Chương 1
úng mười hai giờ bốn lăm phút, trên chiếc bàn trong phòng vạn vật học (Vạn vật học là môn học tổng hợp trước kia ở Hung-ga-ri, gồm ba bộ môn: động vật học, thực vật học và khoáng vật học), ngọn lửa không màu của ngọn đèn Bun-sen (Một loại đèn đặc biệt dùng trong phòng thí nghiệm) sáng rực lên một vệt xanh ngọc bích kỳ diệu. Đây là sự thưởng công cho bao phút chờ đợi vất vả, hồi hộp sau những thí nghiệm lâu dài mà vô hiệu. Đó cũng là bằng chứng xác minh cho lời thầy giáo: hợp chất sẽ biến ngọn lửa thành màu xanh ngọc bích. Đúng lúc mười hai giờ bốn lăm ấy, trong giây phút thắng lợi thì từ sân nhà bên cạnh một tiếng đàn dương cầm vang lên phá vỡ không khí nghiêm trang, cửa sổ mở toang. Tiết tháng ba ấm áp. Tiếng nhạc dạo đầu cho bài dân ca Hung-ga-ri râm ran theo cánh gió mùa xuân tươi mát bay vào lớp học. Bài hát rộn lên huyên náo như kiểu pha trò của người Viên làm cho cả lớp buồn cười, thậm chí đã có một số cậu cười thật. Mấy cậu ngồi ở hàng ghế đầu đang say sưa nhìn vạch xanh nhảy nhót dưới ánh đèn Bun-sen. Các cậu khác đưa mắt qua cửa sổ nhìn ra dãy mái nhà bên cạnh. Xa xa, trên ngọn tháp nhà thờ nhuộm ánh nắng ban trưa vàng óng, chiếc kim đồng hồ chỉ phút đang thong thả nhích dần tới con số 12. Bọn trẻ vừa trông ra cửa sổ, vừa nghe tiếng nhạc cùng với những âm thanh lạ tai khác đập vào lớp học. Mấy ông đánh xe ngựa huýt còi, một người hầu gái đang ngân nga trong sân gần đó những bài hát khác hẳn bài dương cầm kia. Lớp học bắt đầu nhốn nháo. Một vài cậu lục ngăn kéo bàn sắp xếp sách vở. Mấy cậu ngoan hơn thì lau bút. Bô-co đậy nắp lọ mực để bỏ vào chiếc túi bọc bằng da đỏ làm thành một cái hộp xinh xắn. Mực sẽ không bao giờ chảy ra, nếu cậu ta không thọc mạnh tay vào túi. Tre-le vơ hết những tờ giấy viết dùng thay vở lại. Cậu ta công tử lắm, không thèm cắp nách toàn bộ “thư viện” của mình như các cậu khác, mà chỉ đem theo những tờ thật cần thiết và nhét rất cẩn thận vào các túi trong, túi ngoài. Trô-nóc-cô-sơ uể oải ngáp dài như một con hà mã. Ve-i-xơ lộn túi hất ra những mẩu vụn bánh mì ăn sáng còn lại. Cậu ta thường mang bánh ăn dần từ mười giờ sáng đến một giờ chiều. Ghe-rếp khua chân dưới ghế, ý chừng muốn đứng dậy. Bo-ro-ba-sơ chẳng ngại ngùng gì hết, cứ trải miếng vải bạt tráng sáp ong lên đầu gối dưới gầm bàn rồi xếp gọn sách vào. Sau đó cậu ta đỏ bừng mặt kéo mạnh căng sợi dây buộc, làm ghế kêu răng rắc. Tóm lại mọi người đã sửa soạn ra về. Chỉ mình ông giáo là không để ý rằng chỉ còn năm phút nữa là tan học. Ông đưa cặp mắt dịu dàng nhìn khắp lớp, nhìn những cái đầu bướng bỉnh, nói:
- Gì thế, các anh?
Cả lớp yên lặng. Mọi vật im phăng phắc. Bo-ro-ba-sơ buộc lòng phải tháo dây gói sách ra. Ghe-rếp thu chân lại. Ve-i-xơ lộn túi lại. Trô-nóc-cô-sơ che miệng ngáp. Tre-le ngừng xếp “giấy vở”. Bô-co nhét nhanh lọ mực bọc da đỏ vào túi và ngay lúc ấy cậu cảm thấy mực xanh bắt đầu chảy.
- Cái gì thế, các anh?
Ông giáo hỏi lại khi mọi người đã ngồi yên không nhúc nhích. Ông nhìn ra cửa sổ. Tiếng đàn dương cầm thánh thót rót vào tai, nhưng đâu phải lúc cho ông giáo thưởng thức. Nét mặt nghiêm khắc hướng về phía có tiếng đàn dương cầm, ông giáo gọi:
- Treng-ghe-i, ra đóng cửa sổ vào!
Cậu bé có khuôn mặt nhỏ nhắn trang nghiêm ngồi ở đầu hàng ghế trên cùng tên là Treng-ghe-i đứng lên, đi ra đóng cửa sổ. Trong khi đó Trô-nóc-cô-sơ nhoài người ra cạnh ghế, nói thầm với chú bé tóc hung:
- Chú ý này, Ne-me-tréc!
Ne-me-tréc quan sát đằng sau rồi nhìn xuống đất. Một mẩu giấy vo viên lăn đến gần. Chú nhặt lên, lần mở. Mặt giấy đề: “Đưa cho Bô-co!”. Ne-me-tréc biết đây chỉ là đầu đề, còn điều muốn nói trong thư thì ở mặt giấy kia. Học theo tính cương trực của người lớn, Ne-me-tréc không muốn đọc thư của người khác. Chú viên tròn mảnh giấy lại, chờ dịp cần thiết, chú thò đầu ra khoảng trống giữa hai hàng ghế, thì thào:
- Chú ý này, Bô-co!
Lúc ấy Bô-co nhìn xuống đất - phương tiện liên lạc thuận tiện của bọn trẻ. Thế rồi viên giấy nhỏ lăn tới. Ở mặt kia của giấy, ở phía Ne-me-tréc tóc hung thực thà không đọc, có ghi: “Hãy thông báo cho tất cả: ba giờ chiều nay họp toàn thể hội viên, bầu chủ tịch trên khu đất trống!”. Bô-co cất mảnh giấy vào túi. Cậu lại thít chặt lần nữa bó sách đã gói. Mười ba giờ. Đồng hồ điện bắt đầu binh boong. Lúc này ông giáo cũng biết là hết giờ. Ông tắt ngọn đèn Bun-sen, ra bài tập rồi đi về chỗ tủ chứa đồ dùng thí nghiệm vạn vật học. Ở đó, mỗi khi mở tủ, những con thú, những con chim nhồi bông đặt trên giá lại lộ ra giữa các đồ vật sưu tập; những cặp mắt thủy tinh của chúng căng ra, đần dại; ở đó còn có một cái hết sức bí mật, hết sức ghê rợn, đó là một bộ xương người đã khô vàng!
Một lát sau, cả lớp đã ra khỏi phòng. Tiếng bước chân nện thình thịch trên gác. Những bước chân đó chỉ nhẹ nhàng, lẹ bước khi có dáng cao cao của các ông giáo lọt vào giữa đám trẻ nhỏ ồn ào. Những lúc ấy cậu nào chạy nhanh cũng phải ghìm chân lại, bước len lét. Khi ông giáo đã tách khỏi chúng ở chỗ ngoặt, thì cuộc chạy thi xuống gác lại bắt đầu.
Đám trẻ đổ dồn ra cổng. Một nửa đi về bên phải, một nửa rẽ bên trái, đi giữa là các ông giáo. Lúc này bọn trẻ thi nhau liệng mũ phớt xuống đất. Cậu nào cũng đói cồn cào, mệt mỏi thủng thẳng bước trên đường phố lấp lánh ánh mặt trời. Và rồi cảnh vui nhộn của đường phố xua dần sự uể oải, đờ đẫn của các cậu. Như những kẻ bị giam cầm vừa được thả ra, bọn trẻ huơ tay múa chân, tung tăng hớn hở, vượt qua thị xã để về nhà. Cái thị xã ồn ào tươi mát ấy đối với chúng chỉ là một mớ hỗn độn những xe cộ, đường phố và cửa hiệu.
Ở cổng bên, Tre-le đang khe khẽ mặc cả món kẹo, bởi lẽ người bán đã tăng giá một cách đột ngột. Trước đây giá kẹo chỗ nào cũng chỉ một xu (Nguyên văn là cơ-rai-xa, đơn vị tiền nhỏ nhất của Hung-ga-ri). Điều đó cần phải hiểu rằng khi người bán kẹo giơ con dao bầu chém mạnh một nhát xuống mảng kẹo thì một miếng to trăng trắng vỡ ra giá một xu. Đồ ngọt ở đây giá thống nhất mỗi thứ đều một xu. Một xu ba quả mận cặp vào que gỗ, ba nửa quả vả, ba quả mơ, ba nửa quả hồ đào; mỗi thứ đều được ướp đường. Một xu một chiếc kẹo con gấu lớn; một chiếc kẹo đại mạch cũng giá ngần ấy. Thậm chí mỗi gói thức ăn nho nhỏ dành cho học trò là một trong những món trộn hảo hạng cũng giá một xu. Trong gói có lạc, nho khô, nho ma-la-ga, kẹo đường, hạnh nhân, bụi đường phố, bánh ngọt và ruồi nhặng. Trả một xu thức ăn, học trò mua được vô số sản phẩm của công nghiệp nhà máy, của thế giới thực vật và động vật.
Tre-le mặc cả thế có nghĩa là người bán kẹo đã tăng giá hàng lên cao. Những người thông thạo quy luật buôn bán xưa nay biết rằng giá hàng tăng khi nhà hàng gặp tai nạn. Thí dụ, các loại chè châu Á rất đắt vì thương nhân phải vận chuyển hàng qua các miền có bọn cướp. Món thiệt hại này thì chúng ta, những người châu Âu phải trả. Lão bán kẹo có tư tưởng con buôn bởi vì người ta có ý cấm lão bán gần trường học. Lão hiểu rõ rằng họ muốn cấm, rồi họ sẽ cấm và lão không thể bê món kẹo của lão mà cười ngọt ngào với những ông giáo đi trước lão để họ không thấy lão là kẻ thù của lũ trẻ.
pan1
“Bọn nhóc dốc hết tiền cho lão người Ý này”, - người ta thường nói vậy. Lão người Ý thì cảm thấy cửa hàng của lão sẽ không tồn tại được bao lâu bên cạnh trường học ấy. Vì vậy lão tăng giá hàng. Nếu bị đuổi đi, ít nhất lão cũng gỡ gạc được tí chút. Lão nói cho Tre-le biết: “Trước đây, thứ nào cũng giá một xu, bây giờ mỗi thứ giá hai xu!”. Lão vừa ngắc ngứ mấy câu tiếng Hung đó vừa vung con dao bầu nhỏ trước mặt một cách điên dại.
Ghe-rếp lại gần Tre-le, nói nhỏ:
- Ném mũ mày vào kẹo đi!
Tre-le bị thu hút bởi ý nghĩ đó. Ồ, tuyệt diệu biết bao! Đống kẹo sẽ bay tứ phía. Bọn con trai sẽ được một bữa no nê.
Ghe-rếp như một con quỷ, lại rỉ tai bạn những lời dụ dỗ:
- Ném mũ mày vào kẹo đi! Lão ta là kẻ bóp mắt!
Tre-le bỏ mũ xuống.
- Ném cái mũ đẹp này ấy à? - Nó nói.
Hỏng việc rồi. Ghe-rếp nói cái ý kiến hay của mình không đúng lúc. Bởi vì Tre-le kiểu cách lắm, nó chỉ đem tới lớp những tờ giấy xé từ trong vở thôi.
- Mày tiếc à? - Ghe-rếp hỏi.
- Tiếc chứ! - Tre-le trả lời. - Nhưng đừng vì thế mà cho tao là hèn nhát nhé. Tao không nhát gan đâu, chỉ tiếc cái mũ thôi. Tao có thể chứng minh được, nếu mày muốn, tao vui lòng ném cái mũ của mày!
Không thể nói thế với Ghe-rếp được. Thế là xúc phạm rồi. Nó nổi khùng và đáp:
- Nếu ném cái mũ của tao thì chính tay tao ném chứ. Lão là con buôn mà. Nếu mày sợ thì cút đi!
Nó lấy mũ xuống, xoay người diễn tả điệu bộ chứng tỏ sự yêng hùng của mình. Cậu ta định ném mũ vào giữa chiếc bàn có chân hình chữ X đang bày kẹo la liệt.
Nhưng có ai ở đằng sau nắm lấy tay nó. Một giọng gần như người lớn, nghiêm nghị hỏi:
- Mày làm gì thế?
Ghe-rếp quay lại. Bô-co đứng đó.
- Mày làm gì thế?
Bô-co hỏi lại rồi vừa nghiêm khắc vừa dịu dàng nhìn bạn. Ghe-rếp làu bàu như con sư tử chưa thuần khi người dạy thú nhìn vào mặt nó. Nó phục tùng rồi đội mũ lên đầu, nhún vai. Bô-co nói nhỏ nhẹ:
- Mày đừng đụng đến ông lão! Tao thích người dũng cảm, những việc này chẳng có ý nghĩa gì hết. Đi thôi!
Cậu ta chìa bàn tay dính đầy mực về phía bạn. Lọ mực sóng sánh trào ra, xanh đen. Chẳng ngần ngại gì hết, Bô-co rút tay ra khỏi túi rồi chùi vào tường làm tường vấy mực nhưng tay cậu vẫn không sạch.
Bô-co khoác tay bạn. Hai cậu rảo bước trên đường phố hun hút, bỏ mặc cậu bé Tre-le xinh xinh rớt lại. Chúng còn nghe thấy tiếng hậm hực của nhà cách mạng bị thất thế đang buồn rầu nói với lão người Ý:
- Thôi được, nếu từ nay tất cả giá hai xu thì bán cho cháu hai xu kẹo vậy!
Tre-le móc túi lấy cái ví tiền nhỏ màu xanh. Lão người Ý mỉm cười suy nghĩ: nếu từ nay tất cả đều giá ba xu thì sao? Nhưng đó chỉ là giấc mộng, như chuyện một người nào đó mơ rằng mỗi hào sẽ có giá trị một trăm hào. Lão giáng mạnh xuống đống kẹo sữa, mảnh kẹo vỡ ra một miếng, lão gói vào mảnh giấy nhỏ đưa cho Tre-le.
Tre-le nhìn một cách cay cú:
- Sao lại ít hơn trước thế bác?
Lời lãi đã làm cho lão người Ý này trở nên quá đáng hơn. Lão vừa cười nhăn nhở vừa nói:
- Bởi vì bây giờ cái gì cũng đắt hơn cho nên mới ít hơn!
Đoạn lão quay về phía người khách hàng mới trong tay cầm hai xu đang theo dõi xem xét hoạt cảnh này. Lão dùng dao bầu cắt miếng kẹo màu trắng bằng những cử chỉ rất lạ lùng y hệt tên đao phủ khổng lồ nào đó trong các truyện thần thoại thời Trung cổ đang cầm con dao bầu nhỏ bằng gang tay băm vằm đầu của những thằng bé tí hon.
- Này, đừng mua nữa, bác ấy bóp mắt lắm!
Tre-le nói với khách hàng mới. Rồi thình lình nó vỗ toàn bộ gói kẹo vào miệng; nửa tờ giấy gói, tưởng không thể dứt ra được nhưng cố nhiên là có thể liếm được.
- Chờ tao với, chúng mày ơi! - Tre-le gọi với và chạy theo bọn Bô-co. Nó đuổi kịp hai bạn ở đầu phố Pi-po. Chúng vòng sang phố Sô-rốc-sa-ri. Ba cậu bá vai nhau. Bô-co đi giữa, khe khẽ giải thích một điều gì, điệu bộ thật nghiêm nghị, như vẫn thường thấy ở cậu. Cậu ta mới mười bốn tuổi, nét mặt ít có dấu hiệu của người lớn, nhưng khi cậu mở miệng nói thì người ta tưởng cậu đã già thêm mấy tuổi nữa rồi. Giọng cậu trầm trầm, dịu dàng và trang nghiêm. Ít khi cậu ta nói điều ngốc nghếch và tỏ ra chẳng thích thú gì cái thói lêu lổng. Cậu không can ngăn những đám cãi nhau lớn nhỏ. Thậm chí nếu bọn trẻ tôn cậu làm quan tòa cậu cũng từ chối. Cậu nghiệm thấy sau khi kết án bao giờ một bên kiện cũng cảm thấy cay cú đối với quan tòa. Nhưng khi mâu thuẫn trở nên gay gắt quá, đám cãi nhau dai dẳng đến nỗi cần phải có sự can thiệp của thầy giáo thì lúc ấy Bô-co mới nhảy vào giảng hòa. Người giảng hòa lúc ấy, thì ít nhất cũng chẳng bên nào giận cả. Tóm lại, Bô-co là một cậu bé thông minh và hành động hệt như một chàng trai, nếu không thì ít ra cũng phải ngang hàng với một người đàn ông chất phác.
Rẽ về nhà, bọn trẻ phải vòng từ phố Sô-rốc-sa-ri sang phố Quê-dơ-te-léc. Mặt trời mùa xuân tỏa ánh nắng dịu ngọt xuống đường phố tĩnh mịch. Nhà máy thuốc lá rì rầm, trải dài đến tận cuối một bên phố. Trô-nóc-cô-sơ lực lưỡng và chú bé tóc hung đang đứng giữa đường phố Quê-dơ-te-léc. Vừa nhìn thấy ba bạn đang bá vai nhau đi, Trô-nóc-cô-sơ mừng rỡ đưa hai ngón tay lên miệng huýt vang như còi tàu hỏa. Đây là điệu huýt sáo đặc biệt của nó. Trong lớp chẳng ai bắt chước được. Thậm chí cả trường trung học mới có vài tay biết huýt sáo kiểu này. Người ta chỉ thấy Xin-đe trưởng nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi huýt được như thế. Nhưng sau khi làm nhóm trưởng Xin-đe không bao giờ đặt ngón tay lên miệng. Việc đó không thích hợp với trưởng nhóm bộ môn thường ngồi cạnh ông giáo dạy tiếng Hung trên bục giảng chiều thứ tư hàng tuần.
Sau hồi sáo huýt, cả bọn đứng tụ tập giữa đường phố. Trô-nóc-cô-sơ quay về chú bé tóc hung:
- Mày chưa nói với chúng nó à?
- Chưa! - Ne-me-tréc trả lời.
pan2
Cả bọn hỏi dồn:
- Cái gì vậy?
Trô-nóc-cô-sơ trả lời thay chú tóc hung:
- Ngày hôm qua ở Viện bảo tàng chúng nó lại làm “anh-sơ-tanh-đơ”!
- Những đứa nào?
- Bọn Pát-xtô. Hai anh em thằng Pát-xtô!
Tất cả đều im lặng.
Cần hiểu “anh-sơ-tanh-đơ” là gì. Đây là tiếng lóng của trẻ con ở Bu-đa-pét. Trong khi chơi ăn bi, ăn bút hay ăn bánh ngọt, tiếng thủ đô gọi là trò chơi Bốc-xen-li, người khỏe chơi với người yếu hơn mình mà muốn cướp lấy các thứ ăn thua của trò chơi thì nói: “anh-sơ-tanh-đơ!”. Cái tiếng Đức mỉa mai này có ý nghĩa là cậu bé khỏe hơn sẽ công bố món bi là chiến lợi phẩm của cậu. Nếu ai chống cự, cậu ta sẽ dùng sức mạnh mà uy hiếp. Như vậy tiếng “anh-sơ-tanh-đơ” đồng thời cũng là lời tuyên chiến. Nó cũng là lời tuyên bố ngắn gọn nhưng rõ rệt của tình trạng bị bao vây, của bạo lực, của uy lực kẻ mạnh và quyền ăn cướp.
Với giọng tế nhị, vẻ lo ngại, Tre-le hỏi:
- Chúng nó làm “anh-sơ-tanh-đơ” á?
- Chứ sao! - Ne-me-tréc mạnh bạo trả lời sau khi thấy sự việc có tác động mạnh đến thế.
Bấy giờ Ghe-rếp mới lên tiếng:
- Không thể chịu được nữa. Tao đã bảo từ lâu là phải “chơi” nhưng Bô-co lúc nào cũng cứ cáu kỉnh gạt phắt đi. Nếu bọn mình không làm gì thì chúng nó sẽ nện bọn mình đấy.
Trô-nóc-cô-sơ đưa hai ngón tay lên miệng thổi, báo hiệu sẵn sàng gia nhập bất cứ cuộc “cách mạng” nào.
- Mày đừng làm điếc tai tao! - Bô-co nói và giật tay bạn xuống, rồi quay sang chú bé tóc hung, vẻ nghiêm nghị, cậu hỏi: - Sự việc xảy ra thế nào?
- “Anh-sơ-tanh-đơ” ấy à?
- Chứ sao! Xảy ra khi nào?
- Chiều hôm qua!
- Ở đâu?
- Viện bảo tàng!
Bọn trẻ gọi khu vườn Viện bảo tàng như vậy.
- Mày kể đi, kể tỉ mỉ sự thật đã xảy ra. Chúng ta phải biết rõ sự thật nếu chúng ta muốn chống lại chúng.
Ne-me-tréc hồi hộp. Chú bé cảm thấy chú đã trở thành trung tâm của một sự việc quan trọng. Chuyện như thế này ít xảy ra đối với chú. Ne-me-tréc đối với mọi người chỉ là không khí thôi. Chú giống như con số 1 trong số học, không nhân mà cũng chẳng chia được. Chẳng ai quan tâm đến chú cả. Chú là đứa trẻ gầy gò vô dụng. Hình như vì thế mà chú trở thành một nạn nhân dễ dãi cho tất cả. Chú lên tiếng kể, các bạn chụm đầu nghe.
- Thế này nhé. - Chú nói. - Sau khi ăn cơm trưa xong, chúng tớ đi vào Viện bảo tàng. Ve-i-xơ, tớ, Ri-khơ-te, Côn-nay và Bo-ro-ba-sơ. Lúc đầu chúng tớ định chơi cướp bóng trong phố Ét-te-ha-di, nhưng bóng là của bọn lớp nghiệp thực (Trường nghiệp thực hay hiện thực là kiểu trường trung học ở Hung gồm 8 lớp tồn tại trước năm 1945 mà người ta không dạy các thứ tiếng cổ điển: tiếng Hy Lạp cổ đại và tiếng La-tinh. Những trường có dạy các thứ tiếng trên có tên là trường nhân nghiệp hay trường trung học xã hội), chúng nó không cho chơi. Lúc ấy Bo-ro-ba-sơ nói: “Đi vào Viện bảo tàng chơi bi ở bên tường, chúng mày ạ!”. Chúng tớ chơi thế này: mỗi đứa bắn một viên. Ai bắn trúng viên bi đã đi rồi thì sẽ được toàn bộ số bi. Chúng tớ lần lượt bắn. Ở chân tường đã có mười hai viên trong đó có hai viên bi bóng. Thình lình Ri-khơ-te kêu lên: “Chết rồi, bọn Pát-xtô đến!”. Đúng là hai anh em thằng Pát-xtô tay đút túi, đầu cúi, đã đến phía góc tường. Chúng đi chầm chậm làm chúng tớ rợn tóc gáy. Chúng tớ có năm đứa, nhưng chẳng ăn thua gì, vì hai chúng nó có thể địch nổi mười thằng. Với lại cũng chẳng tính được năm vì nếu có gì nguy là Côn-nay chạy béng đi, Bo-ro-ba-sơ cũng chạy nốt, như vậy chỉ còn lại ba. Có thể tớ cũng tẩu thoát, rốt cuộc chỉ còn hai thôi. Và nếu cả năm chúng tớ cùng chạy thì cũng chẳng thoát được vì bọn Pát-xtô chạy nhanh lắm, chúng nó sẽ đuổi kịp ngay. Thế rồi anh em Pát-xtô đến. Chúng lại gần và đăm đăm nhìn đống bi. Tớ nói với Côn-nay: “Chúng nó thích bi của bọn mình!”. Ve-i-xơ thông minh nói ngay: “Chúng nó đến “gây” một anh-sơ-tanh-đơ to đấy!”. Nhưng tớ nghĩ rằng chúng sẽ không đánh bọn tớ vì bọn tớ có làm gì bọn nó đâu. Lúc đầu chúng chẳng gây gổ gì, chỉ đứng xem bọn tớ chơi. Côn-nay nói thầm với tớ: “Ne-me-tréc ơi, đừng chơi nữa!”. Tớ nói với nó: “Đừng thế nào, đã quá lượt mày, mày không bắn trúng, bây giờ đến lượt tao đi, nếu tao được thì chúng mình không chơi nữa!”. Rồi Ri-khơ-te bắn. Tay nó run run vì sợ, mắt liếc bọn Pát-xtô. Tất nhiên là nó bắn trượt. Bọn Pát-xtô cũng chẳng động đậy, chỉ đứng đút tay vào túi. Sau đó đến lượt tớ, tớ bắn trúng. Tớ được toàn bộ số bi. Tớ chạy đến đống bi, dễ tới ba mươi viên, định nhặt lên thì thằng Pát-xtô, thằng em ấy, chặn tớ lại. Nó kêu lên: “Anh-sơ-tanh-đơ!”. Tớ nhìn về đằng sau thấy Côn-nay và Bo-ro-ba-sơ đã chạy. Ve-i-xơ đứng cạnh tường, mặt mày xanh xám. Ri-khơ-te còn đang nghĩ có nên chạy không? Tớ thử nói tử tế. Tớ nói: “Này các anh, các anh không có quyền nhé!”. Lúc ấy thằng Pát-xtô anh đã nhặt bi lên nhét vào túi hắn rồi. Thằng anh túm ngực áo tớ kêu: “Mày không nghe “anh-sơ-tanh-đơ à?” thế là tớ cũng chẳng nói gì nữa. Ở cạnh tường, Ve-i-xơ bắt đầu khóc nức nở. Côn-nay và Bo-ro-ba-sơ thì đứng trong góc Viện bảo tàng lấm lét nhìn xem chuyện gì sẽ xảy ra. Bọn Pát-xtô nhặt hết số bi, chẳng nói chẳng rằng, cứ thế bỏ đi. Toàn bộ chuyện là như thế.
- Chuyện dễ nghe thật! - Ghe-rếp giận dữ nói.
- Đúng là quân ăn cướp!
Tre-le nói vậy. Trô-nóc-cô-sơ huýt sáo một tiếng, báo hiệu mối nguy nan sắp đến. Bô-co đứng lặng người, nghĩ ngợi. Lũ trẻ nhìn Bô-co, tò mò muốn biết xem cậu ta sẽ nói gì đối với những chuyện mà các bạn đã phàn nàn từ mấy tháng nay, nhưng Bô-co không thèm để ý đến. Trong trường hợp này, sự bất công tột độ đã kích động đến cả Bô-co.
Cậu nói nhỏ nhẹ:
- Bây giờ ta đi ăn trưa đã. Chiều đến ta gặp nhau trên bãi đất trống. Ở đó bọn mình sẽ bàn tất cả. Chuyện này làm tao tức lắm.
Chuyện vừa rồi đã làm cho Bô-co nổi giận, cả bọn đều hồ hởi khi nghe lời tuyên bố của Bô-co. Trong giây phút này Bô-co càng đáng mến phục hơn. Chúng như muốn ôm hôn Bô-co. Chúng mỉm cười, âu yếm nhìn cậu ta, nhìn cái đầu nhỏ thông minh, nhìn đôi mắt đen óng ánh của người bạn đang rực lên ngọn lửa căm phẫn.
Bọn trẻ về nhà. Một hồi chuông giòn giã reo vang trong thị xã. Mặt trời rực rỡ. Tất cả đều đẹp và chan chứa niềm vui. Bọn trẻ đang đứng trước những sự việc vĩ đại. Chúng ước ao hành động và chờ đợi một sự việc sắp xảy đến. Vì nếu Bô-co nói cái gì thì điều đó nhất định sẽ được thực hiện.
Bọn trẻ đi, đi mãi theo hướng đường Uyn-luê. Trô-nóc-cô-sơ và Ne-me-tréc tụt lại. Khi Bô-co quay nhìn, thấy hai bạn đang đứng bên cửa sổ hầm lò nhà máy thuốc lá. Những sợi thuốc mịn màng đang chảy xuống thành tảng vàng, dày đặc.
- Thuốc lá! - Trô-nóc-cô-sơ vui sướng reo lên. Chú huýt sáo một cái và hít vào mũi những sợi thuốc vàng khè.
Ne-me-tréc khoái trá cười như chú khỉ con, rồi cũng nhoài người đến hít hít những sợi thuốc từ trên ngón tay nhỏ mỏng manh. Hai đứa vừa đằng hắng, sặc sụa, vừa rảo bước trên phố Quê-dơ-te-léc, lòng đầy phấn khởi vì vừa phát hiện ra chuyện lạ này. Trô-nóc-cô-sơ hắt hơi, khạc dữ dội như một khẩu đại bác. Chú bé tóc hung chỉ khò khè thở hít như con thỏ biển khi người ta trêu nó. Hai đứa cười nói, chạy nhảy. Trong giây lát, niềm vui sướng này làm chúng quên đi sự bất công to tát đến mức làm cho Bô-co, anh chàng ít nói và nghiêm nghị, cũng phải tỏ thái độ giận dữ của mình.
Những Cậu Con Trai Phố Pan Những Cậu Con Trai Phố Pan - Molnár Ferenc Những Cậu Con Trai Phố Pan