Bùa Ngãi Việt Nam epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Trận Chiến Cuối Cùng
rong suốt gần một tháng sau đó, Thày Bảy và Thày Chàm lần lượt đi viếng thăm các Đạo hữu thân thiết mà từ lâu lắm rồi họ không được gặp.
Đầu tiên hai ông tìm đến thăm người bạn thâm giao nhất của hai ông là một người theo phái THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO của Giáo phái Cao Đài.
Phái THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO là một nhánh của Giáo phái CAO ĐÀI, nhóm này thường rất giỏi về nhận Điển và bày bố TRẬN PHÁP. Người bạn của hai ông là một chưởng quản của NAM THÀNH THÁNH THẤT.
Đây là một người đàn ông cao lớn, có khuôn mặt hết sức cởi mở, cuốn hút. Vừa bước vào Thánh Thất, hai ông nghe một giọng đọc thơ Điển vang vọng:
" Tâm sẵn Ngọc minh há kiếm ngoài,
Chuyển luân Hoàng đạo hiện Cao Đài.
Chơn truyền Thượng hạ ban từ thử,
Sự nghiệp Đế Thiên đã định bày ".
Ông Thày Chàm chợt buột miệng: Hay, trong Tâm đã sẵn có Ngọc, lẽ nào lại phải đi tìm kiếm Ngọc quý ở ngoài thân. Tìm cầu chánh giác phải quay về nội Tâm. Như vậy, bài Điển của Ngọc Hoàng Thượng Đế ta vừa nghe, như muốn khuyến cáo cho chúng ta nghĩ lại, cái gì nên bỏ và cái gì nên mang theo cho cuộc hành trình sắp tới. Thật ra, đời sống của con người ở cái cõi tạm này, xét lại một kiếp người thì đâu còn được gì? Thật sự, lẽ cùng cực của Đạo là mức tuyệt đối. Mà thật là lạ - Hễ tuyệt đối thì không còn nói gì đến những điều thương, sự ghét. Nhưng cũng phải thấy rằng, cuộc sống trong thế gian này chỉ là trường đối đãi, do vậy sự từ bi, bác ái được nêu lên chỉ là việc thường để răn lòng.
Ông Thày Bảy cũng buột miệng nói: lạ ghê, chúng ta chưa hề nói mục đích của chúng ta đến đây mà ngài chưởng quản NAM THÀNH THÁNH THẤT như đọc thấu ý nghĩ của chúng ta.
Từ trong Thất, một bài thơ nữa lạ vẳng ra:
" Nhìn xem mấy áng phù vân,
Chợt tan, chợt tụ, bao lần tụ tan.
Xuân qua, Xuân lại Trần gian,
Chỉ người giác ngộ huy hoàng đón Xuân.
Dầu trong cõi tạm Hồng trần,
Trọn gìn Tâm Đạo thì Xuân vĩnh tồn ".
Ông Thày Chàm lại than nho nhỏ: Sao mấy bài thơ Điển này giống những lời vị sư già trên Núi Két dạy ta thế nhỉ. Hai người dợm bước định tiến về phía Thất thì một chú Đồng tử mặc đồ trắng cầm một tờ giấy ra đưa cho hai người và bảo: Thày tôi dặn trao cho hai vị tờ giấy này, bởi Thày tôi đã nhập Thất, không thể tiếp các vị được.
Trên tờ giấy trắng là một bài thơ viết bằng mực Tàu, chữ như Rồng bay - Phượng múa:
" Thấm thoắt Đời qua cuộc bể dâu,
Ham vui chỉ chuốc cuộc mua sầu.
Lập thân muốn tránh đường mưa gió.
Tìm Đạo nương mình vững nhiệp sau.
Rừng Thiền trở gót mới ung dung,
Nhàn hạ riêng vui cảnh bá tùng.
Lao lực thế tình chi xạo sự.
Rửa tai chờ lóng nhạc năm cung.
Cung đàn chờ khách cận song thu,
Năng mến Đạo màu chí trượng phu.
Biển khổ vớt người thuyền gặp lúc,
Đeo đai Thế sự chỉ mua sầu.
Tách bến sông mê sóng tạt thuyền.
Lọc lừa nghiệp quả kẻ may duyên.
Trương buồm Hạnh - Đức xuôi chiều gió,
Đưa khách phồn hoa lánh nẻo phiền ".
Ông Bảy than rằng: Có lẽ sư huynh này muốn ta dẹp bỏ thù hận đây? Ý ông như thế nào. Thày Chàm ngó mông lung ra phía cánh rừng xanh thăm thẳm phía trước mà không trả lời.
Một hồi rất lâu sau, hai ông đành tạm biệt NAM THÀNH THÁNH THẤT lần ra ngoài đường. Bóng chiều đã dần buông trên những cánh rừng. Từng đàn trâu đeo mõ lốc cốc đi về chuồng. Ngoài đằng kia, nhà nào đốt rơm đuổi muỗi cho trâu, hương vị của khói rơm nao nao trong lòng người xa xứ.
Tìm mãi mới được một quán cóc còn bán hàng, hai ông lần vào trong, gọi hai xị rượu đế với một miếng khô cá đuối nướng ngồi nhâm nhi, nghĩ tới công việc ngày mai.
Nhớ lại những bài thơ buổi trưa, ông Thày Bảy chợt cất giọng ngâm theo điệu Nam ai:
" Mê đắm tình đời luống khổ Tâm,
Muôn Thu chịu mãi bước sai lầm.
Xa đường Thiên Đạo không trông thoát,
Nhơn dục cháy bừng đốt tri Tâm..."
Rồi quay sang ông Thày Chàm cụng ly đánh cạch và hỏi nhỏ: - Bây giờ ông tính sao?
Từ nãy đến giờ, ông Thày Chàm ngồi bó gối im ru, mắt ông ươn ướt, đầy vẻ thê lương. Mãi một hồi lâu sau ông mới cất tiếng: - Anh Bảy ơi! Sao tôi khổ Tâm quá. Việc của mẹ con cô Lan, ông đã biết rồi, không trả thù thì tôi đâu còn mặt mũi nào nhìn họ nữa. Nhưng nghĩ đi cũng phải suy lại, từ vị sư già trên Núi Két cho tới vị chưởng quản NAM THÀNH THÁNH THẤT đều có ý khuyên chúng ta nên bỏ ý định trả thù. Tôi hoang mang quá anh Bảy ơi.
Ông Bảy cũng trầm ngâm, rồi ôm vai người bạn già đau khổ mà nói: Thôi thế này, ngày mai chúng ta thử đến chi nhánh của các Giáo phái Tân Chiếu Minh,Tổ Tiên Chính Giáo,Vô Vi pháp,Ayasanta gần đây xem sao. Tôi nghĩ với tình thâm giao mấy chục năm trời, lẽ nào họ lại không giúp chúng ta, nếu trường hợp tất cả cùng chối từ, thì âu cũng là mệnh Trời. Bây giờ phải kêu thêm hai gói mỳ tôm dằn bụng để mai có sức đi tiếp.
Đêm hôm đó, hai vị Thày giăng hai cánh võng nhờ cột của quán nằm đốt thuốc mông lung. Suốt đêm đó, không ai ngủ được, mọi việc được quay lại như một cuốn phim chầm chậm. Thấm thoắt đã hơn một năm từ ngày cái đầu lâu mất tích.
Từ đó bao nhiêu biến cố đã xảy ra, đẩy hai ông bạn già, hai vị Thày cao tay khét tiếng xứ Tây Ninh này phải vạ vật nơi đây. Lâu lâu, trong đêm thanh vắng, tiếng chó tru từng hồi dài như muốn báo hiệu một kết cục không lấy gì tốt đẹp. Mãi gần sáng, hai ông mới chợp mắt được đôi chút. Trong giấc ngủ mộng mị, hai ông như thấy mẹ con cô Lan và lũ Thiên Linh tử tù quần đảo khắp xung quanh, canh gác cho hai ông ngủ. Một ngày mới lại bắt đầu...
Ngày hôm sau, hai Thày lại tiếp tục lên đường trở về chợ Long Hoa. Lúc đi qua ngôi tháp Bát quái cạnh chợ, họ dừng lại thắp vài nén nhang, tưởng nhớ đứa con đã mất và trận chiến bi hùng năm trước. Trời Tây Ninh vẫn ngăn ngắt xanh một màu, những hàng cây chò chỉ vẫn oai phong vương lên Trời cao như những người lính xếp hàng.
Chợ Long Hoa vẫn tấp nập kẻ mua, người bán, dòng đời hối hả như đã lãng quên hai vị Thày. Qua chợ Long Hoa, họ đi về phía núi Bà Đen. Từ xa, ngọn núi Bà cao vút, in bóng hình trên nền Trời xanh và mặt nước của hồ Dầu Tiếng cũng xanh ngăn ngắt.
Gọi một con đò ngang, họ tiến về một cù lao nổi lên ở giữa hồ. Nơi đây có một Thất của phái Tân Chiếu Minh do một người bạn cũ của họ làm chưởng quản.
Phái Tân Chiếu Minh do ngài Ngô Minh Chiêu sáng lập,vị tiền bối khai Đạo và cũng là vị Giáo Tông Anh Cả đầu tiên trong nền Tôn Giáo Cao Đài, tức Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài sinh ngày mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Dần, nhằm ngày 28-02-1878 tại Quận Bình Tây, tỉnh Chợ Lớn. Liễu Đạo ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Thân, nhằm 18-04-1932 tại Cần Thơ hưởng dương được 54 tuổi vì được bổn Đạo Chiếu-Minh xây tháp tại nghĩa-địa Chiếu-Minh trước Thánh Đức Tổ Đình cách Châu Thành Cần-Thơ lối 3 cây số.
Ngài có lập gia đình với bà Bùi Thị Thân và sanh được 9 người con, mất hết 2 còn 7 người, 2 gái và 5 trai. Cha mẹ là công nhân nghèo làm việc tại nhà máy Bình Tây Chợ-lớn, vì phải theo chủ đi ra Hà Nội Bắc Việt, nên gởi con lại cho người em gái nuôi. Ngài xa tình thương phụ mẫu rất sớm từ lúc mới lên 7 tuổi và được người cô dưỡng nuôi cho đi học tại trường Mỹ Tho.
Sau được học bổng lên học tại trường Trung Học Chasseloup-Laubat ở Sàigòn và đỗ được bằng thành chung năm 21 tuổi. Được bổ làm việc; trước tại sở Tân Đáo (sở di trú) ngày 31/12/1902, sau tại Dinh Thượng Thơ ở Sàigòn. Dời về làm việc tại Tòa Bố tỉnh Tân An ngày 01-05-1909 và thi đỗ tri huyện năm 1917. Sau vì buồn mẹ mất và không muốn liên can đến việc làm không liêm chính của một số đồng liêu,Ngài xin đổi ra Hà Tiên một tỉnh xa xôi gần biên giới Cao Miên và bờ biển Vịnh Thái Lan.
Chính nhờ cảnh trí xinh đẹp Trời nước mênh mông và núi non thanh lịch khêu gợi, nên Ngài hay đến Thạch Động để cầu Tiên và được các Đấng thiêng liêng dẫn dắt đưa về nẻo Đạo huyền vi. Đến khi ra trấn nhậm quận Dương Đông ngoài đảo Phú Quốc, trong vịnh Xiêm La, Ngài mới ngộ được Đạo Trời và được đức Cao Đài Tiên Ông trực tiếp truyền trao bí pháp tu luyện cho đến khi đắc Đạo.
Chính tại quận đường, ban ngày Ngài đã tận mắt thấy "Thiên Nhãn" hiện ra hai lần với hào quang chói lòa rực rỡ để khiến Ngài dùng làm biểu tượng mà thờ đức Chí Tôn Thượng Đế mở Đạo kỳ ba để độ tận nhơn loại, là Giáo Chủ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức Đạo Cao Đài, Ngài là vị môn đồ đầu tiên được đức Cao Đài Thượng Đế phong chức Giáo Tông, là người Anh Cả để dẫn dắt các em trở về với Đại Từ Phụ.
Đêm vía đức Ngọc Hoàng Thượng Đế mùng 9 tháng giêng năm Bính Dần (21-2-26). Ngài Ngô Minh Chiêu mới xin đức Cao Đài Thượng Đế lấy tên mấy người đệ tử đầu tiên đề cho một bài thi kỷ niệm. Thượng Đế có cho 4 câu như vầy:
CHIÊU, KỲ, TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUí GIẢNG thanh,
Hậu Đức tắc Cư Thiên Địa cảnh,
Huờn Minh Mân đáo thủ đái danh.
(12 chữ lớn ghi trong bài thi là tên 12 vị đệ tử đầu tięn,còn ba tên chót Huờn Minh Mân là 3 vị hầu đàn)
Vâng lệnh Đức Chí Tôn, ngày 13 tháng 8 năm Bính Dần (29/6/26), ông Lê Văn Trung hiệp cùng 247 môn đệ đức Cao Đài đứng tên lập tờ khai Đạo gởi đến Chánh Phủ Pháp qua ông Thống Đốc Nam Kỳ là Ông Le Fol (trao toàn quyền Pasquier vào ngày 7/10/26).
Đến đây Ngài Ngô Minh Chiêu nhận thấy đã xong nhiệm vụ xây dựng nền tảng cho cơ Phổ Độ, nhường lại cho quí ông Trung tiếp tục và xin trở về ẩn tu để tịnh luyện cho được thành công viên mãn và mở cơ Tuyển Độ Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi. Để dẫn độ một số người đại nguyên căn, quyết cầu tu giải thoát hầu tu chứng tại tiền cho nhơn sanh tin tưởng nơi Tân Pháp Cao Đài do đức Thượng Đế truyền trao cho Ngài hồi ở Dương Đông Phú Quốc năm Tân Dậu (1920).
Phương châm tu hành của phái Chiếu Minh Tam thanh vô vi:
Đệ tử Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi thuộc Cao Đài Đại Đạo cần phải tuân hành những lời dạy của đức Giáo Chủ Ngô Minh Chiêu, như dưới đây:
Thập thanh điều:
1/ Không nên thâu dụng của bá tánh,
2/ Không nên dự vào việc Quốc chánh,
3/ Không nên thốt đến Đạo nào,
4/ Không nên niệm chú thư phù và chác thói tà mị.
5/ Không nên bươi móc việc quấy và che lấp việc phải của người.
6/ Không nên buông lung tự tánh, phải xét những việc tội lỗi mà chừa.
7/ Không nên gần kẻ bạo ngược, hung hăng. Phải ẩn dật lo tu.
8/ Không nên tham luyến hồng trần, vinh hoa phú quí.
9/ Không nên coi người giàu sang hơn người nghèo hèn.
10/ Phải giữ đạo đức, hiếu nghĩa, trung tín, liêm sĩ, tiết trinh, từ bi chơn chánh. Thập thanh điều:
Một khuyên giảm khẩu bớ con,
Hai khuyên chánh kỷ cho tròn hóa nhơn.
Ba khuyên giảm tánh giận hờn,
Bốn khuyên giữ lễ chớ lờn oai Tiên.
Năm khuyên kính mến người hiền,
Sáu khuyên đậy mắt lánh miền thị phi.
Bảy khuyên học chữ Từ Bi,
Tám khuyên hành đạo kịp kỳ Long Hoa.
Chín khuyên suy xét gần xa,
Mười khuyên lập nết ôn hòa độ dân.
Mỗi người đạo hữu nào muốn vào cầu Đạo tu theo Phái Đại Thừa Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, đức Ngô có căn dặn cặn kẻ, trước tiên phải suy nghĩ chính chắn liệu chở nổi cái Đạo hay không rồi sẽ bước tới, vì tu theo Đạo của Ngài phải chịu khổ sở lắm và phải vui vẻ chấp nhận mọi khảo đảo thử thách.
"Vậy Thầy dạy cho các con biết Đạo Thầy rất khó, muốn tu đặng thành vị phải vào tử ra sanh, chịu trăm cay ngàn đắng, khổ hạnh muôn vàn. Con thử xét, người mà muốn tạo một địa vị khả quan nơi cõi tạm nầy, còn phải hao tốn biết bao sức lực khó khăn, lựa là tạo một ngôi báu ở chốn muôn năm thông thả, ngàn kiếp thanh nhàn. Vậy con bình tâm suy xét cho kỹ càng, liệu lấy sức mình trước khi thệ nguyện, rồi Thầy sẽ định đoạt.
"Đạo Thầy thiệt rất khó ngộ,nhưng cũng dễ tìm, vì Thầy tùy duyên hóa độ, kẻ có căn dễ gặp,người vô phước khó tri..".
Muốn thọ Pháp Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi,người cầu Đạo phải đă thọ trường trai ít lắm 100 ngày trước đó và được hai bạn đạo tiến dẫn vào một đàn nào đó. Sau khi được người chủ đàn cho biết rõ điều kiện như đă kể ở đoạn trên và đọc Thánh Huấn vừa rồi để tự xét nét lấy, coi có theo nổi không.
Nếu nhận thấy được, thě xin thỉnh keo, xin được keo rồi thì sẽ được cho hầu đàn dự cúng lễ theo các đạo hữu. Nếu muốn theo thì thỉnh kinh về học cho thuộc và lo sắp đặt bàn thờ Thầy đúng theo nghi thức đă qui định của qui điều nội lệ Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.
Sau khi xét nét tự kiểm điểm kỹ càng có thể theo nổi đến ngày cuối cùng đời mình, thì trở lại để được hầu đàn cơ cho ơn Trên dạy. Nếu được chủ đàn chấp thuận thì lựa ngày tốt như ngày rằm nào, đến đàn xin keo để đốt hồng thệ và sẽ có người hướng dẫn Đạo Pháp, công phu tứ thời mỗi ngày và chỉ cách thức giữ gìn qui giới, từ cách sanh sống, ăn uống, ngủ nghê, không bỏ sót chi tiết nào. Người chỉ Đạo có phận sự hướng dẫn tận tình cho người thọ pháp.
Người thọ pháp phải tôn kính người đó mà tuân theo, vì người đó thay Thầy để truyền Đạo cho mình, cùng đồng chung chịu trách nhiệm như nhau trước thiêng liêng. Học Sư bất như học hữu; Đạo Vô Vi,Sư Vô Vi trên có Thầy,đức Cao Đài Tiên Ông bố hóa,dưới có bạn hiền hướng dẫn, chỉ cần đương sự quyết tâm cầu tu giải thoát, siẹu đọa tự mình,pháp Đạo dầu có linh đến đâu mà người thọ pháp không cần chuyên, chịu cực khổ sớm trưa chiều khuya, tứ thời công phu tịnh luyện thì Pháp Đạo vẫn không cứu được mình.Chính mình phải tự giải thoát lấy mình, chớ Thầy không bồng ẵm mình được.
Vào tới Thất, hai Thày lập tức được mời vào uống trà đàm Đạo cùng Đàn chủ. Mùi trà sen thanh khiết, hòa trong gió của hồ Dầu Tiếng, hòa lẫn với những tiếng chim hót véo von trên cành, tưởng như đang ngồi ở một động Tiên.
Sau một tuần trà, vị Chưởng quản hỏi thăm rất chi tiết tình hình và nguyện vọng của hai ông Thày. Vẻ đăm chiêu hiện dần trên khuôn mặt phúc hậu của ông. Tuy nhiên, sau khi nắm rõ tình hình, vị Chưởng quản của phái TÂN CHIẾU MINH vẫn không hề có ý kiến gì.
Gần đến trưa, bữa cơm chay đạm bạc được dọn ra, hơi ngạc nhiên vì chỉ có hai cái bát và hai đôi đũa, người bê cơm ra hiểu ý nói: Thày chúng tôi đang ở trên Đàn, hai ông cứ tự nhiên dùng bữa. Hai ông Thày ngồi bới chén cơm ăn qua quýt cho có bữa và kêu dọn xuống.
Tới tận gần hết giờ Ngọ, vị Chưởng quản mới bước vào phòng khách. Ông xin lỗi hai vị Thày và nói: Tôi mới xuống Đàn, sau khi đã xin keo và được biết Đại Từ Phụ không cho chúng tôi làm việc này. Ngài còn có lời khuyên hai ông nên dẹp bỏ hận thù, quyết lòng tu cầu chứng, hòng tìm được sự giải thoát ngay trong kiếp này. Chúng tôi cũng vừa nhận được Điển của LÝ THÁI BẠCH TIÊN ÔNG, gửi tặng các Ngài. Bài thơ đó như sau:
" Bồng non cảnh thú vị nhàn quê,
Đảnh Phật Đài minh tỏa bút đề.
Công đức chuộng tu, trau bổn tánh,
Quả nhân bồi vẹn trọn danh phê.
Thông tri lý chánh tầm nguồn thiện.
Máy nhiệm huyền cơ lố cận kề.
Đồng đại bước qua cơn bĩ cực.
Sóng non lố bóng tỏa máu huê. "
LÝ THÁI BẠCH.
Tôi mong rằng hai Vị thông cảm và cố gắng thực hiện lời LÝ THÁI BẠCH TIÊN ÔNG đã dạy.
Hai ông Thày ngồi nhìn nhau và lặng lẽ đứng dậy chia tay với các sư huynh đệ của phái TÂN CHIẾU MINH. Một lúc sau, hai người nhằm thẳng đỉnh núi Bà thẳng tiến. Trên lưng chừng núi Bà, có một nơi gọi là giếng Trời. Theo như truyền thuyết, từ khoảng năm 1700, các vị sư thuộc phái Liễu Quán ( là một chi của phái Lâm Tế - TQ ), đã tìm vào Núi lập ra những cảnh chùa.Đầu tiên là Chùa Phước Lâm Vĩnh Xuân (hiện nay ở Thị Xã TÂY NINH ),tử chùa Vĩnh Xuân các vị mới lần lên núi lập thêm các chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Chủa Bà),Chùa Hang,chùa Trung,chùa Trung hang (chùa Trung hang tức Linh Sơn Tự,hiện nay đã bị xóa bỏ ).
Từ đó lập ra một phái nhánh của Liễu Quán tên là TẾ THƯỢNG CHÁNH TÔNG.Truyền thừa theo kệ Pháp:
Thiệt Tế Đại Đạo,
Tánh Hải Thanh Trừng,
Tâm Nguyên Quảng Nhuận,
Đức Bổn Từ Phong,
Giới Định Phước Tuệ,
Thể Dụng Viên Thông,
Vĩnh Siêu Trí Quả,
Mật Khế Thành Công,
Truyền Trì Diệu Lý,
Diễn Xướng Chánh Tông,
Hành Giải Tương Ưng,
Đạt Ngộ Chơn Không.
Nói tới giếng Chùa hang hay Giếng Trời, không ít người Tây Ninh còn nhớ truyền thuyết về ông Đạo Dừa.
Người “sáng lập ” ra Ðạo Dừa này là Nguyễn Thành Nam,sinh năm 1909 tại xã Phước Thịnh, tổng An Hòa, huyện Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông là con của một gia đình giàu có.
Cha tên Nguyễn Thành Trúc, làm chánh tổng từ năm 1940 đến năm 1944 và mẹ là bà Lê Thi Sen.Năm 1928, ông sang Pháp du học tại Rouen.
Năm 1935, ông tốt nghiệp kỹ sư hóa học và về nước.Xuất thân trong một gia đình khá giả ở huyện Châu Thành, du học ở Pháp. Với tấm bằng kỹ sư hóa học, Nguyễn Thành Nam về nước, lúc đầu tổ chức sản xuất xà phòng, nhưng vì không cạnh tranh nổi, nên phải giải nghệ. Sau đó, ông bỏ lên núi tu khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một lần vào giờ ngọ bằng rau và hoa quả, uống nước dừa xiêm.
Năm 1945, ông đến chùa An Sơn ở Bảy Núi, Châu Đốc, quy y cầu đạo với hòa thượng Thích Hồng Tôi. Tu theo luật đầu đà, ông ngồi tại bệ đá trước cột phướn chùa suốt 3 năm, đêm ngày tịnh khẩu, chịu đựng gió sương, thân hình chỉ còn da bọc xương. Năm 1950, ông trở lại xã Phước Thạnh dựng đài bát quái cao 14 thước, đêm đêm lên ngồi hành đạo trên đài, choàng một manh áo, chịu đựng mưa nắng. Mỗi năm ông chỉ tắm một lần vào ngày Phật Đản. Một năm sau, từ núi, ông về lại Bến Tre, dựng một túp lều ở mỏm cù lao Tân Long vào năm 1952.
Sau mấy tháng hoạt động, thấy bất tiện, ông về quê ở ấp I, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, mua một xà lan nhỏ, đậu bên mé sông Ba Lai và dựng một lều cao trên một mẫu vườn dừa, rồi ngồi tu "tịnh khẩu". Bên cạnh đó, ông cất nhà cho một số tay chân phục vụ ở và cho khách vãng lai có chỗ trú ngụ. Kỹ sư Nguyễn Thành Nam bắt đầu xưng giáo chủ của một đạo lấy tên là "Đạo Dừa". Tương truyền, đã có lần ông Đạo Dừa tìm đường xuống hang. Chẳng biết thấy được điều gì mà từ đó ông tịnh khẩu luôn.
Thực chất giếng Chùa hang hay Giếng Trời trên lưng chừng núi Bà là do hoạt động của kiến tạo và những dòng sông ngầm chảy qua tạo nên. Tương truyền giếng này sâu không có đáy và có đường thông ra biển. Nhiều người đã tính thử trèo xuống nhưng đều thất bại.
Đứng ở miệng giếng, nếu thả một nắm giấy xuống sẽ bị gió thổi ngược lên mà không hề rơi xuống. Nhiều người thử ném đá xuống giếng nhưng không hề có tiếng động vọng lại. Chỉ rất ít người như hai ông Thày Chàm và ông Thày Bảy mới biết rằng, trong một hang đá, cách miệng giếng vài chục mét, có một cao nhân đang ngày đêm miệt mài luyện pháp thuật.
Người này, có thể khinh công xuống những vách núi nhẹ nhàng như một cánh chim. Về Pháp thuật của ông thì thực ra chưa ai biết được giới hạn, chỉ biết rằng, rất nhiều cao thủ trên giang hồ là Đệ tử của ông. Theo như suy nghĩ của hai Thày, chỉ có tìm được vị Cao nhân này, mối thù của hai người mới có thể trả được. Nắng vàng rộn ràng trải trên các mỏm đá mồ côi khổng lồ như thúc giục hai vị Thày lên núi thật nhanh.
ên tới lưng chừng núi theo con đường độc đạo vòng vèo qua những bãi đá mồ côi khổng lồ.Có hai con đường lên đỉnh núi: Một đường mòn nằm sau lưng chùa Bà, đường này xấu, khó đi. Một đường mòn khác bắt đầu từ đài Liệt sĩ đi men theo các trụ điện lên thẳng đỉnh núi. Ngày xưa chưa có con đường qua đài Liệt sĩ này.
Hang gió hay Giếng Tiên là tên gọi của một cái hang sâu thăm thẳm sau lưng chủa Hang. Ngày xưa, miệng hang còn to hoang hoác, phủ đầy dây leo, nước ướt đẫm. Sau này để tránh nguy hiểm, người ta mới dùng xi măng xây thu miệng hang lại.
Hai ông Thày tiến tới miệng hang nhìn xuống, một hố đen thăm thẳm ở trước mặt hai người. Không gian lặng thinh, chỉ thỉnh thoảng có vài tiếng rúc nho nhỏ của bọn thằn lằn núi. Ngẩng nhìn lên bầu trời trong xanh vời vợi, một cánh chim nhỏ nhoi đang bập bềnh trong gió ngàn.
Buộc chặt hai đầu hai cuộn dây dù to tướng vào một gốc cây ở cửa hang, hai ông Thày mím môi tụt theo cuộn dây lần từ từ xuống miệng hang. Vừa qua khỏi miệng hang độ vài thước, một làn gió lạnh buốt từ bên dưới thổi lên khiến cả hai ông Thày phải rùng mình. Đó đây, trong màn đen bao phủ, tiếng nước nhỏ tí tách hòa chung với tiếng gió nghe như một bản hợp ca buồn bã.
Hai Thày vội vàng đề chân Khí, đưa dòng Khí từ Đan điền theo dòng Đại Châu Thiên bao phủ, hộ vệ khắp người. Đến bây giờ họ mới hiểu được tại sao bao nhiêu trai tráng trong vùng rắp ranh chinh phục Hang này đều một đi không trở lại. Cái Sơn lam, chướng Khí của hang Gió này thật là độc. Mặc dù được chân Khí của vòng Đại Châu Thiên che chắn, song hai ông Thày vẫn thấy cái lạnh từ từ xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng.
Một tay bám sợi dây, một tay soi ngọn đèn 3 pin cực sáng, chiếu xuống dưới, ông Thày Chàm lần lần tụt xuống trước, kế bên ông Thày Bảy cũng xuống theo ánh sáng của ngọn đèn. Bên ngoài, ngọn đèn 3 pin sáng là thế mà vào trong hang, ánh sáng như bị ép nhỏ lại, chỉ soi mờ mờ vài mét trước mặt. Xuống được chừng 30 m, bắt đầu nghe rõ tiếng thở dốc của từng người.
Kia rồi, Thày Chàm chợt kêu lên, dưới chân hai người, cách khoảng 15 m, có một cửa hang nằm ngang ăn thông với đường từ trên xuống. Mừng rỡ, hai Thày vội vàng tụt xuống cho nhanh.
Bỗng nghe một tiếng soạt thật lớn, trong ánh đèn mờ mờ, hai ông Thày chợt thấy một con dơi cực lớn lao vào và tiếp sau đó là một loạt tiếng vang ầm ầm nghe như tiếng cơm sôi. Một đàn dơi khổng lồ, có sải cánh tới hàng mét ầm ầm lao tới. Phập, phập...những cái mỏ nhọn hoắt của chúng cắm vào da thịt hai ông Thày,như những con dao găm đâm vào. Rụng rời chân tay, hai ông Thày chỉ la Trời lên được một tiếng và phải buông tay, rơi tự do trong màn đêm thăm thẳm của Âm Ty - Địa Ngục.
Trong màn đêm đen hun hút, trong cái thăm thẳm đến buồn nôn của trạng thái rơi tự do, mất trọng lượng, hai ông Thày đã không thể làm gì hơn là nhẩm trong đầu câu khấn QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT: " NAM MÔ CỨU KHỔ CỨU NẠN QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT ". Thời gian tưởng chừng như ngưng đọng, cô đặc sệt lại, Thần Chết như đang cầm lưỡi hái bổ xuống. Bỗng nhiên, như từ cõi hư vô, một chuỗi tràng hạt bằng đá cực lớn, quấn xoay tròn dưới chân hai người.
Chuỗi đá xoay tít, xoay tít, luồng khí do chuỗi đá gây ra như nhẹ nhàng quấn lấy hai ông Thày và như một vòi rồng từ từ cuốn hai ông Thày lên cao. Một giọng sang sảng đầy oai hùng bỗng cất lên:
" THẬP BÁT BỒ ĐỀ LIÊN CHỦNG CHỦNG,
LIÊN HOA KHAI THỦ DIỆU TRÙNG TRÙNG.
CHUYỂN CHUYỂN, LUÂN LUÂN LA HÁN TƯỚNG,
THIÊN LONG BÁT BỘ HỘ VÔ CÙNG " HA!HA!HA!HA!
Đinh Thần lại, hai Thày thấy dưới chân mình là một chuỗi hạt bằng đá màu xanh lá mạ như có chất lân tinh lập lòe. Đó là một chuỗi hạt có 18 viên đá to bằng quả cam đang xoay tít, tạo ra một sức phản lực từ từ đưa hai Thày bay là là vào một cái hang nằm ngang. Tít mãi ở trên cao, bầu Trời bằng một cái đĩa thấp thoáng dọi ánh sáng mờ mờ vào lòng hang.
Khi vừa đặt chân lại trên nền hang, vừa trụ tấn, hai Thày đã thấy trước mặt mình một quái nhân đang cười sang sảng và cười như chưa bao giờ được cười: HA HA HA HA HA......
Quái nhân thật là kỳ dị, thân hình khô đét, mái tóc dài quá vai bồng bềnh, đôi mắt sáng quắc như phát hào quang. Quái nhân cởi trần, trên người chỉ có miếng vỏ cây đập dập làm thành chiếc khố. Chuỗi hạt bây giờ đã nằm vắt ngang ngực ông ta từ trước ra sau. Ánh sáng xanh biếc từ xâu chuỗi phát ra soi tỏ mọi vật quanh ông.
Hai Thày vội vàng quỳ xuống đảnh lễ quái nhân ơn cứu mạng, nhưng lạ thay, chỉ một cái khoát tay nhè nhẹ, hai ông Thày không sao quỳ xuống được, lại phải vòng tay chấp lễ.
Sau khi được phép, hai Thày mới ngồi xuống một tảng đá xanh vuông vức như cái bàn cạnh chỗ Quái nhân ngồi. Vừa ngồi xuống, hai ông Thày vội bật dậy như chạm phải gai.
Thì ra, tấm đá lạnh buốt như băng giá. Thấy vậy, Quái nhân lại bật lên một tràng cười đầy sảng khoái: HA HA HA HA...Lạ một cái là ông ta cứ cười như thể chưa bao giờ được cười vậy. Hai ông Thày thấy thế cũng bật cười làm cho cái hang rung động bởi những trận cười như súng bắn: HA HA HA HA HA...
Cười mãi đến sặc xụa, cả 3 người mới chịu thôi. Lúc này hai ông Thày mới để ý đến cái hang động mà mình đang đứng. Đây là một cái hang được hình thành do dòng chảy mạnh mẽ của dòng sông ngầm trong lòng núi. Trần hang rất cao, có lẽ đến 6-7 mét, hai bên thành hang khá rộng đầy những nhũ đá tua tủa và có ánh sáng xanh như lân tinh.
Có lẽ chuỗi hạt của Quái nhân cũng làm bằng loại đá như thế này đây. Quái nhân ngồi trên một phiến đá vuông vắn có màu xanh đen. Có lẽ phiến đá đó cũng lạnh buốt như phiến đá mà hai ông vừa ngồi ban nãy.
Vách đá đằng sau Quái nhân là một bức tường thẳng tắp mà trên đó khắc chi chít những dòng chữ lạ lùng mà hai ông chưa bao giờ nhìn thấy. Đó không phải chữ Hán, cũng không phải chữ Quốc ngữ đang dùng. Nó hao hao giống như những loại chữ Phù của PaLi, nhưng cũng không phải loại chữ đó. Hai người chỉ biết được có chữ Vạn ở đầu mỗi trang viết.
Thấy hai người mải mê nhìn, Quái nhân buột nói: Chữ Thiên đó, hai nhà người có biết không???Hai ông Thày đều nói không và lần này lại một tràng cười sảng khoái nữa lại vang vọng không gian.
Thấy hai ông Thày đứng lớ sớ, Quái nhân liền nói: " Ta đã cứu hai cái mạng chúng bay, lẽ ra giờ này chúng bay đã là hai đám bột nhão dưới tận cùng đáy hang kia rồi. Hôm nay ta vô cùng sảng khoái, đã lâu lắm rồi ta mới được trận cười thỏa chí đến như vậy. Có lẽ đã 30 năm có lẻ, ta mới thấy lại cái giống người, được nói tiếng loài người. Ta khai cho hai nhà ngươi một đặc ân - Không mau mà bái kiến Sư phụ đi. "
Hai ông Thày nhìn nhau và đồng loạt quỳ xuống khấu đầu làm lễ: Chúng con xin bái Sư phụ. Vẻ hài lòng hiện rõ trong con mắt sáng quắc của Quái nhân.
Tới trước vách đá, ông ta đột nhiên thốt lên một loạt những tiếng lạ tai mà hai ông Thày cũng chưa bao giờ được nghe. Khoảng 30 phút sau, ông ta mới quay lại và nói: Hai chúng bay ra bái Tổ - Thầy đi.
Hai ông Thày liền ra đứng trước vách đá chắp tay lại. Lạ thay, một luồng chân khí từ dưới đất bốc lên, thấm vào khắp lục phủ - Ngũ tạng của hai người. Chất Khí đó làm cho hai người nóng bừng bừng, mồ hôi đổ ra như tắm.
Chưa bao giờ hai ông Thày lại thấy sảng khoái và mạnh mẽ như lúc này. Chất Khí đó thấm sâu dần và dần dần tràn ngập một niềm vui khó tả trong tim, óc hai người. Ngoài kia, chắc mặt trời đã lặn, chỉ có các vách đá sáng xanh lên như những sắc cầu vồng.
Buổi tối hôm đó, Quái nhân đãi hai ông Thày một bữa cơm kỳ lạ. Bữa cơm chỉ có mấy cành lá mọc trong lòng hang, mấy hòn đất trăng trắng mà Quái nhân vừa bới trong một đống đất ở góc hang và một vò nước lạnh.
Lần đầu tiên phải ăn thứ đất đó, hai ông Thày cảm thấy quái lạ. Song khi nhìn Quái nhân nhai đất ngon lành, hai ông Thày cũng thử ăn theo. Lạ thay, miếng đất đó đưa vào miệng có mùi thơm nhè nhẹ và có vị như ta đang ăn một miếng bánh khảo. Loại lá cây mà Quái nhân chiêu đãi giống như một loại Dương Xỉ, nhưng khi nhai, một vị thơm ngát, bùi, béo tràn đầy khoang miệng.
Sau bữa cơm, Quái nhân và hai ông Thày ngồi trò chuyện trong ánh sáng xanh của vách đá. Cuộc đời của Quái nhân quả thực là một pho tiểu thuyết thật ly kỳ.
Ngày xưa, ông là một nông dân nghèo tại vùng Đồng Tháp Mười.Vùng Đồng Tháp Mười nơi ông sinh sống ở phía Bắc sông Tiền. Đến khu vực Đồng Tháp Mười, người ta sẽ bắt gặp những cánh rừng tràm bạt ngàn, những hồ sen, đầm súng, những vườn cò, sân chim mênh mông và hoang sơ không phải nơi nào cũng có.
Nhà ông ở ngay tại Tràm Chim, là khu rừng Tràm có vô vàn loài chim đến cư ngụ. Đây là một khu vực thuộc Huyện Tam Nông - Tỉnh Đồng Tháp.Tràm Chim chịu ảnh hưởng thủy văn của vùng châu thổ sông MeKong, nhận nguồn nước trực tiếp từ sông MeKong thông qua hệ thống kinh thủy lợi (kênh Hồng Ngự–Long An, Đồng Tiến, An Hòa và Phú Hiệp) tràn vào nội đồng và bị ngập lũ hàng năm từ tháng 8 đến tháng 12. Ngày xưa, gia đình ông có một sân chim nhỏ khoảng hơn một mẫu.
Cả gia đình cũng tạm đủ ăn nhờ những thực lợi từ sân chim. Sự việc đau thương xảy ra cũng bắt nguồn từ sân chim đó. Một tên Hương quản, nhờ có thế lực của Pháp, đã cố tình chiếm đoạt sân chim của gia đình ông. Mặc cho những lời dọa nạt, mua chuộc của tên Hương quản, gia đình ông vẫn cương quyết không dời bỏ sân chim.
Một bữa, tên Hương quản đưa một toán lính Pháp tới sân chim của ông. Chúng đưa ra một tấm giấy viết lằng ngoằng chữ Pháp và có con mộc đỏ chói, nói rằng, vùng đất sân chim đã là của Hương quản, gia đình ông ở đây là bất hợp pháp. Tên hương quản tự tay bật lửa thiêu đốt căn nhà mà gia đình ông đang ở.
Chịu không nổi, ông và cậu con trai cầm mác xông vào chém chúng. Chỉ ngay nhát mác đầu tiên, đầu tên Hương quản đã lìa khỏi thân. Cậu con trai của ông lao vào chém gãy tay một tên lính Pháp, song ngay lập tức bị một phát súng mút cơ tông của mấy tên còn lại bắn chết. Chúng trói thúc khửu tay ông lại và chuyển lên Sài Gòn, nhốt vào Khám Chí Hòa.
Trong phiên tòa Đại hình tại chợ Lớn, nhà cầm quyền Pháp tuyên bố tử hình ông vì tội cố sát người Pháp. Chúng đem ông vào nhốt tại Xà lim tử tù tại Khám Chí Hòa. Thời gian chờ lên máy chém thật là gian nam khủng khiếp đối với những người như ông. Mỗi khi nghe tiếng loảng xoảng mở khóa cửa, là ông lại chuẩn bị cho việc lên máy chém. Thường những cuộc xử án tử hình vào khoảng tang tảng sáng. Chính vì thế, những tử tù như ông thường phải lấy ngày làm đêm, còn ban đêm thường thức trắng, phập phồng chờ giây phút bọn lính đến lôi đi.
Thời gian chờ đợi lên máy chém còn đáng sợ hơn cả cái chết, nó làm cho con người ta mềm nhũn cả tinh thần, lo âu, thấp thỏm, ăn không ngon, ngủ không yên.
Mãi đến gần sáu tháng sau ngày tòa tuyên án tử hình, một buổi sáng nghe tiếng loảng xoảng lạnh người của cánh cửa sắt mở ra, ông bị hai tên Mã Tà còng tay giải ra khỏi Đề Lao.
Lên tới một căn phòng rộng, đã thấy bốn người bạn tử tù như ông đang ngồi dưới đất. Cạnh một cái bàn có một người Việt nhỏ bé và một ông Tây mũi lõ, tóc xoăn đang nhìn họ chằm chằm.
Họ xi lô, xi la cái gì đó mà ông không hiểu, cuối cùng người Việt kia bắt tay ông Tây và ra lệnh từng ngừơi tù điểm chỉ vào một tờ giấy có đóng mộc đỏ.
Chúng dồn mọi người ra một cái xe bịt bùng và nổ máy phóng đi. Qua một lỗ thủng ở vách xe, ông và những người tử tù thấy chiếc xe đang lao nhanh về hướng Tây Ninh. Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng, Gò Dầu...lần lượt hiện ra qua lỗ nhỏ ở vách xe. Mọi người vô cùng thắc mắc về chuyến đi này. Thông thường, nếu bị xử chém, chúng đâu cần đưa đi đâu xa. Từ Khám Chí Hòa lên tới Bình Hưng Hòa chỉ có vài Km đường.
Không hiểu chúng có âm mưu gì mà lại đưa họ lên tận Tây Ninh. Cuối cùng, chuyến xe cũng dừng lại và họ bị xô xuống xe. Ngẩng đầu nhìn lên, ngọn núi Bà Đen cao thăm thẳm lừng lững ngay trước mặt họ.
Đến lúc này, người Việt nhỏ bé kia mới quay ra nói với năm người tử tù. Tôi là một nhà Địa chất chuyên thám hiểm các hang động ở khắp đất Đông Dương này. Bữa nay tôi xin được với Chính phủ Pháp một đặc ân cho các ông. Tôi cần các ông cùng tôi xuống thám hiểm Hang Gió của núi Bà Đen này. Công việc rất khó khăn và nguy hiểm.
Nếu thành công, các ông được hoàn toàn tự do và được xóa bỏ án tử hình. Còn....nếu thất bại....thì âu cũng là tại số phận của các ông. Thôi thì đằng nào cũng chết cả, nhưng làm cho tôi, nếu phải chết thì cái chết của các ông sẽ là có ích cho dân tộc Việt Nam.
Ngay lập tức, những cái gông gỗ nặng trịch được cởi bỏ. Năm người tử tù vươn vai hít thở không khí tự do tưởng đã mất đi vĩnh viễn.
Tiếp theo những ngày sau đó, họ tập trung hết nỗ lực để tiến hành thám hiểm cái hang không đáy này. Một cái ròng rọc bằng gỗ có một sợi dây dù rất to, nối liền với một cái giỏ mây to có gắn đèn pha sử dụng Ắc quy được đặt trên miệng hang.
Người ta trang bị cả dao găm, súng Mút Cơ Tông với đầy đủ đạn dược cho những người thám hiểm. Ngày cuối cùng, sau khi mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, viên Kỹ sư Địa chất tổ chức khao quân ngay tại miệng hang.
Một bữa tiệc lớn được tổ chức có đủ rượu NAPOLEON, thịt thú rừng và cả những món hải sản nữa. Đã từ lâu những người tử tù mới được một bữa no say đến như vậy. So với những bữa tiệc cuối cùng trong cuộc đời tử tù thì đây quả là một Thiên đàng. Ít nhiều, họ vẫn còn cái cơ may được sống và trở về với gia đình, dù cơ may đó vô cùng nhỏ nhoi.
Ngày hôm sau, từ sáng sớm, viên Kỹ sư Địa chất đã kêu mọi người ăn no, nai nịt gọn gàng để xuống hang.
Mọi phương án bất trắc đã được tính toán kỹ từ hôm qua, bây giờ chỉ còn phụ thuộc vào mỗi...ý Trời.
Năm người tử tù được phân ra làm ba tốp. Hai người xuống trước, hai người ở miệng hang để quay ròng rọc, một người nữa và viên Kỹ sư sẽ xuống sau. Quái nhân lần này may mắn là được tháp tùng viên Kỹ sư xuống hang lần thứ hai.
Sau khi viên Kỹ sư chúc phúc cho hai người tử tù đầu tiên xuống hang, họ ngồi vào trong cái giỏ mây và ròng rọc được thả xuống.
Một không khí im lặng bao chùm không gian, tiếng hơi thở gấp gáp của hai người điều khiển ròng rọc nghe rõ mồn một. Ánh sáng của ngọn đèn ắc quy cứ mờ dần, mờ dần theo từng mét dây được thả xuống. 10 mét, 20 mét, 30 mét, cái trục tời cứ từ từ nhả ra từng mét dây một trong im lặng đến rợn người. 40 mét rồi 50 mét.
Bỗng nhiên từ dưới hang vọng lên một tiếng thét rợn cả tóc gáy, rồi tất cả lại im bặt. Dây tời tự nhiên nhẹ bỗng. Viên Kỹ sư vội thúc hai người phụ trách quay tời, kéo giỏ lên cho nhanh. Khi giỏ mây kéo lên đến nơi, người ta thấy một đám máu loang lổ khắp cả thành giỏ - Hai người tử tù đã biến mất tăm...
Nét thất thần hiện rõ trên gương mặt viên Kỹ sư và những người tử tù còn lại.
Là một con người sắt đá, viên Kỹ sư quyết không bỏ cuộc giữa chừng. Uy tín và danh dự của một nhà Địa chất chuyên về hang động không cho phép ông được bỏ cuộc. Sau khi nạp đạn và lên cò sẵn hai khẩu Mút Cơ Tông, viên Kỹ sư cùng Quái nhân lại bước vào giỏ mây và hành trình đến với Thần Chết lại được bắt đầu.
Từng mét dây lại được trục tời thả ra, cái giỏ lại từ từ chìm vào màn đen của hang động. 40 mét, 50 mét. Viên Kỹ sư giật dây ra hiệu cho bên trên dừng lại. Ánh đèn ắc quy mờ mờ, ảo ảo soi vào thành hang ẩm ướt. Tay lăm lăm khẩu súng đã lên đạn, hai người cố căng mắt nhìn vào bóng tối mờ ảo.
Một sự im lặng đến rợn người trùm kín hai người. Ra hiệu cho bên trên thả tiếp. Cái giỏ mây lại từ từ trôi xuống trong cái lạnh giá và tối tăm của Âm Ty - Địa ngục.
Bỗng nhiên từ hai phía thành hang, có tiếng hực lên và một cơn cuồng phong ào ạt thổi tới. Trong ánh đèn mờ mờ, hai người thấy một cặp mãng xà cực lớn đang trườn tới.
Đuôi của chúng cuốn chặt vào một doi đá nhô ra, hai cái đầu to tướng há ngoác phun nọc phì phì. Điều lạ là trên đầu chúng có cặp mào đỏ như mào gà trống. Máu trong huyết quản hai người như đông cứng cả lại, chân tay như bị tê liệt.
Khẩu súng trong tay viên Kỹ sư bất thần nhả đạn. Viên đạn bay vào vách đá văng lại vào trúng thân một con mãng xà. Nổi điên, con mãng xà văng người cuốn tròn lấy cái giỏ mây có hai người ở trong xiết chặt. Tiếng súng như làm cho Quái nhân chợt bừng tỉnh.
Ông ta cầm chắc khẩu súng nhằm thẳng vào cái miệng đang há ra đớp viên Kỹ sư và nổ súng. Một tiếng súng chát chúa vang lên, cái đầu con mãng xà lặc lìa, nhưng trong cơn dãy chết, nó cuốn mình xiết chặt cái giỏ và bất thần cái đuôi của nó như một cơn lốc đập vào cái giỏ mây một phát trời giáng. Cái giỏ mây lộn tùng phèo trên không trung, hắt tất cả văng xuống phía dưới.
Viên Kỹ sư cắm đầu, rơi tự do vào khoảng không tối đen mịt mù cùng với xác con rắn. Quái nhân cũng bị hất tung lên cực mạnh bắn về một bên thành hang, nơi đây có một nhánh nằm ngang ăn thông với lòng hang. Cú rơi cực mạnh làm Quái nhân đập đầu vào đá bất tỉnh.
Ở trên kia, nghe tiếng súng và thấy cái giỏ mây nhẹ bỗng, hai tử tù còn lại vội vàng cắm đầu chạy xuống núi. Không gian trở lại yên tĩnh như núi Bà Đen luôn trầm mặc trước mọi thăng trầm của con người.
Tỉnh dậy, Quái nhân thấy xung quanh mình một thứ ánh sáng xanh dịu đang bao trùm. Một sự yên tĩnh kỳ lạ trùm khắp không gian. Tít trên nóc hang, những nhũ đá rủ xuống cũng sáng xanh như đèn Neon.
Cái cảm giác đau đớn hoàn toàn biến mất.Lạ thay, sau cú va chạm khủng khiếp như vậy, tưởng rằng thương tích sẽ đầy mình. Lão đưa tay rà khắp thân thể - Thật là diệu kỳ, không có đến cả một vết bầm tím.
Thấy đói bụng, Lão đi vòng quanh hang để tìm kiếm thức ăn. Thật là xui xẻo, khắp hang, Lão chỉ tìm được một nắm lá cây có dạng như Dương Xỉ, nhưng khi ăn có một vị bùi, béo vô cùng. Hết nằm lại ngồi. Lão suy nghĩ tìm đường ra khỏi hang.
Đường theo miệng hang mà lão rơi xuống thì không thể trở lại được nữa rồi. Chỉ còn con đường duy nhất là lần theo đường hang nằm ngang xem sao. Tẩn mẩn, lão vớ một cục đất trăng trắng ngay bên thành hang đưa vào miệng nhai nhai cho đỡ buồn.
Lạ thay, khi vừa đưa vào miệng, một mùi thơm phảng phất như mùi bánh khảo. Nhai thêm một chút, có vị bùi bùi như ăn gan lợn. Thấy hay hay Lão nhai và nuốt liên tục đến khi no căng.
Lần ra dòng nước nhỏ trong vắt chảy trong lòng hang, lão uống thêm mấy hụm nước coi như xong bữa cơm thịnh soạn. Việc phát hiện ra thứ đất ăn được, khiến lão thêm yên lòng, chờ cơ hội thoát ra khỏi hang.
Bùa Ngãi Việt Nam Bùa Ngãi Việt Nam - Khuyết Danh Bùa Ngãi Việt Nam