Cầu Mơ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5
ườn nhà bà Hương Lan đêm nay, trăng nhiều quá. Những viên đá sỏi tắm trăng bóng nhãy. Hoa ngọc lan thơm ngát, mê man. Hình như hoa chỉ thơm nồng nàn khi có trăng. Hoa và trăng là đôi tình nhân lý tưởng của nhân gian. Hoa và trăng tỏ tình, không có nước mắt, không có đau thương. Mà đầy ánh sáng và hương thơm.
Bà Hương Lan ngồi trên ghế đối diện tôi. Tôi cách bà một lối đi trải đá sỏi. Đã nhiều lần rồi, tôi ngồi ngoài vườn nói chuyện cùng bà Hương Lan vào những đêm có trăng. Nhưng đêm nay, tôi tưởng như đêm đầu tiên tôi xuống Mỹ Tho.
- Thầy Hoài có biết xứ Huế mộng mơ và buồn vời vợi nhờ ai không?
- Thưa bác, nhờ tạo hoá.
- Nhờ Hàn Mạc Tử đấy. Thầy thuộc bài "Vỹ Dạ" chưa?
Tôi không thích Hàn Mạc Tử bằng Xuân Diệu, Huy Cận nên không thuộc thơ của thi sĩ này. Bà Hương Lan đọc cho tôi nghe bài "Vỹ Dạ":
"Sao anh không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây hương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có mặn mà".
Bà hỏi tôi:
- Thầy Hoài nghĩ thế nào?
Tôi đáp:
- Buồn và mộng quá, bác ạ!
Bà Hương Lan chống tay lên cằm:
- Nhiều thi sĩ sinh ra ở Huế, lớn lên ở Huế, mơ mộng vì Huế, biết làm thơ tại Huế mà nói về Huế không thơ mộng chút nào. Tôi đọc hết cuốn "Huế, đẹp và thơ" của Nam Trân, thấy không xúc động bằng bài "Vỹ Dạ" của Hàn Mạc Tử.
Bà đọc lại hai câu cuối: "Ở đây hương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có mặn mà". Bà nói tiếp:
- Tôi thương Hàn Mạc Tử lắm. Người thi sĩ này yêu mà không được yêu, ông ta đã gào thét:!!!"Trời hỡi, làm sao cho khỏi đói. Gió trăng có sẳn làm sao ăn. Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phũ phàng". Người ấy đến đâu là nghi ngờ ở đấy. "Ai biết tình ai có mặn mà"
Tôi đã bảo tâm hồn bà Hương Lan ướp bằng thơ và mộng mà. Hễ ngồi với bà ngoài vườn trăng là bà chỉ nói chuyện thơ. Bà nhìn tôi:
- Kể ra Hàn Mạc Tử cũng... ngây thơ, thầy Hoài nhỉ?
- Cháu chưa hiểu sự ngây thơ của thi sĩ. Thi sĩ đều khờ khạo, ngu dại cả, Xuân Diệu nói:!!!"Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì"
- Ngây thơ vì ông ta cứ muốn tỏ tình bằng lời nói. Thường thường, những mối tình đẹp là những mối tình câm lặng.
"Những mối tình đẹp là những mối tình câm lặng". Bà Hương Lan nói thế có nghĩa rằng mối tình của Phụng, của Trang đối với tôi không đẹp chăng? Vì cả Phụng lẫn Trang đều đã tỏ tình. Họ không muốn câm lặng. Tôi hỏi:
- Thưa bác, nếu câm lặng, làm sao người ta biết được người ta yêu nhau?
Bà Hương Lan lảng chuyện. Bà ngước nhìn trăng:
- Bao giờ thầy Hoài viết văn, làm thơ, tôi muốn thầy sẽ bắt độc giả của thầy phải yêu Mỹ Tho như Hàn Mạc Tử đã bắt độc giả phải yêu thôn Vỹ Dạ ngoài Huế.
Tôi nói:
- Cháu ích kỷ lắm, bác ạ! Cháu đã thích điều gì thì chỉ muốn thích một mình. Có lẽ, truyện đầu tay của cháu, cháu sẽ không viết về vườn hoa của bác, về trăng nước Mỹ Tho, về tiếng lạo xạo của đá sỏi nữa.
Bà Hương Lan cười:
- Vậy thầy viết về gì?
Tôi đưa tay vuốt mặt:
- Cháu sẽ viết về một nỗi sầu đau.
Bà Hương Lan bẻ bão tay:
- Từ đó, đi vào sự nghiệp.
Tôi trầm giọng:
- Cháu tương tư những chuyến tầu đêm. Bác biết chứ, nghe tiếng còi tầu hú lên, sao lòng mình xót xa thế! Cháu bỗng thương con đường sắt câm nín, ngòng ngoèo. Chà hiểu, có lần nào, con đường sắt mong con tầu bò ra khỏi mình mẩy nó không. Cháu sẽ giống con đường sắt Sàigòn - Mỹ Tho. Và sự khổ đau là con tầu nặng nề, già nua nhưng nhiều kỷ niệm.
Bà Hương Lan thở dài. Một lát, bà vui vẻ trở lại:
- Thứ bảy này, nhỏ Trang sẽ về nữa. Nó mến thầy lắm đó.
Tôi hơi ngượng ngùng:
- Chắc cô ấy nhớ bà ngoại nhiều?
Bà Hương Lan lắc đầu:
- Không phải đâu. Nó vừa tìm thấy một cõi thiên thai của nó.
Tôi đan những ngón tay khít nhau:
- Cô Trang sẽ thất vọng. Thiên thai chỉ có "đá mòn rêu nhát, nước chảy hoa trôi". Người nào đó còn ở lại thiên thai, cháu tưởng đã hoá đá rồi.
Bà Hương Lan ngạc nhiên:
- Sao thầy biết?
Tôi đáp:
- Vì linh hồn người đó đã nhập một cõi thiên thai khác. Rốt cuộc, trong chúng ta, không ai đến thiên thai cả, bác nhỉ?
Bà Hương Lan lặng thinh. Bà nói bà bị lạnh và vô nhà trước.
Một mình tôi ngồi trong vườn khuya. Tôi dựa lưng vào thành ghế, nhắm mắt.
Thiên thai của tôi đã hiện ra. Mộng ước trước mặt tôi. Cái mộng ước câm nín, không biết hay không dám tỏ tình. Hèn chi, cả nghìn năm xưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu đã thất vọng. Lưu Thần, Nguyễn Triệu thất vọng hay nhà văn sáng tác truyện của Lưu Thần, Nguyễn Triệu đã thất vọng? Nghìn năm trước, đã có kẻ danh sĩ chán nản cuộc đời dương thế, toan thả hồn lên thiên thai. Những không đạt vì thiên thai còn chán nản hơn cả cuộc đời. Thiên thai không có tình yêu. Cõi nào không có tình yêu, cõi đó là thiên thai. Mỹ Tho, ồ không phải, vườn hoa nhà bà Hương Lan chính là thiên thai của tôi. Tôi buồn quá. Đêm ấy, tôi đã ngủ trên ghế ngoài vườn.
Hôm sau, tôi bị cảm. Tôi nghỉ dạy một buổi. Tưởng ngày mai có thể tới trường, nhưng tôi lên cơn sốt và cơn sốt hành hạ thể xác tôi liên miên. Bà Hương Lan đã bắt tôi uống nhiều thứ thuốc. Bà săn sóc tôi thật chu đáo. Chinh bà đã ra tiệm thuốc bắc, mua gói thuốc xông về nấu cho tôi xông. Bà trùm kín chăn lên người tôi, ngồi canh chừng tôi, Tôi ngửi thấy, trong mùi long não, có mùi thơm của hoa ngọc lan. Cuối cùng, bà Hương Lan phải mời bác sĩ đến chẩn mạch và tiêm thuốc giúp tôi. Lần đầu tiên tôi được một bác sĩ chữa bệnh. Giá không trọ nhà bà Hương Lan, tôi đã nhờ người dẫn tới nhà thương thí. Tôi thích nằm dưỡng bệnh ở đó. Nhà thương thí là nơi an ủi nhưng kẻ lãng tử như tôi. Tôi thèm sống đơn độc và bị hắt hủi ít ngày ở đó để cho thấm thía kiếp người.
Ngót một tuần lễ mê man, bà Hương Lan ngồi cạnh tôi với dáng điệu đầy lo âu. Tôi biết điều ấy những lúc tôi tỉnh và tôi cứ giả vờ mê man, kéo dài cơn mê man. Bà Hương Lan nắm chặt tay tôi hay bà đặt bàn tay của bà lên trán tôi, tôi đều cảm giác bồi hồi, nao núng. Tự nhiên, tôi muốn mê man hoài, mê man không bao giờ tỉnh nữa. Như vậy, tôi đã nhập thiên thai của tôi.
Một lần, trong cơn mê man giả vờ, tôi đã nắm chặt cánh tay trần của bà Hương Lan, tỏ tình:
- Thưa bác, cháu yêu bác, cháu chỉ yêu bác. Ngoài bác ra, cháu không còn thương yêu ai.
Bà Hương Lan gỡ tay tôi ra:
- Thầy Hoài, thầy mê sảng dễ sợ quá. Để tôi đi mời bác sĩ.
Tôi tung chăn, ngồi dậy:
- Vâng, cháu mê sảng vì bác. Cháu xuống Mỹ Tho vì yêu bác, Và cháu đau khổ cũng vì yêu bác.
Bà Hương Lan cuống quýt:
- Chết thật, không khéo thầy bị thương hàn rồi.
Tôi ôm chầm lấy bà Hương Lan rên xiết:
- Cháu sắp chết. Cháu không thiết sống nữa nếu bác từ chối tình yêu của cháu.
Bà Hương Lan không cựa quậy hay tỏ ý giận dữ. Bà chớp mắt mau và mặc vòng tay tôi ôm vừa lưng bà. Thân thể bà run rẩy. Trái tim bà chắc còn run rẩy hơn. Tôi cố thu góp can đảm nói một lời mà nếu không giả vờ mê sảng, cả đời tôi, tôi cũng chẳng dám nói với bà Hương Lan.
- Em, anh yêu em!
Bà Hương Lan vuốt ve mái tóc ướt nhãy mồ hôi của tôi. Bà nhẹ nhàng nói:
- Hoài, hãy ngoan ngoãn một chút. Nằm xuống ngủ đi...
Tôi gục mặt vào ngực bà Hương Lan:
- Anh sẽ ngoan ngoãn, em yêu dấu!
Vở kịch thế là thành công, chẳng nên kéo dài. Tôi buông lơi vòng tay, nhắm mắt ngoẹo cổ và gục xuống giường. Bà Hương Lan kê gối lên đầu tôi, trùm chăn lên người tôi. Và bà thở dài. Tôi chợt bối rối, ngượng ngùng và hy vọng bà Hương Lan tưởng tôi mê sảng thật.
Rồi tôi khỏi bệnh. Bà Hương Lan mừng rỡ. Một buổi tối, hai chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau. Tôi đã cảm ơn bà Hương Lan không biết bao nhiêu lời. Bà Hương Lan cười đôn hậu:
- Những lúc thầy mê sảng, thật dễ sợ.
- Chắc là cháu nói nhảm nhí, phải không bác?
- À, nếu nhảm nhí thì tôi chả lo. Đằng này thầy nói tỉnh táo lắm.
Tôi chột dạ. Bà Hương Lan tiếp:
- Ngọn đèn sắp hết đâu bỗng vụt sáng, người sắp chết bỗng tỉnh táo vô cùng. Thầy Hoài này...
- Dạ.
- Để thầy khoẻ, tôi sẽ nói với thầy một chuyện.
- Thưa bác, chuyện gì đó ạ?
- Để thầy khoẻ đã.
- Có phải chuyện thiên thai không hả, bác?
- Chuyện Cầu Mơ.
Tôi chờ nghe thêm chuyện Cầu Mơ của bà Hương Lan, cây cầu mà nhiều người đang mơ ước đứng trên đó để nghe người khác kể chuyện yêu thương. Trang, Phụng chẳng hạn. Nhất là Trang. Nàng khát vọng một lần đến Cầu Mơ. Ngày nào, nhìn khói thuốc, nhớ Trang lạ lùng, tôi sẽ dẫn nàng đến Cầu Mơ, sẽ hôn nàng và nói yêu nàng. Tôi mong rằng không có ngày ấy. Vì tôi đã trót yêu bà Hương Lan. Những ngày đợi chuyện Cầu Mơ của bà Hương Lan kéo dài ra. Tôi chẳng dám giục bà kể. Phụng đã bỏ Mỹ Tho lên Sàigòn học. Nàng chưa được nghe nói về Cầu Mơ. Nhưng tôi chúc Phụng đã mang theo một cõi thiên thai của nàng. Như thế cũng xong.
Nửa tháng sau, vào một buổi tối không có trăng, bà Hương Lan và tôi ngồi nói chuyện ngoài vườn. Tôi thấp thỏm vô cùng, chả biết phần cuối của Cầu Mơ ra sao. Bà Hương Lan chống tay lên cằm, ngó tôi hút thuốc là. Bà ngắm tác phẩm của bà đó.
- Thầy Hoài này...
- Dạ.
- Thầy thuộc thơ Hồ Dzếnh không? Sao tôi thích hai câu "Thư viết đừng xong, thuyền xuôi chớ đỗ. Cho ngàn sau lơ lửng đến ngàn xưa" thế!
Bà để hồn bà lạc vào một ảo cảnh. Giọng bà trĩu nặng tiếc nhớ:
- Tôi rất tiếc là không thể dẫn thầy đến Cầu Mơ được, thầy Hoài ạ!
Tôi ngỡ ngàng:
- Sao vậy, thưa bác?
Bà Hương Lan thở dài:
- Vì tôi chưa biết Cầu Mơ. Chỉ nghe người ta nói. Tôi nghĩ thế này: Ta cứ tưởng tượng Cầu Mơ đẹp như chuyện Cầu Mơ. Nếu ta tò mò, tìm đến, nhỡ Cầu Mơ không đẹp, Cầu Mơ chỉ là cây cầu tầm thường, ta sẽ thất vọng! Thầy Hoài ạ, tôi không muốn thất vọng, không nỡ để thầy thất vọng. Cuộc đời tôi đã thu kín trong cái vỏ ốc sầu muộn. Tôi muốn được ví như cây bông sứ vườn nhà tôi. Cho nên, tôi không thể dẫn thầy đến Cầu Mơ.
Tôi xúc động. Tự nhiên, nước mắt tôi ứa ra:
- Cháu xin lỗi bác.
Bà Hương Lan đưa cánh tay quệt ngang đôi mắt. Bà đã khóc:
- Thầy có lỗi gì đâu.
- Trong cơn mê sảng, cháu đã làm bác buồn. Thưa bác, cháu đã làm hoa ngọc lan ở vườn nhà mất hương thơm.
- Thầy nhầm rồi, chinh thấy đã làm cho bông sứ vườn nhà tôi mặn mà hương thơm.
Hai dòng nước mắt vòng xuống mép tôi, thấm ướt môi tôi. Thương cảm.
- Vâng, cháu nghe lời bác dạy, cháu không đòi bác dẫn đến Cầu Mơ đâu.
Tôi trở vào nhà, không còn nghe tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lối đi trong vườn nhà bà Hương Lan. Sáng hôm sau, tôi dậy khi bà Hương Lan thiêm thiếp ngủ. Tôi len lén xách hành lý ra ga, leo lên chuyến tầu sớm. Còi tầu thét não nùng rồi các toa chuyển bánh. Qua khung cửa sổ, tôi không thấy Bà Hương Lan. Những tôi mơ hồ thấy Trang. Và tôi dặn với nàng đừng mong ngày nào đó tôi dẫn nàng đến Cầu Mơ.
29-5-1969
Cầu Mơ Cầu Mơ - Duyên Anh Cầu Mơ