Phần Thứ Nhất - I. Bản Chất Truyện Cổ Tích - Nghiên Cứu Truyện Cổ Tích Nói Chung Và Truyện Cổ Tích Việt-Nam - 1. Phân Loại Truyện Cổ, Một Vấn Đề Đặt Ra Từ Lâu, Nhưng Vẫn Còn Rất Mới Mẻ.
hi nói đến mấy tiếng "truyện cổ tích" hay "truyện đời xưa", chúng ta đều sẵn có quan niệm rằng, đấy là một danh từ chung bao gồm hết thảy các loại truyện do quần chúng vô danh sáng tác và lưu truyền qua các thời đại. Trong đó, có truyện đượm tính chất hoang đường, có truyện gần với sự thật, có truyện ngụ một ý nghĩa sâu xa, có truyện không quan tâm đến đạo đức triết lý, có truyện mang tính nghệ thuật cao, có truyện hãy còn mộc mạc chưa được gia công tô điểm, có truyện nghiêm trang, có truyện buồn cười, có truyện dài, có truyện rất ngắn, có truyện từ ngàn xưa để lại, có truyện mới đặt gần đây, v.v...
Khái niệm "truyện cổ tích" như vậy thật rộng và phức tạp. Chẳng khác gì nhìn vào một khu rừng trong đấy có nhiều loại cây: cây to, cây nhỏ, gỗ tốt, gỗ xấu, mọc chằng chịt lẫn lộn. Cũng vì thế, xác định đặc trưng từng loại truyện cổ khác nhau để đi đến phân loại truyện cổ, vẫn là một công việc hứng thú và luôn luôn có ý nghĩa đối với nhiều nhà nghiên cứu và sưu tầm văn học dân gian từ trước tới nay. Tuy nhiên, cho đến lúc này, công việc đó vẫn chưa hoàn thành, và chưa có một kiến giải nào khả dĩ gọi là thỏa đáng.
Nghiêm Toản và Thanh Lãng cũng như một số người đã không dựa trên một tiêu chuẩn xác đáng nào trong khi chia truyện cổ thành những loại truyện như truyện mê tín hoang đường, truyện ma quỷ, truyện thần tiên, truyện ái tình, truyện luân lý, truyện tòa án, truyện nói về người, truyện nói về vật, v.v...[1]Bởi vì trong những loại truyện luân lý ngụ ngôn, truyện phúng thế hài đàm đâu phải không có những truyện có tính chất mê tín hoang đường. Và ngược lại, trong những loại truyện ma quỷ, truyện thần tiên, cũng chẳng phải là hiếm những đề tài có tính chất ái tình, luân lý?
Cách chia của Nguyễn Văn Ngọc trong bài "Mào đầu" quyển Truyện cổ tích nước Nam cũng chưa đem lại cho ta một sự phân biệt dứt khoát[2]. Ông quan tâm nhiều đến tính thống nhất về mặt hình thức của những loại truyện cổ khác nhau. Chẳng hạn những truyện có kết thúc bằng những câu phương ngôn lý ngữ được ông liệt vào một loại, những truyện có xen lẫn câu ca hài hát lại được chia thành một loại khác. Nhưng quá thiên về hình thức, thậm chí không quan niệm được tính chất linh động của truyện cổ về mặt hình thức, tác giả rốt cuộc đã không vượt khỏi chủ nghĩa hình thức đơn thuần.
Có người không phân loại nhưng có ý sưu tập riêng một số truyện, cho đây là những truyện của trẻ em (đồng thoại) để mặc nhiên phân biệt với truyện của người lớn. Nếu có thể cho đây là một tiêu chuẩn thì cái tiêu chuẩn phân loại theo đối tượng thưởng thức ấy kể ra cũng không có gì là phân minh, nhất là đối với truyện cổ Việt-nam! Vì khác với các dân tộc phương Tây, người Việt-nam trước đây sáng tác truyện cổ dường như không có ý định dành một loại nào riêng cho trẻ em cả.
Có lẽ do chỗ khó khăn trong việc phân loại nên đã có người dựa vào tính chất ảo tưởng khá phổ biến trong các truyện cổ mà chia đại khái làm hai loại lớn: một loại trong đó ảo tưởng chiếm ưu thế, như các truyện động vật, truyện ma quái, truyện thần tiên, v.v... và một loại truyện tương đối ít nhân tố ảo tưởng hơn như các truyện về sinh hoạt, truyện cười, truyện triết lý, v.v...
Trong sách Văn nghệ bình dân Việt-nam[3], Trương Tửu cũng theo lối này. Ông chia toàn bộ truyện truyền miệng thành hai loại: thần kỳ và thế sự. Mỗi loại lại được chia thành nhiều hạng. Ví dụ, loại thần kỳ có bốn hạng: truyện thần tiên, truyện anh hùng, truyện ma quỷ và truyện nói về con người. Loại thế sự thì có các hạng: truyện tiếu lâm, truyện khôi hài, truyện ngụ ngôn, truyện nói về nhân tình thế thái, v.v...
Cách sắp xếp này có sự khái quát cao hơn hẳn những người đi trước, song khi đi vào các hạng mục nhỏ cũng vẫn còn dấu vết hình thức. Một truyện triết lý, ngụ ngôn hay khôi hài không nhất định phải ít nhân tố ảo tưởng hơn một truyện anh hùng, truyện động vật. Ngược lại cũng không phải cứ truyện động vật, truyện anh hùng nào cũng đều phải có sự can thiệp của yếu tố thần tiên. Để đạt tới một kết luận định sẵn, tác giả của truyện không từ một biện pháp nào: có thần kỳ hay không thần kỳ đều dùng được cả.
Như vậy, cũng không thể lấy tính chất ảo tưởng làm tiêu chuẩn cơ bản trong việc phân loại truyện cổ. Phân loại như thế, dễ dẫn chúng ta đến một tình trạng khó xử: càng sắp xếp chi li thì những đặc điểm riêng vềloại hình, về kết cấu nghệ thuật, và cả những mối liên hệ trong nội dung tư tưởng... của từng loại truyện càng dễ bị lẫn lộn.
Thế thì phải chăng không thể phân loại truyện cổ tích một cách rành mạch được. Chắc chắn không phải. Nhưng để có một ý niệm xác đáng, trước khi phân loại cần tìm hiểu thấu đáo những đặc trưng cơ bản nhất của từng loại truyện truyền miệng. Đó là phương pháp cần thiết trong khi nghiên cứu văn học dân gian.
Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam