Chương 4 - Vùng Biển Mất Tích
hượng biến thành một người kể chuyện cổ tích. Ðối với Sơn đây là một chuyện lạ không thể nào tưởng tượng nổi. Một chuyện cổ tích không giống chuyện "Con Tấm con Cám", không giống chuyện Thánh Gióng hay Aladin và cây đèn thần. Ðây là chuyện cổ tích xưa nhất, thuở trái đất chưa có con người, chỉ có cây cối, đất đá và một số sinh vật sống dưới nước.
Một điều khác lạ nữa là câu chuyện cổ mà Phượng kể không phải là chuyện thần thoại hoang đường mà là chuyện có thật.
- Cách đây khoảng 200 triệu năm. Phượng kể, vùng thác Trị An này là một cửa biển. Lúc ấy nơi đây chưa có đá, chưa có rừng cao như bây giờ. Một vùng sông nước lợ tiếp giáp với biển nhưng lại chưa có các loài cá loài tôm, cua như bây giờ. Những thủy sinh vật lúc ấy cũng chỉ là mấy con sò, con ốc nhỏ có những tên khoa học rắc rối. Ngoài ra còn có một sinh vật biển hình dáng như cái hoa cúc nở, có con nhỏ như cái móng tay, có con lớn như một cái đĩa bàn. Nhưng dù lớn hay nhỏ nó cũng có hình một cái hoa cúc sắc sảo, đẹp đẽ. Tên sinh vật ấy là con Cúc Ðá.
Sơn đang chăm chú nghe chợt kêu lên:
- A. Vậy thì đây không phải là vết chân ngựa thần mà là con Cúc Ðá.
- Ðúng. Nó là con Cúc Ðá.
- Nhưng sao nó không ở dưới nước như chị nói mà nó lại lơ lửng trên không như thế này?
- Ban đầu thì nó cũng ở dưới nước, nhưng rồi một chuyển động dữ dội của vỏ trái đất xảy ra, nó co lại. Lớp bùn sình và cát ở cửa biển bị nén ép lại rất mạnh. Con Cúc Ðá bị vùi trong bùn và cũng bị nén lại. Vậy là cả cái vùng cửa biển này bỗng chốc biến thành một vùng đá cứng nằm giữa những lớp đá gồ lên thành đồi, thành rừng. Và con Cúc Ðá của em, sau những lần chuyển động kế tiếp, lại bị đẩy lên tận trên cao.
Sơn nghe rất chăm chú nhưng lòng cứ băn khoăn. Em hỏi:
- Nhưng sao chị biết là chuyện đó xảy ra cách đây hai trăm triệu năm?
- Có nhiều cách để biết. Ví dụ như phương pháp đồng vị phóng xạ. Nhưng cách ấy em chưa hiểu được đâu. Chị chỉ nói đơn giản rằng người ta có thể căn cứ vào sự có mặt của con Cúc Ðá mà biết được tuổi của đá… Bởi vì sinh vật này chỉ xuất hiện cách đây khoảng hai trăm triệu năm mà thôi, sau đó bị diệt chủng luôn. Do đó hòn đá chứa nó bên trong phải có tuổi tương đương với nó. Hơn thế nữa, con Cúc Ðá là một sinh vật sống ở vùng ven biển, do đó người ta có thể kết luận vùng Trị An này lúc ấy là vùng ven biển cũng giống như vùng huyện Duyên Hải của ta bây giờ.
Sơn lại hỏi:
- Thế dòng sông này ở đâu mà ra?
- Dòng sông Ðồng Nai xuất hiện sau này, nhỏ tuổi hơn con Cúc Ðá của em rất nhiều. Nó chỉ mới ra đời cách đây chừng một triệu năm. Phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên ở Ðà Lạt chảy xuống Long Khánh, La Ngà, Vĩnh An, Ðịnh Quán rồi tới đây, uốn éo lượn vòng theo những chỗ trũng của mặt đất. Nó chảy trên những nền đá. Tại vùng Trị An này lòng sông là cả một nền đá phiến dày hàng ngàn mét, vững chắc vô cùng. Em có thấy những mẫu đá khoan được người ta để trong cái chòi gần trường em đó không?
- Thấy. Sơn đáp. Ðá cứng, xanh lè.
- Người ta khoan sâu xuống tới cả ba mưới mét đấy. Toàn đá. Ngon lành lắm. Toàn bộ cái nền đá khổng lồ và vững chắc ấy là do bùn và cát ở vùng cửa biển này bị nén ép mà tạo nên cả. Em đã thấy mặt đất kỳ diệu chưa?
Sơn cười, thích thú:
- Lạ quá. Ở đây không ai biết những chuyện đó. Em phải kể cho má em nghe. Chắc má em ngạc nhiên lắm. À, mà chị có ghé Bến Nôm không?
- Có. Chị ghé đó mấy lần để khảo sát, trước khi khảo sát ở đây. Nhưng em muốn hỏi cái gì ở đó?
- Em thấy ờ Bến Nôm có nơi đất đỏ lòm. Sao kỳ vậy há? Cách nhau có hơn mười cây số mà đất ở đây lại vàng còn ở đó lại đỏ.
Phượng như chợt nhớ ra điều gì vội lấy sổ tay ra ghi rồi vừa ghi chị vừa nói:
- Ðất đỏ là đất ba-dan đấy. Em có nghe người ta nói về đất ba-dan chưa?
- Chưa.
- Ðất đó do núi lửa phun ra. Cách đây chừng một triệu năm. Vẫn nhỏ tuổi hơn con Cúc Ðá của em rất nhiều. Hồi đó ở vùng Bến Nôm có núi lửa phun lên. Ở trong ruột trái đất là một chất lỏng sền sệt nóng vô cùng nóng. Bởi vì nó là đá chảy lỏng ra mà. Khi vỏ trái đất nứt thì nó theo kẻ hở phun vọt ra tạo thành núi lửa. Chất lỏng sền sệt ấy theo triền dốc núi chảy tràn xuống, chảy đến đâu đốt cháy rụi cây cỏ đến đó. Chảy một thời gian thì cái lớp đá lỏng trên mặt khô dần đi và cứng lại thành đá nhưng lớp phía dưới vẫn còn lỏng. Cứ tiếp tục chảy cho tới khi núi lửa hết phun thì nó chảy tuột đi chỉ còn trơ lại cái vỏ ngoài đã khô đi và thành đá. Thế là ta có một cái hang đá rỗng ruột. Người ta gọi đó là những hang ba-dan. Ở Bến Nôm có một số hang ba-dan như thế. Ðó cũng là một mối lo cho những người làm đập thủy điện.
- Sao lo?
- Lo chứ. Em cứ tưởng tượng đi. Một vùng đất cứng chắc như thế, bỗng nhiên lại chứa trong nó những cái hang lớn, rỗng ruột chẳng khác nào cái thùng chứa nước lại bị mấy cái lỗ mọt. Mai mốt xây xong hồ chứa nước thì nước sẽ theo mấy cái hang ba-dan ấy mà chảy tuột đi mất thì làm sao hồ đầy được, làm sao đủ nước để làm quay tua-bin được? Em đã thấy cái hang ba-dan ở Bến Nôm chưa?
- Chưa. Ở chỗ nào vậy?
- Thì ở ngay cái dốc xuống bến sông đó. Chỗ vườn chuối có con suối cứ rỉ nước ra hoài, người dân ở quanh quanh đấy thường ra suối gánh nước, giặt đồ. Em nhớ chưa?
- Tưởng chỗ nào. Chỗ đó em biết rồi. Chỗ đó có đá ong.
- Ðúng rồi. Ðá ong chính là dung nham trong núi lửa, khô lại rồi bị mưa nắng lâu đời làm tiêu hủy dần mà thành đá ong. Tiêu hủy nhiều hơn nữa thì thành đất ba-dan, tức là đất đỏ. Như em thấy đấy. Cái mội nước như ở Bến Nôm coi vậy chớ rầy rà lắm đó.
Sơn suy nghĩ một lúc, lại hỏi:
- Làm sao mình bít nó lại được?
- Bít được chớ. Người ta có máy bơm rất mạnh, bơm xi măng vô, hàn lại. Nhưng cái quan trọng là ngay bây giờ phải tìm cho hết những cái hang ba-dan như thế, rồi còn phải tìm những dòng sông cổ. Tìm không sót cái nào để bơm xi-măng vô bít hết mới được.
Sơn lại bị đưa vào những thắc mắc mới.
- Dòng sông cổ là cái gì?
- Nó là những dòng sông đã mất tích từ lâu đời. Tức là đã cạn khô từ đời nào. Có thể ngày nay nó đã bị đất đá phủ lên trên, cây cối mọc lên trên nhưng bên dưới nó vẫn là cát. Mà em đã biết là cát thì thấm nước cho nên mai mốt mình chứa nước trong hồ thì nước cũng có thể thấm theo cát mà chảy tuột ra ngoài.
Sơn thở dài lắc đầu:
- Cha. Cực quá. Làm nhà máy thủy điện sao mà khó quá chị Phượng, há? Vậy mà trước đây em tưởng làm chơi chơi.
- Khổ lắm em ạ. Bao nhiêu người phải đổ mồ hôi công sức, phải mất ăn mất ngủ vì nó. Có khi toàn dân phải lo cho nó mới được. Tại vì nước mình nghèo mà. Phải đem sức cả toàn dân ra làm mới nổi.
Sơn lại thở dài. Không phải em buồn nhưng em thoáng nghĩ tới ba em và cái hôm ông vác rựa giận dữ chặt cây mít trong vườn. Tự nhiên em thấy vừa tội nghiệp ông vừa tức ông. Rồi em nghĩ thương má quá chừng. Chắc mình phải nói cho má biết hết những gì mình đã được biết về công trình thủy điện này. Nói cả cho ba biết nữa mới được. Sơn muốn chạy về nhà ngay lúc đó. Em tin chắc rằng em có thể truyền đạt hết cả những kiến thức mà Phượng đã nói, truyền lại được cả niềm say mê về một tương lai rất đẹp của vùng đất này. Nó nói:
- Thôi, em về.
- Em không đi đưa đò à?
Sơn mới chợt nhớ ra:
- Em quên. Thôi chị về đi. Em ra bến sông. Tụi nhỏ chắc đang đợi em. Chị có đồng hồ không?
- Không. Phượng nhìn bóng nắng. Nhưng chắc không muộn đâu.
Sơn quay đi. Nhưng Phượng đã nắm tay níu lại. Sơn nhìn sững vào đôi mắt rất đẹp của Phượng, chờ đợi một điều gì đó. Phượng nói:
- Tối nay em làm gì?
- Ôn bài một chút thôi.
- Tối nay có chiếu phim đấy. Ðội chiếu bóng ở thành phố lên chiếu. Chị sẽ lại dẫn em đi coi. Ðợi nghen.
- U-ra. Sơn bắt chước hồng quân trong các phim chiến đấu reo lên như thế. Rồi em bỏ chạy. Nhảy qua các mô đá nhanh như con sóc.
Vùng Biển Mất Tích Vùng Biển Mất Tích - Đạo Hiếu Vùng Biển Mất Tích