Xibiri epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3
rong lúc đó thì Pôlia lại đang sống ở gia đình mới của cô. Mọi người đều tỏ thái độ xét nét đối với cô, và cả cô cũng lại chú ý xem xét mọi người để cố gắng hòa vào với họ. Gia đình Crivôrucốp tuy không lớn, nhưng mỗi người một tính một nết. Trước tiên phải kể đến chính bản thân lão Êpiphan Cornêevích Crivôrucốp. Ngoài năm mươi tuổi rồi, nhưng vóc dáng cao lớn của lão vẫn cân đối, chắc nịch, mái tóc màu hạt dẻ sẫm chưa hề có một sợi bạc nào, đôi mắt nâu như có lửa, giọng nói sang sảng - lão mà cất tiếng là khắp nhà trong nhà ngoài đều nghe rõ.
Êpiphan là một gã đàn ông tháo vát. Cả vùng này người ta đều nói về lão như vậy. Và đúng thật như vậy, không tháo vát thì sao có thể thắng yên vào cuộc đời của mình một cách ranh ma như thế? Êpiphan bắt đầu là một anh đi chào hàng thuê cho lái buôn Grêbênsicốp, thế mà bây giờ chính lão hầu như cũng trở thành một lái buôn rồi. Những ngày đông giá rét, Êpiphan đánh xe ngựa sục sạo khắp vùng Narưm để thu mua cá ở các trảng cát rốn sông, trại du cư, chở về cất trong các kho chứa của mình ở Gôlêsikhinô, để rồi sau dịp lễ Giáng sinh thì đưa các đoàn xe chở cá ra bán ở Tômxcơ. Cứ mỗi đoàn gồm hai chục cỗ xe ngựa kéo. Mà mỗi cỗ xe ấy như thế nào kia? Đó không đơn giản là con ngựa thắng vào cỗ xe trượt tuyết có cùng càng xe hoa văn rực rỡ. Mà đó là một cái thùng cao lớn bện bằng cành anh đào dại và cành liễu, chất đầy các loài cá tuyết sông, cá chiên, cá hồi v.v.; nần nẫn như những súc gỗ, được chằng buộc chặt vào những cái vòng sắt ở xe. Mỗi cái thùng như vậy chí ít cũng phải chứa tới hai mươi pút[6] cá. Còn nếu ngựa khỏe hơn, thì dễ phải kéo tới hai mươi lăm pút! Tiền ra tiền!
Mỗi vụ đông lão Êpiphan đưa có tới mười đoàn xe như vậy ra thành phố và lão cảm thấy những món lãi mới làm phình cái túi đựng tiền của lão. Lão lại dong duổi xe tới vùng sông Ôbi, ở đó lão có cơ man nào bạn bè quen thuộc. Bên chai rượu vốtca với món cháo cá nổi đầy váng mỡ, họ chén chú chén anh, chuyện xa chuyện gần, thề thốt mãi mãi thân nhau, rồi khi đã say mềm họ ôm hôn nhau chùn chụt. Lão Êpiphan gửi lại tiền đặt cọc để mua những mẻ cá mà họ sẽ đánh được vào vụ thu đông. Năm cũ còn chưa qua, năm mới cũng chửa tới, mà lão Êpiphan đã có dư hàng dự trữ. Lão chỉ còn việc đánh xe đi các nơi mà thu nhặt cá, và thế là một đoàn xe mới đã lại sẵn sàng. Cuộc sống cứ quay vòng như thế chẳng khác gì cái bánh xe của cối xay bột!
«Chó sói sống nhờ bốn cẳng chân, còn tôi - sống nhờ con ngựa với cỗ xe». - lão Êpiphan thường cười ha hả nói vậy. Và quả thực, cái điều thiếu duy nhất ở lão, chính là sự yên ổn: lão không làm sao có thể ngồi yên một chỗ.
Ít khi lão có mặt ở nhà. Lúc thì theo các đoàn xe đến Tômxcơ, lúc lại la cà ở các trảng nước của cánh dân chài. Ấy là vào mùa đông. Còn mùa hè lão sục sạo đến các bến cảng, mang số cá tươi ở các thuyền có mui của mình bán cho các tàu thủy vãng lai. Mà khi nào có mặt ở Gôlêsikhinô, thì lão cũng đâu có chịu ngồi yên tại nhà, lão vội vã ra ngay đồng cỏ. Lão có tới ba chục con ngựa kéo xe. Ngoài ra, còn đầy cả một chuồng ngựa con, bò cái, cừu. Mùa đông ở Narưm thường kéo dài. Để nuôi được đàn gia súc như vậy qua vụ đông, chí ít mỗi đầu con cũng phải có lấy ba mươi đống cỏ thơm ngon. Mà cỏ khô đâu có tự nó chạy về sân cho! Phải ra đồng mà cắt, phơi, cào, đánh đống, rồi chuyên chở về nhà.
Lão Êpiphan đưa toàn bộ gia đình ra đồng cỏ, lại còn mướn thêm dăm chục người làm công nữa.
Người ta ưa đến làm thuê cho lão Êpiphan. Ông chủ Êpiphan cho ăn khá, thỉnh thoảng còn thưởng cho một cốc chất cay và công sá cũng không cò kè, không chi li từng đồng xu.
Họ ưa lão còn vì tính tình lão vui vẻ. Lão vốn là một người cởi mở, tháo vát. Bản thân lão không lẩn việc, xông vào công việc nặng nhọc, nhưng lão cũng không buông lơi cho người khác, lão hò hét, thúc giục, mọi chuyện chậm chạp hay vụng về lão giễu cợt bằng lời lẽ cay độc, không chịu nổi, đôi khi còn chửi bới đến mức nghe phát ngượng.
Lão Êpiphan cũng có những hành vi tội lỗi. Đôi khi lão quá chén. Những lần như vậy lão say bí tỉ. Chân nam đá chân chiêu, mặt mày nhợt nhạt, hốc hác, theo cái cầu thang dốc đứng quét đậm thổ hoàng, lão lần lên căn buồng của lão ở tầng hai và nằm vật xuống giường. Lão nằm li bì như thế suốt cả hai, ba ngày đêm. Không ai nhìn thấy lão, nghe tiếng lão. Những ngày ấy chỉ có một mình Anphixa, người vợ, người giúp đỡ, bà chủ gia đình, là quẩn quanh bên lão. Vợ chồng chuyện trò với nhau sẽ sàng, gần như nói thầm. Hai người lời đi tiếng lại chuyện gì thì họa chỉ có riêng Chúa mới biết.
Anphixa, về mụ thì ở Gôlêsikhinô mỗi người nói một phách. Nhiều người cho rằng chính mụ mới là nhân vật chủ chốt trong gia đình Crivôrucốp. Anphixa là một mụ đàn bà đẫy đà, cao lớn, bộ dạng ung dung. Trong làng người ta gọi mụ là «cố bà», có lẽ vì mụ ta béo tốt, bệ vệ và sùng đạo. Xuất thân mụ rất bình thường. Bố của mụ là một nông dân làng Ilinxcôiê, ở đấy lão mở quán trọ.
Anphixa hơn chồng chừng năm tuổi. Đấy là theo lời của mụ, chứ thực ra chồng mụ trẻ hơn mụ những tám tuổi kia. Và cái bí ẩn của cuộc hôn nhân không xứng đôi chính là ở chỗ này.
Khi còn là con gái, Anphixa đã gặp một tai họa. Vào năm hai mươi tuổi, cô bị ốm một trận thập tử nhất sinh. Đáng lẽ phải đi lấy chồng thì bệnh hoạn lại bắt cô gái nằm liệt giường liệt chiếu. Bệnh phong thấp làm cho cái thân hình xinh đẹp của cô méo mó đi. Chân tay cô sưng phù cả lên. Ngón tay ngón chân cong cớn, trên xương sống nổi lên hai khối u bằng nắm đấm. Bố mẹ cô đã tìm đủ phương cứu chữa: nào là dìu cô ta ra tắm sương buổi sớm, nào là cho uống thuốc lá lẩu, ủ người cô vào chiếc khăn bông nóng, cho ngồi ngâm trong thùng nước cháo tấm kiều mạch. Rồi chở cô đến tận Tômxcơ, nhờ cậy các giáo sư danh tiếng của trường đại học hoàng gia, là trường đầu tiên ở Xibiri chẩn bệnh giúp. Quanh quẩn như vậy mất cả năm năm trời, chẳng đi đến đâu cả. Mẹ cô thì kêu than khóc lóc, còn ông bố thì thở ngắn thở dài. Đâu phải là chuyện giản đơn: một đứa con gái mà lại suốt đời tàn tật, trái tim của mẹ cha đau đớn biết chừng nào?!
Thế mà chỉ trong một mùa hè Phêđốt Phêđôtôvích Bêdơmaternức đã chữa cho Anphixa lành bệnh. Cũng không hẳn là ông đã trực tiếp chữa cho cô, mà là ông cụ đã mách cho một lời khuyên hay giữa lúc cha mẹ cô gái đã hoàn toàn thất vọng và cam chịu để số phận dắt dẫn mình.
Ông Phêđốt Phêđôtôvích hồi đó đi hộ tống thuê cho đoàn xe chở cá từ Parabên lên Tômxcơ. Ở làng Ilinxcôiê họ ngủ lại quán trọ. Trong bữa cơm tối, người chủ quán sau khi đã dìu cô gái đang kêu khóc vì đau đớn lên nằm trên mặt bếp lò, đã đến cùng ngồi bên chiếc bàn lớn trên có chiếc ấm xamôva chứa đến hai thùng nước. Nhờ hơi ấm của bếp lò cơn đau đớn cũng dịu dần.
Mọi người bàn tán về cái tai họa bỗng dưng không đâu đã ập xuống gia đình người chủ quán, ông Phêđốt Phêđôtôvích nói ngay:
- Này, thế ông đã thử chữa bệnh cho con gái ông bằng bùn chưa?
- Bùn nào kia?
- Bùn hồ ấy.
- Chữa thế nào, ông cụ kể cho con nghe nào!
Và ông Phêđốt Phêđôtôvích đã kể rõ ngọn ngành. Câu chuyện đầu đuôi đại khái như sau: chừng mười năm sau ngày ông Phêđốt Phêđôtôvích bị đày đến vùng Narưm này, chính bản thân ông đã chớm mắc bệnh phong thấp. Trước đó ông là một người có sức khỏe ghê gớm. Nhưng bệnh tật lại tỏ ra mạnh hơn ông. Nó gò lưng ông còng xuống, và ông phải đi lom khom, hai chân bước khuỳnh rộng.
Ngày trước, khi đi săn có lần ở cánh rừng taiga, ông Phêđốt Phêđôtôvích có để ý thấy một hồ nước. Nhìn bề ngoài nó chẳng có gì khác với những hồ nước bình thường cả. Nó nằm trong một vùng đất trũng, bao bọc hồ là rừng cây rậm rạp, quanh sát bờ hồ là lau sậy um tùm. Thỉnh thoảng dải cát bên bờ phủ một lớp váng xanh, trên mặt váng sờ thấy nhờn nhờn, nhưng khi gió làm cho nước hồ nổi sóng thì những đợt sóng đánh lên bờ đã cuốn sạch đi lớp váng xanh nhờn nhờn ấy. Về mùa hè, ông Phêđốt Phêđôtôvích đã quen đến tắm ở đây. Ông còn mang cả quần áo đến đây giặt rũ. Rồi tự nhiên ông cảm thấy dễ chịu dần, trước tiên là hai chân. Những ngón chân sưng vù đã mềm trở lại và điều khiển chúng đã dễ dàng hơn. Bắt đầu từ đó ông Phêđốt Phêđôtôvích đã đến đây tắm hàng ngày và không chỉ tắm thôi, ông còn rúc vào bùn và nằm yên ở đấy.
Trời bắt đầu lạnh, nhưng ông Phêđốt Phêđôtôvích vẫn cứ thường xuyên đến hồ. Ông nằm xuống rúc vào bùn, cảm thấy hơi ấm từ lòng đất thấm ra. Rồi đến lúc phải trở về Parabên vì mùa đông đã đến, tuyết xuống, hồ đã đóng băng. Ông Phêđốt Phêđôtôvích đã lấy thanh trượt tuyết để đi và ông sung sướng reo lên: vùng thắt lưng ông không còn cảm thấy cộm chút nào, không còn đau đớn, đôi chân lanh lợi nhẹ nhõm, cứ muốn lao đi.
Dù khó nhọc thế nào đi nữa mới đến được rừng taiga xa, ông bố cũng đưa được cô con gái Anphixa tới cái hồ nước ấy. Cuối mùa hè năm ấy Anphixa đã dậy được, đi lại dễ dàng, hớn hở, mừng rỡ, như thể chưa từng phải chịu cực khổ suốt năm năm trời. Cô gái quì phục xuống trước mặt ông già Phêđốt Phêđôtôvích, hai tay ôm lấy ngực, mà nói:
- Con sẽ suốt đời cầu Chúa phù hộ cho ông. Mà nếu như sau này khi nào ông gặp sự chẳng lành con sẽ là người đầu tiên chạy đến để giúp ông được tai qua nạn khỏi. Chính Chúa đầy lòng lành đã mang hình ông xuống cứu giúp con.
Anphixa trở về nhà. Cha mẹ cô cho rằng giờ đây đã đến lúc phải gả chồng cho con gái. Hai ông bà già bắt đầu giành dụm tiền để làm của hồi môn và cùng lúc ấy nhắm cho con một chàng rể.
Tuy Anphixa là một cô gái xinh đẹp và khỏe mạnh, nhưng cuộc đời cô đã chệch bước. Trong khi cô ốm đau nằm liệt giường thì các bạn gái đã đi lấy chồng hết cả, đã sinh con đẻ cái. Bọn con trai cùng lứa cũng đã theo nhau lấy vợ hết rồi. Anphixa đổ sầu. Cô sống không bạn gái, chẳng bạn giai. Và cô càng sầu não khi các em gái cô hết đứa nọ theo đứa kia đều đi lấy chồng cả: Épđôkia, Glaphira, Nêônila, Marpha.
- Gái già! - Anphixa ngày càng phải nghe nhiều người nói về mình như vậy.
Nhưng vào lúc cái thời kỳ ấy, khi Anphixa tuổi đã quá ba mươi và cô đã toan an phận sống trọn đời còm cõm một thân một mình, thì anh chàng Êpiphan tự nhiên lại hay lui tới cái quán trọ. Phận sự một anh quản lý cho thương gia Grêbênsicốp, anh ta phải đánh xe đi khắp mọi làng mạc, đến các cơ sở đánh cá và săn bắn. Là một gã trai ngang tàng, anh chàng thích sán bên đám đàn bà con gái, những ả góa còn trẻ, các mụ gái già, những ngữ đàn bà ham giống đực, đều biết anh ta, cố tìm mọi cách để quyến rũ cho được. Còn anh chàng thì cho ả này tấm khăn vuông, ả khác - một phuntơ[7] bánh bàng, ả thứ ba - một lọ kẹo.
Êpiphan đã tìm được cả cách đến với Anphixa. Thoạt đầu cô gái cũng tỏ vẻ nghiêm nghị, khước từ những chuyện lân la của anh ta, nhưng sau cô đã quy thuận. Chẳng bao lâu sau cha mẹ Anphixa vỡ chuyện cô con gái mang thai.
Lần sau, khi Êpiphan lại xuất hiện ở quán trọ, cha Anphixa đã gọi anh ta vào buồng trong, đóng chặt cửa lại và vung quả đấm xông vào anh ta:
- Quân đểu cáng, mày làm nhục nhã tao! Mày phải cưới nó! Không cưới nó, tao sẽ rình mày ở bờ sông Ôbi, tống mày xuống hố băng cho cá chuối nó ăn!
Nhưng khó lòng mà dọa dẫm nổi Êpiphan. Bởi khi đi đường bao giờ anh ta cũng mang tiền theo và vì thế luôn thủ theo cả khẩu súng ngắn nước ngoài lắp sẵn đạn.
- Bỏ một nghìn rúp ra tôi sẽ cưới! - Êpiphan nói, nhăn nhở hai hàm răng trắng lấp lánh. Lúc ấy anh ta đã nảy ra ý định sẽ từ bỏ cái nghề làm anh quản lý khốn nạn này để leo lên con đường tự lập.
Trôphim, bố của Anphixa, đã phải van xin. Ông bắt đầu rên rỉ là gã trai muốn hất đổ cột chống nhà ông, nói gọn hơn là muốn làm cho ông tan cơ nát nghiệp. Nhưng Êpiphan biết rõ hơn ai hết là những ông chủ quán trọ bao giờ cũng tích góp được khá nhiều tiền của. Tiền tìm đến theo nhiều đường: công trọ, tiền trà, tiền ăn, tiền cỏ khô, thức ăn cho ngựa, bò. Các chủ quán còn lén lút bán cả rượu lậu. Khoản này thì tha hồ cắt cổ, không phải kiêng nể gì! Họ biết rằng một khi người khách trọ đã muốn tợp một ngụm chất cay, thì giá cả đắt rẻ không kể gì!
Dù Trôphim có muốn thoái thác thế nào đi nữa, cuối cùng vẫn phải bằng lòng với đòi hỏi của Êpiphan. Không trì hoãn lâu la, người ta tổ chức ngay đám cưới. Êpiphan nhận vợ rồi đưa cô ta về Parabên. Câu chuyện về cuộc thỏa thuận giữa Êpiphan và ông bố vợ đã lọt ra ngoài, tất nhiên là như thế. Mọi người ngạc nhiên quá chỉ còn biết dang rộng hai tay mà nói với nhau:
- Cái thằng Êpiphan ranh ma thật! Moi được của bố vợ hẳn một nghìn rúp! Vì cớ gì và mánh khóe thế nào thì họa chỉ có Chúa mới biết!
Nói chung là thiên hạ bàn tán không ít về cuộc hôn nhân ấy. Một số người còn đưa ra những lời tiên đoán không lấy gì làm hay ho: «Chỉ dăm năm thôi là Êpiphan sẽ bỏ Anphixa! Làng nào mà hắn chẳng có một ả!»
Ấy vậy mà chẳng bao lâu những kẻ lắm mồm và những kẻ hay ngồi lê đôi mách đều phải im thin thít. Êpiphan như được thay bằng một con người khác. Anh ta bệ vệ hẳn ra. Suốt ngày bận rộn với công với việc. Đến lúc này mọi người mới vỡ nhẽ ra là cái việc Anphixa ở nhà với bố cho đến tuổi ba mươi thật không phải là vô ích. Cô nàng đã học được ở lão già bao nhiêu là sự thông minh và khôn khéo trong cách xử sự ở đời. Khi sống chung được ba năm thì Êpiphan đã tậu được một ngôi nhà hai tầng ở Gôlêsikhinô, mua xe ngựa và bắt đầu cho xe chạy khắp vùng Narưm, chưa bao giờ anh ta hăng say đến thế. Những người hay để ý nhận ra ngay điều đó và đánh giá:
- Êpiphan là cái gì? Chỉ là đám khói! Ngọn lửa của anh ta là Anphixa.
Nhìn sâu vào cuộc sống của gia đình chồng, Pôlia thấy những lời nhận xét trên quả là rất đúng. Không phải Êpiphan, mà Anphixa mới là chiếc lò xo chính trong cái thế giới vợ chồng Crivôrucốp. Bà ta là tất cả: là người ra lệnh, là quan tòa, là người bảo ban chỉ dẫn. Với cái tính nhẹ dạ của mình, Êpiphan có lẽ đã không thể đạt được lấy một phần mười những thành quả của gia đình, nếu như Anphixa không kịp thời ngăn chặn y khỏi những sai lầm và những mối hiểm họa, không chỉ cho y thấy cần phải đi đâu và đi vào lúc nào để kiếm lời, cần phải chơi bời, bè bạn với ai và với ai thì lại cần phải ngáng chân họ lại.
Mặc dù có dáng vóc to cao, Anphixa đi lại khá nhẹ nhàng nói năng nhỏ nhẹ, tiết kiệm điệu bộ, nhưng có một cái gì đó rất độc đoán, rất cứng rắn, thậm chí, tàn nhẫn trong vẻ mặt của mụ ta, - chỉ cần mụ đưa mắt, vẫy tay, nói một câu bằng cái giọng rin rít - thế là người ta phải cúi đầu. Thậm chí đến cả những con chó to như con bê, rất dữ, không ai dám đến gần, mà cũng chỉ vừa trông thấy Anphixa là đã phải vội ngồi phịch xuống và vừa kêu ư ử vừa ngước nhìn bà chủ bằng cặp mắt phục tùng, đáng thương.
Ngay từ ngày đầu tiên, Pôlia đã hiểu ra: hình như mỗi người trong gia đình này đều phần nào phụ thuộc vào Anphixa, mụ khuất phục họ khi bằng trí thông minh, khi bằng thái độ bình tĩnh, khi lại bằng cái quyền hành kín đáo và có tính toán của mình. Pôlia hiểu ra cả một điều khác nữa: Anphixa rồi sẽ để mắt đến cả cô và sẽ làm cho cô cũng trở nên ngoan ngoãn, biết phục tùng, và không cho phép cô phá vỡ những nền nếp đã được quy ước trong gia đình Crivôrucốp từ bao năm. Tạm thời thì Pôlia vẫn được sống tự do thoải mái. Cô vốn rất vui tính, hay cười và thường thích tán chuyện tào lao. Cô lớn lên trong phong cách sống thoải mái ở gia đình, cô không hề biết đến sự áp chế, sự cấm đoán là gì. Cha cô, ông cô và cả mẹ cô nữa, cho đến những ngày cuối cùng vẫn yêu cô bằng một tình yêu lý tưởng và cao thượng, cái tình yêu thức tỉnh ở con người ước muốn làm điều có ích, giáo dục trong con người lòng tự trọng đối với bản thân mình.
Người thứ ba trong gia đình Crivôrucốp là Nhikipho. Nó là đứa con thứ tư của Anphixa. Ba đứa đầu đã chết ngay từ khi còn nhỏ xíu, không sống được đầy năm.
Khi Nhikipho ra đời, Êpiphan và Anphixa đã quyết tâm cố gắng nuôi nó cho bằng được.
Mụ lang Xeclêtêia ở một làng thuộc dòng cựu giáo xa tít tận đâu đâu được họ đón về cho ở tại nhà. Mụ Xeclêtêia nắm được bí mật của các loài cây cỏ, mụ sao chế chúng thành những thang thuốc để cho thằng bé uống và đắp vào người. Nỗi lo lắng của những người làm cha làm mẹ thật là đúng lúc. Đứa bé sinh ra quả có yếu ớt, ốm o, gầy guộc, không biết làm sao mà nuôi nổi nó thành người. Ấy thế mà không hiểu vì nhờ có mụ lang Xeclêtêia hay vì cái số của nó, Nhikipho đã sống. Nhưng nếu nói cho công bằng thì có lẽ là nhờ công của ông y sĩ Gôrbiacốp. Vào những ngày khó khăn nhất, Êpiphan đã mời Gôrbiacốp đến xem bệnh cho đứa trẻ. Ông y sĩ ngồi rất lâu cạnh bệnh nhân, gõ gõ vào cái lưng xương xẩu của người nối nghiệp nhà Crivôrucốp.
Năm nó lên mười tuổi, lúc đó mụ Xeclêtêia đã chết từ lâu, Nhikipho bỗng nhiên khỏi hết các bệnh tật và bắt đầu khỏe lên trông thấy. Từ đó trở đi không còn thấy dấu vết một bệnh tật nào trên người nó, tựa hồ như gió đã thổi chúng đi mất tích. Năm mười sáu tuổi, Nhikipho lớn ngang bằng bố; hai vai rộng nở nang, giọng nói ồm ồm và tối tối nó đi chơi với đám thanh niên hai mươi tuổi như người bằng vai bằng vế. Nhìn cậu quý tử của mình, Êpiphan và Anphixa mừng không sao tả xiết. Sau đó tai họa lại ập đến: đứa em gái, ra đời sau Nhikipho ba năm, chỉ sống được cả thảy bảy tuần lễ.
Nhưng đến bây giờ thì Nhikipho không chỉ đem lại cho gia đình những niềm vui. Cha mẹ nó cũng phải chịu bao cay đắng.
Chẳng hiểu nó giống ai và đi theo ai, nhưng nó là một thằng con trai ngổ ngáo, gây sự với tất cả mọi người, không chỉ ở Gôlêsikhinô, mà cả ở Côxtarêvô và ở Parabên nữa. Nó luôn luôn gây gổ, đánh lộn và phá phách lung tung. Với một lũ bạn bè ngổ ngáo, tối tối chúng kéo nhau đi trêu bọn con gái làng, chặn đường đánh bọn thanh niên ở các làng lân cận, phá phách các vườn tược của các nhà, tổ chức các đám đánh nhau bên cạnh nhà thờ Parabên vào lúc các đoàn xe đám cưới đến. Trong những trận ẩu đả ấy, chính Nhikipho cũng bị đau. Nó trở về nhà, hôm thì mặt mày sưng húp, hôm thì dập mũi đến chảy máu, hôm thì sái tay. Êpiphan và Anphixa đã thử tìm cách trừng phạt thằng con trai, rồi lại ngọt nhạt dỗ dành nó - nhưng cũng chẳng có tác dụng gì. Tính gây gổ của thằng Nhikipho có phần dịu xuống là vì một lý do hoàn toàn khác: hắn mê cô con gái viên y sĩ Gôrbiacốp tên là Pôlia. Hễ cứ thấy mặt cô gái ấy ở đâu, trong các tối vui hay thậm chí ở ngoài đường phố là Nhikipho bỗng dưng như bị thôi miên, lưỡi líu lại, và nói chung anh ta trở nên ngoan ngoãn như một chú chó con.
Pôlia ít tuổi hơn Nhikipho. Tất cả bọn bạn bè lêu lổng của hắn đều đã có vợ rồi, chỉ còn mình hắn cứ luẩn quẩn ở bên cạnh Pôlia mà không dám tỏ tình.
Bản thân Pôlia cũng có cảm tình với người con trai ấy, và chỉ riêng việc Nhikipho đã sẵn lòng chờ đợi cô - một năm, rồi hai năm - cũng đủ cho cô gái lấy làm hãnh diện, và vì thế cô càng tỏ ra gắn bó với anh hơn.
Êpiphan và Anphixa nhận thấy trái tim của con trai mình đã thuộc về ai. Rõ ràng sự lựa chọn đó không hề hợp với ý muốn của hai người. Họ vẫn dự định sẽ kiếm cho con trai mình một cô gái con của một thương gia nào đó ở Narưm hay con viên cảnh sát trưởng của vùng, hoặc cùng lắm thì cũng phải là con một điền chủ nào giàu có ở trong làng. Sự tính toán rất đơn giản: để kiếm một món hồi môn kha khá và đưa thêm vốn vào việc kinh doanh. Còn cái ông y sĩ kia thì vốn liếng phỏng có được bao nhiêu? Tất nhiên, nói về con người thì ông ta là người có học vấn, đáng kính, không bần tiện, bẩn thỉu, nhưng về mặt kinh tế thì quả là nghèo nàn.
Nhưng có một điều phần nào an ủi Anphixa - Pôlia là cháu gái của ông Phêđốt Phêđôtôvích Bêdơmaternức. Nếu như không có ông già ấy thì Anphixa làm sao có thể trở thành bà chủ nhà Crivôrucốp, người vợ, người mẹ được?! Bởi vì nói cho cùng ông già có quyền không kể ra cái cách chữa bệnh bằng bùn hồ ấy, ông có thể đi qua mà không thèm đoái hoài gì đến cái nỗi bất hạnh của người con gái là Anphixa khi đó, như bao người khác đã không đoái hoài đến cô.
Tất nhiên, thoạt đầu Anphixa và Êpiphan cũng thử tìm mọi cách làm nhạt tình cảm của Nhikipho. Trước tiên bố hắn đưa hắn đi các vùng đánh cá liền hai tháng, sau đó hắn phải đi theo các xe chở cá lên Tômxcơ năm tuần lễ. Nhưng lại đúng sau cái lần bị đưa đi xa ấy, Nhikipho đã nói với bố mẹ, hắn muốn lấy Pôlia. Người bố lại thử dùng sức một lần nữa.
- Chúng tao sẽ hỏi cho mày con bé Klavđia, con gái viên cảnh sát trưởng của vùng Narưm, - Êpiphan nói, sau khi lão cùng vợ nghe đứa con trai lúng túng trình bày tình cảm của mình.
Nhưng ngay lúc đó người bố đã nhận được một sự chống trả làm cho y choáng váng:
- Bố thì lúc nào cũng chỉ chăm chăm kiếm món hồi môn cho thật hời thôi?! Không bán nổi tôi đâu!
- Sao mày lại dám nói với bố mày như vậy hả thằng mất dạy kia? - Anphixa rít lên, mụ vẫn thường có kiểu rít lên như vậy.
Chưa bao giờ Nhikipho dám cãi lại bố một cách hỗn hào như thế. Và điều đó làm cho người mẹ phải nghĩ rằng: «Có lẽ việc chúng ta định làm như thế là hỏng mất rồi. Nó đã bị con gái lão y sĩ xỏ mũi».
Êpiphan nổi giận, mặt y đỏ tía lên, y giậm chân bành bạch:
- Muốn gì thì gì, tao cũng sẽ bắt mày phải lấy con Klavđia, thằng mất dạy ạ!
Và ngay lúc ấy Nhikipho lại cho bố hắn một trận nữa khiến lão già lặng người đi:
- Được, tôi sẽ lấy con Klavđia, chỉ có điều ông hãy bỏ ra bàn này một nghìn rưởi rúp. Nghe đâu ngày xưa chính ông cũng đã đòi trọn một nghìn đồng, khi lấy mẹ tôi mà?! Tiền bây giờ mất giá đi nhiều rồi.
Êpiphan vung hai nắm đấm lên khỏi đầu và trong lúc điên lên suýt nữa thì y đã nhảy xổ vào thằng con trai như một con gấu bị trúng tên độc, nếu như Anphixa không kịp thời ngăn y lại bằng sự lạnh lùng của mụ:
- Bố nó hãy ngồi xuống. Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau một cách đàng hoàng, bình tĩnh. Nhikipho, ai nói với con điều bậy bạ ấy? - Anphixa nghiêng đầu ngước nhìn con bằng đôi mắt đen cháy bỏng.
- Ai nói ấy à? Những người tử tế người ta nói chứ còn ai!
- Ừ thì ai chẳng hạn nào? - Anphixa gặng hỏi.
- Ai với chả ai? Ông ngoại của Pôlia đấy, ông Phêđốt Phêđôtôvích chứ còn ai.
- Gớm, mày tìm được người để mà nghe quý hóa nhỉ! Một tên tù khổ sai chạy từ Xakhalin về đây! - Êpiphan hét lên.
Anphixa gục đầu xuống. Mụ ta cũng muốn hét lên những lời tương tự, nhưng dùng những lời ấy để nói về ông già Phêđốt Phêđôtôvích thì lương tâm mụ không cho phép. Mụ đã ghi nhớ mãi lời hứa của mụ trước người tù khổ sai: «Ông là người của Chúa phái xuống cứu con. Sau này nếu có sự gì xảy đến với ông, con sẽ là người đầu tiên chạy đến giúp». Hơn nữa Anphixa cũng biết rằng dùng những lời chửi bới để thóa mạ một con người không có tội cũng chẳng thuyết phục nổi thằng con trai.
- Nhikipho ạ, con nên bớt nghe những cái điều người ta đồn đại đi. Con phải học sống bằng cái đầu của mình chứ.
Nhưng ở chỗ này Anphixa không nhận thấy rằng những lời của mụ đã quay lại làm hại chính mụ ta.
- Vâng, thì tôi đang học sống bằng cái đầu của mình đây! Nhưng các người có cho tôi được sống như vậy đâu, các người đang đứng chặn đường tôi đấy, - Nhikipho nói, rầu rĩ liếc nhìn người bố đang đi đi lại lại trong phòng, hai cánh tay lực lưỡng chắp sau lưng.
- Thôi, con hãy đi đi. Mẹ và bố con sẽ suy nghĩ thêm rồi sẽ nói chuyện với con sau.
Nhikipho im lặng ra khỏi phòng, còn Êpiphan thì ngồi xuống bên cạnh vợ và hai người thì thào với nhau cả buổi tối. Sáng ra Nhikipho được biết rằng bố mẹ hắn đã quyết định cử người sang nhà viên y sĩ Gôrbiacốp để dẫn lễ hỏi.
Pôlia đã biết một cách tường tận về mọi chuyện xẩy ra ở nhà Crivôrucốp. Mà không phải do Nhikipho kể cho cô, vì hắn không thích kể lể những chuyện trong gia đình.
Trong gia đình Crivôrucốp còn một nhân vật nữa không kém phần quan trọng - đó là cô em gái của Êpiphan tên là Đômna, hay như mọi người vẫn thường gọi cô ta là Đômnusca.
Đômnusca năm nay đã bốn mươi tuổi rồi. Nhưng cô ta vẫn sống độc thân và cố sống cho qua ngày đoạn tháng. Những người sống quanh cô đã giải thích nguyên do của sự cô độc ấy bằng một động tác đầy ý nghĩa: họ lấy mấy ngón tay gõ nhẹ vào trán mình. Ý nói: cô ta ngớ ngẩn.
Thế nhưng những ai biết Đômnusca một cách gần gũi hơn, những ai thường chuyện trò với cô gái, hoặc để ý theo dõi những công việc cô ta làm thì lại nhận xét hoàn toàn khác: «Cô ta khôn khéo đấy thôi. Làm một người ngớ ngẩn thì dễ sống hơn».
Không chỉ những người ở Gôlêsikhinô biết rõ Đômnusca. Sự quan tâm đặc biệt của cô đến cuộc sống đã mở rộng ra cả đến các sự kiện ở những làng lân cận quanh Parabên, những làng như những chiếc nấm mọc trên một cánh rừng - thành từng cụm.
Đômnusca là một con người rất hiền lành và tốt bụng. Nhà ai có người qua đời thì cô ta là người đầu tiên đến chia buồn và sẵn sàng làm hộ những việc cần thiết. Nếu có ai sinh đẻ, cô cũng là người đầu tiên đến thăm. Cô mang cho họ lúc thì bánh ngọt với cá, khi lại bánh rán với sữa chua, có lần thì một ít vải mộc làm tã.
Đômnusca cũng không bỏ qua các sự việc như: những tối vui, những ngày sinh nhật, những lễ đặt tên thánh và các đám cưới.
Ở nhà thờ Parabên, Đômnusca cũng được coi như người trong nhà: cô được tin cậy và giao cho công việc quét dọn nhà thờ trước ngày lễ thánh, và có lẽ cô là người đàn bà duy nhất được mang giẻ lau và xô đựng nước vào gian thờ, moi móc ở đấy ra những vỏ chai rượu đã dùng trong ngày lễ thánh thể, các đầu mẩu nến, những tờ sớ cúng người chết, cứt của lũ chim sẻ đã bay qua cửa thông hơi bỏ ngỏ vào gian thờ. Cô hát trong đội đồng ca của nhà thờ, mặc dù giọng cô khô khốc và những bài hát cầu kinh ê a kéo dài rất khó hát đối với cô.
Đômnusca còn có một đặc điểm nữa, Cô tiếp xúc một cách hứng thú như nhau với những người già lão đang đứng ở giới hạn cuối cùng của cuộc sống cũng như với những người đang còn rất trẻ vừa bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời. Và những người tiếp xúc với cô ta - dù người đó già hay trẻ - không cảm thấy mình có sự khác biệt về tuổi tác với Đômnusca. Cô biết cách nghe và hiểu từng người và tìm được những lời khuyên nhủ thích hợp với từng người. Bà con làng xóm thường thấy Đômnusca khi thì cùng với các bà lão ngồi tụ họp bên cạnh tường nhà hay trên bậc tam cấp của hiên cửa chính, khi lại cùng các cô gái túm tụm chuyện trò bên bờ sông Parabên, cạnh nhịp cầu, nơi các bà các cô thường ra giặt giũ.
Người già cũng như người trẻ đều coi cô cùng cánh với mình, nói chuyện một cách thoải mái khi có mặt cô, vì họ biết rằng Đômnusca không đời nào lại đi đưa chuyện, và nếu có lỡ lời ở đâu một chuyện gì, thì đó cũng chỉ là một chuyện hoàn toàn không quan trọng, nó không gây nên những sự thù ghét hoặc khó chịu giữa mọi người.
Đômnusca phân loại mọi người một cách rất khắt khe. Với một số người cô ta đối xử một cách thận trọng và hoài nghi, với một số khác - lại có thái độ đùa cợt, đôi khi cả chế giễu nữa, loại người thứ ba thì cô ta rất quý và với họ hễ có dịp là cô ta tìm cách biểu lộ tình cảm gắn bó ấy của mình.
Trong gia đình ai cũng phải sợ và tỏ ra chịu đựng đối với cô, nhưng mọi người cũng lại đều hiểu rất rõ rằng: họ không thể nào sống thiếu Đômnusca. Toàn bộ phần tài sản để ở bên ngoài, bao gồm chuồng gia súc, nhà kho, nhà hầm - tất cả những thứ đó là do Đômnusca coi sóc. Tất nhiên là một mình cô gái không thể làm nổi được toàn bộ các công việc ấy. Trong nhà Crivôrucốp còn nuôi hai người làm công hàng năm và một bà nấu bếp kiêm cả việc trông nom bò sữa.
Về những người ruột thịt gần gũi nhất của mình, Đômnusca có những sự đánh giá, những nhận xét đã thành cố định, cô không tài nào thay đổi được cách nhìn ấy của mình nữa.
Về Êpiphan, người anh trai của cô, cô thường nói:
- Cái anh Êpiphan thì trăng gió lắm! Mụ đàn bà nào dễ coi một tý là có thể dùng gấu váy mà xỏ mũi anh ấy lôi đi được ngay, đi đến đâu anh ấy cũng đi.
Về chị dâu Anphixa thì:
- Anphixa cứ như là một tảng đá, nhỡ ra ai mà bị chị ấy đè phải thì có lẽ đến nát người ra mất.
Còn về thằng cháu Nhikipho, Đômnusca thường nói:
- Nó là một thằng hay gây gổ, nhưng về mặt tính tình thì lại có phần nhẹ dạ. Bà mụ đã nặn nhầm nó thành con trai, chứ lẽ ra nó phải là con gái mới đúng.
Về bản thân mình, Đômnusca cũng biết bình phẩm một cách nghiêm khắc như về một người nào khác:
- Đômnusca như cái chổi quét nhà; nhẽ ra thì người ta đem quẳng nó vào thùng rác, nhưng như vậy nhà lại có thể bị ngập ngụa lên. Cho nên người ta lại đành giữ nó ở trong nhà!..
Đômnusca không tha ngay cả cái bề ngoài xấu xí của mình. Khi mà cô ta đứng bên cạnh Êpiphan thì ta khó lòng mà tin được rằng đấy là hai anh em cùng cha cùng mẹ. Mọi nét đẹp đẽ có thể cóp nhặt được để đưa vào bộ mặt con người thì Êpiphan chiếm cả. Còn Đômnusca thì lùn tịt, mặt gầy choắt, dơ xương, và trên khuôn mặt đó nổi bật lên cái mũi dài và đôi mắt lờ lợ, trắng đục, và một điều này nữa cũng không thể nào giấu được - trong khóe mắt của cô có một ánh điên dại ẩn kín sâu tít tận đáy lòng, làm cho mỗi người khi chạm mặt với cô phải đề phòng giữ thế.
- Anh Êpiphan đã đánh cắp sạch mọi thứ của tôi! Bởi vậy nên trông tôi mới xấu xí và ngu độn thế này. Nhưng mà chắc rồi Chúa sẽ bù đắp cho những mất mát của tôi bằng một thứ gì khác chứ! Thế nào cũng sẽ bù đắp chứ! Những con người tốt bụng rồi sẽ biết Đômnusca này ra sao! - Đômnusca thường nói vậy khi bỗng dưng cô ta hứng lên muốn nói.
Pôlia từ nhỏ đã e ngại Đômnusca. Cô gái chưa thấy người đàn bà ấy làm việc gì xấu bao giờ, nhưng xung quanh người ta nói đủ chuyện về Đômnusca, lúc thì người ta gọi cô gái già ấy là «Con dở hơi nhà Crivôrucốp», lúc lại gọi là «Con ma quỷ»...
Lớn lên, Pôlia bắt đầu để ý xem xét Đômnusca và thấy rằng mình đã bất công và hiểu nhầm con người ấy đến mức độ nào, khi tin theo những lời xóm làng xúc xiểm con người bất hạnh ấy.
Việc Pôlia về ở nhà Crivôrucốp, Đômnusca đón tiếp với tấm lòng cởi mở. Khác với Êpiphan và Anphixa, Đômnusca ngay từ đầu đã tán thành ý định của Nhikipho lấy Pôlia.
- Đừng có để rơi mất hạnh phúc của mình, Nhikipho ạ! Ở cả vùng Narưm này không thể tìm được người con gái nào như thế nữa đâu. - Người cô khuyên bảo cháu, khi nhận thấy rằng cha mẹ nó có những ý đồ khác hẳn.
Bốn tuần lễ Pôlia sống trong gia đình Crivôrucốp như một người khách lạ. Cô ngủ thỏa thích và ăn uống cũng tùy thích, còn công việc thì cũng chả phải làm gì. Vừa định cất nhắc việc này việc nọ thì Đômnusca đã lại làm trước mất rồi. Nào dọn dẹp các phòng, nào cho bê uống nước, nào rửa bát.
- Cô Đômnusca, cô chiều cháu thế là làm hư cháu đấy! - Pôlia nói.
Đômnusca chỉ mỉm cười đưa mắt nhìn sang phòng của Anphixa.
- Người ta không cho cháu làm đâu, Pôlia ạ. Không phải người ta mang cháu về nhà này để làm những công việc ấy.
Pôlia rất nhớ bố và ông ngoại. Tuy đường đi từ Gôlêsikhinô đến Parabên chẳng lấy gì làm gần, nhất là vào những ngày đông bão tuyết, nhưng Pôlia cũng nhất định cứ phải chạy đi chạy về thăm bố và ông.
- Thế nào, Pôlia, ở nhà người ta cháu thấy thế nào? - ông Phêđốt Phêđôtôvích hỏi.
- Cháu vẫn sống bình thường, ông ạ!
- Được được, cháu cứ sống bình thường cháu ạ! Đừng có mạo hiểm mà xông vào chuyện của người ta, nhưng phẩm chất của mình thì cũng phải lo mà giữ.
Pôlia chưa hiểu được bao nhiêu ngụ ý trong câu nói của người ông.
- Ông nói về chuyện gì vậy, hả ông?
- Về chuyện làm thế nào để cho người ta không bắt nạt được cháu của ông ấy, cháu ạ!
- Vi sao lại thế cơ hả ông? Cháu là cái gì của họ, là kẻ nô lệ hay sao? - mặt Pôlia bừng đỏ như chiếc vỏ cây cháy rực trên đống lửa hồng.
- Cũng có khi là như vậy, Pôlia ạ.
- Với cháu thì không thể được đâu.
- Ông biết. Cứ hệt như mẹ mày thôi! Cái con mẹ mày tính tình mới ghê gớm chứ! Khi mẹ mày với bố mày quyết định lấy nhau, nói thực, ông phát hoảng cả lên. Ông bảo: «Phêklusa con ơi, anh ta mà là người cùng hạng với con ư? Con là hạng tù đày, còn anh ta - một con người thành thị, một con chim bay tạt ngang đường... Gớm, thế là cô Phêklusa của tôi cô ấy nổi tự ái lên...
Người bố thường ít khi nói chuyện dài dòng. Nhưng chỉ cần Pôlia xuất hiện là con người ông như thay đổi hoàn toàn: đôi mắt ông sáng lên sung sướng, ông lăng xăng đi đi lại lại trong nhà, bắt đầu lo đặt ấm xamôva và để lên bàn món mứt quả mà Pôlia thích nhất. Mỗi lần từ nhà bố trở về, Pôlia lại cảm thấy như mình có gì không phải: «Bỏ mặc bố và ông ngoại để về ở với một gia đình xa lạ. Thế mà mày không thấy xấu hổ sao?»
Nhưng thực ra lại là ở chỗ cô gái luôn bị lương tâm cắn rứt. «Hai người đàn ông sẽ sống ra sao, khi mà tuổi già sẽ đến với cả bố mình?» - Pôlia tự hỏi, trong khi lững thững đi từ Parabên về Gôlêsikhinô. Mặt khác, trong lòng cô từ lâu đã chuẩn bị được lời đáp cho câu hỏi đó. Nhikipho đã hứa chắc chắn với cô rằng - bất cứ lúc nào khi thấy cần thiết hai người sẽ tách khỏi nhà Crivôrucốp, về ở nhà ông bố của Pôlia hoặc ở riêng hai người, tùy theo ý thích của cô. Nhận lời hứa ấy, cô mới đồng ý lấy Nhikipho. Nếu như không có sự thỏa thuận ấy thì chắc công việc của họ còn chưa thể nào ổn được.
Có một lần Pôlia từ Parabên trở về hơi muộn. Trời đã xâm xẩm tối, cô đi vội vàng, nhảy từ đống tuyết này sang đống tuyết kia, lấy đôi găng tay che mặt để tránh ngọn gió lạnh buốt như kim châm vào da thịt.
Đến gần nhà Crivôrucốp, Pôlia đứng lặng đi, ngạc nhiên. Qua khung cửa sổ sáng ánh đèn cô nhìn thấy Nhikipho đang đứng trước mặt mẹ đầu gục xuống. Anphixa vẻ quan trọng đi đi lại lại trong hàng hiên, nói về một chuyện gì, thỉnh thoảng lại vung mạnh cánh tay mà xưa nay vốn ít khi vung lên như vậy. «Chắc là bà ta đang cảnh cáo Nhikipho vì chuyện gì đây», - Pôlia phỏng đoán. Có thể một cô gái khác ở vào địa vị của Pôlia sẽ dừng bước lại và đứng ngoài cổng cho đến khi cơn thịnh nộ qua đi, nhưng Pôlia thì lại bước vội vã vào nhà.
Cô gái vừa đưa tay mở cửa thì Đômnusca nhảy bổ ra. Pôlia vì sợ hãi và bất ngờ suýt nữa kêu thét lên.
- Đừng vào trong ấy, Pôlia! Đừng vào! Anphixa đang nói những điều nhảm nhí! - vừa ôm chân Pôlia, Đômnusca vừa thầm thì bằng một giọng đầy lo lắng.
Nhưng lúc này không thể nào còn giữ Pôlia được nữa. Cô mở toang cánh cửa bọc vải thô và bước vào nhà.
Anphixa đưa mắt lườm cô như té nước sôi vào mặt. Nhikipho đầu càng cúi thấp, hai bên vai của anh ta nhô hẳn lên, hai tay buông thõng.
- A, cô ả đây rồi! Con chim non vô tư lại đã bay về đây! - Anphixa dằn giọng rít lên. Mụ vươn thẳng người và nhằm thẳng Pôlia sấn tới.
- Con đã làm gì để mẹ phải giận dữ vậy, thưa mẹ? - Pôlia hỏi, không chút gì e dè và sợ sệt mà chỉ cảm thấy ngượng thay cho cái vẻ nhu mì sợ sệt của Nhikipho, không dám liếc mắt nhìn cô ta nữa.
- Nó lại còn hỏi nữa kia chứ?! Ôi, con mất dạy! Con trâng tráo! Bốn tuần lễ nó sống ở đây nó không hề động chân động tay vào một việc gì! Mày định thế nào, định sẽ hốc cơm ở đây, còn làm việc thì về nhà làm cho bố mày chứ gì?! Lạ thật, thế mà mày không thấy xấu hổ khi đưa miếng cơm của nhà tao lên miệng ăn à?
Anphixa mỗi lúc một tiến lại gần hơn, và cái nắm tay chắc nịch của mụ một vài lần đã lướt qua ngay trước mặt Pôlia.
- Mẹ làm sao vậy, lạy Chúa phù hộ cho mẹ của con, mẹ không điên đấy chứ?! - Pôlia nói bằng một giọng run run khi cái nắm tay khô khốc của Anphixa lướt chạm vào cằm cô.
- Xin lỗi mẹ đi, Pôlia! - Nhikipho nói to, vẫn đứng không nhúc nhích.
- Vì sao mà tôi lại phải xin lỗi kia! Tôi không trốn công trốn việc! Giá như người ta cứ bảo thẳng cho tôi biết tôi phải làm gì thì tôi đã làm rồi! - Pôlia nhìn chằm chằm vào Anphixa, bốn con mắt họ thách thức. Đôi mắt đen của Anphixa bốc lửa, ném ra những tia nóng bỏng. Và mặc dầu Pôlia cảm thấy rất khó chịu vì cái nhìn giận dữ đó, đôi mắt sáng trong của cô vẫn không ngoảnh nhìn đi nơi khác. Cô nhìn Anphixa không chỉ với thái độ coi khinh, mà còn với một vẻ vô cùng kiên quyết. Anphixa thấy rõ thái độ kiên quyết, không hề sợ hãi của con dâu, mụ đành chịu lui. Pôlia ngay lập tức nhận ra sự đầu hàng của mụ, Cô muốn tận dụng đến cùng sự thắng thế trong cuộc đọ sức tay đôi ấy của mình:
- Bà Anphixa ạ, tôi và Nhikipho sẽ đi khỏi nhà này! Chúng tôi nhất định sẽ đi. Tôi sống ở đây mới được bốn tuần, thế mà bà đã nói tôi những lời như thế! Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra khi tôi ở đã được một năm, hay là hai năm kia chứ?
Anphixa quay ngoắt lại và nhẹ nhàng, chậm rãi lướt đến bên đứa con trai. Nó vẫn đứng như trời trồng, đầu rũ xuống và hai vai co dúm.
- Điều nó nói là sự thật à?! Nhikipho, mày nghe thấy chứ! Sự thật là như vậy ư? - Anphixa thọc hai tay vào sau tấm tạp dề to tướng và hai nắm tay như hai quả bóng cứ trườn qua trườn lại ở bên trong.
- Nhikipho, anh hãy nói cho bà ấy biết về sự thỏa thuận của chúng mình đi! Nói đi! - Pôlia nói to, kéo chiếc khăn vuông khỏi đầu mình và cởi khuy chiếc áo ấm mùa đông.
Nhikipho im lặng.
- Ngẳng đầu lên, thằng đốn mạt kia! Mày nghe thấy chứ! Tao hỏi mày: điều nó nói là sự thật à? - Anphixa buông tấm tạp dề ra, và hai tay mụ lúc này khoanh trước ngực.
Nhikipho im lặng.
Anphixa như điên như dại đứng trước mặt con, sẵn sàng bất cứ lúc nào sẽ nhảy bổ vào nó, quật nó ngã giúi xuống mặt sàn gỗ sơn màu vàng nhạt, bên cạnh chân mình. Sự việc đó chắc là sẽ xảy ra, nếu như Đômnusca không chạy nhào vào hàng hiên.
- Đủ lắm rồi, Anphixa! Ông chồng yêu quý của chị đã về rồi đấy. Chân đi không vững kia kìa!
Anphixa đẩy tay vào vai Nhikipho, nó loạng choạng, nhưng không bị ngã.
- Đi ra đón bố đi!
Nhikipho lao như tên về phía giá treo áo, ấn cái mũ vào đầu, giật chiếc áo ấm mặc mùa đông và không xỏ tay vào áo, chạy bổ ra khỏi cửa. Đôi mắt đỏ lên trong ánh đèn liếc nhìn Pôlia, Anphixa lướt nhẹ theo con, không kịp trùm cả chiếc khăn choàng lên đầu.
- Giận dữ làm cho bà ta như lửa cháy! Giá rét cũng chẳng mùi mẽ gì! - Đômnusca nói với theo và khì khì cười.
Pôlia không đáp lời. Cô đứng ngây ra, chẳng biết nên ra sao: hoặc mau mau đi khỏi nơi đây để có thể về tới Parabên với bố trước lúc đêm hôm khuya khoắt hoặc chạy tọt vào căn buồng nhỏ của mình mà ngồi ì trong đó.
Đã nghe thấy tiếng động và tiếng Êpiphan đang say nói lảm nhảm ngoài bậc thềm. Pôlia vội trốn vào căn buồng riêng của mình dưới chân cầu thang lên tầng gác hai. Đômnusca cũng lẻn ra sau bếp lò lên chỗ nằm của mình.
Êpiphan quả có đang say, nhưng Đômnusca đã quá phóng đại lên khi nói rằng lão ta đi không vững. Êpiphan đi còn vững lắm, lão ta chỉ hơi ngật ngưỡng thôi. Anphixa định giúp lão cởi chiếc áo ấm bằng lông nai nhưng lão không cho, thậm chí không được động vào người lão.
- Tôi làm được! - lão quát lên và giơ cánh tay để gạt vợ ra. - Này, em, hãy mừng đi! Tôi đã giao kèo được một món mà chỉ nghe thôi là em đã choáng váng lên rồi! Đã thỏa thuận là sẽ đưa bảy trăm pút cá lên Tômxcơ! Bán buôn! Luôn một chuyến! Mỗi pút đã lãi khá rồi! - lão Êpiphan vừa lắp ba lắp bắp, vừa cởi bỏ chiếc áo ấm mùa đông, áo gilê dài và đôi ủng dạ có thêu bằng sợi màu đỏ.
- Lên gác đi! Lên đi! Rồi hãy kể sau! - Anphixa nói nhỏ định ngắt lời chồng, vì mụ biết rằng Pôlia và Đômnusca sẽ nghe thấy những lời Êpiphan đang ba hoa. Trên đời này mụ ghét nhất là ai biết về bất cứ việc gì trong nhà mụ, đặc biệt là công việc làm ăn buôn bán. «Chúng nó sẽ đưa chuyện, bàn tán, rồi sẽ gây khó khăn cho mình vào đúng cái phút giây nguy hiểm nhất», - đã nhiều lần mụ nói với chồng như vậy, vì Êpiphan rất thích khoe khoang việc ăn nên làm ra của mình trong nghề buôn bán.
- Con Pôlia đâu? Gọi con Pôlia ra đây cho tôi nào! - Êpiphan cao giọng. - Tôi mang quà về cho nó, cho con bé đáng yêu ấy, đây, đây, quà đây! - Lão lôi từ một chỗ nào đó trong ngực áo ra một chiếc khăn bằng tơ màu đỏ và đôi khuyên vàng to tướng.
- Êpiphan, ông điên rồi sao? - Có thể đây là lần đầu tiên trong đời mình ở ngôi nhà này Anphixa đã hét to như thế. - Nó không xứng đáng! Nó không làm gì để đáng được như thế.
- Đã bảo là gọi con Pôlia ra đây kia mà! Pôlia ơi, Pôlia! - lão gọi to, vừa đi về phía căn buồng dưới chân cầu thang.
Pôlia đã nghe thấy hết. Cô đứng nép người vào trong một góc buồng, cả người thu lại trong chiếc áo ấm mùa đông chưa cài cúc, và chiếc khăn quàng trên vai. Chiếc khăn vuông bằng lụa vắt qua tay Êpiphan như đang bốc cháy. Tưởng như chỉ một giây nữa thôi - và cả ngôi nhà của họ Crivôrucốp cũng sẽ bốc cháy không sao dập được vì ngọn lửa kia. Êpiphan choàng chiếc khăn vuông lên người Pôlia, còn đôi khuyên thì đặt trên chiếc gối.
- Không cần đâu! Tôi không nhận quà của các người đâu! Không nhận đâu! - Pôlia tưởng như mình đã hét lên những lời như vậy, nhưng cả Êpiphan, cả Anphixa, cả Đômnusca, cả chồng cô, thằng Nhikipho đã tháo ngựa ra cho bố và vừa bước vào nhà đều không nghe thấy lời cô nói. Cổ cô nghẹn tắc, và môi cô, đôi môi tím ngắt như môi người chết, mấp máy mà không ra tiếng.
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri