Chương 3
arlisle McMillan
Trải qua nhiều khúc quanh co và ngoắt ngoéo của cuộc đời có phần trắc trở, Carlisle McMillan đã tới sống ở quận Yerkes, phía tây bang Nam Dakota. Anh đi vòng vèo mãi mới tới cái nơi tiêu điều đó và rốt cuộc, nhiều sự kiện khác thường vây quanh anh - một thứ được gán cho cái tên là Cuộc chiến quận Yerkes - lại là một câu chuyện khác ở một thời khác.
Còn bây giờ, có thể nói Carlisle McMillan là thợ mộc cừ khôi, học nghề một ông thợ già ở Nam California. Mệt mỏi vì cuộc sống thành phố, chán nản vì sự trượt dốc của cả kỹ năng lẫn lòng tự trọng trong công việc phát triển nhà ở tập trung, Carlisle rút hết tiền tiết kiệm và lao vào con đường dài, lan man xuyên Mỹ. Ở quận Yerkes, anh tìm ra thứ đang tìm, một nơi cách biệt hẳn sự ồ ạt của cái thế giới mà anh không hiểu, hoặc khi thời gian cứ trôi, anh càng không quan tâm nhiều lắm để hiểu. Năm đầu tiên sống ở Nam Dakota, anh xây dựng lại ngôi nhà cũ trên diện tích ba chục mẫu tây, cách thị trấn Salamander khoảng tám dặm rưỡi về phía bắc.
Với phần lớn cư dân, anh có được ngôi nhà nhờ cơ may cũng như sự hăng hái, nhờ ngẫu nhiên cũng như tính láu cá. Nhìn nhận về việc này, một số người coi là tốt, số khác cho là tồi. Kết quả sự lựa chọn của anh được xác định bằng sự cố gắng đầy lý trí hòa trộn với nhiều sự kiện bất ngờ đè nặng lên vai anh, vào những ngày anh ít chờ đợi nhất.
Nói cách khác, là bị quăng quật vì cuộc sống thường ngày. Hoặc nói khác nữa, là tình trạng bấp bênh.
Ngay từ khởi đầu, anh đã sống với sự bấp bênh hơn nhiều người khác. Anh chào đời ba mươi nhăm năm trước, là con hoang của một phụ nữ tên là Wynn McMillan và một người đàn ông mà mẹ anh không biết họ hoặc không thể nhớ ra. Từ những điều ít ỏi mà mẹ thuật lại, Carlisle chỉ có một hình ảnh mơ hồ và hay thay đổi về người đàn ông là cha mình.
Thế nên, trong những băn khoăn của thời niên thiếu và cả trong nhiều năm sau này, anh chỉ thấy người đó là một hình bóng mơ hồ, mong manh, cưỡi môtô, một trong những loại xe máy phân khối lớn, được thiết kế để chạy đường trường. Bóng người đó phóng xe trên quốc lộ ven biển phía Nam Carmel, mặt trời đang lặn chiếu sáng trên lưng, đang băng qua cây cầu cao, nơi Thái Bình Dương ăn sâu vào các vách đá. Còn người phụ nữ ngồi đằng sau? Cánh tay cô ôm eo anh ta, mái tóc cô tung bay ra sau trong gió. Đấy là mẹ của Carlisle McMillan, cách đây đã lâu.
Bà sống với người đó chỉ vài ngày, nhưng vài ngày là đã đủ. Đủ tạo ra một cậu bé tên là Carlisle.
Bà nhớ lại cát ấm nóng dưới gáy ở nơi bà nằm với ông. Bà không bao giờ quên cát cuối tháng Chín ấm biết chừng nào. Bà nhớ những cung cách lạ lùng, dịu nhẹ của ông. Những cung cách gần như ma ám, sau này bà nhận ra một số đặc điểm đó ở con trai mình. Bà nhớ cử động của ông uyển chuyển như con mòng biển, rằng ông biết nhiều điều bí ẩn và khi chỉ có một mình, ông nghe thấy tiếng nhạc văng vẳng từ quá khứ xa xôi. Bà không nhớ họ của ông. Có lần ông đã nói với bà, lúc cả hai ngồi bên đống lửa đêm, cheo leo bên rìa cuộc sống của họ, uống bia nhà làm. Và bà không sao nhớ ra được.
Có lần bà bảo:
- Hồi ấy, tên tuổi dường như không có ý nghĩa gì. Mẹ biết con khó mà hiểu điều đó, Carlisle, nhưng chúng ta cảm thấy thế. Mẹ chịu đựng chuyện này vì con nhiều hơn vì mẹ.
Câu chuyện cứ loanh quanh như thế. Bà kể với Carlisle khi cậu mười hai tuổi, lúc hai mẹ con ngồi ở bậc thềm ngôi nhà thuê ở Mendocino. Người mẹ vòng tay ôm đứa con trai gầy gò, rụt rè và dựa đầu vào con trong lúc nói chuyện, mái tóc mới gội rất dễ nhận thấy trong các mùi của mẹ. Carlisle lắng nghe và yêu mẹ vì sự chân thật không ngừng lúc mẹ kể, vì niềm hạnh phúc của mẹ vì có cậu, kể cả những ngụ ý đau nhói về việc từ bỏ nhục dục bí ẩn mà mẹ ám chỉ lúc nói về người đàn ông. Mặc dù ở lứa tuổi của Carlisle, khó mà hình dung những việc đó, nhất là dính dáng đến mẹ mình.
Mọi sự chân thật và ân cần của mẹ đều tốt, nhưng chưa đủ. Trong thâm tâm, Carlisle McMillan mong ước có một người cha, một người đàn ông có thể làm cậu yên tâm rằng mọi cảm giác ngẫu nhiên và đầy sức mạnh quẫy đạp xung quanh và trong lòng cậu rốt cuộc có thể hun đúc thành một nhân cách đàn ông, kiên định và hữu ích.
Carlisle giận dữ một thời gian dài. Giận dữ vì tình trạng nhập nhằng khi Wynn McMillan ngẫu nhiên cặp với một người không có hình dáng rõ rệt, rồi người đó biến lên phía Bắc qua những cây cối đầy màu sắc của một mùa thu dài dặc và đơn giản là mất tích. Sự thể là người thì sống, người thì nghĩ, nhưng cuối cùng, Carlisle đành làm lành với tất cả mọi sự, tuy ít ỏi. Sự việc gần như là thế.
Mẹ anh và người đàn ông đó đã ở với nhau mùa thu năm 1945, khi Thế chiến II vừa kết thúc. Sự việc xảy ra trong tình trạng ngây ngất, lộn xộn, xuất phát từ chiến thắng ngọt ngào, cộng với sinh lực bị kìm nén và những đam mê dồn đọng. Nếu mọi thứ đó lại hòa trộn với tính phù phiếm vui vẻ trong sinh hoạt tự do, phóng túng ở Big Sur, đầy các nhà thơ và nghệ sĩ, kể cả Henry Miller (nhà văn Mỹ, có nhiều tác phẩm chống lại sự khắc khe của xã hội và chủ trương giải phóng tình dục) vừa từ Paris đến, đi lừ đừ dọc con đường từ Partington Ridge và bán dạo các bức tranh màu nước của ông, thì chuyện ấy có thể thông cảm được. Khi tròn ba mươi tuổi, Carlisle đã quyết định sẽ làm một việc tương tự.
Carlisle luôn ở trong trạng thái nhập nhằng, luôn có cảm giác mình là người không hoàn thiện, và tò mò về những vòng xoắn đặc biệt trong nhóm gien sản sinh ra anh. Nhiều người bảo trông anh hơi giống người da Đỏ, xương gò má và sống mũ cao, thỉnh thoảng anh buộc mớ tóc dài màu nâu bằng chiếc khăn tay rộng màu đỏ, theo phong cách Apache (một nhánh thổ dân Bắc Mỹ). Hầu như anh thích ý nghĩ ấy, dẫu anh không biết là thật hay giả. Khi người ta hỏi: “Cậu có dòng máu Da Đỏ à?”, Carlisle im lặng, nhún vai, để mặc cho họ tự rút ra kết luận.
Có những âm thanh mơ hồ nào đó. Anh gọi như thế. Nó bắt đầu từ rất sớm và ở lại với anh qua nhiều năm. Một thứ ở phía sau và xa xôi, không rõ nguồn cơn. Những hiệu lệnh chập chờn, yếu ớt và văng vẳng, có lẽ từ những vòng xoắn ADN của anh, cho đến khi trong lòng anh tĩnh lặng, cảm nhận được tín hiệu hơn là nghe thấy chúng. Dường như có cái gì đó đang nghịch cái ma níp đầy bụi tại nhà ga xe lửa, trong một thành phố điêu tàn: tạch... ngừng... tạch... ngừng... tạch, tạch... nhắc lại cả dãy.
Đấy là một kiểu; và còn nhiều kiểu khác nữa.
Ban đầu, Carlisle thấy có vẻ không thật, có thể là hão huyền, nhưng anh hình dung cha mình đang gửi một bức điện tín cho dòng dõi huyết thống là anh. Anh nghĩ theo cách này: Cha tôi là người không biết có tôi trên đời, nhưng mật mã di truyền của ông ấy biết, vì chúng là một phần của tôi. Các mã biết tôi đang tồn tại, các loài biết tôi đang tồn tại. Tôi là dòng giống của ông và mang các đặc tính di truyền của ông. Bởi vậy, về mặt nào đấy, ông ấy biết. Lập luận khá mờ nhạt, nhưng có lý nếu anh không ép nó đi quá xa.
Thế nên, Carlisle tin cha mình đã trở lại nơi nào đó và lắng nghe khi tín hiệu bắt đầu. Anh ra sức lắng nghe và nói chuyện với chúng. “Ông là ai vậy? Trời ạ, hãy tăng âm lượng lên và lưu lại trong không trung chút nữa. Hãy cho tôi biết về ông, để tôi có thể hiểu thêm về mình. Tôi biết và không biết những gì?” Nhưng các tín hiệu mỏng manh, mờ nhạt ngay từ lúc bắt đầu, và Carlisle luôn cảm thấy bị bỏ rơi, rồi sau đó hơi thấy thương thân.
Thay cho người cha chưa bao giờ có, và tiếp theo là người cha dượng mà anh chẳng bao giờ liên hệ, Carlisle tìm được một thợ mộc già tên là Cody Marx, ông đã thành người thay thế cha anh. Cody Marx truyền cho Carlisle McMillan những kỹ năng của nghề mộc và cách nhìn nhận, cùng nghị lực để làm việc cho đúng. Cody thường bảo: Trong mọi sự, làm việc rất gần với sự khoan dung.
Định cư ở quận Yerkes được một năm, ngôi nhà gần như hoàn tất, Carlisle ngồi bên cái bàn nhỏ đóng bằng những mảnh gỗ thừa và viết thư gửi mẹ.
Ngày 14 tháng Mười,
Chào mẹ,
Con hy vọng mẹ vẫn khỏe. Mẹ có trò mới học xenlô không? Mẹ vẫn làm việc ở phòng trưng bày nghệ thuật chứ? Ngôi nhà thành ra khá đẹp mẹ ạ, nhờ được Cody chỉ dạy; và con đã kiếm được việc làm ngoài. Quanh đây có nhiều ngôi nhà cũ, sửa lại bằng xà gỗ và ốp ván sẽ rất đẹp, mà phần lớn là nhà của nông dân, họ có vẻ thích nhà bằng kim loại hơn, nên họ vui vẻ bán lại cho con, chỉ để con phá đi và làm lại bằng nguyên liệu của rừng rậm. Mà gỗ thì đẹp, loại cổ thụ ấy.
Tuy biết rằng việc đó phải làm trong nhiều năm, song có lẽ đã đến lúc con đi tìm manh mối về cha con. Con biết là đã nhiều năm rồi và khó mà nhớ lại được, nhưng cố thử lần nữa, mẹ ạ. Mẹ nhớ ra bất cứ điều gì cũng giúp được con. Ông ấy nói sẽ đi đâu khi rời Big Sur? Mẹ có thể nhớ lại nhãn xe máy ông ấy đi không? Có lần, mẹ bảo ông ấy ở trong quân đội hồi Thế chiến II. Binh chủng nào hở mẹ?
Cho con gửi lời thăm bà Marx, nếu mẹ gặp bà ấy nhé. À, mà mẹ từng gặp Henry Miller thật sao?
Con yêu mẹ. Carlisle
Một Ngàn Con Đường Quê Một Ngàn Con Đường Quê - Robert James Waller Một Ngàn Con Đường Quê