Chương 5 -
ôi bước ra ngoài, đi thẳng sang bên phía căn nhà cũ của mình, dừng lại ngay cổng tần ngần đứng nhìn vào bên trong. Căn nhà cũ thủa xưa đã bị dỡ bỏ thay vào đó là một ngôi nhà mới xây khang trang hơn, nằm quay ngang lại hướng căn nhà cũ của gia đình tôi thủa trước. Người chủ nhân mới của ngôi nhà này bước ra cửa nhìn thấy tôi liền đưa tay ngoắc vào:
- Vào đây các cháu.
Tôi quay lại, thấy chị Tư và cô em gái đứng ở sau lưng lúc nào không hay. Chị Tư lên tiếng:
- Cô khoẻ không cô?
- Cô khoẻ! Chị em mới ra hả?
- Vâng! Chị em cháu mới ra hôm qua.
Cả ba đứa chúng tôi theo cô vào nhà. Cô Y là bạn cũ của bố mẹ tôi làm việc ở phòng dược huyện. Cô vẫn vậy cũng không già đi bao nhiêu so với hồi đó, nước da cô đen giòn mái tóc đã lốm đốm bạc. Chồng cô hy sinh trong chiến trường miền Nam thời kháng chiến "chống Mỹ cứu nước", để lại cho cô hai đứa con trai và cô ở vậy nuôi con cho đến giờ. Cô vỗ vai tôi rồi nói:
- Mấy năm trước cô đi du lịch theo đoàn đến Huế, ở đó cô thấy một đứa con gái mặc áo dài giống cháu lắm, cô không dám hỏi thăm sợ lỡ không phải thì quê mặt. Nhưng về tới đây thì cô lại khẳng định là cháu.
- Cháu ở tuốt bên Nhật, có về thì cũng về Sài Gòn chứ lang thang ra Huế hồi nào đâu mà cô gặp. Người giống người cô ạ!
Cô vui vẻ cười mời chúng tôi vào uống nước. Cô kể cho tụi tôi nghe sau khi anh Ba cắt bán căn nhà cũ và mảnh đất này cho người khác. Anh tôi xây thêm một căn gần đấy để ở. Chủ mới về sống được chục năm lại muốn bán dọn đi nơi khác, cô thấy tiếc rẻ công lao mẹ tôi vun đắp cho khu đất này nên mua lại phần để ở, phần giữ làm kỷ niệm để mai ngày chúng tôi có về thì còn chỗ mà thăm viếng. Tôi xin phép cô đi xung quanh khu nhà thăm lại kỷ niệm xưa.Tôi vòng ra hiên bên trái đứng nhìn một hồi, xác định đâu là cái nền bếp cũ. Chỗ nọ là gốc cây xoài mà ông chủ cũ bảo nó thuộc giống muỗm tròn Yên Châu cho trái ngọt, thế nhưng thực ra nó chính là cây xoài mút quả nhỏ xíu, chín vàng rực nhưng toàn là hột ăn chua loét chua loè mà dân tôi gọi là quả "mắc coọc". Cách chừng vài mét phía bên tay phải chỗ gốc xoài là cây cam chính tay anh Ba xin giống về trồng, cây cam mới chỉ ra trái được vài mùa thì mẹ tôi gặp tai nạn mất, bây giờ không còn thấy bóng dáng nó đâu nữa. Bên cạnh cây cam là bụi hồng nhung đỏ thắm do tôi đi bẻ trộm về trồng. Loại hồng nhung này ở quê tôi quý hiếm nên họ không cho người khác giống, tôi phải canh me rình mò mãi mới chặt trộm được một cành mang về ươm trong vườn hoa nhà mình. Vườn nhà tôi trồng đủ loại hoa như hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa thược dược, hoa lay ơn, hoa huệ, hoa tóc tiên, hoa mười giờ, hoa violet và đặc biệt có cả hoa thượng đình hồng xin giống từ miền Nam mang ra. Thời đó quê tôi chưa biết trồng hoa để kinh doanh, chỉ trồng để thưởng thức cái đẹp và cho người khác khi gia đình họ có đám cưới đám hỏi, lễ tiệc...
Xung quanh đó là vai gốc cây Mơ, bên cạnh cổng Mẹ tôi trồng một hàng đào thẳng tắp. Mùa xuân sang hoa đào, hoa mơ, hoa cam, hoa xoài cộng thêm cả vườn hoa nhà tôi đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng vàng yếu ớt chưa xóa tan nổi làn sương mù bao phủ, trông nó mờ mờ ảo ảo chẳng khác gì cảnh thần tiên. Phía dưới nữa là vườn rau do chị Năm và tôi vun xới, chăm bón... Tôi và bà chị này cãi nhau như mổ bò, có bữa đánh nhau quần nát cả vườn rau, tối về bị mẹ tôi tẩn thêm cho một trận thừa sống thiếu chết vì hai con ranh can tội phá hoại. Bà khóc bù lu bù loa kêu réo bố tôi về mà dậy lũ quỷ sống của ông. Mỗi lần bà khóc như vậy là chị em tụi tôi sợ tái cả mặt, mỗi đứa lỉnh đi một góc len lén nhìn nhau.
Mẹ tôi sinh được bẩy người con, trên tôi có ba chị gái và một anh trai. Lúc các chị tôi thành thiếu nữ thì tôi vẫn còn là một con bé đen thùi vắt mũi chưa sạch. Chị Hai tôi đi học ở xa, chị Tư, chị Năm như hai bông hoa Ban nở giữa núi rừng Tây Bắc. Các anh trai xóm chiều tối nào cũng lảng vảng trước cổng nhà tôi để rủ rê hai chị gái của tôi đi chơi. Không dám gọi tên vì sợ mẹ tôi biết sẽ la mắng nên làm bộ huýt sáo hoặc giả giọng cóc nhái ếch ương kêu ộp oạp ngoài cổng. Tôi còn ngồi trong bếp bằm rau lợn, tôi biết thừa ra nên cau mặt bực bội, vì các chị mà trốn mẹ đi chơi thì mọi việc lại dồn hết sang cho tôi. Cứ mỗi lần nghe tiếng cóc nhái kêu ngoài cổng là tôi sịt chó ra đuổi, con chó cưng nhà tôi sủa lên là cả đàn sẽ sủa theo, và rồi chó từ đầu trên xóm dưới cũng đồng thanh sủa ầm ĩ làm náo loạn cả xóm. Các anh này không ưa ôi chút nào, bảo rằng tôi vừa xấu người lại vừa xấu nết. Mặc kệ, tôi chẳng quan tâm, mỗi lần đến nhà chơi là tôi lại đưa mắt lườm nguýt.
Cây đào ngay sân nhà có một cành chỉa vào bếp bị mẹ tôi bắt chặt khúc đó nên nó chìa ra một cái chạc. Cũng cái chạc này là nơi kết liễu bao đời nhà chó. Ở quê tôi, gia đình nào cũng nuôi chó để trông nhà và giết thịt. Nhà tôi nuôi cả bầy, tôi nhớ mãi một con chó lông trắng tuyền, mũi đỏ và cặp mắt huyền xinh đẹp, tôi đặt cho nó cái tên rất Tây đó là Benla. Nó là con chó cái nhỏ nhắn dễ thương khôn ngoan nhất trong bầy. Tôi đã phải hy sinh chuỗi vòng cườm nhựa mầu đỏ, cùng cái chuông nhỏ xíu đeo vào cổ cho nó. Tôi đi đâu nó cũng lẽo đẽo đi theo, những ngày đi học cũng vậy, Sáng nào cũng phải la hét mãi nó mới chịu quay trở về nhà. Thế mà lúc nó được hơn sáu tháng tuổi, anh Ba tôi đành lòng mang nó ra giết thịt. Tôi còn nhớ buổi chiều hôm đó đi học về, con Benla bị trói gô treo ngược lên cái chạc đào trước sân nhà, mõm nó còn bị cột mấy vòng dây lạt. Nhìn thấy tôi nó rên lên ư ử, quẫy cái đuôi với cặp mắt ướt nhẹp như van xin tôi cứu mạng. Tôi liền quẳng cặp sách, vớ ngay thanh củi lăm le đòi đập kẻ nào dám động vào con Benla yêu quí của tôi. Nhưng cho dù tôi có dữ dằn hung tợn đến đâu thì con Benla cũng bị mang ra chọc tiết. Tôi đã khóc òa lên rồi bỏ sang nhà bạn ở mấy ngày không chịu về nhà, mẹ tôi phải đi tìm năn nỉ mãi tôi mới chịu về. Nhưng tôi giận anh Ba đến cả năm trời không thèm nói chuyện.
Cắt ngang khu vườn trước cửa là một con suối cạn, mùa đông khô queo nhưng mùa mưa thì có một dòng suối nước trong vắt chảy qua đấy. Những ngày ấy tôi thích lắm vì không phải đi gánh nước xa nhà. Nhưng khi trời mưa lớn, nước ở trên núi đổ về ào ào, con suối trở nên hung dữ muốn cuốn phăng đi mọi thứ, không lội qua được. Lúc ấy tụi tôi phải đi nhờ qua nhà ông cụ Thành ra xí nghiệp thương nghiệp, đi ngang một khu nhà trẻ, mấy phòng làm việc và hội trường lớn rồi mới ra cổng đến đường quốc lộ 6. Nhưng hai ông bà này dở nắng dở mưa, thích thì cho đi nhờ không thích thì rào tịt lại. Gặp lúc như vậy tụi tôi phải đi đường vòng qua ngả sau Huyện Công An ra ngoài bãi chiếu phim. Ngả này thì tôi không thích mấy vì có nhiều đàn chó dữ làm tôi sợ chết khiếp. Con đường mòn nhỏ phải đi ngang qua một cái phòng nhốt tội phạm tạm thời. Thỉnh thoảng đi xem phim qua tụi tôi vẫn nghe tiếng đấm đá huỳnh huỵch ở trong phòng, tiếng thở hổn hển, tiếng kêu rên nho nhỏ phát ra, Chắc là lúc đến giờ công an tra tấn phạm nhân.
Tôi vòng sang phía hông phải căn nhà, xác định chỗ cái chuồng lợn lúc trước. Bên cạnh chuồng lợn là cái nhà cầu do bố tôi dựng lên mà lũ con chúng tôi cứ gọi đó là cái "bẫy hổ của anh Bẩy". Góc cuối vườn kia có cây ổi cho quả thơm lừng. Vườn sau nhà, mẹ tôi trồng mấy cây đu đủ, mấy cây mơ và cả hai cây chanh thấp tè cho trái trĩu cành. Bên dưới, mẹ tôi bắt trồng xen kẽ khoai lang để lấy rau nuôi lợn. Ngay cạnh chuồng lợn, bên kia vườn nhà ông cụ Thành là cây đào Mèo quả to như nắm tay, có một cành chìa sang mái chuồng lợn nhà tôi. Đến mùa quả chín, tụi tôi hay leo lên nóc chuồng hái trộm mang về nhà ăn. Ông cụ biết được giận lắm mắng vốn mẹ tôi hoài. Mẹ tôi cấm tiệt không cho ăn trộm nhưng tụi tôi rình mò hễ không có ai canh chừng là lại leo lên hái trộm. Ông cụ nói mãi không được tức quá đem chặt ngay cái cành chỉa sang phía nhà tôi. Ông cụ đã mất cách đây vài năm, bà cụ vẫn còn sống nhưng đã nằm liệt một chỗ. Cụ bà dễ đã gần trăm tuổi, tôi có ghé vô thăm nhưng cụ bà chẳng còn nhận ra tôi là ai. Tôi còn nhớ lúc tôi học ở trường cấp hai, cụ bà bị bệnh tưởng đi trước, người nhà đã đóng cho cụ bà cái quan tài. Thế nhưng cụ bà qua khỏi và sống đến ngày nay. Cái quan tài chưa dùng tới mang để tạm bên hiên nhà, mỗi lần tôi đi học ngang qua nhìn thấy là muốn rợn tóc gáy vì sợ.
Đối diện khu vườn phía sau là nhà của chú Giáo Bơ. Ông này làm nghề thợ may và nổi tiếng có máu dê xồm. Các cháu gái của vợ chồng ông mang từ quê lên nuôi trong nhà đều bị ông xơi tái mà không đứa nào dám hé miệng nói nửa lời. Các bà các cô đến may đồ đều bị ông xàm sỡ. Ông này thuộc diện "trẻ không tha, già không thương". Hồi đấy, tôi cũng bị ông dụ một lần, đang nhổ cỏ ở vườn sau thì ông lên tiếng gọi: "Hân ơi! Sang đây chú nhờ một tí." Tưởng có chuyện gì quan trọng, tôi chạy vòng sang cổng trước nhà ông. Ông nhờ tôi làm mẫu để ông đo đạc may chiếc quần tây cho ai đó, tay ông cầm thước dây đo chiều dài cái quần rồi vòng qua bụng, đến phần đo mông, ông đưa tay bóp mạnh một cái làm tôi điên tiết vớ cái thước may bằng gỗ lát, dầy cộp để trên bàn phạng cho ông một cái đau điếng, cho chừa cái tật xàm sỡ không đúng đối tượng. Chiều hôm ấy mẹ đi làm về tôi đem chuyện ra mách với mẹ. Mẹ liền kéo tôi qua nhà ông chửi cho một trận, mẹ tôi hăm dọa ông: "Mày mà còn động tới con gái bà thì bà cho mày đi tù rục xương". Từ đó trở đi ông mắc cỡ không dám bén mảng sang nhà tôi chơi nữa.
Tôi quay qua hỏi cô Y:
- Cô ơi! Ông Giáo còn ở chỗ cũ không?
- Khu đó ông bán lâu rồi cháu à. Ừ, mà thằng Nam mới chết rồi đấy, mấy đứa có nghe không?
- Thằng Nam chết rồi hả cô? Sao nó chết vậy?
- Thì nó ghiền rồi vướng bệnh sida! Thằng đẹp trai thế mà chết uổng thật!
Nam là con trai đầu của chú Giáo, cô chú sinh được ba đứa con, hai trai một gái nhưng thằng út đã chết từ lúc mới được mấy tháng tuổi. Khi tôi tốt nghiệp cấp ba thằng Nam đang còn nhỏ xíu, chỉ học lớp hai hay lớp ba gì đó. Hồi còn nhỏ nó vốn khôi ngô tuấn tú, sau này lớn lên tôi nghe đồn nó đẹp trai còn hơn cả tài tử xi nê nhưng chưa một lần thấy mặt. Nhìn qua căn nhà cũ của Nam, tôi thấy lòng mình chùng xuống. Ngày còn nhỏ tụi nó vẫn thường quấn quýt bên tôi chơi trò trẻ con. Vào năm 1985, sở văn hóa tỉnh Sơn La mới có được hai bộ đầu máy ti vi chiếu Video. Họ mang đi chiếu khắp các huyện trong tỉnh mỗi đợt chiếu cả tháng trời. Đến tận ngày ấy người dân huyện tôi mới được biết đến phim ảnh của Mỹ, Anh, Pháp, Ý... mới biết chuyện tình chàng Romeo và nàng Ruliet. Tôi mê tít phim này nên ngày nào cũng mò đi xem, kéo theo cả tụi thằng Nam và đàn con nít xóm mình, xin mấy anh soát vé cho vào coi chùa vì thời điểm đó có tiền đâu mà mua vé. Chẳng là trong đoàn chiếu phim này có một anh để ý đến tôi, tôi lợi dụng xin cho bọn trẻ con xóm tôi được đi xem miễn phí. Anh ta hẹn hò rủ dê tôi đi chơi nhưng hễ phim chiếu gần đoạn chót là tôi lỉnh ra ngoài về trước cho anh ta leo cây dài dài... bị gạt nhiều lần, anh ta ghét tôi không cho tụi tôi vào coi chùa nữa. Mới hôm nào đó mà nay gần hai mươi năm rồi. Giờ đây Nam đã nằm yên dưới lòng đất lạnh, cho dù em tôi có đáng trách hay đáng thương thì tôi cũng cầu xin cho linh hồn Nam được ngậm cười nơi chín suối. Cũng tại chú Giáo, tại xã hội rối loạn đã đẩy Nam vào con đường nghiện hút để rồi phải chết thảm khi tuổi đời còn quá trẻ.
Tôi quay qua hỏi cô Y:
- Thế chú Giáo bây giờ ra sao hả cô?
- Ông nghiện nặng lắm, nghiện nên mới phải bán nhà bán cửa dọn đi chỗ khác đấy!
- Tội vợ chú nhỉ? Cô ấy hiền khô.
Chị Tư chêm vào:
- Hồi nãy chị gặp cô ngoài chợ. Mặt cô cứ tỉnh bơ, không hề nói gì đến thằng Nam.
Tôi im lặng thở dài...
- Anh gì con của cô nay làm nghề gì hả cô?
- Anh Tuấn, cả tên anh mà mày cũng quên nữa. Thì anh đang chạy xe ôm.
- Sao lại chạy xe ôm?
- Không chạy xe ôm lấy gì sống hả cháu? Chúng nó thất nghiệp cả lũ! Cô thì cứ phải quanh quẩn trong nhà không dám đi đâu cả.
- Sao vậy cô?
- Đi vắng để cho tụi nghiện nó vào nó bê hết đồ hả. Cả xóm này nghiện hút gần hết, khổ lắm cháu ơi, hở ra nó chôm, hở ra nó chộp...
Tôi lắc đầu ngán ngẩm. Ở Sài Gòn cũng vậy, nghiện hút đầy đường, khu phố nào mà không có bọn nghiện. Nhưng cũng còn đỡ hơn ở đây nhiều.
Chị em tôi xin phép cô qua nhà thăm bác Lâm bố của Cương. Tụi tôi đi ra cổng, theo con đường lộ nhỏ băng ngang qua nhà anh chị hàng xóm cũ, tôi lại cất tiếng hỏi bâng quơ:
- Anh Bì còn sống ở đây không hén?
- Dọn đi lâu rồi, khu này bán lại cho anh Thùy đấy.
Anh Thùy là con trai lớn của bác Lâm, làm ở viện kiểm sát Huyện. Khu đất này trước của gia đình anh chị Hòa Bì, rất rộng lớn. Thời tôi còn ở đó anh chị cắt một khúc phía sau bán cho bố con một ông già ở quê lên, ông già cao lêu khêu tụi tôi đặt tên ông là "Đông ki sốt", ông chỉ có một đứa con gái duy nhất. Ông mất đã lâu còn cô con gái thì tôi không nghe tin tức nữa. Phần còn lại anh chị bán cho anh Thùy. Tụi tôi định ghé vào chơi nhưng nhà vắng ngoe không có người nên cả mấy chị em đi thẳng qua nhà bố anh gần ngay đấy.
Căn nhà của bác Lâm đã được xây lại trên nền đất cũ. Ngày xưa mỗi lần mẹ tôi sai qua nhà bác có công chuyện là tôi thót tim lại sợ vì nhà bác có nuôi một đàn chó dữ dằn hung tợn. Bác Lâm lúc trước làm Giám Đốc Công Ty Cấp 2 trực thuộc Ty Thương Nghiệp Tỉnh, oai lắm! Vợ bác thì làm Cửa Hàng Trưởng Cửa Hàng Lương Thực huyện nhà. Gia đình bác cũng thuộc diện tai to mặt lớn ở thị trấn tôi. Hồi còn học phổ thông, chị Tư tôi yêu anh con trai thứ của bác, anh này học cùng một lớp với anh Ba tôi có tên Mân. Gia đình bác không đồng ý cho chị Tư yêu anh con trai của họ nên sau khi học song cấp ba, chị Tư được bác Lâm đưa lên làm công nhân trong công ty của mình trên thị xã nhằm chia duyên rẽ thúy hai người. Hai bác chê gia đình nhà tôi không môn đăng hộ đối, mẹ tôi chỉ là con mụ bán phở ở cửa hàng ăn uống. Chị Tư lúc đầu phải đi giã giấy làm nón cối dỏm, sau được chuyển ra bán hàng ở cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp Bố Ẩn và rồi được gởi đi học lớp Trung Cấp Kế Hoạch. Sau khi học ra trường, chị tôi bị đì vào làm việc ở huyện Sông Mã, một huyện hẻo lánh vùng xa nên chị tôi chán nản bỏ về nhà làm thợ may. Chị Tư bị đì vì một câu chuyện khá nực cười, số là chị được công ty cho đi học cảm tình Đảng 10 ngày, trong một lần nói chuyện phiếm với bạn, chị đã phát ngôn bừa bãi nói xấu Đảng rằng thì chị dí L.. vào đảng, chẳng qua đi học được nghỉ 10 ngày khỏi phải làm việc, vô tình lọt vào tai ông trưởng phòng tổ chức, ông xạc cho chị một trận bắt làm bản kiểm điểm và cuộc họp nào chị cũng bị nêu tên. Ông này một lần vào Sài Gòn đi họp cùng với một ông bạn khác ra ngoài bến Bạch Đằng hóng gió, nhìn bức tượng Trần Hưng Đạo ngay trung tâm bùng binh bến Bạch Đằng, ông thắc mắc không biết vị này là ai (?) Ông bạn chơi xỏ nói rằng đó là tượng ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Chẳng biết gì cũng gật đầu đồng tình: "hèn gì nhìn giống giống!". Chuyện được đồn đãi lan về tận công ty, nhân viên của ông xì xào sau lưng ông mãi. Có anh còn làm bài vè ghẹo ông:
"Một đời làm cách mạng.
Đi lang thang trong rừng.
Tổ chức thì không biết.
Mà đòi làm trưởng phòng".
Sau vài năm làm nghề thợ may chị chuyển vào Sài Gòn sống với tụi tôi cho đến bây giờ. Anh Mân đã cưới vợ sau khi chị Tư đi làm công nhân được vài tháng, cô vợ lớn hơn anh vài tuổi mà hồi đó tôi có đi dự đám cưới. Nghe nói anh chị sống không hạnh phúc, cô vợ đi ngoại tình như cơm bữa. Tôi nghĩ thầm trong bụng, không khéo có ngày vướng sida chết cả lũ...
Bước vào cái sân được tráng xi măng láng cóng, tôi thấy bác Lâm đang chống gậy đi lại phía tụi tôi, bác trông già đi nhiều người nhỏ bé yếu ớt. Chị Tư lên tiếng hỏi:
- Bác ơi! Bác còn nhớ cháu không?
Bác hấp háy cặp mắt nhìn một hồi rồi chậm rãi trả lời:
- Bác chả nhớ đứa nào cả, bác lẫn rồi các cháu ơi!
Cương lúc này đã đi làm về liền chạy ra đỡ lời bác:
- Bố em không nhớ gì đâu. Cụ lẩn thẩn rồi! Mời các chị vào nhà uống nước.
Ngồi nói chuyện một hồi rồi tụi tôi lại xin phép đi nơi khác. Chẳng có gì lưu luyến ở căn nhà này mà vốn trước kia tôi đã không ưa mấy vì cung cách coi thường người khác. Tôi nghĩ đến câu: "quả báo nhãn tiền" không biết có linh nghiệm vào gia đình nhà này chăng? Đầu tiên là cô con gái duy nhất tên Xuân chết khi chưa kịp nhận mảnh bằng tốt nghiệp cấp ba, chị mắc căn bệnh ung thư vú. Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 10, chị Xuân học lớp 12 cùng khối với chị Năm tôi. Trong một lần trường tổ chức văn nghệ, tôi hát đơn ca bản "Dáng Đứng bến Tre" phải cần có quần xa tanh và áo bà ba. Thời đó quần xa tanh là một mặt hàng xa xỉ, vì không có nên chị Năm qua mượn chị Xuân. Trong phòng của cô giáo dậy thể dục có cái bàn ủi do Liên Xô sản xuất nhưng đã bị hư mất nút tự động, tôi cắm bàn ủi để ủi quần cho khỏi nhăn, vì không biết nên vừa đặt bàn ủi xuống, cháy dính nguyên một mảng hình bàn ủi trên quần, tôi sợ tái mặt. Nhân lúc đó không có ai ở trong phòng, tôi xếp lại để trên giường và lẩn trốn. Sau khi phát hiện quần bị cháy một mảng, chị Năm hét toáng lên điều tra ai là thủ phạm. Tôi sợ chết khiếp không dám nhận tội vì nhận thì lấy gì mà đền. Cuối cùng cả lớp chị Năm mỗi người hùn lại một ít mua quần khác đền cho chủ nhân, tôi thoát tội. Đến lúc chị Xuân chết tôi vẫn không dám khai nhận và dấu tiệt cho đến tận ngày hôm nay mới dám khai ra.
Anh con trai đầu của bác vướng vào tội bắn chết người và vụ án này xử thiên vị cho anh, nên dẫn đến thảm họa làm thằng em vợ người bị chết nổi điên sáng mồng một Tết vác lựu đạn đến nhà bác cho nổ tung trả thù. Và người hứng tội lại là anh rể chồng chị Năm tôi sang can ngăn chết vì trúng lựu đạn. Ngoài anh Mân còn một người em trai nữa đang nghiền ma túy nặng. Gia đình này đang vào thời mạt vận...
Chị em tôi quay ngược trở lại nhà cô Mai đón thằng nhỏ đang nằm ngủ nhờ ở đó. Thằng nhỏ đang ngủ say bị đánh thức dậy nổi quạu khóc um xùm. Tôi nắm tay cô Mai nói nho nhỏ cô cố gắng nhắn cái Thùy về gặp tôi vì tôi chỉ ở đây hết tuần này là phải đi. Lần này thôi biết đến bao giờ mới có dịp trở lại thăm quê nữa.
Tụi tôi chia tay cô chú và dự định sang thăm nhà bác sui bên kia con suối. Lối mòn nhỏ dẫn ra suối nay cũng được tráng xi măng láng o, cũng lối này ngày xưa đã in lằn bao dấu chân tôi mỗi chiều gánh nước qua đây. Tôi tần ngần đứng lặng nhìn dòng suối trong vắt ngày nào, cái cầu gỗ bắc ngang con suối đã được thay thế bằng cây cầu xi măng vững chắc. Nhớ hồi xưa mỗi lần lũ lụt đổ về, dòng suối hung dữ cuốn phăng luôn cả cây cầu gỗ duy nhất, nước đỏ ngầu cuồn cuộn trông khiếp sợ. Con suối này vốn to lớn, nước trong vắt, có thể thấy từng đàn cá diếc, cá trắng, cá đòng đong bơi lội tung tăng mà sao bây giờ nước cạn queo. Cái mỏm đá vắt vẻo cheo leo ngày trước tôi cứ phải khốn đốn bấm chặt đầu ngón chân vào đó để gánh đôi thùng nước từ dưới lên, nay sao trông bé tí tẹo. Người dân đổ bê tông làm bờ kè đã lấn chiếm gần hết cả lòng suối rồi... Nhớ lại thời trẻ thơ, cứ mỗi khi hè về, lũ trẻ con xóm tôi rủ nhau í ới đi tắm truồng, đứng trên cành đa cụt ngọn nhẩy ùm ùm xuống la hét, bơi lội thỏa thích. Cây đa đó đến mùa ra búp là tụi tôi xúm nhau bẻ xuống chấm muối ớt ăn, búp đa có vị chua và chát lè nhưng sao lại thấy ngon như cao lương mỹ vị.
Qua cầu một khúc, em tôi đang đứng chờ tôi đi tới, nó chở tôi chạy thẳng vào nhà bác sui. Bác sui trai đang lúi húi làm cỏ ngoài vườn. Nghe tiếng xe chạy vào sân bác ngẩng đầu lên ngó khách, nhận ra chúng tôi bác mừng rỡ reo lên:
- Ai như chị em cái Hân hả? Các cháu ra hồi nào?
- Tụi cháu mới ra hôm qua thôi. Hôm nay đến thăm hai bác.
Bác bỏ dở vườn rau theo chúng tôi vào nhà gọi vợ ầm ĩ. Bác sui gái từ trong phòng chạy ra thấy tụi tôi thì nước mắt lưng tròng, hỏi dồn dập:
- Cháu gái nội bà đâu? Có cho nó ra theo các cháu không?
Tôi nhìn bác ngại ngùng trả lời:
- Con bé không ra theo tụi cháu, tháng sau nó sẽ đi cùng với bố cháu ra thăm mẹ nó luôn.
Mặt bác sui gái xìu xuống thất vọng, đưa tay mời tụi tôi ngồi uống nước. Tôi nhìn lên trên bàn thờ, hình anh rể tôi còn nằm trên đó, bên cạnh là đứa em trai của anh. Tôi thấy hối hận khi không cho con gái anh về cùng đợt này thăm ông bà nội. Bác gái nay đã thành một bà già, đầu bạc trắng. Bác trai người ốm nhom, lưng còng xuống trông thấy tội làm sao. Hai vợ chồng bác sinh được sáu người con, năm trai, một gái. Hai anh con trai đầu mất khi vừa tới tuổi trưởng thành. Đứa con gái duy nhất cũng là bạn học thân thiết của tôi đang bị tù đầy. Thằng con trai thứ tư bị công an bắt nhốt vì ngồi chầu rìa đám đánh bạc cho vay lấy lãi, chưa được thả. Đứa con trai thứ năm thì được gửi đi cai nghiện. Chỉ còn một thằng con út duy nhất và hai đứa con dâu cùng lũ cháu nội ở với ông bà. Bằng này tuổi đầu vẫn cứ phải còng lưng làm lụng vất vả nuôi con cháu. Tôi thấy thương hai bác vô cùng. Bác gái nhìn tôi buồn bã nói:
- Cái Hiền...
Vừa nhắc đến tên Hiền là bác òa lên khóc nức nở:
- Hai đứa mày chơi thân với nhau, lại cùng một tuổi với nhau mà... Cái Hiền nhà bác khổ quá! bây giờ lãnh cái án tù 15 năm... Biết có còn sống đến ngày ra không cháu?
Tôi nhìn bác mà không biết phải trả lời làm sao. Mỗi người mỗi hoàn cảnh không ai giống ai cả. Những lúc Hiền được sống trong vòng tay thương yêu của bố mẹ, của gia đình, thì là lúc tôi phải bươn chải một mình kiếm sống, cô đơn lạc lõng giữa nơi đất khách quê người. Cũng có sung sướng gì đâu!
Hiền và tôi học chung với nhau từ hồi cấp một, cùng một xóm nên thân thiết với nhau như ruột thịt. Hiền cũng là một trong số hoa khôi của trường, xinh đẹp, giỏi giang. Trong khi tôi đang còn là một đứa con nít ranh, thích đánh chuyền, nhẩy dây, chơi trò ô ăn quan... thì Hiền đã biết yêu và người yêu đầu đời của nó chính là anh Ba tôi. Ngày đó nó cứ kiếm cớ sang nhà tôi học nhóm rồi nhờ anh Ba tôi đưa về dùm, tôi chẳng biết gì cả cho đến một ngày chuyện bùng nổ khi mà chị Năm của tôi cùng lúc lại yêu anh Hai nó. Thật là trớ trêu, một trong hai cặp bắt buộc phải rã đám. Rốt cuộc Hiền và anh Ba tôi chia tay nhau nhường cho cặp kia làm đám cưới.
Vợ chồng chị Năm tôi sống với nhau được vài tháng thì anh gặp tai nạn bất ngờ mất mạng oan uổng chỉ sau tang mẹ tôi có đúng mười lăm ngày. Một lúc mất hai người thân chị Năm tôi như trở thành điên loạn đòi tự vận năm lần bẩy lượt, nhưng lần nào cũng có người phát giác cứu cấp kịp thời. Hiền lấy chồng sau ngày tôi đi vào Nam, chồng nó là thầy giáo trẻ dạy toán ở trường cấp ba nơi tụi tôi học. Sau khi sanh được một đứa con trai, hai vợ chồng sống không hạp nên mang nhau ra tòa ly dị. Hiền đem con trở về nhà cha mẹ ruột. Vài năm sau đi bước nữa lấy một anh chồng cùng xóm và anh này chính là nguyên nhân dẫn Hiền đến con đường phạm tội buôn bán ma túy. Tôi không bênh vực cho Hiền cũng không bênh vực kẻ nào hám tiền đánh mất lương tâm reo rắc những cái chết thương tâm cho lớp trẻ ở quê hương tôi.
Tôi theo bác gái ra sau nhà thăm mộ hai anh. Bác gái không cho tụi tôi thắp hương vì bác bảo chiều tối thắp hương các oan hồn ưa về phá phách. Nhìn hai nấm mộ tôi thấy lòng mình chùng xuống, nước mắt bỗng trào ra mặn chát trên môi. Trước mắt tôi, hình ảnh cũ lại hiện về... Vào buổi sáng mồng một Tết định mệnh ấy, nghe tiếng lựu đạn nổ và tiếp theo là tiếng la hét ồn ào náo loạn, chị Năm mặc cái áo thung cổ cao màu xanh nhạt đang rửa chén ngoài trạn nước, vứt bỏ đó chạy vội ra hướng nhà bác Lâm. Anh rể người đẫm máu được mọi người khênh ra ngoài lộ. Chị Năm lao đến gào thét kêu cứu chồng mình, tôi lẽo đẽo chạy theo sau mặt xám ngoét, cởi phăng tấm khăn tang trắng đang quấn trên đầu để băng vết thương cho anh rể mình. Lập tức anh được mọi người chở thẳng xuống bệnh viện Nông Trường, tụi tôi một đám lẽo đẽo đạp xe tốc hành theo sau. Xuống đến nơi đã nghe tin anh chết, anh tắt thở sau khi mang xuống bệnh viện được ít phút. Tôi nhìn chị Năm gào thét điên loạn bên xác chồng. Trời hôm ấy bỗng dưng đổ mưa như trút nước, bầu trời xám xịt, sấm chớp nổi đùng đùng. Cảnh tang tóc nặng nề bao trùm lên gia đình trong ngày tết. Cũng ngay trong chiều hôm đó, anh rể được mang an táng. Mọi người khóc tức tưởi, còn riêng tôi cứ đứng chết lặng nhìn từng xẻng đất lấp xuống nấm mộ của anh.
Song song bên cạnh là nấm mộ người em trai nhỏ hơn anh một tuổi. Anh này là bạn cùng lớp với anh Ba tôi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh xuống Hà Nội học lớp trung cấp về cơ điện. Thế nhưng không hiểu sao sau một lần về nghỉ hè, trông anh đờ đẫn rồi lên cơn nói lảm nhảm. Gia đình có đưa anh đi chữa bệnh nhưng không thuyên giảm. Nghe nói, trong một lần sắp hàng mua vé xe, anh gây lộn với nhân viên bán vé rồi bị công an bắt nhốt, đánh đập tra tấn vào đầu nên khi trở về nhà phát điên. Vài tháng sau trong một đêm tối anh treo cổ tự tử ngay trước hiên nhà. Tôi còn nhớ rõ buổi sáng mùa đông năm ấy, tiếng cái Hiền khóc lóc như mèo kêu đến đập cửa rầm rầm gọi anh Hai nó đang ngủ ở nhà tôi báo tin. Cả nhà tôi bật dậy ngỡ ngàng. Trời còn tối mờ, anh Hai cái Hiền, anh Ba, chị Năm, tôi và cả cái Hiền lao chạy ngược về nhà nó. Xác anh được mấy người hàng xóm hạ xuống từ nãy, thân thể đã lạnh cóng, mặt anh sưng vù tụ máu tím bầm, mắt trợn ngược, lưỡi lè ra. Tôi nhìn chết khiếp! Mẹ của Hiền khóc ngất lên ngất xuống. Tôi cũng không ngờ chỉ hai năm sau chính anh rể tôi cũng chết thảm như vậy. Bao nhiêu năm qua rồi nhưng cảnh hãi hùng đó vẫn còn mãi ám ảnh tôi đến tận ngày hôm nay.
Chị em tôi chào từ giã hai bác và các em để ra về, nhưng cả hai bác đều giữ lại ăn cơm. Bác trai bắt con gà làm thịt từ khi nào tôi không biết, bác bảo các em đang làm cơm rồi đừng làm bác buồn. Chị em tôi nhìn nhau không đành lòng từ chối. Trong lúc chờ cơm chín, tôi xin phép chạy ra ngoài đầu xóm thăm đứa bạn cùng lớp trước kia và cũng là bạn thân của Hiền, rồi sẽ trở lại ăn cơm sau.
Cô em gái chở tôi chạy ngược ra phía đầu cổng quẹo tay mặt một khúc ngắn. Tôi xác định coi căn nhà cũ của nó nằm ở đâu, lâu ngày rồi tôi chỉ nhớ mài mại. Em gái tôi thì có vẻ rành hơn tôi nhiều, nó dừng xe lại ngay cổng, chỉ tôi đi bộ vào.
Căn nhà nhỏ xíu nằm trên miếng đất trước kia là con suối cạn, nền nhà đắp cao cỡ một mét, cửa mở toang hoác nhưng không thấy bóng người. Tôi đứng lớ xớ trước cửa nhà chưa biết tính sao thì bạn tôi xuất hiện. Nó nhìn tôi ngỡ ngàng rồi la lên:
- Hân! Trời ơi con quỷ! Mày ra khi nào đấy?
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong giây lát. Hồng kéo tôi lên nhà, ấn tôi ngồi xuống ghế, hỏi dồn dập:
- Mày ở đây lâu không? Chồng con ra sao? Ở bên Nhật có sướng không? Đi đâu là đi mất biệt chẳng thư từ cho bạn bè gì cả.
Tôi không trả lời những câu hỏi của nó mà đưa mắt nhìn căn nhà, căn nhà nhỏ bé được chia làm hai phòng, phòng ngoài dùng làm nơi tiếp khách có đặt bộ bàn ghế sa lông, đối diện là cái tủ ti vi có đầu máy và cả dàn karaoke. Phòng bên trong dùng làm chỗ ngủ, kê hai cái giường đối diện nhau, một cái lớn cho hai vợ chồng, một cái nhỏ hơn cho thằng con trai đang học lớp chín. Vòng ra ngoài cửa chính, bên cạnh phòng ngủ là nhà bếp và phòng vệ sinh, khá rộng rãi. Tôi thắc mắc với bạn sao không xây nhà cho lớn thêm một chút để có thể làm riêng cho thằng con trai một phòng ngủ biệt lập, lại để nó ngủ chung với bố mẹ thật bất tiện. Bạn tôi thở dài... hồi đó đâu có nghĩ ra, đang đợi xây nhà mới. Hồng có mua được miếng đất ngoài mặt lộ rồi chờ đường xá xong xuôi sẽ tính tới.
Ngồi nói chuyện với nó một hồi, tôi phải quay trở lại nhà bác sui trai ăn cơm tối không sợ bác chờ. Hồng mời tôi trưa ngày mai xuống ăn cơm với nó để bạn bè có dịp tâm sự. Tôi đồng ý liền vì dù nó không mời thì ngày mai tôi cũng mò xuống nhà nó chơi cả buổi.
Chị em tôi trở lại nhà bác sui cũng vừa kịp lúc cơm chín. Bác hối mấy đứa nhỏ dọn cơm lên để cả nhà cùng ăn. Bữa cơm khá thịnh soạn có gà luộc, có chả giò chiên, có sườn heo kho mặn, rau bí xào tỏi và thêm nước luộc gà làm canh. Thằng nhóc cháu ăn gần hết dĩa chả giò, mồm khen ngon rối rít. Lâu lắm tôi mới được ăn một bữa cơm gia đình thân thiết như thế này. Chỉ tiếc là vắng mặt nhiều người quá.
Trời đã chập choạng tối tôi nhìn ra ngoài trước cửa, cái ao nuôi cá vẫn còn đấy, cây đào thủa trước đứng lù lù ở chỗ cũ không thay đổi. Tôi nhớ lại thời tôi với cái Hiền hay leo lên ngồi vắt vẻo trên cây hái đào gọt ăn, có một lần tôi rờ phải con sâu to đùng nhão nhẹt, sợ quá hét toáng lên rồi buông mình rơi tòm xuống ao ướt như chuột lột, tôi phải vào mượn đỡ quần áo của Hiền mặc về. May mà bên dưới là ao cá không thôi tôi có thể bị gãy tay chật chân. Giờ đây tụi tôi mỗi đứa một ngả, kẻ kẹt ở trong tù còn người lang bạt qua tận Nhật. Biết có còn được gặp nhau chăng...?
Trời đã tối, cả thị trấn chìm trong màn đêm, chỉ leo lét ánh sáng từ các căn nhà tỏa ra mờ mờ. Thấy đã khuya, chị em tôi xin phép hai bác về vì sợ trễ.
*
Càng về khuya, thời tiết Mộc Châu càng trở nên lạnh buốt, nhà không có máy sưởi nên tụi tôi đành lên giường kéo mền đắp cho ấm rồi nằm nói chuyện qua lại. Tôi hỏi chị về những người quen thân xưa nay xem ai còn ai mất. Chợt nhớ tới mấy người đẹp xứ Mộc tôi lên tiếng:
- Chị ơi! Vân Như dạo này sao rồi chị?
- Vân nó buôn heroin bị bắt dưới Thanh Hóa rồi em ơi! Còn bị nhiễm Sida nữa! Chẳng biết sống hay chết?
Nghe xong tôi hoảng hốt kêu lên:
- Trời ơi! Cái gì mà nghe ghê vậy! Thật là uổng phí cuộc đời của môt người con gái đẹp như chị.
Chị Vân là con bác Như bán quán nước ngoài bến xe khách của huyện vốn nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng. Chị trước kia đi học trường nhạc nhưng không hiểu sao lại bỏ giữa chừng về bán quán nước cho mẹ, rồi bây giờ thì ra nông nỗi này... Nhắc đến chị Vân Như thì không thể quên được chị Vân "hàng ăn", chị này ngày trước làm y tá ở cửa hàng ăn uống chung một chỗ với mẹ tôi. Chị đẹp lắm, từ đó tới giờ tôi chưa thấy một người con gái Việt Nam nào đẹp như chị, kể cả mấy cô hoa hậu thời này cũng không thể sánh với chị được. Tôi vốn khắt khe trong nhận xét về cái đẹp, ít khi nào khen ai ra mặt, nhưng với chị Vân thì tôi phải công nhận chị thật tuyệt vời. Chị có một thân hình cân đối đều đặn, eo thon nhỏ, nước da trắng hồng, tóc đen óng mượt, chị thường bới cao để lộ cái cổ trắng ngần, miệng cười tươi như hoa điểm thêm chiếc răng khểnh duyên dáng. Mẹ tôi vẫn ví chị như nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du và thường bảo: "Cô Vân đít lương thực, ngực hàng ăn" để ám chỉ cái đường cong của cơ thể chị, chẳng vì cửa hàng lương thực đối diện với cửa hàng ăn uống nơi mẹ tôi làm việc chỉ cách nhau một con lộ. Chị đẹp lắm nên có nhiều anh đeo đuổi. Tôi không hiểu sao chị lại lấy chồng làm tài xế cho ông bác họ Phó Giám Đốc của nhà tôi, chắc chị muốn chuyển về Hà Nội theo chồng vì anh này dân Hà Nội.
- Thế còn chị Vân Hàng Ăn thì sao? Chị có tin tức gì của chị Vân không?
- Chị ấy về Hà Nội lâu rồi! Chị Vân còn trẻ và đẹp lắm nhưng không có con nên bên chồng không ưa, cũng khổ lắm!
- Thật đúng là hồng nhan thì bạc phận!
Tôi không biết có phải là vì khí hậu, phong thủy... gì gì đó mà mảnh đất nghèo nàn quê tôi lại sản sinh ra không những rất nhiều cô gái xinh đẹp nõn nà, mà đồng thời còn có quá nhiều người học dốt. Trong lớp học của tôi dốt chiếm đến 60% điển hình nhất là hai nàng, hai nàng này tuổi ngang với chị Hai, cũng đi học từ thời đó nhưng vì dốt quá nên rớt từ từ xuống học chung với lớp đàn em tụi tôi. Một chị tên Liên còn một chị tên Huệ.
Chị Huệ này nhà ở gần khu rừng ma nơi ngày xưa tôi cất tiếng chào đời ở đó. Chị học dốt tới mức không đánh vần nổi hết một bài học. Tôi còn nhớ rõ buổi học giảng văn từ hồi cấp hai, cô giáo gọi chị đọc bài thơ:
"Phước Ơi!.
Thế là hết chiều ni em đi mãi.
Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi!.
Quên làm sao những lúc chia phôi.
Bởi khác cảnh hai đứa mình nghẹn nói.
Em len lén cúi đầu tay xách gói.
Áo quần dơ cắp chiếc nón le te...
..Thầm trao nhau giọt nước mắt ly sầu..".
Chị đọc sai bét cả chính tả, lúc đầu tụi tôi còn cười khúc khích, nhưng sau cái câu "Thầm trao nhau giọt nước mắt ly sầu" chị đọc thành "Thầm trao nhau giọt nước mắm xì dầu" thì tụi tôi không nhịn nổi nữa, cả lớp cười toáng lên, cười đến chảy nước mắt. Tội nghiệp chị đứng nghệt ra mà mặt thì đỏ bừng. Sau khi rớt kỳ thi tốt nghiệp cấp hai chị bỏ học luôn và tôi không còn tin tức của chị nữa.
Còn chị Liên con ông Xoan ở gần xóm cũ tôi. Nhà ông này nghèo lắm, nghèo nhất vùng thị trấn tôi ở, bởi vậy hễ chúng tôi phàn nàn điều gì là mẹ tôi lại mang ra ví:
"Tụi bay qua làm con nhà ông Xoan đi rồi biết".
Tôi ghét ông này vì nghèo mà lại ra điều trưởng giả, ông không bao giờ ăn chung cơm với vợ con, bữa cơm dọn ra ông là người ăn trước, có gì ngon ông xơi láng, còn dư thừa mới tới lượt vợ con mình. Nhưng tôi lại thương cô Xoan và chị Liên, tôi vẫn thường đánh cắp gạo, nước mắm, bột ngọt cá khô ở nhà lén mẹ mang cho gia đình cô. Chị Liên tuy học dốt nhưng là người tốt bụng, tôi thích đi lấy củi hoặc chặt chuối chung với chị, chị khoẻ mạnh lại còn siêng năng, ngoài phần của mình chị bao giờ cũng giúp đỡ tụi tôi những lúc bị kiệt sức vì mệt. Chị học hết cấp hai rồi nghỉ ở nhà phụ mẹ làm nương rẫy. Chị Hai tôi bảo:
- Cái Liên vẫn còn nghèo lắm! Ông bà thì chết lâu rồi.
- Sao cái gia đình ấy nghèo lâu thế nhỉ? Đến giờ mà vẫn còn nghèo!
Chị tôi bật cười khanh khách:
- Cái con bé này nói chuyện hay nhỉ! Nghèo mà lại còn có chuyện nghèo lâu với nghèo mau nữa. Thôi ngủ đi em, khuya rồi đấy! Chị nghe cái giọng của em khào lắm! mai mua ít giá sống về trần lấy nước uống cho bớt khản tiếng đi.
Tôi nằm im lặng cố nhắm mắt ngủ nhưng mà từng đợt ho kéo dài như xé cuống họng tôi ra, đau, rát không thể chịu nổi. Uống nhiều thuốc kháng sinh người cứ ngầy ngật khó chịu. Ho quá tôi phải mò dậy xuống bếp lấy ít muối ngậm xem có đỡ chút nào không. Hồi còn nhỏ mỗi lần đau họng, mẹ tôi thường bắt phải xúc miệng bằng nước muối, còn bây giờ tôi lấy muối hột bỏ vào miệng ngậm cho hạt muối tan ra mặn chát rồi nuốt từ từ. Cơn ho cũng nguội dần tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
*
Sáng hôm sau tỉnh giấc tôi nằm nướng ở trên giường mãi đến gần mười giờ mới chịu ngồi dậy. Cô em gái đã đi chơi từ lâu, bạn bè nó đến đón sớm làm tôi tủm tỉm cười. Chị Tư tôi thì bảo:
"Cứ chê nó không có bạn đi, bây giờ bạn nó lại đến sớm nhất nhé".
Anh "Công Tử" cũng vừa chạy xe vào tận cửa, thấy tôi nó toét miệng cười chào hỏi:
- Chị mới ngủ dậy à? Dậy trễ thế?
- Sao mày biết chị mới ngủ dậy? Chỉ được cái đoán mò.
- Chị định đặt máy giặt ở đâu?
Tôi chỉ vào góc trong nhà rồi bảo nó:
- Ở đấy. Em xem đục tường bắc vòi nước vào nhé, rồi kêu cửa hàng chở máy lên cho mình, nhớ lấy máy 6 ký lô đó nghen nhỏ quá không giặt mền được đâu.
- Dạ! Em làm liền. À, chị ơi, mẹ em dặn chiều nay mấy chị xuống ăn cơm.
- Biết rồi!
Tôi sửa xoạn để chuẩn bị xuống dưới nhà Hồng chơi. Từng cơn ho nối liên tiếp làm cổ họng tôi đau rát, ngán ngẩm nhìn ra ngoài đường quốc lộ bụi bay mù mịt, công nhân đập đá nghe chan chát vọng lại. Ở đây cả tuần mà phải hít bụi thế này thì làm sao khỏi ho cho được. Tôi vươn vai ngáp ngắn ngáp dài, vừa mới thức dậy xong lại buồn ngủ. Thằng em công tử đang lo đục đục khoét khoét, đo đo đếm đếm, nhìn cái thân nó đằng sau y như con trâu lăn làm tôi bật cười. Người gì đâu mà vụng về, chiếc xe gắn máy nào giao cho nó coi như đi đứt chiếc ấy, người ta không đụng nó vậy mà nó cứ lao vào người ta hoặc tự té, mặt mũi tay chân lúc nào cũng trầy trụa, chiếc xe trông thấy tang thương.
Khoảng mười một giờ trưa cô em gái quay về nhà đón tôi chở xuống dưới chợ thị trấn. Tôi kêu nó chạy thẳng vô nhà của Hồng, xe dừng lại trước cổng nhà cũ của nó, em tôi quay đầu xe còn tôi thì đi bộ ngược lại một tí, gặp hai thằng nhóc con miệng còn hôi sữa đứng lớ rớ gần đó, khi tôi đi ngang chúng nó chậc lưỡi đá lông nheo với tôi một cái còn nói với theo tôi: "Em nào mà trông mướt thế!" Làm tôi bật cười một mình. Mấy thằng nhóc này chẳng biết con cái nhà ai nhìn gà hóa cuốc, tưởng tôi trẻ lắm chắc.
Hồng tươi cười đón tôi trước cửa. Trong nhà còn có hai người nữa tôi nhìn hơi quen mà không nhớ tên. Ngồi xuống nói chuyện một hồi tôi mới nhớ ra là chị Mến học chung lớp với anh Ba tôi. Chị làm con dâu ông Huỳnh đối diện với nhà của Hồng nên thường xuyên qua đây chơi. Tôi chợt nhớ tới thằng bạn nối khố thủa trước liền hỏi chị.
- Chị ơi! Thằng Hải có nhà không? Nó...
Tôi chưa kịp cất tiếng hỏi thêm thì chị đã mau lẹ trả lời tôi:
- Thằng Hải đi cai nghiện trên trường rồi em.
Tôi giật mình kinh ngạc. Mèn ơi...! Cái thằng hiền như cục bột xưa kia mà nay cũng nghiện ngập, hèn chi dân Mộc Châu tôi kéo nhau nghiện cả nút.
Hải là thằng bạn thân của nhóm tụi tôi, nó học lớp B còn tụi tôi thì học lớp A, nhưng chung xóm nên ngày nào cũng đi đến trường cùng nhau. Tôi còn nhớ mỗi kỳ ôn thi nó hay qua học với tụi tôi, buổi trưa nóng nực, bọn tôi rủ nhau ra ngoài bờ suối kiếm mấy phiên đá có bóng mát để ôn bài. Nhà Hải trồng nhiều dưa leo và cà chua, mỗi lần hẹn nhau ra bờ suối học bài là nó lại ra vườn hái trộm dưa leo nhét đầy hai túi quần mang theo, còn tôi thì không quên lấy thêm dúm muối ớt và con dao nhỏ để gọt vỏ. Học hành đâu không thấy chỉ đàn đúm tán dóc với nhau, bầy trò ăn uống rồi ôm sách về nhà. Có những bữa ôn thi quá khuya, Hải ngủ luôn lại nhà tôi, giường thì nhỏ, cả lũ chen chúc, Hải phải chui xuống ngủ dưới chân tụi tôi. Sáng ra kêu la chí choé: "Con Hân này mày ngủ hỗn bỏ mẹ lên, cứ nhằm lưng tao mà đạp...!". Tôi cãi sống cãi chết: "Bao nhiêu đứa chứ có phải mình tao đâu mà đổi thừa, thằng này điêu ngoa vừa thôi nhá!". Chúng tôi thân thiết với nhau như người trong một nhà. Cả nhóm bạn, chỉ có mình nó là trai mà cứ lê lết theo tụi tôi quậy phá. Năm lớp mười hai, các bạn tôi đứa nào cũng có cặp có đôi, chỉ mình tôi còn ôm mối tình câm nên thờ ơ lãnh đạm với các chàng khác. Tôi sán theo thằng Hải hỏi tới: "Mày có người yêu chưa? Nói tao biết với?". Hải chối đay đảy: "Tao chưa có ai cả, mà có cũng ngu sao nói cho mày nghe để mày la làng lên à! Cái mồm mày y như loa phóng thanh của huyện, ai mà không biết!". Tôi quê quá không dám hỏi thêm. Nhưng thấy nó cứ lẽo đẽo theo tụi tôi tối ngày nên tôi quay qua dỗ ngọt: "Thế mày thích đứa nào thì nói đi tao làm làm mai cho?" Nó nhìn tôi rồi ngập ngừng trả lời: "Tao thích mày đấy!" Tôi lè lưỡi nhạo nó: "Thằng điên!". Thế rồi tôi để ý thấy nó thích tôi thật, tôi từ từ tránh mặt nó vì lòng tôi có người khác rồi!
Sau khi rớt đại học, Hải bị nhập ngũ ra tuyến đầu phía Bắc. Tôi rất lo lắng sợ nó bị bọn lính Trung Quốc tỉa lúc nào không hay. Thời gian đầu Hải còn hay viết thư về, sau thì mất dạng. Và rồi tôi theo bố đi vào Nam chúng tôi không còn liên lạc nữa. Mười mấy năm qua tôi không gặp lại nó. Lần này định kiếm nó tâm sự chuyện xưa thì có ai ngờ bạn tôi lại phải đi cai nghiện...
Hồng dọn cơm lên bốc mùi thơm phức. Trời ơi toàn là gà! Kính thưa các loại gà, gà luộc, gà chiên, gà kho, gà nấu canh...chỉ có thêm một dĩa dưa cải chua. Tôi nhìn ngao ngán. Từ hôm ra Bắc đến nay, ngày nào tôi cũng phải ăn gà, nhìn thấy là sợ, đã vậy tôi lại đang ho nặng, cứ tống gà vào tối về ho cả đêm. Nhưng tất cả thức ăn đều bằng gà, không ăn thì nhịn đói. Ở ngoài quê tôi, toàn dân chém to kho mặn, chẳng có ai biết nấu ăn gì cả. Ra đây mở nhà hàng chắc sẽ hốt bạc, nhưng ai mà thèm về cái xứ khỉ ho cò gáy này để mở nhà hàng. Cả người ở đây một khi ra đi còn chẳng muốn về.
Cơm nước xong, các chị chuyển sang hát karaoke. Tôi ngồi chầu rìa hóng hớt, cổ tôi khản đặc nói không thành lời lấy gì hát với hò. Thằng con trai của Hồng mân mê cái máy chụp hình điện tử của tôi. Thằng nhỏ thật kháu khỉnh giống bố như tạc. Anh chồng của Hồng tôi cũng biết mặt, thật ra anh chàng này tán tỉnh mấy chị gái của Hồng trước, sau này không hiểu sao Hồng lại ưng chịu làm vợ anh. Tôi không nhắc lại chuyện cũ vì sợ Hồng ngượng. Lúc còn ở Sài Gòn nghe tin Hồng và anh làm đám cưới tôi cười thầm trong bụng, cha này thấy "mía ngọt muốn đánh cả cụm". Chồng của Hồng bây giờ làm tài xế xe chở hàng bỏ mối cho khách. Hồng lo chạy thu mua lúa, ngô, sắn... bận rộn tối ngày. Hồng hơn tôi hai tuổi, gương mặt không thay đổi nhiều, nhìn là nhận ra liền. Ai như thằng Hưng lớp trưởng trông cứ như ông lão.
Các chị hát chán chê đứng lên xin phép về nhà. Em gái tôi đi theo bạn từ nãy. Chỉ còn lại tôi, Hồng và thằng con trai. Chúng tôi tha hồ tâm sự, mang chuyện cũ ra hàn huyên với nhau. Khi nhắc đến Hiền, cả hai cùng im lặng, tôi đọc trong mắt Hồng một nỗi buồn mênh mang. Nhóm bạn năm đứa thân nhất lớp nay rã đám. Mai chết khi vừa tốt nghiệp cấp ba được vài tháng, Hiền đang bị tù đầy, Hà nghe nói nghiền nặng đang vật vờ dưới Hà Nội. Chỉ còn lại tôi và Hồng, mà tôi thì lại trôi dạt tuốt bên xứ hoa anh đào xa xăm ngàn dặm. Hồng bảo với tôi nhân chuyến này đi thăm Hiền một thể, biết nó còn sống đến ngày hết án không. Tôi nghe thấy cay cay nơi sống mũi, và càng hãi hùng hơn khi được Hồng cho biết chồng Hiền đang bị nhiễm sida thời kỳ thứ hai. Thế là xong một cuộc đời. Bạn của tôi ơi!
Toàn những chuyện buồn quá đỗi, Hồng đứng lên rủ tôi ra nhà Hoài chơi. Hoài cũng là bạn học chung lớp nhà đầu xóm. Tôi đồng ý liền. Hồng lấy xe chở tôi ra hướng chợ.
Xe dừng trước cửa nhà Hoài, Căn nhà mặt tiền ngay chợ khá rộng, đắp nền cao cả thước. Nhà của Hoài bán tạp hóa đủ thứ, trong nhà lố nhố vài vị khách đứng xem hàng. Nhìn thấy tôi Hoài ngỡ ngàng giây lát rồi ôm chầm lấy tôi la lên:
- Trời ơi! Hân!
Nó xoay tôi một vòng ngắm nhìn kỹ rồi cười khanh khách.
- Mày ăn cái gì sao trẻ dai thế?
- Tao ăn ấy!
Cả lũ chúng tôi phá lên cười, tôi quay sang người đàn bà bệ vệ đứng bên cạnh Hoài từ nãy cất tiếng chào:
- Cháu chào cô ạ!
Người đàn bà đó chỉ chờ có thế là lao ngay vào tôi đấm thùm thụp hét lên:
- Con quỷ này nó không nhận ra tao, nó chào tao bằng cô chúng mày ơi!
Tôi đứng nghệt mặt nhìn nó, gương mặt quen quen mà không nhớ được là ai. Hoài đố tôi xem nhận ra ai không, Hoài bảo hồi trước tụi mày hay đi tắm truồng với nhau mà bây giờ quên à! Quả thật tôi không nhớ nổi, tôi tưởng đó là mẹ của Hoài. Chờ một lúc lâu mà tôi không đoán ra, Hồng nói:
- Đây là cái Thảo con bà Bồng bán me học lớp C, nhớ chưa?
Tôi à lên một cái. Bây giờ thì nhớ rồi. Nó đúng là bản sao của mẹ nó hồi trước không sai một ly, làm sao tôi có thể nhận ra được. Tiếng một đứa con gái ở ngoài vọng vào:
- Đâu đâu! Cái Hân đâu? Nó gọi mày bằng cô thì nó phải gọi tao bằng bác.
Tôi nhìn ra ngoài cửa thấy Liên đang đi vào, Liên học cùng khối với tôi nhưng khác lớp. Hồi đấy trường chỉ có ba lớp mười hai nên học sinh tụi tôi ai cũng biết nhau. Liên rủ tôi bữa nào vào nhà Liên chơi rồi thì mắc công việc đi trước. Thảo nói với tôi:
- Hôm qua tao thấy mày ngay cổng chợ nhưng tao chờ xem mày có nhận ra tao không. Mày không nhận ra thật. Tao già lắm hả Hân?
Tôi cười không trả lời nó. Chẳng lẽ tôi lại bảo ừ. Khách hàng đã dạt đi hết, chỉ còn tôi, Hoài và Hồng.
Hoài vừa sinh đứa con thứ hai được vài tháng, trông cũng còn đẹp gái, mặt mày sang láng. Hoài nhỏ tuổi nhất lớp tôi và cũng thuộc diện học... dốt nhất lớp, tụi tôi đặt tên cho nó là Hoài hâm (hầm khoai) gương mặt khờ khờ, lúc nào cũng lú rú một góc. Ấy vậy mà khi trổ mã lại đẹp gái ra trò. Tôi không gặp Hoài từ lâu, chỉ nghe chị Năm tôi vào Nam thăm tụi tôi nói lại. Tôi hỏi:
- Chồng con mày ra sao? Mà chồng mày là ai vậy?
- Hân biết anh ấy mà! Nhà anh hồi ấy ở trên Cầu Trắng!
Rồi Hoài lấy cuốn abum đưa hình chồng cho tôi coi. Nhìn mãi tôi cũng không nhận ra được là anh chàng nào thủa ấy. Chắc phải coi tận mặt thì may ra...
Một người đàn bà ló mặt vào gọi Hoài xuống đón con. Hồng cũng gật đầu chào chị. Tôi nhìn ngờ ngợ rồi hỏi Hồng:
- Ai như cô Định phải không?
- Ừ! Đúng rồi.
Cô Định là chị dâu họ của Hồng, cô lấy chồng là chú Kiên con ông Tựu trước ngõ nhà tôi. Hồi đó ngày nào tôi cũng đi gánh nước qua ngang vườn nhà chú. Cô Định làm chung xí nghiệp với mẹ tôi ngày trước. Ông Tựu còn có một người con trai bị bệnh sứt môi, lại có tánh dở hơi. Anh Tâm lớn hơn tôi vài tuổi, không đi học chỉ ở nhà làm vườn phụ bố mẹ. Vườn rau nhà anh rộng lớn bao la, anh có nhiệm vụ chăm sóc tưới tiêu mỗi ngày. Vì anh dở người nên tụi tôi vẫn mang anh ra chọc ghẹo, mà tôi lại là con bé trầy bửa dai dẳng nhất. Mỗi lần đi ngang qua trước cổng nhà anh, thấy anh ngồi ngoài cửa tôi hay gọi tên anh.
- Anh Tâm ới.. ời!
Anh ngước mắt lên nhìn ra là tôi hét toáng.
- Anh Tâm hút thuốc không cần há miệng!
Rồi ù té chạy. Vẳng theo sau là tiếng quát tháo giận dữ của anh. Tôi đâu có sợ, chọc ghẹo xong là tôi bỏ chạy anh làm sao đuổi theo kịp. Anh ta tuy dở người những đến tuổi cũng biết thích chọc gái. Tôi còn nhớ lúc tôi học lớp mười một thì anh cưới vợ. Vợ của anh nhà ở dưới Nông Trường, cách xa thị trấn của tôi ở chừng hơn chục cây số. Chắc vì ở xa nên không biết chứ ai dại gì chịu lấy ông chồng sứt môi mà lại còn dở hâm dở hấp. Vợ anh ta trông cũng xinh gái, hiền lành chất phát. Thời đấy con gái dưới nông trường đông bạt ngàn, toàn là gái lỡ thì. Những cô gái đi thanh niên xung phong chiến trường miền Nam về làng, đàn ông thanh niên chết ráo trọi, chẳng lấy được chồng đành xin đi nông trường làm công nhân nuôi bò sữa hoặc trồng chè. Ế cả nút! Nhiều vô số kể. Tự nhiên bây giờ tôi lại muốn biết tin tức về anh Tâm. Tôi quay sang hỏi Hồng:
- Tâm sứt dạo này sao rồi mày?
- Thì vẫn vậy. Ôi cái thằng dở hơi! Hồi vợ mới đẻ con gái, nghe mọi người chọc ghẹo bảo đứa con không phải là của hắn, thế là về hắn đóng cửa lại bóp cổ con bé gần chết, may được phát giác kịp thời không thôi con bé tiêu đời.
Tôi cười ré lên, lấy phải thằng chồng dở hơi có ngày oan mạng... Vừa lúc ấy một anh chàng mặc bộ đồ công nhân mầu xanh đậm, đầu đội mũ lưỡi trai sùm sụp che hết cả mặt, dựng xe trước cửa bước lên nhà Hoài. Hắn mở nón ra tươi cười với Hoài, móc bóp lấy hai tờ xanh đưa cho Hoài rồi nói:
- Mình đóng tiền họp lớp!
Cùng lúc đấy hắn nhìn thấy tôi, nhíu mày một cái rồi đưa ngón tay trỏ dí dí vào mặt tôi nói:
- A...! Bà chằng! Ra khi nào đấy?
Tôi ngoác miệng ra cười:
- Dạo này sao rồi?
- Thì cũng hòm hòm!
- Vợ con gì chưa?
Hồng ngồi gần đó cướp lời:
- Nó mà vợ con gì! Cà lơ thất thểu, ma nó thèm!
Nó quay qua liếc Hồng rồi nói:
- Ế mẹ nó rồi. Chả em nào chịu ưng tao. Sao mày không làm mai cho tao, còn nói.
- Lớp mình còn ba thằng đấy Hân ơi! Thằng này, Hồng chỉ vào Hiển, thằng Đào, thằng Trung. Ba thằng nằm chèo queo.
Hiển nhấc ghế ngồi cạnh tôi. Hiển nhà ở xóm ngoại thương, ngồi ở bàn thứ ba gần cửa sổ. Hiển học khá trong lớp, hiền như cục bột ít khi giao tiếp với bạn bè, ai nói sao nghe vậy. Tôi cũng không thân thiết gì với nó mấy. Thấy mọi người đóng tiền họp lớp tôi cũng móc bóp lấy tiền ra góp chung, tôi ngắt ra một sấp đưa cho Hoài nhưng nó chỉ lấy có hai tờ rồi trả lại bảo:
- Nhiêu đây đủ rồi! Hân ở xa về tốn kém lắm! Về chung vui với lớp là được rồi tiền bạc gì chứ.
Tôi chưa kịp nói gì thì Hiển lên tiếng:
- Đúng đấy Hân ạ. Tụi tao sao, mày vậy đừng chơi ngông giống thằng Hưng coi lố bịch, tụi tao không thích.
Hồng cũng chêm vào khuyên tôi như vậy là đủ rồi. Thấy vậy tôi cũng chấp nhận sợ bạn bè buồn. Tụi tôi nói với nhau đủ thứ, đủ chuyện. Hiển liến thoắng cái miệng không ngưng nghỉ. Tôi trố mắt ngạc nhiên ngồi nghe nó kể chuyện. Thấy nó nói nhiều quá tôi phải chặn lại:
- Sao dạo này lắm mồn thế! Mày uống rượu à? Tao hửi thấy mùi rượu nồng nặc.
- Ừ, làm có vài chén nhỏ ấy mà.
- Hèn gì mà mồm mép như tép nhẩy.
Hiển hỏi tôi ở đâu, có thể tối nay nó rủ thêm mấy đứa bạn ghé thăm tôi. Tôi dặn nó có lên thì sau bẩy giờ tối vì hôm nay tôi đi ăn cơm dưới Dì tôi về hơi trễ. Nó đứng lên xin phép về tiệm. Hiển bây giờ làm chủ tiệm sửa chữa cơ khí.
Ngồi thêm một hồi, tôi và Hồng cũng xin phép đi về hẹn tối mai gặp lại để tới trường dự lễ văn nghệ do trường tổ chức. Hồng chở tôi thẳng về nhà chị Hai. Chia tay nhau ở ngoài cổng, tôi bảo nó tối mai gặp nhau tại nhà Hoài.
Quê Hương Ngày Trở Lại Quê Hương Ngày Trở Lại - Lê Mỹ Hân Quê Hương Ngày Trở Lại