Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Cũng Đành
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 4
C
hiêm bước lên chiếc xe lam chở hành khách đang nổ máy. Rất hài lòng về kết quả của toán thám kích sau ba tháng hoạt động, thiếu tá Bằng vui vẻ ký ba ngày phép nghỉ xả hơi để tưởng thưởng công lao của anh. Được thượng cấp cho nghỉ ba ngày phép, anh muốn lên Trúc Giang để thăm Tịnh, một người bạn cùng khóa phục vụ tại tiểu khu.
Ngồi trong lòng xe chật hẹp anh mỉm cười chào mấy người chung xe. Đa số hành khách đều đàn bà. Họ mang rau cải lên bán ở chợ Lương Quới hoặc vài người đi lên tỉnh lỵ bổ hàng cho tiệm tạp hóa của họ tại quận lỵ hay các làng lân cận trong quận Giồng Trôm. Chiêm nhận ra trong số các hành khách có hai người quen mà anh biết mặt. Đưa tay xem đồng hồ anh thấy 10 giờ. Trung úy Điền khuyên anh nên đi trễ vào buổi sáng mà đừng đi trễ vào buổi chiều. Đi sớm quá đường bị đấp mô và đặt mìn. Còn đi trễ quá thì bị du kích ra chận đường xét hỏi. Bởi vậy nếu muốn an toàn anh nên đón các chuyến xe chạy từ 10 giờ sáng tới 1 giờ chiều. Để cho chắc ăn anh còn lận lưng khẩu Colt 45. Anh cũng biết nếu rủi bị du kích chận đường thời khẩu súng lục cũng chẳng giúp được bao nhiêu song có còn hơn không.
Chiếc xe lam qua cầu Bình Chánh. Con sông Bến Tre tới đây nhỏ và cạn dần thành ra con rạch nhỏ mà dân làng gọi tên Rạch Bình Chánh hay Rạch Giồng Trôm. Nó cũng chia ra nhiều nhánh nhỏ hơn chảy xuyên qua các làng như Lương Quới, Bình Chánh, Bình Hòa và quận lỵ Giồng Trôm. Lát sau xe dừng lại tại chợ Lương Quới để cho người xuống và đón thêm khách mới đi lên tỉnh. Chừng 10 phút xe lại qua cầu.
Từng nghiên cứu bản đồ hành quân cũng như hoạt động tại vùng này vài lần, anh biết chiếc cầu mang tên Cầu Đúc. Nó là ranh giới giữa hai làng Lương Hòa và Lương Quới. Con lộ trải đá trộn với đất chạy xuyên giữa quãng đồng trống mà xa trong kia vườn dừa xanh um. Đang chạy chiếc xe lam chợt chậm lại rồi sau đó ngừng lại.
- Đấp mô rồi bà con ơi...
Từ từ giảm tốc độ, người tài xế xe lam nói lớn rồi dừng lại. Chiêm xuống xe. Nhìn về phía trước anh thấy có mấy chiếc xe đò, xe lam đậu trên đường. Bước tới chiếc xe đò đậu trước chiếc xe lam, anh hỏi người tài xế.
- Có chuyện gì vậy bác?
Liếc nhanh Chiêm, người tài xế trả lời.
- Chắc đấp mô hay mấy ông du kích chận đường...
Liếc Chiêm lần nữa, ông ta thấp giọng.
- Chú em cẩn thận... Người già hổng sao còn trẻ trẻ như chú em mấy ổng dám mời đi lắm...
Chiêm gật đầu nói lời cám ơn rồi trở lại xe của mình. Tuy ngoài mặt cố giữ vẻ thản nhiên song trong lòng anh lại lo âu. Tới lúc này anh có chạy cũng không còn kịp. Nếu như đi xe gắn máy thời anh còn có thể quay xe chạy trở về Lương Quới. Bây giờ chỉ còn cách giả trang mình thành thường dân thôi. Nghĩ như thế anh làm bộ đứng nơi bờ ruộng hút thuốc rồi liếc không thấy ai để ý tới mình, anh rút bóp lấy thẻ căn cước quân nhân, giấy chứng chỉ tại ngủ, tờ giấy phép và khẩu súng lục ra nhét vào bụi cỏ rậm bên đường xong trở lại chỗ chiếc xe lam vừa đúng lúc xe bắt đầu chạy. Xe càng tới gần trạm xét, Chiêm càng thêm căng thẳng và hồi họp. Anh biết mình chỉ còn trông cậy vào may rủi. Chiếc xe lam dừng lại ngay chỗ hai người mặc bà ba đen đứng. Liếc nhanh khẩu súng bá đỏ trên vai người nữ du kích của mặt trận, anh thầm tiếc cho hành động vất đi khẩu Colt45 của mình.
Anh nghĩ mình hơi vội vàng. Kẻ địch có hai cô lính gái mà một mang súng, một tay không.
Nếu còn giữ khẩu súng lục anh có thể bắn gục hai kẻ địch và có hi vọng thoát chết nhiều hơn bây giờ ngồi đây chờ bị bắt. Nếu đám du kích này biết anh là trưởng toán thám kích quận Giồng Trôm thời đời anh kể như tàn. Ngồi lọt giữa hai người đàn bà, tim đập thình thịch anh chờ tới phiên mình bị xét hỏi.
Chiêm nhìn hai cô nữ du kích của mặt trận đang đi tới chỗ mình ngồi.
- Anh kia... Anh đi đâu?
Người nữ du kích không mang súng lên tiếng hỏi. Điều này làm cho anh đoán có lẽ cô ta là người chỉ huy.
- Tôi đi lên tỉnh...
Chiêm trả lời trong lúc nhìn cô nữ du kích đang ghìm họng súng ngay ngực của mình.
- Anh là học trò hả?
- Không, tôi là thầy giáo...
Chiêm mỉm cười trong lúc trả lời. Anh cười vì không biết nghĩ sao lại xưng thầy giáo. Tuy nhiên xưng thầy giáo anh lại thấy thích hợp hơn học sinh hoặc công chức của chính phủ. Ít ra thầy giáo cũng không có nhiều dính líu tới các cơ quan của chính phủ được mặt trận coi là thù địch như cảnh sát và lính tráng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
- Anh dạy ở đâu?
- Tại quận Giồng Trôm...
- Mời anh xuống xe...
Cô lính không mang súng lên tiếng. Chiêm chậm chạp bước xuống xe. Khoát tay ra dấu cho tài xế chiếc xe lam chạy, cô nữ du kích không mang súng ra lệnh cho Chiêm.
- Anh đi theo tôi...
Dứt lời cô ta quay lưng bước về phía ngã ba nơi có con lộ đất đi vào Lương Hòa. Chần chờ giây lát Chiêm lặng lẽ bước theo. Người nữ du kích mang khẩu bá đỏ đi sau cùng. Vừa đi Chiêm thầm suy tính. Hai người nữ du kích này chỉ có một người mang súng. Như vậy anh có thể tước lấy vũ khí của kẻ địch và bắn hạ hai người. Tuy nhiên anh phải hành động thật nhanh và ngay lúc họ không phòng bị thời mới có kết quả. Chân bước, anh kín đáo quan sát cảnh vật hai bên đường. Đã đi trên con đường này một lần cách đây không lâu vì vậy anh còn nhớ rõ ràng. Chút nữa ba người sẽ tới rặng trâm bầu có cây keo già cỗi. Anh tính sẽ tước vũ khí của người lính đi sau lưng khi tới rặng trâm bầu.
Chốc sau Chiêm thấy dáng cây keo già nhô lên trời rồi rặng trâm bầu xanh xanh hiện ra. Khi còn cách rặng trâm bầu chừng hai mươi bước, Chiêm cố tình bước chéo qua một bên, đồng thời liếc thật nhanh ra sau để xem cử chỉ của người nữ du kích đi sau lưng. Anh mừng thầm khi thấy cô ta đi cách chừng hai bước và mũi súng cũng không chĩa vào ngay lưng của mình.
Chỉ cần bước chệch qua một bên, anh có thể chụp lấy họng súng cùng lúc giở thế võ tay không cướp vũ khí của địch mà anh đã học từ khóa huấn luyện về cận chiến.
- Chị hai ơi... Tụi em bắt được ông thầy giáo nè chị Hai...
Người nữ du kích đi trước lên tiếng nói với cô gái mặc bà ba đen đứng tựa vào thân cây keo.
- Vậy hả... Thầy giáo thì em Tư bắt làm chi...
Vừa nói cô gái mặc bà ba đen xoay người lại.
Chiêm sửng sờ. Anh thấy người này cũng có nét sửng sờ như mình. Hai bên im lặng nhìn nhau giây lát rồi cô gái lên tiếng.
- Hai em về trước đi... Để ông thầy giáo ở lại đây cho chị hỏi chuyện...
Quay đầu nhìn theo hai nữ du kích đi một đỗi khá xa, cô gái mới lên tiếng.
- Ông làm thầy giáo hồi nào dậy?
Chiêm nhìn đăm đăm cô gái đang đứng đối diện với mình. Cô ta không ai khác hơn là người nữ tù binh tên Đông mà anh đã bắt được và thả ra cách đây không lâu. Anh thấy, dù nét mặt của cô ta cố làm ra vẻ nghiêm nghị song trên đôi môi phảng phất nụ cười có chút gì nửa diễu cợt, nửa mỉa mai.
- Cô trở thành du kích hồi nào vậy?
Không những không trả lời Chiêm còn hỏi lại. Ánh mắt buồn xa xăm của Đông chợt sáng lên nét gì là lạ mà trong nhất thời anh không thể nghĩ ra điều kỳ lạ này là điều gì. Hai người, ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau, nhìn nhau đăm đăm rồi cùng quay đi chỗ khác. Đông ngước mắt nhìn lên cây keo lưa thưa lá với những trái cong cong có lớp da màu trắng ngà ngà bọc ở bên ngoài. Còn Chiêm cúi xuống nhìn bàn chân trần của cô gái. Màu da trắng tương phản với màu nâu của đất càng làm cho làn da thêm trắng. Anh tự hỏi tại sao một cô du kích làng lại có bàn chân trắng, thon và nhỏ nhắn không giống như bàn chân của dân quê. Bàn chân này chính thị là bàn chân của dân thành phố quen đi guốc hoặc đi giày chứ không phải đi chân trần.
- Ông nhìn gì vậy?
Đông lên tiếng hỏi. Chiêm trả lời một câu như không có trả lời.
- Tôi nhìn cái gì mà tôi muốn nhìn...
- Ông kỳ quá... Tôi hỏi ông mà...
Chiêm bật lên tiếng cười ngắn.
- Tôi nhìn hai bàn chân của cô...
Đông vội rụt hai bàn chân lại khi nghe câu trả lời của Chiêm.
- Chân của tôi có gì đâu mà ông nhìn...
Chiêm cười nói cốt ý cho người đối diện nghe mà cũng như nói cho mình.
- Tôi tự hỏi tại sao một người lính du kích tóc dài như cô lại có bàn chân đẹp. Đó là bàn chân của kẻ ở thành thị quen đi giày guốc hơn lội sình đạp đất...
Đông quay nhìn Chiêm. Ánh mắt của cô ta như dịu lại. Đàn bà ai lại không thích được khen đẹp hơn nữa người khen lại chính là người đã có ơn nghĩa với mình.
- Ông nên thành thật thời tôi mới thả cho ông đi... Ông làm thầy giáo hồi nào dậy?
Cười thành tiếng nhỏ, Chiêm thong thả kể lại cho Đông nghe lúc mình ngồi trên chiếc xe lam đi lên tỉnh thì bị du kích chận đường.
- Như thế ông nói dối?
Đông vặn. Chiêm cười cười. Nhìn thẳng vào mặt cô du kích làng Lương Hòa, anh buông một câu.
- Tôi bắt chước cô Đông mà... Cô trở thành du kích hồi nào vậy?
- Gần một năm...
Đông cúi nhìn xuống đất khi trả lời. Có lẽ cô ta không dám nhìn người đối diện vì mắc cỡ.
Chiêm trợn mắt nhìn; nhưng không thấy gì khác hơn một khuôn mặt đang cúi xuống mà đôi môi bậm lại.
- Vậy là cô không thành thật khi tôi hỏi cô?
- Dạ không... Nếu tôi thành thật thời ông bắt tôi rồi. Như thế đâu có ngày hôm nay...
Ngước lên nhìn Chiêm đang nhìn mình đăm đăm, Đông nói tiếp. Giọng của cô ta cố làm ra nghiêm nghị.
- Hôm trước ông thả tôi ra thời hôm nay tôi cũng thả ông ra. Như vậy mình huề hén...
Chiêm gật đầu im lặng. Lát sau Đông mới lên tiếng.
- Ông chưa chịu đi à?
Nhìn Đông lần nữa, Chiêm mới chịu bước đi rồi không hiểu nghĩ gì mà anh quay đầu lại cười chúm chiếm hỏi một câu.
- Cô tên gì dậy cô...?
Đông mím môi cố không cười. Cô biết ông lính đã lập lại lời của mình khi được anh ta thả ra.
- Đông... Ông đi lẹ đi... Nếu không tôi đổi ý...
Chiêm bật lên tiếng cười nhỏ. Anh quay hẵn người lại nhìn Đông và câu nói tự nhiên bật ra.
- Cô Đông không như tôi… Cô du kích tóc dài cau mày vì câu nói tối nghĩa của Chiêm. Biết thế anh từ từ lên tiếng.
- Cô không bắt đúng mà tha lầm như tôi… Cô bắt đúng mà tha cũng đúng… Không đợi cho cô du kích nói lời nào anh rảo bước đi nhanh. Đông im lặng nhìn theo bóng người lính. Cô ta có vẻ trầm ngâm suy nghĩ về lời nói của anh ta. Đi được mấy bước, quay đầu lại thấy Đông vẫn còn đứng yên tại chỗ cũ nhìn theo, Chiêm thở dài bước nhanh tới đường lộ đá.
Băng ngang qua con lộ rồi đứng quay mặt nhìn về phía rặng trâm bầu, anh còn thấy bóng cô du kích có mái tóc dài đen bay trong gió. Nắng vàng hực trải dài trên đồng cỏ xanh lả ngọn trong cơn gió mạnh.
Bắt tay từ giã Tịnh xong Chiêm leo lên xe.
Chiếc xe đò cũ kỹ chạy đường Trúc Giang-Ba Tri từ từ lăn bánh. Xe chạy qua Ngã Ba Tháp, quẹo vào con đường nhỏ mà anh không biết tên rồi tới hồ Trúc Bạch. Lát sau xe quẹo vào con đường lớn tráng nhựa nối liền tỉnh lỵ Trúc Giang với hai quận Giồng Trôm và Ba Tri. Chiếc xe đò cũ kỹ lúc chạy lúc dừng để đón khách vì xe còn nhiều chỗ trống. Tới một khu nhà đông đúc thuộc Phú Chánh xe dừng lại để đón thêm khách. Chiêm trợn mắt khi thấy cô gái bước lên xe. Sau đó anh mỉm cười nhích qua một bên có ý nhường chỗ cho cô gái ngồi xuống bên cạnh mình. Ngần ngừ giây lát cuối cùng cô gái cũng ngồi xuống bên cạnh Chiêm sát với thành xe.
- Cô Đông làm thợ may hồi nào vậy?
Vừa hỏi Chiêm vừa quay qua nhìn Đông đang ngồi bên cạnh.
- Dạ trước khi ông làm thầy giáo chừng ba tháng...
Chiêm biết Đông muốn ám chỉ tới lần gặp nhau đầu tiên. Đêm hôm đó khi bị bắt và bị Chiêm tra hỏi, cô ta đã nói dối làm thợ may trên tỉnh. Ngoài ra cô ta có ý bảo anh cũng đã nói dối khi khai mình làm thầy giáo ở quận Giồng Trôm.
Cười cười vì lối ăn miếng trả miếng của người ngồi bên cạnh, anh quay đầu nhìn vào mặt của Đông rồi nói nhỏ.
- Vậy là huề... Thôi mình đừng nhắc lại chuyện đó nữa nghen...
Đông gật đầu làm thinh không nói như tỏ cho Chiêm biết mình còn giận. Xe dừng lại nơi cầu Giẹt Sậy để chờ tới phiên qua cầu. Nhìn dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, anh hỏi nhỏ.
- Đây là kinh Giẹt Sậy phải không cô Đông?
Biết Chiêm hỏi để làm quen, Đông trả lời nhỏ.
- Dạ... Nó thông sông Bến Tre với sông Ba Lai... Còn kinh An Hóa nối sông Ba Lai với sông Mỹ Tho...
Ngừng lại giây lát Đông cười hỏi. Chiêm nhận thấy Đông ít khi cười, song cười lại rất có duyên. Nụ cười làm cho khuôn mặt của cô ta bớt nét buồn rầu mà trở nên hiền hậu và dễ nhìn hơn.
- Ông quê ở đâu dậy?
Chiêm cười sung sướng khi nghe câu hỏi làm quen của Đông.
- Tôi ở Sài Gòn. Cô Đông có đi Sài Gòn chưa?
Đông lắc đầu. Cúi nhìn xuống sàn xe dơ dáy, cô ta trả lời nhỏ.
- Chưa... Chỉ nghe người ta nói... Nhà tôi nghèo...
Chiêm thầm thở dài. Ngay khi gặp mặt Đông lần đầu tiên, anh không hiểu sao mình lại có cảm tình. Đó là một trong nhiều lý do làm cho anh không muốn bắt giữ cô ta. Rồi gặp lần thứ nhì được Đông thả ra, anh càng thêm có cảm tình nhiều hơn dù biết cô ta là người chỉ huy đội du kích của Lương Hòa. Một người thuộc phe quốc gia, còn một người của mặt trận; hai phe đối nghịch nhau. Điều đó đã được phân định rõ ràng. Anh cũng biết mình không thể vượt qua lằn ranh đó. Tuy nhiên cứ mỗi lần gặp lại anh cảm thấy thêm gần gụi và nghĩ về Đông nhiều hơn.
- Nhà tôi cũng nghèo... bởi vậy mà tôi phải nghỉ học để... để... đi làm thầy giáo ở quận Giồng Trôm...
Chiêm ấp úng giây lát rồi cuối cùng cũng nói ra được một câu mà khi nghe xong Đông lại mỉm cười liếc nhanh anh rồi quay mặt ra chỗ khác.
- Ông học tới lớp mấy?
- Tú tài... Còn cô Đông?
Ngập ngừng giây lát Đông mím môi trong lúc trả lời.
- Tôi chỉ học hết lớp đệ nhị... à lớp 11...
- Trường Phan Thanh Giản?
- Dạ... Sau đó đi học may...
Chiêm bật cười nhỏ.
- Như vậy cô Đông là thợ may thật. Chỉ có tôi là thầy giáo giả...
Lần đầu tiên Đông bật cười thành tiếng. Dù chỉ là tiếng cười ngắn gọn song Chiêm nghe giọng cười của cô ta thật êm dịu. Cũng nhờ tiếng cười đó mà giữa hai người bớt đi chút xa lạ và dè dặt.
- Tôi đang may thời bị ba má bắt về nhà...
Đông nhấn mạnh hai tiếng '' ba má '' đồng thời liếc nhanh Chiêm như có ý cho người ngồi bên cạnh hiểu mình muốn nói cái gì. Chiêm gật đầu tỏ vẻ hiểu hai tiếng ba má của Đông ám chỉ tới ai.
- Ông thích dạy học?
Chiêm trầm ngâm vài giây đồng hồ trước khi trả lời.
- Không thích lắm nhưng dường như tôi không còn chọn lựa nào khác hơn. Như cô Đông phải làm nghề thợ may thời tôi phải làm thầy giáo. Tôi ở bên này thời cô Đông ở bên kia. Thế thôi...
Đông gật đầu im lặng như thông cảm cho lời phân trần của Chiêm.
- Hoàn cảnh phải không ông?
Chiêm gật đầu. Lát sau anh thốt sau tiếng thở dài nhè nhẹ.
- Đúng… Hoàn cảnh mà đôi khi tôi nghĩ đó là guồng máy. Nó quay thời mình cũng phải quay theo vì mình chỉ là cơ phận nhỏ nhoi trong cái guồng máy đó… Không quay theo mình sẽ bị nghiền nát… Đông im lặng giây lát rồi quay sang nhìn người ngồi cạnh. Ánh mắt của cô ta như hiểu và thông cảm về câu nói của Chiêm. Chiếc xe đò cũ kỹ chở đầy khách ngừng lại cho hành khách đi bộ xuống bến bắc để qua bờ kinh bên kia. Đứng cạnh nhau một khoảng cách vừa đủ gần vừa đủ xa, hai người im lặng nhìn dòng nước chảy xiết.
Bắc cập vào cầu sắt. Hành khách lại leo lên và chiếc xe đò cũ nặng nhọc rồ máy chạy đi.
- Mỹ Lồng đó ông?
Chiêm '' a... a...'' lên tiếng nhỏ như có điều gì thích chí. Quay nhìn Đông đang ngồi thu hình lại cố tránh đụng chạm với mình, anh cười nói nhỏ.
- Phải nơi đây là địa danh của hai câu ca dao nổi tiếng...?
Đông nhìn Chiêm với vẻ nửa như tò mò nửa như ngạc nhiên vì không hiểu anh ta nói tới hai câu ca dao nào.
- Hai câu gì dậy ông?
Miệng cười tủm tỉm, mắt nhìn vào mặt Đông, Chiêm nói nhỏ vừa đủ cho cô ta nghe.
- Bến Tre nhiều gái chưa chồng.
Không tin, xuống chợ Mỹ Lồng mà coi...
Nhờ nhìn ngay mặt nên Chiêm thấy làn da trắng xanh của Đông hồng lên vì mắc cỡ. Đôi mắt dài đen vốn long lanh buồn của cô ta long lanh ánh lên chút rạng rỡ.
- Tôi thích những câu ca dao của xứ Bến Tre.
Giả dụ như những câu sau đây.
- Bến Tre gái đẹp thật thà, Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có duyên...
Ngâm nga hai câu ca dao xong Chiêm tủm tỉm cười. Hứ tiếng nhỏ, Đông thì thầm.
- Tôi đâu có thật thà...
Chiêm cười như hiểu ý của người ngồi bên cạnh. Ngẫm nghĩ giây lát anh lên tiếng.
- Không thật thà một lần đâu có sao. Tôi cũng vậy... Nếu sự không thật thà của mình chẳng làm hại ai...
Đông cười quay đầu nhìn người bên cạnh như tỏ ý cám ơn về lời biện bạch. Chiêm cũng cười nói tiếp.
- Tôi thích hai câu này nhất... Giồng Trôm có gái nhu mì... Qua thương nhớ Bậu, sá gì đường xa...
Đông lắng nghe ông thầy giáo giả ngồi kề bên đang dùng những câu ca dao để tán tỉnh mình. Cô không có cử chỉ nào hưởng ứng, khuyến khích hoặc từ chối mà chỉ im lặng và thỉnh thoảng cười kín đáo, chứng tỏ cho người ta biết, mình dù thụ động song cũng thưởng thức lời tán tỉnh của ông ta. Mơ hồ, cô nhận ra người con trai ngồi bên cạnh có thái độ, cử chỉ, lời nói và cung cách khác với những thanh niên cùng trang lứa mà cô đã gặp. Mấy cậu con trai ở Lương Hoà thời nhà quê quá. Họ thiếu trình độ học thức và sự hiểu biết để nói chuyện với cô.
Họ thật thà, chơn chất quá nên cách trò chuyện giống như dùi đục chấm mắm nêm. Còn các anh con trai trên tỉnh tuy cũng có học thức song lắm anh lại không biết nói chuyện hay không hợp tính và sở thích với cô. Chiêm khác hơn những người đó. Anh như mẫu người pha trộn giữa văn minh thành thị và văn minh miệt vườn. Các câu ca dao mà Chiêm đọc, cô cũng đã nghe mấy cậu con trai trong làng hò hát nhiều lần. Tuy nhiên khi nghe Chiêm dùng ca dao để tán mình thời lại khác. Anh biết lựa câu, nhằm lúc và chọn đối tượng, do đó tạo thành sự rung cảm trong lòng người nghe.
Đang trầm tư, Đông không nhịn được cười khi nghe Chiêm ngâm nga hai câu: '' Dao phay kề cổ, máu đổ tôi không màng... Chết tôi, tôi chịu chớ buông nàng tôi hổng có chịu buông...
mà nắm luôn... hò ơ hò... ''. Gặp người khác thời họ sẽ đọc nguyên văn: '' Dao phay kề cổ, máu đổ tôi không màng... Chết tôi, tôi chịu chớ buông nàng tôi không buông...''. Cô cười vì mấy tiếng '' tôi hổng có chịu buông mà nắm luôn...
hò ơ hò... Cái hay ho và dí dỏm của Chiêm nằm ở chỗ biết thêm thắt vào để chọc cười đồng thời cũng tỏ lộ ra chút tình cảm của mình. Phải có thích, có mến thương chút chút anh mới, không những không chịu buông mà còn nắm luôn, nắm chặt lại.
- Sắp tới Lương Hòa rồi...
Đông lên tiếng. Chiêm nhận ra giọng nói của cô ta nhuốm buồn, một chút xíu thôi song cũng là buồn.
- Mau quá...
Chiêm nói bâng quơ và giọng của anh nghe cũng buồn. Dường như cảm nhận được điều đó Đông nhẹ thở dài. Tự dưng cô cảm thấy buồn như bị mất mát một điều gì đó. Cô cũng biết mình với người ngồi bên cạnh ở vào thế đối nghịch nhau. Ngày nào đó không xa, cô, vì nhiệm vụ có thể nổ súng vào Chiêm cũng như anh, sẽ nhắm bắn vào cô. Tuy nhiên cứ mỗi lần gặp nhau, cô lại cảm thấy thêm chút vấn vương khuôn mặt của người ngồi bên cạnh. Vấn vương không nhiều lắm, một chút xíu thôi; nhưng cũng đủ làm cho cô phải thức giấc nửa đêm hoặc trằn trọc trong bóng tối. Cô đã được mặt trận dạy dỗ, phải gạt bỏ tình cảm cá nhân để phục vụ cho tập thể, cho lý tưởng giải phóng dân tộc. Cô đã làm điều đó hơn một năm rồi. Cho tới khi gặp Chiêm, cô mới biết thứ tình cảm mà mặt trận dạy phải quên đi vẫn nằm sâu trong góc cạnh nào đó của tâm hồn và bây giờ nó đang thức dậy. Nó đang đòi cái quyền của nó. Nó thúc đẩy cô phải sống thực với chính mình.
Chiếc xe đò từ từ dừng lại nơi ngã ba Lương Hòa. Đông quay nhìn Chiêm như nói lời từ giã rồi lặng lẽ xuống xe sau khi đưa tiền cho lơ xe.
Không biết nghĩ sao Chiêm cũng trả tiền rồi xuống xe. Tuy thắc mắc song Đông im lặng không lên tiếng. Đúng ra cô muốn hỏi song ngại người ta biết nên nín lặng. Đợi cho chiếc xe đò lăn bánh, cô ta mới quay nhìn Chiêm.
- Ông xuống đây làm gì dậy?
Chiêm chưa kịp trả lời, cô ta tiếp nhanh.
Giọng nói của cô ta chứa chút thân ái và cợt đùa.
- Ở Lương Hòa hổng có trường cho ông dạy đâu...
Bật lên tiếng cười vui thích, Chiêm thong thả kể lại cho Đông nghe, ba ngày trước vì sợ bị du kích xét hỏi, anh mới giấu khẩu súng và giấy tờ tùy thân vào bụi cỏ bên đường. Bây giờ trên đường trở về anh tính xuống xe ở ngã ba để lấy lại khẩu súng và giấy tờ. Nghe xong, dù không tỏ ra cử chỉ nào song trong lòng Đông có chút thất vọng. Cô tưởng ông lính xuống xe vì mình.
Dường như hiểu được tâm tình của Đông, Chiêm cười giơ tay chỉ vào rặng trâm bầu.
- Với lại tôi muốn vào trong kia... Chỗ rặng trâm bầu...
- Chi vậy?
Đông hỏi gọn. Chiêm quay nhìn vào mặt cô gái trong lúc trả lời.
- Gặp cô thợ may để nhờ cổ may dùm bộ quần áo...
Nở nụ cười vui vẻ, Đông nói lảng.
- Để tôi phụ với ông kiếm giấy tờ...
Hai người đi dài dài theo con đường cỏ cao mọc tràn lan.
- Tôi nghĩ chỗ này...
Dừng lại Chiêm chỉ vào bụi cỏ cao và rậm rạp. Hai người lui cui vạch cỏ. Nhìn thấy khẩu súng dằn lên trên cái bóp da, Đông cầm lấy.
Ngần ngừ giây lát cô cười đưa cho Chiêm xong im lặng trở lại ngã ba. Chiêm đi sau. Gió đồng thổi mạnh làm chiếc quần vải dán sát vào da thịt lộ ra những đường cong của cặp giò thon dài. Có lẽ biết Chiêm đang đi sau ngắm nghía nên bước chân của Đông hơi luống cuống. Cô đi chậm lại cố tình để cho Chiêm ngang hàng với mình. Hai người dừng tại ngã ba nhìn con đường làng màu nâu sẫm. Họ im lặng đứng cạnh nhau.
Có thể họ không biết nói gì. Có thể họ có nhiều điều để nói song chưa tiện nói ra. Có thể sự không nói có nghĩa nhiều hơn nói với nhau. Có thể họ chỉ cần đứng cạnh nhau. Được đứng cạnh nhau quá đủ cho họ. Thật lâu Đông mới thỏ thẻ.
- Tôi đi về...
Chiêm gật đầu nhìn theo dáng đi của Đông.
Được mấy bước cô quay lại nhìn rồi cúi đầu lầm lủi bước đi trên con đường cỏ mọc lún phún.
Không biết nghĩ sao Chiêm lại bước đi theo.
- Ông đi đâu vậy?
- Vào rặng trâm bầu...
- Chi vậy?
Chiêm thở khì.
- Tôi nhớ rặng trâm bầu với cô thợ may của tôi...
Đông mỉm cười.
- Thôi ông đi về đi... Vào đó nguy hiểm lắm...
Gật gật đầu, Chiêm nói nhỏ.
- Mai mốt mình gặp lại nữa nghen...
- Tôi hổng có hứa...
- Nếu vậy thời tôi đi vào rặng trâm bầu. Cô Đông hứa tôi mới đi về...
Đông bặm môi của mình mạnh tới độ cô cảm thấy rát buốt. Chỉ có hai tiếng thoát ra song phải khó khăn lắm cô mới nói được.
- Tôi hứa...
- Chừng nào?
- Hai tuần nữa...
- Cám ơn cô Đông...
Mỉm cười Chiêm quay lưng đi trở lại ngã ba.
Ngoái đầu nhìn theo dáng đi của Chiêm, Đông thở dài buồn bã. Dù đã hứa song cô tự hỏi mình có nên gặp lại Chiêm lần nữa không. Tự thâm tâm cô muốn bởi vì ở bên cạnh anh, cô có được những phút giây thoải mái không tìm thấy ở các đồng chí du kích của mình. Chiêm biết cách nói chuyện. Anh nói ra nhiều điều cô đã nghĩ và cũng thật nhiều điều cô chỉ mơ hồ cảm nhận.
Anh nói ra những điều mà cô muốn được nghe.
Đó là thứ tình tự hồn nhiên, chân thật xuất phát từ lòng người chứ không phải những giáo điều, lý luận, chủ nghĩa, đảng cương đầy sắt máu hoặc khô khan. Mấy thứ đó, nghe quá nhiều cô đâm ra chán và cảm thấy vô nghĩa. Ngoài ra anh còn có sự hiểu biết, thông cảm và độ lượng.
Sau khi được thả ra cô nghĩ hoài câu nói '' Chẳng thà tha lầm còn hơn bắt lầm...'' của anh.
Nó trái ngược hoàn toàn với câu '' chẳng thà bắt lầm còn hơn tha lầm...'' mà cô đã được mặt trận dạy dỗ. Cô thầm cám ơn sự tha lầm của anh, bởi vì nếu anh không tha lầm thời giờ này cô đã nằm nghỉ mát trong nhà giam của tỉnh. Ngoái đầu lại cô nhìn lần nữa. Dù khá xa cô cũng thấy được bóng ông thầy giáo giả mạo đang đứng nơi ngã ba chờ đón xe về Giồng Trôm. Mỉm cười cô lẩm bẩm: '' Giả gì hổng giả lại giả thầy giáo...
ngộ ghê...''. Cô lắc đầu mỉm cười khi nghe cái giọng ồ ồ như vịt xiêm trống của ông lính theo cơn gió đồng bay vào chỗ mình đang đi. ''Dao phay kề cổ, máu đổ tôi không màng... Chết tôi, tôi chịu chớ buông nàng tôi hổng muốn buông...
mà nắm luôn... hò ơ hò...'' Bật lên tiếng cười, Đông tất tả bước khi thấy năm ba bóng người mặc bà ba đen thấp thoáng trong khu vườn dừa âm u.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Cũng Đành
Chu Sa Lan
Cũng Đành - Chu Sa Lan
https://isach.info/story.php?story=cung_danh__chu_sa_lan