Cô Giáo Minh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5 - Đổi Trắng Thay Đen, Thay Đen Đổi Trắng
à Tuần vừa nói xong, thì cái lỗ tròn ở cửa lại mở ra, Sanh ngó đầu nhìn Minh và gọi:
- Mợ!
Đủng đỉnh lại gần, Minh bảo:
- Cậu mở cửa cho tôi vào.
Sanh nói nhỏ:
- Mẹ không cho mợ ăn mặc thế này đâu.
Minh cau mặt, mát mẻ, hỏi:
- Thế mẹ không cho phép tôi để trở mẹ tôi à? Sanh dịu:
- Không phải thế. Nhưng trước khi mặc đồ tang mợ phải vận áo thường, về lễ tạ mẹ và xin phép mẹ trước đã. Mẹ giận vì mợ không bẩm qua gì mẹ cả.
- Thế mẹ cũng chấp trách à? Mẹ không biết rằng mẹ tôi chết, thì tôi phải để trở hay sao? Hẳn là mẹ không thể nào không cho phép được.
- Biết rồi, nhưng cái phép như thế. Này, mà những người xuất giá rồi, không được dùng áo gai, mà áo thường cũng không được sổ gấu đâu. Hôm nay mợ mặc thế là trái đấy.
- Ai bảo cậu thế?
- Mẹ vừa bảo xong.
- Mẹ bắt tôi thế à?
- Không phải, đó là mẹ theo trong lễ.
- Lễ gì lại có cái lễ gàn dở dã man thế!
Sanh thấy vợ mỗi lúc một nói to, biết rằng vợ tức, bèn dỗ dành:
- Mợ ạ, mẹ khắc lắm, đã bảo cái gì thì không ai có thể nói lại được. Hiện mẹ còn tức mợ lắm. Mẹ vừa gắt tôi rầm rầm. Ban nãy thấy tôi về một mình mẹ làm um lên, nói rằng đi lại mặt, sao lại về lẻ loi thế. Vậy mợ nên chiều tôi, hãy lại đằng nhà, thay áo tử tế, rồi về xin phép mẹ đã.
- Thế ra...
- Thôi, đi đi, kẻo mẹ thấy tôi đứng đấy lâu, mẹ lại hỏi.
- Cậu có biết tôi sốt không?
Sanh nhăn nhó:
- Có, nhưng mẹ đã bảo thế, không nghe mẹ, mẹ không cho vào đâu.
Dứt câu, Sanh đóng ập lỗ lại. Minh cắn răng, tức run lên. Lúc ấy, nàng nghe rõ ràng tiếng Oanh nói với anh một giọng rất đong đưa:
- Đấy, đã bảo mà. Bọn cô giáo là rắn đầu rắn cổ đáo để.
Minh giận đầy hơi, nhưng không lẽ liều đứng suốt đêm ở nơi sương gió. Nàng bất đắc dĩ phải về nhà.
Họ hàng Minh thấy Minh thì ngạc nhiên. Sau khi Minh nói chuyện, thì cô nàng bảo:
- Phải, bà Tuần phải, hớ là tại người nhà mình. Người lớn thì bận túi bụi, còn ai nghĩ đến điều ấy. Các cô ấy còn ít tuổi, ai bảo cho mà biết!
Thím Minh đáp:
- Nhưng cũng là nghiệt quá. Ai lại đối với con dâu mới, mà đã giở những lối ấy ra sớm thế. Đã đành rằng có con dâu thì phải dạy, nhưng cũng nên bảo dần dần.
Minh nói:
- Thưa thím, mẹ chồng dạy con dâu theo ý mình tức là muốn bắt con dâu làm nô lệ những cái gàn dở, hủ bại, dã man.
Cô Minh mắng:
- Chị nói càn lắm. Đi làm dâu, chị phải biết nhẫn nại. Bây giờ mình nghe theo mẹ chồng mình, thì sau này mình mong con dâu mình nó nghe theo mình chứ!
- Thưa cô, thế gọi là cuộc bắt nạt đời đời. Ngộ mẹ chồng có đủ các tính xấu, nàng dâu có đủ các tính tốt, thì ai nên theo ai?
- Chị lý sự lắm. Ở nước ta, một trăm nhà, thì chín mươi chín nhà mẹ chồng nàng dâu có chuyện. Nếu ai cũng lý sự như chị cả, thì ngay như cô đây cũng không ở được với bà cụ nhà cô từ độ mới về nhà chồng. Ta phải nhẫn nại mới được!
- Nhưng cháu muốn có một người mẹ chồng biết lẽ phải và thông minh.
Thím Minh bật cười:
- Thôi, chị giáo, thay áo mau lên rồi về mà dạy mẹ chồng. Những các cô này thì hình như lại muốn làm mẹ mẹ chồng kia đấy!
Minh không dám cãi lại. Một lát, cô Minh thở dài:
- Phải, chuyện mẹ chồng nàng dâu ở nước ta thì nói đến hàng ngày không hết. Chị giáo muốn không có chuyện ấy, thì đi mà thay áo thay khăn, rồi liệu mà về, kẻo muộn. Không nên để người ta nói đến người lớn không biết bảo. Nhất là chị nên coi mẹ chồng như mẹ mình, thì tự nhiên chị thấy sự phục tùng vui vẻ.
Minh hậm hực, đứng dậy lẩm bẩm:
- Nhưng biết rằng mẹ chồng có coi nàng dâu như con đẻ hay không?
Lúc bấy giờ Minh sực nghĩ ra rằng nàng không có áo khác ngoài cái áo gấm mặc về hồi buổi sáng. Thế thì làm thế nào? Nàng mượn áo của cô, của thím, nhưng không sao nong tay vào được. Bất đắc dĩ đành liều cho cực nhục được đủ trăm chiều, Minh thở dài, phải mặc áo gấm vậy.
Khi đội khăn xong, nàng nhìn bóng nàng trong gương, thấy có vẻ rực rỡ, vui vẻ, nàng rất cảm động. Những ngọn nến trên bàn thờ cháy đượm, nàng tưởng hình như mắt mẹ nàng giương to ra để trông nàng. Nàng đưa mắt lên ảnh mẹ rồi đau đớn, bảo Lãng:
- Em ơi, mẹ thấy chị ăn mặc đồ cưới trong khi đại tang, mẹ thương hay mẹ mắng nhỉ?
Lãng cười, thương hại:
- Nét mặt trong ảnh thì bao giờ chả như bao giờ.
- Ừ, giá mẹ khôn thiêng có phép gì đổi được nét mặt ở ảnh, thì chắc lúc này mẹ phải nhăn nhó!
Cô Minh giục:
- Thôi, chị Giáo đi về đi. Muộn rồi.
Minh thở dài, chào mọi người, lạnh lùng đi ra cửa.
Đến nhà chồng. Minh gõ cửa gọi. Sau một tiếng đáp, cái lỗ con lại mở ra. Nhưng lần này thì đóng ập ngay lại.
Minh khinh khỉnh, quay mặt nhìn ra phố. Nàng quyết phen này, lúc vào, sẽ lãnh đạm để tỏ cho mẹ chồng hiểu.
Song, chờ mãi, cửa vẫn chưa mở. Bực mình, Minh đã toan trở gót về phắt nhà, rồi nó muốn ra sao thì ra.
Nàng vừa nghĩ thế, thì then cửa lạch cạch, rồi hai cạnh cửa rít lên mở toang ra.
Tiếng ồn ào của bọn khách và hơi người, hơi rượu, hơi mỡ, được dịp cùng thoảng ra, và cùng một lúc, nàng thấy một mùi khói rất khó ngửi.
Oanh đứng nép vào tường, trỏ xuống đất bảo Minh:
- Mẹ bảo chị hãy hơ qua vào đây đã.
Minh ngạc nhiên nhìn. Lúc ấy nàng mới trông rõ và ngửi rõ mùi bồ kết đốt trong cái bát đầy than đỏ.
Oanh lại nói:
- Cho hết hơi lạnh hãy vào, chị ạ.
Minh giận quá, nhìn Oanh, Oanh hiểu ý, nói:
- Ban nãy, mẹ với anh Cả cũng phải làm thế đấy.
Minh không đáp, thở dài, hơ qua loa cho xong việc, rồi chán ngán, nàng vào, đi thẳng đến buồng, định lên giường nằm.
Nhưng bà Tuần chẳng để cho Minh được thực hành cái ý định. Bà gọi Minh lên gác, và bảo:
- Nhà người ta ai cũng vậy, con ạ. Đi làm dâu thì phải biết phép làm dâu, không có người ta cười cho. Con mới về đây từ hôm qua mà vì không hiểu lẽ phải nên hình như con không bằng lòng mẹ. Mẹ phiền lắm.
Minh toan nói, bà Tuần đã tiếp:
- Mẹ rất nhân từ, đối với con nào mẹ cũng thương yêu, cho nên mẹ phải dạy.
Minh đưa đôi mắt khinh đời và sự im lặng ra để cãi mẹ chồng. Vì nàng chắc là lối cãi ấy lễ phép và có nghĩa lý thâm trầm bằng vạn lời.
Bà Tuần cười lạt:
- Thôi, lần này, mẹ tha thứ cho con, mẹ cũng không bắt con phải xin phép và lễ tạ mẹ nữa, vì mẹ nghe nói hôm nay con vần vật suốt ngày thành ra bị cảm. Cho con đi mà thay quần áo.
Minh chẳng dạ cũng chẳng vâng, nàng quay lưng đi xuống nhà, khép cửa buồng lại.
Nàng đứng lặng trước đóng áo tang mà thở dài. Nàng lấy làm phục cô nàng có thế nhẫn nại với mẹ chồng. Vẩn vơ, nàng nghĩ không biết mẹ Nhã rồi có cay nghiệt với vợ Nhã hay không.
Chợt nàng thấy khe cửa có con mắt nghé vào. Nàng biết rằng Oanh, bèn đập cái nọ, quật cái kia, rõ mạnh để trêu tức.
Một lúc lâu, Minh vẫn thấy Oanh đứng đấy. Nàng không hiểu em chồng lò mò cái gì. Nàng đưa tay lên cởi khuy áo gấm, thì kẹt một tiếng, cánh cửa mở ra:
- Chỉ Cả lên mẹ gọi.
Thấy bộ mặt đanh đá của em chồng, nàng không thèm trả lời, vẫn cởi khuy áo. Oanh lại nói:
- Chị hãy gượm, lên mẹ gọi đã.
Minh đủng đỉnh:
- Vâng, để tôi thay khăn áo rồi tôi lên, vội gì.
Oanh xua tay:
- Không được, chỗ này không phải chỗ chị thay được.
Minh không chịu nổi lời láo xược và vô lý của em chồng, nàng hỏi:
- Buồng này là buồng ai?
Bà Tuần đứng sẵn đâu gần đó, bèn nói to:
- Oanh! Hỗn nào! Ấy là chị em với nhau đấy. Mà chị mày mới về được hơn một ngày, mà đã dám sinh sự, mày tai ngược lắm. Lăng loàn! Cái gì thế mợ?
Bà Tuần vào đến buồng, Minh đáp:
- Bẩm mẹ, cô Oanh bảo mẹ gọi con. Cô ấy lại cấm không cho con thay khăn áo. Thế là cô ấy trái lệnh mẹ.
Bà Tuần quắc mắt nhìn Oanh:
- Xà! Con bé, lên nhà! Bận sau đối với chị phải cho lễ phép, ngọt ngào! Thế nó bảo mợ làm sao?
- Bẩm, cô ấy bảo chỗ này không phải chỗ con thay.
- À, con bé lý sự! Hỏng! Thôi, nó là em, có điều gì không phải, mợ nên bảo nó, hoặc mách mẹ để mẹ mắng nó.
Thấy mẹ bênh, Minh toan nói cho mẹ chồng biết nàng không thể chịu được những cách ngạo ngược của một người em, nhưng bà Tuần đã ngọt ngào hỏi:
- Nó ngăn mợ thay gì?
- Bẩm thay khăn áo tang.
- Thế à? Mẹ cho phép mợ rồi kia mà! Thế thay ở đâu?
- Bẩm mẹ ở đây, ở trong buồng con ạ.
Minh cho lý mình cứng, thì dù mẹ chồng có thiên chăng nữa, cũng không sao trách mình được. Nàng giơ tay, cởi nốt khuy. Nhưng bà Tuần lại ngọt ngào hơn hỏi:
- Thay đồ tang ở đây đấy à?
- Bẩm vâng ạ.
- Ờ! Thế thì nó nói phải. Nhà này có phải tang gia đâu. Mợ phải về đằng ấy mà thay mới được chứ.
Minh choáng người, lúc ấy mới hiểu bụng mẹ chồng là hay thử thách, thâm hiểm, trong khoảnh khắc, nàng đâm ra sợ, nàng tự thấy đã đi lầm vào một nơi đầy những kẻ thù nghịch vì thói quen, vì gàn dở, vì hủ bại hoặc vì dốt nát. Bà Tuần nghiêm trang nói:
- Mợ lại có ý không bằng lòng mẹ thì phải.
- Bẩm mẹ, con tưởng thay cái áo cái khăn ở đây thì có hề gì?
- Chẳng biết có hề gì hay không, nhưng có kiêng có hơn chứ. Các mợ trẻ người non dạ, chắc cho mẹ là trái. Song, mợ nên vâng lời mẹ, về nhà bên ấy mà thay.
- Bẩm con sốt, mẹ đã biết, nếu con đi lại nhiều lần, e sương gió. Con xin mẹ cứ để cho con ở đây cho được việc.
Bà Tuần cau mặt:
- Không văn “miêng” thế được mà! Thôi mợ đi mau lên, mẹ cho thằng xe nó kéo mợ.
Thấy mẹ chồng dạy mình văn minh, Minh uất lên, không chịu nổi nữa, nàng cau mặt hung hăng nhìn mẹ, định cãi lại bằng câu nghĩ chắc chắn. Nhưng khi thấy cả thân hình bà Tuần còn làm bằng một đống thịt chắc chắn hơn nhiều, tự nhiên nàng đâm nhụt, rồi không biết làm thế nào để lộ nỗi đau khổ hơn nữa, nàng bưng mặt khóc.
Bà Tuần nhăn mặt, cười đắc thắng, rồi sai con ở chia bài, dọn chỗ đánh tổ tôm.
Đợi Minh đi khỏi, Oanh lên mặt tiên tri nói với mẹ:
- Rồi mẹ còn khó chịu nữa kia. Con đã bảo anh Sanh, rước những hạng gái mới răng trắng rẽ lệch về, chỉ tổ ỏm tỏi cửa nhà, làm khổ mẹ thôi mà!
Vì một việc thay đổi khăn áo. Minh mất cả buổi tối. Cũng may, vì nàng uất lên, nên quên cả bệnh. Nàng về một mình, nhất định không dùng xe nhà. Vả cái xe theo lệ thường, ngay từ chập tối, đày tớ đã tháo đi một bánh mà cất ở gầm sập trên gác rồi. Thế thì chờ lắp xong bánh xe, cũng đến nửa đêm.
Nhà Minh đã đóng cửa, họ hàng đã ai về nhà nấy. Thím Minh thấy Minh kể chuyện, thì trách bà Tuần khéo vẽ. Nhưng bà cũng an ủi cháu nên giữ cho trọn đạo làm dâu.
Đến mười giờ. Thím Minh cam đoan không còn điều gì cho bà Tuần bẻ hoẹ nữa, bà giục Minh về, kẻo khuya. Minh chào thím và từ biệt em, rồi chán nản bước chân ra cửa.
Thình lình, mắt nàng trông thấy một người thanh niên, dáng đi rất quen.
Nàng chú ý nhìn, bỗng giật mình, nàng thốt lên một tiếng: “Nhã”. Trái tim nàng đập mạnh, tưởng làm đến vở ngực. Nàng mừng quá. Nàng cho là trong lúc đau khổ, trời lại đền nàng một dịp may để than thở cùng cám ơn người yêu. Nhã đi thực mau, trước nàng độ mười thước. Nàng toan gọi, nhưng không dám vì nhà hàng phố còn mở cửa. Nàng rảo cẳng bước theo. Nhưng Nhã cứ cúi đầu đi, đi mau quá, không nhìn quanh nhìn ngửa, nên mỗi lúc một xa nàng hơn. Thấy mệt, vả gần đến nhà, Minh thất vọng, bèn đi chậm lại, đăm đăm mắt nhìn theo hút.
Minh ngắm bộ điệu rắn rỏi của Nhã thở dài, ước ao Sanh của nàng cũng có ít cử chỉ đường hoàng như Nhã.
Bỗng Minh thấy Nhã đứng dừng lại trước cửa nhà chồng nàng. Rồi sang hè phố bên kia, chàng nghểnh cổ nhìn mãi lên gác. Minh ngạc nhiên. Nàng cố gắng sức đi cho tới. Một lúc, ý chừng thấy cửa gác đóng Nhã lại sang bên hè này, đứng sát vào cửa. Lúc ấy Minh gần theo đến nơi thì hồi hộp mừng. Nàng trông rõ Nhã áp tai vào ván cửa, rồi lách mắt ngó qua khe. Trống ngực Minh thình lình, nàng cảm động vì không ngờ Nhã lại đậm tình quá như thế. Rồi khi cách Nhã chừng năm thước nữa, Minh cuống quít đánh liều gọi khẽ:
- Anh Nhã!
Nhưng Nhã không nghe tiếng, và ngay lúc ấy, chàng quay phắt ra, lại cúi đầu, bước vội vàng như trước, Minh thất vọng chạy theo gọi to:
- Anh Nhã!
Nhã vẫn không nghe tiếng, thì Minh vừa đến trước cửa nhà. Nàng tuyệt vọng, đứng thần người trông theo, lau mồ hôi trán.
Lúc ấy hai cánh cửa nhà Minh thình lình mở toang. Minh giật mình quay vào: Oanh tiễn một bà khách.
Thấy Minh đứng đó, Oanh tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Vừa rồi ai gọi ai, mà em nghe tưởng tiếng chị!
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh