Chương 5
ôi tìm giọng nói của cha. Trong trí nhớ của tôi, tôi hầu như chỉ nghe thấy giọng nói của mẹ, hiện diện khắp nơi. Còn cha là một cái bóng im lìm, bị xóa.
“Có chứ, cha em có nói mà. Chỉ có em và các chị em của em, con cái của ông không nghe ông thôi”, Benoit cha của các con gái tôi nói với tôi.
Tôi phản đối. Lẽ nào tôi lại sai?
“Ừ thì bọn em không nghe cha nói.”
Cha học ở trường Việt nên sang Pháp mà vẫn không đổi được phát âm. Cách nói tiếng Pháp của cha khiến chúng tôi bực mình, chúng tôi suy nghĩ và mơ cũng bằng tiếng Pháp. Chúng tôi không đủ kiên nhẫn để nghe hết những câu cha nói. Cha bảo cha xấu hổ vì chúng tôi, con cái cha đẻ ra mà không biết nói một từ tiếng Việt. Cha nài nỉ nhưng chẳng làm gì được, chúng tôi từ chối ngôn ngữ này, chúng tôi muốn trở thành người Pháp như những người khác. Cha đành chịu. Hẳn là khủng khiếp khi bị cảm giác mình là kẻ xa lạ trong chính gia đình mình, bị bật ra ngoài vì nói một thứ tiếng không giống ai.
Cha đọc rất ít sách Pháp, ngoài Ba chàng ngự lâm pháo thủ mà ông nội tôi đã đọc cho cha ngày trước. Chúng tôi ngồi dán mắt vào màn hình vô tuyến của phòng ngủ hay bếp, xem Bervely Hills[7]/ La grande Vadouille[8]/ phim truyền hình nhiều tập chiều Chủ nhật trên kênh M6/ Le maillon faible[9]/ Star Academy[10]/ Sous le soleil[11]. Vô tuyến đã khiến chúng tôi ngồi lại bên nhau, cha – người Việt, chúng tôi – người Pháp. Sau này tôi không còn khoe chuyện này nữa. Tôi khám phá ra sự khác nhau giữa những ai đọc Télé 7 jours[12] (chúng tôi) và những ai đọc Télérama[13] (cha mẹ của các bạn tôi). Ôi vô tuyến, giờ đây tôi không khoái mấy, trừ kênh Arte là tuyệt vời, các kênh còn lại là đồ rác rưởi, tôi thường tự hỏi làm sao người ta có thể mê muội hàng giờ trước những thứ ngu xuẩn như thế. Và tôi ỉm đi các buổi tối nằm ườn trong giường cha mẹ tôi vừa ăn khoai tây chiên vừa xem Buffy chiến đấu với ma cà rồng[14]: Cha tôi rất thích Buffy nhân vật nữ chính.
Chính bằng tiếng Việt mà cha tìm lại giọng nói thật của mình. Bằng tiếng Việt, cha đã nói chuyện văn chương và thi ca với bạn bè của cha. Về thế giới đó, về giọng nói từ tâm hồn của cha, chúng tôi chưa bao giờ biết một cái gì. Chúng tôi đã không muốn biết. Cha vừa cất lời nói bằng ngôn ngữ của mình là giọng cha nặng hơn. Người đi ngang đường thỉnh thoảng ngoái lại nhìn. Lúc còn bé tôi lấy làm xấu hổ vì điều ấy. Ngày hôm nay, tôi lại xấu hổi vì đã xấu hổ như thế. Tất cả thiếu niên đều chối bỏ cha mẹ. Nhưng đối với những đứa trẻ con nhà di dân thì sự chối bỏ ấy còn độc ác hơn: Xấu hổ về cha mẹ có nghĩa là xấu hổ về nguồn gốc, xấu hổ về cái làm nên con người mình, đơn giản vậy thôi.
Cha tôi đặt chân đến Pháp lúc chưa đầy đôi mươi. Không biết một từ tiếng Pháp nào. Cha ghi danh vào khoa Y. Cha cần mẫn đến nghe tất cả các môn học mà chẳng hiểu nổi câu nào. Cha học tất cả bản in sao của khoa qua băng. Ngày hôm nay, cha cũng rơi vào tình trạng y hệt như vậy. Lạc trong một miền đất mà ngôn ngữ của nó cha không còn hiểu nữa. Năng lực tri thức của cha không được đem ra sử dụng. Lost in translation, lang thang vô định giữa một vũ trụ mà mọi dấu hiệu đều là bí mật với cha. Cha cố nói vài từ. Bonjour. Bonne nuit. Ami[15]. Nhưng nói chung là cha cười một cách dịu dàng hoặc giả vờ đang theo đuổi câu chuyện và thỉnh thoảng đệm vào một câu cảm thán “Ổ!”.
IRM[16] đã nghiên cứu hoạt động của bộ não dựa vào cách cho nghe nhiều ngôn ngữ khác nhau. Não trở nên hoạt bát khác thường khi được nghe tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, nó rơi vào tình trạng nghỉ ngơi khi nghe những âm thanh quá xa lạ, ví dụ như ngôn ngữ của vùng Tamoul hay vùng Fars. Lúc ấy cha như bị kẹt trên nút off. Cha khiến tôi nghĩ tới những người di dân lậu, vượt qua các vùng miền với những ngôn ngữ xa lạ, dao động không ngừng từ sự khác biệt này đến sự khác biệt kia, chỉ biết bám vào mấy từ có thể hiểu được: “Calaisse?[17] Calaisse? This way?”[18].
Ở tuổi 73, cha trở lại làm một kẻ tha hương như thế, làm một du khách lang thang tìm lại miền quê đã mất. Học xong đáng lẽ cha phải quay lại Việt Nam nhưng cuộc đời cha đã rẽ sang một lối khác. Biến cố tháng Tư 1975. Cả cha lẫn mẹ đều hiểu là họ sẽ không quay về nước nữa. Cha không bao giờ chấp nhận điều ấy. Trong một thời gian dài, cha mắc chứng mộng du. Ðêm nào, cha cũng thức dậy rồi cầm lấy chìa khóa xe hơi. Cha nói: “Mình về nhà thôi”. Mẹ thì thào nho nhỏ: “Nhà mình đây mà anh, quay lại ngủ đi”.
Khi đến công sở, cha bao giờ cũng rất đâu vào đấy, thẳng như một chữ I. Nhưng vừa về đến nhà là cha thay đổi ngay lập tức. Cha cởi bộ “áo giáp”, bộ quần áo quá chật dùng để mặc đi làm, rồi cứ thế để quê hương đã mất của cha tan chảy trong tâm hồn như thể đó là chì lỏng. Quần đùi, áo may ô hoặc pyjama, cha ngồi ườn trong một chiếc ghế bành, tan nát bởi ngày thứ bao nhiêu phải đi sai đường. Ta xa quê hương như con sâu kẹt lối, một thi sĩ Việt Nam đã viết như thế. Khi buộc phải chối bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ, kẻ tha hương là cha lại rời xa bản thân mình hơn một chút nữa?
Ðôi khi, thân thể ta nói hộ chính ta. Khi còn ở Việt Nam, cha không bao giờ bị dị ứng hay hen. Tất cả những bệnh này, kể cả ho, cha đều mắc khi sang Pháp, như thể cơ thể của cha nổi dậy chống lại những thứ xa lạ xung quanh, khí hậu, ngôn ngữ.
Từ khi cha bị tai biến mạch máu não, dị ứng và hen biến mất. Những chai xịt Ventoline chất đống không dùng đến: Cha hết ho, hết khó thở, như thể ngôn ngữ trong khi lẩn trốn đã tự cởi bỏ chiếc áo lót quá ngột ngạt. Thậm chí khuôn mặt cha cũng thay đổi. Trước tai biến, cha hơi béo phị, da bị đỏ, sống cẩu thả, quá nhiều việc, lo âu, mỡ trong máu, rượu vang. Căn bệnh mất ngôn ngữ đã dẫn đến một thay đổi lớn trong các thói quen ăn uống của cha. Cha thon thả hơn, khuôn mặt gọn hơn, tóc bắt đầu đen trở lại.
Triết gia Hy lạp Pyrrhon d’Elis ca ngợi chứng mất ngôn ngữ như con đường dẫn tới minh triết, bước đầu tiên đến tĩnh tâm tuyệt đối. Sự dửng dưng của một người không còn chút xúc động nào và cắt đứt hoàn toàn với thế giới xung quanh.
Ngắm cha như một nhân sư bất động trước hình ảnh các vùng đất xa xôi trong chương trình truyền hình Planète, tôi tự hỏi có phải cha đã trở thành một người được giải phóng khỏi cái nặng nề của ngôn từ, thứ ngôn từ mà ta không thể kéo về phía mình, thứ ngôn từ làm tổn thương. Ngôn từ: một tấm lưới ngoắt ngoéo của ảo tưởng mà chúng ta giăng cho những kẻ chúng ta yêu.
Trong tiểu thuyết Bảo tàng của im lặng của Yôko Ogawa[19], những thầy thuyết giáo về im lặng trú ẩn trong một tu viện xa xôi nằm trên đỉnh một ngọn núi. Họ lặng lẽ làm công việc lắng nghe các bí mật của người khác. Thân thể họ trở thành một cái kho chứa tất cả những ngôn từ đã không thể được nói ra. Bao nhiêu ngôn từ, bao nhiêu bí mật cha tôi đang ẩn giấu trong người?
Những câu hỏi bật lên. Không có trả lời. Tôi nói một mình. Tôi quyết không từ bỏ các hội thoại mà cha và tôi chưa bao giờ có với nhau. Tôi tiếp tục hy vọng. Có thể cha đã quên tiếng Pháp, có thể một sáng đẹp trời nào đó cha sẽ thức dậy và nói tiếng Việt? Chúng tôi đã đợi rất lâu, nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Thế nhưng, đôi khi, giọng nói của cha bất ngờ trở lại. Khi cha nói “đi ngủ” bằng tiếng Việt, giọng cha trở lại đúng như giọng mà chúng tôi từng biết. Thật không biết đằng nào mà lần.
Mẹ tôi không bao giờ chịu bó tay. Mẹ chiến đấu chống lại sự im lặng của cha và những câu chữ biểu lộ sự thật một cách tàn nhẫn. Ví dụ, từ “tàn tật” tát vào mặt mẹ như một lời nhục mạ. Không có bệnh, không bị tàn tật, chẳng có gì phải thông báo cả, mẹ tự tin nói. Trong một thời gian dài, mẹ cương quyết không dán vào kính xe hơi cái dấu tròn ghi “Di chuyển khó khăn” mà mẹ coi như một ngôi sao vàng sáu cánh ô nhục[20], mẹ cũng dỗi với chiếc xe đẩy, mẹ nói “Cha vẫn bước được mà!”, và thường buộc chúng tôi phải ngồi im. Rồi, ngày một ngày hai, mẹ cũng tìm cách khiến từ này dịu đi. “Tàn tật” không còn là một câu chửi. Thế nhưng, không bao giờ mẹ chấp nhận sự thật rõ như ban ngày là cha không nói được và sẽ không nói được nữa. Với mẹ, cha nói một ngôn ngữ khác mà chúng tôi không có khả năng hiểu, vậy thôi. Và thế là, bản chất thật thà và bướng bỉnh, mẹ tự cho mình vai trò phiên dịch. Phiên dịch ngôn ngữ của im lặng.
Ðôi lúc tôi đặt câu hỏi về cuộc sống thường nhật của cha và mẹ. Cha thì câm, còn mẹ thì nói nhiều. Mẹ vừa hỏi vừa tự trả lời. Giống như hai con gái của tôi khi chúng chơi Playmobil. Với một sự cứng đầu đáng khâm phục, mẹ tiếp tục đặt cha tôi vào trung tâm của các cuộc nói chuyện. “Cha nói rằng, cha nghĩ rằng…”, mẹ nhắc đi nhắc lại đầy tin tưởng. Mẹ đưa điện thoại về phía chúng tôi: “Này, cha muốn nói với con”. Mẹ huênh hoang trấn an cả nhà rằng từ giờ trở đi cha nói và viết bằng tiếng Hoa phổ thông. Rồi mẹ khoe những chữ Hoa mà cha vẽ tuyệt đẹp bởi cha tô lại chúng trên những cuốn tranh khắc.
“Trước đây anh ấy có biết nói tiếng Hoa bao giờ đâu. Làm thế nào mà bây giờ anh ấy lại nói và viết tiếng Hoa được?”, một cô em gái của cha hoang mang hỏi lại.
Ravel cuối đời thổn thức: “Trong đầu tôi có bao nhiêu âm nhạc. Tôi chưa nói ra và có nhiều thứ phải nói ra.”
Cha tôi chưa nói gì với tôi. Thế nhưng tôi có nhiều chuyện muốn hỏi cha.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng