. Trong một lần lên trời thần Núi đã gặp Hằng Nga. Họ thành bạn tâm giao rồi yêu nhau lúc nào không biết. Cứ đêm về là họ tình tự bên nhau. Thần Mưa, thần Mây cũng có lòng với Hằng Nga nhưng không được đáp lại nay thấy Hằng Nga và thần Núi tự tình thì đem lòng ghen ghét. Thần Mây luôn tìm cách che khuất tầm nhìn của Hằng Nga. Còn thần Mưa cũng luôn tìm cớ để dội nước lên đầu thần Núi.
Một hôm trời và đất giận nhau, trời lên tít trên cao để ở. Thần Núi và Hằng Nga đang ngoạn cảnh ở dưới đất bỗng thấy xung quanh tối đen lại. Hằng Nga nghĩ thần Núi đã lên trời nên vội vàng lên trời. Còn thần Núi cứ nghĩ rằng Hằng Nga đang ở dưới đất nên vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Khi biết được rằng thần Mây đã gây ra màn tối để hai bên không nhìn thấy nhau và đã có sự chia ly cách biệt thì không còn cách nào cứu vãn nổi nữa. Thần núi chỉ còn biết đứng nhìn Hằng Nga ở tít trên cao mà tan nát cõi lòng. Hằng Nga cũng vậy, họ gặp nhau bằng ánh mắt xa xăm.
Một hôm thần Mây tâu chuyện của Hằng Nga với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng tức giận bắt nhốt Hằng Nga vào ngục tối. Hằng Nga buồn bã héo rũ cả thân xác. Ngọc Hoàng không đành lòng trước đau khổ của Hằng Nga bèn hạ lệnh mở cửa ngục cho Hằng Nga được ra ngoài. Hôm ấy Hằng Nga đứng ngắm thần Núi cả một đêm, nước mắt yêu thương chảy tràn trên khuôn mặt ngà ngọc. Hằng Nga yếu dần thời gian được ra ngoài của nàng bị rút ngắn lại. Khi không được thấy thần Núi Hằng Nga lại càng ốm yếu hơn. Ngọc Hoàng đành phải tăng dần thời gian Hằng Nga ra ngoài, rồi lại rút ngắn lại.
Đột nhiên bà Kía dừng kể, quan sát chúng tôi một lượt rồi hỏi:
- Các cháu có để ý thấy khi nào thì Hằng Nga được ra ngoài lâu nhất?
- Ngày rằm ạ! - Một đứa nhanh nhảu trả lời.
- Khi nào Hằng Nga được ra ngoài ít nhất?
- Ngày ba mươi ạ! - Đứa khác lên tiếng.
- Chuyện sau đó thế nào nữa ạ? Bà kể tiếp đi, bà! - Một đứa khác nói.
Thần Mây, thần Mưa đã dùng rất nhiều cách nhưng vẫn không chia cắt được tình cảm của Hằng Nga với thần Núi. Họ chỉ còn một cách là che khuất tầm nhìn của Hằng Nga và thần Núi để họ không thấy được nhau. Nhưng cũng chỉ được một vài hôm bởi tấm áo của thần Mây khi tung ra rất dễ rách, thần Mây lại phải thu về vá lại cho lành. Thần Mưa cũng thế, nước dội xuống cũng không được lâu thì nước hết, thần mưa lại phải đi lấy nước. Và những đêm Hằng Nga và thần Núi tự tình vẫn nhiều hơn những đêm bị thần Mây và thần Mưa ngăn cách.
Thần Núi không biết Hằng Nga bị Ngọc Hoàng nhốt vào ngục nên cứ đứng đó chờ đợi không dám đi đâu. Không biết có phải đứng lâu mỏi chân hay không mà tâm tính thần Núi tự nhiên khác hẳn, hay giận dữ vô cớ, thỉnh thoảng lại lăn đá từ chỗ này sang chỗ khác ầm ầm. Một hôm thấy có hai người yêu nhau đi rừng về, họ gùi trên lưng hoa quả, củ từ và củi lửa. Họ đi bên nhau rất tình tứ, họ nói toàn chuyện tương lai tốt đẹp. Thần Núi bất ngờ nổi giận lăn đá về phía họ. Người con gái bị đá đè chết. Người con trai cứ ôm xác nàng mà khóc. Thần Núi nhìn cảnh tượng ấy và nghĩ đến chuyện của mình với Hằng Nga đột nhiên thần Núi thấy ân hận và nước mắt cứ thế chảy ra. Nước mắt thần Núi len qua khe đá chảy tràn trên đất thành dòng. Thần Núi cứ khóc, khóc mãi, nước mắt chảy ra thành khe, thành thác, thành suối và thành sông...
Già Kía đã kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện khác nữa, nhưng tôi nhớ nhất là câu chuyện này và lời nói sau đó của già: "Mỗi khi làm việc gì phải suy nghĩ cho kỹ, có ích mới nên làm, đừng tuỳ tiện như thần Núi để rồi sau đó ân hận!.."
Con suối nhỏ của tôi, nơi in dấu tuổi thơ tôi, hàng ngày người dân quê tôi vẫn ra suối kín nước về nấu ăn và tắm giặt. Với riêng tôi dòng suối còn mang trong mình dòng thác tình yêu, tình thương, cả sự đau khổ, cả sự hối hận của thần Núi hiến dâng cho đời.
Sống Trên Đá Sống Trên Đá - Nguyễn Bính