Chương 4 - Đêm Bí Mật Ở Cửu Long
ệt nhoài, Văn Bình dựa lưng vào ghế định chợp mắt một lát. Một tiếng động mạnh lôi chàng choàng dậy.
Ông Hoàng đứng trước mặt chàng, không biết từ khi nào, tay thủ chai rượu huýt-ky mới khui và bịch thuốc lá Salem, hai món tri kỷ của Văn Bình. Mặt Văn Bình trở nên sáng rực. Từ trưa đến giờ, bận bịu công việc, chàng chưa được nhắp ngụm rượu và rít một hơi Salem nào.
Ông Hoàng nói:
- Còn 5 phút nữa ta vào vịnh Hồng kông.
Văn Bình dụi mắt:
- Lên bờ ở đâu, thưa ông?
- Cửu Long.
- Sợ gặp tàu tuần tiễu...
- Không sao. Từ hai ngày nay, một cuộc thao diễn thị oai của Đệ thất hạm đội Mỹ diễn ra ngoài khơi. Tàu tuần tiễu của nhà đương cuộc Hồng Kông bị kẹt ngoài đó. Tiềm thủy đĩnh của ta cặp bến Hồng Kông theo một hành lang riêng. Gần đến nơi, tàu sẽ nhô lên một lát cho anh bơi vào bờ.
Mùa này là mùa mưa ở Hồng kông. Nghĩ đến nỗi khổ phải bơi dưới cơn mưa tầm tã, những tia sóng bắn vào mặt như kim châm, Văn Bình ngại ngùng.
Chàng bèn phàn nàn:
- Ông quả cẩn thận. Cứ để tôi đáp máy bay đến phi trường Kai Tak cũng chẳng sao.
Ông Hoàng phì cười:
- Ai chẳng muốn sự giản dị. Nhưng anh đừng quên phi trường Kai Tak là trung tâm gián điệp. Mọi tổ chức do thám quốc tế nhất là R.U. Sô-viết đều có tai mắt ở đó. Vả lại, tôi sẽ ở ngoài khơi trong thời gian anh công tác. Nếu là công việc dễ dàng tôi đã chẳng cất công đi xa, và mất nhiều thời giờ như thế. Tôi cần liên lạc thường xuyên với anh. Khi về chúng mình cũng còn cần đến tầu ngầm nữa.
Văn Bình giật mình:
- Ta sẽ bắt người mang theo?
- Tôi chưa dám chắc.
Biết ông Hoàng chưa muốn nói, Văn Bình lặng thinh. Chống tay ngồi dậy trên giường sắt. Nancy giương cặp mắt to và đen nhìn chàng. Nàng không hiểu tiếng Việt, nhưng căn cứ vào vẻ mặt lo lắng của nàng, Văn Bình đoán là nàng đã biết phong phanh.
Giọng nàng van vỉ:
- Ông đã hứa khoan dung tại sao lại bàn kế giết tôi?
Văn Bình xua tay:
- Cô hiều lầm. Trước sau, chúng tôi vẫn giữ trọn lời hứa. Lát nữa, tôi đổ bộ lên Cửu Long. Nếu tôi bị bắt, đó là do cô lừa tôi mang thân vào hang hùm. Khi ấy, ông Hoàng mới ra tay hạ sát cô, không mảy may thương tiếc.
Nancy cúi đầu. Văn Bình tiếp:
- Vẫn chưa hết. Sau đó, ông Hoàng sẽ giết luôn gia quyến cô. Trước khi rời tầu ngầm, chúng tôi giành cho cô cơ hội chuộc tội cuối cùng. Tôi muốn hỏi lại một điều: những chi tiết cô khai với tôi đúng sự thật tới mức dộ nào? Tôi không nhắc đến những lời khai trong khi cô mê mẩn. Tôi chỉ muốn nhắc đến những lời khai trong khi cô tỉnh táo.
Nancy gật đầu:
- Em đã khai sự thật hoàn toàn.
Văn Bình ra hiệu kín đáo cho ông Hoàng. Ông tổng giám đốc nheo một con mắt, tỏ dấu chấp thuận. Văn Bình quay lại hỏi Nancy:
- Cô dùng huýt-ky?
Ông Hoàng mở cửa ra ngoài. Trong cabin, còn lại Văn Bình với Nancy. Ánh đèn màu xanh nhạt chiếu xuống mái tóc đen mượt của nàng, làm khuôn mặt thuôn dài tăng thêm phần kiều diễm. Văn Bình cầm ly rượu trao tận tay Nancy, rồi trong khi nàng lưỡng lự chàng đã kéo nàng sát người, đặt lên môi nàng một cái hôn dài. Văn Bình nghe rõ tiếng tim nàng đập thình thình như muốn phá toang lồng ngực nẩy nở.
Nancy chếnh choáng như ngưòi say, tuy ly huýt-ky còn rung rinh trên tay, chưa cạn. Trong lòng người nữ điệp viên R.U. chớm nở một tình cảm khó hiểu. Nàng nhận thấy không thù ghét nổi chàng thanh niên khỏe mạnh và nhã nhặn ngồi trước mặt nàng, dầu chàng là kẻ thù, mà nàng có bổn phận hạ sát. Nàng buông tiếng thở dài não nuột.
Cặp trai gái mới quen từ biệt nhau trong sự bịn rịn. Trước khi tầu ngầm nổi lên, ông Hoàng kéo Văn Bình vào góc tối, dặn dò:
- Anh thừa hiểu tại sao tôi phải đến đây. Vì công tác quan hệ đã đành, nhưng cũng vì một đòi hỏi thúc bách khác. Đó là hiện nay ta không còn nhân viên ưu tú nào nữa ở Hồng kông. Tôi nhắc lại: ta không còn nhân viên nào nữa. Toàn thể đã bị giết, do sự chỉ điểm của Nancy.
Hồng kông là vị trí then chốt ở Viễn Đông, mà tôi mất hết tai mắt, anh thấy nguy chưa? Thành ra, một công đôi việc, tôi muốn nhờ cậy anh tiêu diệt các cơ sở địch và lập lại hệ thống của Sở.
Lời tâm tình của ông tổng giám đốc làm Văn Bình cảm động. Trong đời, ít khi chàng cảm động, dầu trước cái chết gần kề, hoặc trước người đàn bà đẹp quỳ gối van xin bằng những lời thảm thiết. Ông Hoàng hạ thấp giọng:
- Tiềm thủy đĩnh chỉ nhô lên hai phút rồi lặn xuống ngay, sau đó nó ra khơi tắt máy, nằm bất động dưới biển. Tầu ngầm nguyên lử không cần phải hút khí trời để xạc bình điện như mọi tầu ngầm khác.
Lát nữa, anh sẽ tìm cách vào bờ bằng phương tiện riêng. Rất tiếc là không thể cấp cho anh một chiếc xuồng cao su, mặc dầu ở đây có nhiều và tiếc hơn nữa, là trên bờ không có người tiếp đón anh như thường lệ. Tôi xin nhắc lại, toàn thể nhân viên của ta đã bị giết. Anh là nhân viên ưu tú cuối cùng của Sở. Nếu anh thiệt mạng, Sở sẽ kiệt quệ...
Chẳng nói, chẳng rằng, Văn Bình đeo vào cánh tay cái va-li nhỏ, bọc vải dù không thấm nước rồi trèo lên tầng trên.
Giàn trên của tàu ngầm còn cách mặt nước hai mét thì Văn Bình đã băng ra ngoài. Chàng đạp chân trồi lên mặt biển. Tiềm thủy đĩnh chạy êm đến nỗi nó ở dưới chàng 10 mét mà chàng không nghe thấy tiếng động cơ.
Như người bị giam dưới hầm tối được lôi ra ánh sáng mặt trời, Văn Bình nhắm nghiền mắt giây lâu. Tứ phía, đèn sáng như sao sa. Ông Hoàng đã tính toán kỹ để tầu ngầm nhoi lên ở một khoảng tối.
Chung quanh chàng, thuyền bè đậu san sát. Bến Hồng kông là nơi tụ tập nhiều thuyền bè nhất Đông Á. Đây không phải là tàu lớn, mà là hàng ngàn con đò nhỏ, hấp háy ánh đèn, loáng thoáng trong khoang có bóng một thiếu nữ đẹp.
Nhưng Văn Bình không có thì giờ tìm kiếm thú riêng của Hông kông ban đêm. Ướt như chuột luột, chàng phải mò mẫm vào bờ. Chàng nhấc cườm tay lên khỏi nước. Cây kim lân tinh của la bàn đã tìm Cửu Long hộ chàng. Chỉ mấy giây đồng hồ sau chàng nhận ra vị trí. Văn Bình đang đối diện khu Tây điểm, trên đường đi Macao. Chàng sải tay, bơi thêm một quãng. Bên phải là đảo Hồng kông, với con đường Co-nốt (Connaught) chạy dài dọc bờ biển. Phía trái là quần đảo Cửu Long, mà từ xa chàng đã nhìn thấy ánh sáng quen thuộc của bến phà Ngôi Sao (Star Ferry) và khách sạn Pen.
Theo kế hoạch, chàng sẽ tới Cửu Long, ngụ tại khách sạn Pen (Peninsula -viết tắt là Pen) sang trọng. Giờ này, chắc Y-von đã ngồi hút thuốc lá vắt vẻo trong một căn phòng nào đó của lữ quán Pen.
Tuy nước chảy xiết, chàng vẫn bơi được nhanh. Bỗng chàng tái mặt, nhào xuổng nước, lặn một quãng xa. Ánh đèn sáng quắc của chiếc ca-nô tuần phòng từ xa chiếu về phía chàng.
Lúc nhô lên, Văn Bình chạm đáy thuyền gỗ. Càng tiến gần bờ, thuyền bè càng nhiều, chàng khó thể tiếp tục bơi. Toàn thuyền là thuyền, đâu cũng thấy thuyền. Mới 8 giờ tối, người trên thuyền còn trò truyện ồn ào. Người Tầu vẫn nổi danh trò truyện ồn ào nhất thế giới.
Thấy một con đò nhỏ để trống, Văn Bình bơi lại định trèo lên. Bỗng có ai gọi giật bằng tiếng Quảng đông:
- Cái gì thế này?
Thì ra chàng lầm. Trên đó có hai không phải một người. Một người đàn ông, và dĩ nhiên một người đàn bà. Họ đang ghì cứng lấy nhau, ép mình trên sàn đò thì Văn Bình xuất hiện. Người Tàu thường dùng đò làm phòng khách sạn. Kỹ nghệ bán tình trên mặt nước bành trướng mạnh mẽ ở Hồng kông vì nạn khan hiếm nhà cửa.
Văn Bình chưa kịp phản ứng thì người đàn bà kêu lên:
- Trời ơi! Kẻ cướp.
Vừa đặt được một chân lên ca-nô, chàng đã phải giáng bàn tay võ sĩ. Chàng vốn quý trọng phụ nữ, nhưng chàng bị du vào tình trạng bất khả kháng nên không được phép giữ gìn lịch sự nữa. Thiếu phụ ngã gục. Gã đàn ông ôm chầm lấy Văn Bình. Lối ôm kín đáo cho thấy hắn là tay quyền Thiếu lâm có hạng. Chàng bèn vung cùi trỏ, quật ngược atémi vào gáy hắn.
Không cần lật hắn lên, và nghe tim đập, Văn Bình biết hắn đã chết. Chàng hơi buồn vì phải giết người, mặc dầu người ấy không là kẻ thù của chàng và không đáng phải thiệt mạng. Nhưng chàng không còn giải pháp nào nữa. Nếu để họ sống, họ có thể trình báo Công an và biết đâu trong Công an có sẵn tai mắt của R.U. Cử chỉ nhân đạo của chàng có thể phá hỏng toàn bộ công tác. Cho nên chàng không ngần ngại phạm tội sát nhân.
Gã thanh niên nằm úp mặt trên sàn đò ướt át. Văn Bình không nghe hắn rên đau. Trong khi ấy nhân tình hắn vẫn thở đều. Văn Bình nhắm mắt thọc ngón tay cứng như bọc sắt vào huyệt u-tô, giữa hai chân mày. Trúng đòn atémi này, đai den nhu dạo cũng tử thương, phương chi đàn bà mảnh khảnh, không có vốn liếng quyền thuật.
Thiếu phụ lịm luôn.
Văn Bình lục thấy hai thùng đựng xăng bằng lát-tích, thùng nào cũng đầy ắp. Chàng lấy dây kẽm buộc hai cái xác vô tội vào nhau, kèm theo hai thùng xăng, đoạn ném xuống biển.
Chàng phải làm như vậy vì sợ mấy ngày sau, thi thể trương phình là nổi lên lềnh bềnh và màn bí mật có thể bị xé rách. Dầu sao, hai nạn nhân đáng thương kia cũng được ôm nhau mãi mãi dưới biển sâu.
Tuy đã quen giết người một cách tàn nhẫn, dầu là tàn nhẫn một cách miễn cưỡng vì điệp vụ đòi hỏi, Văn Bình vẫn cảm thấy lợm mửa. Chàng cặm cụi giải quyết thật nhanh, chung quanh không ai để ý đến chàng. Xong xuôi, chàng nổ máy, lái thuyền sát bờ.
Bộ quần áo ướt sũng của chàng được cởi bỏ từ nẫy và dùng để liệm xác chết. Chàng lấy trong va-li ra bộ com-lê mỏng, rồi mặc vào chỉnh tề.
Nửa giờ sau, Văn Bình ghé bờ. Chàng vẫy xích lô, bảo kéo về khách sạn Pen.
Lê gót khắp thế giới, Văn Bình chưa thấy nơi nào mới cũ lại xung đột với nhau dữ dội bằng ở Hồng kông. Bên cạnh những chiếc xe hơi bóng lộn có thể nuốt chặng đường với 200 cây số một giờ, những đoàn xe buýt tàu điện cao hai tầng lêu nghêu và con tàu lửng lơ bằng dây cáp trên sườn núi cao 500 mét, Hồng kông còn có những đoàn xích lô cổ xưa, xa phu lạch bạch phía trước, lưng cong, tay cầm càng xe như con ngựa.
Xích lô đậu trước khách sạn.
Hành lang mênh mang của lữ quán chật ních du khách. Gần như là thông lệ, người Anh tụ tập bên phải, người Tàu ở phía trái, cùng những người ngoại quốc khác.
Nhân viên tiếp tân lễ phép cúi đầu chào Văn Bình, Hồng kông có 2 mùa: từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch, thời tiết rất tốt cho nên du khách ghé lại đông đảo, khoảng thời gian còn lại đều ẩm ướt, không được du khách ưa chuộng. Văn Bình đến giữa mùa mưa nên tin chắc khách sạn Pen còn thừa chỗ. Quả nhiên, chàng đoán đúng. Phòng chàng ở trên lầu 5. Chàng rẽ trái vào thang máy. Lát sau, chàng đã nằm nghỉ thư thái trên giường.
Trong đời hoạt động, nhiều phen chàng phải xoay sở một mình, nhưng ít khi ngay từ bước đầu, chàng phải mò mẫm như thế này. Lệ thường, đi tới đâu — kể cả đất địch nữa —chàng cũng đều được đặc phái viên của ông Hoàng giúp đỡ tới đấy, không nhiều thì ít. Văn Bình không tin toàn bộ hệ thống do thám của Sở trên đảo đã bị tiêu diệt. Chắc còn sót lại một vài điệp viên nòng cốt nhưng vì lý do dễ hiểu, ông Hoàng đã ra lệnh cho họ án binh bất động.
Nhắm nghiền mắt, Văn Bình có thể hình dung được căn phòng sang trọng của Y-von tức Nancy. Trước khi lên đường qua các thủ phủ châu Á, trình diễn nghệ thuật nuốt lửa và đóng đinh vào mũi, Nancy đã ngụ khá lâu tại khách sạn Pen.
Phòng nàng ở lầu 6, trên chàng một tầng. Nancy đã thay đổi hết đồ đạc của khách sạn, và bày biện theo sở thích của nàng. Từ tấm thảm trải chân bằng len cừu dệt tay Ba-tư đến hộp xà bông sữa Sa-nen số 5 dùng trong nhà tắm, tất cả đều là vật đắt tiền, người thật giàu mới sắm nổi.
Trên miệng tươi tắn của Văn Bình, nở nang nụ cười khoái trá. Thỉnh thoảng, chàng được mục kích bọn khách chơi đêm ẩu đả sứt đầu, bươu trán để tranh giành cho kỳ được cái thú đặc biệt: thú làm gạt-đờ-co cho đàn bà đẹp. Bây giờ, đúng là chàng làm cái nghề vệ sĩ bạc bẽo này. Y-von không có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, nhưng ít ra nàng cũng làm bọn đàn ông đói khát trên quả đất này phải nuốt nước bọt và đua nhau mua kính cận thị.
Văn Bình chợp mắt thiu thiu ngủ. Trong giấc mơ chập chờn, chàng liên tưởng đến Y-von.....
° ° °
Y-von mở nút ve nước hoa Origan. Mùi nước hoa này không hợp với giác quan của nàng. Tuy nó dịu dàng, nhưng lại là thứ dịu dàng hăng hắc, pha đượm cổ kính, nên Y-von không thích. Nàng ưa nước hoa của Dior hơn. Nhưng cho dù không thích, nàng vẫn phải dùng. Ông Hoàng đã dặn nàng kỹ càng: Nancy mê nước hoa Origan.
Y-von đổ một ve xuống nền nhà, còn một ve khác, nàng rắc vào đầu, và quần áo. Căn phòng nhỏ bé của khách sạn Pen thơm sực nức.
Xế chiều, máy bay của hãng PAL đáp xuống phi trường Kai-Tak. Nàng lên thẳng xe hơi về khách sạn. Xe hơi vừa dừng lại, một gã bồi mặc áo cổ đứng, chạy vội ra, mở cửa. Nàng chưa kịp bước xuống, hắn đã thò đầu vào, chìa tay cho nàng nắm, miệng đon đả:
- Chào Nancy...
Y-von tái mặt. Nàng đinh ninh bọn bồi chào Nancy là bà, ngờ đâu họ lại
đón tiếp một cách quá ư thân mật. Sự kiện này có nghĩa là Nancy có tính bình dân, hoặc giả nàng lả lơi với tất cả mọi người.
Y-von nhìn kỹ mặt gã bồi. Hắn trạc tuổi như nàng. Bộ mã hắn khá khôi ngô. Súng sính trong bộ đồng phục công nhân khách sạn, hắn còn đẹp trai thế này, không hiểu khi diện com lê thắt cà vạt toàn lụa và dận giày mũi nhọn của Ý, hắn sẽ đẹp trai đến đâu nữa.
Gã bồi lặp lại lời chào thân mật. Y-von mỉm cười chào lại. Ông Hoàng đã dạy nàng học thuộc nhiều thói quen của Nancy, không ngờ lại quên mất chi tiết bé nhỏ này. Y-von đành mỉm cười, vì nàng không biết gã bồi kia là ai, nàng cũng không biết nên trả lời cách nào cho thích hợp.
Gã bồi trợn mắt, kinh ngạc:
- Kìa Nancy còn không nhận ra tôi nữa ư? Woòng đây mà!
À, ra anh chàng Woòng! Nhưng Woòng là ai mới được chứ? Y-von cố trấn tĩnh, để khỏi lộ vẻ lo lắng trong tròng mắt. Nàng đáp nhát gừng:
- Chào anh, tôi bị đau!
Giả vờ mệt mỏi, Y-von lảng vào bên trong. Mọi người đều cất tiếng chào nàng. Thang máy ngừng lại ở tầng 6, gã bồi ở tầng này cũng toét miệng:
- Ơ kìa, Nancy đã về.
Gian phòng của cô gái nuốt lửa ở cuối hành lang, cửa sổ mở xuống đường Sôn-be-ry (Salisbury), đối diện bến tàu sang bên Hồng Kông. Dáng điệu quen thuộc, Y-von ngồi xuống xa-lông, lấy thuốc lá hút.
Mấy tháng trước, thức đêm trong vũ trường Sài gòn, Y-von thường hút thuốc Kent, loại thuốc đầu lọc rất nhẹ, giành riêng cho phụ nữ. Nhưng Nancy lại ưa thuốc lá Ăng-lê hiệu Rothmans nghĩa là thứ thuốc nặng hơn Kent gấp bội.
Mỗi khi nuốt khói, Y-von cảm thấy đắng nóng ở cuống họng, nhưng sở Mật Vụ vẫn cứ bắt nàng bầu bạn với thứ thuốc đáng ghét này.
Y-von quay lại á xẩm kính cẩn chờ lệnh:
- Tôi cần ngủ một lát. Ai hỏi cũng nói tôi đi vắng.
Á xẩm ra ngoài, cửa đóng lại. Y-von dụi điếu thuốc lá mới cháy phần ba vào đĩa đựng tàn pha-lê trắng toát. Nàng hân hoan ra mặt khi khỏi phải hút thứ thuốc Rothmans của nợ này.
Dựa lưng ghế, Y-von bâng khuâng kiểm điểm công việc sẽ làm. Như nàng đã nói với gã bồi đẹp trai dưới đường, quả nàng rất mệt. Hai cuộc giải phẫu trong một thời gian ngắn đủ làm đàn ông vạm vỡ mất sức, huống hồ phụ nữ yếu đuối như nàng.
Sau đó, nàng phải vùi đầu vào cuộc huấn luyện tại Sở Mật Vụ: rồi hối hả lên phi cơ và trực thăng đi Hồng Kông. Nhưng đúng ra, nàng mệt vì hành trình là ít, mà mệt vì nghĩ ngợi vẩn vơ thì nhiều. Trên đời, không ai biết mình mắc bệnh ung thư nan y mà không tuyệt vọng. Nàng biết chẳng còn sống bao lâu nữa. Chỉ sáu tháng? Một năm là cùng. Dầu mới 25 tuổi, tuổi thần tiên của đàn bà có nhan sắc, nàng cũng không luyến tiếc lắm nếu phải lìa bỏ cõi trần.
Y-von chỉ tội nghiệp cho bé Hồng. Hòn máu ngây thơ kia đã làm gì lên tội. Chồng nàng mệnh một, khi bé Hồng còn là bào thai nằm trong bụng mẹ. Chàng là hoa tiêu quân sự bị rớt trong một phi vụ trên vùng địch.
Tay trắng lại không nghề nghiệp, nàng đành dấn thân vào đời vũ nữ, thế rồi... Y-von lắc đầu thật mạnh, cố xua đuổi hình ảnh của tội ác luôn luôn lởn vởn trong trí. Kể ra đối với một thiếu phụ góa chồng đã 5 năm, lại còn trẻ đẹp thì tái giá không phải là tội ác, nhưng nàng không được quyền tái giá. Nàng sắp chết.
Y-von gục đầu vào bàn tay khóc nức nở.
Lát sau, chợt nhớ đến hành động ủy mị của mình, nàng bèn rót rượu uống. Hơi men ngấm vào làm nàng rắn rỏi. Nếu không lao đầu vào công tác hiểm nghèo này nàng cũng chết. Chết trong vòng 6 tháng hay một năm. Khi đó bé Hồng sẽ đói khổ và mẹ nàng, gần nửa đời cong lưng dưới sức nặng của túng thiếu và nghịch cảnh, sẽ ưu phiền mà chết. Nhận lời đi Hồng kông, Y-von khỏi phải lo cho tương lai của bé Hồng: ông Hoàng đã cam kết nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn, bà cụ già sẽ được sống cạnh cháu trong cảnh sung túc.
Được thế, dẫu phải chết thảm thê, Y-von cũng coi thường. Nàng không chán nản nữa mà phấn khởi hẳn lên.
Và biết đâu....biết đâu Văn Bình sẽ để ý đến nàng. Biết đâu một phép lạ nào đó sẽ cứu nàng thoát khỏi lưới tử thần. Và nếu phải chết thì còn gì sung sướng hơn được chàng trai khôi ngô và cường tráng ấy vuốt mí mắt, và ôm chặt vào lòng..
Y-von bật cười một mình. Dạo này, nàng khóc và cười thất thường. Có lẽ đó là hậu quả của những ngày những đêm suy tư về căn bệnh ghê gớm.
Y-von ngoảnh mặt ra cửa. Nàng nghe rõ tiếng đế giầy cao su dẫm lên thảm trải hành lang. Đến trước phòng nàng, bàn chân bí mật tốp lại, rồi một mảnh giấy trắng gấp đôi được luồn dưới khe cửa vào phòng. Nàng chờ tiếng giầy đi khuất mới lượm tờ giấy. Mở ra nàng đọc như sau:
Đêm nay, đừng đi đâu hết...
Y-von nhún vai xé tờ giấy thành nhiều mẩu li ti, vứt vào chậu rửa mặt, giật nước cho chảy xuống. Nhưng vòi nước không chảy giọt nào. Nàng sực nhớ đã gần 9 giờ tối. Cách dây một lát, vào buồng tắm, nàng còn mở nước ào ào 1. Nàng bèn lấy cái gáo sắt tây múc nước được trữ sẵn trong cái thạp nhỏ, dội vào đống giấy vụn.
Đoạn nàng trở ra phòng ngoài, rót thêm ly rưọu đầy. Lá thư hồi nãy, Y-von biết chắc không phải của Văn Bình. Như vậy có nghĩa là thư này do nhân viên gián điệp Sô-viết gửi cho nàng.
Ruột Y-von bỗng nóng như lửa đốt. Linh tính có việc chẳng lành, nàng đứng vụt dậy.
Một tiếng thét ngoài hành lang đập vào tai nàng. Tiếng thét ú ớ của người bị bóp cổ.
Bàn tay cầm ly rượu run bắn. Suýt nữa nàng làm rớt. Bồ hôi vã đầm đìa trên trán, nàng không ngờ mới đến nơi đã phải chứng kiến một cuộc thanh toán rùng rợn. Địch khám phá ra nàng là Nancy giả mạo chăng? Nếu vậy, giờ vĩnh biệt của nàng đã tới.
Ai bị hạ sát ngoài hành lang? Tim Y-von đập thình thịch. Đột nhiên, nàng lo sợ thay cho Văn Bình. Giả sử nạn nhân là chàng, thì mọi hy vọng của nàng đã tan thành mây khói.
Nàng nghe rõ tiếng xác người ngã bịch xuống sàn gác. Rồi tiếng giầy bước rảo.
Chưa bao giờ Y-von lại hoảng hốt bằng khi ấy. Nàng muốn la cầu cứu, nhưng tiếng la của nàng bị một bàn tay vô hình chẹn cứng trong yết hầu, mãi sau, nàng mới buột được tiếng rên yếu ớt:
- Trời ơi!
° ° °
Rusôlốp kéo riềm, mở rộng cửa sổ, nhìn xuống đường. Bóng tối đã đổ xuống Cửu long từ nãy. Những tiếng động quen thuộc từ dưới đại lộ Sôn-be-ri vọng vào tai.
Hắn đứng bất động rất lâu.
Đúng theo kế hoạch, đồng hồ ở trường bay Mạc tư khoa chỉ 1 giờ đêm thì phi cơ cất cánh. Trên chiếc I-Iiu-sin khổng lồ từ Nga sô đi Phúc kiến, Rusôlốp chễm chệ ngồi ở trên ghế hạng nhất. Phi cơ vốn là bạn thân của Rusôlốp vì không tháng nào hắn không cưỡi gió rời đất Nga, để hoạt động trong các quốc gia Tây Phương.
Hoàng hôn vừa tắt nắng thì Rusôlốp vượt biên giới Hoa lục sang Hồng kông.
Vượt biên như vậy là thường. Trong quá khứ, Rusôlốp từng vượt biên vào Cửu Long hàng chục lần, với sự giúp đỡ của công an lục địa.
Năm giờ chiều.
Rusôlốp thuê phòng tại khách sạn Pen. 5gl5 phút, Rusôlốp gọi điện thoại. 5g30 phút hắn trở lên phòng ở lầu 6, cách phòng Nancy 15 mét.
Đối với điệp viên Sô-viết R.U. phải được tín nhiệm và biệt đãi mới được phái sang Hồng kông.
Rusôlốp được chọn vì hắn từng lập nhiều thành tích rực rỡ. Phen này, mọi việc xong xuôi, hắn sẽ có rủng rẻng tiền bạc mời người yêu đi nghỉ mát ở Sochi, trên bờ biển Hắc Hải.
Rusôlốp lim dim cặp mắt, nhớ đến Valôra. Nàng mới 20 tuổi, cái tuổi dệt thật nhiều mộng đẹp. Nhiều năm lăn lộn ở Tây phương đã ảnh hưởng tới sắc đẹp của Valôra, hắn đã dùng mỹ phẩm biến cải nàng thành một giai nhân đợt sống mới khêu gợi, với bộ tóc đuôi ngựa nhuộm vàng vắt vẻo, cái quần "din" bó sát mông và cặp môi hàm tiếu tô son đắt tiền mang nhãn hiệu Ba Lê. Chuyến này, Rusôlốp chẳng cần mua nhiều. Chỉ cần mấy chục thỏi son và ít ve nước hoa thơm dịu của Pháp, và nhất là mấy cái đĩa hát giật gân, là hắn muốn lưu giữ Valôra ở Sochi bao lâu cũng được.
Rusôlốp cảm thấy việc hắn sắp làm không mấy khó khăn. Trong quá khứ, người ta giao cho hắn những điệp vụ khó khăn hơn nhiều. Hắn chỉ chờ đúng giờ, nhẹ nhàng thót ra hành lang, tìm phòng Nancy, báo tin nàng biết là hắn đã tới.
Có thế thôi. Sáng mai, nếu không gặp trở ngại hắn sẽ rời Hồng kông, và đêm mai, trình diện tại văn phòng tướng Grubô ở Mạc tư khoa.
Rusôlốp xoa tay, ra vẻ khoan khoái. Trận mưa chiều vừa trút xuống Cửu Long làm khí trời dễ thở.
Rusôlốp thính tai đến nỗi nghe rõ tiếng chân xa phu lội bì bõm trong những vũng nước to tướng dưới đường, sáu tầng gác phía dưới.
Vươn vai xương sống kêu răng rắc, hắn sửa soạn ra ngoài. Mảnh giấy viết cho Nancy, hắn đã nhét cẩn thận vào túi áo vét-tông.Tuy trời nóng, hắn vẫn mặc com-lê, vì hắn cần tỏ cho nhân viên khách sạn Pen biết hắn là phú thương ghé đảo du hí và mua sắm.
Rusôlốp thong thả khép cửa. Đèn ngoài hành lang vụt sáng. Một người Ấn độ đầu quấn khăn trắng khệnh khạng qua mặt hắn. Bộ tịch nguời này làm hắn suýt phì cuời. Hắn không thương nổi cái khăn rế ngất ngưởng trên đầu gã đàn ông Ấn mà hắn gọi xách mé là băng bệnh viện.
Một cặp trai gái người Âu ôm cứng nhau ở khuỷu hành lang, miệng gã đàn ông nồng nặc mùi rượu vốt-ka, thứ rượu mà Rusôlốp ưa thích, cô gái mặc bộ xiêm y kỳ lạ may bằng thứ vải kỳ lạ. Rusôlốp cho là kỳ lạ vì hắn ít thấy ở nơi công cộng, nhất là ở nơi đông người Anh. Nổi tiếng là kín đáo, một thứ lụa mỏng hơn giấy bóng, may cắt hở hang đến lõa lồ, gấp 5 gấp 10 sự lõa lồ trong những phim đã bị kiểm duyệt.
Rusôlốp huýt sáo, tiến về phòng Nancy. Qua khỏi cửa phòng, hắn dừng lại, cúi xuống, giả vờ buộc dây giầy. Thủ đoạn buộc dây giày cổ điển này thường được áp dụng mỗi khi nghi ngờ bị người lạ đi theo.
Cổ họng Rusôlốp bỗng khô đắng. Giầu kinh nghiệm, hắn biết hiện tượng này báo trước điềm gở. Vì vậy hắn bắt đầu nhột nhạt.
Vừa cúi xuống, hắn phắt dậy và quay vội đầu ra phía sau. Hắn không thấy ai, ngoại trừ một á xẩm, là nhân viên khách sạn. Á xẩm cung kính chào hắn, đoạn bước rảo...
Hắn toan gọi giật thiếu phụ lại, song nghĩ thấy vô lý nên lại thôi. Nếu muốn thủ tiêu Rusôlốp — một tinh hoa R.U. — địch phải huy động những cây súng cừ khôi, không lẽ lại dùng một á xẩm yếu đuối, chỉ tát khẽ là thiệt mạng.
Thiếu phụ đi khuất, Rusôlốp bước nhanh lại phòng Nancy. Hắn quỳ gối, đế giày cao su mềm phát ra tiếng ọt ẹt. Mảnh giấy trắng gồm vẻn vẹn một chữ "Đêm nay đừng đi đâu hết", được gửi cho Nancy. Giòng chữ này là một ám hiệu: nếu quả người đàn bà trong phòng là Nancy, đúng 30 phút sau, nàng sẽ xuống thang máy, vòng qua lộ trình đã định và sau cùng đáp đò máy sang bên Hông kông.
Nghe tiếng giày cao gót lộp cộp lại cửa, hắn biết Nancy đã nhặt được lá thư. Nửa phút sau, hắn đánh diêm châm thuốc lá, lỉnh ra cầu thang. Và khi ấy, cuộc tấn công như vũ bão đã diễn ra...
° ° °
Như trong đầu có chuông reo, Văn Bình bừng tỉnh. Nhìn đồng hồ, chàng biết đã ngủ quên 15 phút.
15 phút nghỉ xả hơi đã mang lại sự khỏe khoắn cho chàng. Sự mệt mỏi vì thức đêm chồng chất đã biến hết. Văn Bình cảm thấy nhẹ nhõm và sảng khoái như được tắm trong hồ nước mát rợi, giữa trưa hè nóng bức.
Đã lâu mới có dịp ghé Hồng kông, chàng nhớ nhung lạ lùng. Lê gót qua nhiều nơi, Văn Bình chưa thấy thủ phủ ban đêm nào được du khách đàn ông, nhẵt là đàn ông chưa vợ si mê bằng Hồng kông. Với 235 hòn đảo lớn nhỏ, lớn nhất là đảo Hồng kông được coi là một trong ba hải cảng đẹp nhất trên thế giới 2, với những thực đơn lạ lùng mà tuyệt diệu như món chân gấu, và món lưỡi vịt của nhà hàng Tai Tung, món cừu nướng Mông cổ, món lẩu độc nhất vô nhị hoặc món rắn, đủ kiểu hầm, xào, chiên, om, sổt chua ngọt, ninh, gỏi trong số 250 ngàn con rắn được mổ thịt mỗi mùa rét trên đảo.
Đó là chưa kể những tiệm ăn nổi huy hoàng trên mặt nước. Những cô gái eo nhỏ bằng trét tay trong các hộp đêm thần tiên. Trời ơi! Những cô gái Tàu nhỏ xíu, rún rẩy trong áo sường sám bó chặt, xẻ quá đầu gối, làm tượng đá cũng phải quay cuồng...
Trước giờ chàng lên bờ, ông Hoàng đã căn dặn công việc trước, giải trí sau. Văn Bình đành nuốt nước miếng cho đỡ thèm. Đêm hè mát mẻ thế này còn gì sung sướng bằng lái xe mui trần lên đỉnh núi với giai nhân có suối tóc mun đen tha thướt buông theo gió như Nancy Kwan trong phim "Thế giới của nàng Suzy Woong"... Hoài của, Văn Bình được ghé Hồng kông, ngụ trong khách sạn đầy ắp thú vui ban đêm, mà phải ngoảnh mặt đi chỗ khác.
Chàng nhăn mặt quăng điếu Salem mới hút một nửa, qua cửa sổ xuống đường. Giờ này, chắc con tàu đen sì của ông Hoàng đã nằm yên trên san hô và rong biển ngoài khơi. Ông Hoàng có thói quen dùng cơm tối rất sớm. Bữa ăn thường có Nguyên Hương hầu bên, và tứ thời, hạ cũng như đông, ông vẫn ăn uống đạm bạc, gần như nhà tu, với cái khay nhỏ đựng đĩa cơm đã đi hơi, bìa đậu phụ rán và bát canh rau lõng bõng.
Nhiều lần bắt gặp ông tổng giám đốc Mật vụ ngồi sau mâm cơm, Văn Bình ứa nước mắt. Chẳng bù với chàng: trong những ngày tạm nghỉ giữa hai điệp vụ, chàng sống theo cung cách đế vương. Chàng cần bao nhiêu tiền, chỉ cần viết mẩu giấy nhỏ, hoặc gọi điện thoại về, là ông Hoàng xuất ngân lập tức, và nhiều khi ông không hỏi chàng lấy nhiều tiền để làm gì.
Văn Binh tự biết đó là nhược điểm, nhưng chỉ biết mà không chữa được. Chàng biết mình sau này sẽ chết già, hoặc ngã gục trong phòng tối, chứ không thể hy vọng ngồi vào cái ghế ông Hoàng, vạn nhất ông tổng giám đốc từ trần.
Chắt lưỡi, Văn Bình vặn nắm cửa.
Lên đến tầng 6, chàng dựa lưng vào tường. Từ cuối hành lang. Rusôlốp chậm rãi bước tới, Văn Bình không biết Rusôlốp là ai, nhưng đến khi hắn quỳ xuống, đút lá thư nhỏ qua khe cửa, chàng gật đầu ra vẻ thỏa mãn. Chàng còn thỏa mãn hơn nữa — mặc dầu chỉ là thỏa mãn trong sự kinh ngạc — khi thấy một bóng người vạm vỡ, thập thò gần thang máy, cách phòng Y-von một quãng.
Nhanh như con beo gấm, bong đen tiến sát sau lưng Rusôlốp. Dưới ánh đèn nê-ông, Văn Bình nhận diện được một người Á-đông, chắc là người Tầu, vẻ mặt lầm lì, như tạc trong phiến đá vô tri giác, bụng phưỡn ra đằng trước tuy chưa lấy gì làm lớn tuổi.
Văn Bình núp bên cánh cửa, thản nhiên chờ đợi sự việc chàng đã đoán trước. Chàng thấy rõ bóng đen vạm vỡ hoành cánh tay chẹn vào cổ Rusôlốp.
Rusôlốp co chân, cố gắng phản công, nhưng trong nháy mắt đã khựng lại. Không cần đến gần, Văn Bình đã biết một mũi dao nhọn hoặc họng súng gớm ghiếc đã kề vào lưng nạn nhân.
Dường như biết trước số phận kẻ thù sẽ giành cho mình, Rusôlốp quay người nửa vòng. Bóng đen vạm vỡ xiết chặt một tay quanh cổ Rusôlốp, tay kia thọc mạnh lưỡi dao.
Rusôlốp thét lên một tiếng. Bóng đen bồi thêm nhát dao thứ hai vào gáy Rusôlốp. Gã điệp viên chọc trời, khuấy nuớc của R.U. giẫy lên đành đạch như con cá bị chém đứt cổ trên thớt, đoạn nằm sóng sượt. Bóng đen vạm vỡ tóm hai chân nạn nhân, kéo sềnh sệch. Cách Y-von 3 phòng, hắn dừng bước.
Văn Bình không bỏ sót một cử chỉ nào của hắn. Chàng thấy hắn lôi xác chết vào phòng rồi khép cửa. Chàng lướt nhanh tới. Áp tai vào ổ khóa chàng thoáng nghe tiếng nước chảy ào ào trong buồng tắm. Chắc hung thủ đang giật nước vào hồ để thủ tiêu xác chết vừa được tưới át-xít.
May mắn cho chàng, cửa phòng không khóa. Chàng đẩy mạnh cửa và xông vào, tay thọc túi quần. Chàng quên mang theo khẩu Luger quen thuộc, hoặc cái túi da đựng bộ dao lá liễu. Nếu phải đối phó với đối phương võ trang chàng ít có hy vọng chiếm phần thắng.
Chàng hớ hênh thật. Chàng đã vô tình bện dây thòng lọng vào cổ. Cửa phòng mở toang chàng mới lọt vào, một câu tiếng Anh rất sõi đã dóng dả sau lưng:
- Chào bạn.
Văn Bình muốn quay lại, song không kịp. Đối phương quả là kẻ giàu kinh nghiệm trong nghề đi ngang, về tắt, nên đã đoán được ý định của chàng.
Mũi súng dí sát xương sườn, chàng bị đẩy ngồi xuống ghế xa-lông. Kẻ
hăm dọa chàng không phải ai xa lạ. Hắn là bóng đen vạm vỡ hồi nẫy. Khác một điều là hắn ra tay rất nhanh nhẹn, tuy bụng hắn khá lớn.
Đối phương trạc 40, cái tuổi khôn ngoan của người Á đông. Theo thông lệ, điệp viên bao giờ cũng trẻ, từ 20 đến 30 là cùng. Quá 30 ít khi được tuyển dụng vào ngành do thám hành động. Hắn trạc 40, điều này chứng tỏ hắn đã sống 10 năm trong nghề. Trong xã hội giết người như đập muỗi này, hắn phải đạt bản lãnh siêu phàm mới hy vọng sống quá 10 năm không chết.
Khuôn mặt hiền lành của hắn làm chàng kính nể. Điệp viên có bộ mã khả ái thường là kẻ giết người không gớm tay.
Hắn mỉm cười, nhe hàm răng cáu vàng vì thuốc lá. Văn Bình cũng cười trả, giọng khinh mạn:
- Anh lầm rồi.
Hắn líu lo một tràng tiếng Nga. Vốn giỏi tiếng Nga, Văn Bình hiểu hắn hỏi chàng về công tác của Rusôlốp. Văn Bình mừng thầm. Chàng vừa phăng ra một bí mật. Kẻ bị hạ sát ngoài hành lang tên là Rusôlốp người Nga. Trước khi đến khách sạn, chàng đã được ông Hoàng cho biết Nancy phục vụ cho R.U. Sô-viết và đêm nay, một nhân viên Sô viết sẽ tiếp xúc với nàng.
Đối phương vừa dùng tiếng Nga để hỏi chàng. Như vậy, đối phương đinh ninh chàng ở cùng một tổ chức R.U. với Rusôlốp.
Văn Bình đáp lại bằng tiếng Nga:
- Tôi không biết gì hết. Tôi chỉ có bổn phận hộ vệ Rusôlốp.
Gã Tàu hỏi vặn:
- Mày cùng đi với hắn từ Mạc tư Khoa?
Văn Bình đáp liều:
- Không. Tôi hoạt động ở đây.
Gã Tàu gật gù:
-Thảo nào. Thảo nào, trong chuyến phi cơ ghé Phúc Kiến không có mày. Dầu sao mày cũng là tay sai của R.U. ở Hồng kông. Mày phải chết.
Văn Bình van lơn:
- Lạy anh, anh tha cho em. Em chỉ là tép riu.
Gà Tàu cười the thé:
- Tha hả? Mày đừng hòng. Nhưng thôi, tao chẳng thèm giết mày làm gì, phí đạn của tao. Đáp lại, mày phải giúp tao, giúp tao một việc, một việc cỏn con.
Văn Bình nói:
- Vâng, em xin cố gắng.
- Tốt, mày cho tao biết Lêônit ở đâu?
Văn Bình giật mình thon thót. Lêônit? Lêônit? Thú thật, chàng mới nghe tên này lần đầu. Chàng bèn làm bộ đau khổ:
- Thưa, em không biết.
Gã Tầu thuận tay tát Văn Bình một cái. Không tránh, Văn Bình hứng trọn năm ngón tay vào giữa má. Chịu đòn đã quen mà chàng cũng đau điếng. Thế mới biết đối phương là kẻ có nội lực thâm hậu. Vả lại, nếu là tay xoàng thì làm sao khuất phục nổi Rusôlốp trong vòng 30 giây đồng hồ ngắn ngủi?
Dường như hả hê trước phản ứng vụng về của Văn Bình, phản ứng của kẻ không am tường quyền thuật, gã Tàu bắt đầu khinh thường. Múa khẩu súng lục trong tay, hắn gằn giọng:
- Đừng hòng dối tao.Mày mà không biết Lêônit? Ở đây, ai lại không biết cái thằng già giám đốc Viễn Đông Vụ ấy.
Một giọt bồ hôi chảy từ má xuống trán Văn Bình. Giờ đây, chàng mới ngán ông Hoàng. Cử chàng đi, ông đã tính trước là điệp vụ Hồng kông sẽ không dễ dàng như lấy cái bật lửa trong túi.
Nhưng chàng biết nói sao đây? Kẻ đứng trước mặt chàng là một đối thủ một mất, một còn của R.U. Sô viết. Trên thế giới có hơn 10 cơ quan gián điệp chống lại R.U. Vậy hắn ta là ai? Là người của Phòng Nhì, của C.I.A., của tổ chức Gehlen Tây Đức hay của MI Anh quốc.?
Hắn tát chàng cái nữa. Văn Bình vẫn không tránh.
Bàn tay trái của hắn vừa chạm má, chàng phóng ngay phi cước vào cườm tay mặt cầm súng. Hắn lảy cò. Đoàng đoàng. Hai tiếng nổ liên tiếp.
Phòng được đóng kín, lại gắn máy điều hòa khí hậu, nên tiếng súng chát chúa khó có thể lọt ra ngoài. Đối phương chưa kịp bóp cò tiếp, Văn Bình đã bẻ quặt bàn tay trái của hắn, xương gẫy răng rắc. Sống bàn tay phải của chàng thủ sẵn từ nãy, được vung tréo vào thái dương kẻ thù.
Miếng võ tuyệt luân này giết chết đối phương trong vòng một tích tắc đồng hồ, Văn Bình quỳ cạnh xác chết. Trong túi hắn tuyệt nhiên không có mảnh giấy cỏn con nào. Ngay cả miếng vải hình chữ nhật, thêu tên hiệu may cũng bị giật ra không biết từ bao giờ. Nghĩa là trước khi sai hắn đến khách sạn, người ta đã chuẩn bị chu đáo, đề phòng hắn ta bị bại lộ tung tích.
Hắn nằm dài trên sàn nhà, mắt mở thao láo, nét mặt còn nhiều sửng sốt, chứng tỏ hắn không ngờ sẽ bị hạ sát một cách thảm thê. Văn Bình vuốt mắt
hắn. Chàng vốn kính trọng kẻ thù đã chết.
Văn Bình nghe thấy tiếng động nhỏ.
Chàng ngoảnh lại. Rusôlốp gượng ngồi dậy, tròng mắt lạc thần, cố hướng về phía chàng. Vết thương sau gáy đổ máu thành vũng trên nền phòng, mặt hắn, quần áo hắn đều bê bết máu.
Một ý nghĩ bùng lên trong óc Văn Bình. Chàng lại bên Rusôlốp. Không cần xem xét vết thương, Văn Bình biết là hắn sắp vĩnh biệt cõi đời. Mũi dao của gã Tàu đã đâm trúng yếu huyệt. Văn Bình ghé miệng sát tai hắn, giọng thân mật:
- Tôi đây mà. Chào đồng chí Rusôlốp.
Trên cặp môi tái nhợt của Rusôlốp, phảng phất nụ cười đau đớn và tiếc nuối:
- Tôi biết. Tôi đã nghe hết. Ông Lêônit đến khi nào?
Văn Bình đáp lưỡng:
- Mới đến.
Đoạn chàng hỏi bừa:
- Nhưng tôi chưa biết ông Lêônit hiện đang ở đâu. Phiền đồng chí cho biết.
Lẽ ra Văn Bình không nên hỏi điều đó. Là điệp viên ưu tú, Rusôlốp tất phải nghi ngờ. Văn Bình bám vào một hy vọng mỏng manh: giây phút lâm chung, may ra Rusôlốp không còn đủ sáng suốt để nhận định và vô tình tiết lộ bí mật.
Văn Bình đọc thấy một thoáng ngạc nhiên trong đôi mắt lờ đờ của Rusôlốp.
Hắn thều thào:
- Quái, đồng chí chưa biết! Đồng chí đến chỗ cũ chưa?
- Rồi. Mà chẳng thấy gì. Tôi nghi ông Lêônit bị nạn.
Tròng đen của Rusôlốp sáng rực. Hắn thu hết tàn lực vào câu nói:
- Thế à? Vậy đồng chí liên lạc với ông tùy viên thương mại tòa đại sứ Nicaragua. Nhớ không? Tên y là Gômê. Y sẽ dẫn đồng chí tới ông Lêônit.
Văn Bình gật đầu:
- Cám ơn anh.
Thốt nhiên, Rusôlốp nhỏm dậy. Lông mày hắn nhíu lại, miệng mím chặt, như sắp sửa ấn cò súng giết người.
Văn Bình nhìn hắn bằng thái độ hết sức bình thản. Chàng đã biết một biến chuyển khác thường vừa xảy ra trong nội tâm hắn. Trước khi chết vài giây đồng hồ, người ta thường hết mê muội và trở lại sáng suốt như được lắp thêm giác quan thứ sáu có thể xuyên thấu lục phủ, ngũ tạng của bạn và thù.
Trong thời khắc cuối cùng ấy của cuộc đời Rusôlốp vừa nhận ra hớ hênh của mình. Hắn chợt nghĩ ra: nếu là đồng chí của hắn, tại sao không tiếp xúc với Gô-mê, cán bộ ưu tú của R.U. ở Hồng Kông?
Rusôlốp bèn đánh lá bài cuối cùng, bằng câu nói đột ngột:
- Santa Lucia.
Văn Bình có cảm giác như bị truyền điện vào mình. Santa Lucia là một bài hát danh tiếng. Chàng nhớ lại tập hồ sơ về Nancy mà ông Hoàng dặn chàng học thuộc lòng.
Trong đó, có đoạn nhắc đến bài ca nhan đề Trở về Sôrientô, bài ca ruột của nữ ca sĩ Ý Connie Francis. Đến đâu, hễ giàn nhạc cử bài này la Nancy phải sửa soạn tiếp xúc với nhân viên địa phương của R. U.
Santa Lucia cũng là bài ca chàng ưa thích, Không hiểu sao Văn Bình lại bực mình. Kẻ đặt mật ngữ liên lạc cho R.U. phải là nhạc sĩ hoặc là kẻ mê say như điếu đổ giọng hát trầm trầm của nàng ca sĩ Ý. Rusôlốp lặp lại, giọng cao gần như thét:
- Santa Lucia.
Văn Bình nín thinh. Rusôlốp gầm lớn:
- Trời ơi, tôi bị đánh lừa!
Văn Bình tủm tỉm cười:
- Mãi đến bây giờ anh mới biết ư?
- Anh là kẻ khốn nạn.
- Anh lầm. Tôi chẳng làm gì hại anh.
Rồi Văn Bình nói thêm:
- Chính Lêônit đã giết anh.
Rusôlốp định kêu một tiếng thật to để hả cơn tức, nhưng đờm đã kéo lên nghẹt cuống họng. Tay chân hắn lạnh ngắt như bị dầm trong thùng nước đá. Hắn nấc nhẹ. Rồi tắt thở.
Văn Bình cho tay vào túi, rút thuốc lá ra hút. Sau cuộc chạm trán bất ngờ và gay go với 2 đối phương, chàng cảm thấy có quyền nghỉ vài ba phút, mơ
mộng với khói thuốc Salem thơm ngát.
Mùi bạc hà ngây ngất thấm vào buồng phổi, Văn Bình dựa cửa sổ, phóng tầm mắt lơ đãng xuống đường. Đèn điện sáng quắc, khiến chàng có thể nhận được mặt từng người trên đại lộ Sôn-be-ri. Chàng dự định hút xong điếu thuốc sẽ trở về phòng, tự thưởng ly huýt-ky đầy ắp nguyên chất, rồi bắt tay vào việc: bảo vệ Y-von...
Bỗng Văn Bình biến sắc.
Chàng vừa nhìn thấy. Chàng không ngờ những biến cố đã xảy ra quá nhanh. Chàng ném mẩu thuốc, dí gót giầy lên trên, miệng lẩm bẩm tức tối:
- Hừ, giỏi thật! Dám lừa cả mình!
Văn Bình lao đầu như bay ra hành lang.....
1. Tác giả trân trọng nói rõ là nước ở Hồng Kông rất hiếm mỗi ngày chỉ chảy 4 tiếng, từ 4 rưỡi đến 8 rưỡi tối. Sở dĩ hiếm nước vì không có sông, suối, hay giếng. Dân chúng Hồng kông chỉ dùng nước mưa được nhà cầm quyền hứng trong những hồ lớn, rồi chia dùng quanh năm. Sau khi bộ truyện này được viết, một ống dẫn nước đã mang nước từ Hoa lục qua đảo, mỗi năm khoảng hai chục triệu lít...
2. Hai hải cảng kia là Rio da Janeiro (Ba Tây) và hải cảng Cựu kim Sơn (Hoa kỳ).
Z.28 Bí Mật Hồng Kông Z.28 Bí Mật Hồng Kông - Người Thứ Tám Z.28 Bí Mật Hồng Kông