Đồi Fanta epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5 -
e qua ngã ba Tam Hiệp, tấm bố phải buông xuống. Nhưng dân chúng thừa hiểu rằng bên trong cái xe kín mít chứa gì. Tôi nhìn lỗ thủng, thấy những khuôn mặt méo mó, buồn thảm. Những khuôn mặt đó nhìn chiếc xe chở chúng tôi, cúi đầu bước nhanh. Hình như, những chuyến xe như thế này không còn gì xa lạ với ai gặp nó. Nó đầy ma lực quyến rũ mọi người nhìn nó một thoáng rồi sợ hãi lỉnh xa. Cứ mỗi lần xe qua khu đông dân cư, xe không thể chạy nhanh nổi. Còi xe bóp liên tục. Máy nổ mạnh. Khói dầu tỏa ra, thấm vô buồn mửa. “Đủ má, tao sắp chết rồi.” - một thằng la lớn. “Mở cha nó tấm bố ra.” - thằng khác giục. “Nó bắn chết mẹ.” - Mai bím trả lời. “Đủ má, cho nó bắn chết đi, chết đạn hơn chết ngộp.”
- Báo cáo cán bộ, trong xe có người sắp chết ngộp!
Báng súng dộng xuống mui xe tới tấp.
- Báo cáo anh bộ đội, có đứa sắp chết.
Sắp chết xem chừng không ăn thua. Một thằng liều mạng:
- Báo cáo có thằng chết ngộp rồi.
Vẫn không ăn thua. Còi xe bóp dài hồi hơn. Máy nổ mạnh hơn. Rất may, xe đã bỏ đám đông hai bên đường và chưa thằng nào chết ngộp. Tấm bố lại được kéo lên. Đám thú vật hít thở dồn dập. Xe chạy nhanh, gió lùa vào nhiều. Bây giờ, vài thằng từ bé tới lớn chưa hề đi xe ô tô, ói mửa tùm lum. Mùi chua tỏa ra lợm giọng.
- Báo cáo cán bộ, sắp chết cả lũ!
- Báo cáo cán bộ, tôi xin chịu bắn!
Bầy heo rống om sòm, nện chân xuống sàn xe rầm rập. Xe chạy chậm dần, ép vô lề rồi dừng hẳn. Người bộ đội xuất hiện.
- Cái gì, cái gì?
- Ngộp thở, ói mửa ra mật xanh mật vàng rồi.
- Cho phép chúng mày kéo tấm vải trùm lên, nhưng qua chỗ đông người cấm hỏi han, trò chuyện.
- Cám ơn bộ đội.
Xe tiếp tục chạy. Tấm bố không bị buông xuống nữa, song, nhiều thằng đang ói mửa vẫn ói mửa, lôi cuốn thêm những thằng khác ói mửa cho vui! Sàn xe lênh láng bãi mửa nhớp nhúa. Tôi lần túi xách, lấy ve dầu cù là xoa cổ, xoa mũi và nếm chút xíu. Mai bím cũng phải xoa dầu. Tôi định đưa ve dầu cho bọn nhãi xoa, Mai bím dằng vội: “Chúng nó đéo chết đâu.” Rồi nó thủ chặt ve dầu. Tôi thấm mệt, chẳng còn hơi sức nào cãi cọ. Qua Hố Nai, tôi rất thú vị vì thấy nhiều nhà thờ. Cách vài chục thước là một ngôi nhà thờ. Tôi làm dấu, cầu nguyện. Lòng tôi thanh thản, tôi không sợ chết. Tôi mơ hồ cảm giác Chúa đi bên cạnh tôi, cùng chuyến xe vất vưởng này. Đến chợ, xe chạy thật chậm. Đàn ông, đàn bà, cụ già trẻ con đổ xô ra hai bên đường nhìn chúng tôi lúc nhúc trên xe. Một bà hỏi:
- Tù hả?
Mai bím bạo dạn đáp:
- Dạ.
Bà này đưa tay làm dấu, miệng rên “Chúa ơi!” Một cụ già ngó tôi, xót xa:
- Cháu tội gì thế?
Tôi nhỏ nhẹ:
- Con sĩ quan ngụy.
“Con sĩ quan ngụy bị bắt,” cụ già hét lớn. Dân Hố Nai tưởng chúng tôi đều là con sĩ quan ngụy cả, dơ tay vẫy chúng tôi và ném chuối, cam, bánh, tiền cho chúng tôi. Màn vồ quà bánh trên xe thật bi đát, chẳng “con sĩ quan ngụy” tí nào. Cơm nắm rơi lông lốc, ngổn ngang. Bầy thú bỏ cơm chộp quà. Quà và cơm bầy nhầy trên những bãi mửa. Chúng nó bóc chuối, bóc bánh ăn ngon lành. Mai bím cũng nhào vô cuộc tranh cướp. Xe cứ chạy và bầy thú cứ cạp ăn. Mọi việc thản nhiên như đời sống vậy. Ăn xong lại mửa. Mửa xong lại ăn. Qua Gia Kiệm, nhờ vài chiếc xe đò chạy trước báo tin, dân chúng mua sẵn quà bánh đợi tù qua ném tặng. Chúng tôi được đón tiếp nồng hậu quá. Những bịch ny lông nước mía lạnh quăng lên tới tấp. Người ta đuổi theo xe, mặc kệ bộ đội dọa nạt. Xe chúng tôi ê hề quà cáp. Thằng nào cũng nhiều phần, khỏi lo tranh cướp. Mai bím tiếc rẻ: “Giá họ quăng thuốc lào.” Tôi bảo thuốc lào ăn nhằm gì. Nó nói: “Sẽ ăn nhằm khi chúng ta ở nhà tù. Bộ mày tưởng nó cho mày đi cắm trại nghỉ hè à?” Đợi xe qua hẳn Gia Kiệm, tôi uống bịch nước mía bằng cái ống hút. Tôi khát khô cổ rồi. Nước mía mát rượi, ngọt ngào. Tôi đã uống hàng nghìn ly nước mía Viễn Đông, bây giờ, tôi mới thấy bịch nước mía này ngon thơm lạ lùng. Phải chăng nó là một niềm bí ẩn trong đời sống. Mà niềm bí ẩn ấy ta chỉ nhận ra khi đời sống ta chênh vênh trên mỏm cay đắng, nghẹn ngào. Chú Tường không thể nào sai được. Hôm nay tôi mở mắt nhìn một niềm bí ẩn của đời sống tôi cơ cực. Ngày mai, tôi sẽ nhìn rõ niềm bí ẩn khác lung linh màu sắc hơn niềm bí ẩn hôm nay. Lạy Chúa, xin Chúa soi sáng đường hoạn nạn của con để con được nhìn rõ niềm bí ẩn của đời sống.
Buổi trưa, cả hai chiếc xe ngừng lại gần khu rừng Lá Buông. Trời nắng chang chang sau một đêm mưa. Đường nhựa muốn bốc khói. Bộ đội dẫn giải chúng tôi và tài xế, lơ xe xuống hết. Họ vào quán ăn nào đó bên đường, bảo chúng tôi ăn cơm và giữ trật tự. Chúng tôi ăn quà bánh dân cho chưa hết, không thiết ăn cơm. Tuy nhiên, phần cơm của tôi còn nguyên trong túi xách. Riêng Mai bím, cái bị của nó đầy nhóc chuối, cam, bánh chưng và nước mía. Nó muốn liệng hai nắm cơm đi nhưng sợ xe cộ trục trặc sẽ đói, lại thủ kỹ. Lúc này, bọn nhãi đều mệt mỏi, ngồi hết, dựa lưng vào thành xe hoặc vào lưng nhau ngủ gà ngủ gật. Những bãi nôn mửa đã giàn trải khắp sàn xe, chưa khô. Bọn nhãi ngồi bừa lên, bất chấp mọi dơ bẩn, tanh chua. Mai bím chép miệng thèm thuồng:
- Giá được bắn một bi thuốc lào.
Tôi nói:
- Thì bắn đi.
Nó vỗ bi:
- Đổ mẹ nó cạn nước rồi.
Bọn nhãi, nhiều đứa đã ngáy khò khò, quên hết mọi chuyện. Cái gì đối với chúng, cũng chỉ là khoảnh khắc, dù là nỗi khổ dằng dặc suốt đời. Chúng không biết suy nghĩ gì, tôi nghĩ, chúng chẳng biết suy nghĩ. Thế mà tôi phải suy nghĩ về số phận của tôi, của người khác và đời sống. Tôi bắt đầu biết suy nghĩ từ sân cỏ Hoa Lư, một đêm mưa hãi hùng có súng nổ, máu chảy và xác chết.
- Này Vũ!
- Gì?
- Mày buồn ngủ không?
- Người ta khoái “con sĩ quan ngụy” quá, mày nhỉ?
- Người ta khoái trẻ con và tội nghiệp chúng nó bị tù.
- Bậy, nếu mày trả lời người ta chúng mình là bọn móc túi, ăn cắp, tao cá là người ta sẽ ném đá.
- Để thử xem nào.
- Này!
- Gì nữa?
- Chúa của mày có thương bọn ăn cắp như tao không?
Tôi chưa kịp trả lời Mai bím thì bộ đội, tài xế và lơ xe đã rời quán ăn. Chúng tôi lại lên đường. Xe nổ máy không làm thức giấc bọn nhãi. Chúng ngủ cả rồi. Ngủ ngồi, ngủ dựa. Ngủ nhọc, ngủ mệt. Mồ hôi chúng tuôn xối xả. Những chiếc bánh mì xếp vào lò và nướng chín bằng nắng trời xuyên qua mui căng vải bố. Ở địa ngục, những kẻ phạm tội chắc cũng bị phạt ngủ khốn nạn như thế này là cùng! Những bãi mửa đã khô, bây giờ, bốc lên mùi chua giống hệt mùi cức mèo khiến tôi phải hít dầu cù là. Rồi tôi đứng lên, bám lấy song sắt, thò mũi qua để tránh cái mùi chua ghê rợn. Mai bím đã ngủ. Tất cả đều ngủ, trừ tôi. Tôi muốn mở mắt thật lớn, thu chụp những cảnh đời xe đi qua để có nhiều kỷ niệm. Nhưng, cuối cùng, tôi đứng không nổi. Tôi cũng phải ngồi xuống, dựa lưng vào thành xe, hít mùi chua lợm giọng mà ngủ.
Xe qua Phan Thiết, Phan Rang, chúng tôi không hề biết. Khi tôi tỉnh giấc, một làn gió cực mát lùa vào mặt tôi. Phía bên trái tôi, sát lề đường, là biển. Biển mênh mông, xanh biêng biếc, sóng nhỏ nhấp nhô thật ngoan, thật hiền. Chỗ này là Cà Ná. Tôi ngắm biển đùa giỡn với nắng chiều, tâm hồn lắng dịu và quên hẳn mùi ói mửa. Mai bím ngủ bình yên. Gió biển ru nó. Không khí oi nồng, tanh tưởi trong xe chỉ còn thoang thoảng. Tôi thèm ngắm biển mãi mãi nhưng xe chạy bon bon đã bỏ rơi cái bãi Cà Ná bên quốc lộ của tôi. Mặt trời chìm xuống biển. Sợi nắng chót đã tàn. Xe chạy giữa hai hàng dừa đầy khít, cao vút và đông đầy trái. Trời nhá nhem rồi tối hẳn. Chiếc xe sau chiếu đèn thẳng vào mắt tôi làm tôi phải xoay lưng lại. Đèn pha cũng làm bọn nhãi tỉnh giấc. Chúng bưng mặt, dụi mắt và chửi thề loạn xà ngầu. Rất may, chỉ thỉnh thoảng xe mới chiếu đèn pha. Tôi lại được xoay người nhìn cảnh tượng hai bên đường.
Những căn nhà lá đã lên đèn. Đèn dầu hiu hắt. Đôi mắt tôi, bỗng nhiên, chập chờn bao nhiêu hình ảnh lạ. Nhưng mà chiều hôm buồn quá, những hình ảnh chập chờn chỉ làm tôi muốn khóc. Tôi nhớ chú Tường vô cùng. Và tôi không dám khóc. Xe qua một cây cầu. Chỗ này gọi là Ba Ngòi, nơi hạ lưu của ba dòng sông gặp nhau rồi đổ ra biển Cam Ranh.
- Đây là đâu Vũ? - Mai bím hỏi, giọng ngái ngủ.
- Ba Ngòi.
- Mày rành dữ.
- Năm ngoái, dịp hè, chú tao chở tao bằng xe du lịch từ Sài Gòn ra Đà Nẵng.
- Chú mày đâu rồi?
- Di tản hồi tháng tư.
- Sang Mỹ hả?
- Tao không rõ.
- Sao mày không chịu di tản?
- Tao không rõ.
Chúng tôi qua ngã ba. Đi thẳng vào Nha Trang, quẹo phải vô thị xã Cam Ranh, từ đó, ra vịnh Cam Ranh luôn. Khúc đường, tự đây, vào Nha Trang khoảng nửa cây số, san sát những quán rượu cho lính Mỹ. Buổi tối đèn hiệu đủ màu sáng choang, nhấp nháy. Biển hiệu vẽ con mèo, con ngựa, con chó ngộ nghĩnh, buồn cười. Gái bán rượu và lính Mỹ cười nói ồn ào. Nhạc réo rắt, vang vọng. Bây giờ, qua đây, tôi thấy vắng hoe, cô quạnh. Những quán bán rượu y hệt những nấm mồ. Mái tôn và biển hiệu giờ bị gỡ hết. Chẳng riêng gì khúc đường này đâu, chỗ nào cũng đìu hiu từ Ba Ngòi vào thị xã Nha Trang, từ con đường Hòa Hưng đến quốc lộ.
- Đâu rồi Vũ?
- Thị xã Nha Trang.
- Đêm nay mình ngủ ở Nha Trang.
- Tao sợ nó chạy luôn, Mai bím nói, hai ngày đường, nhớ chưa, Mai bím?
- Ừa.
Xe chạy trên đường Độc Lập. Chúng tôi đã ở giữa thị xã. Người ta cho xe chạy qua đường Phan Bội Châu rồi ra biển. Xe ép vô mép đường sát bãi biển thì tắt máy. Mùa này, bãi biển vắng hoe. Các quán hàng đóng cửa kín mít. Bộ đội bắt chúng tôi buông tấm bố xuống, dặn chúng tôi im lặng. Tôi hoàn toàn không biết gì về sinh hoạt ngoài cái xe tối tăm nữa. Một lúc khá lâu, bộ đội tới, kéo tấm vải bố lên và mở cửa khóa.
- Xuống từng đứa một rồi khẩn trương xếp hàng đôi. Cấm ồn ào, cãi cọ. Trái lệnh sẽ bị bắn vỡ sọ.
Phần dưới cửa sắt ô vuông được nâng lên, cài chèn cẩn thận. Chúng tôi lần lượt nhảy xuống xe, bước chệnh choạng xa đó vài thước và xếp hàng. Bộ đội dẫn chúng tôi xuống bãi biển, bảo chúng tôi xếp hàng mười, quay mặt ra biển. Sáu mươi đứa xe tôi là sáu hàng mười.
- Ngồi.
Chúng tôi răm rắp tuân lệnh. Bộ đội căn dặn:
- Buồn ngủ thì nằm ngủ nhưng cấm rời hàng. Đái ỉa tại chỗ. Tuyệt đối im lặng. Lấy cơm ăn rồi ngủ dưỡng sức, mai đi nữa. Léng phéng là vỡ sọ!
Bộ đội kiếm ghế, kê dưới gốc dừa, ngồi canh giữ. Chúng tôi mệt mỏi, chẳng đứa nào thiết ăn, lăn kềnh trên bãi. Nhiều đứa khát rã họng, không dám xin nước uống, nhưng mà buồn ngủ quá, ngủ luôn, chết luôn càng tốt. Mai bím nhẹ đưa cho tôi bịch nước mía hết lạnh. Tôi uống từ từ. Nó đưa thêm chiếc bánh, tôi cất vào túi xách vì không đói. Tôi thèm tắm. Giá bây giờ được nhào xuống biển bơi lặn một lúc rồi ngủ thì khỏe khoắn biết mấy. Ước ao là vậy, nhỏ bé, khiêm tốn mà cũng chẳng được. Nước biển dưới kia, cách tôi đâu xa, hai chục thước thôi, thế nhưng “léng phéng thì vỡ sọ”. Mệnh lệnh đấy, mệnh lệnh khô khan rít qua kẽ răng. Tôi cứ bị ám ảnh hoài từ đêm sân Hoa Lư và tôi thù ghét tất cả các thứ mệnh lệnh trong cuộc sống.
Bọn nhãi xe sau tôi “cắm trại” không xa chỗ chúng tôi mấy. Bốn người bộ đội phụ trách một xe. Chắc chúng nó đã lăn ngủ trên đất, không muốn đòi hỏi gì khác hơn. Tôi nằm gối đầu lên cái túi xách. Mai bím đã lôi cái bình điếu ra. Nó cắm ống nhựa, nạp đạn và chuẩn bị bắn. Mai bím hút một ngụm nước mía đầy. Nó để nguyên nước trong miệng, kéo một hơi thuốc lào no nê rồi nhổ nước đi. Và nó đáp trên bãi cái êm ái.
- Phê không? - Tôi hỏi.
- Phê thấy bà nội. - Mai bím thở rốc.
Nó cất điếu, đẩy cái bị và đưa đầu gối lên.
- Tao mót đái quá, Vũ ạ!
- Mày đứng dậy, đái vọt ra xa chỗ nằm.
- Đủ má chúng nó, lắm lệnh quá. Lệnh con cặc gì là lệnh đái ỉa tại chỗ?
- Đừng cằn nhằn, Mai bím. Nó bắt ngủ trên xe mới khốn nạn.
Mai bím đã đứng dậy, vén quần đái tè tè. “Đủ má lệnh,” nó cay cú nguyền rủa cái thứ lệnh lạc làm dơ dáy, hèn hạ con người.
- Mày cá không, Vũ?
- Cá gì?
- Đêm nay có màn sân Hoa Lư.
- Dám lắm.
- Mà đếch có đạn nổ. Tụi nó sẽ đi êm ru. Mày nhớ cầu Chúa của mày cho tụi nó trước đi.
Tôi không trả lời Mai bím. Nó nằm dang chân tay thoải mái. Khách sạn bờ biển chả khá hơn khách sạn vỉa hè. Chẳng có gì khá cả khi đời sống rặt một loại mệnh lệnh và súng nạp đạn rôm rốp để duy trì cái thứ mệnh lệnh rít qua kẽ răng ấy.
- Mày lạnh chưa, Vũ?
- Chưa.
- Đêm nay sẽ lạnh lắm. Đủ má nó, ban ngày nó thiêu mình như thiêu chó, ban đêm nó ướp mình như ướp tôm đông lạnh.
- Thôi, đừng cằn nhằn, ngủ đi.
Mai bím xoay nghiêng rồi co y hệt con tôm. Gió biển thổi rì rào đưa những cơn sóng vào bờ. Trăng đi vắng và sao không vui vẻ mấy nên bầu trời có vẻ âm u. Tôi nhỏm dậy, nhìn lên bờ. Người bộ đội canh giữ đang ôm súng ngủ. Thỉnh thoảng, cái đầu anh ta lại gục một bên. Trong hàng ngũ của chúng tôi có sự cựa quậy. Nhưng chỉ khoảng khắc rồi im lặng. Mai bím đập nhẹ người tôi.
- Tao cá thằng Tèo tép.
- Tưởng mày ngủ rồi chứ.
- Lạnh quá. Tụi nó độc ác quá. Tôi đi tù nát nước rồi, chưa hề bị xử châm thế này. Mẹ, ra đảo chắc sướng hơn.
- Mày cằn nhằn hoài, ích gì đâu.
- Thằng Tèo tép.
- Sao?
- Tao cá nó dzọt đêm nay.
- Cầu nó thoát.
- Thằng Hoa rỗ, Ba méo luôn. Chúng nó âm mưu từ Chí Hòa.
- Còn mày?
- Sao?
- Trốn không?
Mai bím nín thinh. Nó ngóc đầu nhìn quanh trời rồi lại co quắp trong tư thế con tôm bị luộc. Đêm càng khuya càng lạnh, không thể nào ngủ nổi. Bọn nhãi thức hết, ngồi bó gối cho đỡ lạnh. Sự mệt mỏi đường dài đã tiêu tan nhưng nỗi lạnh đang tăng độ. Mai bím không nằm nữa. Nó cũng đành ngồi bó gối, chờ sáng. Gió thổi dạt sóng vào bờ, dạt nỗi rét mướt vào đám tù nhóc con. Ở xe chở tôi, tôi quen mặt quen tên hết, còn xe kia tôi không hiểu tù nhân bằng tuổi tôi hay lớn hơn, nhỏ hơn. Hiện giờ, tôi chỉ thấy chúng giống như một cái đống đen thui cách tôi chẳng xa mấy. Bọn nhãi của tôi, của khu vực giam giữ ngoài có tôi, xích gần nhau một cách tự nhiên, sát nữa, sát nữa và cũng thành cái nền của một cái đống. Chúng tôi, tay ôm chặt chân, rét run cầm cập. Người bộ đội canh gác tù đã xách ghế và khẩu AK núp sau thân dừa cho khỏi bị gió tạt. Biển, với tôi, lúc này, không còn hấp dẫn như biển lúc tôi ngang qua hồi chiều. Biển Cà Ná xanh rười rượi dưới nắng vàng rực rỡ. Biển Nha Trang tối ám dưới bầu trời không trăng sao và đang hành hạ chúng tôi. Gió biển tiếp tay người quất chúng tôi những ngọn roi tàn nhẫn.
- Có thằng nào dám bò ra ngoài kia múc bình nước biển không? - Mai bím hỏi.
- Để làm gì chứ?
- Để kéo vài bi thuốc lào.
- Tao dám. - Tèo tép nói.
- Cẩn thận nghe. - Mai bím dặn.
- Yên chí lớn. Cùng lắm lãnh một băng đạn là xong. Nhưng nó đang ngủ gật, nó thiết đéo gì canh gác. Nó chỉ hù mình, hù hoài…
Mai bím lôi cái bình điếu, vặn nắp nõ, đưa cho Tèo tép. Thằng nhãi giật dây chuyền cầm cái bình lủi đi. Mai bím bảo chúng tôi đứng dậy, giả đò vươn vai để che cho Tèo tép khỏi bị lộ. Không chuyện gì xảy ra, Tèo tép đã trở lại. Mai bím kéo tôi ngồi giữa đám nhãi. Nó cắm ống xe điếu, nạp đạn và hút thuốc. Mai bím phát khoảng chục bi thuốc nguyên cho đám “cận thần”. Bọn nhãi thật vất vả, khổ sở với gió mới hút xong điếu thuốc, sấy xong cái sái. Có thằng chơi bạo xé luôn ống tay áo làm đóm, giữ lửa. Mai bím chi mấy điếu thuốc để được ngồi giữa, khỏi cần tranh cãi. Nhờ đám nhãi vây quanh chắn gió, tôi bớt lạnh. Và tôi hiểu sâu sắc giá trị của thuốc lào.
- Tính chưa, Tèo tép? - Mai bím hỏi.
- Rồi. - Tèo tép đáp.
- Bao giờ?
- Đến chỗ lao cải.
- Mẹ, dịp này bằng vàng.
- Về Sài Gòn xa lắm, rồi cũng bị tó lại thôi.
- Đến chỗ lao cải mày tính gì?
- Hễ no lành, tao ở lại ít lâu cho lại sức rồi chẩu. Hễ vui vẻ, tao ở luôn. Trước sau nó sẽ cấp giấy về.
- Hôm qua mày nói ngon ơ mà?
- Tao mệt nhoài, hết dám tính nữa.
Im lặng, hai công dân vỉa hè thôi bàn chuyện chạy trốn. Bây giờ, cả bọn ngồi bó gối, hai tay ôm chặt hai chân, gục đầu xuống đầu gối giữ hơi ấm. Tôi nhìn biển xa. Một vài chiếc thuyền chong đèn lưới cá càng làm tăng vẻ âm u của biển. Biển câm điếc, biển vô tình. Biển không hề biết có những đứa trẻ rét mướt mong đợi biển đưa vào những làn gió ấm áp. Biển lãnh đạm như cuộc đời. Thế đấy, giữa những niềm vui thừa mứa, những hạnh phúc dồi dào, có những đứa trẻ khốn nạn bị lưu đày thê thảm. Có tôi lạc lõng với tội trạng lưu manh trộm cắp.
Ý định bỏ trốn nhen nhúm trong đầu óc tôi. Thoạt đầu, nó như ngọn đèn chài biển xa, sau nó biến mất. Tại sao tôi phải trốn? Có tội mới trốn, không tôi không thèm trốn. “Hãy xứng đáng con một người trí thức, một sĩ quan. Hãy kiên nhẫn chịu đựng mọi nghịch cảnh.” Tưởng chừng chú Tường đang thầm thì với tôi. Tôi lại suy nghĩ về cái số phận làm người. Không ai tháo gỡ được cái lưới định mệnh chụp bủa lấy đới mình. Ngày nào đó, định mệnh sẽ gỡ lưới và giải thoát mình và, chắc chắn, định mệnh sẽ đền bù những oan khiên mình ôm ấp. Định mệnh chụp bủa hay là Chúa thử thách con người. Lạy Chúa, sao Chúa nỡ thử thách con một cách nghiệt ngã vậy?
Đồi Fanta Đồi Fanta - Duyên Anh Đồi Fanta