Chương 5
.
Hôm thứ Hai đó, mồng mười tháng Mười, mặt trời rạng rỡ đắc thắng xuyên qua những đám mây xám từ một tuần nay che tối Paris. Ngay cả đêm trước, vẫn còn mưa bụi ẩm ướt làm bẩn đường phố, nhưng, lúc sớm tinh mơ, những đợt gió mạnh cuốn mây đi, các bờ hè được lau chùi, và trời xanh biếc mang niềm vui trong sáng của mùa xuân.
Vì vậy, hiệu Hạnh phúc các bà, ngay từ tám giờ, rực rỡ dưới ánh nắng trong sáng đó, trong niềm hân hoan của cuộc đem bán lớn những hàng tân phẩm mùa đông. Cờ phấp phới ở cửa, những tấm len dạ phất phơ trong gió lạnh buổi sớm mai, khiến quảng trường Gaillon nhộn nhịp ồn ào như ngày hội chợ; trong khi đó, trên hai phố, các tủ hàng triển khai những hòa điệu của hàng bầy, mà mặt kính trong suốt càng tăng thêm các màu rực rỡ. Màu sắc như loạn, một niềm vui phố xá nổ ra ở đây, cả một khu tiêu xài rộng mở, ở đó ai cũng có thể tới xem đến thích mắt.
Nhưng vào giờ này còn ít người vào, chỉ lác đác những bà khách hàng bận rộn, mấy bà nội trợ ở xung quanh, những bà muốn tránh cảnh chen chúc vào buổi chiều. Đằng sau những vải vóc trưng bầy, người ta cảm thấy cửa hàng vắng tanh, sẵn sàng và chờ đón khách, với những sàn nhà đánh bóng, những quầy chất ứ hàng. Đám đông tất tả buổi sáng gọi là liếc mắt nhìn qua những tủ kính mà không chậm bước lại. Phố Neuve Saint Augustin và quảng trường Gaillon, nơi xe cộ phải xếp hàng, vào lúc chín giờ chỉ mới có hai chiếc xe ngựa thuê. Chỉ duy có dân khu phố, nhất là những tiểu thương, khích động vì cuộc phô trương bằng cờ lộng lẫy, tập họp thành nhóm trước các cửa nhà, ở các góc hè; hếch mũi lên, nhao nhao những lời nhận xét cay nghiệt. Cái làm họ bất bình là, ở phố La Michodière, trước phòng hàng đi, một trong bốn chiếc xe mà Mouret vừa ném đi khắp Paris: những xe nền xanh ve, tô chỉ vàng và đỏ, với những panô sơn đậm rực rỡ màu vàng và đỏ dưới ánh nắng. Chiếc xe này, sặc sỡ màu sơn mới toanh, ở bên trên một tấm biển rao cuộc đem bán trong ngày chiếc xe cuối cùng ra đi theo nước kiệu của một con ngựa oai phong, khi người ta chất nốt lên xe những gói hàng còn sót lại của hôm trước. Và, Baudu, đúng trước cửa hiệu Vieil Elbeuf, tái mặt nhìn theo nó tới đại lộ, diễu qua thành phố cái tên đáng ghét của hiệu Hạnh phúc các bà, trong ánh hào quang rực rỡ.
Trong khi đó, vài chiếc xe ngựa thuê tới và xếp hàng dọc. Mỗi bà khách hàng vào, là có sự nhốn nháo giữa đám người hầu của cửa hiệu xếp hàng dưới cửa lớn, mình bận chế phục, áo và quần màu ve nhạt, gi-lê sọc vàng và đỏ. Và viên thanh tra Jouve, cựu đại tá về hưu, đứng đó, bận redingote và cà vạt trắng, đeo huy chương, như một biểu trưng của lòng chính trực xưa, tiếp đón các bà với vẻ kính cẩn nghiêm trang nghiêng mình trước họ để chỉ vào các gian hàng. Rồi họ bước vào tiền sảnh, nơi này đã biến thành một phòng khách phương Đông.
Thế là, ngay từ cửa vào, một điều kinh dị, một sự ngạc nhiên làm choáng váng tất cả các bà. Mouret đã có sáng kiến đó. Anh là người đầu tiên vừa mua ở phương Đông về với những điều kiện thuận lợi, một bộ sưu tập thảm cũ và thảm mới, loại thảm hiếm mà cho đến bây giờ chỉ duy những người bán đồ quý báu rất đắt; và anh sẽ làm tràn ngập thị trường, anh nhượng lại xấp xỉ theo nguyên giá, chỉ tạm dùng làm một cuộc trang trí huy hoàng, nó sẽ thu hút tới cửa hàng anh khách hàng cao cấp của nghệ thuật. Từ giữa quảng trường Gaillon, người ta đã trông thấy cái phòng khách phương Đông đó làm toàn bằng thảm và màn cửa của bọn người hầu treo theo lệnh của anh. Trước hết, trên trần căng những thảm Smyrne [1] với những hoa vẽ cầu kỳ nổi lên trên nền đỏ. Rồi bốn phía treo những màn của Karamanie và Syrie, vằn xanh ve, màu vàng và màu son, những màn cửa Diarbékir, thường hơn, mó ráp tay, như những áo choàng của mục đồng; và còn những thảm có thể dùng làm trướng, những thảm dài của Ispahan, Téhéran, và Kermancha, những thảm rộng hơn của Schoumaka và Madras, cả một vườn nở rộ những hoa mẫu đơn và lá cọ lạ mắt, kỳ vật thả vào vườn thơ mộng. Dưới đất, lại những thảm, một loạt những thảm lòng mỡ bóng rải ra; chính giữa, một chiếc thảm Agra, một dị vật nền trắng, viền rộng màu lam dịu, chạy hoa trang trí màu tím nhạt, với một sức tưởng tượng diệu kỳ; rồi, khắp cả, bày ra những kỳ quan, những thảm La Mecque ánh nhung, thảm cầu nguyện của Daghestan với mũi nhọn tượng trưng, thảm Kurdistan, rải hoa nở; sau hết, ở một góc, cả mớ hàng rẻ, những thảm Gheurdès, Coula và Kircheer, chất đống, giá từ mười lăm phrăng. Trong cái lều đại quan Thổ Nhĩ Kỳ lộng lẫy đó kê những ghế bành, trường kỷ làm bằng những bao da lạc đà, những chiếc này rạch hình trám sặc sỡ, những chiếc kia trổ hoa hồng chất phác. Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ có mặt ở đó. Người ta đã vét rỗng những lâu đài cướp đoạt của những chùa Hồi giáo và những hàng tạp hóa. Màu vàng dã thú ngư trị bên sự nép mình của những thảm cỏ màu đã phai mà còn giữ một nồng độ ấm, một vẻ mờ dần khi lửa tắt của một màu nung đẹp dưới tay bậc thầy xưa, và những ảo ảnh phương Đông chập chờn trong sự phong phú của cái nghệ thuật man rợ đó, giữa hơi nồng mà những đồ len cũ còn giữ từ xứ sở của bọ chét và mặt trời.
Thứ Hai đó đúng là ngày Denise bắt đầu đi làm. Buổi sáng, lúc tám giờ, khi đi qua phòng khách phương Đông, cô bàng hoàng, không còn nhận ra lối vào cửa hàng, lòng đầy xao xuyến trong cái khung cảnh hậu cung dựng lên ngay ở cửa vào đó. Một người phục vụ dẫn cô lên tầng sát nóc, trao cô cho bà Cabin phụ trách việc quét dọn và trông nom các buồng bà ta đưa cô vào buồng số 7, ở đó người ta đã đem lên chiếc hòm của cô. Đó là một phòng chật hẹp sát mái, có cửa sổ mở qua mái nhà, kê một chiếc giường nhỏ, một tủ gỗ hồ đào, một bàn rửa mặt và hai ghế tựa. Hai mươi phòng như vậy chạy dài theo một đường hành lang kiểu tu viện quét sơn vàng và, trong số ba mươi lăm cô bán hàng của cửa hàng, hai mươi cô không có gia đình ở Paris ngủ tại đó, còn mười lăm cô kia ở bên ngoài, một số ở nhà cô bác hay chị em họ giả danh. Lập tức, Denise cởi chiếc áo dài len mỏng, đã sờn vì bàn chải, vá ở tay, chiếc áo duy nhất mang từ Valognes tới. Rồi cô bận đồng phục của gian hàng cô, một áo dài lụa đen mà người ta đã sửa cho cô và đặt sẵn ở giường. Chiếc áo này vẫn còn hơi lớn, vai quá rộng. Nhưng cô quá hấp tấp vì xúc động, nên chẳng lưu ý tới những chi tiết đỏm dáng ấy. Chưa bao giờ cô mặc đồ lụa. Khi trở xuống nhà, bận quần áo diện, không thoải mái, cô nhìn chiếc váy lấp lánh, cô thấy ngượng vì vải sột soạt ầm ĩ.
Ở bên dưới, khi cô vào gian hàng thì nổ ra một cuộc cãi nhau. Cô nghe tiếng Clara giọng the thé nói:
- Thưa bà, tôi đến trước cô ấy.
- Không phải, - Marguerite nói - Cô ấy xô tôi ở ngoài cửa, lúc đó tôi đã đặt chân vào phòng khách rồi.
Đây là vấn đề đăng ký vào bảng xếp hàng quy định lượt bán. Nhân viên bán hàng ghi tên vào một bảng đen theo thứ tự đến trước đến sau; và, mỗi lần cô nào có một khách hàng thì lại chuyển tên mình xuống dưới cùng. Rốt cuộc bà Aurélie nhận là Marguerite đúng.
- Tuyền những bất công! - Clara hậm hực nói.
Nhưng Denise vào thì hai cô lại làm lành với nhau. Họ nhìn cô, rồi mỉm cười. Ăn mặc dơ đến thế kia là cùng! Cô gái vụng về ra ghi tên vào bảng xếp hàng, ở đó cô đúng cuối cùng. Bấy giờ bà Aurélie ngắm nghía cô, trề môi lo lắng. Bà không nhịn nói được:
- Cô em ạ, hai người bằng cô chui vào cái áo cũng vừa. Phải sửa cho nó chật lại... Mà rồi, cô không biết ăn mặc. Cô lại đây, tôi sửa cho cô một chút.
Và bà ta dẫn cô tới trước một trong những tấm gương xen kẽ lần lượt với những cửa tủ không gương, trong đó chất đầy hàng may sẵn. Gian buồng rộng, xung quanh là những mặt gương và mặt gỗ sồi chạm, giải thảm len tuyết đó dệt cành lá rườm rà, giống như một phòng khách thường của khách sạn, luôn luôn có người vội vã qua lại. Các cô bán hàng làm cho nó càng giống, cô nào cũng bận chiếc áo lụa quy định, nhởn nha với cái điệu làm duyên chào mời, không bao giờ ngồi xuống mười hai chiếc ghế dành cho khách hàng. Cô nào cũng có giữa hai khuyết áo chẽn, như cắm vào ngực một chiếc bút chì to tướng dựng mũi nhọn lên; và người ta nhận thấy, từ một cái túi, thò ra một nửa quyển sổ bán hàng làm thành một vệt trắng. Nhiều cô bạo đeo cả đồ nữ trang, nhẫn, trâm cài, dây chuyền; nhưng chỗ làm đỏm, điểm làm sang mà họ ganh đua, ngoài bộ đồng phục bắt buộc, là món tóc để trần, xum xuê, độn thêm những bím, những búi nếu thưa tóc, chải, uốn, để xõa.
- Thì cô hãy kéo dây lưng ra phía trước - Bà Aurélie nhắc lại - Thế, ít ra thì cũng không cộm lên ở lưng. Còn món tóc nữa, sao lại có thể làm nó thảm hại như thế này! Nếu cô muốn thì nó sẽ tuyệt trần.
Quả thật đó chính là chỗ đẹp duy nhất của Denise. Tóc cô màu hung tro, buông xuống thì đến mắt cá; và, khi bới tóc, nó làm cô rất bực, đến mức cô đành chỉ cuộn nó lại và giữ nó thành một búi bằng chiếc lược sừng răng cứng. Clara rất khó chịu vì món tóc đẹp hoang dại đó, giả bộ nhạo vì nó búi quá vụng về. Cô ta làm hiệu gọi một cô bán hàng của gian quần áo lót, một cô gái mặt rộng, vẻ thanh nhã. Hai gian kề nhau luôn luôn đối chọi nhau; nhưng các cô ấy đôi khi lại vào hùa với nhau để chế giễu người ta.
- Cô Cugnot này, thử nhìn cái bờm kia. - Clara nói, trong khi Marguerite hích khuỷu tay, cũng làm ra vẻ sặc cười.
Nhưng cô bán hàng đồ lót không hứng bông đùa. Cô ta nhìn Denise từ lúc nãy, cô nhớ lại những điều đau khổ mà bản thân cô đã phải chịu những tháng đầu tiên vào làm ở gian hàng.
- Thế thì sao? - Cô nói - Chẳng phải ai cũng có loại bờm đó!
Và cô quay về gian hàng đồ lót để hai cô kia chưng hửng. Denise nghe tiếng, đưa mắt nhìn theo cám ơn, còn bà Aurélie thì vừa đưa cho cô một quyển sổ bán hàng tên cô, vừa nói:
- Thôi, ngày mai, cô ăn bận cho gọn hơn... Còn bây giờ thì phải nhập gia tùy tục, cô chờ đến lượt bán hàng. Ngày hôm nay là vất vả đấy, để xem khả năng cô thế nào.
Lúc đó, gian hàng còn vắng vẻ, vào giờ sớm mai này, ít khách lên chỗ hàng may sản. Các cô bán hàng đờ đẫn và thủng thỉnh, giữ sức chuẩn bị đón những vất vả buổi chiều. Bấy giờ Denise lo lắng với ý nghĩ họ đang chờ xem mình làm ăn buổi đầu thế nào, cô gọt cái bút chì để giữ bình tĩnh; rồi bắt chước người khác, cô cắm bút vào ngực, giữa hai khuyết áo. Cô tự khích lệ mình, nhất định cô phải giành được chỗ đứng. Hôm trước người ta đã bảo cô vào làm cơm không, nghĩa là không có lương cố định, mà chỉ được khoản ăn phần trăm và hoa hồng về hàng bán ra. Nhưng cô hy vọng như thế có thể kiếm được một nghìn hai trăm phrăng, vì cô biết những người bán giỏi mà chịu khó lĩnh tới hai nghìn. Ngân sách đã được ấn định, một trăm phrăng mỗi tháng cho phép cô trả tiền ăn cho Pépé và cấp dưỡng cho Jean, hắn không được lĩnh một xu; bản thân cô có thể sắm được vài bộ đồ và quần áo lót. Nhưng, để kiếm được số tiền lớn đó, cô phải tỏ ra chăm chỉ và cứng, không phiền lòng vì những kẻ ác tâm xung quanh, phải tranh đấu và giành phần với bạn, nếu cần. Cô đang tự kích thích mình đấu tranh như vậy thì một chàng trai lớn đi qua trước gian hàng, mỉm cười với cô: và khi cô nhận ra là Deloche, hôm trước vào làm ở gian hàng đăng-ten, thì cô mỉm cười đáp lại, vui mừng vì được thấy lại tình bạn, xem như có điềm lành trong cuộc chào hỏi này.
Vào lúc chín giờ rưỡi, có tiếng chuông báo lớp ăn sáng đầu tiên. Rồi, một hồi chuông gọi lớp thứ hai. Thế mà khách hàng vẫn vắng. Bà Frédéric, gian hàng phó, với cái tính cứng nhắc hay cảu nhảu của người đàn bà góa, ưng những chuyện tai biến, bà cam đoan rằng cái ngày ấy thế là thất bại, bằng mấy câu cộc lộc: chẳng ma nào đến [2], khóa tủ lại, về thôi; lời đoán làm tối sầm bộ mặt bẹt của Marguerite hám kiếm tiền, còn Clara thì, với dáng bộ ngựa sổng, đã mơ đến một chầu ở rừng Verrières nếu cửa hàng sụp. Đến bà Aurélie thì, câm lặng, đăm chiêu, bà diễu cái bộ mặt César qua gian hàng vắng không, như vị tướng có phần trách nhiệm trong cuộc thắng bại.
Khoảng mười một giờ, có vài bà vào. Đến lượt Denise bán. Vừa lúc đó, người ta báo một bà khách.
- Cái bà béo ở tĩnh lẻ, bà biết không? - Marguerite nói khẽ.
Đó là một bà bốn nhăm tuổi, từ cuối tỉnh heo hút nào thỉnh thoảng lại về Paris. Ở địa phương, trong bao nhiêu tháng, bà để dành từng đồng xu, rồi, vừa xuống khỏi toa xe hỏa, bà ngã ngay vào hiệu Hạnh phúc các bà, có bao nhiêu tiền tiêu sạch. Ít khi bà ta mua bằng thư, vì bà muốn xem, thấy vui được mó tay vào hàng, bà mua trữ cả kim, thứ này, bà nói, dùng hao lắm, ở cái thị xã nhỏ của bà. Cả hiệu đều quen bà, chỉ biết tên gọi là bà Boutarel, và bà ở Albi, chẳng cần biết điều gì khác, cả hoàn cảnh, lẫn đời sống của bà.
- Bà vẫn mạnh khỏe, thưa bà? - Bà Aurélie tiến lên trước, niềm nở hỏi - Và bà cần gì, xin hầu bà ngay.
Rồi, quay lại:
- Các cô đâu!
Denise bước lại gần, nhưng Clara lao tới. Thường thì cô ta tỏ ra lười bán, chê tiền bởi cô kiếm ở bên ngoài nhiều hơn, mà ít tốn sức. Nhưng cái ý muốn giành một khách hàng bở của kẻ mới đến kích thích cô.
- Xin lỗi, đến lượt tôi. - Denise bất bình nói.
Bà Aurélie gạt cô đi bằng cắi nhìn nghiêm khắc, miệng lẩm bẩm:
- Không có lượt nào hết, tôi là chỉ huy duy nhất ở đây... Hãy đợi học cho biết, để phục vụ khách hàng quen.
Cô gái lùi lại; và vì nước mắt trào ra, cô muốn che giấu nỗi lòng quá xúc động của mình, cô quay lưng lại, đứng trước những tấm gương không tráng, giả vờ nhìn ra ngoài phố. Liệu người ta có ngăn cản cô bán hay không? Tất cả họ vào hùa để tước của cô những món bán quan trọng như thế hay sao? Lo sợ cho tương lai, cô cảm thấy nát ruột giữa bao nhiêu mối quan tâm sẽ phải từ bỏ. Không chịu nổi niềm cay đắng vì cảnh bơ vơ, cô tì trán vào tấm gương lạnh, nhìn sang hiệu Vieil Elbeuf ở trước mặt, cô nghĩ thầm đáng lẽ ra phải van xin ông chú giữ cô lại; có lẽ chính ông cũng muốn thay đổi ý kiến, vì cô thấy hôm trước, dường như ông rất xúc động. Giờ đây, cô một thân một mình giữa cái cửa hàng rộng lớn này, ở đây chẳng ai thương cô, ở đây cô cảm thấy bị xúc phạm và lạc lõng; Pépé và Jean thì sống ở nhà người xa lạ, hai chúng nó chưa bao giờ rời váy cô; đó là điều rút ruột, và hai giọt nước mắt to đọng lại làm cho đường phố như chao đảo trong một đám sương mù.
Phía sau cô, khi đó, những tiếng nói râm ran.
- Cái này làm tôi rụt cổ lại. - Bà Boutarel nói.
- Bà lầm rồi, - Clara nhắc lại - vai rất vừa... Trừ phi bà ưng mặc áo lót bông hơn là măng-tô.
Nhưng Denise giật mình. Một bàn tay đặt lên cánh tay cô, bà Aurélie nghiêm khắc trách cô:
- Thế nào, cô không làm gì bây giờ à, cô nhìn thiên hạ qua lại?... Ô! Không thể như thế được!
- Thưa bà, vì người ta cấm tôi bán.
- Có công việc khác cho cô, cô ạ. Phải bắt đầu từ chỗ bắt đầu... Cô hãy xếp cái đám giỏ ra kia.
Để chiều lòng mấy bà khách hàng vừa đến, người ta đã phải đảo lộn các tủ lên; và, trên những bàn dài bằng gỗ sồi, ở bên trái và bên phải phòng khách, bừa bộn cả mớ những măng-tô, áo lót bông, măng-tô tròn, quần áo đủ các cỡ, đủ các loại vải. Denise không trả lời, ra chọn lựa, gấp cẩn thận và xếp lại những hàng đó vào tủ. Đó là lao công hạng dưới của những người mới vào làm. Cô không cãi lại nữa, biết rằng người ta đòi hỏi phải răm rắp tuân theo, chờ khi nào bà gian hàng trưởng sẵn lòng để cô bán hàng, như thoạt đầu bà ta dường như có ý đó. Cô đang gấp mãi thì Mouret xuất hiện. Cô giật thót mình, cô đỏ mặt, cô cảm thấy trở lại mối sợ hãi lạ lùng, tưởng anh sắp nói với cô. Nhưng thật ra anh không trông thấy cô, anh cũng chẳng còn nhớ cái cô bé nhỏ mà cảm giác đẹp đẽ trong giây phút đã khiến anh hỗ trợ cô.
- Bà Aurélie! - Anh gọi gọn lỏn.
Anh hơi xanh, con mắt sáng, tuy nhiên kiên định. Vừa đi quanh các gian hàng, anh thấy vắng khách và ý nghĩ có thể thất bại đột nhiên nhô lên giữa niềm tin ngang ngạnh của anh vào vận mệnh, cố nhiên chỉ mới có mười một giờ, qua kinh nghiệm, anh biết rằng đám đông chỉ tới vào buổi chiều. Tuy vậy vài triệu chứng làm anh lo lắng. Ở những cuộc đem bán trước, ngay từ sáng đã có chuyển động; rồi, anh cũng chẳng trông thấy mấy bà để tóc trần, những khách trong khu phố vào cửa hàng anh với tư cách hàng xóm. Cũng như những tướng tài giỏi vào lúc mở cuộc chiến đấu, anh chột dạ vì mê tín, mặc dầu cái tầm vóc con người hoạt động thường ngày của anh. Hỏng rồi anh nguy mất, mà không thể biết tại sao: anh tưởng như trông thấy thất bại ngay trên mặt mấy bà đi qua.
Ngay lúc đó, bà Boutarel, vẫn đang mua, vừa bỏ đi vừa nói:
- Không, cô chẳng có gì cho tôi ưng cả... Để xem đã, tôi sẽ định sau.
Mouret nhìn bà ta bỏ đi. Và, bấy giờ bà Aurélie nghe tiếng anh gọi, chạy tới thì anh dẫn bà ra một chỗ; hai người trao đổi vài lời vội vàng. Bà ta có một cử chỉ chán nản, rõ ràng bà trả lời cuộc bán không nhóm lên được. Một lúc, hai người đứng đối diện, cùng mang mối ngờ vực mà các tướng lĩnh giấu không cho quân lính biết. Sau đó, anh nói to với vẻ mạnh dạn của anh:
- Nếu bà cần người thì lấy một cô ở xưởng ra... Họ cũng giúp thêm được ít nhiều.
Nản lòng, anh tiếp tục cuộc thanh tra. Từ sáng anh tránh mặt Bourdoncle vì những ý nghĩ lo sợ của anh ta khiến anh phát cáu. Khi ra khối gian hàng quần áo mặc ở trong, ở đây bán còn kém hơn, anh rơi vào đúng hắn, anh phải nghe hắn bày tỏ sợ hãi. Thế là anh thẳng thừng tống hắn đi, với cách tàn nhẫn mà anh cũng chẳng gượng nhẹ với những nhân viên cao cấp của anh, vào những lúc gay go.
- Anh hãy để cho tôi yên! Mọi việc sẽ chạy... Rồi tôi đến phải tống ra khỏi cửa những kẻ run sợ.
Mouret đứng sững một mình ở đầu cầu thang xuống phòng lớn. Từ chỗ đó anh nhìn suốt cả cửa hàng, ở chung quanh anh là những gian hàng của tầng trên, thấy tới những gian hàng ở tầng dưới. Bên trên, khách vắng đến não nuột: ở hàng đăng-ten, một bà già bắt lục lọi hết mọi hộp mà không mua gì; còn ở hàng quần áo lót thì bà mụ vớ vẩn lai rai chọn những cổ áo mười tám xu. Bên dưới, ở nhữg hành lang có mái, trong ánh sáng chập chờn lọt từ ngoài phố vào, anh nhận thấy khách đã bắt đầu đông hơn. Đó là một cuộc diễu hành thủng thẳng, một cuộc đi dạo trước các quầy hàng, cách quãng nhiều khoảng trống; ở hàng tạp hóa hàng áo mũ đan, những bà bận áo ngắn chen nhau, nhưng ở hàng đồ trắng cũng như hàng len hầu như không có ai. Nhân viên phục vụ cửa hàng, với áo xanh ve lấp lánh những khuy đồng to, đợi khách, hai tay vung vẩy. Chốc chốc một viên thanh tra đi qua, vẻ trịnh trọng, cứng đơ với chiếc cà vạt trắng. Mouret đau lòng nhất là vì phòng lớn im lìm như chết: ánh sáng rọi từ trên cao xuống, qua một lớp kính đục rây ánh sáng thành một đám bụi trắng mờ mờ và như lơ lửng, dưới đó gian hàng tơ lụa dường như ngủ, trong cái tịch mịch rờn rợn của miếu thờ. Bước chân một viên thư ký, những tiếng nói xì xào, tiếng sột soạt của váy ai đi qua, chỉ nghe thấy những tiếng động nhẹ đó, tắt nghẹt trong hơi nóng của chiếc lò sưởi. Tuy nhiên, có những xe tới: Người ta nghe tiếng ngựa hãm đột ngột; rồi, những cửa xe ầm đóng. Ở bên ngoài, dâng lên một tiếng ồn ào xa xa, những kẻ tò mò xô đẩy nhau trước các tủ kính, những xe ngựa thuê đỗ ở quảng trường Gaillon, cả một đám đông sắp tới. Nhưng khi trông thấy những viên thủ quỹ rỗi việc ngả người đang sau cửa thu tiền, khi nhận ra những bàn gói hàng còn trơ không với những hộp dây và những ram giấy xanh lơ, Mouret bực tức vì lo sợ, cảm thấy hình như cỗ máy lớn của anh ngừng chuyển và nguội dần dưới chân anh.
- Này, Favier, - Hutin nói khẽ - hãy nhìn ông chủ trên kia kìa... Ông ấy có vẻ đi đưa ma [3].
- Ái chà cái quán khỉ gió này! - Favier đáp - Cứ nghĩ tới chưa bán được cái cóc khô gì!
Hai người, trong khi chờ khách, trao đổi ngắn với nhau như vậy, mà không nhìn nhau. Những nhân viên bán hàng khác của gian hàng đang chất đống những tấm lụa Paris - Hạnh phúc theo lệnh của Robineau; trong khi đó Bouthemont đang thương lượng với một thiếu phụ gầy, nói khẽ ra vẻ nhận một commăng quan trọng. Chung quanh họ, trên những giá mỏng mảnh lịch sự, lụa, gấp trong những bao giấy màu kem dài, chất đống như những tập sách quá khổ. Và, ngổn ngang trên các quầy hàng, lụa hoa tân kỳ, lụa vân, xatanh, nhung, trông như những luống hoa hái xuống, cả một mùa gặt hàng tơ lụa tinh xảo và quý giá. Đó là gian hàng lịch sự, một phòng khách chính cống, ở đó hàng hóa nhẹ không chỉ còn là đồ bày biện sang trọng.
- Mình cần một trăm phrăng cho ngày Chủ nhật - Hutin lại nói - Nếu mỗi ngày mình không kiếm được trung bình mười hai phrăng thì tiêu sự đời... Mình đã trông vào cuộc đem bán của họ.
- Cha chả! Trăm phrăng, khó tin lắm - Favier nói - Tớ chỉ cần năm sáu chục... Thế ra cậu tiêu sầu với các bà sộp à?
- Không phải đâu, cậu ơi. Cậu tưởng tượng xem, một trò ngu xuẩn: tớ đánh cuộc và tớ thua... Thế là tớ phải khao năm nhân mạng, hai anh em và ba ả... Chó đểu! Mụ nào đến trước tiên là tớ phết cho hai mươi thước Pari - Hạnh phúc!
Lại một lúc nữa, họ chuyện trò, họ kháo với nhau hôm trước họ đã làm gì và tám ngày nữa họ sẽ làm gì. Favier đã đánh đố ngựa, Hutin thì bơi thuyền và bao nữ ca sĩ dàn nhạc hiệu cà phê. Nhưng họ đều bị đồng tiền từ thứ Hai đến thứ Bảy, rồi ngày Chủ nhật họ chén tất. Ở cửa hàng, đó là mối quan tâm khắc nghiệt của họ, một cuộc vật lộn không ngừng, không thương xót. Và cái thằng Bouthemont láu cá ấy vừa ăn mảnh với phái viên của bà Sauveur, cái bà gầy mà hắn tiếp chuyện đó! Một món bở, vài ba chục tấm [4], bởi vì cái bà máy khâu nổi tiếng ấy đắt khách lắm. Lập tức, ngay Robineau cũng tính đến chuyện giành một bà khách của Favier!
- Ồ! Thằng cha ấy, phải thanh toán với hắn - Hutin lại nói, hắn lợi dụng từng việc nhỏ để tập họp cả quầy chống lại kẻ mà hắn muốn giành chỗ - Có phải việc của gian hàng trưởng gian hàng phó là bán hàng đâu!... Thề danh dự! Cậu ạ, nếu có bao giờ tớ lên chức phó, cậu sẽ thấy tớ đối xử tử tế với các cậu như thế nào!
Và cả cái thân hình nhỏ bé dân Normandie của hắn nhã nhặn và vồn vã, hăm hở làm điệu bộ hiền lành. Favier không nhịn được nghiêng mắt nhìn hắn; nhưng anh ta vẫn giữ thái độ phớt tỉnh của con người hờn dỗi, anh chỉ trả lời:
- Ừ, tớ biết... Tớ thì chẳng mong gì hơn.
Rồi thấy một bà tới gần, anh khẽ nói thêm:
- Chú ý! Của cậu đây!
Đó là một bà mặt sần da cam, với chiếc mũ vàng và cái áo dài đỏ. Lập tức, Hutin nhận ra cái bà chẳng mua gì cả. Hắn vội cúi xuống phía sau quầy giả vờ buộc lại dầy giày, và, náu mình hắn lẩm bẩm:
- Ái chà! Không chơi đâu, để thằng khác cõng mụ ấy... Xin cảm ơn! Để mất lượt tớ à?
- Đến lượt ai hở các ông? Ông Hutin, phải không? Ông Hutin đâu rồi?
Và vì hắn nhất định không trả lời, người bán hàng ghi tên liền sau ra tiếp bà da sần. Quả nhiên bà ta chỉ muốn xem mẫu hàng, với giá bán; và bà giữ người bán hàng đến mười phút, truy hỏi đủ điều. Lúc ấy gian hàng phó đã trông thấy Hutin ngẩng lên sau quầy hàng. Vì vậy, khi một bà khách mới đến, anh nghiêm khắc can thiệp, chặn chàng trai lao tới.
- Quá lượt ông rồi... Tôi đã gọi ông, thế mà ông ở đằng sau kia...
- Nhưng, thưa ông, tôi không nghe thấy.
- Thôi đủ... Hãy ghi tên ông xuống dưới cuối... Này ông Favier, đến lượt ông.
Favier trong thâm tâm thích thú vì câu chuyện, đưa mắt xin lỗi bạn. Hutin, môi tái nhợt, quay dầu đi... Cái làm hắn phát điên là hắn nhận ra bà khách quen, một bà tóc hung vàng dễ thương thường hay đến gian hàng và được nhân viên bán hàng gọi với nhau là: “cái bà xinh đẹp” mà không biết tí gì về bà ta, ngay cả tên bà. Bà ta mua nhiều thứ, cho mang ra xe rồi biến mất. Người cao lớn, lịch sự, trang phục tuyệt đẹp, có vẻ rất giàu và thuộc giới thượng lưu.
- Thế nào, còn cô ả của cậu! - Hutin hỏi Favier, khi anh này đi theo bà kia ra quỹ trở về.
- Ồ, một cô ả - Anh ta đáp - Không, bà ta có vẻ người tử tế lắm. Chắc hẳn đó là vợ một tay chứng khoán hay một bác sĩ, mà mình cũng chẳng biết nữa, đại loại như vậy.
- Xin ông! Đích thị một cô ả... Với cái vẻ phụ nữ quý phái của họ, thời buổi bây giờ là như thế đó!
Favier nhìn vào sổ bán hàng.
- Mặc đấy! - Anh ta nói - Tớ phết cho bà ấy hai trăm chín mươi sáu phrăng. Thế là tới vớ ngót ba phrăng.
Hutin mím môi, và hắn trút cơn giận vào những sổ bán hàng: lại một sáng kiến kỳ quái chỉ tổ làm chật túi! Hai người ngấm ngầm chống chọi nhau. Favier bình thường giả bộ nhún mình, thừa nhận Hutin hơn anh ta, để rồi quật lại đàng sau lưng. Cho nên Hutin rất cay vì cái món ba phrăng vớ được quá dễ dàng, bởi một tay bán hàng mà hắn không xem là ngang sức hắn. Một ngày tốt đẹp, thật đấy! Nếu cứ tiếp tục thế này thì hắn chẳng kiếm đủ để trả tiền nước Seltz [5] cho khách mời. Và, trong cuộc vật lộn đang nóng lên, hắn dạo quanh trước những quầy hàng, hung hăng, giành phần mình, ghen ăn cả với thủ trưởng của hắn, anh này đang tiễn người thiếu phụ gầy, anh nhắc với bà ta:
- Đồng ý thế nhé! Bảo bà ấy rằng tôi sẽ cố gắng để xin ông Mouret cho được cái đặc quyền ấy.
Đã từ lâu Mouret không còn đứng ở bên cầu thang tầng trên xuống gian hàng lớn nữa. Đột nhiên, anh lại xuất hiện trên đầu cầu thang lớn xuống tầng dưới nhà; và, từ đấy anh lại nhìn bao quát cả cửa hàng. Mặt anh đã hồng hào, niềm tin trở lại và làm anh lớn lên, trước làn sóng người dần dần đến đẩy cửa hàng. Cuối cùng, cuộc xô đẩy chờ đợi, cuộc chen lấn buổi chiều, mà một lúc anh đã mất hy vọng, bắt đầu sôi sục; Toàn thể nhân viên bán hàng, đều ở vị trí, một tiếng chuông cuối cùng vừa điểm hết lớp ăn thứ ba; Cái buổi sáng tai hại, chắc hẳn do cơn mưa rào vào lúc bốn giờ, vẫn còn có thể được bù đắp, vì trời xanh buổi sáng trở lại với niềm vui đắc thắng. Bây giờ, các gian hàng tầng trên đâm náo nhiệt, anh phải tránh xa để cho các bà đi qua, họ đi từng nhóm nhỏ, lên gian hàng đồ mặc trong gian hàng may sẵn: trong khi đó, phía sau anh, gian đăng-ten và gian khăn quàng, anh nghe vang bay những con số lớn. Nhưng, nhất là trông cảnh tượng các hành lang, ở tầng dưới, anh yên lòng: người ta chen nhau trước gian tạp hóa, cả gian hàng đồ trắng và gian hàng len cũng bị lấn chiếm, dãy dài người mua xít lại, hầu hết bây giờ đầu đội mũ, với một số bà nội trợ chậm trễ mang mũ trùm. Ở gian hàng tơ lụa, dưới ánh sáng hung hung, các bà cởi găng để vừa nhẹ tay sờ những tấm lụa Paris - Hạnh phúc, vừa khe khẽ chuyện trò. Và anh không còn hồ nghi những tiếng động từ bên ngoài vào, tiếng xe ngựa chạy, tiếng cửa xe đập thình thình, tiếng ồn ào càng ngày càng lớn của đám đông. Anh cảm thấy, dưới chân anh, cỗ máy khởi động, nóng lên và sống lại, từ những két xoang xoảng tiền bạc, từ những bàn trên đó nhân viên phục dịch gấp rút gói hàng, cho tới những hầm sâu, phòng hàng đi chất lên những gói hàng từ trên tuôn xuống, và tiếng gầm gào dưới hầm làm rung động cả cửa hàng. Giữa đám dông, ầm ĩ, viên thanh tra Jouve trịnh trọng đi dạo, rình mò kẻ gian...
- Kìa! Cậu ấy à?... Mouret đột nhiên reo lên khi nhận ra Paul Vallagnosc mà một người phục vụ dẫn tới - Không, không, cậu chẳng làm phiền gì mình cả... Mà, vả lại, cậu chỉ việc đi theo mình, nếu cậu muốn xem tất cả, vì ngày hôm nay là ngày tớ phải đứng ở tiền tiêu.
Anh vẫn còn có chỗ lo ngại. Đã đành là thiên ha, đến, nhưng còn bán hàng thì liệu có thắng lợi như mong đợi không? Tuy nhiên, anh vẫn cười với Paul, anh vui vẻ dẫn bạn đi.
- Điệu này có vẻ muốn nhóm lên một chút đây -Hutin nói với Favier - Nhưng, tớ thì không gặp may, có những ngày xúi quẩy, thật đấy!... Tớ vừa lại vớ phải một dân Rouen, của nợ ấy chẳng mua gì cả.
Và hắn hất cằm chỉ một bà vừa bỏ đi vừa đưa con mắt chê bai nhìn tất cả mọi thứ vải. Hắn chẳng thể sống được gì, bình thường hắn kiếm bảy tám phrăng khoản phần trăm và hoa hồng, thành ra với lương cố định, hắn lĩnh hàng ngày trung bình một chục phrăng. Favier thì chẳng tới được tám phrăng; thế mà kìa, cái thằng dụt ấy giật miếng ăn từ miệng hắn, vì nó lại vừa bán được chiếc áo nữa. Một thằng cha lạnh như tiền chẳng bao giờ biết làm vui một khách hàng! Thật là điên ruột.
- Cánh mũ đan và cánh chỉ khâu [6] có vẻ hái ra tiền. - Favier thì thầm nói tới nhân viên bán hàng mũ áo đan và tạp hóa.
Nhưng Hutin, đang nhìn xục xạo cả cửa hàng, đột nhiên nói:
- Cậu có biết bà Desforges không, bạn hẩu của ông chủ ấy mà?... Đây kia, cái mụ tóc nâu ở gian hàng bán găng, Mignot đang thử găng cho mụ ấy.
Hắn lặng im, rồi lại nói thật nhỏ, như nói với Mignot, mà hắn vẫn không rời mắt.
- Được, được, cu cậu ơi, xoa ngón tay cho mụ ấy khéo vào, để lấy chỗ mà lần tới! Những mèo của cậu, thiên hạ đều biết cả.
Giữa hắn và tay bán hàng có sự cạnh tranh của những gã bảnh trai, cả hai làm bộ lớn khách. Thật ra, anh này cũng như anh kia, chẳng anh nào có thể khoe mình đã thật sự vớ được món bở nào: Mignot thì nổi tiếng về một truyền thuyết: vợ một tay cảnh sát trưởng nào đó phải lòng hắn, còn Hutin thì thật sự đã chinh phục được ở gian hàng của hắn một ả bán ren tua, cô này ngán vì lê lết trong những khách sạn ám muội ở khu phố; nhưng họ bịa ra, họ ưng để người ta tin những chuyện ly kỳ bí mật, những cuộc hẹn hò của mấy bà tước phu nhân, giữa hai cuộc mua sắm.
- Lẽ ra cậu phải tấn công mụ ấy! - Favier nói với vẻ cù không cười của hắn.
- Cũng là một ý kiến! - Hutin reo lên - Nếu mụ đến đây, tớ lơn ngay, tớ cần một trăm xu.
Ở gian bán găng, cả một dãy các bà ngồi trước các quầy hàng chật hẹp, căng nhung màu ve, góc bọc kim loại mạ kền, nhân viên bán hàng thì tươi cười chất đống trước họ những hộp dẹt, màu hồng xẫm, rút ngay từ quầy hàng ra, y như những ố kéo có nhãn hiệu của một tay bán đồ giấy bồi. Đặc biệt, Mignot nghiêng bộ mặt xinh tươi, uốn éo cái giọng ngọt xớt của dân Paris. Hắn đã bán được cho bà Desforges mười hai đôi găng da dê, những găng Hạnh phúc, đặc sản của nhà hàng. Rồi bà lại hỏi mua ba đôi găng Thụy Điển. Và, bây giờ thử găng Saxe sợ không đúng cỡ.
- Chà, tuyệt, thưa bà! - Mignot nhắc lại... - Cỡ sáu ba tư sợ lớn quá so với bàn tay như của bà.
Nửa mình ngả trên quầy, hắn cầm bàn tay bà ta, lấy từng ngón tay một, vuốt dài để luồn chiếc găng, vuốt đi vuốt lại và nhấn xuống; và hắn nhìn bà ta, như chờ đợi trên mặt bà nét ngả nghiêng của một niềm vui khoái trá. Nhưng bà ta, khuỷu tay đặt lên mép khăn nhung, cổ tay giơ lên, chìa những ngón tay cho hắn với vẻ thản nhiên như cách bà ta đưa bàn chân cho cô hầu buồng để cài giầy. Hắn chẳng phải là anh đàn ông, bà ta sử dụng hắn vào công việc nội thất với sự coi khinh quen thuộc đối với kẻ hầu hạ, bà ta cũng chẳng nhìn hắn nữa.
- Tôi không làm bà đau chứ, thưa bà?
Bà ta hất đầu để trả lời không. Mùi găng Saxe, cái mùi dã thú ấy như đượm ngọt của xạ hương, thường khi làm bà ta ngây ngất và đôi khi bà cười, thú thật ba ưa cái hương vị mơ hồ ấy, có cái gì của con thú điên cuồng, nó không gây nên chút hơi ấm dục tình nào giữa bà và gã bán hàng nào đó hành nghề.
- Và cả cái này, thưa bà?
- Thôi, cám ơn... Nhờ ông đưa ra két số 10, gửi cho bà Desforges nhé!
Như khách quen của nhà hàng, bà đưa tên cho một quỹ thu tiền và gửi ra đấy mỗi đồ mua sắm mà chẳng cần một viên thư ký đi theo bà. Khi bà ta đi đã xe, Mignot nháy mắt quay về phía anh bạn gian bên cạnh, như muốn để anh này tin rằng có chuyện bất thường vừa xảy ra.
- Này, - Hắn sống sượng nói khẽ - đeo găng cho bả đến cùng, hả?
Trong lúc đó, bà Desforges tiếp tục mua sắm. Bà trở lại phía tay trái, dừng chân ở gian đồ trắng để lấy vải xô; rồi bà đi vòng cho đến gian hàng len, ở cuối dãy.
Vì bà hài lòng với chị nấu ăn của bà, bà muốn tặng chị ta một chiếc áo. Gian hàng len chật ních những người, tất cả các bà tiểu thư vô sản đổ xô tới đó, sờ vải nắn vải, mải mê lẩm nhẩm tính toán; và bà phải ngồi lại đó mất một lúc. Trong những ngăn chất thành tầng những tấm len to, mà nhân viên bán hàng phải dùng sức hất mạnh tay để hạ xuống từng tấm một. Vì vậy, họ bắt đầu lú lẫn ở những quầy bị lấn chiếm, mọi mặt hàng chộn lộn và rơi đổ. Thật như nước bể dâng, những màu nhờn nhợt, những sắc xẫm tối của len, xám tro, xám vàng, xám lơ, chỗ lại rực rỡ hàng tạp sắc xứ Écossaise, một nền đỏ huyết của flanelle. Và nhãn hiệu trắng của các tấm vải như một làn thưa những bông tuyết trắng, lốm đốm trên một nền đất tối tháng Chạp.
Đằng sau một chồng popeline, Liénard bông đùa với cô gái lớn tóc trần, công nhân khu phố được bà chủ phái đến để chỉnh lý hàng mérinos. Anh ta ghét cay ghét đắng những ngày bán lớn làm anh mỏi nhừ tay và anh ta cố trốn việc; vì được bố nuôi ăn rộng rãi anh ta bất cần bán hàng, chỉ làm vừa đủ để khỏi bị tống ra cửa.
- Nghe đây, cô Fanny - Hắn nói - Cô thì bao giờ cũng vội vội vàng vàng... Thế cái con lạc mã [7] lai giống bữa trước, nó có mạnh giỏi không? Cô biết đấy, tôi sẽ đến lĩnh hoa hồng ở hàng cô.
Nhưng cô công nhân vừa cười vừa chạy mất, và Liénard bắt gặp ngay bà Desforges ở trước mặt, hắn đành, phải hỏi:
- Thưa bà cần gì?
Bà ta cần một áo dài không đắt mà bền. Liénard muốn được rảnh tay, vì hắn chỉ mong có thế, liền vận động bà lấy trong đống vải đã giở ra trên quầy hàng. Ở đó có cachemire, serge, vigogne, và hắn thề rằng không có hàng gì tốt hơn, những thứ đó thì bền không chê được. Nhưng dường như chẳng có thứ nào làm bà ta vừa lòng. Bà đã trông thấy trong ngăn, một tấm len chéo go màu lơ nhạt. Thế là hắn phải chịu, lấy tấm len chéo go xuống, nhưng bà ta thấy nó thô quá. Rồi đến một tấm cheviotte, hàng diagonale, hàng grisaille, đủ loại mặt hàng len, mà bà tò mò ưng mó cho thích, trong thâm tâm thì đã định lấy thứ gì cũng được. Thế là anh chàng phải đỡ xuống cả những ngăn hàng cao nhất, sụn cả vai, quầy hàng thì biến mất dưới những cachemire và popeline mượt hạt, cheviotte lông cứng, vigogne sổ lông. Tất cả các mặt hàng đủ màu sắc phải đưa ra. Dù không mảy may ý định mua, bà ta bắt lấy xem cả grenadine và De Chambéry. Rồi, khi đã ngán:
- Ối trời! Cái hàng đầu tiên kia lại tốt hơn cả. Đây là để cho cô nấu ăn của tôi... Phải, thứ serge chấm li ti, cái thứ hai frăng ấy.
Và khi Liénard đã đo xong, mặt tái nhợt vì nuốt giận:
- Ông làm ơn đưa ra két số 10... Gửi cho bà Desforges.
Bà vừa định đi thì nhận ra, đứng ngay bên cạnh bà Marty đi cùng con gái là Valentine, một cô gái lớn mười bốn tuổi, gầy mà dạn, đã nhìn hàng hóa bằng con mắt tội lỗi của phụ nữ.
- Kìa, bà chị đấy à?
- Vâng, thưa bà chị... Đông, hả!
- Ồ, còn phải nói, đến chết ngạt. Thật ra trò... Bà chị đã xem phòng khách phương Đông chưa?
- Tuyệt vời, kỳ lạ!
Và, giữa cảnh huých nhau, xô đẩy vì làn sóng càng ngày càng tăng của những túi tiền nhỏ xô tới hàng len rẻ tiền, họ ngây ngất về cuộc triển lãm thảm. Rồi, bà Mary giải thích bà kiếm một mặt vải để may măng-tô; nhưng bà chưa nhất định, bà muốn xem hàng len matelassé.
- Mẹ xem này, - Valentine thì thầm - thường quá.
- Bà chị hãy tới gian hàng tơ lụa - Bà Desforges nói - Phải xem cái Paris - Hạnh phúc.
Bà Marty do dự một lúc. Ở đấy thì đắt quá, bà đã thề hẳn hòi với chồng rằng bà sẽ biết điều. Một tiếng đồng hồ vừa qua bà đã mua cả một lô hàng rồi một bao tay và vải tổ ong cho bà, bít tất dài cho con gái bà. Cuối cùng bà bảo viên thư ký đang lấy cho bà xem hàng matelassé.
- Thôi... để tôi ra chỗ tơ lụa... Tất cả thứ này không vừa ý tôi.
Viên thư ký cầm lấy đồ hàng và đi lên trước các bà.
Gian hàng tơ lụa cũng đông. Người ta đặc biệt chen nhau trước cảnh bầy hàng bên trong, do Hutin bố trí, và ở đó Mouret đã có những điểm xuyết bậc thầy. Phía trong cùng phòng lớn, chung quanh những cột gang nhỏ đỡ lớp kính trần, cứ như một suối vải tuôn xuống, một dòng thác sôi sục đổ từ trên cao và tỏa rộng cho tới sàn. Xatanh mỏng và tơ mịn tuôn xuống trước: xatanh nữ chúa, xatanh Phục Hưng óng ánh như nước suối; lụa mỏng trông như những thủy tinh, xanh ve sông Nil, da trời Ấn Độ, hoa hồng tháng năm, xanh biếc sông Danube. Rồi đến những hàng dầy hơn, xatanh tuyệt kỳ, lụa quận chúa, màu thắm, cuồn cuộn như sóng dâng. Và, dưới thấp, như trong một vành nước, nằm im lìm những hàng vải dầy, hàng dệt hoa, gấm, vóc, lụa chân châu, và dát vàng bạc, ở giữa một lớp sâu những nhung, đủ mọi hàng nhung, đen, trắng, màu nhung dầy nền tơ hay xalanh, với những vệt chuyển động tạo thàng mặt hồ lặng ở đó dường như đùa giỡn những ánh phản chiếu nền trời và phong cảnh. Những bà, tái nhợt vì thèm muốn, nghiêng xuống như để soi mình. Trước dòng thác tuôn trào đó, ai nấy đứng xem với niềm sợ hãi âm thầm bị lôi cuốn vào cảnh ngập tràn đến thế, và cả với nỗi khao khát không cưỡng nổi lao mình vào đó và đắm chìm ở đó.
- Cậu đã ở đây rồi! - Bà Desforges nói khi thấy bà Bourdelais đúng ở trước quầy hàng.
- Kìa! Xin chào! - Bà này đáp, và bắt tay các bà kia... Ừ, mình vào xem qua.
- Hàng bày kỳ lạ, ha! Cứ như mơ... Thế còn phòng khách phương Đông, cậu xem phòng khách phương Đông chưa?
- Ừ, ừ, lạ trần đời!
Nhưng, dưới niềm phấn chấn hiển nhiên trở thành chủ âm tao nhã của ngày hôm nay, bà Bourdelais vẫn giữ cái bình tĩnh của người nội trợ thực tiễn. Bà xem xét thận trọng một tấm Paris-Hạnh phúc, là vì bà chỉ đến để lợi dụng giá rẻ đặc biệt của mặt lụa này, nếu bà xét thấy có lợi thật sự. Chắc hẳn bà vừa lòng, bà hỏi mua hai nhăm mét, định để cắt một áo dài cho bà và một chiếc bành tô cho con gái nhỏ.
- Sao! Cậu đã về rồi à? - Bà Desforges lại hỏi - Hãy đi một lượt với bọn mình đã.
- Thôi, cám ơn, có người chờ ở nhà... Mình chẳng liều lĩnh cho trẻ con tới đám đông này.
Và bà bỏ đi, người bán hàng đi trước mang hai nhăm mét tơ lụa của bà, và dẫn bà ra két số 10, ở đó anh chàng Albert cứ rối mù giữa vòng vây những người hỏi lấy hóa đơn. Khi người bán hàng vào được gần, anh ta lấy bút chì ghi vào sổ có cuống của mình số hàng bán ra, rồi xướng to khoảng bán cho nhân viên thủ quỹ ghi sổ; sau đó, người kia xướng lại, và tờ giấy ở sổ xé ra được cắm vào que sắt gần con dấu trả tiền.
- Trăm bốn mươi phrăng. - Albert nói.
Bà Bourdelais trả tiền và cho biết địa chỉ của bà, vì bà đi chân, bà không muốn bận tay. Phía sau két, Joseph đã cầm giấy lụa gói lại: và gói hàng, ném vào một chiếc đó lăn, được chuyển xuống phòng hàng đi, ở đó tất cả hàng hóa của nhà hàng bây giờ dường như muốn dồn tới ầm ầm như ở cửa cống.
Lúc đó, ở gian hàng tơ lụa chật ních đến nỗi bà Desforges và bà Marty thoạt đầu không kiếm ra được một viên thư ký rảnh. Hai người đứng xen vào đám đông những bà ngắm nghía mân mê vải, đứng đó hàng giờ mà không quyết định. Nhưng đặc biệt, lụa Paris-Hạnh phúc rất được hoan nghênh, chung quanh nó sự hâm mộ tăng lên đến mê mệt, và cơn sốt đột ngột quyết định thời thượng trong một ngày. Tất cả nhân viên bán hàng đều bận vào việc đo mặt lụa đó; bên trên những mũ thấy loang loáng ánh nhợt của những khổ vải giở ra, giữa sự chuyển động qua lại liên tục của những ngón tay đưa dọc theo các thước bằng gỗ rồi treo ở gióng đồng; nghe tiếng kéo xén vải, và cứ thế không ngừng, theo nhịp dỡ hàng, tưởng như không có đủ cánh tay để ngừng phục vụ những bàn tay háo hức chia ra của các bà khách hàng.
- Kể ra nó cũng không đến nỗi xấu với giá năm phrăng sáu mươi. - Bà Desforges nói, bà đã có thể vớ được một tấm ở mép bàn.
Bà Marty và cô con gái Valangtin cảm thấy thất vọng. Các báo nói đến nó nhiều quá, đến nỗi họ chờ đón một thứ gì dày hơn và bóng hơn. Bấy giờ Bouthemont vừa nhận ra bà Desforges và muốn làm vừa lòng một phụ nữ đẹp mà người ta đồn là có thế lớn đối với ông chủ, anh ta tiến lại với vẻ hòa nhã hơi vụng. Sao! Không ai phục vụ bà? Không thể tha thứ được! Chắc bà cũng lượng tình cho, vì mọi người đều bù đầu cả. Và hắn kiếm ghế giữa đám xiêm váy, hắn cười một cái cười hiền khô, trong đó có dục vọng tàn nhẫn đối với phụ nữ, nó dường như không làm mếch lòng Henriette.
- Này, - Favier nói khẽ, khi ra lấy hộp nhung trong một ngăn phía sau lưng Hutin - Bouthemont nó đang tấn công mèo của cậu đấy.
Hutin đã quên mất bà Desforges, hắn đang bực mình vì một bà già, sau khi giữ hắn mười lăm phút mới vừa mua được một mét xatanh đen để may corset [8]. Những lúc đông khách, người ta không theo bảng lần lượt nữa, nhân viên bán hàng phục vụ bất kỳ khách nào tới. Và Hutin đang trả lời bà Boutarel, bà này kết thúc buổi chiều của bà ở hiệu Hạnh phúc các bà sau khi đã ở đấy suốt ba giờ buổi sáng; vừa lúc đó hắn giật nẩy mình vì lời nhắc nhờ của Favier. Hắn lại trượt trăm xu [9] chăng? Thế thì rủi đến cùng cực rồi, vì hắn chưa làm ra được tới ba phrăng với tất cả những mụ khác cứ kề bà!
Đúng lúc, Bouthemont nhắc thật to:
- Kìa, các ông, có ai lại đây!
Thế là Hutin chuyển đến bà Boutarel cho Robineau đang rảnh.
- Đây, thưa bà, bà hỏi ông phó... Ông ấy biết hơn tôi để trả lời bà.
Và hắn lao tới, hắn nhận những hàng của bà Marty từ tay người bán hàng gian bán len đi theo các bà này. Hôm đó, vì đầu óc căng nên hắn đánh hơi không tinh. Thường ngày, nhìn thoáng một bà nào là hắn biết bà ta có mua hay không, và mua nhiều hay ít. Rồi hắn khống chế bà khách, hắn mau mau giải quyết để chuyển sang người khác, bằng cách cưỡng bức người ta trong việc lựa chọn, bằng cách thuyết phục rằng hắn biết rõ hơn người ta mặt vải mà họ cần đến.
- Thưa bà, bà cần mặt lụa nào? - Hắn hỏi với vẻ rất mực lịch sự.
Ba Desforges vừa mở miệng thì hắn đã nói lại nói:
- Tôi biết, tôi hiểu bà cần gì.
Khi tấm Paris-Hạnh phúc được giở ra trên một góc hẹp của quầy hàng, giữa hàng đống những lụa khác, bà Mary và con gái lại gần. Hutin, hơi lo, hiểu rằng vấn đề trước tiên là cung cấp cho hai mẹ con bà này. Họ khe khẽ trao đổi ý kiến, bà Desforges góp ý kiến với bạn.
- Ô! Cố nhiên, - Bà thì thầm - lụa năm phrăng sáu mươi thì bì thế nào được với lụa mười lăm phrăng, ngay cả với thứ mười phrăng.
- Nó hay nhàu - Bà Marty nhắc lại - Tôi sợ may măng-tô nó không bền lắm.
Lời nhận xét khiến tay bán hàng can thiệp. Hắn có cái lễ phép quá đáng của kẻ tự xem mình không thể nhầm lẫn.
- Nhưng, thưa bà, lụa này đặc biệt mềm. Nó không nhàu... Thứ này chắc chắn là thứ bà cần đến.
Lời quả quyết tác động, khiến hai bà im lặng. Họ lấy lại tấm vải, đang lại ngắm nghía thì có người đụng vào vai. Đó là bà Guibal, từ một tiếng đồng hồ nay, đã thủng thỉnh bước đi trong cửa hàng, mắt nhìn hả hê những của cải chất đống; mà chẳng mua lấy được một mét chúc bâu. Thế là ở đây cũng lại nổ ra cuộc bàn tán dông dài.
- Thế nào! Bà chị đấy à?
- Vâng, tôi đây, chỉ bị xô đẩy một chút thôi.
- Đông, hả? Không có chỗ mà chen chân nữa... Thế còn cái phòng khách phương Đông?
- Tuyệt diệu!
- Ôi trời! Không chê được... Bà chị ở lại đây, ta cùng đi lên trên kia.
- Thôi, cảm ơn, tôi vừa ở trên đó xuống.
Hutin chờ đợi, che giấu sốt ruột với một nụ cười không rời khỏi môi. Không biết các bà còn giữ hắn ở đây lâu nữa không? Phụ nữ họ thật không biết chướng, cứ như là họ nẫng mất tiền trong túi của hắn.
Cuối cùng, bà Guibal bỏ đi, tiếp tục cuộc dạo, đủng đỉnh đi quanh nơi bầy hàng tơ lụa đồ sộ, vẻ hoan hỉ.
- Tôi như bà chị, tôi mua hẳn một chiếc măng-tô may sẵn - Bà Desforges nói khi trở lại lụa Paris - Hạnh phúc - như thế lại rẻ hơn.
- Thật đấy, nếu kể cả phụ tùng và công may - Bà Marty lẩm bẩm - Mà lại tha hồ chọn.
Cả ba người đứng lên. Bà Desforges, đứng trước Hutin, lại nói:
- Ông làm ơn dẫn chúng tôi đến gian may sẵn.
Hắn sững người ra, vì không bao giờ bị thất bại như thế. Sao! Cái bà tóc nâu không mua gì cả! Hắn đã đánh hơi lầm rồi! Hắn bỏ bà Marty đấy, vật nài bên Henriette cố đem tài năng của tay bán hàng giỏi tác động đến bà.
- Thế còn bà, thưa bà, bà có muốn xem hàng xatanh, hàng nhung của chúng tôi?... Chúng tôi có những dịp may đặc biệt.
- Cảm ơn, xin để lần khác. - Bà ta ung dung đáp, cũng chẳng buồn nhìn hắn, không hơn gì đối với Mignot.
Hutin đành phải lại cầm lấy hàng của bà Marty. Và đi trước mấy bà để dẫn họ tới gian hàng may sẵn. Nhưng hắn còn đau lòng trông thấy Robineau đang bán cho bà Boutarel vô số lụa. Quả là hắn không thính nữa, hắn không kiếm nổi vài xu. Hắn điên cuồng như kẻ bị người ta bóc lột, ngốn ngấu, mà bề ngoài vẫn phải giữ thái độ nghiêm chỉnh, hòa nhã.
- Tầng một, thưa các bà. - Hắn nói, miệng vẫn mỉm cười.
Để ra tới cầu thang bây giờ, không phải chuyện dễ. Cả một đám đông chật ních cuồn cuộn ở các hành lang, tỏa rộng ra như sông tràn nước ở giữa phòng, cả một cuộc vật lộn buôn bán dâng lên, nhân viên bán hàng hoành hành với đám dân phụ nữ mà họ chuyền nhau, đua nhau chọn cho thật mau. Để bắt đầu cuộc chuyển động ghê gớm buổi chiều, khi mà cỗ máy nóng đến cao độ dẫn đầu cuộc khiêu vũ của khách hàng và bòn rút tiền từ máu thịt họ. Nhất là ở gian hàng tơ lụa, một cơn lốc điên cuồng thổi qua, lụa Paris-Hạnh phúc tập hợp một đám đông đến mức một lúc lâu, Hutin không tiến lên được một bước; và Henriette, ngạt thở, đưa mắt lên thì thấy Mouret trên cầu thang, anh trở lại luôn chỗ này, từ đó anh có thể trông thấy rõ cuộc chiến thắng. Bà ta mỉm cười, hy vọng anh xuống giải tỏa cho bà. Nhưng anh cũng chẳng nhận ra bà trong đám ồn ào, anh vẫn đứng với Vallagnosc, chăm chú chỉ cho anh ta cửa hàng, mặt mày rạng rỡ vì toàn thắng. Bây giờ thì cơn chấn động bên trong át cả tiếng động bên ngoài, không còn nghe tiếng xe ngựa chạy cũng như tiếng đập cửa xe, chỉ còn, ở xa ngoài tiếng râm ran lớn của cuộc bán, cảm giác về Paris mênh mông, cái mênh mông mãi mãi sẽ cung cấp khách mua hàng. Trong không khí ngừng đọng, ở đó hơi ngạt của lò sưởi làm ấm mùi vải, tiếng ồn ào tăng lên, do đủ mọi tiếng động, tiếng chân đi liên tục, cũng những câu nói ấy được lặp lại trăm lần chung quanh các quầy hàng, đồng tiền reo vang trên mặt đồng của những két bạc bị cả một cuộc xô đẩy của những ví tiền vây quanh, những giỏ dựng những gói hàng không ngớt tuôn xuống những hầm hoác miệng. Và, dưới làn bụi mỏng mọi thứ đều đi tới lẫn lộn với nhau, không còn nhận ra sự phân chia những gian hàng; đằng kia, gian tạp hóa dường như bị chìm ngập; xa nữa, gian đồ trắng, một tia nắng xuyên góc qua tủ kính phố Neuve Saint Augustin, trông như mũi tên vàng trong tuyết; ở đây, gian bán găng và gian len, cả đám mũ và búi tóc dầy đặc che lấp phía xa của cửa hàng. Cũng không còn nhìn thấy cả những trang phục, chỉ có nón mũ nổi lên trên, sặc sỡ lông chim và băng: một số mũ đàn ông điểm những vệt đen, còn sắc mặt nhợt nhạt của các bà, trông mệt nhọc và nóng bức, trở thành trong suốt như hoa sơn trà. Hutin đi trước mở một con đường cho mấy bà. Nhưng khi Henriette lên cầu thang thì bà không thấy Mouret đâu nữa, anh vừa đưa Vallagnosc xông vào giữa đám đông để cho anh ta hoàn toàn choáng ngợp, và bản thân Mouret cũng thấy nhu cầu thể chất được tắm mình vào thành công. Anh hết hơi mà khoan khoái, ở đó, tay chân anh như được toàn thể khách hàng ôm hôn triền miên.
- Quay tay trái, thưa các bà. - Hutin nói với giọng ân cần, mặc dầu mối phẫn nộ của hắn cứ lớn lên.
Ở tầng trên, người ta cũng chen chúc nhau như vậy. Người ta lấn chiếm cả gian hàng đồ bài trí, xưa nay vẫn yên tĩnh nhất. Hàng khăn san, lông thú, quần áo lót lúc nhúc những người. Khi mấy bà qua gian hàng đăng-ten thì lại có cuộc gặp gỡ mới. Bà De Boves đang ở đó, cùng với con gái là Blanche, cả hai người ngập ngừng vào những hàng mà Blanche đưa ra. Và Hutin lại phải dừng chân, tay vẫn ôm gói hàng.
- Xin chào!... Tôi đã nghĩ đến bà chị.
- Tôi thì tôi đã tìm bà chị. Nhưng làm thế nào mà tìm thấy nhau, giữa cái thiên hạ này?
- Lộng lẫy phải không?
- Rực rỡ, bà chị ạ. Chúng mình đứng không vững nữa.
- Thế bà chị mua gì?
- Ô! Không, chúng tôi xem. Ngồi một chút cho đỡ mỏi.
Quả thật, bà De Boves trong ví chỉ có đủ tiền xe, bà bảo lấy những hộp ra, đủ mọi thứ đăng-ten, chỉ để được cái thú ngắm xem và sờ mó vào hàng. Bà đánh hơi thấy ở Deloche gã bán hàng tập sự, vụng về chậm chạp, không dám cưỡng lại ý thích của các bà; và bà ta lạm dụng sự chiều lòng bỡ ngỡ của hắn, bà giữ hắn suốt nửa tiếng đồng hồ, luôn luôn hỏi những hàng mới. Quầy hàng tràn ngập, bà ta vọc tay vào cả làn sóng dâng lên những guipure, marine, valencienne, chantilly [10], tay run lên vì thèm muốn, mặt bừng bừng vì một niềm vui nhục dục; còn Blanche, bên cạnh bà, cũng bị nung nấu vì niềm say đắm như mẹ, mặt tái nhợt, da thịt bệu và nhão.
Lúc đó, các bà vẫn tiếp tục chuyện trò, Hutin đứng lặng, chờ đợi theo sự tùy tiện của họ, hắn chỉ muốn vả vào mặt họ.
- Kìa! - Bà Marty nói - Bà chị xem những cà-vạt và chàng mạng y như của tôi.
Đúng như vậy, bà De Boves, từ hôm thứ Bảy, cứ bị những đăng-ten của bà Marty giày vò, bà đã không cưỡng lại được lòng thèm muốn ít ra là được đụng tay vào những mặt hàng ấy, vì nỗi chồng bà để bà túng thiếu nên không mua được. Bà hơi đỏ mặt, bà phân bua rằng có Blanche muốn xem cà-vạt bằng sa mỏng Tây Ban Nha. Rồi bà nói thêm.
- Bà chị lên hàng may sẵn... Thế thì để lát nữa. Ở phòng khách phương Đông nhé!
- Phải đấy, ở phòng khách phương Đông... Tuyệt vời, hả!
Họ chia tay, ngây ngất, giữa sự hỗn độn do cuộc bán hạ giá đăng-ten viền và phục sức nhỏ. Deloche hớn hở vì có công ăn việc làm, lại dốc những hộp cactông ra trước mặt hai mẹ con. Trong khi đó, giữa những nhóm chèn nhau dọc các quầy hàng, viên thanh tra Jouve thủng thẳng đi dạo, với dáng đi nhà binh, phô bày huy chương, canh gác những mặt hàng quý giá và nhỏ bé kia, rất dễ giấu vào trong cùng tay áo. Khi lão đi ra phía sau bà De Boves, ngạc nhiên thấy bà vọc cánh tay vào cả mớ đăng-ten thế kia, lão đưa con mắt sắc nhìn những bàn tay nóng hổi của bà.
- Phía tay phải, thưa các bà. - Hutin nói và lại tiếp tục đi.
Hắn đã phát khùng. Làm cho hắn lỡ một lượt bán, ở bên dưới, thế chưa đủ hay sao? Bây giờ họ lại la cà ở mỗi chỗ ngoặt của cửa hàng! Và, trong cơn điên của hắn, đặc biệt có niềm đố kỵ của những gian hàng vải vóc đối với những gian hàng đồ may sẵn, luôn luôn xung đột, tranh giành khách, cướp lẫn nhau khoản phần trăm và hoa hồng. Gian tơ lụa, còn hơn cả gian len, điên người khi nó phải dẫn đến gian may sẵn một bà quyết định mua măng-tô, sau khi bắt nó phải giở ra hết taffeta đến lụa phai.
- Cô Vadon! - Hutin cuối cùng, khi đến được quầy hàng, giận dữ gọi.
Nhưng cô này đi qua mà không nghe thấy, vì đang mải bán vội vàng. Gian hàng đầy người, xếp đuôi nhau ngang một đầu, vào và ra qua của gian đăng-ten và của gian đồ lót đối nhau; trong khi, phía trong cùng những bà khách cởi áo ngoài, đang thử quần áo, cong lưng trước những tấm gương. Thảm moquette đỏ [11] làm dịu tiếng chân đi, tiếng nói ồn ào và xa xa ở tầng dưới hầu như tắt ở đây, chỉ còn là tiếng xì xào âm thầm, hơi nóng của một buồng khách, nặng nề vì cả đám phụ nữ hỗn độn.
- Cô Prunaire! - Hutin la lên.
Cả cô này cũng không ngừng tay, hắn liền rỉ răng nói thêm, để không ai nghe tiếng.
- Lũ khỉ cái!
Hắn đặc biệt chẳng ưa gì họ, rạc chân leo thang để đưa khách cho họ, bực tức vì đổ tội cho họ, nẫng mất tiền kiếm ra từ bên trong tới hắn. Đây là một cuộc vật lộn âm thầm, mà chính họ cũng ráo riết như thế; và, trong sự mỏi mệt chung, lúc nào cũng đứng, người rữa ra, không còn phân biệt trai gái, chỉ còn mặt đối mặt những lợi ích trái ngược, kích động vì cơn sốt buôn bán.
- Thế không có ai à? - Hutin hỏi.
Nhưng hắn bắt gặp Denise. Người ta bắt gặp cô gấp quần áo từ sáng, người ta chỉ thả cho cô vài món không chắc chắn mà thật ra cũng chẳng xơ múi gì. Khi nhận ra cô đang bận dọn một đống tướng quần áo trên một chiếc bàn, hắn chạy lại kiếm cô.
- Đây! Cô ơi, hãy phục vụ mấy bà này đang đợi.
Hắn ấn ngay vào tay cô những món hàng của bà Marty mà hắn mang đã chán ngấy. Nụ cười của hắn trở lại, và trong nụ cười đó có ác ý ngấm ngầm của một tay bán hàng sành sỏi, biết rằng mình đặt mấy bà và cô gái vào tình thế lúng túng. Thế mà cô gái lại đâm ra cảm động, vì dịp bán vô vọng đến với cô. Lần thứ hai, anh chàng lại được cô xem như một người bạn không quen biết, thân tình và đằm thắm, lúc nào cũng sẵn sàng ở trong bóng tối để cứu vớt cô. Mắt cô ánh lên vì hàm ơn, cô nhìn theo hắn mãi trong khi hắn huých bên này huých bên kia để trở về gian hàng của hắn thật nhanh.
- Tôi muốn mua một chiếc măng-tô. - Bà Marty nói.
Thế là Denise hỏi bà ta. Loại măng-tô nào? Nhưng bà khách chẳng biết gì hết, bà không có ý niệm gì, bà muốn xem các mẫu của nhà hàng. Và cô gái, lúc bấy giờ đã mệt lắm rồi, choáng váng vì đông người, đâm hoang mang; xưa nay cô chỉ phục vụ một số khách hàng hiếm hoi, tại nhà Cornaille, ở Valognes; cô còn chưa biết số mẫu, và nơi xếp trong tủ. Vì vậy cô không biết thế nào mà trả lời đôi bạn ấy, họ đang sốt ruột thì bà Aurélie bắt gặp bà Desforges, bà ta chắc biết chuyện dan díu, vì bà lật đật chạy tới và lên tiếng hỏi:
- Có ai hầu các bà đây?
- Có, cái cô đang tìm kia kìa. - Tiếng Henriette đáp.
- Nhưng hình như cô ấy không tường, cô ấy chẳng tìm thấy gì cả.
Lập tức, bà gian hàng trưởng làm Denise hoàn toàn đớ ra, khi bà tới nói nhỏ với cô:
- Cô thấy rõ là cô không biết gì rồi đấy. Cô cứ đứng yên đấy cho tôi.
Và bà gọi:
- Cô Vadon! Lấy một chiếc măng-tô.
Denise đứng đó trong khi Marguerite chỉ những mẫu hàng. Cô này ăn nói với khách bằng một giọng lễ phép khô khan, có thái độ bất nhã của cô gái mặc áo lụa, tiếp xúc với đủ mọi thứ lịch sự mà cô ta ghen ghét và thù hằn, nhưng tự mình không biết. Khi cô ta nghe thấy bà Marty bảo không muốn thứ hàng quá hai trăm phrăng thì cô bĩu môi thương hại. Ồ! Bà đặt hơn lên, với hai trăm frăng thì không tài nào kiếm được cái gì ra hồn. Và cô ta ném lên quầy những chiếc măng-tô tầm thường, cứ như chỉ muốn nói: “Đây bà xem, chẳng ra gì cả!” Bà Marty không dám xem những áo đó là tốt... Bà ghé miệng khẽ nói vào tai bà Desforges:
- Này, bà ưng mấy người đàn ông phục vụ hả! Thoải mái hơn!
Cuối cùng, Marguerite đưa ra một áo măng-tô lụa có hạt huyền, mà cô ta nâng một cách trịnh trọng. Bấy giờ bà Aurélie gọi Denise:
- Thì ít ra cô cũng phải làm cái gì chứ... Cô đặt cái áo này lên vai kia.
Denise bị nhói tận tim, cô thất vọng vì chẳng làm gì ra trò ở cái nhà này, cô đứng yên tay buông thõng. Chắc người ta sẽ đuổi có đi, lũ trẻ sẽ không có bánh mà ăn. Tiếng ồn ào của đám đông ù ù trong đầu cô, cô cảm thấy chóng mặt, cơ bắp mỏi nhừ vì đã phải nâng hàng ôm quần áo, lao công phụ mà cô chưa làm bao giờ. Tuy nhiên, vẫn phải tuân lời, cô để Marguerite trùm chiếc áo lên người, như trên một tượng gỗ.
- Cô đứng thẳng lên. - Bà Aurélie nói.
Nhưng rồi liền đó người ta quên mất Denise. Mouret vừa bước vào cùng với Vallagnosc và Bourdoncle, anh chào mấy bà, anh nhận lời họ khen về cuộc trưng bày tân phẩm mùa đông huy hoàng. Tất nhiên người ta la lên về cái phòng khách phương Đông. Vallagnosc hoàn thành cuộc dạo qua các quầy hàng, tỏ vẻ ngạc nhiên hơn là thán phục: là vì, tựu trung với sự uể oải của kẻ chán đời, anh xem đó chẳng qua là chất đống thật nhiều vải vóc trong cùng một lúc. Còn Bourdoncle, quên mình là người của cửa hàng, cũng khen ngợi ông chủ, để ông ta bỏ qua chuyện mình đã nghi ngờ và băn khoăn lúc sáng.
- Vâng, vâng, kể thì cũng khá, tôi rất mừng - Mouret nhắc đi nhắc lại, vẻ hớn hở, mỉm cười đáp cái nhìn đằm thắm của Henriette - Nhưng mà, tôi không được quấy rầy các bà mới phải.
Thế là, mọi con mắt lại quay về phía Denise. Cô phó mình cho đôi bàn tay của Marguerite, cô này bắt cô xoay tròn thong thả.
- Bà nghĩ thế nào, hả! - Bà Marty hỏi bà Desforges. Bà này quyết định, như người trọng tài tối cao của thời thượng.
- Không đến nỗi dở, mà cắt thì độc đáo... Chỉ một nỗi tôi xem hình như thân áo chưa thật dẹp.
- Ồ, - Bà Aurélie xen vào - phải thử nó ngay trên mình bà. Bà hiểu cho, trên mình cô này, nó không có vẻ gì cả, cô ấy không được đẫy... Nào, cô hãy ngay người lên, cho thật xứng áo.
Người ta mỉm cười. Denise tái mét. Cô cảm thấy nhục nhã, vì phải biến thành chiếc máy để người ta ngắm nghía và mặc sức bông đùa. Bà Desforges thì ngả theo một mối ác cảm trái lại về bản chất, khó chịu vì bộ mặt dịu hiền của cô gái, bà nói thêm một cách đanh ác:
- Cố nhiên, nó sẽ dễ coi hơn nếu áo của cô ấy không rộng như thế.
Và bà hướng về phía Mouret đưa con mắt giễu cợt của một phụ nữ Paris, mà phục sức vụng về của cô gái tỉnh nhà làm cho thích thú. Anh ta cảm thấy trong con mắt bà nhìn sự mơn trớn âu yếm, niềm tự đắc của người phụ nữ khoái trá vì nhan sắc và tài nghệ của mình. Vì vậy như anh đàn ông được yêu muốn đền đáp, anh tưởng đến lượt mình cũng phải giễu cợt, mặc dù anh có hảo ý với Denise, và do bản chất hào hoa, anh cũng cảm vì cái duyên thầm kín của cô gái.
- Mà, cũng phải chải chuốt. - Anh khẽ nói.
Đến thế là cùng cực. Ông giám đốc hạ mình cười, tất cả các cô bán hàng nổ cười theo. Marguerite, với tư cách cô gái tao nhã tự kiềm chế, chỉ để bật ra một tiếng lục xục nhẹ nhàng. Clara bỏ một lượt bán để cười thoải mái; cả những cô bán hàng bên gian quần áo lót nghe tiếng ồn ào cũng chạy tới. Còn mấy bà thì thích thú kín đáo hơn, ra vẻ hiểu biết của người thượng lưu; trong khi đó duy có bà Aurélie, với nét mặt hoàng đế, không cười, xem như làn tóc đẹp hoang dại và đôi vai thanh tú trinh khiết của cô gái tập việc làm bà mất thể diện, trong cái trật tự nền nếp của gian hàng, Denise càng tái xanh, giữa cả đám người giễu cợt. Cô cảm thấy bị cưỡng hiếp, lột trần không cách chống dỡ. Thế thì cô có lỗi gì, để người ta tấn công như vậy vào cái thân hình mảnh dẻ, vào cái búi tóc quá dày của cô? Nhưng cô đau đớn nhất vì cái cười của Mouret và của bà Desforges mà, do bản năng, cô biết họ ăn ý với nhau, lòng cô rã rời vì một nỗi đau lạ lẫm; cái bà ấy thật độc ác, nhè vào một cô gái đáng thương chẳng biết nói năng gì; mà anh ta thì, quả thật, làm cô lạnh người vì một niềm sợ hãi lấn át tất cả mọi tình cảm khác, mà cô không sao phân tích được. Bây giờ, trong cảnh bơ vơ của kẻ cùng đinh, bị xâm phạm vào những chỗ e lệ thầm kín nhất của người phụ nữ, và tức giận vì sự bất công, cô chặn lại những tiếng nức nở đưa lên tận họng.
- Thế nhé! Mai cô ta phải lo chải chuốt, thật là vô lễ. - Tay Bourdoncle ghê gớm nhắc bà Aurélie, anh ta ngay từ lúc Denise mới đến đã không ưng cô, chê cô đến mực vì chân tay cô khẳng khiu.
Thế là, cuối cùng bà gian hàng trưởng tới, vừa giật chiếc măng-tô khỏi vai cô vừa khẽ bảo cô:
- Thế đấy, cô ơi, bước đầu đẹp đẽ. Nếu quả là cô đã muốn phô bày khả năng của cô... không ai ngốc hơn.
Denise, sợ nước mắt chảy ra, hấp tấp trở lại đống quần áo mà cô mang tới một quầy hàng để xếp loại. Ở đó, ít ra cô cũng lẫn vào đám đông, mệt mỏi thì đỡ phải suy nghĩ. Nhưng cô cảm thấy ở gần bên có cô bán hàng quần áo lót hồi sáng đã bênh vực cô. Cô này đã theo dõi cảnh vừa rồi, cô ta rỉ tai cô:
- Cô em tội nghiệp, đừng quá xúc động. Hãy cố nhìn, chẳng mà họ lại làm thêm nhiều chuyện... Tôi đây, tôi ở Chartres. Thật đấy, tôi là Pauline Cugnot, còn bố mẹ tôi làm nghề xay bột, ở đấy... Thế mà, những ngày đầu, họ định nuốt tôi nếu không làm ngơ hết... Thôi, mạnh bạo lên! Bắt tay đây, chúng ta sẽ chuyện trò đứng đắn, khi nào cô muốn.
Bàn tay chìa ra đó càng làm cho Denise bối rối. Cô lén nắm chặt lấy nó, rồi cô vội đem tất cả một đống nặng quần áo bành-tô, sợ lại làm hỏng và bị mắng, nếu người ta biết cô có một người bạn.
Khi đó, bà Aurélie tự tay khoác cái áo măng-tô lên vai bà Marty, thế là người ta la lên: Ồ! Hay quá! Tuyệt đẹp! Trông có mẽ ngay lập tức. Bà Desforges tuyên bố không thể kiếm được cái gì tốt hơn. Người ta chào nhau, Mouret từ biệt; còn Vallagnosc, bắt gặp bà De Boves và con gái ở gian đăng-ten, vội chạy đến đưa tay cho bà mẹ. Bấy giờ Marguerite đã tới trước một quỹ ở tầng trên, xướng những món hàng của bà Marty mua, bà ta trả tiền và ra lệnh đưa gói ra xe. Bà Desforges đã kiếm lại hàng ở quỹ số 10. Rồi mấy bà lại gặp nhau lần nữa ở phòng khách phương Đông. Họ ra về, nhưng mà là giữa một cơn huyên thuyên thán phục. Ngay cả bà Guibal cũng bốc.
- Ôi! Tuyệt diệu!... Cứ như ở bên ấy!
- Một hậu cung chính cống, hả! Mà không tốn kém!
- Đồ Smyrne, ái chà! Đồ Smyrne! Màu sắc tuyệt vời! Cực kỳ tinh vi!
- Và cái thảm Kurdistan kia, bà xem! Y như một Delacroix [12].
Dần dần đám đông vơi đi. Những tiếng chuông, cách quãng nhau một tiếng đồng hồ, đã báo hai lớp ăn chiều đầu tiên; lớp thứ ba sắp được dọn, và ở các gian hàng, dần dần vắng đi, chỉ còn vài bà khách muộn màng, hăng mua sắm đến quên cả giờ. Từ bên ngoài, chỉ còn vắng tới tiếng những xe ngựa chạy cuối cùng, giữa tiếng lè nhè của Paris, một tiếng gầm gừ của con quỷ no chán, đang tiêu những vải và dạ, tơ lụa và đăng-ten, mà người ta nhồi nhét cho nó từ sáng đến giờ. Trong cửa hàng, dưới ánh đèn hơi rực cháy trong bóng hoàng hôn, nó đã từng soi chiếu những bước chuyển động tột cùng của cuộc bán, trông như một bãi chiến trường còn nóng hổi cuộc tàn sát vải vóc. Nhân viên bán hàng mệt nhoài, đóng quân giữa cảnh tan hoang của nào ngăn, nào quầy, tưởng chừng như một cơn dông dữ vừa thổi qua tàn phá. Phải khó khăn để dọc theo các hành lang tầng dưới ngổn ngang ghế chắn đường; ở gian bán găng phải bước qua một hàng rào chướng ngại hộp cactông chất đống chung quanh Mignot; ở gian hàng len không qua được nữa, Liénard gà gật trên các tấm len như trên mặt bể, ở đó những chồng còn đứng, bị hủy hoại một nửa trông như những ngôi nhà mà một dòng sông tràn ngập cuốn đi những mảnh tàn; và, xa hơn nữa, hàng trắng phủ đất một màu tuyết, người ta va vào những tảng băng khăn mặt, giẫm lên mù-soa như những mớ tuyết nhẹ. Cũng cảnh tan hoang như thế trên cao ở các gian hàng tầng trên: lông thú phủ sàn, quần áo may sẵn chất đông như những áo choàng của lính bị loại khỏi cuộc chiến đấu, đăng-ten và quần áo lót, giở tung, nát nhầu, quăng bừa bãi, khiến người ta tưởng tượng cả đám dân phụ nữ cởi quần áo ở đó, trong một cơn dâm loạn; trong khi đó ở tận cùng bên dưới, phòng hàng đi, giữa chầu hoạt động, ầm ầm nhả ra liên tiếp những gói hàng mà xe tải sẽ mang đi trong cơn lay chuyển cuối cùng của cỗ máy nóng đến cao độ. Nhưng đặc biệt là ở gian tơ lụa, nơi khách hang đổ xô tới cả đám đông, ở đây họ dọn quang cảnh qua lại dễ dàng, gian phòng lớn trơ trụi, cả khối dự trữ khổng lồ lụa Paris-Hạnh phúc vừa bị xé ra, quét đi, như bị một đàn châu chấu bay qua tàn phá. Và, giữa cảnh hoang rỗng đó, Hutin và Favier bở hơi vì cuộc vật lộn, giở sổ bán hàng, tính khoản phần trăm. Favier kiếm được mười lăm phrăng, Hutin chỉ đạt mười ba, bị bại ngày hôm đó, hắn điên cuồng vì vận rủi. Con mắt họ rực cháy lòng cuồng nhiệt kiếm tiền, cả cửa hàng chung quanh họ cũng dàn ra những số và bừng bừng lên cùng một cơn sốt, trong cái hoan hỉ tàn bạo của những cuộc chém giết lúc về chiều.
- Thế nào! Bourdoncle - Mouret la lên - Ông còn run nữa thôi?
Anh đã trở lại chỗ đứng ưa chuộng, ở đầu cầu thang tầng trên, dựa vào lan can; và, trước cuộc tàn sát vải vóc bày ra bên dưới anh, anh cười đắc thắng. Những lo sợ buổi sáng, cái chột dạ chốc lát không tha thứ được, mà không ai không biết, khiến anh cảm thấy nhu cầu làm rùm beng ầm ĩ cuộc thắng trận. Chiến dịch rốt cuộc thế là toàn thắng, nền tiểu thương trong khu phố bị tan tành, nam tước Hartmann bị chinh phục, với tiền hàng triệu và đất đai của ông ta. Trong lúc anh nhìn đám thủ quỹ gầm đầu trước sổ sách, cộng những cột dài con số, trong lúc anh lắng nghe tiếng tiền khẽ rơi từ ngón tay họ xuống những chén đồng, thì anh đã nhìn thấy hiệu Hạnh phúc các bà khuếch trương ghê gớm, gian phòng mở rộng, những hành lang kéo dài đến tận phố Mười tháng Chạp.
- Thế bây giờ, - Anh lại nói - ông đã chịu nhận rằng cửa hàng còn nhỏ quá hay chưa?... Đáng lẽ còn có thể bán gấp đôi nữa.
Bourdoncle tự nhún, vả chăng anh ta đâm hoảng vì thấy mình lầm. Nhưng một cảnh tượng khiến hai người trở nên nghiêm trang. Cũng như mọi chiều tối, Lhomme, thủ quỹ thứ nhất của cuộc bán, vừa tập trung các thu nhập riêng của mỗi két; sau khi cộng lại, lão niêm yết tổng thu nhập, bằng cách xiên vào cái cọc sắt tờ giấy ghi con số; rồi lão mang lên quỹ trung tâm tiền thu nhập đựng trong một ví và những túi, tùy theo tiền giấy hay tiền kim loại. Ngày hôm đó tiền vàng và bạc nhiều hơn, nên lão thong thả leo cầu thang, mang ba túi lệt. Vì tay phải cụt từ khuỷu lão ta ôm bằng tay trái áp vào ngực, lấy cằm giữ một túi cho nó khỏi tuột xuống. Hơi thở lão phì phò từ xa cũng nghe thấy, lão đi qua, lặc lè mà hiên ngang, giữa niềm kính cẩn của đám thư ký.
- Bao nhiêu, Lhomme? - Mouret hỏi.
Viên thủ quỷ trả lời:
- Tám mươi nghìn bảy trăm bốn mươi hai phrăng mươi xăngtim!
Một tiếng cười hoan hỉ nâng lên cả hiệu Hanh phúc các bà. Con số được lan truyền. Đó là con số lớn nhất mà một cửa hàng tân phẩm chưa bao giờ đạt tới trong một ngày.
Và, chiều tối, khi Denise lên để đi nằm, cô tựa mình vào vách của hành lang chật chội, dưới mái kèm. Vào đến buồng, đóng cửa, cô vật mình xuống giường, vì hai bàn chân rời xa. Rất lâu, cô ngây dại nhìn cái bàn rửa mặt, cái tủ áo, cả cái cảnh trần trụi của phòng nhà trọ. Thế là cô phải sống ở đây, và cái ngày đầu tiên của cô lún sâu, kinh khủng, vô tận. Không bao giờ cô còn thấy đủ can đảm để bắt đầu trở lại. Rồi, cô nhận ra mình đang bận áo lụa; bộ đồng phục này làm cô đau đớn; cô có cái trò trẻ con, muốn mặc lại cái áo dài len cũ, giở ra từ chiếc hòm vẫn để tựa vào lưng một chiếc ghế. Nhưng khi cô lại mặc chiếc áo thảm hại của cô vào người thì một niềm xúc động chẹn lấy cổ, những tiếng thổn thức mà cô nén lại từ buổi sáng đột nhiên bật ra thành một làn nước mắt nóng hổi. Cô lại ngã lăn xuống giường, cô khóc khi nhớ tới hai đứa nhỏ, cô khóc mãi, không có sức để cởi giầy, mê mệt và rầu rĩ.
---------------------------------------
[1] Smyrne: Một hải cảng Thổ Nhĩ Kỳ. Những tên sau: là các địa phương thuộc vùng Trung cận đông, Ấn Độ.
[2] Nguyên văn: người ta không nhìn thấy bốn con mèo.
[3] Nguyên văn: ông ấy không có vẻ đi ăn cưới.
[4] Nguyên văn: douzaine: một tá.
[5] Seitz một thị trấn nước Đức, nơi có nước suối hơi.
[6] Nguyên văn: bonneton và bobinard, những tiếng nói chệch.
[7] Nguyên văn vigoine: giống ngựa lạc đà ở Nam Mỹ.
[8] Corset áo nịt ngực của đàn bà.
[9] Một phrăng hai mươi xu.
[10] Tên những loại đăng-ten khác nhau.
[11] Moquette: vải len mượt có tuyết như nhung để làm thảm.
[12] Ý nói chiếc thảm miền Kurdistan (Cận đông) giống tranh của họa sĩ Pháp Delacroix (1798-1863) thiên về màu sắc lộng lẫy.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà