Lời Tựa Cho Lần Tái Bản Năm 1976
uốn sách này được chấp bút trong thời gian rảnh rỗi từ năm 1940 đến năm 1943, khi tôi đang còn bận tâm chủ yếu đối với các vấn đề lí thuyết kinh tế thuần tuý, nó đã đột ngột trở thành xuất phát điểm cho công việc trong lĩnh vực mới kéo dài hơn ba mươi năm sau đó của tôi. Sở dĩ có bước thử nghiệm đầu tiên trong đường hướng mới là vì tôi cảm thấy bất mãn với cách diễn giải hoàn toàn sai lầm về bản chất của phong trào Quốc xã[1] trong các giới “tiến bộ” ở Anh. Tôi đã viết một bản ghi nhớ gửi cho Sir William Beveridge, lúc đó là Giám đốc Trường Kinh tế London và sau đó là bài báo trên tờ Contemporary Review vào năm 1938, rồi theo yêu cầu của giáo sư Harry G. Gideonse của Trường Đại học Chicago tôi lại mở rộng bài báo thành xuất bản phẩm trong loạt Sách mỏng về Chính sách Công của ông và cuối cùng, khi phát hiện ra rằng tất cả các đồng nghiệp người Anh có thẩm quyền hơn trong lĩnh vực này đang bận tâm với các vấn đề khẩn thiết hơn của cuộc chiến, tôi đành miễn cưỡng mở rộng thành tiểu luận này. Mặc cho sự thành công bất ngờ của cuốn sách - lần xuất bản không hề được dự liệu trước ở Mĩ còn thành công vang dội hơn cả ở Anh - một thời gian dài tôi vẫn không cảm thấy vui. Mặc dù tôi đã tuyên bố thẳng ngay từ đầu rằng đây là cuốn sách chính trị, đa số các nhà khoa học đồng nghiệp với tôi nói rằng tôi đã sử dụng năng lực của mình trong một lĩnh vực không thích hợp, và tự tôi cũng cảm thấy không thoải mái khi nghĩ rằng kiến thức của tôi không cho phép viết về những vấn đề bên ngoài lĩnh vực kinh tế kĩ thuật. Tôi sẽ không nói về sự phẫn nộ mà cuốn sách đã gây ra trong một số giới, hay sự khác biệt lạ lùng trong sự tiếp nhận ở Anh và Mĩ, chuyện này tôi đã nói trong Lời giới thiệu cho xuất bản phẩm bìa mềm ra lần đầu tiên ở Mĩ cách đây hai mươi năm. Với mong muốn thể hiện tính chất của phản ứng lan tràn lúc đó, tôi chỉ nhắc đến một triết gia nổi tiếng, xin được giấu tên, ông này đã viết thư cho một triết gia khác để trách cứ là đã ca ngợi cuốn sách đầy tai tiếng “mà dĩ nhiên là (ông ta) không đọc” này!
Mặc dù tôi đã tìm mọi cách quay về với kinh tế học đích thực, tôi vẫn không giải thoát khỏi cảm giác rằng những vấn đề tôi đã bắt tay vào một cách hoàn toàn tình cờ lại chứa đựng nhiều thách thức và quan trọng hơn là lí thuyết kinh tế, và nhiều vấn đề tôi đề cập đến trong bản phác thảo đầu tiên cần được làm rõ và thảo luận kĩ lưỡng hơn. Khi viết cuốn sách này, tôi vẫn hoàn toàn chưa giải thoát khỏi những định kiến và tín điều chi phối dư luận chung, thậm chí tôi còn chưa biết cách tránh tất cả những rối rắm của các thuật ngữ và khái niệm thịnh hành lúc đó mà sau này tôi mới ý thức được một cách thật sự rõ ràng. Việc thảo luận những hậu quả của chính sách xã hội chủ nghĩa mà cuốn sách này thử làm dĩ nhiên là sẽ không đầy đủ khi chưa miêu tả một cách thích đáng những điều mà một thị trường vận hành một cách phù hợp đòi hỏi và có thể đạt được. Kết quả đầu tiên của những cố gắng nhằm giải thích bản chất của chế độ tự do là cuốn sách quan trọng với nhan đề The Constitution of Liberty - 1960 (Hiến pháp của tự do), trong đó tôi trình bày lại và làm cho học thuyết về chủ nghĩa tự do cổ điển thế kỉ XIX trở thành nhất quán hơn. Sau khi thấy rằng việc nói lại vẫn còn bỏ sót những vấn đề quan trọng chưa được giải đáp tôi lại phải nỗ lực thêm nhằm đưa ra câu trả lời của riêng mình trong tác phẩm gồm ba tập với nhan đề Law, Legislation, and Liberty (Luật, Luật pháp, và Tự do), tập đầu được ấn hành vào năm 1973.
Tôi tin rằng trong hai mươi năm qua tôi đã học được nhiều thứ liên quan đến các vấn đề được thảo luận trong cuốn sách này mặc dù tôi không nghĩ rằng đã đọc lại nó một lần nào trong suốt thời gian đó. Bây giờ đọc lại để viết Lời giới thiệu, tôi không còn cảm thấy hối tiếc nữa mà lần đầu tiên còn cảm thấy tự hào, đặc biệt là sự sáng suốt đã mách bảo tôi viết lời đề tặng “Tặng những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái”. Thật vậy, mặc dù trong thời gian qua tôi đã học được nhiều điều mà khi chấp bút cuốn sách này tôi chưa biết, tôi vẫn thường lấy làm ngạc nhiên là tôi đã nhìn thấy nhiều đến thế ngay từ bước khởi đầu mà tác phẩm sau này đã khẳng định; và mặc dầu những nỗ lực của tôi sau này là phần thường xứng đáng hơn cho một chuyên gia, tôi hi vọng thế, tôi vẫn không ngần ngại giới thiệu cuốn sách được viết từ những ngày đầu này cho quảng đại quần chúng độc giả, giới thiệu cho những ai chỉ muốn làm quen bước đầu với đề tài mà tôi tin vẫn là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất mà chúng ta cần phải giải quyết.
Độc giả có thể hỏi phải chăng điều này có nghĩa là tôi sẵn sàng bảo vệ tất cả các kết luận chính của cuốn sách, câu trả lời là nói chung là khẳng định. Hạn chế quan trọng nhất tôi phải nhắc đến là trong thời gian qua thuật ngữ đã thay đổi và vì vậy những điều tôi viết trong cuốn sách có thể bị hiểu lầm. Khi tôi viết cuốn sách này thì chủ nghĩa xã hội chỉ có nghĩa là quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất và kế hoạch hóa tập trung. Theo nghĩa đó thì, thí dụ, Thụy Điển hiện nay ít tính chất xã hội chủ nghĩa về mặt tổ chức hơn nước Anh hay nước Áo, mặc dù Thụy Điển lại được coi là nhiều xã hội chủ nghĩa hơn. Đấy là do hiện nay chủ nghĩa xã hội có nghĩa chủ yếu là tái phân phối một cách mạnh mẽ thu nhập thông qua thuế khoá và các thiết chế của nhà nước phúc lợi. Đối với kiểu chủ nghĩa xã hội loại này, các tác động mà tôi thảo luận trong cuốn sách xảy ra chậm hơn, gián tiếp hơn và không toàn diện bằng. Tôi tin rằng kết quả cuối cùng thì vẫn thế, mặc dù quá trình đưa đến kết quả như thế thì không hoàn toàn giống như cuốn sách này mô tả.
Người ta thường viện dẫn một cách thiếu căn cứ rằng tôi tuyên bố là mọi trào lưu theo hướng xã hội chủ nghĩa đều nhất định sẽ dẫn đến chế độ toàn trị. Mặc dù có mối nguy như thế, nhưng đây không phải là điều cuốn sách nói. Cuốn sách đưa ra lời cảnh báo rằng nếu chúng ta không sửa đổi các nguyên tắc trong chính sách của chúng ta thì sẽ xảy ra một số hậu quả rất không hay, mà hầu hết những người ủng hộ những chính sách đó cũng không muốn.
Có một điểm trong cuốn sách giờ đây tôi cảm thấy mình sai là tôi đã không nhấn mạnh đúng tầm quan trọng kinh nghiệm của chủ nghĩa cộng sản ở nước Nga - đây là sai lầm có thể tha thứ được nếu ta nhớ rằng lúc đó nước Nga là đồng minh chiến tranh của chúng ta, và lúc đó tôi cũng chưa giải thoát khỏi tất cả những tín điều của chủ nghĩa can thiệp đương thời, khiến tôi đã đưa ra một số nhượng bộ khác nhau mà bây giờ tôi nghĩ là không chính đáng. Dĩ nhiên là tôi cũng chưa nhận thức được một cách đầy đủ rằng trong một số lĩnh vực nhiều việc đã tồi tệ đến mức nào. Thí dụ, tôi vẫn còn coi là một câu mang tính tu từ khi hỏi (trang 176) nếu Hitler nắm được quyền lực vô hạn theo đúng các thủ tục hợp hiến “ai dám nói rằng ở Đức vẫn có Pháp trị?” để rồi sau đó mới biết rằng các giáo sư Hans Kelsen và Harold J. Laski và có thể còn nhiều luật gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa cũng như các nhà chính trị học đi theo đường lối của những tác gia đầy ảnh hưởng này đã ủng hộ chính điều đó. Nói chung việc nghiên cứu các xu hướng tư duy và định chế đương thời đã làm gia tăng sự quan ngại và lo lắng của tôi. Ảnh hưởng của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa và niềm tin ngây thơ vào những ý định tốt đẹp của những kẻ nắm giữ quyền lực toàn trị đã không ngừng gia tăng kể từ ngày tôi viết xong cuốn sách này.
Một thời gian dài tôi đã lấy làm tự ái vì đã trở nên nổi tiếng nhờ cuốn sách mà tôi xem là cuốn bàn về chính trị đương thời thay vì là nhờ công trình khoa học thực sự của tôi. Nhưng sau khi suy xét lại những điều viết trong suốt 30 năm nghiên cứu sau này về những vấn đề đặt ra lúc đó, tôi không còn tự ái nữa. Mặc dù cuốn sách có thể chứa những điều mà lúc đó tôi không thể chứng minh một cách thuyết phục, nó vẫn là một cố gắng thực sự trong việc đi tìm chân lí, cái chân lí mà tôi tin rằng đã tạo ra sự sáng suốt giúp cho ngay cả những người không đồng tình với tôi tránh được mối nguy hiểm chết người.
F. A. Hayek
Chú thích:
[1] Nazi (Nazism) hay National Socialism (tiếng Đức Nationalsozialismus) là những từ chỉ hệ tư tưởng và hoạt động của Đảng Nazi dưới thời Adolf Hitler, cũng như chính sách của chính phủ Nazi Đức, thường gọi là Đế chế thứ III, từ năm 1933 đến năm 1945. Để cho nhất quán, từ Nazi sẽ được dịch thành Quốc xã, còn National Socialism thành Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia - ND
Đường Về Nô Lệ Đường Về Nô Lệ - Friedrich Hayek Đường Về Nô Lệ