Vòng Tốc Độ
rò chơi Kim Tự Tháp 20.000$ có hai vòng. Mẹ gọi vòng đầu là Vòng Tốc Độ bởi vì nó đòi hỏi tốc độ thật nhanh. Người dự thi phải cố gắng làm cho đồng đội của mình - một nhân vật nổi tiếng - đoán được bảy từ thông dụng bằng cách đưa ra một số gợi ý. Ví dụ như, nếu từ đầu tiên là “nĩa” thì người dự thi có thể nói: “Bạn dùng nó để cho thức ăn vào miệng nhưng không phải là muỗng mà là...”
Nếu anh ta có cái đầu, mà theo mẹ thì cũng có thể không, người đồng đội nổi tiếng sẽ nói: “Nĩa.” Khi đó sẽ có một tiếng chuông báo hiệu và từ tiếp theo sẽ xuất hiện trên một màn hình nhỏ. Mỗi người có ba mươi giây để đoán bảy từ. Sau đó cái màn hình sẽ xoay đổi hướng và đến lượt người nổi tiếng gợi ý còn người dự thi đoán từ. Bảy từ nữa và ba mươi giây nữa. Rồi màn hình lại đổi hướng, đến phiên người dự thi gợi ý.
Vòng Tốc Độ có tổng cộng cao nhất hai mươi mốt điểm cho ba lượt, đội nào đạt điểm tối đa sẽ được thưởng hai nghìn một trăm đô-la. Nhưng điều quan trọng nhất là phải đánh bại các đội khác, bởi vì đội đoạt giải nhất vòng tốc độ sẽ được vào Vòng Chiến Thắng, nơi có một khoản tiền lớn đang chờ đợi họ.
o O o
Tối nay mẹ không có nhiều thời gian luyện tập vì có một cuộc họp của những người thuê nhà. Hàng tháng, những người thuê các căn hộ trong tòa nhà họp một lần ở phòng khách nhà tôi để phàn nàn, còn mẹ thì có nhiệm vụ ghi chép. Hầu hết mọi người không buồn đến dự, ngoại trừ những người già ít có dịp đi đâu và luôn càu nhàu rằng nhà họ không đủ ấm. Mẹ Sal - bác Louisa - làm việc ở một nhà an dưỡng. Bác bảo rằng những người già thường dễ bị lạnh.
Sau mỗi buổi họp như thế, chiếc ghế sofa nhà tôi thường bị thủng thêm một lỗ do điếu thuốc của ông Nunzi, còn mẹ thì viết một lá thư sao thành hai bản, một bản gởi cho chủ nhà, một bản gởi cho một cơ quan nhà nước nào đó, có thể họ sẽ quan tâm đến chuyện nhà cửa của chúng tôi, chẳng hạn như thang máy thường bị kẹt giữa hai tầng hay mọi người không có nước nóng khi cửa lớn bị khóa. Nhưng chẳng bao giờ có gì thay đổi cả.
Chuông cửa nhà tôi sẵn sàng reo bất cứ lúc nào. Mẹ đang tranh thủ luyện tập vài vòng tốc độ với chú Richard trong khi tôi làm nước chanh và dọn bánh Oreo ra đĩa.
Tiếng gõ cửa quen thuộc của bác Louisa vang lên. Tôi ra mở cửa với đĩa bánh trên tay. Bác thở dài mệt mỏi, nhón một chiếc bánh Oreo. Bác mặc quần jean và vẫn còn mang đôi giày y tá trắng. Bác đá đôi giày rớt xuống ngưỡng cửa rồi bước vào. Bác ghét những cuộc họp thế này nhưng vẫn vì mẹ mà đến. Hơn nữa, cũng cần có người trông chừng điếu thuốc của ông Nunzi để khỏi vô tình gây hỏa hoạn.
“Bác dùng nước chanh không ạ?” tôi hỏi. Tôi không thích làm bồi bàn trong những cuộc họp hành của mẹ, nhưng lúc nào tôi cũng sẵn lòng mời nước bác Louisa.
“Có nước chanh thì tuyệt!” Bác theo tôi vào bếp.
Ngay khi bác Louisa vừa cầm ly nước lên thì chuông cửa reo một tràng dài liên tục. Tại sao, tại sao, tại sao họ cứ phải nhấn và giữ chuông như thế?
“Những người già,” bác Louisa lẩm bẩm như thể đọc được suy nghĩ của tôi, “Họ quá quen với việc bị bỏ rơi.” Bác với lấy hai cái bánh nữa rồi ra mở cửa. Bác Louisa thường không ăn những thứ mà bác gọi là thức ăn chế biến, nhưng bác nói bác không thể chịu nổi suốt cuộc họp của những người thuê nhà nếu không có “vị cứu tinh” Oreo.
Mười lăm phút sau, mẹ ngồi bệt dưới sàn phòng khách, ghi chép tốc ký những gì mọi người tranh nhau ca cẩm, nào là thang máy quá bẩn, cầu thang có những mẩu thuốc lá vứt bừa bãi, còn cái máy sấy ở tầng hầm thì nóng quá làm chảy dây thun quần của ai đó.
Tôi đứng dựa vào tường ở phòng khách, nhìn mẹ giơ tay ra dấu cho bà Bindocker nói chậm lại. Khi bà Bindocker đã bắt đầu “mở đài” thì ngay cả tài tốc ký siêu việt cũng mẹ cũng không cách gì theo kịp.
Lần đầu tiên nhìn thấy căn hộ này, mẹ đã la toáng lên. Mọi thứ đều dơ bẩn, mẹ bảo thế. Sàn nhà gỗ “đen thủi đen thui,” cửa sổ “đóng bụi tám lớp,” còn các bức tường thì loang lổ những thứ mà mẹ “thậm chí không dám nghĩ tới.” Luôn luôn là những từ ngữ quen thuộc đó.
Ngày hôm đó tôi cũng có mặt, nằm cuộn tròn trong cái làn em bé. Trời khá lạnh và mẹ mặc một chiếc áo khoác mới. Trong tủ không có móc áo, mà mẹ thì không muốn để chiếc áo lên mặt bàn đầy bụi hay bỏ xuống sàn nhà, vì vậy nên mẹ mặc nó luôn trong khi đi ngắm các căn phòng, tự nhủ cũng không quá tệ.
Lúc này đây, tôi vẫn thường suy nghĩ xem khi đó có chỗ nào cho mẹ để áo khoác không.
“Sao mẹ không vắt nó lên thanh ngang trong tủ quần áo?”
“Bụi lắm,” mẹ đáp.
“Thế thì để trên bậu cửa sổ?”
“Bụi lắm.”
“Thế thì vắt lên cửa phòng ngủ vậy.”
“Mẹ với không tới,” mẹ đáp, “và bụi lắm.”
Ngày hôm đó, gần mười hai năm trước, mẹ vẫn mặc
chiếc áo khoác, nhấc cái làn có tôi trong đó lên, đi ra cửa hàng mua một cây lau nhà, một ít xà bông, túi rác, một cuộn giấy dán kệ, miếng chùi rửa, một chai nước xịt kiếng và một cuộn khăn giấy.
Trở về nhà, mẹ quẳng hết mọi thứ xuống sàn. Sau đó mẹ cởi áo khoác, chuồi nó vào một cái túi rỗng mang về từ cửa hàng. Mẹ treo túi áo khoác lên tay nắm cửa rồi bắt tay vào lau chùi căn hộ suốt buổi chiều. Lúc đó, mẹ kể, tôi chỉ biết rúc vào cái làn say sưa ngủ.
Cũng trong ngày đầu tiên đó, mẹ gặp bác Louisa dưới tiền sảnh khi cả hai cùng đi đổ rác. Bác Louisa cũng là một bà mẹ độc thân. Bác đang ẵm Sal còn Sal thì đang khóc nhè. Nhưng khi vừa thấy tôi, cậu ấy nín khóc ngay.
Tôi thuộc lòng câu chuyện này bởi vì tôi thường đòi mẹ kể đi kể lại - câu chuyện về lần đầu tiên tôi gặp Sal.
Người Bạn Bí Ẩn Người Bạn Bí Ẩn - Rebecca Stead Người Bạn Bí Ẩn