Ba Phút Sự Thật epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 4: Một Thoáng Văn Cao
ồi còn đánh Mỹ, tôi làm việc ở Vụ Văn hóa quần chúng. Chị Băng, vợ anh Văn Cao làm ở Ban B, cùng trong ngôi nhà 51- Ngô Quyền, Bộ Văn hóa. Hồi ấy giá gạo ngoài ở Thái Bình lên đến 3 đồng một ký. Người Thái Bình đói kéo nhau về Hà Nội ăn xin. Một buổi trưa tôi ngồi uống nước chè chén 5 xu (ghi sổ nợ) ở cái quán xế bên cửa Bộ. Chợt nhìn thấy Văn Cao cùng với Đoàn Văn Chúc - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa vịn vai nhau, chếnh choáng, xỉêu vẹo đi ngang qua. Tôi ơi ới gọi hai anh vào uống nước, hút thuốc. Lâu không gặp Văn Cao, tôi sửng sốt thấy gương mặt anh bạc trắng như tờ giấy, hai má hóp sâu, chòm râu lơ thơ làm cho khuôn mặt anh càng thêm nhọn hoắt. Trong quán lúc này có bốn năm người khách. Họ đều nhìn anh. Và tôi biết chắc là họ không biết anh là ai.
- Anh hút thuốc lào đi. Tôi đưa điếu cày cho anh, nói với chị chủ quán: - Chị cho tôi gói thuốc lào
Văn Cao chậm rãi thông điếu, hỏi chị chủ quán:
- Thuốc lào của chị là thuốc lào Tây hay thuốc lào ta?
Chị chủ quán ngơ ngác:
- Làm gì có thuốc lào Tây ạ?
Tôi cười giải thích:
- Ý anh ấy muốn hỏi thuốc lào của chị là thuốc lào mậu dịch hay thuốc lào chui. Thuốc lào mậu dịch là thuốc lào Tây.
Chị chủ quán nói:
- Thế thì thưa ông anh, thuốc lào Tây ạ, em không có thuốc lào ta.
Một ông khách móc túi lấy gói thuốc lào bọc trong túi giấy bóng, đưa cho anh:
- Tôi có thuốc lào ta đây. Chính hiệu Tiên Lãng, mời ông ăn thử.
Văn Cao đỡ gói thuốc lào, vê một điếu bỏ vào nõ, nói với ông khách:
- "Ăn thuốc" đó mới đúng là ngôn ngữ của người ghiền thuốc lào - Văn Cao rít một hơi tận sức, từ từ nhả khói - Đúng là chính hiệu Tiên Lãng, ông cho tôi xin thêm điếu nữa?
- Mời ông cứ tự nhiên.
Văn Cao hỏi tôi:
- Quán có tiền đó không, cho mình vay 5 đồng. Hai thằng từ sáng đến giờ chỉ toàn rượu suông, muốn đi ăn bát cháo.
- Em chỉ có ba đồng, anh cầm tạm.
Văn Cao bỏ tiền vào túi. Hai người đứng lên, lại vịn vào nhau, xiêu vẹo dắt nhau đi.
Ông khách cho thuốc lào ái ngại nhìn theo hai người đi khuất ở ngã tư Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo:
- Nhìn cái nước da trắng bệch của ông ta mà tôi phát sợ. Chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Tôỉ hỏi ông:
- Ông có biết ông ấy là ai không?
- Không, tôi đoán là dân ở Thái Bình mới lên. Từ hôm gạo lên 3 đồng một ký, dưới đó nhiẻu người đứt bữa…
Tôi nói:
- Ông ta là người đã viết một bài hát mà mỗi lần hát ìên, cả nước phải đứng nghiêm, kể cả cụ Hồ.
Ông khách trợn tròn mắt:
- Ông ta là nhạc sĩ Văn Cao?
- Đích thị là Văn Cao!
Ông khách đang uống dở hớp nước, ngồi ngẩn ra một lúc lâu như người bị nghẹn, rồi buông lửng một câu:
- Thế thì còn ra thế nào nữa…!
Lát sau chị Băng từ trong cửa Bộ đi ra. Vừa nhìn thấy tôi, chị túm lấy hỏi:
- Từ sáng tới giờ anh có thấy anh Văn đi ngang qua đây không?
- Anh vừa đi cách đây hai mươi phút. Anh hỏi vay tôi năm đồng, tôi chỉ có ba đồng đưa cho anh.
- Có khổ thân tôi không! Ở nhà khách người ta đợi suốt từ sáng tới gần trưa.
- Khách ở đâu đến mà quan trọng thế? Chắc là nhà báo quốc tế đến phỏng vấn anh về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác.
Chị Băng nhăn nhó khổ sở:
- Khách từ Hà Giang xuống, ở Xí nghiệp chế biến chè. Họ muốn nhờ anh Văn vẽ cho cái nhãn chè. Người ta đem xuống 50 đồng với 10 gói chè loại 1. Chờ mãi không được thế là người ta đem tiền, đem chè đi nhờ họa sĩ khác.
Nghe chị kể tôi cũng thầm tiếc cho anh. 50 đồng với 10 gói chè Hà Giang loại 1. Chao ôi, thật đáng tiếc!
Hôm sau tôi gặp Văn Cao, kể lại chuyện hôm qua, hỏi anh:
- Sao anh lại bỏ dở một cái đơn đặt hàng ngon lành thế? Hay anh quên?
- Mình nhớ chứ, chỉ cần ngoạch trong nửa tiếng là có 50 đồng… Nhưng mình bỏ đi lang thang uống rượu suông với thằng Chúc và phải hỏi vay con gái.
Anh lắc đầu:
- Mình rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền…
° ° °
Tôi được quân đội cách mạng giáo dục từ ngày còn là một thiếu niên: "Nhân tài là báu vật của Tổ Quốc. Những người lính chúng ta có nhiệm vụ phải chăm nom, săn sóc, bảo vệ họ như con ngươi của mắt mình".
Năm tôi 17 tuổi là lính trinh sát của Trung đoàn 101. Tôi được cử vào đội bảo vệ cho một nhóm văn nghệ sĩ có tên tuổi ở vùng tự do khu Bốn đi thực tế chiến trường. Chính uỷ trung đoàn Trần Quý Hai đã đến chỉ thị và dặn dò chúng tôi như vậy. Lúc đó chiến trường Thừa Thiên bom đạn đầy trời, chật đất. Sau hơn một tháng đội chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Hơn một chục trận càn vây ráp lớn nhỏ nhưng bọn giặc không đụng được cái lông chân của văn nghệ sĩ. Đội bảo vệ chúng tôi có 8 người, hy sinh mất hai. Còn tôi thì bị thương ở cẳng chân, suýt nữa phải cưa trên đầu gối. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, tôi đã trở thành người lính già đầu bạc, nhưng lời dặn dò của chính uỷ ngày đó vẫn còn tươi nguyên trong ký ức của tôi.
Năm nhạc sĩ Văn Cao 60 tuổi, tôi có làm bài thơ chúc thọ anh, trong đó có đoạn như sau:
Chúng tôi thường mơ đến anh
Như trẻ nhỏ mơ đến những anh hùng, truyền thuyết
Chúng tôi thường mơ
Một hôm nào đó nhạc sĩ Văn Cao bị bốn
bề vây súng giặc
Chúng tôi sẽ xông ra lấy ngực che đạn
cho anh
Chúng tôi thường mơ
Trên chiến trường quê hương Trị Thiên
Chúng tôi sẽ đánh một trận lừng danh
đất nước
Trên sông Hương, sông Thạch Hãn, sông Bồ
Để anh về anh viết trường ca
Như Trường ca Sông Lô!…
Ba Phút Sự Thật Ba Phút Sự Thật - Phùng Quán Ba Phút Sự Thật