Lời Ai Điếu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2 (2) - Đi Tản Cư Lên Chí Chủ Phú Thọ
ại nói về Hà Nội những năm 50 đầu thế kỷ trước. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đến giai đoạn này đã chuyển sang thế phòng ngự và tấn công. Quân đội viễn chinh Pháp bắt đầu thua liểng xiểng. Người Hà Nội chứng kiến cảnh binh lính Pháp sau những ngày thua trận ở các nơi về Hà Nội với vẻ chán trường, râu tóc bơ phờ và… sống gấp. Các bar rượu, vũ trường, đèn xanh đỏ lập lòe, nhốn nháo thâu đêm. Cũng nhờ đám viễn chinh này ăn chơi xả láng mà nhiều người cũng kiếm chác được nhờ phục vụ chúng. Có chị bán thuốc lá trước một rạp chiếu bóng kể bán thuốc cho tây một lãi mười. Khi một thằng tây mua gói thuốc, nó đưa tiền chẵn, khi trả lại tiền (miền Nam gọi là thối tiền), đáng phải trả lại mười thì chỉ trả lại một. Nó chẳng đếm lại bao giờ, đút tiền vào túi đi ngay. Nếu thấy nó đếm lại thì… cầm tiền đưa thêm, coi như chưa đưa hết!
Dạo ấy, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng máy bay trực thăng trên đầu là lũ trẻ chúng tôi ở các phố Hàm Long, Lò Đúc, Lê Văn Hưu… chạy bán sống bán chết ra vườn hoa Pasteur. Ở đó có một bãi đất rộng cho trực thăng hạ cánh. Chúng tôi nhìn thấy từ trên trực thăng các thương binh da trắng, da đen được khiêng xuống để đưa về nhà thương Đồn Thủy (nay là bệnh viện 108) để cứu chữa. Khi trên Điện Biên Phủ xẩy ra thì ở Hà Nội thật nhộn nhạo.
Tin tức đồn đại khắp nơi. Báo bán chạy như tôm tươi. Hầu hết các gia đình trung lưu ở Hà Nội lúc đó đều mua báo hàng ngày để theo dõi tin tức chiến trường. Người ta lo âu, thì thầm vì biết thế nào Pháp cũng thua, Việt Minh sẽ thắng. Người có gia đình theo kháng chiến thì vui mừng, hồi hộp. Một hôm, ông bác ruột, anh mẹ tôi từ phố Hàng Buồm đến chơi, đưa tờ báo cho mẹ tôi coi rồi chỉ tay vào một tấm hình lớn ngay trang nhất và nói: “Em chồng cô bây giờ làm lớn lắm!” Thì ra đó là tấm hình chụp ông Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn đại biểu VNDCCH tại hội nghị Geneve về Đông Dương 1954. Đứng cạnh trưởng đoàn Phạm Văn Đồng là chú tôi, Lê Phú Cường (tức tướng Lê Hữu Qua sau này). Sau này tôi mới biết là chú Hai tôi là nhân viên an ninh của phái đoàn Việt Nam tại Geneva, có nhiệm vụ bảo vệ đoàn và trưởng đoàn. Đây là lý do chú tôi thường hay xuất hiện bên cạnh ông Phạm Văn Đồng. Vì thế mọi người cứ tưởng chú tôi làm lớn lắm. Lúc đó mới 12 tuổi đầu, tôi không hình dung ra cái gì sẽ đến với gia đình tôi và Hà Nội. Thế nhưng, cái gì đến đã đến. Ngày 10-10-1954, ngày giải phóng thủ đô thật đáng ghi nhớ. Mẹ tôi là một người buôn bán rất nhạy cảm nên trước đó bà mua tích trữ nhiều cán cờ bằng gỗ, bằng tre xếp đầy nhà. Ngày đó tung ra bán cho người ta làm cán cờ vẫy chào bộ đội về giải phóng thủ đô.
Tôi còn nhớ như in đêm mùng 9 rạng sáng 10/10 ấy cả thành phố giới nghiêm và không ai ngủ cả. Mấy chị em tôi dán mắt nhìn qua khe cửa. Trong ánh sáng vàng đục của những ngọn đèn đêm, tôi thấy những tên lính Pháp cao lớn đi tuần. Gần sáng, lính Pháp chốt lại các đầu phố. Nhà tôi ở số 3B phố Hàm Long, tức đầu phố nhìn ra ngã năm Phan Chu Trinh, Hàm Long, Lê Văn Hưu, Lò Đúc, Hàn Thuyên rõ mồn một. Lính Pháp tụ lại ở đầu phố. Khi trời sáng hẳn thì từng tốp bộ đội của ta vai đeo súng từ từ tiến đến chỗ lính Pháp. Những tên lính Tây cao lêu nghêu đứng cạnh bộ đội Việt Minh bé nhỏ chỉ cao đến vai chúng. Họ trao đổi với nhau, bàn giao với nhau những điều gì đó rồi thấy lính Pháp từ từ rút lên phía nhà hát lớn theo đường Phan Chu Trinh. Khi lính Pháp rút rồi, chỉ còn lại bộ đội ta thì tất cả các cánh của bật tung, nhân dân hai bên phố ùa ra đường với cờ đỏ trong tay reo mừng hoan hô các anh bộ đội. (Dĩ nhiên các cán cờ là của mẹ tôi bán cho họ).
Nếu tôi không ghi lại cái sự việc có thật này về cái đêm mùng 9/10 năm đó, thì sau này các sử gia, các nhà tiểu thuyết lịch sử khó hình dung người Hà Nội làm gì, nghĩ gì, đường phố Hà Nội diễn ra điều gì trong cái giờ phút lịch sử đó. Bởi lẽ, những người Hà Nội chứng kiến lúc quân Pháp rút lui lúc rạng sáng ngày hôm đó chắc không còn mấy người và cũng chẳng ai làm cái việc lẩn thẩn là ngồi ghi chép lại những sự việc đó trong khi mọi người đang điên rồ kiếm tiền, cố tồn tại trong cái nền kinh tế thị trường định hướng XHCN này! Cũng cần phải nói thêm là, trước ngày 10/10/1954 cả mấy tháng, đã có các cán bộ Việt Minh vào thành phố, tá túc trong các nhà dân vốn là cơ sở của Việt Minh hay các gia đình có người đi kháng chiến. Nhà tôi cũng có một chị tên là Nhân đến ở. Họ có nhiệm vụ giải thích chính sách của chính phủ kháng chiến, khuyên đồng bào không theo Pháp đi Hải Phòng…
Chị Nhân có chồng là cán bộ hoạt động nội thành rất đẹp trai tên là Hồng Kỳ. Mẹ tôi đã xếp cho họ ở một căn buồng nhỏ sau bếp nhà và đứa con đầu lòng của họ đã “nên người” ở căn buồng đó. Sau này họ vẫn đi lại thăm gia đình tôi.
Lại nói về ngày 10/10 lịch sử, cho đến 10 h sáng hôm đó thì cả Hà Nội là một ngày hội lớn. Năm cửa ô Hà Nội tưng bừng đón những đoàn quân chiến thắng trở về. Các nghệ sỹ đem cả đàn ra kéo, các chị mặc áo dài, các bà nhà giàu tung hoa tươi lên các đoàn xe trở các đoàn quân tiến vào thành phố. Có những câu chuyện thật cảm động mà tôi biết. Bà cụ Lý Tiếp, người làng Đồng Nhân, quê ngoại của tôi. Cụ có họ xa với mẹ tôi. Cụ sinh sống bằng nghề bán nước mắm rong trên đường phố. Hôm đó có người bảo với bà rằng, con bà là cán bộ chỉ huy cao cấp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu tôi nhớ không nhầm là đại đoàn trưởng hay trung đoàn trưởng gì đó… có người làng đã trông thấy con trai bà trên phim tài liệu về Điện Biên khi còn ở vùng tự do. Người cán bộ vô thành kiểu như chị Nhân tôi kể ở trên đã cho bà biết tin như thế. Nhưng bà cụ không tin nên sáng ngày 10/10 bà vẫn đi bán nước mắm. Khi đoàn quân tiến vào thủ đô, bà cụ Tiếp vẫn đòn gánh trên vai chen vào đoàn người đứng hai bên đường tại một cửa ô. Bỗng nhiên bà trông thấy con trai mình ngồi trên xe Jeep dẫn đầu đoàn quân. Bà lao ra… hai mẹ con đã ôm lấy nhau… và mọi người đều khóc. Người chỉ huy đó sau này là thiếu tướng Vũ Yên. Tên cúng cơm của ông là Nguyễn Văn Tịch. Mẹ tôi nói ông là người làng của bà. Khi viết những dòng này, tôi cũng cảm động rơi nước mắt khi ngòi bút “chạy” tới đây. Lịch sử đất nước có những giờ phút đáng ghi nhớ như thế. Nhưng, người ta có hay đâu những người hồ hởi mang hoa ném lên những đoàn xe trở đoàn quân chiến thắng kia, chỉ ít lâu sau là nạn nhân của những cuộc cải tạo tư sản. Ở nông thôn là Cải cách ruộng đất đẫm máu.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, không khí hồ hởi vui tươi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hòa bình lập lại 1954 ở Hà Nội cũng như toàn miền Bắc mau chóng nhường chỗ cho những ngày ảm đạm, u ám của những cuộc “đấu tranh giai cấp”, của Cải cách ruộng đất, của cải tạo tư sản, đấu tố bọn “Nhân văn Giai phẩm”. Nhà văn Nguyễn Khải đã miêu tả rất đúng chân dung của con người Việt Nam từ thành thị đến nông thôn sau chiến thắng Điện Biên trong bài tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất”. Ông viết: “Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chẳng có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn. Từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, một đường lối nếu họ không muốn dẫm vào vết chân của nhóm “Nhân văn Giai phẩm”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng lom rom như một kẻ bại trận”. Viết đến đây tôi chợt nhớ có lần đọc được bài viết của một phóng viên người Pháp nhiều năm sống ở Trung Quốc. Khi quân giải phóng nhân dân Trung Hoa vượt sông Trường Giang đuổi quân Tưởng Giới Thạch khỏi lục địa, thu Trung Quốc về một mối, tác giả đã từ Hồng Kông qua lục địa và chứng kiến cảnh nhân dân vui mừng chào đón một tương lai tốt đẹp như thế nào. Sau đó tác giả hạ một câu, đại ý, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tiếp tục công cuộc “đấu tranh giai cấp” sau đó thì nước Trung Hoa đã không khốn nạn như ngày nay.
Việt Nam chẳng khác gì Trung Quốc, hay nói cách khác là giống nhau như hai giọt nước. “Đấu tranh giai cấp” đã tàn phá tất cả những gì tốt đẹp mà nhân dân Việt Nam đã đổ xương máu để giành được cho đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cải cách ruộng đất đã đưa những ông bà nông dân mắt toét răng đen không biết chữ lên làm chánh án những “tòa án nhân dân”, có quyền phán quyết án tử hình và nạn nhân bị đem bắn ngay sau đó. Những thước phim tư liệu do chính quyền quay mà tôi đã được xem, mỗi lần nhớ đến vẫn khiến tôi lạnh xương sống. Tên địa chủ được lôi ra đấu tố, ra xét xử đi giữa hai du kích đi chân đất và cầm súng chĩa vào mình.Và, tên địa chủ ấy cứ run cầm cập khi nhìn thấy cái cọc tre đã được đóng sẵn để lát nữa trói mình vào đó để xử bắn! Chưa cần xử, nạn nhân đã biết trước hình phạt dành cho mình. Xem những thước phim cho thấy, chỉ sau vài loạt hô đả đảo của quần chúng đang điên rồ trong cơn phấn kích là “phạm nhân” đã bị trói nghiến vào cái cột tre, rồi sau loạt súng nổ, người ta bu lại để xem tên “phạm nhân” nghẹo cổ. Đạn xuyên thẳng vào tim. Cả xã hội miền Bắc đã lên cơn nhập đồng cuồng điên trong cuộc đấu tố bắn giết kéo dài đó. Thật khó có thể giải thích những người nông dân nghèo khổ, hiền lành, nhẫn nhục, sống với nhau bao đời trong các làng quê được bao bọc bởi những lũy tre xanh hiền hòa kia… bỗng có ngày họ bị Đảng Cộng sản cho uống thuốc kích độc, kích ác, kích bạo, kích tham… những độc dược dán mác “đấu tranh giai cấp” hay “Mác-Lenin”… để một chị con gái có thể nhẩy chồm lên chỉ vào mặt bố đẻ của mình mà hét: Thằng kia, mày có biết tao là ai không? Và người cha đẻ của chị khúm núm run rẩy thưa: Thưa bà, bà là con của con ạ!!!
Ở Đồ Sơn quê vợ tôi có câu chuyện thương tâm thế này. Một phú nông trong làng, từng chứa chấp Việt Minh hoạt động. Một hôm, có 5-6 cán bộ đang họp trong nhà thì có tin Tây đến vây bố. Chủ nhà nhanh trí hô tất cả trèo lên mái nhà dỡ mái xuống (xem như đang sửa nhà). Thấy cảnh nhà cửa ngổn ngang, mái nhà bị dỡ tung, chúng tin là nhà đang sửa nên có đông thợ đến làm liền rút lui. Thế nhưng, thật trớ trêu ông chủ nhà sau này bị đấu tố trong Cải cách ruộng đất, bị bức cung ông phẫn uất quá cho gọi tất cả các con cái về nhà, dồn vào một buồng rồi tưới xăng để tự thiêu. Chị con gái đã có chồng, có con, quỳ lạy cha xin tha chết để còn sống nuôi con. Nghĩ thương cháu, người ông tha cho con gái sau đó châm lửa thiêu cả nhà. Khi mọi người biết chuyện chạy đến thì những đứa trẻ đã chết đen thui còn xác người vợ trương phồng lên như con bò! Cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất “long trời lở đất” ở miền Bắc lúc đó đã xử bắn hàng chục ngàn người, đa phần là những người có công với kháng chiến, những phần tử ưu tú nhất ở nông thôn Việt Nam.
Nói về Cải cách ruộng đất thì nhiều tác phẩm văn học như “Ba người khác” của Tô Hoài; “Bến Không Chồng” của Dương Hướng; “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường; hồi ký “Hồ ký một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải đã miêu tả khá sinh động, chân thực. Nhưng những truyện về “cải tạo tư sản” ở những thành phố miền Bắc lúc đó ít được viết đến vì nhiều lý do. Là một người sinh ra và lớn lên ở thành thị (Hà Nội), tuy lúc đó chỉ là đứa trẻ 15, 16 tuổi nhưng tôi đã chứng kiến tận mắt cái bi kịch “cải tạo tư sản”. Tuy nó không ghê rợn âm u như thời trung cổ, như Cải cách ruộng đất. Mặc dù diễn ra sau Cải cách ruộng đất và rút được kinh nghiệm phần nào nhưng không thiếu những cảnh cười ra nước mắt, kệch cỡm, lố bịch, đểu cáng… chưa từng có trong đời sống của thị dân Việt Nam. Hai gia đình cả bên nội lẫn bên ngoại của tôi đều có những ông chủ bị cải tạo nên tôi biết rất rõ. Giá tôi có được cái tài như nhà văn Dương Hướng thì chắc chắn độc giả đã có được cuốn tiểu thuyết hay như “Bến Không Chồng” về cảnh sắc ở thị thành thời cải tạo tư sản. Tôi đã đọc “Bến Không Chồng” nhiều lần và vô cùng khâm phục tài năng cũng như vốn sống của tác giả về xã hội nông thôn miền Bắc. Nước Pháp đã dịch tiểu thuyết của ông sang tiếng Pháp. Người ta đã chọn một người Pháp giỏi tiếng Việt và một người Việt giỏi tiếng Pháp để cộng tác dịch tác phẩm này. Vì không có tài viết tiểu thuyết, tôn xin kể ra đây các sự việc về cái gọi là cải tạo tư sản thời đó, hy vọng để lại ít nhiều tư liệu cho đời sau
Ông anh ruột của mẹ tôi mà tôi vẫn quen gọi là bác Hai Súy (người thứ hai trong dòng họ) tên thật là Nguyễn Vĩnh Phương. Ông làm nghề thầu khoán. Tôi không rõ ông học đến trình độ gì nhưng tôi thấy ông vẽ được các bản vẽ cho các công trình xây dựng, nay gọi là bản thiết kế. Tôi chắc là ông có tay nghề cao, nên sau này người ta xây dựng sân bóng đá lớn ở Hà Nội là sân Hàng Đẫy, và sửa chữa nhà hát lớn Hà Nội ông cũng được mời tham dự. Có nghề thiết kế trong tay, ông lại nhận thầu khoán các công trình nên là người có của. Ngoài căn nhà ở số 77 phố Hàng Buồm, nơi ông đặt văn phòng làm việc, ông còn có 2,3 căn nhà khác nữa. Trong đó tôi nghe nói, có đến 9,10 phòng sang trọng, mỗi phòng một kiểu đá hoa (trong Nam kêu là đá bông). Khi cải tạo tư sản, những nhà này ông đã “tự nguyện” làm đơn hiến cho nhà nước quản lý vì theo quy định về tiêu chuẩn sử dụng nhà ở lúc bấy giờ, mỗi gia đình chỉ được sử dụng tối đa 120 mét vuông. Bà vợ ông mà tôi thường gọi là bà Hai Súy là một phụ nữ hiếm có. Bà buôn bán rất đảm đang và là một người nhân hậu được cả cộng đồng buôn bán ở Hà Nội lúc đó tôn vinh, ca ngợi. Bà bác của tôi kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, đặc biệt là bánh trung thu. Hãng bánh trung thu Vĩnh Phương của bà nổi tiếng ở Hà Nội một thời. Từ đầu năm bà đã thu mua các nguyên liệu, tích trữ các mặt hàng cần thiết cho việc sản xuất một lượng bánh kẹo lớn để bán vào dịp trung thu. Từ rằng tháng bảy ta, căn nhà 77 Hàng Buồm dài hun hút nối với một căn nhà khác ăn ra mặt tiền phố Hàng Giấy thực sự trở thành một xưởng bánh kẹo có hàng chục công nhân làm việc ngày đêm. Thời đó chưa có dây chuyền sản xuất bánh trung thu theo kiểu công nghiệp như ngày nay. Tất cả phải đóng vào khuôn gỗ, vì thế tiếng gõ từ khuôn gỗ xuống mặt bàn để gỡ bánh nướng bánh dẻo ra khỏi khuôn của mấy chục tay thợ vang dậy cả khu nhà. Sau dịp bánh trung thu, bác tôi lại tích trữ nguyên liệu để sản xuất mứt kẹo cho tết nguyên đán. Để làm mứt sen ngày tết, bác tôi phải tích trữ hàng tấn sen hạt phơi khô chất trong kho. Các hạt sen này khô cứng như đá. Đến khi làm mứt phải cho vào chảo lớn ninh. Nước đầu phải đổ đi vì nhiều tạp chất. Nhưng từ nước thứ hai trở đi thì mùi thơm của sen bốc lên ngào ngạt. Những chảo nước sen sánh đặc này vẫn phải đổ đi, rất tiếc. Nhiều người đến xin nước sen đặc này về uống. Nhưng ai uống nhiều thì ngủ li bì như chết. Tôi đã có lần uống liền hai cốc nước sen pha đường, ngon ngọt vô cùng nhưng sau đó thì nhủ đến không mở mắt ra được. Phải ninh đến nước thứ ba thì sen mới nở bung ra, làm mứt mới ngon.
Một năm bác tôi chỉ tập trung vào hai dịp tết đó để sản xuất bánh kẹo nhưng công việc chuẩn bị, tích trữ nguyên liệu thì phải làm quanh năm. Có thời gian bác tôi còn đi cả Hồng Kông để nhập đồ sứ cao cấp về Hà Nội bán. Bác tôi còn mưa cả cây đàn piano loại đắt tiền từ Hồng Kông về cho các con. Cây đàn ấy hiện vẫn còn giữ được ở căn nhà phố Hàng Buồm. Bác tôi, một người phụ nữ đảm đang, tài giỏi như thế nhưng dưới chế độ cộng sản thì họ gọi là “con buôn”. Và, cái xưởng bánh kẹo của bà là đối tượng của cái gọi là “công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”. Xưởng phải vào hợp tác xã và chỉ sau thời gian rất ngắn là tan rã. Thợ thuyền đều thất nghiệp để “mặt nám mắt đen nhìn ngơ ngác” như nhà văn Nguyễn Khải đã miêu tả về giai đoạn này!
Trước khi tiến hành cải tạo công thương nghiệp… một số nhà tư sản ở miền Bắc lúc đó được lùa vào cái gọi là “hội công thương”, một số đại biểu của hội này được đi tham quan học tập ở Thượng Hải bên Trung Quốc về cải tạo XHCN với tư sản. Một trong những người được đi Thượng Hải dịp này mà tôi được biết là ông Quỳnh Phong, một nhà tư sản đi kháng chiến có quen biết với gia đỉnh tôi khi ở Phú Thọ. Ổng đã mở cả xưởng làm ngòi bút, làm khuy áo bằng vỏ trai, vỏ hến… để kháng chiến “toàn quốc”, “toàn diện” như khẩu hiệu của cụ Hồ lúc đó. Cơ sở sản xuất của ông sau này ở Hà Nội cũng bị cướp sạch (!)
Điều tôi muốn nói nhất ở đây về cải tạo tư sản là nó đồng thời phá hoại kinh tế, vật chất của xã hội. Nguy hại hơn là nó còn phá vỡ cả khối đoàn kết dân tộc. Người ta đã gieo rắc vào xã hội, vào đầu óc người dân sự thù ghét người giàu. Họ xem sự giàu có là một tội ác, do đó tìm mọi cách moi móc vu khống cho những người giàu có. Nhìn những người giàu là chỉ do bóc lột mà có. Những gì mà tôi biết được về sự “cải tạo” nhà ông bác tôi ở Hàng Buồm thật chua chát, khôi hài. Người ta đã “bồi dưỡng tư tưởng” cho những công nhân làm thuê cho bác tôi để họ “tố khổ” ông bà chủ. Nhưng có câu chuyện nực cười thế này, trước cửa nhà bác tôi cho vợ chồng ông ba Tàu đứng nhờ để bán mì hoành thánh sinh nhai đã nhiều năm. Khi được đội cải tạo “bồi dưỡng” để bắt ông phải tố ông bà chủ nhà đã “bóc lột” vợ chồng ông như thế nào… cũng may cho bác tôi là vợ chồng người Tàu này rất thật thà và có nhân cách. Ông ta thưa với đội cải tạo là ông bà Vĩnh Phương (tức bác tôi) cho đứng bán quanh năm mà không lấy một đồng xu nào. Thậm chí, tết đem đôi gà sống thiến đến biếu thì ông bà Vĩnh Phương bảo phải đem về, nếu cứ để đôi gà lại thì năm sau không cho đứng nhờ bán hàng nữa! Thế là đội nghe vậy đành chịu. Còn nữa, trong gia đình bác tôi có một người con nuôi tên là M. Câu chuyện của anh rất bi thảm. Nạn đói năm 1945 ấy, mẹ anh đã chết từ lâu nhưng đứa con (chính là anh M này) vẫn bò lên xác mẹ để bú, nhìn thấy thương tình quá, bác tôi bế vào nhà kho cho uống sữa và nuôi M từ đó. Sau này đội cũng “bồi dưỡng” M và yêu cầu anh tố khổ cha mẹ nuôi nhưng anh nhất mực ca ngợi cha mẹ nuôi của mình. Thấy vậy đội không chịu và quyết truy hỏi với những gợi ý: Vì sao những người con đẻ thì được ăn học tử tế, còn anh thì phá ngang không theo học đến đầu đến đũa? Anh M đã trả lời dứt khoát do tôi tối dạ, học không vào nên xin với bố mẹ cho nghỉ học để đi học việc chứ không phải các cụ bắt tôi phải nghỉ học. Anh còn tuyên bố: Bố mẹ nuôi tôi đã cứu tôi từ cõi chết trở về, cho tôi được làm người, tôi không thể nào phản bội được. Nếu không có bố mẹ nuôi tôi cưu mang thì tôi đã chết từ lúc vừa biết bò! Thế là một lần nữa đội đành bó tay! Còn rất nhiều chuyện khôi hài pha nước mắt mà nếu kể ra thì nó phải dầy như cuốn tiểu thuyết nhiều tập mà sức và tài của tôi thì xin chỉ dừng lại ở đây.
Có lẽ cũng do dân trí ở thành thị cao hơn ở nông thôn nên những cuộc đấu tố tư sản không đến nỗi bất nhân, xảo trá, vu khống trắng trợn như ở nông thôn trong Cải cách ruộng đất. Anh M mà tôi kể, sau này được kết nạp Đảng và làm tới chức giám đốc một nông trường cao su ở Nam Bộ sau 1975. Anh thật xứng đáng là một đảng viên và trường hợp kết nạp này thì Đảng thật là sáng suốt.
Bên họ nội của tôi cũng có một ông bác họ ở Hải Phòng bị cải tạo, đó là ông Lê Đức Ngữ. Bác Ngữ của tôi có một hiệu chụp ảnh khá nổi tiếng ở thành phố cảng ở đường Hoàng Văn Thụ, mặt đường phố lớn. Tiệm chụp ảnh của ông chỉ thuê vài thợ giúp việc và cũng bị cải tạo. Nhà ông họ chiếm làm một cửa hàng cho Sở văn hóa-thông tin. Căn nhà mặt tiền rộng 6 thước này bị ngăn ra 2 mét là đường đi vô lối sau cho chủ nhà còn 4 mét mặt tiền xây thành cửa hàng thuộc nhà nước quản lý. Cho đến bây giờ, tôi ra Bắc đến thăm người anh họ vẫn thấy ông phải ở trên lầu còn căn nhà bên dưới vẫn bị chiếm. Nhiều người góp ý với anh nên đòi lại phần nhà bị chiếm dụng vô lý vì cũng đã có nhiều trường hợp tương tự đã được trả nhà cho chủ nhân nhưng anh tôi rất ngại phải tốn tiền chạy chọt (thì mới được việc) nên đến bây giờ ông vẫn phải ở trên gác, ra vào qua cái ngõ tối om… Nhưng, điều đáng nói hơn là thế hệ con cháu những người bị cải tạo, bị quy là tư sản là tiểu chủ thì luôn kè kè bên mình cái lý lịch xấu và vì thế cứ khổ sở suốt đời. Người con trai cả của bác tôi, vì nhà có xe hơi nên biết lái xe. Đến khi bị cải tạo, anh được nhận vô lái xe tuyến Hải Phòng-Đồ Sơn. Cho đến bây giờ, cháu nội của ông cũng được “ưu tiên” nhận vào lái xe cho xí nghiệp. Vậy là nhà ông ba đời lái xe cho dù con cháu sau này có học hành giỏi giang đến đâu cũng không thể vô các trường trung cấp, đại học của chế độ chỉ vì cái lý lịch tư sản đó!
Lời Ai Điếu Lời Ai Điếu - Lê Phú Khải Lời Ai Điếu