Mùa Thu Đã Già epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5
hiếc ghe chủ lực của duyên đoàn 46 thuộc vùng 4 duyên hải lềnh bềnh trên mặt biển đen ở gần Bãi Khem. Quanh chiếc ghe có ánh sáng lấp ló của ghe câu. Gió lai rai và sóng vỗ tí tách vào mạn thuyền. Nếu không cầm khẩu M2 trong tay Nhẫn nghĩ là mình đang đi nghỉ mát ban đêm trên du thuyền. Mùi dầu cặn bốc lên hăng hăng làm anh muốn nhảy mũi. 6 giờ chiều hôm nay, anh được trung uý Đan báo tin địch có thể sẽ pháo kích hoặc tấn công hoặc có thể vừa pháo kích vừa tấn công vào hai căn cứ hải quân ở An Thới là bộ chỉ huy duyên đoàn 46 và bộ tư lệnh vùng 4 duyên hải cũng như phi trường An Thới. Anh đề nghị với ông ta là anh sẽ chỉ huy toán thám kích 24 người lên tàu hải quân chờ khi nào địch pháo kích sẽ đổ bộ truy tìm nơi đặt súng của địch. Còn nếu địch tấn công vào bộ tư lệnh thì toán thám kích sẽ đánh sấn vào cạnh sườn của địch để giải toả áp lực. Lời đề nghị của anh được trung uý Đan chấp thuận và cho phép anh lựa chọn một tiểu đội để '' nhảy toán ''. Thấy anh cười cười ông ta cũng cười đùa.
- Tôi cho ông nhảy toán chứ hổng phải dẫn lính nhảy dù đâu mà ông cười. Ráng đem về vài khẩu bá đỏ để tôi làm quà kỹ niệm cho các cố vấn Mỹ. Có quà họ mới vui vẻ thoả mãn các đòi hỏi của mình...
Gật gật đầu anh phụ hoạ.
- Trung uý ráng kiếm thêm chục khẩu M16... M2 thì cũng được song nổ nghe hổng đã lỗ tai bằng M16... Tôi sẽ rinh về bá đỏ, AK cho ông...
Thế là 8 giờ tối, dưới sự điều động của anh, 2 tiểu đội xung kích nằm chực trên hai chiếc ghe chủ lực chờ đợi. Đưa đồng hồ lên xem Nhẫn thấy chỉ 10 giờ. '' Chắc hổng có pháo rồi ''. Nhẫn lẩm bẩm tiếp. '' pháo thì pháo đại đi cho con về ngáo mấy cha ơi...''. Tuy anh lẩm bẩm mà hạ sĩ Ba ngồi kế bên cũng nghe được. Ngáp tiếng lớn Ba nói nhỏ.
- Tụi nó pháo đêm nay hông thiếu uý?
- Trời mới biết được... Tôi mong cho mấy ổng pháo đặng mình nhảy vào bụp một phát xong về ngủ... Nằm lắc qua lắc lại trên ghe, ngửi mùi dầu cặn tôi muốn ói...
- Tôi cũng muốn như thiếu uý dzậy...
Đực xen vào. Sau lần đụng đầu tiên, biết khả năng đánh đấm của Ba và Đực, nên hể có hành quân, phục kích Nhẫn đều chọn hai người lính nhiều kinh nghiệm bóp cò súng này. Trong thâm tâm anh muốn huấn luyện cho Ba có khả năng để trở thành một tiểu đội trưởng vì sau khi hết thời hạn biệt phái phải trở về đơn vị gốc của mình thì toán xung kích có thể họat động đắc lực nếu có các tiểu đội trưởng nhiều khả năng như Ba. Riêng Đực thì khác hơn. Anh thích nó vì nó dân Sài Gòn, có học chút đỉnh và chịu chơi.
- Giờ này mà có một xị nhâm nhi thì ấm lòng biết mấy... Hồi chiều thiếu uý gọi gấp quá với lại tui đang sùng con vợ của tui nên tui quên phứt cái bi đông rượu...
Nhẫn chợt bật cười hắc hắc.
- Anh làm tôi nhớ tới Nguyễn Bắc Sơn...
- Ổng là ai dậy thiếu uý?
Đực hỏi liền. Chép miệng Nhẫn nói chậm và đều đều.
- Nguyễn Bắc Sơn là nhà thơ. Ông ta là cán bộ xây dựng nông thôn quê ở Phan Thiết. Ông ta làm nhiều câu thơ nghe đã lắm...
Ngưng nói Nhẫn thò tay vào túi áo định rút gói thuốc ra song chợt nhớ là mình đang đi hành quân nên bỏ tay xuống rồi cười tiếp.
- Để tôi đọc thơ của ông ta cho anh Ba nghe. Tôi bảo đảm nghe xong anh kết ổng liền. '' Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu… đi hành quân rượu đế vẫn mang theo…''. Vừa nghe dứt câu, Ba vọt miệng.
- Ông này làm thơ đúng y chang ý của tui… Nữa đi thiếu uý…
Mỉm cười Nhẫn ngâm nga: '' mang trong đầu những ý nghĩ trong veo… xem chiến cuộc như tai trời ách nước…''
Tới phiên Đực xen vào.
- Ông này làm thơ hay hết sẩy con bọ hung. Nữa đi thiếu uý…
Nhẫn cười trong bóng tối mênh mông trên biển. Giọng của anh khàn, trầm và mỏi mệt.
- Bài thơ còn dài. Để tôi đọc nguyên bài cho anh Ba và Đực nghe…
- Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi, các ngài du kích
hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
hãy tránh xa ra ta xin xí điều
lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
ăn muối đá và hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
và máu xương làm phân bón rừng hoang…
Ba chép miệng thở dài.
- Ông này làm thơ có câu nghe đã lỗ tai mà có câu nghe buồn thấy mẹ luôn… Ủa mà sao thiếu uý thuộc nhiều vậy…
- Tôi thấy hay thì tôi học và nhớ…
- Ba cái vụ chữ này tui hổng ưa… Tui hổng ưa nó mà nó cũng hổng ưa tui thành ra cứ thấy nó là tui ngủ mà nó thấy tui nó cũng ngủ luôn…
Vừa nói tới đó thì Ba vụt ngưng lại. Bum… bum… bum… Âm thanh từ trong bờ vọng ra nghe thật rõ. Nhẫn bật la trước nhất.
- Rồi… pháo… tụi nó pháo rồi…
Nghe tiếng nổ mọi người trên ghe đều thức dậy. Nhẫn ra lịnh ngắn gọn.
- Anh em chuẩn bị…
Ngay lúc đó súng nổ ran ran về phía An Thới. Giọng của trung uý Đan phát ra từ máy 25.
- Ngọc Hải đây Delta… nghe rõ trả lời…
Ẩn, người lính mang máy đưa ống liên hợp cho Nhẫn.
- Ngọc Hải tôi nghe Delta…
- Tôi đang bị xóc lô tô… Anh sẵn sàng cho anh em bình sa lạc nhạn… nghe rõ trả lời…
- Trình Delta tôi sẵn sàng…
Cúp máy liên lạc với trung úy Đan, Nhẫn gọi hạ sĩ nhất Nhơn, tiểu đội trưởng chỉ huy sáu người đang ở trên chiếc ghe chủ lực thứ nhì.
- Nhơn Hòa đây Ngọc hải…
- Nhơn Hòa nghe Ngọc Hải…
- Anh sẵn sàng lên bờ nghen...
Theo dự trù Nhơn điều động tiểu đội 2 đổ lên Bãi Sao để chận bít đường rút lui của địch cũng như xục tìm đám du kích đang giữ khẩu 82, còn anh sẽ chỉ huy toán 1 đổ bộ lên ở Bãi Khem đánh ập vào sau lưng toán du kích đang tấn công bộ tư lệnh hải quân vùng 4 duyên hải và phi trường An Thới. Chiếc ghe chạy thẳng vào bờ. Cơ bẫm kêu lách cách. Khi chiếc ghe vừa chạm cát, Ba nhảy xuống nước trước tiên rồi kế đó là Đực. Hai người này lên bờ trước để nằm án ngữ cho đồng đội lên sau. Nhẫn là người thứ ba lên bờ. Nước biển chỉ sâu tới lưng song vì có gió thổi làm cho anh cảm thấy lành lạnh. Năm phút để nguyên tiểu đội lên bờ. Chiếc ghe rút ra ngoài xa nằm yểm trợ. Nhẫn khoát tay. Đực với hai người lính dưới quyền đi khinh binh. Ba với 4 người khác đi bên phải còn Nhẫn chỉ huy 4 người đi bên trái. Tất cả dàn hàng ngang nhắm hướng căn cứ hải quân xộc tới. Xa xa ánh đèn bấm lóe lên rồi tắt thật nhanh. Nhẫn biết để tránh pháo kích cũng như ngụy trang, tất cả đèn điện trong căn cứ bắt buộc phải tắt hết. Lúc đó lính dùng đèn pin để đi lại khi cần thiết. Pháo không còn nữa song tiếng súng lại nhiều hơn, khi dồn dập rồi chậm lại sau đó lại lớn hơn. Anh nghe tiếng AK thật nhiều, nhiều hơn tất cả mọi âm thanh khác. Nương bóng tối toán xung kích âm thầm tiến tới sát phía sau lưng địch.
- Delta đây Ngọc Hải… nghe rõ trả lời…
- Delta nghe Ngọc Hải…
- Tôi sẽ bắt tay anh… nghe rõ trả lời…
- Tôi nghe anh 5/5…
Cúp máy liên lạc, Nhẫn ra lịnh tấn công. Ba toán xung kích nổ súng. Đực đánh trực diện, còn Ba bên trái và Nhẫn bên phải đánh ập vào sau lưng địch. Bị tấn công bất ngờ với lại không biết kẻ tấn công mình có quân số đông cỡ nào mà súng nổ rền khắp nơi, đám du kích tức tốc chém vè bằng cách băng qua con lộ đất đỏ rút về hướng bắc. Không đuổi theo, Nhẫn cho lính của mình kéo ngược về hướng trại tù để bắt tay với Nhơn đang lục tìm nơi đặt ổ 82 ly của địch. Vì ban đêm không thấy đường rõ Nhẫn bèn cho lính nằm lại chờ sáng mới lục tìm lần nữa. Buổi sáng sau khi thức dậy, hai tiểu đội xung kích lục xoát khắp nơi và tìm được khẩu 82 và mười mấy quả đạn 81 ly, ba khẩu bá đỏ, 1 trái mìn nội hóa, mười mấy trái lựu đạn nội hóa với trăm viên đạn AK. Hài lòng với chiến lợi phẩm, Nhẫn ra lịnh rút quân về căn cứ.
*****
Vừa bước vào cửa quán cà phê của chị Ba, Nhẫn đụng đầu Hiển từ trong bước ra.
- Anh không bận thì tôi mời anh ly cà phê…
Hiển cười đáp.
- Cà phê thì được mà lai rai thì không… Tôi phải về phụ ông già ra nước mắm…
Hai người sà vào cái bàn trống gần cửa. Nhẫn nói với chị Ba cho mình ly cà phê đá còn Hiển uống xây chừng.
- Hôm nay tới ngày phải ra nước mắm…
Thấy Nhẫn tỏ vẻ không hiểu, Hiển tươi cười giảng giải một cách vắn tắt.
- Nước mắm tới kỳ phải chiết ra khỏi bồn. Chú muốn biết thì về nhà tôi coi cho biết…
- Uống cà phê xong là mình đi liền hả anh?
Biết ý của Nhẫn muốn tới nhà gặp Lựu nên Hiển cười cười. Dù không nói ra anh cũng ngầm chấm Nhẫn cho cô em gái út của mình. Hai người uống cà phê chạy nên chỉ cần năm phút đã cạn ly. Từ quán chị ba tới nhà Hiển xa không đầy trăm bước. Chưa tới nơi Nhẫn đã nghe tiếng người nói chuyện lao xao nhiều giọng, con trai có, con gái có, ông già bà lão cũng có luôn. Hiển đi một mạch thẳng tới bồn nước mắm nằm trên khoảnh đất trống sáng sủa và có rất nhiều ánh sáng mặt trời. Nó là một trong nhiều yếu tố giúp cho sự lên men để cá và muối rả ra thành chất nước mắm. Thấy Nhẫn đưa tay lên xoa xoa chót mũi, Hiển cười hà hà.
- Chú muốn quen con gái Phú Quốc mà chú làm điệu bộ đó thì chẳng có đứa nào ưng chú đâu…
Cười gượng, Nhẫn lên tiếng bào chữa.
- Tại nó thủm quá anh, với lại tôi mới ở đây chưa đầy tháng mà anh. Muốn quen chắc tôi phải xin làm không công cho ba anh quá…
Cười ha hả, Hiển nói giỡn.
- Để tôi hỏi ý con Lựu xem nó chịu cho chú làm không công… Con nhỏ này coi vậy mà khó tính lắm…
Bật cười hắc hắc Nhẫn dừng lại nơi bồn nước mắm mà anh thấy có mấy người đang lui cui làm việc trong số đó có Lựu. Chắc tại phải làm việc nên hôm nay cô ta mặc quần mỹ a, áo bà ba màu nâu, tay áo sắn lên tận cùi chõ. Cũng như bao nhiêu người ở đây, Lựu cũng đi chân đất.
- Lựu… anh mang một người làm công tới cho em dạy việc nè…
Liếc Nhẫn, cô nàng xí tiếng nhỏ.
- Tướng đó mà làm được gì… ăn rồi nhõng nhõng chơi thì có…
Nháy mắt với Nhẫn, Hiển cười lên tiếng binh đồng đội.
- Bởi vậy người ta mới xin làm không công để học nghề…
Nhẫn xen vào.
- Tôi coi vậy chứ sáng dạ lắm cô Lựu ơi… Cô chỉ một lần là tôi làm được liền…
Lựu hứ tiếng nhỏ. Không biết nghĩ gì mà cô ta đưa cái thùng có quai lớn chứa được chừng hai mươi lít rồi nói gọn lỏn.
- Anh Nhẫn đi theo tôi…
Sau khi nói thấy Nhẫn lộ vẻ buồn buồn, Lựu tội nghiệp bèn nhỏ nhẹ lên tiếng.
- Lựu xin lỗi anh Nhẫn. Anh đi theo Lựu coi cho biết thôi chứ làm cực lắm…
Câu nói của cô khiến cho Nhẫn cười nhẹ.
- Cô Lựu làm được thì tôi cũng làm được mà. Hay là vì tôi xin làm hổng có lương nên cô hổng cho tôi làm…
Lựu mỉm cười. Liếc thấy không có ai ở gần cô thì thầm.
- Anh Nhẫn cứ gọi tên Lựu nếu anh muốn…
- Dĩ nhiên là tôi muốn… Tôi còn muốn nhiều thứ khác nữa…
Lựu ửng hồng đôi má rám nắng vì câu nói nhiều ý lắm nghĩa của ông lính cọp rằn. Như để giấu mắc cỡ cô nàng kéo nón lá xuống che mặt mình không cho Nhẫn thấy. Cũng vì vậy mà cô nàng không thấy cái nhìn của Nhẫn. Người lính chiến nhìn đăm đăm vào chiếc nón lá hơi cũ, che nửa khuôn mặt, chỉ chừa lại mái tóc huyền dài thả khỏi bờ vai áo nâu xuôi xuống cánh tay có bàn tay năm ngón suông gọn. Mùi hương tạo ra bởi mùi nước mắm và mùi rong rêu hòa quyện với nhau thấm từ từ vào mũi anh và đọng ở trong đó thật lâu. Dùng nón lá che mặt giây lát mà không nghe Nhẫn nói năng gì hết, Lựu rón rén hé nón lá ra nhìn, bắt gặp ánh mắt nửa như say mê, nửa như thờ thẩn của anh, cô mỉm cười nói nhỏ.
- Anh Nhẫn…
Nhẫn giật mình ngơ ngác. Tới chừng thấy Lựu đang nhìn mình mỉm cười, anh hơi ngượng ngùng lên tiếng nói.
- Tôi mà đi làm dù không công chắc bị người ta đuổi vì cái tật hay mơ mộng…
Cười hắc hắc vì câu nói đùa của Nhẫn, Lựu cũng nói giỡn một câu.
- Vậy thì anh nên làm cho Lựu… Lựu hứa là không đuổi anh đâu dù anh có làm biếng nhớt thây…
Nhẫn cười nhỏ vì thấy mọi người cặm cụi làm không ai nói chuyện.
- Lựu nhớ nghen… Lựu nói là phải giữ lời hứa của mình nghen…
Lựu mỉm cười im lặng làm việc. Là con gái, có cái nhạy cảm của phụ nữ, làm gì cô không biết Nhẫn thích mình. Trong lòng cô, dù không nói ra cũng có nhiều cảm tình với gã con trai ở Sài Gòn đi lính và trôi dạt tới hải đảo xa xôi này. Cô thích cách ăn nói lẽo lự có duyên của Nhẫn mà cô không tìm thấy nơi đám con trai cùng lứa ở An Thới và luôn cả các bạn học cùng trường ở Rạch Giá nữa. Có thể đó là cách ăn nói đặc biệt của dân Sài Gòn. Ngoài mặt thì chê cái lì lợm và xạo một cây của Nhẫn nhưng trong lòng cô lại thích ngầm bởi nghĩ " ảnh có thích mình thì ảnh mới lì lợm theo tán tỉnh ''. Điều đó chứng tỏ cô phải có cái giá trị gì đó, cô phải có cái gì đặc biệt mà Nhẫn thích nên mới chịu bỏ thời giờ làm quen và theo đuổi.
Sau khi coi Lựu làm một lần thì tới lần thứ nhì Nhẫn lên tiếng khi thấy thùng chứa nước mắm đầy.
- Lựu để tôi làm thử…
Nhẫn thò tay xách thùng nước mắm đem lại đổ vào một cái bồn chứa nhỏ hơn có lưng nước mắm mà Hiển và một người làm đứng cầm cái vá thật lớn quậy vòng vòng. Chừng tiếng đồng hồ sau thấy nước mắm từ vòi chảy ra yếu dần dần, ba của Lựu bảo mọi người ngưng làm vào nhà uống nước giải khát rồi ra làm tiếp. Đưa tay lau mồ hôi, Hiển nói với Nhẫn.
- Vào nhà chú… mình uống cà phê đá hút thuốc rồi ra làm tiếp…
Cả nhà ngồi sau bếp uống nước, hút thuốc và chuyện trò vui vẻ. Hớp ngụm cà phê đá, Nhẫn cười nói với Hiển.
- Tôi đâu ngờ làm nước mắm cực quá… Ở Sài Gòn người ta ăn nước mắm khen ngon mà có bao giờ họ mở miệng cám ơn người làm nước mắm đâu…
Hiển cười cười liếc nhanh em gái đang ngồi uống nước chanh với ba má và người làm công.
- Tôi mà làm nước mắm bán tôi phải bán giá mắc gấp đôi, gấp ba lần… Cực quá mà…
Nghe Nhẫn nói như vậy, ba của Hiển cười lên tiếng.
- Cháu bán mắc thì người ta đâu có mua… Đâu phải có mình mình làm ra nước mắm mà cháu bán mắc. Ở An Thới này cũng có nhiều người làm nước mắm. Bên Dương Đông cũng có nữa. Ngoài ra tôi nghe nói miệt Phan Rang, Phan Thiết cũng có làm nước mắm nữa, mà nước mắm của họ ngon không thua gì nước mắm Phú Quốc…
Nghe ba của Lựu góp chuyện, Nhẫn bèn hỏi thêm.
- Nước mắm làm bằng con cá gì mà ngon vậy bác?
- Làm bằng con cá cơm. Nó nhỏ chỉ bằng đầu đũa hay lớn hơn chút đỉnh…
Biết Nhẫn là dân Sài Gòn, tò mò hỏi chứ không phải lén học nghề, ba của Lựu ôn tồn cắt nghĩa.
- Cá cơm có nhiều loại lắm song ở An Thới này người ta chỉ chọn có ba loại cá cơm để làm nước mắm là cá cơm Sọc Tiêu, Cơm Ðỏ và Cơm Than vì thịt của nó khi ra nước mắm có màu nâu nâu đỏ và ngon hơn các loại cá cơm khác. Muối thì phải muối Bà Rịa hay Vũng Tàu. Đôi khi thiếu thì người ta cũng dùng tới muối của Bến Tre…
- Dạ… Cháu nghe nói nước mắm nhỉ. Có phải nước mắm ở trong cái bồn mà mình chiết ra là nước mắm nhỉ không bác?
- Đúng đó cháu. Nó là đợt nước mắm đầu tiên được chứa trong bồn riêng chờ khi nào mình lấy đợt hai, ba, bốn cho tới lúc nước trong bồn hết chảy ra mới trộn đều với nhau thành một loại nước mắm nhỉ. Thứ nước mắm nhỉ này được đóng thành chai gọi là nước mắm nhỉ thượng hạng. Nếu được pha chế thêm sẽ thành nước mắm nhỉ hạng nhất, nhì rồi tới hạng ba. Ba hạng nhất nhì ba sẽ được đóng chai, tỉn bán ở các tiệm…
Liếc nhanh Lựu đang ngồi ngó ra sân, Nhẫn cười nói đùa.
- Bác thấy hông… Làm nước mắm công phu quá mà bác hổng chịu bán mắc… Người ta thèm người ta cũng mua ăn hà…
Bật lên tiếng cười nhỏ khi nghe Nhẫn nói, Lựu nháy mắt ra hiệu cho anh đứng lên đi làm tiếp.
Ngồi dựa ngửa, lưng tựa vào gốc cây dương già cao ngất ngưỡng, Nhẫn im lặng nhìn ra vụng biển xanh gờn gợn sóng. Vì có lò nước mắm nên vuông đất của gia đình Lựu ở sát bãi biển, có cầu tàu làm bằng gỗ để ghe đánh cá cập vào dễ dàng chuyển cá lên bờ. Từ chỗ ngồi anh có thể thấy mấy hòn đảo xa ngoài kia mà theo bản đồ có tên gọi như hòn Dừa, hòn Thơm và hòn Roi. Xa về bên trái, gần với căn cứ hải quân có hòn Dăm Ngoài, Dăm Trong và doi đất nhô ra xa mà dân làng gọi là Mũi Ông Đội. Gió ru lá dương nghe buồn dịu dàng khiến cho anh cảm thấy mọi ưu phiền của đời lính theo cơn gió biển mằn mặn hơi nước tan vào khoảng không gian êm ả không có tiếng động gì hết ngoại trừ tiếng sóng vỗ vào bãi cát thành thứ âm thanh mà khi nghe một lần người ta sẽ nhớ hoài. Đó là một trong nhiều lý do khiến cho nhiều người khi thấy biển rồi sẽ yêu, thương và nhớ biển hoài. Anh cũng vậy. Khi còn học trường hạ sĩ quan Đồng Đế, cứ mỗi tuần được phép đi chơi, có tiền nhiều thì xuống Nha Trang, thăm Cầu Đá, chán lại ngồi bãi biển nhìn mây nước, gió ru hàng dương hòa với tiếng sóng vỗ bờ để thấy tâm hồn mình thanh thản và an vui. Bây giờ ngồi đây một mình, trong khoảng không gian vắng lặng và bình an, anh bỗng mến hòn đảo xa xôi này. Có cái gì làm cho mình mến thích nơi đây? Nhẫn tự hỏi. Dường như anh mơ hồ có câu trả lời. Biển đẹp thật nhưng chưa đủ sức để giữ chân một người lính chiến như anh. Trong bóng chiều chập choạng tối anh cảm nhận ra giọng cười của người nào đó trong ngôi nhà vọng ra mới chính là điều làm cho anh mến thích nơi này. Anh quay đầu nhìn về hướng ngôi nhà thắp đèn măng xông sáng trưng và dáng của Lựu đang đi về phía mình ngồi. Sau khi mọi việc nhà xong xuôi chắc cô nàng được thảnh thơi ra đây trò chuyện với anh.
- Anh Nhẫn ngồi ở đây mà tự nãy giờ Lựu tưởng anh đi về rồi…
Nhẫn cười. Anh biết Lựu thấy anh ngồi ở đây chờ song cô làm như vô tình ra đây gặp.
- Anh Hiển có nhã ý mời tôi ngủ lại. Trong lúc chờ anh đi vào căn cứ tôi ra đây ngồi nhìn biển…
Rất tự nhiên Lựu ngồi trên cát cạnh bên Nhẫn, chỉ cách một quãng xa chừng nửa tầm tay. Cô nghe giọng nói của người lính chiến tan loảng trong cơn gió chiều.
- Tôi thích nhìn biển vào lúc ban đêm. Khoảnh khắc từ lúc mặt trời sắp lặn cho tới khi chìm mất xuống mặt nước là khoảnh khắc đẹp nhất và quyến rũ nhất đối với tôi. Lựu thì chắc không lạ vì đã được nhìn hoài…
Lựu mỉm cười im lặng. Liếc qua, Nhẫn thấy cô đã tắm rửa vì tóc còn ươn ướt và thay quần áo khác. Chiếc áo bà ba màu trắng. Quần vải đen. Dường như anh ngửi được mùi hương có thể là hương của tóc hay của áo, hoặc của thân thể tinh khiết mới vừa tắm xong, hoặc có thể của những mùi hương đó hòa quyện với mùi nước biển theo gió làm thành thứ mùi hương nhẹ nhàng song ngửi một lần người ta sẽ lưu luyến mãi.
- Mặt trời mọc trên biển và mặt trời lặn, anh Nhẫn thích nhìn cái nào?
Nhẫn im lặng giây lát như suy nghĩ. Anh biết mình đang nói chuyện với một cô gái học lớp 10, tức là có học thức để hiểu biết. Do vậy mà anh phải suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời để khỏi bị quê và bị cô gái xem thường mình.
- Tôi thích nhìn mặt trời lặn hơn…
- Tại sao vậy anh Nhẫn?
Tiếng '' anh '' của Lựu mang âm hưởng như chút thân mật và âu yếm làm cho Nhẫn mỉm cười sung sướng.
- Đối với tôi cái gì có chất lãng mạn, mơ mộng và buồn thì mới đẹp và quyến rũ. Tôi thích mùa thu hơn bất cứ mùa nào trong năm dù Sài Gòn không có mùa thu một cách rõ rệt. Sài Gòn chỉ có hơi thu… Mặt trời lặn thì buồn có lẽ ở sự tàn tạ…
- Lựu cũng thích mặt trời lặn hơn. Nhưng đẹp nhất là trăng lên. Anh Nhẫn có thấy trăng trên bãi biển chưa?
- Chưa. Đêm nay có trăng không cô Lựu?
- Dạ có… Em…
Đang nói Lựu chợt ngừng lại vì biết mình lở miệng xưng em với Nhẫn. Nhưng liếc qua thấy Nhẫn như không nghe lời của mình vì anh đang dõi mắt trông chiếc ghe chạy trên biển, nàng cười tiếp.
- Lựu đoán chừng chín mười giờ trăng lên cao… Lúc đó sẽ đẹp hơn…
Nhẫn gật đầu không nói như đang bận suy nghĩ chuyện gì.
- Ba bảo Lựu ra mời anh Nhẫn vào nhà uống nước trà. Anh Hiển chắc cũng sắp về tới…
Lần thứ nhì Lựu biết mình lỡ lời. Hai tiếng '' Ba bảo '' âu yếm và thân mật được dùng bởi vợ chồng hoặc của hai người yêu nhau lâu.
- Ba bảo Lựu ra mời anh vào uống nước trà. Có phải Lựu nói như vậy không?
Lựu tỏ vẻ bối rối và mắc cỡ khi nghe Nhẫn lập lại câu nói của mình chỉ bỏ tiếng Nhẫn thôi. Cúi đầu xuống nhìn chân mình, cô nàng lí nhí tiếng dạ thật nhỏ, hi vọng tiếng sóng vỗ sẽ át đi tiếng nói của mình.
- Tôi thính tai lắm nghe Lựu. Ai nói nhỏ cách mấy tôi cũng nghe…
Ngồi dậy, bước đi trước, Lựu lầm bầm trong trí.
- Thấy ghét… hổng thèm nói chuyện nữa… năn nỉ gãy cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo đó tôi cũng hổng thèm nói đâu…
Trong bóng tối chập choạng, đi theo sau, Nhẫn mở cặp mắt của người lính có nhiều kinh nghiệm di hành trong đêm để nhìn phía sau lưng. Tóc huyền bay bay. Màu trắng của áo bà ba nổi bật lên nhờ chút ánh sáng của trăng lên thành một màu trắng bạc óng ánh. Anh nghĩ trăng lên cao đi dạo với Lựu trên biển sẽ đẹp vô cùng. Anh biết mình sẽ không ở đây hoài, do đó muốn mời Lựu đi dạo với mình trên bãi biển khi có trăng.
- Lựu thích nghe nhạc không Lựu?
Tự hứa với mình là hổng thèm nói chuyện song khi nghe Nhẫn hỏi, Lựu lại lên tiếng sau một phút im lặng.
- Dạ thích… Còn anh Nhẫn?
- Tôi cũng vậy. Lựu thích loại nhạc nào?
- Dạ nhạc tiền chiến và nhiều bản nhạc của các nhạc sĩ hiện thời… Anh Nhẫn biết bản Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím…?
Lựu cười nhỏ đọc chậm và rõ.
- Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường…
Đọc tới đó Lựu ngừng lại khi nghe Nhẫn cất giọng.
- Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh…
Nghe Nhẫn ngâm tới đó rồi ngưng, Lựu hiểu ý tiếp theo liền.
- Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường…
Hắng giọng Nhẫn mỉm cười tiếp.
- Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Hai người mỗi người đọc bốn câu xong tới phiên người kia, vừa đi chậm vừa đọc hết bài thơ của thi sĩ Kiên Giang mới chịu bước vào cửa nhà đang thắp đèn sáng trưng. Nhường cho Nhẫn đi trước, Lựu còn đứng nơi cửa mỉm cười khi nghĩ tới câu thơ '' Thuở ấy anh hiền và nhát quá '' mà Nhẫn đọc lớn hơn bình thường. Nàng lẩm bẩm.
- Anh mà hiền và nhát quá… Lính cọp rằn thấy người là chụp liền… khỏi có tin đi…
Mùa Thu Đã Già Mùa Thu Đã Già - Chu Sa Lan Mùa Thu Đã Già