Chương IV
gày quan trọng nhất trong đời mà tôi nhớ là ngày cô giáo của tôi, Anne Mansfield Sullivan, đến với tôi. Tôi vô cùng kinh ngạc khi xét tới sự tương phản không thể đo lường giữa hai cuộc sống mà nó nối kết. Đó là ngày 3/3/1887, ba tháng trước khi tôi lên bảy tuổi.
Vào buổi chiều của cái ngày đầy sự kiện đó, tôi đứng trên thềm cổng, lặng câm, mong ngóng. Tôi mơ hồ phỏng đoán từ những dấu hiệu của mẹ tôi và từ sự đi lại lăng xăng của cả nhà rằng có gì đó khác thường sắp xảy ra, vì thế tôi ra cửa và chờ đợi trên những bậc thềm. Ánh nắng chiều xâm nhập vào khối lá khúc khắc che phủ vòm cổng, và rơi xuống gương mặt ngẩng lên của tôi. Những ngón tay của tôi bất giác nấn ná trên những chiếc lá và những nụ hoa vừa hé nở để đón chào mùa xuân ngọt ngào ở miền Nam. Tôi không biết tương lai mang tới điều tuyệt diệu hay sự ngạc nhiên nào cho tôi, Giận dữ và cay đắng đã giày vò tôi liên tục nhiều tuần và một sự suy nhược trầm trọng đã tiếp bước cho cuộc đấu tranh sôi nổi này.
Bạn có bao giờ ở trên biển trong một màn sương mù dày đặc, khi dường như thề một bóng tối màu trắng toát gần như có thể sờ thấy nuốt lấy bạn, và con tàu lớn, căng thẳng và lo lắng, dò tìm đường tới bờ biển với dây dọi và dây dò độ sâu, và bạn chờ đợi với quả tim đập dồn dập một điều gì đó sắp xảy ra? Tôi cũng giống như con tàu đó trước lúc việc học hành của tôi bắt đầu, chỉ có điều tôi không có la bàn và dây dò độ sâu, và không cách gì biết được bến cảng gần tới mức nào. ‘Ánh sáng! Cho tôi ánh sáng!” là tiếng gào thét không lời của linh hồn tôi, và ánh sáng của tình yêu soi sáng tôi vào chính giờ khắc ấy.
Tôi cảm nhận có những bước chân tới gần. Tôi giơ tay ra vì cho đó là mẹ tôi. Ai đó nắm lấy nó, và tôi bị nhấc bổng lên, bị giữ chặt trong vòng tay của cô ấy, người đã tới để hé lộ cho tôi mọi thứ, và hơn tất cả những điều khác, để thương yêu tôi.
Buổi sáng hôm sau ngày cô giáo tôi tới, cô dắt tôi vào phòng cô và đưa cho tôi một con búp bê. Những đứa trẻ mù ở Học viện Perkins đã gửi nó tới và Laura Bridgman đã mặc quần áo cho nó; nhưng mãi sau này tôi mới biết điều đó. Khi tôi đã chơi đùa với nó được một lúc, cô Sullivan chậm rãi viết lên bàn tay tôi từ “d-o-l-l” (búp bê). Tôi chú ý tới trò chơi ngón tay này ngay tắp lự và cố bắt chước theo. Rốt cuộc, khi tôi thành công trong việc viết lại đúng những mẫu tự, mặt tôi đỏ bừng với niềm vui và tự hào trẻ con. Tôi chạy xuống thang, tới chỗ mẹ tôi và giơ tay ra, viết những mẫu tự của từ doll. Tôi không biết là tôi đang ráp vần một từ hay thậm chí rằng những từ tồn tại; tôi chỉ đơn giản ngoáy những ngón tay theo kiểu bắt chước giống như loài khỉ. Trong những ngày sau đó, tôi học ráp vần theo cách thức thiếu hiểu biết này khá nhiều từ, trong đó có từ kim gút, mũ và cốc và một vài động từ như ngồi, đứng và đi. Nhưng cô giáo của tôi phải mất nhiều tuần nữa trước khi tôi hiểu rằng mọi sự vật đều có một cái tên.
Một hôm, trong lúc tôi đang chơi đùa với con búp bê mới, cô Sullivan đặt con búp bê lớn làm bằng giẻ của tôi vào lòng tôi, viết vần “d-o-l-l” và cố làm cho tôi hiểu rằng từ “d-o-l-l” đó áp dụng cho cả hai con búp bê. Trước đó trong ngày, chúng tôi đã có một cuộc tranh cãi với các từ “m-u-g” (bùn) và “w-a-t-e-r” (nước). Cô Sullivan đã cố nhấn mạnh với tôi rằng “b-ù-n” là bùn và “n-ư-ớ-c” là nước, nhưng tôi vẫn cứ mãi lẫn lộn giữa hai từ đó. Thất vọng, cô gác lại đề tài đó trong một thời gian, chỉ nhắc lại nó khi có cơ hội đầu tiên. Tôi trở nên mất kiên nhẫn với những nỗ lực lặp đi lặp lại của cô, và, tóm lấy con búp bê mới, tôi quật mạnh nó xuống sàn. Tôi rất khoái chí khi cảm nhận được những mảnh của con búp bê vỡ dưới chân tôi. Sau cơn bộc phát cảm xúc đó, tôi không buồn cũng không ân hận. Tôi đã yêu mến con búp bê đó. Trong thế giới tối tăm, thinh lặng mà tôi sống không có tình cảm mạnh mẽ của sự dịu dàng. Tôi cảm thấy cô giáo của tôi quét những mảnh vỡ sang một phía lò sưởi, và tôi có một cảm giác mãn nguyện rằng nguyên do của sự bực dọc của tôi đã được dời đi chỗ khác. Cô mang tới cho tôi cái mũ, và tôi biết tôi sẽ ra ngoài dưới ánh mặt trời ấm áp. Ý nghĩ này, nếu một cảm xúc vô ngôn có thể được gọi là một ý nghĩ, khiến tôi nhảy cẩng lên vì vui sướng.
Chúng tôi đi theo con đường tới cái nhà che giếng, bị hấp dẫn bởi hương thơm của lùm khúc khắc mọc trùm lên ngôi nhà. Có ai đó đang kéo nước và cô giáo của tôi đặt tay tôi dưới cái ống máng. Khi dòng nước mát trào lên một bàn tay, cô viết vào bàn tay kia từ nước, đầu tiên chậm rãi, rồi nhanh hơn. Tôi đứng yên, toàn bộ sự chú ý gắn vào những cử động ngón tay của cô. Đột nhiên tôi cảm thấy một ý thức mù mịt như sương về một điều đã bị lãng quên – một chấn động của ý nghĩ quay trở lại; và theo cách nào đó, bí mật của ngôn ngữ đã hé lộ với tôi. Lúc đó tôi biết rằng “n-ư-ớ-c” có nghĩa là thứ gì đó mát rượi tuyệt vời đang trút xuống bàn tay tôi. Cái từ sống động đó đã đánh thức linh hồn tôi, trao cho nó ánh sáng, hy vọng, niềm vui, đã giải phóng nó! Vẫn còn có những rào chắn, điều đó đúng, nhưng là những rào chắn sẽ bị quét đi vào đúng lúc. [1]
Tôi rời khỏi ngôi nhà che giếng, nôn nao muốn học. Mọi thứ đều có một cái tên, và mỗi cái tên sinh ra một ý tưởng mới. Khi chúng tôi quay về nhà, mỗi đối tượng tôi chạm vào dường như run rẩy với sự sống. Đó là vì tôi nhìn thấy mọi vật với một thị giác mới, lạ lùng đã đến với tôi. Khi bước vào cửa, tôi nhớ tới con búp bê bị vỡ. Tôi lần mò tới chỗ lò sưởi và nhặt những mảnh vỡ lên. Tôi cố gắng gắn chúng lại một cách vô ích. Rồi đôi mắt tôi rưng lệ; vì tôi nhận ra mình đã làm gì, và lần đầu tiên tôi cảm thấy ăn năn và buồn bã.
Hôm đó tôi đã học được khá nhiều từ mới. Tôi không nhớ hết tất cả những từ đó là gì; nhưng tôi biết trong số đó có từ mẹ, cha, em gái, cô giáo – những từ khiến thế giới bừng nở như một đóa hoa đối với tôi, “như chiếc gậy của Aaron [2], với những bông hoa”. Hẳn là khó tìm được đứa trẻ nào hạnh phúc hơn tôi khi tôi nằm trong túp lều nhỏ của mình vào cuối một ngày đầy sự kiện và tận hưởng những niềm vui nó đã mang tới cho tôi, và lần đầu tiên khao khát một ngày mới sẽ đến.
Câu Chuyện Đời Tôi Câu Chuyện Đời Tôi - Hellen Keller Câu Chuyện Đời Tôi