Lão Chộp epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5
ồi sự kiện đó qua đi. Cũng như bao chiến tích oanh liệt thời chống Mỹ rồi cũng qua đi. Lão Chộp không còn nhớ nữa. Những ông lực điền cùng bắt giặc với lão cũng không còn nhớ nữa. Họ bận bao công việc đồng áng, mùa màng. Chẳng ai còn nhắc lại chuyện cũ. Thế nhưng, viên phi công Mỹ bị bắt đêm ấy, ngài Peter Perterson thì lại không quên. Vừa đến Hà Nội được ít ngày, ngài đã trở về An Bình, thăm lại mảnh đất xưa mà cứ theo lời ngài thì đó là mảnh đất ngài có nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Lần này, ngài đi giữa ban ngày. Cùng đi với ngài còn có bí thư tỉnh ủy Phạm Văn Thọ cùng nhiều cán bộ cao cấp Bộ Ngoại giao. Lão Chộp cũng ra đón ngài. Lão đi cùng đám thợ cày, thợ cấy làng An Đoài. Cuộc đón tiếp diễn ra trọng thể theo đúng nghi thức đón khách quốc tế.
- Ông còn nhớ tôi không? Ông có mong tôi trở lại không?
Đại sứ Peter Perterson bắt tay lão Chộp và hỏi lão như vậy. Câu hỏi ấy làm cho lão rất đỗi kinh ngạc.
- Làm sao tôi lại nhớ và mong ông được. Ông không phải người làng tôi, cũng không phải họ hàng. Ngay cả bây giờ gặp ông giữa ban ngày ban mặt mà tôi cững còn chẳng thể nhận ra được nữa kia. Lúc ấy, ông khác lắm...
- Tôi khác ư? Khác thế nào? - Đại sứ đâm tò mò.
- Thì lúc ấy, ông là cái anh đầu trọc. Tôi muốn túm tóc ông cũng không túm được. Còn bây giờ thì ông thế này...
Đại sứ Mỹ cười vang. Lão Chộp cũng cười. Câu chuyện xưa đã trở thành cổ tích. Còn hiện tại lão Chộp đang thũng thẵng cùng Peter Perterson đi thăm cánh đồng Mả Giai, thăm gian nhà kho chứa thóc giống nơi ngài từng bị nhốt. Tất cả giờ đổi khác. Cây quéo xưa đã chết. Đường ra đồng rộng thênh thang, có thể chạy hai hàng xe tải. Nhiều nhà xây đã mọc lên, có dáng dấp những biệt thự vườn. Rồi quán cháo lòng, quán cơm bụi, quán karaoke. Làng An Đoài đã váng vất đâu đó chút mùi vị thị thành. Đến chính lão Chộp cũng không còn nhận ra được dấu tích đìu hiu của cái làng quê xưa cũ. Nhưng Ngài Peter Perterson thì vẫn nhận ra. Ngài nhớ rất rõ từng bờ rào, từng mô đất trên con đường làng ngoằn ngoèo những vệt trâu đái và ngai ngái mùi cúc tần, mùi rơm rạ. Lão Chộp rất kinh ngạc trước trí nhớ kỳ lạ của viên phi công Mỹ ngày nào.
- Chỗ này dạo ấy không phải như thế này đâu. Nó có rãnh nước nhỏ...
- Phải rồi! Lão Chộp xác nhận. - Nó là rãnh đất ải. Ông tập tễnh bước trên những rãnh đất ấy...
- Tôi nhớ là tôi rất đau chân. Đau lắm. Lúc ấy, tôi ngỡ mình không phải bước trên mặt đất, mà đang giẫm lên những bàn chông. Vâng, đúng là những mũi chông nhọn hoắt...
Lão Chộp cười hô hố:
- Không phải chông đâu. Đất làng tôi đấy. Tôi vẫn giẫm trên những vạt đất ấy ra đồng mỗi ngày. Chỉ có điều là ông đi chưa quen thôi. Lúc ấy, tôi đã lột giày ông, vì cứ tưởng điện đài ông giấu trong giày. Nếu biết ông cộc tếch, chỉ có mỗi bộ đồ lề của lão phó cối, thì tôi đã chả bắt ông phải làm như vậy...
- Dạo ấy, tôi ngồi ở chỗ này, đúng không? - Đại sứ Mỹ chỉ cái bục gạch đã tróc vữa nham nhở ở góc sân kho hợp tác xã.
- Đúng đấy...
- Lúc ấy, có một người rót cho tôi bát nước. Bát nước rất lạ. Thoạt đầu chỉ thấy đắng ngắt. Đắng đến nỗi, tôi tưởng là thuốc độc. Nhưng sau lại thấy thơm, thấy ngọt. Một vị ngọt cũng rất lạ.
- Nước vối đấy. Còn người rót nước cho ngài là ông Lơ...
- Ông ấy có ở đây không?
- Ông cụ mất rồi. Mất cách đây mới vài năm thôi...
- Thật đáng tiếc. Cầu Chúa ban phước lành cho ông ấy. - Giọng Peter Perterson trầm xuống. - Quả thật là khi uống bát nước của ông ấy đưa cho, tôi biết là mình sống. Nhất định sẽ sống. Thế còn đống lửa? Tại sao lúc ấy họ đốt lửa to thế?
Lão Chộp cười:
- Họ đốt để nhìn rõ mặt ông đấy. Mặc dù lúc ấy, đốt lửa rất nguy hiểm. Vì lửa có thể là mục tiêu bắn phá của các ông...
Đại sứ Mỹ vẫn chưa hết ngạc nhiên:
- Thế còn những người xung quanh, họ la hét, họ cứ nhảy choi choi trước mặt tôi. Họ muốn làm gì tôi thế?
- À, đấy là những người có chồng, có con bị bom các ông giết hại đấy. Rất may là chúng tôi kịp nhét ông vào kho lúa, khoá lại, chứ nếu không thì không chắc chúng tôi đã bảo vệ được ông thoát khỏi những cơn thịnh nộ của họ...
Đại sứ Mỹ cười buồn, rồi quay sang lão Chộp:
- Cũng may là tất cả mọi việc đã qua rồi. Tôi rất mừng là cả hai chúng ta đều còn sống. Lần trước, tôi đến An Bình bằng nhảy dù. Bây giờ thì tôi đến An Bình bằng ô-tô. Tôi muốn chúng ta hãy khép lại quá khứ, cùng nhìn về tương lai. Tôi sẽ làm hết mình cho tương lai ấy. Ông bạn tôi, ngài Tali có nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm ông, hỏi thăm bà con An Bình...
- Thế ông Tali là ông nào? - Tôi tò mò hỏi lão Chộp.
- Là cái ông phi công nhảy dù cùng với ông Buson. Cái máy bay cháy đêm ấy có những hai phi công cơ, bác ạ. Chúng tôi chỉ bắt được mỗi ông Buson thôi.
- Ông Peter Perterson, cụ ạ. - Tôi vội đính chính.
- ở đây chúng tôi vẫn gọi là ông Buson. Vừa rồi ông ấy về đây, chúng tôi cũng gọi là Buson. Ông ấy cũng chẳng cãi gì. Thế thì đúng ông ấy là Buson rồi còn gì, có bác nhớ nhầm tên ông ấy thì có. - Lão Chộp cười hề hề. - Vừa rồi, nghe ông Buson nói, tôi mới biết ông Tali là bạn ông ấy. Hai ông cùng nhảy dù. Ông Buson đau chân, vì va phải cái gì đó trên máy bay ấy. Ông Tali khoẻ hơn, ông ấy rủ ông Buson chạy trốn, nhưng ông Buson không chạy vì chân đau...
- Thế ông Tali có chạy được không?
- Chạy được chừng hơn hai cây số, sang phía bên kia cánh đồng Tè. Tưởng ông ấy trốn ở đâu, hoá ra chui vào bãi tha ma. Ông ấy đào ở ria đống mả một khoảng hõm đúng bằng một cái ghế ngồi. Ông ấy ngồi ở đó, lấy lúa che bốn xung quanh. Mà khen thay, là ông ấy xoá dấu vết rất giỏi, người ông ấy to xù như thế mà đi qua lúa chẳng để lại tý dấu vết nào. Đến khi mấy bà đi làm cỏ lúa túm được ông ấy thì ông ấy lại giả vờ chết. Đầu ông ấy ngoẹo xuống, mắt nhắm nghiền, nhưng mồm lại thở phò phò...
Lão Chộp cười khậc khậc:
- Ông Tali bây giờ, nghe nói cũng làm to lắm, đâu như ông ấy là giám đốc hãng hàng không máy bay du lịch Mỹ. Khi ông ấy bị bắt thì cũng rất buồn cười. Y hệt ông Buson. Đầu cũng trọc lông lốc. Khám người chỉ thấy lỉnh kỉnh dăm cối. Các bố này cũng biết đề phòng có thể bị bắt, nên mang theo dăm cối, để đóng giả ông phó cối, dễ trà trộn. Nhưng mặt mũi ấy, chân tay ấy làm phó cối sao nổi.
- Chắc đó là thứ gỗ thay cho củi, dùng để nướng thức ăn gì đó chăng?
- Không! Dăm cối rõ ràng, bác ạ, chẳng lẽ tôi mà lại nhầm được?
Lão Chộp lại cười, vẻ khoái chí! Rồi lão đẩy cái điếu bát sang phía tôi:
- Bác hút thuốc đi. Thuốc lào Vĩnh Bảo đấy. Vừa rồi, ông Buson về đây, tôi cũng đãi ông ấy một chầu thuốc lào...
- Ông ấy hút được thuốc lào, hả cụ?
- Hút tốt. Ông ấy vê thuốc gọn lắm. Chắc hồi nằm khoèo ở trại giam Hà Nội, ông ấy có hút thuốc lào. Về cái khoản bắn thuốc này thì ông ấy chẳng chịu thua cánh thợ cày chúng tôi đâu...
Lão Chộp dừng lại. Lão nhìn tôi đăm đăm, vẻ như thăm dò, rồi lão dè dặt hỏi:
- Này, tôi hỏi khí không phải. Có phải bác là cái anh Hạt gạo làng ta không?
Tôi ngạc nhiên nhìn lão:
- Vâng! Có chuyện gì thế cụ?
- Ồ, thế thì hay quá! Tôi định khăn gói quả mướp tìm gặp bác lâu rồi kia. May quá! Đúng là giời phù hộ, bác ạ!
Nói rồi, lão Chộp lậng cậng bước vào buồng. Có tiếng lảnh cảnh va đập của chai lọ. Rồi lúc sau, lão lôi ra một cái xắc-cốt quen thuộc mà ta vẫn thường thấy ở các cán bộ xã thời kháng chiến chống Mỹ.
- Tôi có mấy cái này, làm đã lâu rồi, hồi còn là thanh niên trong trung đội dân quân...
Tưởng gì, hoá ra lại là thơ. Lão viết trong những cuốn sổ ghi công điểm hợp tác xã. Nhìn chỗ nào cũng dày đặc những chữ. Tôi lần giở từng trang. Bài thơ nọ nối bài thơ kia, trông rậm rịt như những vạt rau muống. Biết đâu trong số này chẳng có một đôi bài làm nên tên tuổi lão ở đời sau. Cứ xem lão nâng niu chúng, đủ biết đối với lão, đây mới chính là báu vật.
Tôi nhìn lão kinh ngạc. Hoá ra lão không muốn làm anh hùng, mà chỉ ôm mộng thành thi sĩ. Chuyện ta biết về lão vẫn chỉ là cái chuyện bắt phi công Mỹ. Chuyện ấy đối với lão lại là chuyện vặt. “Bác đừng viết làm gì, kẻo dân làng tôi họ lại bảo cái lão này già rồi còn thích khoe, mà toàn khoe những chuyện cũ rích. Tôi có cả bài thơ viết về ông Buson đấy! Hay là thế này. Đêm nay, bác nghỉ lại đây đi. Ta làm ấm trà đặc...”
- Vâng! Thế nào cũng có buổi tôi trở lại nghe thơ cụ. Còn bây giờ thì tôi phải đi rồi...
- Thế bác có về Hà Nội không, hay còn làm việc ở Hải Dương?..
- Tôi về Hà Nội ngay chiều nay, cụ ạ.
Lão Chộp mừng rỡ:
- Thế thì bác cho tôi gửi cho ông Buson cái này nhé.
- Cụ gửi gì thế?
- À, tôi muốn gửi biếu ông ấy chục trứng gà mới đẻ với nải chuối tiêu, gọi là chút quà quê. Lần trước, ông ấy về, cập rập quá, tôi lại quên khuấy đi mất.
- Ấy chết, cái đó thì tôi không chắc chuyển được, cụ ạ. Ông ấy bây giờ làm đại sứ Mỹ, chuyển quà không dễ...
- Thế thì bác cứ nhắn là tôi có nhời hỏi thăm. Tôi chúc ông ấy mạnh khoẻ. Và nếu ông ấy rỗi rãi, mời ông ấy về An Bình chơi với chúng tôi. Tôi sẽ đọc thơ tôi viết về ông ấy cho ông ấy nghe. Tất nhiên, nếu có về An Bình, ông ấy cứ đi bằng ô-tô như hôm vừa rồi, chứ đừng nhảy dù.
- Thế nếu ông ấy cứ nhảy dù thì cụ tính sao? - Tôi hỏi trêu lão Chộp.
- Thì... thì tôi lại phải... “chộp” ông ấy thôi. Mà điều đó thú thực với bác là tôi rất không muốn. - Lão Chộp cười. - ấy cũng là nói cho vui thế thôi, chứ tôi với ông ấy đều già cả rồi. Ai lại còn đi làm cái trò trẻ con ấy nữa.
12- 1997
Lão Chộp Lão Chộp - Trần Đăng Khoa