Chai Thời Gian epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3
ê, các nhóc, chưa thay đồ à?" bố bước vào nhà hỏi to.
"Hôm nay là ngày của bố mẹ mà," Ning nhào vào vòng tay bố, ngước đầu trả lời. "Bố mẹ nên đi riêng ạ."
"Không đời nào," bố phản đối và để Ning dẫn đến ngồi xuống cạnh mẹ. "Hai đứa phải đi chứ. Đi thay đồ đi, mau."
Tôi và Ning nhìn mẹ dò hỏi. Bà gật đầu rồi giục chúng tôi khi hai anh em đã quay lưng lên gác. "Nhanh lên đấy. Bố chúng mày không có nhiều thời gian cho nhà này đâu."
Đến lúc chúng tôi xuống nhà, bố không còn ngồi trong phòng khách nữa. Chỉ còn mẹ ở đó, mặt chảy dài cả thước.
"Bố đâu rồi ạ?" Ning hoang mang hỏi.
"Lão ấy đợi trong xe," mẹ xẵng giọng.
"Sao lại thế?" tôi hỏi trong lúc buộc dây giày.
"Mày muốn biết thì đi mà hỏi lão." Bà đứng dậy và cơ hồ định tháo đôi giày cao gót ra.
"Mẹ!" Ning lao tới kéo tay bà. "Hãy đi vì con, một lần này thôi, con xin mẹ!"
"Lo việc của mày đi," mẹ giằng ra.
"Mẹ biết bố thế nào rồi mà mẹ," tôi bước tới đứng bên cạnh Ning. "Bố đã cố gắng tới đây, vậy nên mẹ bỏ qua chuyện này mà đi cùng tụi con đi."
Đến lúc mẹ đồng ý đi cùng thì tới lượt mặt bố chảy dài.
"Chúng ta sẽ tới chỗ ông đầu bếp già," bố quay lại bảo chúng tôi rồi nổ máy, và sau đó, bốn người ngồi câm lặng suốt dọc đường.
Tôi thấy tiếc cho giấc mơ ngắn ngủi mà Ning gắng gầy dựng, tiếc cho niềm hạnh phúc âm thầm ngời sáng trên gương mặt cũng như trong cử chỉ của mẹ khi đợi bố, và tiếc thay cho hi vọng của chính bản thân mình về bức tranh gia đình hạnh phúc đoàn viên với tiếng cười tự con tim.
Tôi nhớ lại một câu chuyện bố kể tôi nghe khi tôi còn nhỏ: chuyện về một người cha, mẹ và cậu con trai nhà nghèo đến nỗi đứa con không biết kẹo có vị như thế nào. Một hôm, cậu ta thấy người hang xóm ăn kẹo và cậu ta thèm lắm. Người cha phải làm việc vất vả hơn để kiếm tiền mua bột và đường làm kẹo cho con, nhưng rồi vì hết lý do này đến lý do khác ông vẫn không thực hiện được, cuối cùng, một đêm, khi đứa con cứ nằng nặc đòi kẹo, người cha tình cờ thấy bóng trăng in trong cốc nước đặt bên cửa sổ. Ông bảo cậu con trai tới gần rồi đưa cho cậu cốc "xirô trăng". Đứa con nâng cốc lên, uống cốc nước nhuốm ánh trăng với vẻ mặt hạnh phúc và mê say, trông chờ được uống thêm "xirô trăng" mỗi tối.
Có lẽ tôi cũng như cậu con trai trong câu chuyện kia, cứ mãi trông đợi một niềm hạnh phúc mong manh và hư ảo hết đêm này qua đêm khác.
Quán của người đầu bếp già nằm ở quận Bang Rak. Đó là một quán ăn do người Tàu làm chủ, bán đồ Âu từ thời vua Rama VII: thức ăn ở đó nhờ rất nhiều vào cái tài cải biến của đầu bếp cho hợp với khẩu vị dân nơi đây. Các món nổi nhất là lưỡi bò hầm, thăn bò với xa lát, thăn bò nướng đặt trên xà lách, phủ cà chua cùng hành tây thái nhỏ, và mì ống phủ pho mát bào.
Nơi này do người già quản lý tạo cho người ta một cảm giác xưa cũ - những bàn đá hoa cương đã mòn đi vì lau chùi thường xuyên, những chiếc ghế gỗ bóng lên theo thời gian qua hàng thế hệ đệm lót, một chiếc quạt trần lờ đờ quay trên đầu và những người phục vụ già gắt gỏng bận quần đen cùng sơ mi trắng dài tay, đợi khách gọi món với bộ mặt cau có và ném rầm đồ ăn xuống bàn. Tôi đã đôi lần gặp người đầu bếp khi ra nhà vệ sinh nằm gần bếp. Ông đã già cả lắm và làm việc như một cỗ máy cũ với những bánh răng rỉ sét chứ không hẳn tập trung vào thứ mình đang làm.
Tôi nhớ bố bảo tôi rằng bố mẹ hẹn gạp nhau lần đầu ở nơi này và chúng tôi luôn tới đây vào các dịp đặc biệt. Ning thích mê món lưỡi bò hầm. Có năm sinh nhật nó, bố nháy mắt gọi hai mươi đĩa lưỡi bò hầm cho Ning và con bé xanh cả mặt vì nghĩ bố gọi thật.
Tối nay, bố gọi lưỡi bò hầm cho Ning, thăn bò với sa lát cho tôi và mẹ, còn mì ống cho ông, và tất nhiên là thêm rượu whisky cùng soda lạnh như thường lệ.
"Dùng chút chứ?" bố vừa hỏi vừa rót rượu vào cốc.
"Không phải bận tâm đến tôi đâu," mẹ nhạo báng đáp và vẫn ngồi thẳng đơ.
"Đây, Nat, vậy con uống với bố." Bố rót soda vào cốc đưa cho tôi.
"Anh không thể dạy thằng bé thứ gì tốt dù chỉ một lần trong đời thôi hả?" Mẹ ném vào bố ánh mắt ghê tởm.
"Nam vô tửu như kỳ vô phong." Bố bắt đầu châm chích mẹ.
"Hẳn rồi. Vậy thì, Ning, đừng quên kiếm cho mày một thằng nát rượu."
"Không đời nào. Con ghét rượu." Ning nhăn mặt và đút thêm lưỡi bò hầm vào miệng.
"Nếu nó không nát rượu thì lại là một thằng Sở Khanh," bố nhướng mày. "Phải chọn thôi."
"Dù mày yêu ai, cố mà đừng chọn một thằng được cả hai phẩm chất ấy," mẹ lập tức phản pháo.
"Hai bao giờ chả hơn một." Bố nâng cốc uống. "Như người ta vẫn quảng cáo đấy, mua một tặng một. Không dễ lấy không thế đâu, con biết đấy, nhóc."
"Anh chỉ nghĩ đến bản thân thôi." Mẹ ném dao dĩa sang một bên. "Nếu anh vẫn còn muốn la cà và chài gái thì anh cưới tôi làm gì?"
"Cô chẳng bao giờ hiểu tôi hết." Bố đặt sầm cốc rượu xuống bàn. "Không bao giờ hiểu tôi từ đầu cho tới tận bây giờ."
"Rõ rồi. Hiểu anh đồng nghĩa với chấp nhận con đàn bà kia, phải không?"
"Không cần đến mức đó. Chỉ cần đầu óc cô thoáng ra và có tí trân trọng cảm giác của người khác thôi."
"Anh muốn tôi quỳ mọp trước con đàn bà khốn nạn đó mà ca ngợi cô ta vì đã cướp chồng ngời khác?" mẹ cao giọng.
"Đừng xúc phạm cô ấy." Giọng bố còn to hơn.
"Sao không được? Con đó thì có gì tốt đến nỗi tôi không được động đến một câu hả? Nếu nó tốt thật thì nó đã không..."
"Im ngay!" bố hét to đến nỗi tất cả mọi người trong nhà hàng đều quay lại nhìn chúng tôi.
"Nat, Ning, về." Mẹ tóm lấy túi xách, đứng bật dậy sầm sầm dời bàn, Ning chạy theo bà.
"Nat..." Bố chộp tay tôi. "Chăm lo cho mẹ và em con. Sinh nhật con tuần sau, bố sẽ đến."
"Bố." Tôi nhìn ông và cắn mạnh môi.
"Đợi đã." Bố rút ví lấy ra ít tiền nhét vào tay tôi. "Cầm lấy. Đừng quên cho Ning một ít và thay bố trả tiền taxi."
Nếu ai đó hỏi tôi bản nhạc yêu thích của thầy Wa-thin là gì, tôi sẽ trả lời ngay là "Cây bồ đề buông mành". Ngoài ông Suthin Theisarrak, tác giả bản nhạc, mà tôi từng được xem biểu diễn vài lần trên ti vi, tôi chưa từng thấy ai chơi "Cây bồ đề buông mành" sống động như thầy Wa-thin.
"Bao giờ thì thầy định dạy bọn em chơi bài này ạ?" Jom hỏi trong lúc thầy dạy nhạc của chúng tôi đang lên dây đàn.
"Các trò quá nôn nóng muốn đi tắt." Thầy Wa-thin vừa cười vừa hạ cây vĩ cầm khỏi vai. "Vào thời các thầy học vĩ cầm, chúng ta không nóng vội vậy đâu. Chúng ta phải tập luyện vất vả hằng ngày trong nhiều năm liên tục."
"Thôi mà, thầy," một bạn khác cười. "Nếu bọn con tập như thầy bảo, bọn con sẽ sớm chết đói đấy ạ. Bọn con không thể đọ với hội chơi ghita: những tay đó, sau vài buổi họ đã tập ding-deng-dong, và giờ họ đã lập cả một ban nhạc rồi."
"Mọi thứ trên đời này đều nằm ở cách đánh giá của ta," thầy Wa-thin trầm ngâm đáp. "Thầy không phải là người quyết định thứ gì tốt hơn hay tồi hơn. Điểm quan trọng nằm trong chính trái tim của mỗi chúng ta. Nó sẽ mách bảo chúng ta điều ta yêu mến và điều ấy có giá trị với ta đến chừng nào."
"Thầy ơi, con muốn nghe 'Cây bồ đề buông mành,'" tôi lên tiếng. "Thầy chơi cho chúng con nghe được không ạ?"
"Được." Thầy Wa-thin im lặng một lát rồi gật đầu. "Ai thích nghe thì giơ tay lên."
Tất cả chúng tôi đều giơ tay cao hết cỡ.
Thầy Wa-thin nâng cây vĩ cầm đặt lên vai, cúi đầu để cằm tựa vào miếng đỡ cằm rồi hít một hơi dài đưa vĩ lên dây...
"Vậy em đã quên, đã quên tất cả rồi phải không em?" Tôi khẽ ngân nga theo dòng chảy tinh tế của giai điệu.
"Béo!" Jom dùng vĩ khẽ chọc vào tôi. "Coi kĩ xem. Chị nghĩ thầy đang khóc."
"Ôi trời, chị nói đúng!" Tôi gật đầu. "Em nghĩ bản nhạc này khiến thầy xúc động sâu sắc."
"Chị không chắc là vậy." Jom lắc đầu. "Chị nghĩ nó liên quan tới điều gì đó trong quá khứ của thầy."
"Chết thật!" tôi than. "Đáng nhẽ mình không nên khơi lại vết thương cũ của thầy ấy."
"Thôi quên đi." Chị cúi người tới thầm thì. "Có lẽ đó là lý do vì sao thầy chơi cảm động lòng người đến thế. Chắc chị cũng nên tìm cho mình một bản nhạc khuấy động lại những kí ức cũ để chị có thể chơi hay như vậy."
"Đừng dại thế," tôi ngăn chị. "Ai mà biết được mỗi lần khơi lại những vết thương cũ như thế này thì người chơi cảm thấy ra sao."
"Có thể cậu đúng," Jom công nhận. "Nhưng chị thích nỗi đau, vì nó đem lại cho chị một cảm giác hạnh phúc. Có những lúc, sau khi khóc lóc vật vã chị lại cảm thấy đỡ hơn."
"Em không biết chuyện đó," tôi lắc đầu. "Em chỉ biết rằng nỗi đau, dù như thế nào, luôn nhức nhối."
"Tối nay đi quán cóc đi," Jom đề nghị.
"Đi." Tôi nhìn thầy Wa-thin. "Chị nhớ kẹo lạc hả?"
"Không," Jom đáp. Thật ra chị đang nghĩ đến 'Chai thời gian'."
"Chai thời gian" cứ ngân đi ngân lại, buồn bã và cô độc khôn tả. Jom đang ngồi trên cùng chiếc ghế đó. Chị trông ra những cánh đồng hoang và dãy lều lụp xụp dựng từ các mẩu gỗ bỏ đi hoặc mấy tấm nhôm mạ kẽm mọc lên như nấm.
"Thời gian đã qua không bao giờ có thể như xưa nữa," Jom dịu dàng nói. "Nếu chúng ta thật sự có thể cất giữ thời gian mà giành bên người ta yêu, chị không chắc chúng ta có thể thực sự hạnh phúc lần thứ hai."
"Cuộc sống là hi vọng." Tôi cúi đầu nhấp một ngụm cà phê đá trong cốc, "Ít nhất, chúng ta có thể luôn hi vọng có thứ gì đó tốt đẹp hơn đang đợi ta phía trước."
"Đó là sai lầm khủng khiếp nhất mà nhân loại mắc phải..." Chị lóng cóng nhích người. "Bởi vì nó khiến ta không biết hài lòng với cái đang có, vậy nên chúng ta chỉ cố chịu đựng và không ngừng đeo đuổi cái không có được."
"Em nghĩ chị nên học triết," tôi thật lòng bảo chị.
"Vì sao?" Chị bật cười. "Cậu nghĩ chị nói hươu nói vượn?"
"Không." Tôi khoát tay xua lũ ruồi. "Em chỉ đang nghĩ triết học có thể đem lại một vài lời đáp cho những câu hỏi của chúng ta về cuộc đời."
"Chị có câu trả lời của mình." Jom đặt bàn tay lên cốc cà phê đá.
"Chúng là gì?" tôi vừa hỏi vừa nhìn chiếc Mercedes-Benz đen bóng - biểu tượng của thanh thế, danh tiếng và gia sản mà chị sở hữu.
"Rồi cậu sẽ sớm tìm ra thôi." Cô gái thở dài ơ hờ. "Bài hát sắp hết rồi. Nhét thêm xu đi."
"Lại 'Chai thời gian?' " tôi hỏi.
"Tất nhiên." Chị cười. "Chị sẽ nghe bài này cho đến khi mòn đĩa."
"Nếu cất được thời gian trong chai
Điều đầu tiên tôi mong được làm
Là chắt chiu giành dụm từng ngày
Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua
Chỉ để giành trọn chúng bên em
Nếu tôi có một chiếc hộp chỉ giành cho ước nguyện
Và những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực
Chiếc hộp đó sẽ chẳng có gì đâu
Ngoài kí ức
Về cách em đáp lại những ước nguyện kia"
Chai Thời Gian Chai Thời Gian - Praphatsorn Seiwikun Chai Thời Gian