Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Đại Dương Cuối Đường Làng
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 4
L
ettie dẫn tôi đến một bụi cây phỉ bên con đường cũ (đến mùa xuân, hoa phỉ hình đuôi sóc trĩu nặng trên cành) rồi bẻ xuống một cành nhỏ. Đoạn, như thể đã làm vậy cả chục ngàn lần rồi, cô bé lấy con dao tước vỏ cây ra rồi lại gọt giũa, và giờ thì nó trông giống như chữ Y. Cô bé cất con dao đi (tôi không thấy cô bé cất nó đi đâu) rồi cầm hai đầu chữ Y.
“Không phải chị tìm mạch nước đâu,” cô bé bảo tôi. “Chỉ dùng nó làm kim chỉ nam thôi. Chị nghĩ trước tiên ta sẽ tìm một... con ruồi xanh. Hay cái gì đó màu xanh tím và sáng bóng.”
Tôi cùng cô bé nhìn quanh. “Em không tìm thấy gì cả.”
“Nó sẽ có ở đây thôi,” cô bé cam đoan với tôi.
Tôi nhìn kỹ xung quanh, quan sát thấy cỏ, một con gà nâu đỏ đang mổ bên đường xe chạy, một thứ máy móc dùng ở trang trại đã gỉ sét, một chiếc bàn bằng gỗ kê bên đường, trên để sáu thùng đựng sữa bằng kim loại trống không. Tôi thấy ngôi nhà gạch đỏ của gia đình Hempstock, nó lom khom và ung dung như con thú đang nằm nghỉ. Tôi thấy hoa xuân; hoa cúc trắng và vàng bàng bạc khắp nơi, hoa mao lương vàng bơ cùng bồ công anh vàng kim và lẻ loi một bông hoa chuông cuối mùa vẫn còn lấp lánh sương trong bóng râm dưới cái bàn để thùng đựng sữa...
“Cái đó hả?” tôi hỏi.
“Mắt em tinh đấy,” cô bé nói, vẻ hài lòng.
Chúng tôi cùng bước tới chỗ bông hoa chuông. Khi tới nơi, Lettie nhắm mắt lại. Người cô bé lắc tới lắc lui, cây đũa thần gỗ phỉ kéo dài ra, như thể cô bé là tâm điểm trên đồng hồ hay la bàn, còn cây đũa là cây kim đang định hướng mười hai giờ đêm hay hướng Đông mà tôi không thể nhìn thấy. “Đen,” đột nhiên cô bé nói, như thể đang mô tả cái gì đó trong giấc mơ. “Và mềm.”
Chúng tôi bỏ bông hoa chuông lại đấy, bước xuôi con đường làng mà lắm lúc tôi nghĩ hẳn đã từng là một con đường La Mã. Chúng tôi còn cách đầu đường làng độ một trăm mét, gần chỗ chiếc Mini đã đậu, thì cô bé phát hiện ra nó: một mẩu vải đen vướng trên kẽm gai ở hàng rào.
Lettie bước lại gần. Cây đũa gỗ phỉ lại kéo dài ra, lại quay từ từ. “Đỏ,” cô bé nói, vẻ chắc chắn. “Đỏ tươi. Lối đó.”
Chúng tôi cùng bước theo hướng cô bé chỉ. Băng qua đồng cỏ rồi vào một lùm cây. “Kia kìa,” tôi hào hứng reo lên. Xác một con vật bé xíu xiu - nhìn thì như chuột đồng - nằm trên mớ rêu xanh. Nó không còn đầu, máu tươi lấm lem cả lớp lông và lấm tấm trên rêu. Nó đỏ tươi.
“Này, từ đây trở đi,” Lettie nói. “Hãy nắm chặt cánh tay chị. Đừng buông ra.”
Tôi đưa tay phải ra nắm cánh tay trái của cô bé chỗ ngay dưới cùi chỏ. Cô bé huơ cây đũa gỗ phỉ. “Lối này,” cô bé nói.
“Giờ mình tìm cái gì?”
“Ta đang tiến lại gần,” cô bé nói. “Thứ kế tiếp ta tìm là cơn bão.”
Chúng tôi chui vào một lùm cây rồi đi xuyên qua nó vào một khu rừng, lách qua cây cối mọc san sát nhau, tán lá tạo thành cái lọng dày trên đầu. Chúng tôi bắt gặp một khoảng rừng thưa và đi dọc theo nó, giữa một thế giới chỉ toàn màu xanh lá.
Bên trái chúng tôi vẳng lại tiếng sấm ì ầm xa xa.
“Bão,” Lettie reo lên. Người cô bé lại lắc lư nên người tôi cũng quay theo vì đang nắm cánh tay cô bé. Khi ấy, tôi cảm thấy, hay tưởng là mình cảm thấy, rùng rùng khắp người như thể đang chạm vào những động cơ cực mạnh.
Cô bé bỏ đi sang hướng khác. Chúng tôi cùng lội qua một con suối bé xíu. Thế rồi, bỗng nhiên cô bé dừng lại, loạng choạng nhưng không ngã.
“Mình đến đó rồi hả?” tôi hỏi.
“Không phải ở đấy,” cô bé nói. “Không. Nó biết ta đang đến. Nó đánh hơi được chúng ta. Và nó không muốn ta tới chỗ nó.”
Lúc này, cây đũa phỉ quay vun vút như thỏi nam châm bị đẩy ở đầu cực. Lettie toét miệng cười.
Một luồng gió thổi tung lá cây và bụi đất vào mặt chúng tôi. Tôi nghe thấy có gì đó rầm rập xa xa như một đoàn tàu. Vạn vật đang trở nên khó nhìn thấy hơn, còn mảnh trời tôi nhìn ra được bên trên vòm lá thì tối sầm, như thể những đám mây dông khổng lồ đã dồn lại trên đầu chúng tôi, hay như thể trời vừa tức khắc chuyển từ sáng thành chiều hôm.
Lettie hét lên, “Nằm xuống!” rồi lom khom trên đám rêu, kéo tôi thụp xuống theo. Cô bé nằm sấp, còn tôi nằm bên cạnh và cảm thấy hơi ngốc nghếch. Mặt đất ẩm ướt.
“Bao lâu nữa thì mình sẽ...?”
“Khẽ nào!” cô bé nói nghe có vẻ giận dữ. Tôi nín thinh.
Có thứ gì đó đang băng rừng đến, phía trên đầu chúng tôi. Tôi liếc nhìn lên, thấy thứ gì đó màu nâu nâu và có lớp lông nhưng lại dẹp lép như tấm thảm khổng lồ, các mép cong lại đập phành phạch, và ở đằng trước tấm thảm, một cái miệng lởm chởm hàng chục cái răng li ti sắc nhọn đang hướng xuống mặt đất.
Nó đập lạch phạch, lơ lửng bên trên chúng tôi rồi đi mất.
“Cái gì thế?” tôi hỏi, tim trong lồng ngực đập mạnh đến mức tôi không biết mình có đứng lên lại được không.
“Sói cá đuối,” Lettie nói. “Ta đã đi ra xa hơn chị tưởng một chút.” Cô bé đứng lên rồi nhìn đăm đăm theo hướng cái thứ lông lá đó đã đi. Cô bé đưa đầu cây đũa gỗ phỉ lên rồi từ từ xoay người.
“Chị chẳng bắt được gì cả.” Cô bé hất đầu để tung mớ tóc che mắt ra mà tay vẫn không buông chạc cây đũa gỗ phỉ. “Hoặc nó đang nấp hoặc ta đang đến gần quá.” Cô bé bặm môi. Rồi cô bé nói, “Đồng silinh. Đồng xu trong cổ họng em ấy. Lây ra đây.
Tôi thò tay trái vào túi lấy đồng xu ra đưa cho cô bé.
“Không,” cô bé nói. “Lúc này chị không chạm vào nó được. Để nó xuống giữa chạc đũa đi.”
Tôi không hỏi tại sao. Tôi chỉ để đồng silinh bạc xuống ngay chạc chữ Y. Lettie dang hai tay ra, xoay người thật chậm, hướng đầu đũa thẳng ra ngoài. Tôi di chuyển theo cô bé nhưng không cảm thấy gì. Không có động cơ rùng rùng nữa. Chúng tôi xoay được quá nửa vòng thì cô bé dừng lại nói, “Nhìn kia!”
Tôi nhìn theo hướng cô bé xoay mặt nhưng không thấy gì ngoài cây cối và những bóng râm trong rừng.
“Không, nhìn kìa. Đấy.” Cô bé hất hàm chỉ.
Đầu cây đũa gỗ phỉ bắt đầu tỏa khói nhè nhẹ. Cô bé quay qua trái một chút, quay sang phải một chút, lại sang phải thêm chút nữa, thế rồi đầu đũa rực lên ánh màu cam sáng.
“Chị chưa thấy thứ đó bao giờ,” Lettie nói. “Chị dùng đồng xu để khuếch đại, nhưng như thể...”
Có một tiếng phụt rồi đầu đũa bùng lên thành ngọn lửa. Lettie gí đũa thần xuống lớp rêu ẩm. Cô bé nói, “Lấy đồng xu lại đi,” nên tôi lấy nó lại, cẩn thận nhặt lên phòng khi nó còn nóng, nhưng nó lại lạnh như đá. Cô bé bỏ cây đũa gỗ phỉ lại trên đám rêu, đầu đũa vừa cháy thành than vẫn còn âm ỉ khói.
Lettie cất bước và tôi đi bên cạnh. Lúc này, chúng tôi nắm tay nhau, bàn tay phải tôi đặt trong bàn tay trái của cô bé. Không khí có mùi kỳ lạ như pháo hoa, và chúng tôi càng tiến vào rừng thì vạn vật càng tối hơn.
“Chị đã nói chị sẽ lo cho em được an toàn, đúng không?” Lettie hỏi.
“Đúng.”
“Chị đã hứa chị sẽ không để thứ gì làm hại em.”
“Phải.”
Cô bé nói, “Cứ nắm tay chị là được. Đừng buông ra. Có chuyện gì đi nữa cũng đừng buông ra.”
Bàn tay cô bé ấm nhưng không đổ mồ hôi. Nó làm tôi vững dạ.
“Nắm tay chị,” cô bé lặp lại. “Và đừng làm điều gì trừ phi chị dặn. Em hiểu chưa?”
Tôi nói, “Em cảm thấy không được an toàn cho lắm.”
Cô bé không tranh cãi. Cô bé nói, “Ta đã đi xa hơn chị hình dung. Xa hơn chị tưởng. Chị không rõ lắm thứ gì sống ngoài rìa này.”
Không còn cây cối nữa, và thế là chúng tôi bước ra giữa chốn đồng không mông quạnh.
Tôi hỏi, “Mình đi có xa trang trại của chị không?”
“Không. Ta vẫn còn ở trong phạm vi trang trại. Trang trại Hempstock trải dài lắm. Lúc đến đây, nhà chị đem theo phần lớn trang trại từ vùng đất xưa. Trang trại đi theo nhà chị, và khi đến nơi, nó kéo theo những thứ này. Bà gọi chúng là bọ chét.”
Tôi không biết chúng tôi đang ở đâu, nhưng tôi không làm sao tin được chúng tôi vẫn còn ở trên vùng đất nhà Hempstock, cũng như không tin chúng tôi đang ở trong thế giới tôi đã lớn lên. Bầu trời nơi này có màu cam đục lờ như đèn báo hiệu; cây cối nhọn hoắt như những cây lô hội khổng lồ xơ xác có màu lục sẫm ánh bạc và trông như được gò từ hợp kim đúc súng.
Đồng xu bên tay trái nãy giờ ấm theo thân nhiệt tôi đã bắt đầu nguội đi cho đến khi lạnh ngắt như viên đá. Tay phải tôi cố nắm thật chặt tay Lettie Hempstock.
Cô bé nói, “Ta tới nơi rồi.”
Thoạt tiên, tôi tưởng mình đang nhìn một tòa nhà: nó là một kiểu lều nào đó, cao bằng ngôi nhà thờ làng, làm bằng vải bố có màu xám và hồng đang bay lạch phạch trong luồng gió bão, bên dưới bầu trời màu cam đó - một công trình kiến trúc bằng vải bố xiên xẹo, bạc màu vì mưa gió và tả tơi theo thời gian.
Thế rồi, nó quay lại nên tôi thấy được mặt nó, rồi tôi nghe có gì phát ra tiếng ư ử như con chó bị đá phải và nhận ra cái thứ đang rên rỉ đó chính là mình.
Mặt nó rách bươm, còn mắt nó là hai cái hố sâu hoắm trong thớ vải. Đằng sau không có gì, chỉ là một chiếc mặt nạ bằng vải bố xám xịt, to lớn hơn những gì tôi có thể tưởng tượng được, rách rưới tả tơi, phần phật trong luồng gió bão.
Có gì đó động đậy, rồi cái thứ rách bươm đó nhìn xuống chúng tôi.
Lettie Hempstock nói, “Hãy xưng tên đi.”
Im lặng một lúc. Hai hố mắt rỗng không nhìn chòng chọc xuống chúng tôi. Rồi một giọng nói cũng vô định như gió lên tiếng, “Ta là bà chủ của nơi này. Ta đã ở đây từ lâu lắm rồi. Từ trước khi những con người nhỏ bé hiến tế nhau trên đá cơ. Tên ta là của riêng ta, nhóc à. Không phải của mi. Giờ thì hãy để ta yên, kẻo ta thổi bay cả bọn mi đi.” Nó khua cánh tay như cánh buồm chính bị gãy, và tôi cảm thấy mình run cầm cập.
Lettie Hempstock siết tay tôi một cái nên tôi thấy can đảm hơn. Cô bé nói, “Ta đã yêu cầu bà xưng tên. Ta sẽ không nghe thêm những lời huênh hoang, rỗng tuếch về tuổi tác và thời gian nữa. Nào, bà cho ta biết tên đi, rồi thì ta sẽ không hỏi bà đến lần thứ ba.” Cô bé nói nghe giống con gái thôn quê hơn bao giờ hết. Có lẽ là do cơn giận trong giọng cô bé: khi cô bé giận thì lời lẽ nghe khác hẳn đi.
“Không,” cái thứ xám xịt rầm rì nói một cách thẳng thừng. “Bé con ơi bé con... bạn của mi là ai thế?”
Lettie nói nhỏ, “Đừng nói gì cả.” Tôi gật đầu, mím chặt hai môi.
“Ta đâm chán chuyện này rồi đấy,” cái thứ màu xám nói, nóng nảy giũ hai cánh tay vải rách bươm. “Thứ gì đó đã đến gặp ta, cầu xin được thương yêu và giúp đỡ. Nó bảo ta cách giúp cho tất cả những thứ như nó được sung sướng. Rằng chúng là những loài đơn giản và đứa nào cũng muốn có tiền, chỉ tiền thôi, không gì nữa cả. Cái thứ nhỏ nhoi tượng trưng cho công sức lao động ấy. Nó mà xin sự sáng suốt hay bình yên, bình yên tuyệt đối, thì ta đã cho chúng rồi...”
“Chẳng có thứ nào cả,” Lettie Hempstock nói. “Bà chẳng có gì mà họ muốn cả. Hãy để cho họ được yên.
Gió giật từng cơn khiến cái hình dáng khổng lồ ấy phần phật theo như những cánh buồm to chao đảo, và khi gió lặng thì sinh vật này đã đổi tư thế. Giờ thì dường như nó đã khom xuống gần mặt đất hơn và đang săm soi chúng tôi như nhà bác học khổng lồ bằng vải đang quan sát hai con chuột bạch.
Hai con chuột bạch đang vô cùng khiếp sợ và nắm tay nhau.
Bàn tay Lettie lúc này đang rịn mồ hôi. Cô bé nắm chặt tay tôi, để trấn an tôi hay trấn an chính mình thì tôi không rõ, nên tôi cũng siết tay cô bé.
Cái mặt rách lem nhem, hay chỗ đáng ra phải có bộ mặt, nhăn nhúm lại. Tôi nghĩ nó đang cười. Có lẽ nó đang nhoẻn miệng cười. Tôi cảm thấy như nó đang chọn riêng tôi ra mà săm soi tìm hiểu. Như thể nó biết mọi thứ về tôi - những thứ mà ngay cả tôi cũng không biết.
Cô bé đang nắm tay tôi nói, “Nếu bà không chịu cho ta biết tên, ta sẽ trói bà như một thứ vô danh tiểu tốt. Rồi bà vẫn sẽ bị xiềng xích, bị trói, bị niêm phong lại như con ma xó hay con ma sói.”
Cô bé chờ, nhưng cái thứ đó nín thinh, vậy là Lettie Hempstock bắt đầu đọc những câu chữ bằng thứ ngôn ngữ tôi không quen. Khi thì cô bé nói, khi thì giống như hát hơn, bằng một thứ tiếng tôi chưa từng nghe hay về sau này cũng sẽ chẳng bao giờ gặp trong đời. Nhưng tôi lại biết giai điệu ấy. Đó là một bài đồng dao, bọn tôi hát bài “Nào ta cùng ra chơi” theo giai điệu đó. Giai điệu thì vậy, nhưng lời cô bé hát lại xưa hơn. Tôi biết chắc như vậy.
Thế rồi, khi cô bé hát, mọi chuyện xảy ra bên dưới bầu trời màu cam.
Mặt đất quằn quại, trồi sụt toàn sâu là sâu, những con sâu xám ngoét dài ngoằng từ mặt đất dưới chân chúng tôi trồi lên.
Có gì đó từ giữa mớ vải phành phạch được ném về phía chúng tôi. Nó lớn hơn quả bóng đá một chút. Trong giờ chơi ở trường, tôi thường đánh rơi những thứ đáng ra phải bắt, hay nắm tay lại bắt quá trễ nên bị thứ ấy đập vào mặt hay bụng. Nhưng thứ này đang bay thẳng vào tôi và Lettie Hempstock nên tôi không suy nghĩ gì cả, tôi chỉ hành động.
Tôi đưa cả hai tay ra chụp cái thứ đó, một khối phần phật, ngoằn ngoèo mạng nhện và vải mục. Khi chụp nó trong tay, tôi cảm thấy có gì đó làm mình đau: một cơn đau nhói trong lòng bàn chân, loáng một cái rồi hết, như thể tôi vừa giẫm phải cái đinh ghim.
Lettie hất cái thứ tôi đang cầm trên tay đi, nó rơi xuống đất rồi đổ sụp xuống hiện nguyên hình. Cô bé nắm lại bàn tay phải của tôi, siết chặt. Suốt lúc đó, cô bé vẫn tiếp tục hát.
Tôi đã nằm mơ thấy bài hát đó, nằm mơ thấy ca từ lạ lùng của bài đồng dao đơn giản đó, và trong mơ, đôi lúc tôi hiểu được những gì cô bé nói. Trong những giấc mơ đó, tôi cũng nói thứ tiếng ấy, thứ ngôn ngữ sơ khai ấy, và tôi có quyền chi phối bản chất của tất cả những gì thực hữu. Trong mơ, nó là ngôn ngữ của cái tồn tại, bất cứ thứ gì được nói bằng ngôn ngữ ấy cũng đều trở thành hiện thực vì không có gì được nói bằng ngôn ngữ ấy mà lại là dối trá được. Đó là viên gạch cơ bản nhất xây đắp nên mọi sự. Trong mơ, tôi đã dùng ngôn ngữ đó để chữa lành cho người bệnh và để bay; có lần, tôi mơ thấy mình nằm ăn sáng trên một chiếc giường nhỏ tuyệt trần bên bờ biển rồi nói với những người đến ở lại cùng mình bằng thứ tiếng ấy, “Mạnh khỏe nhé,” vậy là họ trở nên khỏe mạnh và không còn ốm yếu nữa, bởi lẽ tôi đã nói thứ ngôn ngữ định hình.
Và vì Lettie đang nói thứ ngôn ngữ định hình đó nên dù không hiểu lời cô bé nói nhưng tôi cũng hiểu điều đã được nói ra. Thứ trong khoảng rừng thưa đã bị trói vào nơi đó mãi mãi, bị dồn đến cùng đường, bị cấm dùng quyền năng với bất cứ thứ gì bên ngoài địa phận của nó.
Lettie Hempstock đã hát xong.
Trong đầu, tôi nghĩ mình nghe được sinh vật đó gào thét, phản đối, xỉ vả, nhưng không gian bên dưới bầu trời cam đó lại im lặng như tờ, chỉ có tiếng vải bố phần phật và cành cây con răng rắc trong gió phá tan sự im lặng.
Gió đã lặng.
Cả ngàn mảnh vải xám rách bươm dồn tụ lại trên mặt đất đen như những thứ đã chết hay như đống áo quần đem đi giặt rồi bị bỏ lại. Không thấy động tĩnh gì.
Lettie nói, “Cái đó sẽ giam giữ nó.” Cô bé siết tay tôi. Tôi nghĩ cô bé đang cố ra vẻ hớn hở nhưng thật ra cô bé không như vậy. Giọng cô bé có vẻ lầm lì. “Để chị đưa em về nhà nào.”
Hai đứa tôi tay trong tay đi xuyên qua một rừng cây thường xanh nhuốm màu lam rồi băng qua cây cầu sơn đỏ vàng bóng loáng bắc ngang một cái ao cảnh; chúng tôi đi men theo bìa cánh đồng ngô non mới nhú như cỏ xanh trồng thành hàng; chúng tôi nắm tay nhau, trèo qua một bục gỗ rồi tới một cánh đồng nữa trồng thứ gì tựa như cây lau hay mấy con rắn có lông, mình màu trắng, đen, nâu, cam, xám và có sọc, đang rung rinh, cuộn lại, duỗi ra trong nắng.
“Đó là gì vậy?” tôi hỏi.
“Nếu thích thì em cứ nhổ một cái lên xem đi,” Lettie nói.
Tôi nhìn xuống: sợi tua đầy lông bên cạnh chân tôi có màu đen tuyền. Tôi cúi xuống, đưa tay trái nắm chặt đằng gốc rồi nhổ nó lên.
Có thứ gì đó từ dưới đất trồi lên và vùng vẫy giận dữ. Bàn tay trái tôi có cảm giác như bị cả chục cây kim li ti cắm vào. Tôi phủi đất cho nó rồi xin lỗi, còn nó thì nhìn tôi chằm chằm, vẻ mặt ngạc nhiên và ngơ ngác hơn là tức giận. Nó nhảy từ tay tôi qua áo, rồi tôi vuốt ve nó: một con mèo con đen tuyền và láng mượt, cái mặt nhọn và tọc mạch, một bên tai có đốm trắng, mắt màu lam lục sống động lạ lùng.
“Ở trang trại, nhà chị có mèo theo cách bình thường,” Lettie nói.
“Là gì thế?”
“Oliver Lớn. Nó xuất hiện ở trang trại từ thời ngoại giáo. Tất cả mèo ở trang trại nhà chị đều có nguồn gốc từ nó.”
Tôi nhìn mèo con bám vào áo mình bằng mấy móng vuốt bé tí.
“Em mang nó về nhà được không?” tôi hỏi.
“Đó không phải là nó. Là con bé. Mang gì từ vùng này về nhà cũng không phải là ý hay đâu,” Lettie nói.
Tôi để mèo con xuống ven đồng. Nó phóng theo một con bướm, rồi khi con bướm bay lên cao khỏi tầm với, mèo con nhốn nháo chạy đi, không nhìn lại.
“Mèo con của em bị xe cán mất rồi,” tôi nói với Lettie. “Nó còn bé lắm. Cái ông đã chết kể em nghe chuyện đó, mặc dù ông ta không lái xe. Ông ta nói họ không nhìn thấy nó.”
“Chị rất lấy làm tiếc,” Lettie nói. Lúc đó chúng tôi đang bước đi dưới vòm hoa táo, vạn vật có mùi như mật ong. “Những thứ có sự sống đều gặp phải vấn đề như vậy. Không được trường tồn. Nay là mèo con, mai đã thành mèo già. Và rồi chỉ còn là ký ức. Rồi ký ức cũng phôi pha nhạt nhòa với nhau...”
Cô bé mở một cánh cổng đóng bằng năm thanh gỗ ra rồi hai đứa bước qua. Cô bé buông tay tôi ra. Chúng tôi đang ở cuối đường làng, gần cái giá gỗ bên đường, trên có để mấy thùng đựng sữa móp méo màu bạc. Vạn vật có mùi bình thường.
Tôi hỏi, “Giờ mình về lại nhà thật rồi hả?”
“Phải,” Lettie Hempstock nói. “Và ta sẽ không gặp phiền phức nào từ mụ ta nữa.” Cô bé dừng lời. “Mụ ta to lớn quá phải không? Xấu xa nữa chứ? Trước giờ, chị chưa từng thấy thứ gì như vậy. Chị mà biết mụ ta già khọm như vậy, to lớn như vậy và xấu xa như vậy thì chị đã để em ở nhà rồi.”
Tôi thấy mừng là cô bé đã đưa tôi đi cùng.
Rồi cô bé nói, “Nhưng chị ước gì lúc đó em đừng buông tay chị ra. Nhưng dù sao thì em vẫn ổn phải không? Chuyện không xấu đi. Không có tổn thất gì hết.”
Tôi nói, “Em ổn mà. Chị đừng lo. Em là một chú lính dũng cảm.” Ông tôi vẫn luôn nói vậy. Rồi tôi lặp lại điều cô bé vừa nói, “Không có tổn thất gì hết.”
Cô bé cười với tôi, một nụ cười nhẹ nhõm, tươi sáng, và tôi hy vọng mình đã nói đúng điều cần nói.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Đại Dương Cuối Đường Làng
Neil Gaiman
Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman
https://isach.info/story.php?story=dai_duong_cuoi_duong_lang__neil_gaiman