Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 1 - Trong Khách Sạn
rong khách sạn đèn đuốc sáng trưng, sang trọng và tiện nghi. Khách sạn nằm ngay bên phải gian đại sảnh, đối diện với dãy phòng giải trí, và theo lời Joachim thực khách chủ yếu là người mới đến hoặc những người có khách, dùng bữa ngoài giờ ăn thông thường. Nhưng ở đây người ta cũng tổ chức sinh nhật hoặc tiệc tùng chia tay trước khi ra viện, hay là ăn mừng kết quả khả quan của một kỳ kiểm tra sức khỏe. Đôi khi họ bày vẽ hoành tráng lắm, Joachim kể, mở cả rượu sâm panh. Giờ thì trong khách sạn không có ai ngoài một thiếu phụ khoảng chừng ba chục tuổi ngồi đọc một cuốn sách, miệng ngân nga khe khẽ và ngón giữa bàn tay trái không ngừng gõ gõ xuống khăn trải bàn. Khi hai chàng trai trẻ ngồi xuống thì bà ta đổi chỗ để xoay lưng lại phía họ. Bà ấy rất ngại tiếp xúc, Joachim hạ giọng giải thích, và luôn luôn dùng bữa trong khách sạn với một cuốn sách. Thấy bảo bà ấy đã vào nhập viện từ khi còn là một cô gái trẻ, và từ hồi ấy tới giờ không trở về cuộc sống đời thường nữa.
“Chà, thế thì với thâm niên vỏn vẹn năm tháng trời cậu chỉ là nhi đồng, thậm chí nếu có phải ở lại tròn một năm cũng chẳng nhằm nhò gì so với bà ấy”, Hans Castorp pha trò; nhưng Joachim chỉ nhún vai, cử chỉ trước kia không phải là thói quen của chàng, và với tay lấy tấm thực đơn.
Họ chọn cái bàn cao gần cửa sổ, chỗ đẹp nhất trong khách sạn. Hai anh em ngồi đối diện nhau kế bên tấm màn cửa màu kem, mặt hồng hào trong ánh sáng ngọn đèn bàn bọc chao màu đỏ. Hans Castorp chắp hai bàn tay mới rửa sạch sẽ lại với nhau xoa xoa một cách khoan khoái và đầy mong đợi, cử chỉ quen thuộc của chàng khi ngồi vào bàn ăn, có lẽ vì tổ tiên chàng trước kia vẫn thường chắp tay cầu nguyện trước bữa ăn. Một cô gái niềm nở giọng nói giòn tan, mặc váy đen quàng yếm trắng, với gương mặt to hồng hào khỏe mạnh đến phục vụ họ, và trong lúc cao hứng Hans Castorp học thêm được rằng các cô phục vụ ở đây được gọi là “tiểu nữ”. Họ bảo cô ta mang ra một chai rượu đỏ hiệu Gruaud Larose, Hans Castorp còn bắt đem đi để cho đúng nhiệt độ rồi mới khui uống. Các món ăn rất ngon. Có súp măng tây, cà chua nhồi, thịt quay với các loại gia vị, một món tráng miệng tuyệt hảo, một đĩa pho mát và hoa quả. Hans Castorp ăn rất nhiều, mặc dầu chàng không thấy ngon miệng như lẽ thường sau chặng đường dài. Nhưng chàng đã quen ăn uống đầy đủ, ngay cả khi không thấy đói, và coi đó là kỷ luật bản thân.
Joachim không chiếu cố nhiều đến các món ăn. Chàng đã chán đồ ăn ở đây rồi, chàng bảo thế, tất cả mọi người ở đây đều đã ngán lên tận cổ, và chê bai đồ ăn đã trở thành tục lệ ở trên này; vì khi người ta bị nhốt triền miên ngày này qua ngày khác… Bù lại chàng uống say sưa, có thể nói là dành cho chai rượu một sự chiếu cố quan tâm đặc biệt, và trong khi vẫn cố tránh dùng những từ ngữ để lộ nhiều cảm xúc chàng thận trọng bày tỏ sự vui mừng của mình khi có được một người tri kỷ để chuyện trò.
“Cậu đến thế này thật hay quá”, chàng bảo, và giọng nói chậm rãi của chàng thoáng lạc đi xúc động. “Có thể nói rằng đây là cả một sự kiện đối với tớ. Một sự thay đổi, tớ muốn nói rằng, đây là một bước ngoặt, một dấu ấn trong chuỗi ngày dài lê thê đơn điệu…”
“Nhưng đối với các cậu ở trên này thời gian chắc phải trôi nhanh lắm chứ”, Hans Castorp nhận xét.
“Nhanh và chậm, tùy ý cậu”, Joachim đáp. “Tớ thì muốn bảo cậu rằng nó hoàn toàn không trôi đi, đó không còn là dòng thời gian, cũng không phải cuộc đời, không, chẳng là gì cả”, chàng lắc đầu và lại với lấy ly rượu.
Hans Castorp cũng uống, mặc dù mặt chàng bây giờ phừng phừng như bốc lửa. Nhưng thân thể chàng vẫn lạnh buốt, và một nỗi bồn chồn đặc biệt vừa hứng khởi vừa dằn vặt rậm rật khắp người. Chàng nói dồn dập câu nọ xọ câu kia, chững lại nửa chừng và phẩy tay bỏ qua không nói tiếp nữa. Thêm vào đó Joachim cũng rất vui, và câu chuyện của họ lại càng tự do thoải mái khi thiếu phụ vừa ngân nga vừa gõ nhịp đột nhiên đứng dậy bỏ đi. Hai người vừa ăn vừa khua khua thìa nĩa diễn tả ý mình, vừa phồng má nhai vừa làm nét mặt đầy quan trọng, cười nói, gật gù, nhún vai, và chưa kịp nuốt hết đã vội lên tiếng nói tiếp. Joachim muốn nghe chuyện Hamburg và lái sang đề tài dự án vét sông Elbe.
“Một bước ngoặt lịch sử”, Hans Castorp nói. “Mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành vận tải thủy của chúng ta, đánh giá như thế cũng không hề cao quá mức. Chúng ta đã dành ra năm chục triệu trong ngân sách để làm chi phí tức thời một đợt, và cậu cứ tin rằng chính quyền biết rõ họ làm gì.” Nhưng rồi, mặc dù dự án nạo vét lòng sông Elbe có tầm quan trọng chiến lược theo như nhận định của chính chàng, Hans Castorp vẫn bỏ rơi đề tài ấy để đòi Joachim kể thêm về cuộc sống “trên này” và những người khách ở viện an dưỡng. Chàng được chiều ý ngay, vì Joachim cũng mừng là có dịp để xả hơi và trút bầu tâm sự. Chuyện tử thi được đưa xuống núi bằng xe bobsleigh chàng phải kể thêm lần nữa, và phải thề thốt đó là sự thật hoàn toàn. Vì Hans Castorp lại phá lên cười, chàng cũng cười theo, có vẻ thực sự cao hứng và kể thêm vài mẩu chuyện khôi hài để mua vui. Ngồi cùng bàn ăn với chàng có một bà, tên là bà Stöhr, mang bệnh khá nặng, là vợ một nhạc công ở Cannstatt, bà ta là người dốt nát nhất mà chàng từng thấy dưới gầm trời. Thuốc tiệt trùng thì bà ta gọi là “tuyệt trùng”, mà rất là nghiêm túc, không đùa một tí nào. Và ông bác sĩ trợ lý Krokowski thì bà ta gọi là ông “trị lý”. Tất cả những cái ấy khi nghe người ta chỉ có thể bấm bụng cười thầm chứ không được phép thay đổi nét mặt. Thêm vào đấy bà ta lại còn nghiện buôn chuyện, giống như phần lớn người ở trên này, và một phụ nữ khác, bà Iltis, bị bà ta kể xấu sau lưng là có đeo trong người một thanh “đoảng đao”. “Bà ta gọi con dao găm là đoảng đao, thế có chết không!” Và nửa nằm nửa ngồi dựa vào lưng ghế họ cười nghiêng ngả, đến nỗi cả hai cùng bị nấc.
Giữa chừng Joachim sực nhớ ra thân phận mình và lại trở nên buồn bã.
“Ừ, mình ngồi đây cười cợt thế này”, chàng nói ngắt quãng, vẻ mặt vẫn nhăn nhó vì thỉnh thoảng cơ hoành vẫn còn một cơn co thắt, “mà chẳng biết đến bao giờ tớ mới thoát ra được, vì nếu Behrens đã nói: nửa năm nữa, thì phải hiểu rằng đó chỉ là mức tối thiểu thôi và phải chuẩn bị tinh thần ở lâu hơn. Thế có chán không, số phận sao mà bất công quá. Tớ đã được tiếp nhận rồi, lẽ ra tháng sau đã có thể thi tốt nghiệp khóa sĩ quan. Thế mà bây giờ tớ phải ngồi chết dí ở đây, ngậm một cái nhiệt kế trong miệng, kể chuyện tiếu lâm về thói dốt lại hay nói chữ của bà Stöhr và nhìn thời gian trôi đi mất hút. Một năm ở tuổi chúng mình đóng vai trò lớn lắm, nó có thể mang đến cho cuộc đời dưới kia biết bao nhiêu thay đổi và tiến bộ. Vậy mà tớ phải chịu cảnh tù túng ở đây, chính thế, không khác gì một vũng nước tù tanh tưởi, thật ra so sánh như vậy cũng chẳng có gì là quá…”
Lạ là Hans Castorp chỉ đáp lại bằng câu hỏi, liệu ở đây có bia đen hiệu Porter không, và khi Joachim kinh ngạc nhìn em họ thì chàng nhận ra cậu em đã buồn ngủ rũ ra rồi, đúng ra chàng ta đã gật vài cái.
“Nhưng mà cậu ngủ gật rồi kìa!” Joachim bảo. “Thôi nào, đã đến giờ cả hai chúng mình phải lên giường.”
“Chưa đến giờ gì cả”, Hans Castorp líu lưỡi phản đối. Nhưng chàng vẫn đứng dậy đi theo anh, lưng khòm xuống và chân kéo lê, như một người bị cơn mệt mỏi hút chặt xuống đất. Tuy nhiên, lúc họ ra đến gian đại sảnh, giờ này chỉ còn được thắp sáng mờ mờ, chàng cũng gom hết sức vươn thẳng người lên khi nghe tiếng Joachim nói khẽ:
“Krokowski ngồi ở đằng kia. Chắc tớ phải giới thiệu cậu với ông ấy cho phải phép.”
Bác sĩ Krokowski ngồi chăm chú đọc báo dưới ánh đèn, bên bệ lò sưởi phòng giải trí, ngay cạnh cánh cửa kéo. Ông ta đứng dậy khi hai chàng trẻ tuổi bước lại gần và Joachim đứng nghiêm trong tư thế chào lên tiếng:
“Thưa bác sĩ, xin được giới thiệu em họ tôi là Castorp từ Hamburg lên. Em tôi vừa mới đến nơi.”
Bác sĩ Krokowski chào thành viên mới với một thái độ đặc biệt niềm nở, xuề xòa và đầy khuyến khích như thể muốn nhấn mạnh rằng, trong quan hệ với ông có thể bỏ qua mọi nghi thức rườm rà và giữa họ chỉ cần một sự tin cậy vui tươi là đủ. Ông ta khoảng chừng ba mươi lăm tuổi, vai rộng, tướng ngũ đoản, thấp hơn hẳn hai thanh niên đứng trước mặt cho nên phải ngửa cổ ra mới nhìn được vào mặt họ, và đặc biệt xanh xao - có thể nói không ngoa là xanh lè như ánh lân tinh - nước da nhợt nhạt càng làm nổi bật đôi mắt đen như than, cặp lông mày chổi xể và bộ râu cằm khá dài tẽ ra thành hai chòm đã có điểm vài sợi bạc. Ông ta mặc một chiếc áo khoác màu đen hai hàng cúc đã hơi sờn cũ, đi một đôi nửa giày nửa dép rọ thủng lỗ chỗ màu đen với tất len màu xám, đập vào mắt là một cái cổ áo mềm rộng phủ xuống vai như Hans Castorp trong đời mới thấy một lần duy nhất trong trang phục của một tay thợ chụp ảnh ở Danzig[9], cái cổ áo này làm cho tướng mạo bác sĩ Krokowski mang một vẻ đặc biệt rất triển lãm. Ông ta cười nhiệt tình đến mức bộ râu hé ra để lộ hàm răng vàng, và vừa bắt tay chàng trẻ tuổi lạ mặt vừa nói bằng giọng nam trung ề à hơi pha âm hưởng ngoại quốc:
“Xin trân trọng đón chào, ông Castorp! Mong rằng ông sớm làm quen với cuộc sống trên này và thấy vui khi ở với chúng tôi. Xin ông thứ lỗi, có phải ông đến nhập viện để điều trị?”
Thật cảm động khi chứng kiến cảnh Hans Castorp cố gắng xua cơn buồn ngủ để cư xử cho đúng phép xã giao. Chàng bực bội vì phải ra mắt ông bác sĩ trợ lý đúng lúc kém phong độ thế này, và với sự nghi ngại thiếu tự tin của người trẻ tuổi chàng thấy trong nụ cười cùng thái độ khuyến khích của ông ta có ẩn giấu một vẻ châm biếm độ lượng. Chàng trả lời bằng cách nói về ba tuần thăm viếng, nhắc đến cả kỳ thi tốt nghiệp của mình và chêm vào rằng chàng, nhờ ơn Chúa, hoàn toàn mạnh khỏe.
“Thực thế?” bác sĩ Krokowski vừa hỏi vừa nghiêng đầu như trêu chọc và nụ cười của ông ta càng nở rộng… “Nhưng như thế thì ông là một hiện tượng đặc biệt rất đáng được nghiên cứu! Đúng ra tôi chưa từng gặp một người nào hoàn toàn mạnh khỏe. Ông vừa mới trải qua kỳ thi gì vậy, nếu ông cho phép tôi được hỏi?”
“Tôi là kỹ sư, thưa bác sĩ”, Hans Castorp trả lời với vẻ khiêm nhường đầy tự trọng.
“A, kỹ sư!” và nụ cười của bác sĩ Krokowski lập tức teo lại, trong khoảnh khắc giảm bớt phần nào sức mạnh và sự nồng nhiệt. “Thế thì ông phải sáng dạ lắm nhỉ. Vậy là ông hoàn toàn không có ý định tận dụng các quyền lợi về mặt y tế ở đây, dù là để chăm sóc thể lực hay tinh thần?”
“Không, ngàn lần cám ơn ông!” Hans Castorp đáp và thiếu chút nữa thì còn lùi lại một bước.
Nụ cười của bác sĩ Krokowski lại xòe ra đắc thắng, và vừa đưa tay lần nữa cho chàng trai trẻ ông ta vừa nói to:
“Chà, vậy xin chúc ông ngủ ngon, ông Castorp, ông hãy ăn ngon ngủ kỹ nhờ sức khỏe đáng khen ngợi của mình! Chúc ngon giấc và hẹn gặp lại!” Bằng cách đó ông ta chia tay hai chàng trai trẻ và quay lại với tờ báo của mình.
Không còn ai điều khiển thang máy nữa nên hai người leo cầu thang bộ về phòng, im lặng và còn hơi hoang mang vì cuộc gặp gỡ với bác sĩ Krokowski. Joachim đưa Hans Castorp về lại phòng số 34, nơi lão già khập khiễng đã đem hành lý của chàng lên xếp gọn ghẽ, và họ còn trò chuyện khoảng mười lăm phút nữa trong lúc Hans Castorp dỡ đồ dùng vệ sinh và quần áo ngủ ra, vừa làm vừa hút một điếu thuốc lá nhẹ vấn to. Hôm nay chàng không có hứng hút xì gà, bản thân chàng cũng thấy ngạc nhiên và coi đây là một sự bất thường.
“Ông ta có vẻ trịnh trọng quá nhỉ”, chàng nói và phà ra một hơi khói thuốc. “Da trong như nặn bằng sáp. Nhưng giày dép của ông ấy thì không thể tiêu hóa được, khiếp quá. Tất len xám, lại còn cái thứ xăng đan ấy nữa chứ. Này cậu, cuối cùng ông ấy có vẻ phật ý phải không?”
“Ông ấy tương đối nhạy cảm”, Joachim thừa nhận. “Lẽ ra cậu không nên từ chối thẳng thừng như thế mà có thể nhận lời đi khám, chí ít là làm một trắc nghiệm tâm lý. Ông ấy không hài lòng khi người ta lẩn tránh món tủ của mình. Tớ cũng không được lòng ông ấy đâu, vì tớ không chịu dốc hết bầu tâm sự với ông ấy. Nhưng thi thoảng tớ cũng kể một vài giấc mơ để ông ấy có cái mà mổ xẻ.”
“Thôi, thế là chưa gì tớ đã làm mất lòng ông ấy rồi”, Hans Castorp cau có nói; chàng không hài lòng với bản thân vì đã làm phật ý người khác, và thế là cơn mệt mỏi lại tràn đến mạnh hơn nhấn chìm lấy chàng.
“Chúc cậu ngủ ngon”, chàng bảo. “Tớ sắp gục rồi.”
“Tám giờ tớ sang đón cậu đi ăn sáng”, Joaschim bảo rồi đi ra.
Hans Castorp chỉ rửa ráy qua loa. Ngọn đèn nhỏ đầu giường vừa tắt phụt thì giấc ngủ đã ào đến trùm lên chàng, nhưng chàng còn giật mình choàng tỉnh một lần nữa, vì chàng chợt nhớ ra trên chiếc giường này hai ngày trước có một người vừa mới qua đời. ‘Chắc chẳng phải là lần đầu tiên’, chàng nhủ thầm, như muốn tự trấn an. ‘Một chiếc giường quàn tử thi, nhưng cũng chỉ là một chiếc giường hết sức bình thường mà tử thần có lần đảo qua.’ Rồi chàng ngủ thiếp đi.
Nhưng vừa chìm vào giấc ngủ là chàng bắt đầu mơ, và các giấc chiêm bao kéo dài gần như liên tiếp cho tới sáng hôm sau. Đại khái chàng mơ thấy Joachim Ziemßen nằm co quắp một cách kỳ quái trong chiếc xe bobsleigh trôi vùn vụt từ trên sườn dốc cao xuống. Anh chàng xanh lè ánh lân tinh như ông bác sĩ Krokowski, và ngồi điều khiển xe trượt là ông hiệp sĩ, ông này tướng mạo mơ hồ như một người mới chỉ được biết đến qua tiếng ho. “Đối với chúng tớ, những người ở trên này, thì đằng nào cũng thế”, Joachim nằm co quắp nói, và rồi chính chàng cất tiếng ho vữa nát rùng rợn chứ không phải ông hiệp sĩ. Hans Castorp cay đắng khóc như mưa và phải chạy đến hiệu thuốc để mua kem mát xoa mặt. Nhưng dọc đường chàng chạm trán bà Iltis chu mỏ ngồi cầm vật gì đó trong tay, chắc là thanh “đoảng đao”, lại gần té ra là một cái máy cạo râu bọc lưới an toàn. Thế là Hans Castorp lại phì cười, và chàng cứ lúc cười lúc khóc cho đến khi được ánh ban mai len vào qua cánh cửa ban công hé mở đánh thức dậy.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần