Chương 5
hần Bốn: LỜI BẠT
CHE DẤU
Hầu hết người Mỹ cố quên vấn đề Việt Nam. Nhưng đằng sau vấn đề ấy, các giới quan chức lại muốn bới đống tro tàn. Những người phụ trách cuộc đàm phán đi đến ngừng bắn muốn mọi người biết rõ sự việc thật sự kết thúc như thế nào. Hay, nói một cách khác là cố loan truyền luận điểm của họ về sự thật.
Việc bóp méo và hóa trang các sự kiện bắt đầu ngay tức khắc. Gặp các nhà báo trong những giờ cuối cùng của cầu hàng không. Kissinger nói rằng còn khả năng dàn xếp thương lượng cho đến ngày 27 tháng 4. Sau đó, theo ông, Bắc Việt Nam mới quay ngoắt đi và áp dụng giải pháp quân sự. Ông cố ý không thấy rằng cơ quan tình báo đã có một nhận định khác hẳn. Ông cũng không thật thà khi nói rằng ông bị người ta lừa!
Khi Polgar ở trên tàu USS Bluebridge, ông cũng tổ chức một cuộc họp báo, giải thích chi tiết hơn luận điểm của Kissinger. Thực tế, giữa hai người, có một sự khác biệt quan trọng. Polgar không tự hạn chế được việc phê phán đại sứ, làm cho người khác hiểu rằng Martin chưa bao giờ nhận rõ như Polgar, sự nghiêm trọng của tình hình quân sự. Về mặt này, điều đó đúng. Nhưng Polgar quên rằng chính bản thân ông đã góp phần đáng kể vào việc làm cho Martin và Kissinger hiểu lầm rằng có nhiều khả năng hòa bình... Khi chính giới biết rõ luận điểm của ông, Kissinger lập tức đề phòng việc nói ngược lại. Ông điện cho Martin đang ở trên tàu, ra lệnh không được nói gì với giới báo chí. Ông báo cho Thiệu ở Đài Loan biết ông ta không được phép vào Hoa Kỳ (con gái ông ta học ở đấy) trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.
Trong lúc đó, nhiều nhân vật trong tấn bi kịch Việt Nam bị lăng nhục thậm tệ. Ít lâu sau khi họ đến Guam, nhiều tướng bại trận bị nhốt trong những chuồng sắt. Tướng Toàn, nguyên tư lệnh Quân khu III, kiệt sức, bị đẩy vào giữa nhóm, ngồi xuống một ghế quay. Tướng Trưởng, người bảo vệ Đà Nẵng, đau mắt nặng, không còn trông thấy chiếc ghế. Một lúc sau, một sĩ quan hải quân Mỹ vào, bắt ông ta cởi binh phục. Một viên tướng hỏi: "Chúng tôi có thể đeo huân chương không?". Người Mỹ trả lời: "Không! Các anh không còn ở quân đội, không còn Tổ quốc!"
Khi lực lượng can thiệp hải quân Hoa Kỳ tới Manille, ngày 5- 5-1975, tôi được cử đi Thái Lan, làm nhiệm vụ đặc biệt. Ở đấy tôi phải hỏi tin các nhà báo và lấy cung người tị nạn từ Việt Nam tới. (Thật ra việc bổ nhiệm tôi lần này có nhiều uẩn khúc. Cuộc di tản hết sức lộn xộn, cục tình báo trung ương CIA không biết tôi ở đâu khi tôi ở trên đường bay Manilla - Bangkok, họ đến nói với cha mẹ tôi rằng, tôi mất tích. Mấy ngày sau, tin này mới được đính chính).
Những tin tức thu lượm được giúp tôi làm bản báo cáo đầu tiên về phương pháp cộng sản nắm chính quyền. Tôi cũng được chứng kiến tại chỗ, giữa Thái Lan và Việt Nam, một cuộc di tản bất hợp pháp. Nhưng ở sở chỉ huy CIA, không ai đánh giá cao công việc của tôi. Phần lớn những tin tức tôi thu lượm được càng chứng minh rõ sự thất bại của ban giám đốc CIA. Một tháng sau, tôi được gọi về Hoa Kỳ. Tháng 8, tôi đến trụ sở CIA, sau mấy ngày nghỉ ngắn hạn (những ngày nghỉ đầu tiên sau hai năm rưỡi làm việc). Ban giám đốc chi nhánh Viễn Đông do Ted Shackley chỉ huy, bắt tôi "thi lại”. Cũng như đối với mọi nhân viên trở về, họ buộc tôi phải trả lời một số câu hỏi: Những câu trả lời tập hợp lại trở thành một bản tuyên bố nói rằng cuộc di tản thất bại là do hành động địa phương của quân thù. Tôi không làm. Trái lại, từ phòng này sang phòng khác, tôi chạy đi xin phép được làm một bản "kê khai những thiệt hại" để chi nhánh có thể rút ra một bài học về những sai lầm của mình. Họ trả lời tôi không ai quan tâm đến vấn đề có thể gây hiểu lầm ấy.
Polgar được đổi đi nhận một chức vụ mới. Không quan chức cao cấp nào trong chi nhánh Shackley bỏ công ra hỏi ông về cuộc di tản hoặc về những người và tài liệu bị bỏ lại. Tôi ở nước ngoài khá lâu nên khi trở lại Langley, nơi đóng trụ sở CIA, hầu như tôi không biết một ai trong số những người phân tích tin của chi nhánh. Ở đấy tôi không thể tìm một công việc hợp với khả năng của mình. Thấy tôi ở trong tình trạng bối rối ấy, Polgar bảo tôi đi theo ông đến chỗ ông mới nhận việc. Tôi nhận lời và đi học một khóa ngoại ngữ.
Nhưng nhiều việc xảy ra làm nẩy sinh nhiều rắc rối. Giữa tháng tám, Học viện đối ngoại mời Polgar nói chuyện về di tản trước những thính giả chọn lọc viên chức bộ ngoại giao. Polgar bận, bảo tôi nói. Tôi nhận lời. Nhưng không phải một bản tường trình mà là một bài bình luận đầy đủ về những sự việc thực tế xảy ra trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn.
Nghe tin, Shackley nổi giận đùng đùng. Ít lâu sau, trong một bữa tiệc mời những nhân viên ở Việt Nam về, tôi gặp Wolfgang Lehmann. Sau mấy phút nói chuyện xã giao, Lehmann gọi tôi ra, hỏi riêng về các khía cạnh chiến thuật quân sự của Hà Nội. Anh thú thật với tôi anh đang nói cho hai nhà báo, hai người được Kissinger bảo trợ, biết về cuộc di tản và sự thất thủ của Sài Gòn. Anh đang cố nhớ lại. Sự thú thật của anh làm tôi ngạc nhiên. Luận điểm của anh không có gì giống những việc tôi trông thấy. Tôi cũng không hiểu làm sao những viên chức của chính quyền lại phổ biến tình hình cho giới báo chí trước khi CIA và bộ ngoại giao hoàn thành báo cáo của họ- Thực ra điều mà Lehmann làm, chỉ là bước khởi đầu.
Trong tuần sau, chuyên gia về Việt Nam thuộc các bộ ngoại giao và quốc phòng nhận được lệnh mở hồ sơ của họ (đã được chọn lọc) cho hai nhà báo. CIA cũng làm như vậy. Colby và hai người giúp việc ông đã gặp một nhà báo, cố thổi phồng vai trò của chi nhánh Sài Gòn trong cuộc di tản. Colby giao cho anh ta một tập báo cáo tuyệt mật về Việt. Nam. Tài liệu ấy cho biết rõ các "nguồn" tin và các "phương pháp" lấy tin. Vì cố bảo vệ uy tín của mình, CIA thực tế đã làm lộ những bí mật còn giữ được sau sụp đổ. Đầu mùa Thu, tôi hết lòng tin đối với đồng nghiệp và cấp trên. Nhiều nhân viên cũ thuộc chi nhánh Sài Gòn, trong đó có tôi, được tổng thanh tra CIA gọi đến. Ông đòi chúng tôi cho biết đầy đủ cách Polgar soạn thảo báo cáo. Mặc dù tôi có cảm tình riêng với Polgar, tôi không thể không nói rõ sự thật. Nhất là khi tôi đã yêu cầu nghiên cứu cẩn thận những thiếu sót đã nẩy sinh. Tôi công nhận, nhiều lúc, Polgar đã giữ lại những bản báo cáo không lợi cho chính phủ Nam Việt Nam.
Cuối buổi nói chuyện, tôi xin phép được viết một bản tường trình đầy đủ về hoạt động của CIA trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, để việc "phán xử" được công bằng. Nhưng ông tổng thanh tra bác bỏ, cho rằng việc ấy quá phức tạp. Ông giải thích: Hỏi chuyện chúng tôi, ông không có mục đích nào khác là làm cho quốc hội không đòi mở một cuộc điều tra về hoạt động của CIA ở Việt Nam. Lời nói của ông càng làm cho tôi thêm nghi ngờ.
Tôi quyết định một mình, làm một bản báo cáo về sự thiệt hại, dù CIA có muốn hay không và dù sau này phải ra khỏi tổ chức này. Trong suốt mùa Thu và mùa Đông năm 1975, chính quyền tiếp tục cố gắng hết sức mức xóa bỏ hình ảnh Việt Nam trong trí nhớ người Mỹ. Lầu Năm Góc ký hợp đồng với nhiều tướng cũ của Sài Gòn để họ viết hồi ký về chiến dịch cuối cùng. Lầu Năm Góc quyết định đó là những tài liệu mật, nếu không được phép, không một tác giả nào được nói với giới báo chí.
Trong khi đó, Nhà Trắng và bộ ngoại giao ra sức khen thưởng cộng tác viên thân cận của Martin, cho họ đi nhậm chức ở những nơi béo bở để mong họ kín tiếng. Bản thân Martin, sau khi nằm ở bệnh viện để chữa viêm phổi, cũng được tổng thống khen. Lehmann được làm tổng lãnh sự ở Francfort và Boudreau, Jazyn được bổ đi Paris nhận những chức vụ cao.
Nhiều cộng tác viên của Kissinger đề nghị khen thưởng những viên chức trẻ bộ ngoại giao đã bỏ nhiều công sức để duy trì những hoạt động của cuộc di tản, nhưng Martin và Lehmann, được Kissinger ủng hộ, đã phản đối, vin cớ họ "quá đông”. Cục tình báo trung ương CIA, vì danh dự của mình, tỏ ra độ lượng với những vị "anh hùng”. Ở Việt Nam, mặc dù chưa bao giờ cục khen thường đúng thành tích. "Howard Archer", nguyên trưởng chi nhánh Nha Trang, đã bỏ rơi nhân viên và tài liệu, được tham gia vào một nhóm do Colby mới thành lập để đối phó với cuộc điều tra của quốc hội. "Custer” bạn đồng nghiệp anh ta ở Đà Nẵng, được làm trưởng một chi nhánh ở châu Á.
Cuối tháng 12- 1975, ban giám đốc CIA tập hợp các nhân viên cũ ở Việt Nam còn lại, trong phòng họp lớn, phân phát hàng loạt huân chương bí mật - phần thưởng bí mật cho những công việc bí mật. Lời khen cùng với huân chương tôi nhận được dịp ấy, nói rõ tính sắc bén của nhận định của tôi, trong tháng cuối cùng cuộc chiến tranh. Trong lễ khen thưởng, Colby ca ngợi tinh thần hy sinh và hiệu quả công việc của chúng tôi, đề cao chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Ông nêu bật chiến dịch Phượng Hoàng và chương trình bình định, theo ông, có thể đưa đến chiến thắng cuối cùng nếu không có quân đội Bắc Việt Nam. Tôi ngồi yên nghe những lời ba hoa ấy và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra đối với CIA, cơ quan tôi đã từng phục vụ?
Mấy ngày sau, tôi báo cáo cho George Carver, đồng tác giả bản báo cáo Weyand, tôi muốn viết một cuốn sách về thời kỳ ngừng bắn nếu được CIA tán thành và giúp đỡ. Carver không khuyến khích tôi. Ít lâu sau, tôi được gọi vào phòng trưởng ban tư pháp và bị chất vấn. Một người đóng vai người nghe, một người luận tội. Người ta bắt tôi phải để máy kiểm tra xem có nói dối không, có bảo đảm rằng tôi đưa những tin tức mật cho giới báo chí không. Người ta bắt tôi nộp sổ tay riêng, nộp nhật ký của tôi ở Việt Nam. Ba tuần sau khi CIA dành cho tôi sự khen thưởng cao quý nhất ấy, vào một buổi chiều, tôi báo cho thủ trưởng trực tiếp của tôi, tôi xin thôi việc để tỏ rõ sự phản đối của mình. Tôi vừa đoạn tuyệt xong thì các viên chức CIA cố làm mất danh dự tôi trong đồng nghiệp cũ. Như là tôi sắp sửa tiết lộ những bí mật của Nhà nước.
Nhân viên CIA quen biết tôi hay đã làm việc với tôi kể cả một cô bạn cũ, đều bị gọi lên chất vấn, đe dọa bị thải hồi nếu họ không báo cáo tất cả những gì họ biết về tôi! Lúc ấy, tấn thảm kịch Sài Gòn là đầu đề những cuộc thảo luận sôi nổi của quần chúng.
Ngày 27 tháng 1 năm 1976, đại sứ Martin phải trình bày trước ủy ban đối ngoại của hạ nghị viện bản báo cáo đầu tiên về sự thất thủ của Sài Gòn. Bản báo cáo thật sự là một tác phẩm: không lên án ai, cũng không có bóng lỗi lầm của ông, nhưng gây cảm tưởng là Kissinger, Polgar và quốc hội là những người chịu trách nhiệm chính về sự sụp đổ của Sài Gòn, và về nhưng vấn đề do cuộc di tản gây ra:
Martin sau đó giải thích với tôi, bài nói của ông đã được cân nhắc cẩn thận. Mặc dù ông được tổng thống khen thưởng, cộng tác viên thân cận của ông được đề cao, ông có cảm tưởng là chính quyền, trong những tháng qua, đã không biết đến công lao của ông, để cho ông phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ tại Việt Nam.
Ngay bản thân Kissinger, theo Martin, cũng loan truyền ở Hoa Thịnh Đốn rằng chính Martin cũng quá nhẹ dạ. Nay đại sứ nhất quyết báo thù. Những lời bóng gió tế nhị trong bài nói của ông trước quốc hội là những mũi tên bắn trả thù.
Việc đại sứ làm thu được hiệu quả ngay. Ít lâu sau, Kissinger bổ ông làm "trợ lý đặc biệt” hy vọng tước vũ khí của ông. Nhưng Martin không dễ dàng chịu khuất phục. Nhiều lần, ông nói chuyện với tôi và giới báo chí về những việc ông làm ở Sài Gòn. Để củng cố lời nói của mình, có lúc ông bóp méo cả những tài liệu mật. Trong khi Martin cố lấy lại uy tín của mình, thì những khó khăn của tôi với CIA lên cao điểm. Mùa xuân năm 1976, người chỉ huy quân đội Bắc Việt Nam, tướng Dũng xuất bản cuốn hồi ký. Gián tiếp ông công nhận rất nhiều sai lầm của sứ quán Mỹ trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn. Một nhà báo của tờ Washington Post, tôi quen từ lâu, gọi tôi đến hỏi ý kiến về mấy điểm của tướng Dũng nêu ra. Tướng Dũng viết rằng quân đội Bắc Việt Nam bắt được nhiều hồ sơ, tin tức còn nguyên vẹn. Vì CIA không nghe lời tôi nên tôi công nhận những điều ông Dũng viết là đúng. Bài báo nhan đề: "Những bí mật bị mất ở Sài Gòn" được đăng lên. Lần đầu tiên, một viên chức của sứ quán, công khai lên án chủ trương chính thức của chính phủ trong sự sụp đổ của Sài Gòn.
Từ lúc ấy, tôi trở thành kẻ thù công khai của một số nhân vật chính quyền. Thứ trưởng ngoại giao Habib viết cho Kissinger rằng những lời bình luận của tôi với giới báo chí có tính chất lật đổ. George Carver đi đến mức gợi ý với CIA: Tôi có thể là một gián điệp của nước ngoài, cần cột chân tôi lại. Đó không những là một lời chửi rủa tôi mà còn là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với luật pháp. Thật vậy, luật về an ninh quốc gia cấm CIA tham gia những hoạt động cảnh sát trên địa hạt nước Mỹ.
Cuối cùng, mùa hè năm 1976, Polgar được gọi về Hoa Kỳ. Người ta giao cho ông hăm dọa tôi. Trong một buổi nói chuyện, thủ trưởng cũ của tôi lên án tôi không có tinh thần yêu nước, lại dám phê phán CIA, và còn cho tôi là hơi điên. Ông cố thuyết phục tôi rằng ông đã làm việc tốt trong cuộc di tản, đến mức nói ông đã cứu được một nghìn nhân viên Việt Nam trong ngôi nhà số 7 tức đài phát thanh bí mật! Thật ra số người đó do Bill Johnson tổ chức di tản, trái hắn với ý kiến của Polgar. Cuộc nói chuyện của chúng tôi đến đây chấm dứt. Tôi không bao giờ gặp lại Polgar nữa.
Mấy tuần sau, tôi đi Paris để tập hợp tài liệu. Tôi gặp nhiều nhân viên sứ quán cộng sản Việt Nam và đề nghị được hỏi tướng Dũng ở Hà Nội một số vấn đề. Đồng thời tôi xin phép được lấy ra, gửi đi một món đồ cá nhân của Martin bỏ lại Sài Gòn. Về công việc chung, tôi đề nghị họ cho biết danh sách những binh sĩ Mỹ mất tích, ngược lại cho họ biết qua về thái độ công chúng ở Hoa Kỳ, nhất là sự lãnh đạm của họ đối với Việt Nam, tình hình mà họ không hề biết. Ít lâu sau, tình cờ hay cố ý, Hà Nội gửi cho Hoa Thịnh Đốn danh sách 12 lính Mỹ mất tích. Khi tôi trở lại Hoa Thịnh Đốn, tôi báo cáo với CIA và bộ ngoại giao những hoạt động của tôi và đề nghị bạn bè trong chính quyền cải thiện mối quan hệ chính thức với Hà Nội, để cộng sản đối đãi tử tế hơn với những người chúng ta bỏ lại. Để trả lời, CIA càng gây sức ép với tôi. Tôi quyết định không gặp người của CIA nữa, không đưa tập bản thảo tôi viết cho họ kiểm duyệt, không xin phép, những việc mà một nhân viên cũ của CIA phải thực hiện. CIA đã bóp méo tin tức phổ biến cho giới báo chí, nó không có quyền gì kiểm duyệt tôi vì an ninh và quyền lợi của quốc gia.
Trong khi tôi viết cuốn sách này, Graham Martin tiếp tục tự bào chữa trước công chúng. Cuối cùng Nhà Trắng, vào mùa Thu năm 1976, trước khi bầu cử tổng thống, đề nghị ông làm đại sứ lưu động nhưng sự bổ nhiệm này phải được quốc hội chuẩn y. Những đối thủ cũ của Martin đã kéo dài ngày có quyết định. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống đã làm tiêu tan hết hy vọng của Martin. Ông chỉ còn cách nghỉ hưu.
Cuộc phiêu lưu Việt Nam của tôi chấm dứt vào một buổi chiều thứ sáu cuối năm 1977 trước mặt Martin. Ông bảo tôi đến nói chuyện với ông ở lầu thượng bộ ngoại giao. Một con ma đón tôi ở cửa. Martin chỉ còn là cái bóng của bộ ngoại giao ba hoa sôi động mùa hè 1973. Mệt mỏi, mặt nhăn nheo già cỗi, ông mời tôi ngồi xuống một ghế trước bàn làm việc. Ông nói: Hôm nay là ngày cuối cùng ông ở bộ ngoại giao, ông muốn biết rõ tôi có thật chắc chắn về những việc tôi viết trong sách không. Ông nhắc lại những sự kiện chúng tôi đã nói với nhau trong những buổi gặp trước. Như thường lệ, ông cố giải thích cho những việc và quyết định trước của ông. Ông nói hơn một giờ rưỡi. Tôi ghi mỏi tay: Sau bốn năm làm việc với người này, tôi thuộc lòng những lý lẽ của ông. Ông đứng dậy, đưa tôi ra cửa. Cái nhìn mỏi mệt đượm vẻ buồn vô tận. Ông nói: "Anh biết chứ, tôi rời nơi đây cũng gần như khi tôi mới đến đây. Cách đây 40 năm, lúc tôi mới vào nghề, tôi chỉ tuyên thệ trước một mục sư già ở nông thôn. Ngày nay, tôi không có nghi lễ gì cả. Tôi làm việc ở bộ ngoại giao bao nhiêu năm thế mà khi về hưu, đồng nghiệp tôi không có lấy một bữa ăn sáng vĩnh biệt”.
Tôi nhìn ông một lúc. Nên mỉm cười hay tỏ lòng thương hại? Có nên đóng kịch không? Mặt đanh lại, tôi bắt tay ông và đi về. Đi đến cầu thang máy, tôi nhớ lại lời một đồng nghiệp nói về Martin: “Những ý kiến vừa như là một con cáo già ở đầm lầy, thông minh và khôn ngoan, có thể làm thay đồi mọi việc để đạt mục đích. Nhưng tất cả cái ông đạt được chỉ là đốm lửa trong đầm lầy, một ánh lửa sáng và mơ hồ chẳng thay đổi gì cốt lõi sự việc". Nhiều người cho rằng Việt Nam mà người Mỹ nuôi dưỡng và ủng hộ chỉ có thể kết thúc như Martin đã làm. Ngay từ đầu, chính sách của chúng ta quá tồi, không rõ ràng, chính sách ấy chỉ có thể đưa đến chiến thắng của cộng sản.
Tôi không thể bảo vệ được chính sách ấy nhưng tôi đem hết lương tâm ra chống lại lập luận trên. Là một nhân viên tình báo cũ, tôi chắc chắn rằng, (có lẽ hơi ngây thơ) những quyết định tốt, đúng lúc và dựa trên một nguồn tin chắc chắn có thể thay đổi được sự kết thúc, có khi tránh được cả sự kết thúc ấy. Một nhà lý luận già của họ chẳng đã nói: nếu nói đến xu hướng thì không thể nói đến quyết định trước. Những người biết rõ lực lượng tham chiến có thể thay đổi được quá trình sự việc xảy ra.
Kissinger chắc chắn là người Mỹ trực tiếp cân nhắc lực lượng tham chiến ở Việt Nam sau khi ngừng bắn. Chính ông đã thương lượng "hòa bình" và sau đó, điều khiển chính sách Hoa Kỳ. Trong cả hai trường hợp, ông đều làm hỏng và phá công lao của mình. Dân chúng Mỹ muốn rút nhanh ra khỏi Việt Nam với bất cứ giá nào. Kissinger muốn tuân theo ý chí của quần chúng nhưng lại thừa hưởng những sai lầm của các chính quyền Kennedy và Johnson. Sau khi ngừng bắn, ông lại lầm, quá tin vào sự hợp tác của Liên Xô và Trung Quốc và quá tin vào hiệu quả viện trợ không ngừng cho chế độ Sài Gòn. Nhưng ông không biết lúc bấy giờ, vụ bê bối Watergate đã ngậm nhấm chính sách của ông.
Trong những sai lầm ông phạm phải, chỉ có hai cái ông hoàn toàn chịu trách nhiệm. Một là cái cách ông điều khiển công việc, ông thích trò chơi trội, thích làm lấy, không giao bớt trách nhiệm cho cộng tác viên. Khi ông quá bận về vấn đề Trung Đông, Hoa Thịnh Đốn đã bỏ quên vấn đề quan trọng hơn là vấn đề Việt Nam. Khi cuộc khủng hoảng lên đến cao độ, ông chỉ giao cho một người, Graham Martin! Lại còn thói thích bí mật. Chưa bao giờ Kissinger báo cáo với quốc hội, với dân chúng Mỹ, ông đã dựa thật sự vào cái gì để bảo vệ nền hòa bình nửa vời.
Một hôm, Martin nói với tôi: Thật là buồn, hiệp định Paris không được đặt ra quốc hội chuẩn y. Nếu việc đó xảy ra, ít nhất quốc hội cũng biết cái gì thiếu sót ở Việt Nam và sau vụ bê bối Watergate, quốc hội sẽ giảm quyền của tổng thống trong trường hợp có chiến tranh.
Ngay sau Kissinger, chắc chắn là Martin phải chịu trách nhiệm lớn về thảm bại cuối cùng. Ông được cử đến Sài Gòn lúc ngừng bắn để duy trì một nền hoà bình do Kissinger đem lại, không dẫn đến việc cộng sản nắm chính quyền. Sự "lầm lẫn" của ông là ở chỗ, ông làm việc quá tốt và quá lâu. Đứng về phe cứng rắn - cùng với Nixon - ông củng cố sự không khoan nhượng của người Việt Nam và sự phụ thuộc của họ vào Hoa Kỳ. Cuối cùng, khi chấm dứt ném bom và khi Nixon là nạn nhân quá đáng của mình, thì không ai, kể cả những người được che chở lẫn đại sứ, có thể thay đổi chính sách đúng lúc. Trái lại Martin vẫn cố gây ảo tưởng là Hoa Thịnh Đốn tiếp tục ủng hộ Thiệu. Kết quả là đẩy Thiệu vào chỗ bướng bỉnh và nhận xét sai lệch. Chắc chắn Martin đã lầm. Có thể trách ông không? Nếu ông cố nhào nặn sự thật theo hình ảnh ông tưởng đó là vì Kissinger, thậm chí cả Ford nữa, đều quá ngả theo ảo tưởng của ông, thậm chí chia sẻ những ảo tưởng ấy.
Nhiều người khác cũng phải chịu trách nhiệm về thảm bại của Sài Gòn. Đầu tiên là dân chúng Mỹ. Thật ra, sự bất bình trong nước cuối những năm 60 và đầu những năm 70 đã dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam và chấm dứt sự can thiệp dã man của Hoa Kỳ. Nhưng khi một lính Mỹ đã về nước thì tư tưởng "cuốn theo chiều gió" đã có trong các giới đối ngoại cũng lan tràn trong dân chúng. Vấn đề Việt Nam không còn ở trong lòng nước Mỹ nữa.
Điều đó cho phép một số nhân vật có thế lực tiếp tục một chính sách hợp lý. Đây có thể là một điều cảnh cáo. Vì việc quân của tướng Dũng vào Sài Gòn tháng 4 năm 1975 chỉ là kết quả sự nhắc lại những sai lầm và thiếu sót đã làm cho chúng ta tham gia chiến tranh. Hai tổng thống Hoa Kỳ đã đánh lừa dân chúng. Đại sứ đã thổi phồng hy vọng thắng lợi. Người ta bỏ mặc những kẻ chờ chúng ta che chở ở Sài Gòn, thực hiện một chính sách thất bại. Mọi việc diễn ra như trong giới cao cấp của chính quyền, người ta vội quên những bài học của quá khứ. Mong rằng với thời gian và khi những vết thương chiến tranh Việt Nam đã lành, có thể trả lại vai trò cho lịch sử. Nghĩa là đánh giá lại từ đầu, một cách khách quan, toàn bộ chủ trương, chính sách, sự việc xảy ra, kể cả những gì làm cho nhiều người trong chúng ta mù mắt, không thể nhìn rõ diễn biến thật sự của tình hình Việt Nam. Đừng bỏ lỡ dịp. Thôi, đừng coi vấn đề Việt Nam là một ảo ảnh, dễ quên hơn là dễ nhớ lại. Nhất là trong cơn hấp hối của nó. Nếu không, chúng ta không thể thoát ra khỏi các thế lúc trên lĩnh vực tình báo cũng như trong địa hạt chính trị, đã thay đổi "khoảng cách chịu được” của Sài Gòn thành một kết thúc thảm hại của tấm thảm kịch Mỹ.
Frank Snepp, tác giả của Cuộc tháo chạy tán loạn:
So với bản tiếng Anh, bản dịch tiếng Việt lược bớt nhiều đoạn, nội dung một số đoạn dịch không đúng như ý tác giả muốn diễn đạt….
Table Of Contents
Foreword ix
Gloria Emerson
Preface to the Twenty-Fifth Anniversary Edition xiii
Preface to the First Edition xix
Principal Cast of Characters xxiii
Part I: First Rites
Homecoming
3 (15)
A Great Day
18 (13)
In Good Faith
31 (8)
Leaves from a Pocket Notebook
39 (9)
Son of Cease-Fire
48 (18)
Martin's Embassy
66 (25)
Nibblers and Anti-Nibblers
91 (16)
Fiscal Whores
107 (20)
Part 2: The Unraveling
Improvisatory Offensive
127 (15)
A Thousand Cuts
142 (8)
Hail-Fellow
150 (9)
Pyrrhic Victories
159 (11)
Blossoming Lotus
170 (15)
Light at the Top
185 (20)
Glass Mountain
205 (12)
Black Box
217 (13)
Cannonball to Papa Lima
230 (15)
Ides of March
245 (17)
Piece of My Tongue
262 (17)
Part 3: Collapse
Primary Responsibility
279 (13)
Limp Little Rags
292 (14)
The Bombing
306 (12)
Spotlighting
318 (11)
Eagle Pull
329 (13)
Discarded Luxury
342 (16)
Worst Case
358 (13)
Controlled Conditions
371 (9)
Panic Button
380 (12)
A Bargain Whose Day Has Passed
392 (10)
Secret Caller
402 (12)
Polarized Thinking
414 (13)
High-Class Chauffeur
427 (11)
Our Turn
438 (13)
They're in the Halls
451 (22)
Morning
473 (35)
Afternoon
508 (27)
Evening
535 (28)
Postscript: Internal Hemorrhaging 563 (18)
CIA's Official Recommendation for Honor and Merit Award for Frank Snepp 581 (2)
Index 583
Số phận bị từ chối
Quyển sách này, ngay từ khi mới còn là một ý tưởng, đã gây tai họa cho Frank Snepp, và sau khi được xuất bản nó đã đem đến một trận đòn thù chưa từng thấy của CIA dành cho Frank Snepp.
Đòn thù của CIA
Mùa thu năm 1977, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nhân danh CIA đưa Frank Snepp ra tòa về tội viết và xuất bản một quyển sách về ngày tàn của Sài Gòn mà không được phép của CIA, qua đó tiết lộ bí mật quốc gia.
Tòa liên bang ở Bắc Virginia đưa ra bản án: tịch thu mọi tiền nhuận bút, bản quyền, tác quyền cho quyển sách này, phạt bị cáo phải nộp 144.931 USD vào ngân khố Hoa Kỳ. James Bamford, trong “Spy vs. Spies” (Điệp viên đối đầu bè lũ điệp viên), mô tả: “Mục đích (của bản án này) là nhằm đưa Frank Snepp đến chỗ kiệt quệ về tài chính và để khóa miệng và trói tay Frank Snepp bằng lớp “keo siêu dính” của luật pháp. Trước tòa, chính phủ đòi phải lột sạch Snepp mọi thu nhập từ quyển sách này, hầu như lột đến từng đồng xu mà Frank đã kiếm được trong gần hai năm hí hoáy viết cho xong cuốn sách, cũng như mọi thu nhập trong tương lai...”.
Theo James Bamford, Frank Snepp còn bị buộc suốt đời nộp cho CIA kiểm duyệt mọi “viết lách của mình, từ bài báo, bản ghi chép, truyện, diễn văn..., hư cấu hay việc thật”. Frank Snepp kiện lên tòa thượng thẩm, rồi đến Tối cao pháp viện Hoa Kỳ song lại bị tòa án này tuyên y án vào ngày 19-2-1980. Bỉnh bút Nat Hentoff của nhật báo New York Times gọi đây là “một cuộc bỏ phiếu chưa từng thấy cho chế độ kiểm duyệt. Trong lịch sử chúng ta, chưa tòa án nào đã từng ra phán quyết như thế”.
Cha của Frank Snepp cũng bị vạ lây. Trên website của Frank Snepp, bài “Hoa Kỳ chống lại Snepp” (United States vs. Snepp) có đoạn: “Cha của Snepp, một thẩm phán tiểu bang, muốn được nâng ngạch lên thẩm phán liên bang đã vấp phải phản ứng của quốc hội, khiến ông cứ đợi dài cổ”.
Trong những năm làm việc tại Sài Gòn, Frank Snepp đúng là hình ảnh của một điệp viên thứ thiệt: lưng lận khẩu Colt 45, mắt đeo kính râm. Vừa tốt nghiệp quan hệ quốc tế Đại học Columbia năm 1968 thì Frank Snepp được CIA tuyển dụng và sau một năm huấn luyện được cử sang VN. Những năm đầu tiên, Frank Snepp sống trong khách sạn “Duc Hotel” (nay là khách sạn Thắng Lợi), ăn “cơm tây” (theo nghĩa đen) trong khách sạn: “Người đàn ông lớn tuổi đáng kính quản lý cái restaurant ở tầng trệt chưa từng học cách nướng (xúc xích) làm món hot dogs hay thịt băm làm món hamburgers. Bánh (mì) Tây mà ông ta mua về từ chợ thì cứ luôn có vài con mọt bên trong”.
Nhờ khả năng phân tích tình hình cực kỳ nhạy bén, lại được cả đại sứ Graham Martin lẫn trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn Tom Polgar tin cậy, Frank Snepp nhanh chóng thăng quan tiến chức, được bổ nhiệm làm phân tích gia trưởng của chi nhánh CIA tại Sài Gòn. Từ đó, Frank Snepp dọn về một căn hộ trong tòa nhà số 6 Công trường Chiến Sĩ (hồ Con Rùa).
Trong chức vụ phân tích gia trưởng, Frank Snepp thường xuyên “sờ gáy” cấp trên, kể cả ngoại trưởng Henry Kissinger mà những kẻ chủ chiến như Frank Snepp không thể nào tán thành chủ trương “hòa bình bằng mọi giá”, hoặc kiểu ảo tưởng của đại sứ Martin và trưởng chi nhánh CIA Polgar về một giải pháp thương thuyết vào giờ thứ 25 lấy “lực lượng thứ ba” hữu danh vô thực làm nền tảng.
Thế nhưng, chính hành động viết và xuất bản quyển hồi ký này đã khiến Frank Snepp bị đòn thù. Frank còn thuật lại chi tiết việc cả đại sứ Martin sau này sẽ bào chữa cho thất bại của mình như thế nào: “Ngày 27-1-1976, đại sứ Martin ra trước Tiểu ban đối ngoại Hạ viện điều trần... Chẳng hề chỉ tay điểm mặt một ai, song cũng đủ mờ mờ ảo ảo để che đậy các sai lầm của mình và ám chỉ rằng Kissinger, Polgar và cả quốc hội, thảy đều phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Sài Gòn cùng những rối ren của cuộc di tản”.
Frank cũng đã thuật lại những nỗ lực của Chính phủ Mỹ “trong mùa thu và mùa đông năm 1975 nhằm xóa sạch VN ra khỏi ký ức của công chúng”. Kể cả việc “CIA tìm cách triệt hạ uy tín của tôi nơi các đồng nghiệp của tôi, tung ra trong khắp cơ quan đầu não của CIA những văn bản khuyến cáo mọi người đừng nói chuyện với tôi, tuồng như tôi đang phản bội các bí mật quốc gia đến nơi rồi” (nguồn: Postscript, Decent Interval).
Bởi thế bản án của Tối cao pháp viện Mỹ mới phán rằng việc làm của Frank Snepp đã gây tổn hại không thể nào hàn gắn lại được cho nước Mỹ. Frank Snepp bèn dùng lại cụm từ này, tổn hại không tài nào hàn gắn (Irreparable harm) để làm tựa đề cho quyển sách thứ nhì của mình.
Món nợ tình
Trong Decent Interval, Frank Snepp ghi vỏn vẹn đề tặng “Sep và Mai Ly, để tưởng nhớ” ở đầu quyển sách. “Sep và Mai Ly” là ai? Trong cả quyển sách tuyệt nhiên không nhắc đến. Dẫu sao cũng có thể đoán rằng đó là hai “người thân” của Frank Snepp khi còn ở VN.
“Sep” có thể là tên rút ngắn của một người con rơi của Frank Snepp, Mai Ly có thể là tên một người vợ hờ hay người tình chung sống với Frank Snepp tại tòa nhà số 6 Công trường Chiến Sĩ (ngay hồ Con Rùa).
Trong cả cuốn sách có một đoạn hơi lạ:
“Khoảng chừng giữa buổi sáng, một cô gái người Hoa, một người quen cũ, gọi điện thoại khóc lóc nhờ tôi giúp đỡ. Anh chồng người Mỹ của cô đã bỏ mẹ con cô. Cô chẳng còn biết cầu đến ai ngoài tôi. Tôi hững hờ bảo rằng ngay lúc này tôi chẳng có thể làm gì được cho cô ta. Tôi đang kẹt cứng ở bàn giấy. Song tôi cũng bảo cô: “Một tiếng nữa hãy gọi lại cho tôi, để xem có làm gì được cho cô hay không”.
Một thoáng im lặng. Bên kia đầu dây nói, rồi thì giọng cô như lạc đi, lạnh lùng, xa cách: “Nếu anh không giúp tôi, mẹ con tôi sẽ tự vận. Tôi đã mua thuốc độc sẵn rồi”. Tôi liếc nhìn đống giấy tờ chất ngồn ngộn trước mặt. Tôi không thể bỏ ra được: “Một tiếng nữa gọi lại cho anh. Lúc đó anh sẽ giúp”. Đúng hẹn, một giờ sau cô ta gọi lại. Lúc đó, tôi lại ra ngoài văn phòng. Cô ta để lại một lời nhắn cho sĩ quan trực: “Vậy mà tôi đã mong một cái gì tốt đẹp hơn từ nơi anh. Thôi chia tay anh”. Đó là lần cuối tôi nghe nói đến cô ta”. (Decent Interval, tr.453-454)
Cô vợ hờ nào của một đồng đội của Frank Snepp lại chua chát chia tay Frank như thế và buộc Frank phải nhắc lại trong hồi ký của mình? Tại sao Frank Snepp lại đề tựa “Sep và Mai Ly, để tưởng nhớ”?
25 năm sau, tháng 4-2000, phóng viên BBC thời 1975 Brian Barron đã thuật lại tâm sự sau này của Frank Snepp trong bài báo “The Fall of Saigon” (Sài Gòn thất thủ): “Snepp nhớ lại có nhận một cú điện thoại trong những giờ phút cuối cùng của một phụ nữ người Việt cứ nhất định rằng Snepp là cha của con cô ta: “Cô ấy bảo cần phải chạy ra khỏi đất nước bằng không sẽ tự vận cùng đứa con trai. Tôi bảo Mai Ly à, anh không thể đưa em đi lúc này được. Sáng hôm đó là buổi sáng cuối cùng. Khi cô ấy gọi lại cho tôi thì tôi đang trong phòng làm việc của đại sứ và cô ấy đã tự vẫn cùng với đứa bé trai ấy. Tôi chẳng thể đến được chỗ họ”.
Trên website của Frank Snepp có một bài viết “Frank Snepp và Tối cao pháp viện” (Frank Snepp & the Supreme Court) ghi lại câu chuyện này, cách thuật lại có khác: “Một phụ nữ người Việt vật vã nói rằng đã có con trai với Snepp và gọi điện cho Snepp nài nỉ anh ta giúp đưa mẹ con cô ta đi. Song Snepp quá bận cho dù chỉ để giúp họ... Cô ta gọi lại, Snepp lúc đó đang ở dưới lầu, trong phòng của đại sứ. Cô ta tự vẫn cùng với con trai”. Dường như Snepp muốn thanh minh cho mình.
Hai năm sau “Cuộc tháo chạy tán loạn” của người Mỹ khỏi Sài Gòn, Frank Snepp - chuyên viên phân tích trưởng kiêm chuyên viên thẩm vấn của chi nhánh CIA tại Sài Gòn - đã công bố bản phúc trình - hồi ký của mình về những ngày cuối cùng tan tác của cuộc chiến tranh VN, mang tựa đề Decent Interval (có tác giả dịch là Cuộc tháo chạy tán loạn).
Số phận của Frank Snepp gắn liền với quyển sách này: cho đến nay Frank Snepp vẫn không được Chính phủ Hoa Kỳ và CIA chấp nhận. Trong quyển sách này còn có một số phận kép khác: người vợ hờ và đứa con rơi của Frank Snepp, mà vào những ngày cuối cùng của Sài Gòn, Frank Snepp đã ngoảnh mặt bỏ mặc nên đã phải tự vẫn.
Số phận của Frank Snepp và vợ con hờ này không khác gì số phận của một chế độ, mà từ khi khai sinh đến khi cáo chung, thảy đều không tự định đoạt được gì.
Mãi đến sau này, trong quyển sách thứ nhì xuất bản, Tổn thất không đền bù nổi (Irreparable Harm), Frank Snepp mới thuật lại câu chuyện một cách rõ rệt rằng người phụ nữ đó vốn là một cô bái bán bar mà Frank Snepp đã quan hệ vào đầu năm 1973: “Gần hai năm sau tôi mới lại nghe nói đến cô ấy, vào cuối năm 1974. Cô ấy tươi cười xuất hiện trước cửa phòng tôi với một đứa bé một tuổi trong tay. Cô ấy vẫn tỏ ra rụt rè như thường lệ. Thoạt đầu cô bảo rằng đó là cháu cô ta, sau đó lại bảo là con của cô với một kép “Mẽo” của cô.
Cuối cùng, cô ấy gây sốc cho tôi khi bảo rằng “kép Mẽo” đó chính là tôi. Tôi vẫn còn giữ một bức ảnh chụp bộ ba chúng tôi lần ấy, sau năm ngày đoàn tụ chóng vánh khiến tôi cả đời sẽ phải vướng mắc mãi. Ngay sau khi chụp bức ảnh đó, cô ấy và đứa bé lại bỏ đi mất tăm, mãi đến trước ngày di tản mới lại xuất hiện.
Lạy Chúa! Có thật là mẹ con cô ấy đã chết rồi không? Tên nhân viên cảnh sát người Việt hôm ấy leo bức tường tòa đại sứ vào báo tin cho tôi lúc đó cứ ấp a ấp úng, hoảng hốt. Liệu anh ta có được tin xác thực không?”.
Qua Irreparable Harm, Frank Snepp đã tự thú ngày trước ở Sài Gòn anh ta cùng lúc có hai cô bồ ngoài cô vợ hờ kia: “Họ chia sẻ mọi thứ tôi đem về cho họ, ngoại trừ con tim tôi mà tôi đã dành cho người tình thật sự của tôi”. Thế nhưng, Frank Snepp nay sống với những ân hận: “Quyển sách này chính là để tẩy rửa tôi”.
Giáo sư David J. Garrow, Trường đại học luật Emory, phân tích quá trình tự hối của Frank Snepp như sau: “Vào năm 1975, có thể là cả trong năm 1977 khi viết quyển Decent Interval, Snepp có thể còn chưa tin rằng mình chính là cha đứa con của cô gái tên Mai Ly. Năm tháng qua đi, những nghi ngờ tan biến. Một người bạn của Snepp hiểu chuyện khuyên Snepp “quên VN đi”. Song Snepp không tài nào quên. Và rồi năm 1991, lần đầu trở lại thăm Sài Gòn, Snepp tìm cách đến gần căn nhà ba tầng lầu mà Mai Ly đã từng có lần sống chung với Snepp cùng đứa trẻ mà nay Snepp tin chắc là con mình”.
Snepp muốn dừng lại, hỏi thăm xem biết đâu cô ta và đứa bé chưa chết, song không dám. Snepp cũng đã thăm lại nơi xưa kia là văn phòng của mình trong tòa đại sứ bỏ trống. Tại Sài Gòn, Snepp nhận ra rằng “kẻ thù thật sự duy nhất của tôi chính là ký ức của tôi”. Và Snepp than: “Nếu con trai tôi còn sống, năm nay nó cũng được 18 tuổi rồi. Thế nhưng, điều cắn rứt hơn cả là số phận buộc Snepp nay cứ phải sống trong tâm trạng đã bỏ bê Mai Ly và con trai mình”.
Frank Snepp cũng như nước Mỹ còn “nợ” nhiều lắm để có thể thanh thản xoa tay.
Tựa đề Decent Interval, hàm ý rằng hai năm đủ để là một khoảng cách thời gian lịch sử cho một tường trình phê phán điều mà chính tác giả gọi là “cái kết cuộc coi không được của Sài Gòn” (“Saigon’s indecent end”, tựa đề phụ của quyển sách).
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật
Ngày đăng: 01/05/2005
Hoàng Ngọc
Cuộc Tháo Chạy Tán Loạn Cuộc Tháo Chạy Tán Loạn - Frank Snepp Cuộc Tháo Chạy Tán Loạn