Chương 4
8
Không ai nhận thấy tôi đến vì tiếng nhạc ồn ào và tiếng mọi người nói chuyện. Những buổi tiệc tùng cao cấp làm tôi thấy lo lắng và tôi sẽ rất vui nếu có thể bỏ qua bữa tiệc tốt nghiệp của Raghav ngày hôm ấy. Tôi đến chỉ vì không muốn bị coi là kẻ ghen tị.
Tôi không cảm thấy chút ghen tị nào. Trường cao đẳng của tôi, Ganga ba tháng nữa sẽ khánh thành. Sau ba năm làm việc ngày đêm, tòa nhà của tôi đã được hoàn thiện. Tôi thậm chí còn sắp xếp được thời gian biểu cho các cuộc phỏng vấn tuyển mộ giảng viên và có được ngày Ủy ban Toàn Ấn về Đào tạo Kỹ thuật đến thanh tra. Một tấm bằng dở hơi của BHU chẳng có mấy ý nghĩa khi tôi sắp sửa cấp bằng của riêng mình.
“Chào!” Raghav nói giọng hơi ngà ngà. “Anh bạn, cậu đã ở đâu vậy?”
“Đàm phán với công ty bán máy tính,” tôi đáp.
Raghav có vẻ như không nghe thấy.
“Cho trường của tớ. Bọn tớ đang thành lập trung tâm máy tính,” tôi nói thêm.
Raghav giơ tay. “Hay đấy. Đập tay nào!”
Cậu ta đập tay tôi mạnh đến phát đau.
“Cậu phải uống chứ,” Raghav nói. “Quầy bar kia kìa.”
Cậu ta ra hiệu về phía bàn ăn, trên đó bày bia, rượu rum và Coca. Dân tình tự pha đồ uống vào cốc giấy. Bố mẹ Raghav đã đồng ý ngủ đêm ở nhà người họ hàng để Raghav và bạn bè cùng trường có được một đêm xả láng.
Tôi nhìn những người bạn của Raghav. Ba mươi anh chàng, phần lớn đeo kính, mặc áo thun cũ và huyên thuyên về những lời mời làm việc, và chỉ có ba nàng - xét theo thời trang thiếu phong cách của họ - thì chắc chắn là đến từ một đại học kỹ thuật.
Tôi lấy cho mình một ly rum pha Coca. Tôi tìm đá. Trên bàn không có nên tôi vào bếp. Một cô gái mặc váy dài đang quay lưng về phía tôi và cắm nến lên một cái bánh sô cô la khổng lồ. Trên cái bánh có trang trí hình răng cưa và dòng chữ “Chúc mừng tốt nghiệp” được xếp bằng hạt hạnh nhân trắng, nét chữ nghịch ngợm.
“Gopal!” Aarti nói khi thấy tôi đánh vật với khay đá vừa lôi trong tủ lạnh ra.
Giọng nói của nàng làm tôi giật minh.
“Bao nhiêu lâu rồi nhỉ?” Aarti nói, “có đến một năm chưa?”
Tôi đã không liên lạc với nàng. “Chào,” tôi chào nàng.
Không phải là tôi muốn tránh nàng. Chỉ có điều tôi không thấy có lợi ích gì trong việc giữ liên lạc với nàng nữa. Tôi nhận ra rằng la hét công nhân xây dựng còn có hiệu quả hơn là nghe những câu chuyện về những cuộc hẹn hò của nàng với bạn trai. Tôi bắt đầu lờ các cuộc điện thoại của nàng, và nàng cũng sớm vuột đi.
“Ừ, anh xin lỗi. Là lỗi của anh,” tôi nói. “Công trường bận quá.”
Nàng lấy cái khay đá trên tay tôi, vặn các viên đá rơi ra và thả hai viên vào cốc tôi.
“Em không cần anh giải thích. Em hiểu là giờ mình không quan trọng với anh đến thế nữa.”
“Không phải thế. Anh có công trường của anh, em thì có Raghav,” tôi nói. “Chúng ta đều có cuộc sống của mình và...”
“Em có bạn trai. Nhưng không có nghĩa anh ấy là cả cuộc đời em, được chứ?” Aarti nói.
“Phải, nhưng cậu ấy có vẻ như thế đấy, không phải sao?”
Tôi mời nàng ly của tôi. Nàng từ chối. Nàng quay lại với việc trang trí bánh.
“Chẳng có gì như vậy cả. Không ai có thể quan trọng đến như vậy.”
“Tại sao?” tôi nói. “Có gì không đúng sao?”
“Không, không,” nàng đáp, hơi quá nhanh, tôi nghĩ. “Ổn cả. Raghav đã tốt nghiệp. Anh ấy được mời làm việc ở Infosys. Khóa học hàng không của em cũng sắp xong rồi. Mọi thứ đều rất ổn.”
“Gì ổn?” tôi nói.
“Hai đứa.”
“Hai đứa?”
“Em và Raghav,” nàng nói.
“Tất nhiên rồi,” tôi nói.
Nàng nhấc cái bánh lên để đem nó cho Raghav.
“Anh sẽ giữ liên lạc,” tôi nói.
“Thế thì hay quá. Cả năm nay rồi em chưa được lên thuyền,” nàng mỉm cười.
Nàng Aarti khó hiểu, nhũng nhiễu đã trở lại. Ý nàng là gì nhỉ? Nàng có nhớ những lần bơi thuyền không? Nàng có nhớ khi ở bên tôi không? Nàng đang quăng cho tôi một khúc xương hay chỉ đang tỏ ra vui tính? Tôi bước ra khỏi bếp, suy nghĩ mông lung.
Mọi người vây quanh Raghav. Tay cậu ta cầm dao. Aarti đứng bên cạnh cậu ta. Raghav cắt cái bánh. Mọi người vỗ tay và hò la. Tôi đoán hẳn tốt nghiệp đại học là một việc lớn. Raghav mời Aarti miếng bánh đầu tiên. Aarti đưa Raghav một miếng.
Lúc cậu ta há miệng ra, Aarti trét miếng bánh lên mặt cậu ta. Mọi người phá lên cười và vỗ tay thật to. Tôi cảm thấy lạc lõng. Tôi làm cái của khỉ gì ở đây thế này? Sao những người này lại mời tôi đến làm gì?
“Phát biểu! Phát biểu!” đám đông bắt đầu yêu cầu Raghav. Aarti lấy một tờ giấy ăn lau mặt cho cậu ta.
“Vâng, thưa các bạn, chúc mừng tất cả các bạn nhân dịp tốt nghiệp,” Raghav nói. “Chúng ta đã có bốn năm tuyệt vời bên nhau. Và khi chúng ta tiến tiếp trên đường đời, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ luôn dành một vị trí đặc biệt cho ngôi trường trong trái tim mình.”
“Chúng ta vẫn bên nhau mà anh bạn,” một anh chàng đeo kính ngắt lời cậu ta, “ở Infosys.”
Bảy người trong số họ giơ ly của mình lên. Họ đều nhận được lời mời của công ty phần mềm đó.
“Chúc mừng!” họ nói.
Raghav giữ im lặng. “Thực ra thì tớ có một thông báo,” cậu ta nói. “Tớ sẽ không nhận công việc này.”
“Cái gì?!” cả đám đồng thanh.
“Phải, tớ đã quyết định ở lại đây,” Raghav nói và vòng tay ôm eo Aarti, “để được gần tình yêu của tớ.”
“Phải, đúng rồi,” Aarti nói, lau một giọt băng trên má Raghav. “Nói họ biết lý do thực sự đi.”
“Đấy là lý do thực,” cậu ta khúc khích cười.
“Không,” Aarti nói, hướng về phía đám đông. “Ngài Raghav Kashyap ở lại để làm phóng viên cho tờ Dainik.”
Những tiếng thì thầm ngạc nhiên lan trong đám đông. Raghav đã giữ vị trí tổng biên tập tờ tạp chí của đại học, thậm chí còn thực tập ở một tòa báo. Tuy nhiên ít có người biết cậu ta đủ dũng cảm để bỏ Infosys và làm một phóng viên.
Raghav trò chuyện với bạn bè của cậu ta. Aarti cắt bánh cho mọi người. Âm nhạc ồn ào trở lại. Tôi pha một cốc nữa và dựa người vào tường, tự hỏi nên ra về hay chưa.
Aarti mời tôi một miếng bánh để trên đĩa giấy. Tôi từ chối.
“Thế bao giờ trường của anh mở cửa?” nàng hỏi.
“Ba tháng nữa Ganga sẽ bắt đầu tuyển sinh,” tôi nói.
“Thật sao? Em đăng ký được không?” nàng cười.
“Anh sẽ in luôn bằng cho em nếu em muốn, em thậm chí còn không phải lên lớp nữa,” tôi nói.
“Thật sao?” nàng hỏi, khua khua một ngón tay. “Phải rồi, cấp cho em bằng kỹ sư điện tử như của Raghav. Nhưng điểm phải cao hơn của anh ấy.”
“Chắc chắn rồi,” tôi nói.
Nàng cười to hơn. Tôi đã rất cố gắng trong suốt bốn năm qua để quên được Aarti. Nhưng chỉ một nụ cười của nàng đã xóa sạch nhiều năm nỗ lực. Đột nhiên, tôi cảm thấy như chúng tôi chưa bao giờ xa nhau.
Tôi phải về thôi. “Anh nên về thôi,” tôi lầm bầm.
“Tại sao?” nàng hỏi. “Anh vừa đến mà.”
“Anh không hợp ở đây.”
“Không sao. Em cũng có biết những người này đâu. Toàn kỹ sư ngớ ngẩn. Đi thôi, ra ban công nào.”
Chúng tôi ngồi ở ban công nhà Raghav. Tôi nhấp từng ngụm nhỏ đồ uống của mình. Làn gió nhẹ thổi tóc Aarti vào mặt tôi. Tôi dịch ra xa một chút.
“Em đã hoàn thành khóa học ở học viện hàng không rồi à?” tôi hỏi.
“Rồi, khóa Frankfinn kết thúc hai tháng trước. Em đang nộp đơn vào tất cả các hãng hàng không. Để xem họ có gọi em đi phỏng vấn không,” nàng nói.
“Ở Varanasi làm gì có hãng hàng không nào.”
“Phải, em sẽ phải chuyển đến Delhi hoặc Mumbai. Ở Bangalore còn có một hãng hàng không giá rẻ nữa. Cũng còn tùy.”
“Tùy vào cái gì?” tôi hỏi.
“Xem em trúng tuyển ở đâu. Tất nhiên bây giờ sẽ phức tạp hơn vì Raghav ở lại đây.”
“Cậu ấy cũng có thể làm phóng viên ở những thành phố khác cơ mà,” tôi nói.
“Em đoán thế,” nàng vừa nói vừa gạt tóc ra sau tai. “Nhưng anh ấy thích Varanasi. Anh ấy quen nơi này và các vấn đề ở đây. Đồ uống của anh thế nào? Cho em một ngụm được không?”
Tôi đưa cốc cho nàng. “Cậu ấy được trả bao nhiêu khi đi làm cho Dainik,” tôi hỏi. Tôi phải biết Raghav kiếm được bao nhiêu.
Nàng uống vài ngụm và giữ luôn cốc lại. “Một phần ba lương Infosys trả cho anh ấy,” nàng nói.
“Ôi trời. Bố mẹ cậu ấy nhất trí chuyện đó?”
“Không đời nào! Họ phát điên lên khi anh ấy nói với họ. Không đơn thuần chỉ là vấn đề tiền bạc, mà là anh ấy thậm chí sẽ không dùng đến bằng kỹ sư. Họ vẫn đang giận dữ.”
“Thì sao?”
“Sao cái gì? Anh ấy không quan tâm. Anh ấy cho rằng cách mạng bắt đầu từ trong nhà. Xã hội chỉ thay đổi khi các tiêu chuẩn của từng gia đình bị thách thức.”
“Cách mạng?” tôi hỏi.
“Phải rồi, anh ấy khá là say mê chuyện đó. Đại Cách mạng Ấn Độ. Ôi giời, em uống hết của anh rồi. Em xin lỗi,” nàng nói và chạm tay tôi để xin lỗi.
“Không sao. Anh sẽ pha cốc khác. Em có đồng ý với lựa chọn sự nghiệp của cậu ấy không?”
“Tất nhiên rồi, em tin là một người phải theo đuổi đam mê của mình. Chẳng phải em cũng đang theo đuổi đam mê của em hay sao? Một tiếp viên hàng không cũng không hẳn là một cuộc cách mạng, nhưng dù sao thì đấy cũng là em.”
“Cuộc cách mạng này chính xác là gì vậy?” tôi hỏi, thấy khó chịu.
“À, Raghav tin rằng một ngày nào đó sẽ có một cuộc cách mạng nổ ra ở Ấn Độ, và đó là thứ anh ấy muốn.”
“Tại sao?”
“Đi mà hỏi anh ấy, anh ấy sẽ giải thích cho anh. Chờ đã, em sẽ lấy cho bọn mình cốc nữa.”
Nàng vào nhà. Tôi chờ ở ban công. Tôi không muốn ở cùng với những tay làm phần mềm tự mãn ở bên trong kia. Tôi hình dung một ngày khi sinh viên ra trường của tôi có việc làm. Tôi tự hỏi không biết các công ty phần mềm lớn có bao giờ tới thăm Cao đẳng Kỹ thuật Ganga hay không. Tất nhiên, trước hết chúng tôi phải mở cửa tuyển sinh đã.
Nàng quay lại với một cái khay. Trên đó có hai ly đồ uống, một đĩa bánh kẹp, bánh ngọt và khoai tây chiên.
“Em nghĩ anh có thể sẽ đói,” nàng nói. Aarti là kiểu người luôn chăm sóc người khác như mẹ hiền.
“Cảm ơn,” tôi nói và lấy cốc của mình.
“Giờ thì nói em nghe vì sao anh lại quên em?” Aarti hỏi.
“Ai nói là anh quên em?” tôi đáp lại nàng. Mắt chúng tôi gặp nhau. Cảm giác lúng túng kéo dài khoảng ba giây. Tôi là người chớp mắt đầu tiên.
“Em có điện thoại di động rồi. Anh muốn lấy số của em không?” nàng hỏi.
“Chắc chắn rồi,” tôi nói. Ngài Shukla cũng đưa tôi một chiếc điện thoại di động. Chúng tôi trao đổi số.
“Khi nào đó em muốn thấy trường đại học của anh,” nàng nói.
“Mở trường rồi hẵng hay. Anh sẽ làm lễ khánh thành,” tôi nói.
“Trường học này có phải đam mê của anh không?” nàng hỏi.
“Anh không biết. Đó là cơ hội tốt nhất mà cuộc đời cho anh.”
“Anh đã từng đam mê điều gì chưa Gopal? Cảm giác tuyệt vời lắm,” Aarti nói.
Tôi im lặng trong lúc ngắm nàng, niềm đam mê của tôi.
“Có thứ gì không?” nàng hỏi lại.
“Tiền, anh muốn kiếm thật nhiều tiền,” tôi trả lời.
Nàng giơ tay lên trời. “Ồ, thôi nào,” Aarti nói. “Đấy không phải là đam mê. Đấy là tham vọng.”
“Anh không biết, vào nhà thôi.” Tôi đứng dậy. Tôi không muốn thấy Raghav thấy chúng tôi đứng riêng với nhau.
“Ở lại đây,” nàng phỉnh phờ nói và kéo tay tôi xuống. “Lâu lắm rồi mình không gặp nhau. Anh đang có kế hoạch gì? Anh có bạn gái chưa?”
Tôi lắc đầu.
“Anh phải kiếm một cô đi. Tình yêu tuyệt lắm. Một cảm giác còn hơn cả đam mê,” nàng nói.
“Tình yêu chỉ tuyệt khi người kia yêu lại mình,” tôi nói. Và ngay tức khắc tôi cảm thấy hối tiếc vì câu nói của mình.
“Ối! Đòn dưới thắt lưng rồi.”
“Anh xin lỗi.”
“Lâu lắm rồi mà. Với lại Raghav và em đang hạnh phúc. Rất hạnh phúc.”
“Ta vào trong chứ?” tôi đề nghị.
“Nếu anh cởi mở hơn,” Aarti nói, “anh có thể tìm được một người tốt, Gopal ạ.”
“Anh không cần ai cả,” tôi nói và quay mặt đi.
Nàng nắm lấy cằm tôi và quay mặt tôi về phía nàng. “Anh sẽ sở hữu một trường học. Em sẽ chỉ là một tiếp viên hàng không đi bán bim bim, nếu em may mắn. Anh có thể tìm được người tốt hơn.”
“Người nào đó tốt hơn em?” tôi hỏi.
“Hoàn toàn,” nàng nói.
“Điều đó là không thể, Aarti à,” tôi nói. Không để nàng kịp trả lời, tôi đứng dậy và quay lại bữa tiệc.
Tôi đến chỗ Raghav và nói với cậu ta là tôi phải đi gặp nhà thầu. Cậu ta có vẻ không quan tâm lắm. Tôi ra ngoài căn hộ của cậu ta và đi cầu thang xuống nhà. Aarti đuổi theo tôi. “Gopal!”
Tôi quay người nhìn nàng từ bậc thang. “Gì cơ?” tôi hỏi.
“Đừng nói với em là anh vẫn còn tình cảm với em?”
Tôi nuốt nghẹn. “Không hề”, tôi đáp và chạy nhanh ra ngoài.
19
“Các anh nghỉ bao nhiêu lâu hả?” tôi hét lên. Một nhóm công nhân ngồi dưới gốc cây đa gần tòa nhà chính trong khuôn viên. “Giờ đã là hai rưỡi, hết giờ ăn trưa một tiếng rồi.”
Chúng tôi chỉ còn một tuần trước đợt thanh tra cuối cùng của Ủy ban Toàn Ấn về Đào tạo Kỹ thuật. Các lớp học cần được quét lượt sơn cuối cùng. Đám công nhân không thèm quan tâm.
“Việc của ngài sẽ xong thôi, thưa ngài,” một công nhân nói trong lúc gập tờ báo mà anh ta dùng để ngồi. Anh ta mặc một chiếc áo khóa rách nát và cái quần dài dính đầy sơn màu kem đậm.
“Trường của tôi sẽ không thể mở được nếu thanh tra không hài lòng,” tôi nói.
“Ai dám nói không với trường của anh?” người công nhân đứng dậy.
Những người công nhân khác vấn chặt lại khăn xếp. Họ nhặt bàn chải lên và đi tới các lớp học. Tôi vẫn đứng dưới gốc đa, kiệt sức vì cái nghi lễ đốc thúc công nhân hai giờ một lần hằng ngày thế này. Tôi liếc nhìn xuống tờ báo mà những người công nhân để lại. Một tiêu đề làm tôi chú ý: “Varanasi cần thêm trường đại học, cao đẳng.”
Tôi nhặt tờ báo lên. Bên dưới tiêu đề là tên người viết - Raghav Kashyap.
Bài báo nói về việc dân số trẻ ở Varanasi đã tăng lên đáng kể trong mười năm qua. Trong khi đó số lượng trường đại học, cao đẳng lại không theo kịp với nhu cầu. Bài báo khuyến nghị với chính quyền các cách ưu tiên cho giáo dục. Tác giả còn vạch ra rằng chính quyền cần cho phép các trường đại học, cao đẳng được tạo ra lợi nhuận hợp pháp sao cho các công ty có thể tham gia vào lĩnh vực này và nâng cao chất lượng. Cho dù bài báo là của Raghav nhưng tôi vẫn thích nó. Nó biện hộ rất tốt cho công việc của tôi.
Bài báo có một ô riêng trong đó liệt kê những trường đại học, cao đẳng chuẩn bị được mở tại Varanasi. Danh sách này có năm cái tên và tôi nhìn thấy Cao đẳng Kỹ thuật Ganga trong đó.
“Ôi trời,” tôi thầm nói, cảm thấy phấn khích. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy tên của trường mình trên báo. Tôi gọi điện cho ngài Shukla.
“Tốt lắm!” Ngài Shukla nói. “Hãy chờ xem báo chí đưa tin nhiều đến đâu khi chúng ta mở cửa.”
Tôi muốn gọi điện cho Raghav và hỏi xem cậu ta có viết được một bài chi tiết về trường của tôi không. Một tờ báo có uy tín nói tốt về Ganga có thể sẽ tạo nên điều kỳ diệu cho việc mở cửa của chúng tôi.
Tôi không có số di động của cậu ta. Tôi có thể dễ dàng xin số từ Aarti. Tuy nhiên, tôi không muốn gọi cho nàng. Tôi đem tờ báo đến tòa nhà của trường. Văn phòng của tôi vẫn chưa có đồ đạc gì. Tôi nhắc mình phải gọi điện cho thợ mộc.
Tôi nhìn danh bạ điện thoại. Aarti lúc nào cũng ở trên cùng vì tên nàng bắt đầu bằng hai chữ “Aa”.
“Mình chỉ gọi nàng để lấy số Raghav thôi mà,” tôi tự nhủ nhiều lần rồi mới lấy đủ dũng cảm để gọi cho nàng.
Nàng nhấc máy sau bốn hồi chuông. “Này, ngạc nhiên chưa,” nàng nói.
“Chào, em thế nào?” tôi nói. Tôi không muốn nói những lời xã giao. Tuy nhiên, yêu cầu thẳng thừng thì có vẻ hơi đường đột.
“Em hơi chán, nhưng không sao,” nàng nói. “Anh thế nào? Nói chuyện với anh tại bữa tiệc lần trước rất vui.”
Tôi đoán là tôi phải hỏi vì sao nàng lại cảm thấy hơi chán. Nhưng tôi né tránh, “Ừ, em này, em có số của Raghav không?” tôi hỏi.
“Tất nhiên rồi. Sao anh lại cần số của anh ấy?”
“Anh vừa đọc một bài báo của cậu ấy đăng hôm nay. Anh thích nó và anh muốn nói điều đó với cậu ấy.”
“Ồ, chắc chắn rồi,” nàng nói. “Anh ấy sẽ rất vui đấy.” Rồi nàng đọc số cho tôi.
“Cảm ơn Aarti,” tôi nói. “Nói chuyện sau nhé.”
“Anh không muốn biết vì sao em cảm thấy không ổn à?” nàng hỏi.
Khi con gái hỏi ta câu đó, tốt nhất là ta nên trả lời có. “Anh có chứ. Sao vậy?” tôi hỏi.
“Bố mẹ không cho em đi khỏi Varanasi,” nàng nói.
“Thật sao? Thế thì làm thế nào mà em bay được?”
“Chính thế. Giờ em sẽ phải làm gì ở đây chứ? Tiếp viên trên thuyền à?”
“Thuyết phục họ đi,” tôi không tìm được lời khuyên nào tốt hơn.
“Họ không nghe đâu. Có thể em phải bỏ nhà đi mất.”
“Em có điên không? Họ sẽ nghĩ lại thôi.”
“Anh nói chuyện với họ được không?” nàng hỏi.
“Anh ư?”
“Phải, tại sao không?”
“Anh là ai nào? Không phải Raghav sẽ tốt hơn sao?”
“Raghav? Anh ấy còn không muốn cho em đi đâu cả. Hơn nữa, anh ấy rất bận ở tòa báo, anh ấy còn không gặp em, chứ đừng nói đến bố mẹ em.”
“Em không có bạn bè nào khác à? Người nào đó từ học viện hàng không?” tôi hỏi. “Hoặc thậm chí thầy cô nào đấy?”
“Anh không muốn giúp, đúng không?”
“Không phải, anh chỉ... Anh chỉ nghĩ anh không phải là người phù hợp nhất để nói về chuyện này.”
“Thôi được,” nàng nói.
Trong ngôn ngữ con gái “Thôi được” mang nghĩa đâu đó giữa “Sao cũng được” và “Biến đi”.
“Được rồi, kỹ sư công trường đang gọi anh,” tôi nói dối. “Anh sẽ nói chuyện với em sau.”
Tôi gác máy. Tôi đã nói chuyện với nàng trong bảy phút và hai mươi hai giây. Tôi thấy muốn gọi lại cho nàng, khuyên nàng cách ứng xử với bố mẹ. Có thể tôi nên nhận lời gặp bố mẹ nàng; dẫu sao thì nàng cũng đã chọn tôi trong số tất cả những người nàng biết. Tôi đã gần như bấm nút gọi lại khi xem xét lại bản thân.
Gần gũi với nàng chỉ làm ta đau đớn. Nàng thuộc về Raghav, và không có chỗ cho ta trong cuộc đời nàng, tôi tự xỉ vả mình.
Tôi gọi cho Raghav. Cậu ta nhấc máy ngay tức khắc. “Chào, Gopal đây,” tôi nói.
“Ồ, xin chào,” cậu ta đáp. “Có chuyện gì vậy anh bạn? Cảm ơn cậu đã đến dự tiệc hôm trước.”
“Không có gì. Công việc mới thế nào?”
“Họ để mình viết, mặc dù chỉ là những thứ hiền hòa.”
“Tớ vừa đọc bài cậu viết hôm nay. Khá hay đấy.”
“Cậu đọc rồi à? Ồ, cảm ơn.”
“Cậu có nhắc đến Cao đẳng Kỹ thuật Ganga, cảm ơn nhé.”
“Ồ, nhóm nghiên cứu bên bọn tớ lập cái bảng ấy. Trường cậu chuẩn bị mở rồi phải không?”
“Phải, gần xong rồi. Cậu có muốn tới thăm không? Có thể cậu viết giúp một bài chuyên về Ganga.”
“Phải, tớ có thể,” Raghav nói, giọng hơi do dự. “Mặc dù chính sách của chúng tớ là không được đề cập đến những tổ chức cụ thể.”
“Ồ, nếu thế thì thôi, quên nó đi vậy,” tôi nói. Dẫu sao thì tôi cũng không muốn nhận ơn huệ gì từ cậu ta.
“Nhưng tớ có thể viết bài về cậu.”
“Tớ?”
“Phải, một cậu bé từ Varanasi mở trường cao đẳng. Chuyện đáng nói đấy. Và trong bài phỏng vấn chúng ta có thể nói về Ganga.”
“Tớ chỉ là người làm thuê thôi,” tôi nói.
“Ủy viên Hội đồng Shukla mới là người đứng sau, phải không?” Raghav hỏi.
“Ông ấy là một thành viên ban quản trị, đúng vậy.”
“Và ông ta trả tiền xây trường?”
“Ờ, ông ấy sắp xếp tài chính,” tôi đáp.
“Từ đâu ra?” Raghav hỏi.
Tôi không thích giọng điệu tra hỏi của cậu ta. “Ông ấy biết nhiều mạnh thường quân,” tôi nói. “Tóm lại là cậu có muốn phỏng vấn tớ không? Không muốn cũng không sao cả”
“Tất nhiên, tớ muốn chứ. Cậu muốn khi nào?”
“Thứ Sáu tuần sau tớ có đợt thanh tra. Sau đấy được không? Có thể vào cuối tuần,” tôi nói.
“Chắc chắn rồi, tớ sẽ gặp cậu. Ở đâu? Tòa soạn của Dainik nhé?”
“Không. Đến văn phòng tớ đi.” Tôi nhấn mạnh từ “văn phòng tớ”. Anh bạn, giờ thì tớ có một văn phòng hoành tráng rồi, tôi muốn nói thế với cậu ta.
“Ồ, tất nhiên rồi. Trường cậu ở đâu?”
“Cách thành phố mười cây số theo đường cao tốc Lucknow. Cậu sẽ thấy biển chỉ dẫn bên tay phải.”
Tôi ra khỏi tòa nhà. Tôi xem xét cấu trúc ba tầng. Chúng tôi phải sơn nó màu xám trong tuần tới.
Điện thoại của tôi reo. Là Bedi.
“Vâng, anh Bedi,” tôi nói.
“Tôi đã sắp xếp phỏng vấn bảy giảng viên giỏi vào ngày mai. Cậu rỗi không?”
“Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài rỗi rãi. Tôi sẽ ở công trường cả ngày, anh đưa họ đến đây được không?”
“Không được. Ta phải đến nhà họ. Ba trường đại học khác đang chuẩn bị mở ở vùng này. Tất cả đều có lời mời. Chúng ta phải dỗ dành họ,” anh ta nói.
Tôi thở dài. Mỗi ngày là một thử thách mới.
“Được thôi, tôi sẽ bố trí xe đi từ văn phòng của ngài Shukla,” tôi đáp.
Chúng tôi đến nhà Giáo sư MS Shrivastava ở Ashok Nagar lúc tám giờ sáng, đúng theo hướng dẫn của vị giáo sư kỹ thuật điện đã nghỉ hưu của NIT Allahabad. Chúng tôi phải có ai đó từ NIT, không phải từ IIT, làm trưởng khoa. Chúng tôi gần như đã thỏa thuận được với một giáo sư đã nghỉ hưu của NIT Bhopal. Tuy nhiên ông ta lại có một lời mời tốt hơn, gần nhà ông ta ở Indore hơn. Giáo sư Shrivastava là tiêu chuẩn vàng của Ủy ban Toàn Ấn về Đào tạo Kỹ thuật, với hơn ba mươi năm kinh nghiệm. Nhưng cũng như tất cả các thứ làm bằng vàng, ông ta không hề rẻ.
“Hai trăm ngàn một tháng?” tôi hỏi lại. “Nhưng chúng tôi chỉ mới bắt đầu.”
Bà Shrivastava, vợ của Giáo sư, phục vụ chúng tôi bữa sáng với trà và cơm nắm. Bà ta cũng tham gia đàm phán. “Cao đẳng Sri Amma vừa có lời mời. Một trăm năm mươi ngàn, cộng với xe và lái xe,” bà ta nói.
“Thưa bà, trường đại học chúng tôi đang liên kết kiểm soát chi phí của chúng tôi,” tôi giải thích. “Hơn nữa, chúng tôi là trường mới. Tôi không biết kết quả tuyển sinh sẽ ra sao.”
“Đó là vấn đề của chúng tôi ư?” bà Shrivastava hỏi, không sai.
Bedi vào cuộc. “Bất cứ yêu cầu hợp lý nào các vị có, hãy nói cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ chấp nhận,” anh ta nói.
“Nhưng chúng tôi có dự toán,” tôi nói.
Shrivastava đặt thìa xuống. “Cậu là ai,” ông ta nói với tôi, “con trai của ông chủ à?”
“Tôi là chủ sở hữu, Gopal Mishra. Trường nằm trên đất của tôi,” tôi nói.
“Còn ngài Shukla thì sao? Ông ta không quyết định chuyện này à?”
“Ông ấy là một Ủy viên im lặng,” tôi trả lời. “Tôi quyết định.”
Giáo sư nhìn tôi vài giây, ngạc nhiên trước sự thách thức của tôi.
“Ông Mishra, trưởng khoa là quan trọng nhất. Tôi biết người của Ủy ban Toàn Ấn. Có tôi thì việc thanh tra coi như đã xong,” Shrivastava nói.
“Chúng tôi cũng đã có thỏa thuận với Ủy ban Toàn Ấn,” tôi nói, “ông làm ơn hiểu cho. Nếu tôi cho ông gói quá cao, các giảng viên khác cũng sẽ yêu cầu mức tương đương.”
“Cậu không cần tiết lộ mức lương của tôi,” ông ta nói.
“Làm sao chúng tôi giấu được? Phòng kế toán sẽ có đủ thông tin,” tôi hỏi ông ta.
“Hãy trả một phần bằng tiền mặt,” Shrivastava nói. Im lặng bao trùm. Ông ta đã đưa ra một giải pháp. Khó mà tìm được một trưởng khoa thực dụng hơn.
“Bao nhiêu?” tôi hỏi.
“Năm mươi phần trăm? Có thể hơn,” ông ta khuyến nghị. “Nó chỉ tiết kiệm cho tôi các loại thuế. Và không ai cảm thấy ghen tị với tôi. Trên thực tế, mức lương trên giấy của tôi sẽ thấp hơn lương giảng viên.”
“Chúng tôi biết mình đã đến đúng chỗ,” Bedi nói.
“Được rồi,” tôi chấp thuận.
Chúng tôi thỏa thuận một gói một trăm bảy mươi ngàn một tháng. Trưởng khoa mới làm việc ngay lập tức. Ông ta đề xuất giúp chúng tôi tuyển mộ các giảng viên khác, với mức lương từ ba mươi đến tám mươi ngàn một tháng, tùy theo kinh nghiệm và trình độ của họ.
“Tôi sẽ tính phí tuyển mộ mười ngàn một người, ngoài tiền lương của tôi.”
“Được thôi. Khi nào thì ông có thể bắt đầu?” tôi hỏi.
“Bất cứ lúc nào,” ông ta nói. “Tôi sẽ đến trường ba ngày một tuần.”
“Ba ngày thôi?” tôi hỏi lại. “Ông là trưởng khoa của trường. Trường hoạt động thế nào được nếu thiếu ông?”
“Tôi là trưởng khoa, thế nên mới ba ngày. Nếu không thì chỉ một lần một tuần là đủ,” ông ta đáp.
“Gì cơ?”
“Có giảng viên nào lại đi dạy cao đẳng tư thục hằng ngày? Đừng lo, tôi sẽ nói với thanh tra của Ủy ban Toàn Ấn là tôi tới trường hằng ngày.”
“Nhưng ai sẽ quản lý giảng viên? Ai sẽ đảm bảo các lớp học được tổ chức đúng giờ và sinh viên được giảng dạy đúng cách?” tôi nói, tim đập nhanh. Tôi không biết một trưởng khoa của trường đại học hay cao đẳng có phải làm những thứ đó không.
“Đây là trường tư thục. Chúng ta sẽ xoay xở được. Anh Bedi, nói cho cậu ta biết cách thức đi,” Shrivastava cười tươi.
Bedi uống nốt cốc trà và gật đầu. “Tất nhiên rồi. Ta sẽ tìm ra cách sắp xếp giảng dạy và làm những việc khác sau. Bây giờ thì cần tập trung vào thanh tra, và sau đó là tuyển sinh. Sau đó, sinh viên năm cũ có thể dạy sinh viên năm đầu. Nhiều trường làm thế rồi.”
Bà Shrivastava dọn bàn. Chúng tôi sang phòng khách.
“Chiến lược tuyển sinh của các anh là gì?” Shrivastava hỏi.
“Chúng tôi đang quảng cáo trên các báo. Tham gia vào hội chợ giáo dục, tiếp cận với trường phổ thông và các lớp luyện thi,” tôi đáp.
“Tiếp cận trường phổ thông làm gì?” ông ta hỏi.
“Chúng tôi sẽ đến trường phổ thông và giới thiệu về trường của mình,” tôi trả lời.
“Ai quan tâm đến những bài thuyết trình? Các anh đã làm việc với hiệu trưởng chưa?” Shrivastava hỏi.
“Chúng tôi sẽ làm, đừng lo,” Bedi nói.
“Chúng ta sẽ cái gì?” tôi hỏi. Tôi ghét việc Bedi không nói trước mọi thứ với tôi.
“Tôi sẽ giải thích cho cậu. Đi thôi, chúng ta còn các cuộc gặp khác,” Bedi nói và đứng dậy. “Cảm ơn ông, chúng tôi sẽ gặp lại ông vào thứ Sáu.”
Shrivastava tiễn chúng tôi ra cửa. “Khi nào thì tôi nhận được tháng lương đầu tiên?” ông ta hỏi.
“Tôi sẽ gửi tiền mặt đến nhà,” tôi nói.
Chúng tôi còn phải gặp thêm năm ứng cử viên nữa. Ngài Shukla cấp cho chúng tôi một chiếc Innova để dùng riêng cho trường. Chúng tôi đến Mughal Sarai để gặp một giáo sư kỹ thuật hóa học đã nghỉ hưu.
“Thật nhẹ nhõm khi tìm được trưởng khoa,” Bedi nói khi xe chạy ra đường cao tốc.
“Với tôi, ông ta giống Ngài Mặc Cả hơn là Ngài Trưởng Khoa,” tôi châm biếm.
“Ông ta đã từng làm việc ở các trường tư thục. Ông ta biết người như mình đang được săn đón. Đừng lăn tăn về tính khí giận dữ của ông ta.” Bedi nói.
“Ý ông ta là gì khi nói ‘làm việc’ với các hiệu trưởng?”
“Trường phổ thông có ảnh hưởng rất lớn đến việc bọn trẻ sẽ đi học tiếp ở đâu. Nhiều đứa thử IIT hoặc NIT, nhưng hầu hết đều không đỗ. Chúng sẽ đi đâu?”
“Đi đâu?”
“Đấy là nơi chúng ta xuất hiện. Cao đẳng tư thục có thể thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư của cậu, kể cả khi cậu trượt kỳ thi tuyển. Vấn đề là bây giờ có quá nhiều cao đẳng tư thục. Sinh viên sẽ lựa chọn thế nào?”
Tôi bảo lái xe hạ nhiệt độ điều hòa để chống lại cái nóng bốn mươi độ bên ngoài. “Làm thế nào?”
“Họ tới xin lời khuyên của thầy giáo và hiệu trưởng trường chứ sao. Họ còn tin vào ai khác nữa?”
“Phải,” tôi nói. “Vậy thì chúng ta yêu cầu hiệu trưởng giới thiệu trường của ta?”
“Chính xác! Cậu thông minh đấy,” Bedi nói, có lẽ là chế nhạo.
“Chúng ta có hối lộ họ không?” tôi hỏi tiếp.
“Có. Nhưng đừng bao giờ nói ra từ ấy, đặc biệt là với các hiệu trưởng trường phổ thông. Dẫu sao thì đây cũng là phép tính đơn giản. Chúng ta trả cho họ mười phần trăm phí ta thu từ một sinh viên tuyển được.”
Số tiền được định nghĩa rõ ràng như thế nghe không giống hối lộ.
“Chúng ta trả mười phần trăm cho bất cứ ai - các lớp luyện thi, các nhà tổ chức hội chợ giáo dục hoặc bất cứ ai giúp chúng ta lấp đầy chỗ trong trường.”
“Thế thì là mười phần trăm,” tôi nói.
“Cậu đang lên kế hoạch truyền thông phải không?” anh ta hỏi.
Suy nghĩ của tôi hướng sang chiến lược truyền thông, sau đó tới Raghav, rồi từ đó tới Aarti. Cách bộ não nối kết các suy nghĩ với nhau cho đến khi nó tới nơi muốn đến thật là kỳ lạ.
Bedi tiếp tục nói về chuyện làm thế nào để tuyển được hai trăm sinh viên cho khóa đầu tiên. Tôi không nghe, nhìn ra những cánh đồng bên ngoài và nhớ đến mái tóc suôn bay bay của Aarti khi nàng nhấp một ngụm từ cốc của tôi ở ban công nhà Raghav. Đời thật là chó má khi người phụ nữ duy nhất mà bạn có thể nghĩ đến lại thuộc về người khác.
Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới - Chetan Bhagat Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới